Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản nhân loại


Tối qua (13/4, tức 4 tháng 3 Quý Tỵ), tại Trung tâm Lễ hội, Khu Di tích đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức trọng thể Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Đền Hùng năm 2013.

 

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đón nhận Bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - Ảnh VGP/Từ Lương


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ban ngành, tỉnh thành trong cả nước; các cơ quan, tổ chức quốc tế gồm đại diện Ban Thư ký của UNESCO, đại diện 25 nước trong Ủy ban liên Chính phủ thực hiện công ước của UNESCO; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, đoàn đại biểu đại diện kiều bào tiêu biểu và hàng vạn người dân khắp nơi trên cả nước đã tham dự buổi lễ.


Phát biểu chúc mừng “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bà Katherin Muller - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng trong việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để bảo vệ thành công hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, để nhân loại chính thức có thêm một di sản văn hóa phi vật thể rất đáng trân trọng.

 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự buổi lễ - Ảnh VGP/Từ Lương


Tại buổi lễ, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã công bố Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Chương trình hành động gồm 9 nội dung mà Việt Nam cam kết thực hiện để bảo tồn phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương di sản văn hóa của nhân loại.


Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: từ nhiều đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nước - nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng”. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước….


Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.

 

Chương trình nghệ thuật tại đêm khai mạc Lễ hội Đền Hùng - Ảnh VGP/Từ Lương


Ngay sau nghi lễ đón bằng UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013 là chương trình nghệ thuật đặc sắc, đậm chất văn hóa vùng Đất Tổ với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”.


Chương trình có sự tham gia hơn 1.300 người, trong đó chủ yếu là các nghệ nhân 4 phường Xoan gốc ở Phú Thọ, nghệ nhân diễn xướng dân gian các huyện thành thị của Phú Thọ.


Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 13 đến 19/4, tức từ 4 đến 10 tháng 3 Âm lịch).


Trong dịp Giỗ Tổ năm nay cũng diễn ra rất nhiều hoạt động phong phú, cụ thể hóa Chương trình phát triển du lịch quốc gia, đồng thời là bước quan trọng nhằm thực hiện chủ trương xây dựng Thành phố Việt Trì là thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam.


Đáng chú ý trong các hoạt động này là Lễ hội đường phố với chủ đề "Văn hóa đất Tổ Hùng Vương hội tụ và tỏa sáng", diễn ra vào sáng 4/3 Âm lịch, trên các trục đường thành phố Việt Trì và Quảng trường Hùng Vương- thành phố Việt Trì, với các nội dung giới thiệu vùng văn hóa dân gian đa sắc màu của đất Tổ Hùng Vương.


Ngoài ra, còn có Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương tại các di tích trên địa bàn tỉnh; rước kiệu của các xã vùng ven; hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, tổ chức chương trình "Hát xoan làng cổ" gắn với các điểm du lịch văn hóa, hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của các huyện, thành, thị trong tỉnh; trình diễn diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc ở tỉnh Phú Thọ; Liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ lần thứ 3; triển lãm ảnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng".