Nguyễn Du

Loading...

Tính cá thể hóa trong ngôn ngữ Truyện Kiều

Ngôn ngữ là công cụ, chất liệu của các tác phẩm văn học “là yếu tố thứ nhất của văn học” (M.Gorki). Nó thể hiện đầy đủ cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của mỗi nhà văn. Cho nên, đến với bất kì một tác phẩm văn học nào, cũng không thể bỏ qua ngôn ngữ của tác phẩm, cách sử dụng ngôn ngữ của nhà văn  trong tác phẩm. Thiên tài văn học Nguyễn Du cũng không ngoại lệ. Làm nên kiệt tác Truyện Kiều, phải kể đến đầu tiên là vai trò của yếu tố ngôn ngữ. Với ngôn ngữ Truyện Kiều, Nguyễn Du đuợc xem là “bậc thầy ngôn ngữ của dân tộc”, là nguời đã nâng ngôn ngữ văn học của dân tộc, của thời đại lên đến đỉnh cao chói lọi. Lẽ tất nhiên, khi tìm hiểu kiệt tác này không thể không tìm hiểu yêú tố ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ  trong Truyện Kiều có nhiều đặc điểm, nhiều vẻ đẹp của một vĩa trữ luợng tinh thần giàu tiềm năng khai thác. Với khả năng có hạn, ở phạm vi bài viết này, tôi chỉ đi vào một vấn đề cụ thể : Tính cá thể hoá trong ngôn ngữ Truyện Kiều.
Tính cá thể hoá trong ngôn ngữ văn chương được xem như là một tính chất tự nhiên để tạo nên nét riêng của mỗi tác phẩm, mỗi nhà văn. Để cưỡng lại sự lãng quên của thời gian, các nhà văn khi sáng tác đều phải hướng đến nét riêng đó.Tính cá thể hoá của ngôn ngữ văn chương được thể hiện trên nhiều bình diện, cấp độ. Đó có thể là cách dùng từ, đặt câu, cách miêu tả, cách trần thuật, cách sử dụng hình ảnh hay cách xây dựng hình tượng nghệ thuật,…Kho tàng ngôn ngữ chỉ có một nhưng khả năng tiếp thu, vân dụng của mỗi nhà văn là vô tận. Tính cá thể trong ngôn ngữ Truyện Kiều cũng vậy. Nó được thể hiện trên nhiều bình diện, cấp độ, nhưng rõ nét nhất ở ngôn ngữ của tác giả đối với nhân vật và ngôn ngữ của chính các nhân vật trong tác phẩm.
 
Trước hết tính cá thể hoá ngôn ngữ Truyện Kiều thể hiện ở ngôn ngữ của chính tác giả đối với nhân vật. Tức tuỳ theo tình cảm, quan điểm, thái độ của mình cho nhân vật, mà Nguyễn Du xây dựng ngôn ngữ phù hợp khi trần thuật giới thiệu về nhân vật đó, về sự việc liên quan nhân vật đó.Ngưyễn Du đã thể hiện thái độ yêu ghét rõ ràng qua ngôn ngữ trần thuật. Nhân vật Từ Hải, một trong những nhân vật đựơc Nguyễn Du ưu ái, ngợi ca hào hứng. Là nhân vật mà nhà văn  gửi gắm giấc mơ về tự do, công lí. Cách giới thiệu của Nguyễn Du về nhân vật rất lạ, không giới thiệu rõ gốc tích, lai lịch mà đưa Từ đến bất ngờ, đột ngột với người đọc:     
                    
"Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.”
 
Nhưng vị khách đó có diện mạo khác thường:
 
Râu hùm, hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao
 
Có khí sắc của bậc anh hùng của nguời  tài năng xuât chúng:
 
"Đuờng đuờng một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức luợc thao gồm tài”
 
Khi giới thiệu về Từ Hải, Nguyên Du đã sử dụng liên tiếp nhiều từ có dấu huyền. Bởi dấu huyền không bị đứt đoạn như thanh không dấu mà có khả năng mở rộng ra. Các thanh ấy lại phối hợp sóng đôi để làm nổi bật hình dáng, khuôn mặt, tài năng phi thuờng của Từ Hải “Ngôi sao băng giữa trời đen tối còn để lại một vệt sáng mãi trong lòng trí của nguời đọc”.
 
