Nguyễn Du

Loading...

Truyện Kiều - một phần của đời sống người dân Việt

Luân chuyển liên tục trong các bối cảnh văn hóa, biểu đạt đa dạng bởi các chủ thể văn hóa, nghĩa của Truyện Kiều không ngừng được đắp bồi, sức sống của Truyện Kiều không ngừng tăng lên. Có thể nói, Truyện Kiều đã trở thành một phần của đời sống người dân Việt.
 
Hát xẩm Kiều của CLB dân ca “Góc phố” TP Hà Tĩnh.
 
Văn hóa cao cấp trong đời sống văn hóa hằng ngày
 
Với Truyện Kiều, chúng ta chứng kiến một hành trình đặc biệt: tác phẩm đi từ không gian hẹp của đời sống văn hóa cao cấp (thi phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, thi nhân tiêu biểu quốc gia, quan lại triều đình, nhà văn hóa tầm quốc tế) đến một không gian rộng hơn của đời sống văn hóa bình dân (đông đảo người dân lao động, những người không được học hành, thậm chí không biết chữ).
 
Các hoạt động của đời sống văn hóa cao cấp gồm: sáng tác thơ Nôm (dùng vỏ chữ Hán cấu tạo theo các quy luật và ngẫu hứng để ghi âm Nôm), trau chuốt ngôn ngữ một cách kỳ khu, khắc in tác phẩm Truyện Kiều, các hoạt động bình luận Truyện Kiều của các văn nhân. Trong khi đó, các thực hành văn hóa hằng ngày thì học thuộc lòng Truyện Kiều (dù không biết mặt chữ), ru con, lẩy thơ, bói toán. Với bản Nôm của truyện thơ dài 3.254 câu, người bình thường biết một ít chữ hoặc người bình dân không biết chữ đều muốn dự phần hiểu biết khi thuộc/hiểu nó.
 
Hiện tượng này đã đi vào những câu ca dao chỉ độ che phủ của Truyện Kiều tới đời sống văn hóa hằng ngày như: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều”...
 
Không chỉ được ngâm nga lúc thanh nhàn, Truyện Kiều còn trở thành một chủ đề sống động và hấp dẫn đối với các chiến sĩ trong bom đạn Trường Sơn. Trong hành trang của các chiến sĩ có nhiều loại bản Kiều, và việc “đố”, “lẩy”, “tập” Kiều giữa các trận đánh ác liệt đã mang lại một nguồn cảm hứng sống, một an ủi tinh thần lớn lao.
 
Một tiết mục dân ca ví, giặm dựa trên trích đoạn Kiều của CLB Dân ca ví, giặm Xuân Giang - Nghi Xuân.
 
Như vậy, có thể nói, Truyện Kiều là một bản lề giữa văn hóa cao cấp và văn hóa bình dân Việt Nam suốt mấy trăm năm qua và nói như nhà nghiên cứu La Khắc Hòa, “hai trăm năm nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành bộ phận không thể tách rời trong đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam nói chung và đời sống văn học nói riêng”.
 
Tái tạo để phổ dụng
 
Nhà nghiên cứu John Storey, Đại học Sunderland (Vương Quốc Anh) nói về văn hóa phổ dụng: thứ nhất, chủ thể của nó là đông đảo người dân; thứ hai, nhịp điệu của nó là nhịp điệu của đời sống đích thực đang diễn ra; thứ ba, trạng thái của nó là sự hòa trộn giữa văn hóa cao cấp và văn hóa bình dân.
 
Khác với vòng đời của những tác phẩm kinh điển nổi tiếng trên thế giới, việc tái sáng tạo ở vòng đời sau sáng tác của Truyện Kiều không chỉ dừng lại ở việc khuấy động lên các tranh biện học thuật và tư tưởng mà còn trực tiếp đi vào các sinh hoạt xã hội và diễn ngôn chính trị. Hiếm có một tác phẩm văn học nào thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội và những nhân vật chính trị hàng đầu như Truyện Kiều.
 
Trong hoạt động xã hội, việc tập/lẩy Kiều được diễn ra trong một phạm vi rộng lớn: từ nhận xét mỉa mai bằng việc ngắt lại câu thơ để đổi ý thơ (Khen cho con mắt tinh đời) đến việc sử dụng vế, đoạn, câu Kiều trong dân ca đối đáp (Anh xa em như bến xa thuyền/ Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi), tái hiện câu chữ và hình ảnh trong sáng tác thơ hiện đại (Tố Hữu, Chế Lan Viên) cho đến việc tái tạo ra một văn bản mới (trường hợp như 20 bài tập Kiều của Lý Văn Phức hay Truyện Kiều rút gọn của Hà Mai Khôi, Tập Kiều thơ Hán cổ do Nguyễn Tiến Đoàn sưu tầm).
 
Một tiết mục trò Kiều của CLB Trò Kiều xã Xuân Liên.
 
Việc tập/lẩy Kiều trong các hoạt động lời nói và sáng tác nghệ thuật, nói như Phan Công Khanh, là “một kiểu giao tiếp đặc biệt”, “một cách tái sinh văn chương Truyện Kiều trong đời sống”.
 
