Nguyễn Du

Loading...

Tình hình nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều tại Liên bang Nga

Truyện Kiều là một trong những tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được nghiên cứu, lược dịch và đưa vào giảng dạy trong những khoa Tiếng Việt và bộ môn văn học Phương Đông trong các Trường Đại học ở Liên Xô trước đây và ở Nga hiện nay.

Vài nét về việc giới thiệu văn học Việt Nam ở Liên bang ở Nga.

 

 

Có thể nói rằng, chính quyền Xô Viết trước đây đã đầu tư rất lớn cho việc nghiên cứu, xuất bản các tác phẩm văn học nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Việt Nam vào cuối những năm 50, đầu những năm 60,70 của thế kỷ trước với chiến thắng Điện biên phủ, đứng ở tuyến đầu chống Mỹ, trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhân dân Liên Xô.

 

Trong vòng hai mươi năm, từ năm 1965 – 1985 các nhà Xuất bản Văn học Nước ngoài, Nhà xuất bản Cầu Vồng, Nhà Xuất bản Thiếu nhi và Nhà Xuất bản Văn học ở Liên Xô đã dịch và xuất bản một khối lượng lớn Văn học Việt Nam bao gồm nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện cổ tích và các tuyển tập văn học qua các thời kỳ. Không chỉ các nhà thơ, nhà văn hiện đại như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Тô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cân, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng, Bùi Hiển, Ma Văn Kháng, Võ Huy Tâm, Xuân Quỳnh, Bằng Việt… được dịch và in với số lượng lớn; mà những nhà văn cổ đại, cận đại Việt nam cũng được nghiên cứu và dịch thuật một cách có hệ thống.


Các tác phẩm văn học dân gian, truyện nôm khuyết danh, thơ chữ Hán như Hồng Đức Quốc âm thi tập, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, và đặc biệt là Truyện Kiều được chọn dịch và đưa vào giảng dạy tại các Viện Phương Đông và các Khoa Ngữ Văn của các Trường Đại học.

 

Ngoài ra các Tuyển tập thơ thế giới đã tuyển chọn những bài thơ của các tác giả Việt Nam nhiều giai đoạn, được dịch và đăng chung với thơ tuyển Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc (1)

 

Các Khoa tiếng Việt và các Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Liên Xô, ngoài các giáo trình riêng về văn học Việt Nam, còn có những giáo trình chung về văn học Phương Đông, giới thiệu diện mạo mười thế kỷ văn học viết Việt Nam và chân dung tiêu biểu của các nhà văn Việt Nam qua các thời kỳ.


Thời kỳ hậu Xô Viết và những năm đầu của nước Nga mới là một giai đoạn cực kỳ khó khăn của nhân dân Nga. Những thước đo giá trị mới làm đảo lộn hoàn toàn cách nhận thức và cuộc sống của người Nga.

 

Trong khoảng 25 năm đầu, từ năm 1992 đến 2007, hầu như không có một tác phẩm Văn học Việt Nam nào được dịch ra tiêng Nga.

 

Các trung tâm nghiên cứu Việt nam bị thu hẹp lại do nguồn kinh phí và chương trình đào tạo.

 

Nhưng khoảng 2008 đến bây giờ với sự ra đời của Quỹ dịch thuật Văn học Nga- Việt (2), việc dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga được khởi động. Theo kế hoạch, các tác phẩm trước cách mạng tháng Tám của Khái Hưng, truyện lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, tuyển tập văn học thiếu nhi Việt Nam… sẽ được tiến hành dịch ra tiếng Nga trong những năm tới.


Vấn đề nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều ở Liên bang Nga.

 

Trong các khoa Ngữ Văn của các Trường Đại học ở Liên Xô trước đây và ở Nga hiện nay, thời lượng dành cho việc giảng dạy văn học Phương Đông bao gồm các nước Trung Quốc, Nhật bản, Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ và các nước khác, gần như tương đương với văn học Phương Tây từ văn học Hy La cổ đại đến văn học các nước châu Âu.

 

Tuy chưa có một giáo trình riêng văn học Việt Nam, nhưng trong tất cả các giáo trình giảng dạy văn học Phương Đông, các chương viết về văn học Việt Nam vẫn chiếm một vị trí đáng kể. Các giáo trình của Viện Hàn lâm, của Bộ Giáo dục và Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva đã đánh giá rất cao nền văn học viết Việt Nam, đã nghiên cứu tiến trình lịch sử ra đời của chữ viết từ việc sử dụng chữ Hán đến cuộc cách tân của chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Các giáo trình văn học tập trung nhiều đến mảng văn học cổ cận đại, tìm hiểu đặc điểm loại thể độc đáo của văn học Việt Nam, nhất là thơ ca, đề cao bản sắc dân tộc Việt Nam được phản ánh qua nhiều thời kỳ.

 

Tại các trung tâm Văn học Á Phi thuộc Trường MGU, Trường Quan hệ Quốc tế, văn học Việt Nam đại cương được đưa vào chương trình giảng dạy tiếng Việt. Các bộ giáo trình Tiếng Việt do bộ môn tự soạn trích dẫn một cách có hệ thống văn học Việt Nam, do đó ngoài việc tiếp nhận kiến thức xã hội học, ngôn ngữ, sinh viên còn được trang bị kiến thức văn học một cách phong phú.
Tác phẩm Truyện Kiều là trọng tâm trong chương trình giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam trong các khoa tiếng Việt. Tác phẩm được đưa vào dạy lần đầu tiên năm 1959 tại Viện các nước Á Phi thuộc Đại học Tổng hợp Matxcova mang tên Lomonoxov (3) với sự tóm tắt nội dung chi tiết. Các trích đoạn đưa ra giảng dạy tương tự như trong các sách giáo khoa và giáo trình ở Việt Nam. Sau này, tại các trường Đại học có bộ môn Tiếng Việt như Đại học Quan hệ quốc tế, Đại học Tổng hợp Vladivostok, Đại học Tổng hợp Xanh Peterburg, Đại học Khoa học Xã hội Matxcơva và một số trường thuộc lực lượng vũ trang Nga đều đưa Truyện Kiều vào giảng dạy ở dạng tóm lược.


Đã có nhiều luận án tốt nghiệp Đại học của sinh viên các khoa Ngữ Văn lấy đề tài Truyện Kiều và Văn học Việt Nam.

 

Các bộ Từ điển Bách khoa toàn thư Liên Xô (1967), Đại từ điển bách khoa toàn thư (1969), Từ điển chú giải, Từ điển văn học (1971), Từ điển Ngôn ngữ học đều đưa vào mục Nguyễn Du và Truyện Kiều.

 

Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ của internet, các dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ, trên các trang mạng quảng bá du lịch Nga, trên các websites văn hóa, trong phần giới thiệu về Việt Nam, thường đưa Nguyễn Du và Truyện Kiều lên đầu trang như là một điểm nhấn nổi bật về đất nước và con người.

 

Bộ giáo trình văn học đáng chú ý nhất là bộ “Lịch sử văn học thế giới” (4) được coi là công trình nghiên cứu đầy đủ nhất về văn học Việt Nam và Truyện Kiều. Các tác giả đã đặt Truyện Kiều trong mối tương quan so sánh đồng đại với những tác giả nổi tiếng thế giới, để thấy rõ vị trí nổi bật của Nguyễn Du trong lịch sử văn học Việt Nam và nhân loại.

 

Giáo sư Tiến sĩ N.I.Nikulin được coi là người có công đầu cho việc nghiên cứu và truyền bá Truyện Kiều ở Liên Xô.  Bài viết đầu tiên “Vị trí của Truyện Kiều trong nền thi ca Việt Nam”5 đăng trên tạp chí “Những vấn đề văn học Phương Đông” năm 1960 đã giới thiệu cho độc giả Nga một nhà thơ Việt Nam lỗi lạc, mà tác phẩm Truyện Kiều được ví như là một “Evghenhi Onheghin” của Puskin.