Phi thường là nét đặc sắc trong tính cách của Từ Hải mà Nguyễn Du đã dụng công khắc hoạ trong những dòng giới thiệu đầu tiên. Thái độ khẳng định và ngợi ca của Nguyễn Du đối với Tư Hải còn được thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ miêu tả về tâm trạng và hành vi của Từ trong cái thời khắc “Nửa năm hương lửa đương nồng”.Từ Hải không phải là con người của những đam mê thông thường mà là con người của sự nghiệp anh hùng:        
                   
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong
 
 Đang sống trong cảnh nồng nàn hương lửa. Từ chợt động lòng bốn phương, thế là toàn bộ tâm trí hướng về trời biển mênh mang, và lập tức một minh với thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong. Chữ “trượng phu” trong Truyện Kiểu chỉ xuất hiện một lần dành riêng để nói về Từ Hải, người đàn ông có tài, có chi khí lớn. Chữ “thoắt” thể hiện quyết định nhanh chóng, dứt khoát cùa chàng. Còn bốn chữ “động lòng bốn phương” là cụm từ ước lệ thể hiện cái chí khí muốn tung hoành, thể hiện cái lí tưởng của người anh hùng không chịu ràng buộc bởi gia đình mà để ở bốn phương, ở thiên hạ, ở không gian rộng lớn.  Từ  “không phải là người của một nhà, một họ, một xóm, một làng mà là người của trời đất, của bốn phương”(Hoài Thanh). Sự ngợi ca, khẳng định của Nguyễn Du đối với Từ Hải càng được thể hiện rõ nét trong hai câu thơ :
 
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
 
Ngôn ngữ tác giả miêu tả hành động dứt áo của Từ, thể hiện sự quyết tâm cao độ, đã quyết lời là dứt áo ra đi, không chần chừ, do dự, không để tình cảm lung lay, không vướng bận thê nhi.  Nguyễn Du sử dụng điển tích cánh chim bằng vượt gió trong văn chương cổ điển , thường tượng trưng cho khát vọng của những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, muốn làm nên sự nghiệp lớn lao để chỉ Từ Hải. Bằng những ngôn từ, hình ảnh đẹp nhất, hào hùng nhất, Nguyễn Du đã ca ngợi, tôn vinh, lí tưởng hoá nhân vật Từ Hải. Một hình tượng lãng mạn ấp ủ lí tưởng, giấc mơ về tự do, công lí của Nguyễn Du. Bên cạnh Từ Hải, Nguyễn Du còn dành sự ưu ái đặc biệt cho Thuý Kiều - tượng trưng cho cái đẹp, cái tinh hoa của con người. Tình cảm, thái độ của Nguyễn Du đối với nhân vật  được thể hiện về chị em Thuý Kiều. Sau khi giới thiệu khái quát dung nhan của hai chị em, Nguyễn Du lại đi vào giới thiệu nhan sắc, tài năng của Vân trước. Dưới ngòi bút của ông, Thuý Vân hiện lên rất nhân hậu, hiền  hoà, cao sang và quý phái:
 
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
 
Đằng sau vẻ đẹp mà thiên nhiên phải “nhường”, phải “thua” của Thuý Vân, Nguyễn Du cùng ngầm dự báo cuộc đời bình lặng, suôn sẽ của nàng sau này. Sau vẻ đẹp nhã nhặn của Vân là vẻ đẹp sắc sảo của Kiều:
 
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Chỉ một từ “càng”, Nguyễn Du đã khẳng định cái hơn của Kiều với Vân                                                                                
Làn thu thuỷ, nết xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
 
Cặp mắt của Kiều trong trẻo và long lanh như làn nước mùa thu. Còn lông mày nhẹ nhàng, thanh thoát như nét núi mùa xuân nghiêng nghiêng, duyên dáng. Vẻ đẹp tuyệt đỉnh  của Kiều khiến thiên nhiên phái  hờn ghen, đố kị, đã dự báo cuộc đời không suôn sẽ, không yên ổn của Kiều trong tương lai.Giới thiệu về Kiều, Nguyễn Du không dừng lại ca ngợi nhan sắc như Vân mà cồn ca ngợi tài năng tuyệt đỉnh của nàng:
 
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm.
Cung thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt, hồ cầm một trương.
 
