Nguyễn Du

Loading...

Tín Hiệu Thẩm Mỹ “Hoa” Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du

Nhìn một cách tổng  quan, hoa trong Truyện Kiều xuất hiện 133 lần với các tư cách khác nhau:
 
* 7 trường hợp có tư cách là thành tố cấu tạo từ.(1)
* 4 trường hợp mang tư cách của từ nhân danh.(2)
* 45 trường hợp là tính từ chỉ vật có hoa, vật có vẻ đẹp, quyền quý. (3)
* 88 trường hợp với tư cách của một thực từ có khả năng hoạt động độc lập.(4)
 
Ở phạm vi đề tài này người viết xin khảo sát hoa trong Truyện Kiều ở tư cách thứ tư- tư cách một thực từ có khả năng hoạt động độc lập mà xin bỏ qua các trường hợp “tài hoa, anh hoa, hào hoa, phồn hoa, vinh hoa”(1); “hoa nô, hoa tì, con hoa”(2); “Kiệu hoa, sân hoa, trướng hoa, bút hoa, tiệc hoa, then hoa, tiên hoa”(3).
 
1.  Hoa chỉ hoa của tự nhiên.
 
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du rất chú trọng đến hình tượng thiên nhiên, ông thường xuyên lấy thiên nhiên làm nền, gắn bó chặt chẽ với hoạt động và sự phát triển của nhân vật. Với nét nghĩa là những bông hoa thực thụ của tự nhiên, xuất hiện với lớp nghĩa đen: hoa là dấu hiệu của thực vật đến kì sinh trưởng dồi dào, hoa là sự vật tô điểm cho đời. Hoa của tự nhiên xuất hiện ở nhiều không gian, nhiều ngữ cảnh khác nhau.
 
Trong những ngày xuân đậm sắc, rạo rực, thấp thoáng những cành lê, hoa lưa thưa điểm trắng, nổi bật trên cả một vùng cỏ non xanh tươi bát ngát trải tới tận chân trời tạo nên một bức tranh thiên nhiên với trọn vẹn dáng nét xuân,
 Cỏ non xanh tận chân trời,
 
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Hai câu thơ trên ứng với hai câu thơ trong cổ thi:
 
Phương thảo liên thiên bích,                 Cỏ thơm liền với trời xanh
Lê chi sổ điểm hoa.                           Trên cành lê có mấy bông hoa.
 
Đúng là bức tranh xuân được hoạ theo kiểu hội hoạ cổ điển, lắng sâu vào bên trong là một sức sống tươi trẻ, căng nhựa và đầy rạo rực. Trên mảng màu xanh tươi trải rộng mênh mông, điểm xuyến vài đốm trắng mướt, đó là sự tương phản thẩm mĩ táo bạo, màu trắng muốt của hoa lê là cái hồn, cái thần, là nét vẽ trung tâm của bức tranh nổi bật trên nền xanh tươi của cỏ non ví như đông đảo tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm sang trọng nhưng bình thường; đáng chú ý chỉ là một vài bông hoa lê trắng muốt, tinh khôi, thanh khiết : chị em Thuý Kiều.
 
Hoa vui với mùa xuân hứng khởi, khúc dạo đầu cho bản nhạc tình yêu,
 
Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.
 
Hoa là tín hiệu chuyển tiếp các mùa trong năm.
 
Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Cửa thiền vừa cữ cuối xuân,
Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời. 
 
Kể từ khi gặp Kiều, Kim Trọng ôm mối lòng tương tư của kẻ si tình, nỗi lòng day dứt khôn nguôi, càng để thời gian dài chừng nào sầu đong càng lắc càng đầy chừng ấy,
 
Mấy lần cửa đóng then cài,
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu.
 
Kim Trọng tìm hết cách để gần Kiều, thuê nhà cạnh nhà Kiều để ở, chờ đợi ngày tháng để gặp Kiều, cuối cùng hai người đã gặp nhau và không thôi gắn bó, họ không băn khoan về ràng buộc của luân lí, của lễ giáo phong kiến điều mà bất kì đôi trai gái nào lúc bấy giờ yêu nhau không thể không tính đến.
 
Hoa trong buổi đầu hò hẹn e ấp, được dệt bởi mộng và thơ, bởi những khát khao mong nhớ người thương, mong muốn gặp mãi, không chia lìa.
 
 Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng,
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông
 
Từ đáy lòng mình Kiều tin chắc vào hai chữ đồng tâm, hai chữ trăm năm thề nguyền, nàng không ngờ trước những tai họa ghê gớm có thể xảy ra.
 
Sau này tình cảm của Kim Trọng đối với Thúy Kiều không vì những biến động của  hoàn cảnh mà thay đổi, khi Kiều đã phải trải qua bể dâu lưu lạc bấy chầy sương gió, Kim Trọng đỗ đạt ra làm quan, có địa vị, danh vọng nhưng chàng cũng rắp mong treo ấn từ quan để đi tìm Kiều… tình cảm của Kim Trọng đối với Thúy Kiều vẫn nguyên vẹn như lúc ban đầu.
 
Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.
 
Dưới ngòi bút Nguyễn Du, hoa là chứng nhân tự nhiên cho những giây phút ngẹn ngào hạnh phúc, thiêng liêng và cũng có khi là những thời khắc cay đắng tủi nhục, u tối, những biến cố của cuộc đời, khi thì phơi phới tuổi xuân, khát khao đi tìm tình yêu, khi thì bị đoạ đày ở nơi lầu xanh nhơ nhớp, và cũng có khi đau đớn tủi nhục dưới thân phận vợ lẽ.
 
Làm vợ Thúc sinh, cái tình yêu thương thành thật nhưng cái hạnh phúc lại quá mong manh, cay đắng vì Hoạn Thư là một người đàn bà bản lĩnh, sắc sảo, lắm mưu nhiều kế.
 
Sẵn Quan Âm các vườn ta,
Có cây trăm thước có hoa bốn mùa. 
 
Sách nhà Phật có câu Bồ đề bách xích thụ, liên tọa tứ thời hoa nghĩa là Bồ đề là cây trăm thước, tòa sen là hoa bốn mùa như vậy câu này có nghĩa là có bồ đề, có tòa sen tức là có cảnh Phật,
 
Nàng từ lánh gót vườn hoa,
Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng.
 
Hoa của Quan Âm các trong vườn làm bạn với Kiều khi nàng chép kinh, đi tu, xót xa khi phải chứng kiến quãng đời tủi nhục bị Hoạn Thư đầy đoạ với nỗi ghen tuông,nghi kị  cắt đứt dây tơ giữa Kiều và Thúc.
 
Hoa cười chàng Thúc Sinh  nhu nhược.
 
Thừa cơ sinh mới lẻn vào,
Xăm xăm tới mé vườn hoa với nàng.
 
Hoa là cái cớ  chàng Thúc chối quanh khi sợ vợ, tan biến cái chí khí cường cường để nhường chỗ cho cho sự đớn hèn và bạc nhược, sợ hãi, khúm núm đến thảm hại.
 
Dối quanh Sinh mới liệu lời:
Tìm hoa quá bước xem người viết kinh.
 
Hoa len lỏi, có mặt khắp tình cảnh, tâm sự, diễn biến của trong truyện, hạnh phúc lắm đấy, đồng cảm lắm đấy nhưng cũng có khi hoa chứa chấp bọn gian ác, chỉ đường cho bọn khuyển ưng, trở thành nơi ẩn nấp của các thế lực hắc ám sẵn sàng hiện diện:
 
Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
Ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra.
 
Hoa nâng bước chân Hoạn Thư, che đậy những tính toán thâm độc, Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều để cho không những Thúy Kiều khổ mà Thúc Sinh cũng khổ và mỗi một đau khổ của Kiều phải động đến chân tơ kẽ tóc, động đến từng dây thần kinh của Thúc, hành động của Hoạn Thư đến hai lần độc ác vì bản chất của mụ và vì Hoạn Thư muốn cùng lúc trả thù cả hai đối tượng.
 
Nhẫn ngừng nuốt tủi, đứng ra,
Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào.
 
Hoa tô đậm cái ghen của một phụ nữ quý tộc có bản lĩnh hơn người, cái ghen lí tính chứa đựng cả một kế hoạch quy mô, chi tiết và thủ đoạn một cách tỉnh táo.
 
Hoa hiện diện ở từng khoảnh khắc vui buồn, hạnh phúc, đau khổ và mỗi bước thăng trầm của cuộc đời Kiều, để nàng chìm đắm trong những xúc động tư duy riêng lẻ.   
 
2.  Hoa chỉ tình yêu.  
 
Hoa là tặng vật đẹp đẽ, là tinh hoa, là thứ mật ngọt ngào của đất trời, cũng quan trọng, thiêng liêng và tuyệt mĩ như tình yêu đối với con người, nhận ra nét tương đồng về thuộc tính, Nguyễn Du không ngần ngại đặt dưới hoa lớp ý nghĩa ngọt ngào: hoa biểu trưng cho tình yêu.
 
Dưới nhiều hình thức khác nhau, tình yêu kéo dài từ đầu đến cuối, chập trùng, đa sắc đa màu với những khuôn mặt điển hình bất hủ trong Truyện Kiều, từ mối tình đầu với những e thẹn, xúc cảm đầu tiên, những lo lắng thường tình về người yêu và về tình yêu.
 
 Vội vàng lá rụng hoa rơi,
Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang.
 
Đến mối tình cuối được chắp lại bởi tháng năm nhưng cũng không kém phần ý vị, đậm đà. Hoa xưa ong cũ là tình xưa người cũ, là Kim Trọng với mối tình Kim Kiều.
 
Tình nhân gặp lại tình nhân.
Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình
 
Tình yêu đã thổi vào hoa cái dư vị xót xa, ngày đầu càng đẹp bao nhiêu, càng sâu nặng bao nhiêu thì ngày sau lại thương nhớ, nuối tiếc bấy nhiêu.
 
 Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
 
Phỏng dịch hai câu thơ của Thôi Hộ đời Đường :
 
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
 
Hoa cứ đến mùa hoa nở. Cứ có gió xuân là nó bước vào cuộc sống hội hè. Hoa cười là cái cử chỉ đẹp nhất của loài hoa vì nó đang sống hết mình với người bạn xứng đôi – gió xuân. Nhưng cái tươi tắn vô tình của hoa lại khơi gợi sự tiếc nuối của lòng người. Thời gian quá khứ và hiện tại, không gian của ngày xưa và của hôm nay đã có bao đổi thay khác biệt. Người xưa cũng đã vắng bóng. Hình ảnh một người cố tìm trước tìm sau, câu thơ của Thôi Hộ là hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông, hình như tả cái cảnh thấy đó còn câu của Nguyễn Du với hai từ năm ngoái cho thấy rằng Kim Trọng nhìn hoa đào mà chỉ thấy hoa đào năm ngoái là cái hoa đào có Thuý Kiều đứng bên.
 
Thúy Kiều và Kim Trọng xứng đôi vừa lứa, gặp nhau  yêu nhau một điều rất đỗi tự nhiên, tình yêu nồng nàn chân thật chính đáng, cho nên trên mỗi bước đường trong cuộc đời đau khổ trong lòng Kiều luôn chứa chan mối tình đầu với bao nhiêu hình ảnh êm ái.
 
Tình sâu mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chắp cánh này cho chưa? 
 
Cay  đắng ở lầu xanh, thân tàn phận tủi nhưng Kiều vẫn không nguôi nhớ về Kim Trọng, hoa ở đây là cái toàn thể của tình yêu, là mối tình trọn vẹn của hai người nhưng lại là “chắp cánh này“, biến cố, Kiều trao duyên cho em, nhưng thứ tình yêu trao gởi tiếp nối ấy chỉ là cái bộ phận của cái toàn thể, chỉ là phần cánh hoa của cả bông hoa tình yêu. Với Kiều tình yêu với chàng Kim luôn luôn trọn vẹn.
 
Tình yêu của Kim Trọng và Thúy Kiều như tiếng cầm, tiếng sắt của một cung đàn ăn nhịp với nhau. Khi biết Kiều bán mình, lưu lạc đến nỗi bèo dạt hoa trôi, Kim Trọng đã đưa gia đình Kiều về phụng dưỡng, vượt ra ngoài triết lí của thời đại về hai chữ công danh để tìm Kiều, đó là một quan điểm một thái độ hoàn toàn mới đối với xã hội đương thời về tình yêu. Như một người đi trước thời đại Nguyễn Du không nói chuyện cao đạo, không theo khuôn lồng chật hẹp của Nho giáo phong kiến, ông vẽ cho nhân vật của mình một chân trời mới, hướng đi đến chân trời ấy cũng lênh đênh gập gềnh khúc khuỷu nhưng quan trọng là con đường ấy dẫn tới yêu thương.
 