 

Với công trình nghiên cứu được viết nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của thi hào Việt Nam: “Nguyễn Du, nhà thơ Việt Nam vĩ đại”6 đăng trên tạp chí “Văn học Nghệ thuật” – Matxcơva 1965, N.I. Niculin đã vinh danh nhà thơ lớn nhất của dân tộc Việt Nam, khi ông đề cao giá trị hiện thực và nhân đạo cao cả của Nguyễn Du trong bối cảnh rối ren của xã hội Việt Nam thế kỷ XVII- thế kỷ XVIII. Ông cho rằng, Truyện Kiều không phải là một tác phẩm mô phỏng, không phải là một bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân mà là một tiểu thuyết bằng thơ đầy sáng tạo, viết theo thể loại lục bát truyền thống, là đỉnh cao của văn học hiện thực Việt Nam. Sau này, trong nhiều công trình nghiên cứu của mình, ông đặt Truyện Kiều trong tổng quan văn học Việt Nam, ông cho rằng nó là kết quả của một nền văn hóa có bề dày hàng ngàn năm, là kết quả lao động của một thiên tài “vô tiền, khoáng hậu”

 

Một nhà nghiên cứu, đồng thời là dịch giả tiếng Việt, ông Marian Tkatrov, người đã dịch nhiều tác phẩm Việt Nam viết bằng chữ Hán ra tiếng Nga như “Truyền kỳ mạn lục”, “Kho tàngTruyện cổ tích Việt Nam”, Tác phẩm của Tô Hoài, Nguyễn Tuân…đã truyền bá không mệt mỏi văn học Việt Nam, đặc biệt là Truyện Kiều. Những bài giảng và những bài viết của ông đăng ở tạp chí Văn học của Trường viết văn mang tên M. Gorki, đánh giá Truyện Kiều của Nguyễn Du là một chuẩn mực ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng nhất. Dưới góc độ một dịch giả, một nhà nghiên cứu văn học Việt nam, ông cho rằng “đóng góp của Nguyễn Du đối với sự bảo tồn và phát triển tiếng Việt nam, cũng giống như là Puskin đối với tiếng Nga vậy”.(7)

 

Cũng với tinh thần nghiên cứu đó, một tạp chí văn hóa Nga cũng khẳng định rằng, Nguyễn Du đã có những đóng góp rất to lớn trong việc đưa tiếng Việt thuần khiết vào văn học, làm cho tiếng Việt đạt đến mức độ hoàn hảo, trong sáng hơn và, dù hơn hai trăm trôi qua, nhưng ngôn ngữ của Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn hiện đại (8)

 

Chưa có một thống kê chi tiết, là ở Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, có bao nhiêu người đã đọc Truyện Kiều và dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga, nhưng chắc chắn là bất cứ học giả nào nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn cổ, cận đại đều đọc Truyện Kiều; bất cứ Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giảng dạy Tiếng Việt đều đã dịch một số đoạn Truyện Kiều theo yêu cầu chuyên môn. Remartruc V.V. Giáo sư IXXA thuộc MGU là một người thuộc hầu hết Truyện Kiều; trong giáo trình ông soạn, có cả chục trang Kiều do ông dịch và phân tích, nhiều năm dùng giảng dạy cho các thế hệ sinh viên.