Có thế nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà, hình ảnh người phụ nữ hoàn mĩ về hình thức lẫn tâm hồn được thể hiện dưới ngòi bút của thiên tài Nguyễn du một cách say sưa, nồng nhiệt, tập trung và trân trọng nhất. Qua ngôn ngữ giới thiệu của tác giả, người đọc hình dung về một nàng Kiều hội tụ tất cả vẻ đẹp tinh tuý của người phụ nữ. Từ chân dung Thuý Kiều, ta không chỉ thấy tài năng sử dụng ngôn ngữ giàu tính cá thể hoá của cụ Nguyễn mà còn thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của ông. Trong xã hội phong kiến cuối thế kỉ XVIII đầy rẫy những bất công, ngang trái, người phụ nữ bị coi thường, bị ruồng rẫy, chà đạp thì Nguyễn Du lại công khai ngợi ca, khẳng định, tôn vinh người phụ nữ trên mọi phương diện.
 
Tính cá thể hoá trong ngôn ngữ  Truyện Kiều được thể hiện sắc nét qua ngôn ngữ trần thuật đối với nhân vật phản diện. Nếu các nhân vật chính diện được giới thiêu bằng bút pháp ước lệ thì các nhân vật phản diện lại được Nguyễn Du giới thiệu bằng bút pháp tả thực. Tú Bà – trùm con buôn đày đoạ, đẩy Kiều vào chốn ô nhục, hiện lên sinh động rõ nét từ nghề nghiệp đến tính cách, uy quyền qua ngôn ngữ trần thuật:
 
Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà thế kia
Trước sau lơi lả han chào
Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay
 
 Nếu hai từ "nhờn nhợt" chỉ đúng đích danh nghề nghiệp của mụ thì hai từ “vắt nóc” lại lật tẩy cử chỉ, cách ngồi hách dịch, thô lỗ của mụ sau khi “Lễ xong hương hoả gia đường”. Còn Sở Khanh tay sai đắc lực của Tú Bà, được cụ Nguyễn  tặng cho từ “Lẽn” khi kể về sự xuất hiện của y trong chiều hôm hẹn Kiều bỏ trốn:
 
Tường đông lay động bóng cành
Rẽ sang đã thấy Sở Khanh lẽn vào.
 
Nguyễn Du đã giết Sở Khanh với một chữ lẽn (Hoài Thanh).Từ “lẽn” đã diển tả được tất cả cái bần tiện, bẩn thỉu của Sở Khanh. Ngôn ngữ của Nguyễn Du là “ngôn ngữ ám muội”. Mỗi nhân vật, Nguyễn Du dành một thứ ngôn ngữ riêng để tạc, để gim vào lòng người đọc.
 
Ngôn ngữ giàu tính cá thể hoá của Nguyễn Du không chỉ thể hiện ở ngôn ngữ trần thuật, mà còn thể hiện ở ngôn ngữ của chính các nhân vật trong tác phẩm. Nguyễn Du đã cho mỗi nhân vật của mình một thứ ngôn ngữ  riêng, phù hợp với bản chất, tâm lý, tính cách của nhân vật, ngôn ngữ của nhân vật này không thể dùng cho nhân vật khác. Sự thông minh, sắc sảo, tinh tế, giàu lòng vị tha, đức hi sinh,… của Kiều được bộc lộ ngay trong chính lời lẽ của Nàng. Mở đầu đoạn trích “Trao duyên” là ngôn ngữ đối thoại của Kiều đối với Vân:
 