Trong các diễn ngôn chính trị, nhiều lãnh đạo cao cấp đã sử dụng các câu Kiều trong phát biểu của mình. Tại cuộc gặp kiều bào ta ở Pháp nhân tham dự hội nghị Fontainebleau, khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn bằng một câu Kiều: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần sử dụng các câu Kiều trong phát biểu của mình như trong phát biểu về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 24/3/2020 (Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài). Trong các cuộc gặp chính thức với lãnh đạo cao cấp Việt Nam, các tổng thống, phó tổng thống Hoa Kỳ đều lẩy Kiều để “thay lời muốn nói” về quan hệ bang giao hai nước mà báo chí đã nhắc đến rất nhiều.
 
Việc nhìn nhận các thực hành văn hóa đa chủ thể trong nhiều bối cảnh đa dạng cho thấy rõ một thực tế là trong hơn 200 năm qua, Truyện Kiều đã không ngừng được tái tạo để trở thành một hiện tượng văn hóa phổ dụng. Sự hòa trộn của việc thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và sự đơn giản của các loại thực hành văn hóa thường ngày đã khiến Truyện Kiều mang thêm sức sống mới và gần gũi hơn với đời sống hằng ngày.
 
Đa dạng hóa sản phẩm để đến với đại chúng
 
Nhằm thỏa mãn thị hiếu đa dạng của đông đảo người dân, Truyện Kiều còn bước lên sân khấu, từ chèo, cải lương đến kịch nói hoặc điện ảnh. Các vở chèo “Dòng lệ Tố Như”, “Tú Bà đánh ghen”; các vở cải lương “Kiều - Hoạn Thư”, “Thúy Kiều”; vở kịch thơ “Kiệu Hoa”, vở kịch thể nghiệm “Nguyễn Du - Kiều”; các tác phẩm âm nhạc, bộ phim “Kim Vân Kiều” (1923)... là những thể nghiệm để đưa Nguyễn Du và Truyện Kiều đến với đại chúng trong những thập kỷ qua.
 
Bộ phim “Kim Vân Kiều” được người Pháp sản xuất năm 1923 cho thấy rõ xu hướng đại chúng hóa một tác phẩm văn học kinh điển bằng việc sử dụng công nghệ điện ảnh và sự vào cuộc của truyền thông. Xu hướng đại chúng hóa còn được thể hiện rõ hơn trong bộ phim cổ trang Kiều ngoại truyện được công chiếu trên web năm 2018 và thu hút được sự chú ý của nhiều cư dân mạng.
 
Trong năm 2020, vở ballet Kiều đã công diễn thu hút nhiều người xem và năm 2021, bộ phim “Kiều” đã ra mắt khán giả.
 
Một phân đoạn trong “Ballet Kiều”.
 
Bước ra khỏi đời sống văn bản, Truyện Kiều sống trong một đời sống văn hóa hết sức đa dạng và sinh động. Các thực hành văn hóa đa chủ thể đã đưa Truyện Kiều vào không gian văn hóa hằng ngày, biến nó thành văn hóa phổ dụng và làm cho nó trở thành văn hóa đại chúng. Bên cạnh những hoạt động phê bình, nghiên cứu khẳng định giá trị vượt thời gian của chỉnh thể tác phẩm, việc đưa nó vào các thực hành văn hóa cũng chính là cách để làm mới tác phẩm này.
 
Phân tích kỹ sự hiện diện của Truyện Kiều ở 3 bộ phận văn hóa nói đến trong bài viết này, ta có thêm một cách đọc mới mà từ đó, các vấn đề chính trị, xã hội đương thời, sự biến đổi văn hóa và sự thay đổi hệ hình nghiên cứu và tiếp nhận văn học sẽ được nhìn nhận sâu hơn.
 
 
Theo PGS.TS Trần Thị An/baohatinh.vn

Trung Quốc khai quật mộ bà của Tần Thủy Hoàng

Sáng nay (12-9), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Công ty cổ phần mỹ thuật và xây dựng Việt Nam là đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng quy hoạch. Phạm vị nghiên cứu quy hoạch gồm 340 ha thuộc địa phận xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân. trong đó diện tích bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt có khoảng 50ha. Quy hoạch hình thành 4 khu chức năng chính: 1. Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du: là khu vực không gian quảng trường lễ hội, không gian trưng bày, diễn xướng ngữ văn dân gian làng Tiên Điền, không gian tham quan và du lịch chủ đề. 2. Không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; 3. Không gian Nguyễn Du: giới thiệu minh họa, thuyết minh về cuộc đời của Đại thi hào, gia tộc, thân thế, sự nghiệp và tha m quan tìm hiểu về lịch sử thời đại Nguyễn Du (150 năm cuối thời kỳ trung đại lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Nghiễm đến Nguyễn Công Trứ) 4. Không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra quy hoạch còn có 2 trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành; Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương và nghề truyền thống “Tiểu triều đình”. Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo nội dung quy hoạch đã có nhiều ý kiến góp ý làm đề nghị rõ về chức năng của các khu chính, sự liên hoàn giữa các phân khu với nhau, tính thực tế và khoa học, diện tich nghiên cứu quy hoạch và diện tích triển khai thực hiện... cần quan tâm đến môi trường sinh thái, tính dân sinh, giao thông, thoát nước phù hợp với điều kiện thức tế của địa phương. Chú trọng tới khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà bảo tàng Nguyễn Du, phục dựng một số điểm di tích liên quan văn hóa cộng đồng làng. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện - PCT thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cơ bản thống nhất với quy hoạch được báo cáo và đê hoàn thiện quy hoạch đ/c PCT tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính khả thi xứng tầm với Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, sớm hoàn thiện trình lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi hoàn chỉnh quy hoạch trình chính phủ phê duyệt. Bách Khoa

Xem tiếp
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.