 

Hai bản dịch nổi tiếng nhất, được các dịch giả dày công sức và tâm huyết để thực hiện là bản dịch của Larin V.P. được dịch từ tiếng Việt và tham khảo tiếng Anh theo bản của Mikhael Kaunxel 9. Dù chưa dịch trọn vẹn, nhưng bản dịch đã được giới nghiên cứu và bạn đọc hào hứng đón nhận. Nó được đăng tải rải rác trên tạp chí văn học, được dùng trích dẫn trong các tham luận, các bài nghiên cứu về Nguyễn Du và được Nhà xuất bản Văn học thế giới ấn hành. Toàn bộ bản dịch này đã được công bố trên trang điện tử Tin tức Việt Nam (10).

 

Bản dịch Truyện Kiều công phu hơn cả là của nhà thơ, dịch giả Arkadi Steinberg được in trên tạp chí “Việt Nam” số 5-1988 (журнал "Вьетнам", №5, 1988) và đồng thời trong Tuyển tập «Thơ ca cổ điển Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản” đã in gần 20 trang bản dịch của ông.(11)


Bản dịch của dịch giả Arkadi Steinberg có các đoạn tóm tắt cần thiết về nội dung trước các chương, giúp cho người đọc nắm trước được những khái niệm và diễn biến. Nhờ đó, dù bản dịch chưa trọn vẹn, nhưng người đọc có thể nắm được hồn cốt câu chuyện; và những phần ông dịch là những gì tiêu biểu nhất, giàu chất thơ, cơ bản đã chuyển tải được giá trị nghệ thuật tinh túy của Truyện Kiều đến với bạn đọc Nga.

 

Một số trao đổi xung quanh việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga

 

Mặc dù Truyện Kiều, một tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam trong vòng nửa thế kỷ qua đã được giới thiệu, được nghiên cứu và dịch thuật tại Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay, nhưng thực sự, vẫn chưa tương xứng với tầm vóc của nó. Những công trình dịch thuật đó mang ý nghĩa của sự khởi đầu.

 

Cuối năm 2013, việc dịch Truyện Kiều được bắt đầu với nhóm dịch giả Nga- Việt. Truyện Kiều được dịch ra tiếng Nga lần này đúng vào lúc chuẩn bị kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du và nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ hai nước Việt Nam - Liên bang Nga. Song vấn đề là cần thiết nhất được đặt ra, là phải có một bản dịch Truyện Kiều hoàn chỉnh sang tiếng Nga sau khi chúng ta đã có tới 15 bản dịch chính thức ra các thứ tiếng phổ biến trên thế giới.

 

Tiến trình dịch Truyện Kiều có thể chia ra làm bốn công đoạn: dịch nghĩa - hiệu đính bản dịch nghĩa - dịch thơ - tổng hiệu đính bản dịch thơ và in ấn. Mỗi một công đoạn đều do những người có trình độ chuyên môn sâu đảm nhiệm.


Cho đến nay bản dịch thơ đã hoàn thành, sau khi tổng hiệu đính xong, sẽ cho in.

 

Bản dịch dựa theo văn bản tập khảo đính Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang tái bản lần thứ 7, dịch sang Tiếng Nga vẫn mang tên Kiều (КИЕУ) với tên thứ hai là Đoạn trường tân thanh (12). Quyển sách sẽ được in bằng hai thứ tiếng cùng với các chú giải chọn lọc và các minh họa.

 

Để giúp độc giả Nga với các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội và học vấn khác nhau bước đầu tiếp xúc với tác phẩm, “Lời nói đầu” của bản dịch đã viết về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du và bối cảnh xã hội Việt nam thế kỷ XII- XVIII. Phần tóm tắt Truyện Kiều được viết chọn lọc, công phu và sau đó là sự phân tích, đánh giá Truyện Kiều với tư cách là một tác phẩm mang tính hiện thực và nhân đạo cao cả; là một bộ Tiểu thuyết bằng thơ (13) tương tự như tác phẩm “Evghenhi Onheghin” của Puskin A.X., được ví như là một bộ Bách khoa toàn thư về nước Nga.