3.  Hoa – người phụ nữ.
 
3.1.  Hoa biểu thị người phụ nữ đẹp. 
 
Tín hiệu hoa khi kết hợp với ngữ cảnh cụ thể, phát sinh thêm một lớp ý nghĩa mới trên cơ sở nghĩa đen, với thuộc tính đẹp điển hình, hoa là biểu tượng màu nhiệm của cái đẹp và Nguyễn Du dành ưu ái nhất cho cái đẹp của người phụ nữ, người phụ nữ là bông hoa tinh túy nhất, ngọt ngào nhất trong vô số loài hoa của tạo vật.  Trong 87 trường hợp được khảo sát có tới 49 lần hoa quy chiếu đến người con gái (chiếm 40,2%).
 
May thay giải cấu tương phùng,
Gặp tuần đố lá thoả lòng tìm hoa.
 
Đó là những rung động, ước mơ, thầm kín nhưng vô cùng tha thiết. Lấy cảm hứng từ  trò “diệp hí” ở thời Đường, ngày xuân người ta đi hái lộc bẻ cành đố nhau xem số lá chẵn hay lẻ để đoán may rủi, đây là dịp trai gái làm quen và tìm hiểu nhau. Ý nghĩa hàm ẩn là điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Du diễn đạt tế nhị, trang trọng. Hoa chỉ người con gái.
 
Cảm thương cho những kiếp hồng nhan mà đa truân, tài tử mà đa cùng không phải là cảm hứng mới mẻ trong văn học, nhưng phải đến Nguyễn Du, người đọc mới thực sự đau lòng vì những điều trông thấy bởi Nguyễn Du viết về nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình, Nguyễn Du muốn từ số phận nhân vật của mình để gửi gắm nỗi đau nhân tình , 15 năm mà nỗi đau của Kiều như chung đúc nỗi thống khổ nghìn năm của ngàn vạn người phụ nữ bất hạnh trong xã hội.
 
Kiều là bóng hoa, là cành hoa, là xác hoa. Kiều sống trong hoa, nép vào hoa, bị vây giữa hoa, bị hoa ám ảnh, bị hoa đe doạ, bị hoa thẩm thấu. Chín mười tầng hoa lớp lớp phủ lên Kiều. Hoa luôn luôn là một thường trực ám ảnh nhất, một tín hiệu nghệ thuật mang những thông điệp quan trọng nhất của cuộc đời Kiều.
 
Thuý Kiều không chỉ có vẻ đẹp sắc sảo của hình dung mà còn có cái “mặn mà” của chiều sâu tâm hồn, nàng có tâm hồn trong sáng và một trái tim đa cảm.
 
Cớ sao trằn trọc canh khuya?
Màu hoa lê, hãy đầm đìa giọt mưa.
 
Lấy cảm hứng từ  Trường hận ca của Bạch Cư Dị để chỉ người phụ nữ đẹp khóc.
 
Ngọc dung tịch mịch lệ can can                Mặt ngọc lặng lẽ lệ chứa chan
Lê hoa nhất chi xuân đới vũ             Một cành hoa lê mùa xuân bám hạt mưa
 
Trong xã hội phong kiến đương thời, phụ nữ chỉ là hoa lá để trang trí cho cuộc sống, là một thiếu nữ nghiêng nước nghiêng thành, có tài hồ cầm lại tài thơ phú, qua số phận Đạm Tiên, Kiều nhìn thấy một định mệnh nghiệt ngã thâu tóm số phận mỏng manh của nàng. Trong Truyện Kiều, những tích mà Nguyễn Du dùng nếu không phải là quen thuộc  thì nhà thơ thường bố trí nó vào những văn cảnh nhất định, mà người đọc dù không hiểu ý nghĩa sâu sắc, do tuơng quan về văn cảnh vẫn có thể hiểu câu thơ.  Hoa trong Truyện Kiều được biến hóa tài tình, giàu hình ảnh và giàu sức gợi, được sử dụng cân nhắc có chọn lọc một cách điêu luyện. Nguyễn Du không thoát ra ngoài phong cách thời đại nhưng nhà thơ biết chọn một chỗ đứng để có thể phát triển phong cách ấy, không để nó trở thành bảo thủ, chết đứng.
 