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
 
Lời lẽ đó không những giúp ta hình dung được cử chỉ, hành động của Kiều mà còn hiểu được suy nghĩ, ý nguyện của nàng. Thúy Kiều là chị nhưng khi nhờ em lại dùng từ “cậy”, dùng từ “chịu” chứ không dùng từ “nhận” để hỏi ý kiến Thúy Vân. Đó hẳn không phải là cách dùng từ “ngẫu hứng”. “Cậy” cũng  là nhờ nhưng là tin cậy mà nhờ vả. Từ “cậy” ngoài ý nghĩa nhờ vả còn mang hàm nghĩa gửi gắm, tin tưởng, đồng thời âm điệu lời nói cũng trở nên thiết tha hơn. Còn hai chữ “chịu lời” được hiểu là chịu sự thiệt thòi mà nhận lời. Kiều nài ép Vân, đưa Vân vào hoàn cảnh không nhận không được và nàng cũng hiểu cái hoàn cảnh khó xử, thiệt thòi của em. Từ “lạy”, “thưa” thốt ra từ Kiều với em nghe có vẻ vô lí, bởi Kiều là chị sao phải lạy, thưa em. Đó là cử chỉ của người luỵ phiền nhờ vả đối với người ban ơn, gia ân. Thúy Kiều hiểu rằng việc nàng sắp nói ra là một điều hệ trọng mà Thúy Vân khòng có quyền lựa chọn. Lời Thuý Kiều nhờ cậy, dặn dò lúc trao duyên chứa đựng không chỉ tình nghĩa với Kim Trọng mà cả tấm lòng yêu thương, trân trọng và biết ơn dành cho Thuý Vân
 
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non”.
 
Nàng nghĩ em còn trẻ, còn nhiều cơ hội để có được tình yêu, hạnh phúc của riêng mình. Hơn nữa với Thuý Vân lúc đó, chàng Kim dẫu có hào hoa phong nhã nhưng mới chỉ là một “người dưng”! Nàng thấu hiểu rằng, em gái cũng phải thiệt thòi, cũng có công ơn to lớn khi “chịu lời” ủy thác này.  Lời Thuý Kiều nhờ cậy em vừa trang trọng (cậy, chịu lời, lạy, thưa) vừa gần gũi (chắp mối tơ thừa, mặc em) nói lên được cả tính chất hệ trọng của việc trao duyên, cả sự trông chờ, tin cậy của tình ruột thịt. Lời lẽ của Kiều ngắn gọn mà vẫn đủ để Thuý Vân hiểu mối tình sâu nặng (khi gặp, khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề); lời thuyết phục thấm đượm ân tình khiến Thuý Vân không thể và không nỡ chối từ (xin em hãy vì xót tình máu mủ  mà thay lời nước non chứ không phải vì chàng Kim là người tài tình khó lòng mà gặp)... Lời lẽ tinh tế, khéo léo của một con người thông minh, sắc sảo đầy lí trí và giàu đức hi sinh
 
Nếu mở đầu cảnh trao duyên, Thuý Kiều nói năng bình tĩnh, sáng suốt vì nàng ngỡ đã tìm được cách chu toàn khi cậy nhờ em hoàn thành lời nguyện ước. Nhưng khi trao  những kỉ vật, thì tiếng nói của trái tim đã lấn át lí trí : 
 
Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
 
Hai tiếng “của chung” hàm ẩn bao nhiêu xót xa, tiếc nuối. Duyên trao cho em  nhưng vẫn muốn níu kéo, trì hoãn cho mình. Kỉ vật gọi về kỉ niệm, kỉ niệm đánh thức tình yêu, tình yêu trào dâng mãnh liệt.Chính lời lẽ của Kiều đã tố cáo con người  nàng, đau đớn, xót xa khi phải trao hạnh phúc cho người khác, dù đó là em mình, dù đó là chủ động. Lời dặn dò của Kiều với em bây giờ đầy những mâu thuẫn, xót xa, tiếc nuối. Đã thiết tha cầu khẩn Thuý Vân chắp mối tơ thừa nhưng lại nói về sự gắn bó giữa em và chàng Kim như một giả thiết bất đắc dĩ: Dù em nên vợ nên chồng; Mai sau dù có bao giờ... Vừa mới khẳng định rằng, chỉ cần trọn nghĩa cùng Kim Trọng thì dẫu phải chết cũng ngậm cười nơi chín suối đã lại hình dung trong tương lai bi thảm mình sẽ hiện về như một hồn ma oan trái: “Hồn còn mang nặng lời thề/ Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”. Kiều vẫn đang trò chuyện cùng Vân mà luôn nói như mình đã thuộc về cõi khác: mất người, người mệnh bạc, người thác oan... Để rồi cuối cùng, nàng lại phải trở về với những day dứt, đau khổ lúc ban đầu “Ôi Kim lang hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”.Tác giả không nói với chúng ta về sự đau khổ, không nói về tình yêu thiết tha của Thúy Kiều nhưng tiếng kêu than, sự khóc ngất  của nàng đã nói lên tất cả. Kim Trọng với Kiều đã không đơn thuần là người yêu mà là một đức lang quân, một người chồng mà nàng trao thân gửi phận. Vị trí của Kim Trọng trong trái tim nàng thật vô cùng to lớn.Với ngôn ngữ đối thoại, độc thoại của Kiều trong đoạn trích “Trao duyên”, ta có thể hình dung rõ nét một bức tranh tâm trạng với rất nhiều cung bậc, trạng thái cảm xúc, nhiều biến động tinh tế của con người thông minh, sắc sảo, giàu đức hi sinh và thiết tha cháy bỏng trong tình yêu. Ngôn ngữ nhân vật với các hình thức đối thoại, độc thoại... được Nguyễn Du sử dụng như một phương tiện đắc lực để khám phá, khắc hoạ “con người bên trong”cái thế giới phong phú, phức tạp, bí ẩn không cùng của trái tim tình yêu Thuý Kiều.
 
Tính cá thể hoá trong ngôn ngữ của nhân vật còn được thể hiện qua nhân vật Từ Hải. Tính cách nhân vật thế nào thì Nguyễn Du sẽ lựa chọn cho nhân vật thứ ngôn ngữ đối thoại tương ứng. Ta hãy tìm hiểu lời lẽ của Từ nói với Kiều lúc chia tay:
 
Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoắt  khỏi nữ nhi thường tình
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?
 Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau , vội gì!
 
Trong lời đáp ấy bao hàm lời dặn dò và niềm tin mà Từ gửi gắm nơi Kiều. Chàng vừa mong Kiều hiểu mình, đã là tri kỉ thì chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, vừa động viên, tin tưởng Kiều sẽ vượt qua sự bịn rịn của một nữ nhi thường tình để làm vợ một người anh hùng. Chàng muốn lập công, có được sự nghiệp vẻ vang rồi đón Kiều về nhà chồng trong danh dự. Lời đáp của Từ được xây dựng bằng những từ Hán Việt trang trọng “tâm phúc”, “tương tri”, “nữ nhi”, “Nghi gia”,…cùng với những hình ảnh kì vĩ, lớn lao “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất”, “bóng tinh rợp đường” đã giúp ta hình dung được Từ là một anh hùng có chí khí, khát vọng lớn lao, có niềm tin vững chắc vào tài năng, tương lai của mình. Bên cạnh đó, trong lời lẽ của Từ cũng có rất nhiều từ thuần Việt không chỉ thể hiện niềm tin vững chắc vào tương lai của Từ mà còn thể sự chân thành, tha thiết đối với Kiều của Từ.
 
Tính cá thể hoá còn được thể hiện qua ngôn ngữ của các nhân vật phản diện. sự giả tạo trong cung cách ăn nói của Mã Giám Sinh khi hỏi Thúy Kiều làm vợ:         
 
“Rằng mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường”
 
Hoàn toàn mâu thuẫn với hành động: “ Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” và thái độ con buôn: “Cò kè bớt một thêm hai/ Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” của hắn.
 
Ngôn ngữ của Tú Bà có tính cá thể hoá cao độ. Đoạn mụ chửi mắng Kiều thất thân với mã Giám Sinh có thể xem là một dẫn chứng xuất sắc về tính cá thể hoá trong ngôn ngữ nhân vật:
 
Này này! Sự đã quả nhiên
Thôi đà cướp sống chông min đi rồi
Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân
Buồn tình trước đã tần mần thử chơi!
Máu hồ đã mất đi rồi,
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Con kia đã bán cho ta,
Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây.
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.
Cơ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!
 