 

Với các tác phẩm thông thường, việc dịch thuật chỉ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ là chủ yếu; nhưng đối với việc dịch Truyện Kiều, nó phải vượt qua thành lũy của những kiến thức tổng hợp về ngôn ngữ, thành ngữ, tiếng địa phương, điển cố và và các danh xưng.

 

Điều quan trọng nhất mà các dịch giả phải đạt tới, là không phải làm công việc giải mã, chuyển nghĩa, mà làm sao để bản dịch không làm mất đi vẻ đẹp của ngôn từ, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, tính cách và phong cách trữ tình – hiện thực của Nguyễn Du. Đây là một công việc khó khăn, nặng nề và đầy trách nhiệm của các dịch giả. Bản dịch thơ cuối cùng đã được chuyển tới các nhà thơ Nga có uy tín thẩm định, hy vọng sẽ đáp ứng được phần nào yêu cầu khắt khe đó.

 

Tài liệu tham khảo chính

 

1. Thi ca cổ điển Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản - NXB Văn học Nghệ thuật Matxcơva 1977. (Классическая поэзия Индии, Китая, Кореи, Вьетнама, Японии, изд. “Художественная литература”, Москва, 1977)

2. Quỹ dịch thuật Văn học Nga- Việt (Фонд переводов русско-вьетнамской литературы),

3. Viện các nước Á Phi thuộc Đại học Tổng hợp Matxcova (Институт стран Азии и Африки при МГУ-  ИСАА)

4. “Lịch sử văn học thế giới” Chủ biên G.P. Berdnhikov Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô 1988 - История всемирной литературы / под ред. Г. П. Бердникова. — АН СССР; Ин-т мировой лит. им. А. М. Горького, 1988. — Т. 5.

5. Vị trí của Truyện Kiều trong nền thi ca Việt Nam - Николай Иванович Никулин - Место поэмы Нгуен Зу «Кьеу» во вьетнамской поэзии // Проблемы востоковедения. 1960, № 5  cTp. 65-75

6. Nguyễn Du, nhà thơ Việt Nam vĩ đại -  trang 117 - Николай Иванович Никулин - Великий вьетнамский поэт Нгуен Зу. cmp 117. М., 1965.
7. Tkatrov Marian - Tư liệu Văn học, sách online - mục Phê bình văn học trang 122 - Мариан Ткачов документальная литература

8. Văn hóa Việt Nam. Nguồn lưu trữ 7-10-2012. Культура Вьетнама. Архивировано из первоисточника 7 октября 2012. «Другой великий вьетнамский поэт, Нгуен Зу, развил до совершенства литературный вьетнамский язык также, как А.С.Пушкин русский язык в России» 

9. Bản dịch của Larin V.P. được dịch từ tiếng Việt và dựa theo bản tiếng Anh theo bản của Mikhael Kaunxel Перевод В.П. Ларина с вьетнамского и английского языков  по книге Михаэля Каунселла  -  Xанойского Издательства Мировой литературы

10,  Website Tin tức Việt Nam - Cайт "Новости Вьетнама”
11.Thi ca cổ điển Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản - NXB Văn học Nghệ thuật Matxcơva 1977 (SĐD)- Từ trang  576 đến 584 (“Классическая поэзия Индии, Китая, Кореи, Вьетнама, Японии”, изд. “Художественная литература”, Москва, 1977 г., стр. 576-584).
12. Đoạn trường tân thanh (Страдания стерзанной души).

13. Tiểu thuyết bằng thơ (роман в стихах)

Các tài liệu tham khảo khác.

Lịch sử Văn học Á Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô 1983. История литературы Восточной Азии (1983. - Академия наук СССР.)
Thư viện Văn học thế giới -  Библиотека всемирной литературы - Художественная литература, Москвa 1977)

Những ấn bản Kiều cổ. Древние экземпляры поэмы «Киеу» — Иллюстрированный журнал Вьетнам

 

 

 Theo nguoibanduong.net (Hội VHNT Viet Nam tại LB Nga)

Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du

Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.