Nhận thức được tương lai của mình, dự cảm được số phận của mình, nhưng khi Kim Trọng xuất hiện, Kiều đã nhanh chóng đi theo tiếng gọi tình yêu, hết mình cho một tình yêu tha thiết, sâu sắc, chủ động xây dựng hạnh phúc của mình, biết tình yêu  mong manh nhưng vẫn không thôi gắn bó, Thúy Kiều chủ động xây dựng hạnh phúc với người mình yêu, gót chân nàng thoăn thoắt sang nhà Kim Trọng, cái hình ảnh nàng  xăm xăm băng lối vườn khuya một mình  hàng trăm năm nay đã khiến bao người ngơ ngác.
 
Cùng với các tín hiệu thẩm mĩ khác, hoa góp phần tạo nên tính chất tự sự cho Truyện Kiều, phác họa thành công sự phát triển tính cách của một người phụ nữ, Thuý Kiều mang đầy đủ những nét tính cách xác thực, phong phú, đa dạng nhất so với bất cứ nhân vật nào trong các tác phẩm cổ điển, Thuý Kiều là người phụ nữ có ý thức về nhân phẩm, về giá trị đạo đức làm người hết sức sâu sắc, tiếng nói ấy đã theo nàng suốt cuộc đời, ngay từ buổi đầu  nắng giữ mưa gìn khi gặp gỡ, thề bồi với Kim Trọng.
 
 Nặng lòng xót liễu vì hoa,
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa
 
Trước lời tỏ tình đột ngột của chàng Kim, dù đã yêu chàng tha thiết nhưng Kiều đã đáp lại tế nhị, những lời ngăn đón ấy là những lời hết sức chân tình, phù hợp với cách nhìn, cách nghĩ cách ứng xử truyền thống, hoa ở đây chính là nàng, nét ý nhị là biểu hiện của cái tình yêu dịu dàng đằm thắm, dù đi trước thời đại một cách đáng kính phục nhưng Nguyễn Du vẫn để cho nhân vật của mình thể hiện tư tưởng mới đó dưới hình thức kín đáo tế nhị không hề kệch cỡm, thô vụng, được xây dựng như một mẫu người yêu đương tự do nhưng không phải tự do quá mức, bước chân của nàng đến với tình yêu rất hồn nhiên, mạnh bạo, nhưng cũng rất biết giữ gìn. Câu thơ giàu sức gợi, chỉ sử dụng cặp tín hiệu liễu – hoa quen thuộc nhưng bao điều đã được hiểu, không nói mà như nói được bao điều.  Thúy Kiều khiêm tốn, duyên dáng, ý tứ, kín đáo, không hứa hẹn gì mà thành ra hứa hẹn, bị từ chối mà Kim Trọng không hề cảm thấy thất vọng. Cái ranh giới, phạm vi của mối tình trong sáng đã được Kiều xác định bằng lối nói trang nhã, lịch sự nhưng cũng không kém phần chân thành.
 
Tiếng sen sẽ động giấc hoè,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
 
Hoa lê  là kết cấu bền vững, tính chất  hoa chỉ chung,  đặc tả sự ngọt ngào, êm thắm. Nhân hóa trong lòng ẩn dụ, hoa lê ở đây là ai? Có phải là  hoa lê đầm đìa giọt mưa như câu trên? Có phải là nỗi thương mình, là niềm băn khoăn khi nghĩ về tương lại phía trước? Cùng sử dụng tín hiệu thẩm mĩ hoa, cùng là  cảm xúc vào khoảnh khắc canh khuya nhưng Đại thi hào diễn tả những ý nghĩa tổng thể hoàn toàn khác nhau, thậm chí sắc thái trái ngược nhau. Đều quy chiếu về người con gái, nhưng nếu như hoa đã từng phải nhỏ lệ xót xa ẩn dụ về sự đa sầu, đa cảm, về nỗi nặng lòng của Kiều thì hoa (lê) trong câu sau mang một tình cảm hoàn toàn khác tả cảnh người đẹp đi ban đêm. Được ngày cha mẹ đi vắng, Kiều sang nhà Kim Trọng, cha mẹ chưa về Kiều lại sang,  hai bên thề nguyền cùng nhau. Đó là cái táo bạo, mới mẻ, cái hiện đại trong suy nghĩ của Nguyễn Du, ông để Kiều tự do đến với tình yêu của mình, chủ động vượt qua cái quan niệm cứng nhắc, khuôn phép, tù túng của mái nhà lụp xụp phong kiến.
 
Cùng quy chiếu đến người phụ nữ, nhưng ở những ngữ cảnh khác nhau, hoa lại có những màu sắc khác nhau. Tính chất yếu đuối, mong manh của hoa, vòng đời phụ thuộc vào hơi thở đất trời, dễ dàng bị tác động của mưa, gió, nắng, sương,…như phần lớn người phụ nữ trong xã hội xưa bị xô đẩy, bị rẻ rúng, thụ động với vận mệnh của mình.
 
Xót nàng chút phận thuyền quyên,
Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.  
 
Hoa chỉ Thúy Kiều, chỉ vẻ đẹp của nàng, trong cái nhìn đắm đuối lần đầu tiên của Thúc Sinh.
 
Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa?   
 
Bình khang nấn ná bấy lâu
Yêu hoa yêu được một màu điểm trang.
 
Để diễn tả âm mưu, tính toán hoặc những hành động của bọn xấu hãm hại Kiều, trước tín hiệu hoa, Nguyễn Du dùng những từ chỉ hành động như bẻ, dập, ép,…những hành động làm cho hoa lìa cành, đầy đọa đến mất hết cả vẻ đẹp.
 
Đó là sự mưu mô chiếm đoạt Kiều của Mã Giám Sinh,
 
Về đây nước trước bẻ hoa,
Vương tôn quý khách chắc là đua nhau.
Là những toan tính, âm mưu
Ví chăng chắp cánh cao bay,
Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa!  
Là tâm địa độc ác của Hoạn Thư,
Phải tay vợ cả phũ phàng,
Bắt về Vô Tích toan đường bẻ hoa. 
 
Là Tú Bà, nổi tam bành trút thẳng vào Kiều cái sự thật trắng trợn, đập tan mọi toan tính phản kháng dù chỉ còn thoi thóp của nàng, mụ sẵn sàng nói chuyện với nàng bằng roi da.
 
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.  
 
Hoa và liễu không chủ động mà đã bị đẩy xuống tư thế bị vùi dập. Xét về phương diện ngữ pháp, nếu hoa liễuxuất hiện trong mối tình Kim Kiều giữ vai trò là những chủ ngữ nhân hóa thì cặp hoa liễu qua tay Tú Bà lại bị đẩy xuống vị ngữ, biến thành đối tượng bị tác động, phải phụ thuộc như cái cảnh huống của Kiều lúc bấy giờ, do mắc lừa Sở Khanh. Chi tiết thật nhỏ nhưng lại cho thấy cái tỉ mỉ, khéo léo, cái dụng công chọn lọc, cân nhắc kĩ lưỡng của Nguyễn Du trong việc sử dụng và sắp xếp ngôn từ.
 
Dường như có cái gì rất giống nhau ở bộ ba trong ngôi nhà chứa của Tú Bà là Tú Bà, Mã Giám Sinh và Sở Khanh, ba con người này ở những phương trời khác nhau của xã hội phong kiến họp lại dưới bóng mái thanh lâu của mụ Tú Bà, gian xảo và mưu mẹo chúng kiếm ăn bằng cái nghề bỉ ổi – buôn bán sắc đẹp của phụ nữ, chúng rất hám tiền, đồng tiền xoay tròn trong mọi mưu mô xảo quyệt của bọn chúng, những con người này, trong hơi thở cũng có mùi tanh tưởi của đồng tiền.
 
Đối với Sở Khanh nỗi khát tiền còn làm cho hắn trở thành hèn hạ đốn mạt hơn nữa.
 
Đã bao lần Nguyễn Du giới thiệu với người đọc Thúy Kiều của ông thông minh, sắc sảo và lẽ dĩ nhiên một con người thông minh thì khó có thể mắc lừa,  thế mà nàng lại mắc lừa, đó là một mâu thuẫn. Để làm cơ sở nhà thơ tạo ra một tình huống đặc biệt, ông đã viết một đoạn dài về nỗi buồn của Kiều ở lầu Ngưng Bích để diễn tả tâm trạng khủng hoảng, bế tắc của nàng để rồi Sở Khanh xuất hiện.
 
Khi  đóng vai hiệp khách, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều bằng cái vỏ bọc văn hoa kiểu cách.
 
Giá đành trong nguyệt trên mây,
Hoa sao hoa khéo đoạ đày bấy hoa?
 
