Nguyễn Du
Loading...
Tham quan ảo 3D
Bộ đếm lượt truy cập
Trò Kiều trong đời sống hàng ngày
Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể nói là cuốn sách xưa nay hiếm của văn học Việt nam, bởi lẽ, nó có tính phổ cập trong quảng đại quần chúng nhân dân. Không thể thống kê hết số người thuộc Truyện Kiều, và cũng thật dễ dàng bắt gặp ở đâu đó người dân nói chuyện với nhau cũng vay mượn ý tứ, câu từ trong truyện Kiều. Họ mê Truyện Kiều, họ say Truyện Kiều, cho nên họ đã nghĩ ra nhiều cách thưởng thức Truyện Kiều rất khác nhau. Từ Vịnh Kiều, Bình Kiều mang đậm màu sắc của giới trí thức nho học, đến Ngâm Kiều, Lẩy Kiều, và đặc biệt là Đố Kiều, Bói Kiều mang đậm màu sắc dân gian đã thu hút được số đông mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Đố nằm trong lĩnh vực hoạt động văn hoá dân gian ,đố là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian rất độc đáo của người Việt đã được mọi người ưa thích. Ngoài chức năng giải trí, đố còn nhiều chức năng xã hội quan trọng khác. Đối tượng tham gia đố và giải đố rất rộng rãi, bao gồm cả người già lẫn người trẻ, cả giới trí thức lẫn những người bình dân. Nhiều câu đố hay, độc đáo đã trở thành bất tử, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Hình thức tổ chức đố cũng rất đa dạng và phong phú: Đố vui, đố có thưởng, đố có một người, đố cho tập thể, đố trong lễ hội, đố trên các phương tiện thông tin đại chúng v.v…thông qua hình thức đố, chúng ta có thể hiểu thêm về tâm hồn, tình cảm, trí thông minh và cốt cách của người Việt. Câu đó vừa có tính trí tuệ, tính giải trí lại có cả tính giáo dục cao. Đố là nhằm thử tài người khác. Để thử tài người khác, cần có những câu đố khó, buộc người giải đố phải vắt óc suy nghĩ. Có thể nói, quan hệ giữa người ra đố và người giải đố là mối quan hệ đối ứng. Người ra đố là người “khóa mã tác phẩm” và người giải đố là người “giải mã tác phẩm”. Câu đố càng khó, càng độc đáo bao nhiêu thì độ hay, độ hấp dẫn của nó càng lớn bấy nhiêu. Để có những câu đố hay, những câu đố khó, đòi hỏi người ra đố phải vận dụng toàn bộ vốn sống, vốn hiểu biết, vận dụng trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng của mình. Ngược lại, người giải đố cũng phải tiến hành những thao tác tư duy tương tự. Đố được coi là một hình thức rèn luyện trí thông minh của con người, nhất là cho giới trẻ.
Để dễ đọc, dễ nhớ, để tạo ấn tượng và sức hấp dẫn, các câu đố thường được dùng dưới hình thức của các thể thơ truyền thống (thơ lục bát, thơ tứ tuyệt, câu đối…).Sự hấp dẫn của câu đố, một phần quan trọng là do việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật rất độc đáo. Như: phép nhân hóa, phép lạ hóa, lố chơi chữ, đố tục giảng thanh...
Xuất phát từ tính phổ biến của Truyện Kiều trong đời sống dân gian, Đố Kiều đã trở thành một trò chơi văn nghệ được người dân yêu thích. Điều đặc biệt là khi chơi trò này, cả người ra câu đố và người giải đố thường dùng thơ và chủ yếu là thơ lục bát để chuyển tải ý của mình. Trò chơi đố Kiều diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở xứ Nghệ nói chung và địa bàn Nghi Xuân nói riêng, Đố Kiều thường diễn ra trong các cuộc hát phường vải, đó là hình thức hát đối đáp giữa hai nhóm người, một bên là các cô thôn nữ ngồi quay tơ dệt vải, một bên là các chàng trai từ các địa phương khác đến. Họ hát đối đáp về nhiều mảng đề tài khác nhau, song Đố Kiều luôn chiếm một vị trí quan trọng. Đố và giải đố diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, cho nên các đối tượng tham gia không những đòi hỏi phải thuộc, phải hiểu truyện Kiều mà còn phải có cách phản ứng nhanh trong việc diễn tả ý của mình dưới hình thức thể thơ lục bát, và hát theo làn điệu dân ca ví dặm xứ Nghệ. Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi xin dẫn một vài ví dụ như sau:
Dạng câu đố rất đơn giản, nhưng yêu cầu trả lời nhanh, nên đối phương lúng túng:
Truyện Kiều anh thuộc đã lòng
Chỗ nào tơ liễu mà không buông mành?
Trả lời:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Dạng câu đố phổ biến nhất vẫn là lời giải được trích dẫn y nguyên một câu Kiều:
Truyện Kiều anh thuộc đã làu
Đố anh kể được một câu năm người?
Trả lời:
Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu
Dạng câu đố có lời giải không phải một câu Kiều mà lại là sự tổng hợp của nhiều câu Kiều khác nhau. Tuy nhiên, loạt câu đố vui đùa theo kiểu chơi chữ lại chiếm một tỷ lệ lớn. Người chơi đã mượn truyện Kiều để mang lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người. Ví dụ:
Tiện đây hỏi một hai điều
Thiếp tôi chưa rõ nàng Kiều ai sinh?
Trả lời:
Hổ sinh ra phận tơ đào
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong
Khái (hổ) sinh Kiều, thật lạ lùng
Trả lời như rứa, thỏa lòng em chưa?
Nổi danh tài sắc đủ điều
Tại sao lại bảo nàng kiều sứt răng?
Trả lời:
Hở môi ra cũng thẹn thùng
Sứt răng nàng sợ, chúng trông, bạn cười
Đến đây hỏi khách cựu giao
Chàng Kim đau bụng thế nào chàng ơi?
Trả lời:
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày....
Như vậy, có thể nói rằng, Truyện Kiều của Nguyễn Du không chỉ làm say mê giới nghiên cứu phê bình văn học, mà nó còn có sức thu hút, mê hoặc mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi.
Võ Thị Bích Ngọc - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
(Tham luận Hội thảo khoa học Nguyễn Du - Truyện Kiều với quê hương Nghi Xuân)
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.