Qua những từ ngữ mụ dùng: những từ lặp lại “này này”, “thôi thôi”, từ chửi mắng “con kia”, “lão kia”, “chẳng văng vào mặt”, “gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao”, những từ có tính chất nghề nghiệp “đem về rước khách kiếm lời mà ăn”, “vốn liếng đi đời nhà ma”,…chúng ta hình dung rõ con người lẫn tính khí của Tú Bà. Chúng ta như thấy mụ ngồi xếp bằng trên giường hả hê với món hàng mã Giám Sinh đưa về thì bỗng nghe Thuý Kiều nói nàng lấy lẽ Mã Giám Sinh và đã thất thân với hắn, thế là mụ đứng phắt dậy mắng nhiếc, xỉa xói Kiều và Mã Giám Sinh.
 
Khi Thúy Kiều nhận lời tiếp khách mụ đổi giọng làm lành, gọi Thúy Kiều bằng con mà nghe vẫn cứ gớm ghiếc. Mụ vừa dạy Thúy Kiều nghề chài khách, lại vừa như hồi tưởng lại cái thủa còn ăn khách của mụ. Càng nói mụ càng sôi nổi, càng hào hứng.          
            
Này con học lấy làm lòng,
Vành ngoài bảy chữ, vòng trong tám nghề.
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời,
Khi khóc hạnh, khi nét ngu,
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cốt hoa
Đều là nghề nghiệp trong nhà.
Đủ ngần ấy nết mới là người soi.
 
Ngôn ngữ của Thúc Sinh cũng bộc lộ chân tướng của chàng. Khi mới gặp Kiều thì lời lẽ rất quả quyết:
 
Đường xa chớ ngại Ngô Lào
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta
 
Cái quả quyết của Thúc Sinh là cái quả quyết bốc đồng, phút chốc của kẻ hèn nhát, nhu nhược nên khi bị Hoạn Thư phát giác, y đã nói ngay  với Kiều:
 
Liệu mà xa chạy cao bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi
 
Còn ngôn ngữ của Hoạn thư lại thể hiện sự khôn ngoan, thâm thuý, thông minh, lanh lợi trong mọi trường hợp. Trong đoạn báo ân, báo oán của Truyện Kiều, mặc dù đang hồn lạc phách xiêu, Hoạn Thư vẫn biết lựa điều kêu ca:
 
Rằng: Tôi chút dạ đàn bà
Ghen tương thì cũng người ta thường tình
Nghĩ cho khi các viết kinh
Ðến khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Lòng riêng, riêng những kính yêu
Chồng chung, ai dễ ai chiều cho ai
Trót đà gây việc chông gai
Cũng nhờ lượng bể tha bài nào chăng?
 
Qua khảo sát các trường hợp trên, ta có thể khẳng định ngôn ngữ Truyện Kiều được cá tính hoá cao độ, nhân vật nào ngôn ngũ ấy không thể lẫn lộn.Tính cá thể hoá trong ngôn ngữ Truyện Kiều đã góp phần tạo nên một thế giới nhân vật “sống” và “thật” như ở ngoài đời. Chính vì vậy mà “các tên Sở Khanh, Hoạn Thư trở thành một danh từ chung bất hũ mà Nguyễn Du đã đóng góp vào vốn từ vựng Việt Nam” (Lê Đình Kỵ)
 
Ngôn ngữ có tính cá thể hoá trong Truyện Kiều không chỉ thể hiện sự đóng góp và tài năng lớn của Nguyễn Du cho ngôn ngữ văn học dân tộc mà còn góp phần lí giải sức sống, sức lan toả của Truyện Kiều: “Khắp người nước ta, từ bác xã cày sâu cuốc bẩm cho chí nhà văn học vạn quyển thiên kinh, từ chị hàng rau cục kịch cho chí người khuê các phong tao, ai cũng ưa đọc Truyện Kiều, ai cũng thích ngâm Truyện Kiều” (Vũ Đình Long).
 
 
Lưu Thị Nguyệt - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
 
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du

Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.