Cách nói năng ba hoa, rỗng tuếch, giả dối, phủ lên cái vẻ ngoài ấy là điệu bộ của kẻ cắp, sẵn sàng trở mặt như trở bàn tay, cái nốt anh hùng rơm của một tên ma cô lừa đảo.
 
Đến khi hoàn thành tấn trò bỉ ổi của đạo diễn Tú Bà, hắn vất bỏ chiếc mặt nạ hiệp sĩ, hiện nguyên hình cái mặt mo của một kẻ lừa đảo.
 
Ba từ hoa trong một câu thơ, đậm màu hiệp khách, nhưng nó lại là công cụ che đậy cho một giã tâm lớn, hoa là Thúy Kiều, ngôn từ hoa mĩ bị lợi dụng trở thành bức bình phong để Sở Khanh làm tròn vai trò diễn viên trong vở kịch Tú Bà làm đạo diễn, dập tắt ngọn lửa bùng lên phản kháng của Kiều. Đó chỉ là những lời có cánh giả tạo, sau tiếng lòng ấy là điệu cười nhếch mép nham hiểm của những kẻ bị đồng tiền dắt mũi, kẻ được lãnh tiền công, kẻ có sự khuất phục của món hàng hời nhẫn tâm nhấn cuộc đời người con gái xuống vũng bùn.
 
Nguyễn Du có thái độ khinh bỉ ra mặt đối với bọn này, ông gọi là mạt cưa mướp đắnglà giống hôi tanh, là mặt mo, là cũng phường bán thịt cũng tay buôn người… Nguyễn Du đả kích không thương tiếc, chế giễu một cách độc địa và cuối cùng bằng lưỡi gươm của Từ Hải ông đã giết sạch tất cả.
 
3.2.  Hoa biểu thị bộ phận cơ thể, trinh tiết, tuổi thanh xuân.
 
Khả năng liên tưởng nghĩa của hoa có thể đi từ tính chất đến chức năng, từ cái hoa tự nhiên đến biểu trưng cho nét đẹp, bộ phận cơ thể của người phụ nữ.
 
Hoa là miệng xinh.
 
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
 
Ở ngay những câu đầu, trong việc giới thiệu nhân vật, hoa đại diện cho buổi bình minh đầy sức sống của vẻ đẹp thuỳ mị, kiều diễm, đoan trang, phúc hậu thể hiện một tương lai tươi sáng, hạnh phúc của Thuý Vân, hoa được nhân hoá như một chủ thể đầy xúc cảm.
 
Hoa là mặt đẹp.
 
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài.
 
Ý nghĩa biểu tượng của hoa có được do sự tương tác về hình thức và ngữ nghĩa của các từ kết hợp xung quanh, cười vốn là từ điển hình để chỉ miệng (miệng cười), nét cũng là từ tiêu biểu để chỉ mặt (nét mặt), chính sự tương tác này đẩy nghĩa của từ hoa đi từ trường thiên nhiên sang trường bộ phận con người.
 
Thậm chí tả giọt nước mắt của Thúy Kiều,  Nguyễn Du cũng đính kèm hoa để tăng thêm ý nghĩa cho sự diễn đạt.
 
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng. 
 
Thúy Kiều càng diễm lệ, càng đáng quý bao nhiêu thì sự khập khiễng so với Mã Giám Sinh, một kẻ già nua, bịp bợm, xảo trá càng tăng lên bấy nhiêu.
 
  Hoa còn biểu thị tuổi thanh xuân.  Tuổi trẻ – hoa – mùa xuân bộ ba có sự gần gũi, khăng khít, hoa đại diện cho thời kì sinh trưởng dồi dào nhất của thực vật, tuổi trẻ là tuổi căng tràn nhựa sống nhất của đời người và mùa xuân là mùa lộng lẫy nhất trong năm, hoa xuân là bức tranh rực rỡ nhất của bốn mùa, mùa xuân – mùa  nhộn nhịp căng tràn tươi mới. Một điều đẹp đẽ, mà lại được Tú Bà phát ngôn, phải chăng là sự tương tác có dụng ý bất thường.
 
Một người dễ có mấy thân,
Hoa xuân đương nhuỵ ngày xuân còn dài
 
Vẻ đẹp của tuổi trẻ, của sức sống căng tràn, của mùa xuân rực rỡ, tuổi mà người ta tràn đầy hi vọng về một tương lai tươi mới, quy luật về sự tương đồng này lại đến với Kiều trong hoàn cảnh trớ trêu, tuổi xuân xót xa với cái tủi nhục nơi lầu xanh nhơ nhớp, khóa cái sôi nổi, cái tự do tuổi trẻ trong nỗi ê chề, vô vọng.
 
Hoa còn là trinh tiết của người phụ nữ, hoa thơm còn bao nhụy, nhụy chưa rữa thì hoa mới được quý, như  chữ trinh với người phụ nữ trong xã hội xưa.
 
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
Hoa thơm phong nhuỵ, trăng vòng tròn gương.
 
 Thúy Kiều đã thực sự chua chát khi nghĩ đến trinh tiết của người phụ nữ, trong mối tình đẹp mà đau buồn của Kiều, trong nỗi xót xa, ảo não đầy trách móc dằn vặt với những lời thề để rồi khi gặp lại Kim Trọng nỗi tủi hổ về cuộc đời bị chà đạp trong quá khứ vẫn đè nặng tâm hồn Kiều khiến nàng không thể nào dang tay đón lấy hạnh phúc. Nàng nói về mình nhưng đó lại là đạo lí của mọi người nên nỗi buồn không đòi đoạn như lúc mới dấn thân vào cuộc đời vô định, tủi nhục mà có gì đó sâu lắng.
 
Hoa biểu thị hoặc là dự cảm về thân phận bất hạnh.
 
Xuất phát từ đặc điểm bản thể: vẻ đẹp mong manh, yếu ớt, có thì, hoa là biểu trưng cho cái đẹp mang bản tính nữ  mỏng manh, yếu đuối, phụ thuộc.  Kết cấu Hoa + X ( trôi, rụng, hèn, tàn, rã cánh,…) miêu tả đặc điểm, hoạt động của hoa, nhưng hầu hết những từ được Nguyễn Du sử dụng là những từ mạnh, những động từ tiên đoán về sự vô định, phụ thuộc, tính từ miêu tả trạng thái sau khi bị tác động,… Ngoài ra, sự kết hợp tín hiệu  hoa với các tín hiệu thẩm mĩ khác có tính chất trôi nổi, yếu đuối, nhỏ nhoi,… tạo điểm nhấn cho cách diễn đạt về thân phận người phụ nữ.
 
Hoa với bèo cặp tín hiệu cho nỗi xót xa, dự cảm về sự bất hạnh, dạt trôi của kiếp người. Hình tượng quen thuộc, gần gũi, được đưa đẩy trong cấu trúc lục bát truyền thống nổi bật nét thẩm thấu cái tiên đoán về tương lai, cảm thông với số phận nhân vật.
 
Hoa trôi bèo giạt đã đành,
Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi
 
Câu thơ giản dị, nhẹ nhàng nhưng chan chứa cả một khối tâm sự, thân phận hoa trôi bèo giạt xuất hiện trong Truyện Kiều như một điệp khúc, trong một xã hội phong kiến suy tàn, số phận người phụ nữ thật bé nhỏ, long đong, trôi nổi truân chuyên, phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng, nhân phẩm bị dẻ dúm, số phận hoàn toàn bị phụ thuộc, chà đạp, như một món hàng.
 
Chỉ có một trái tim hồi hộp trước những nỗi đau đắng cay của bức tranh thế sự, chỉ có một lương tâm  phẫn nộ trước những thói đời vô nhân bạc nghĩa thì người nghệ sĩ mới có thể nhìn thấy trong tận sâu thẳm từng xúc cảm mong manh của nhân vật như thế.
 
 Trông chừng khói ngất song thưa,
 Hoa trôi giạt thắm liễu xơ xác vàng.
 
Nằm gọn trong cấu trúc tiểu đối, hoa giạt thắm, liễu xơ xác cho ta  hình dung cảnh cuối xuân sang hè, chi tiết bé nhỏ ấy mà muốn báo bao điều xa xăm, hoa cùng nỗi buồn ủ rũ của liễu nhuốm màu tâm trạng nàng Kiều khi phải xa chàng Kim, tiếc nuối với tình yêu chớm nở và tiên đoán định mệnh 15 năm đoạn trường lưu lạc mà nàng sắp phải chịu đựng.
 
Hoa với nước quyện vào nhau  trong cái nhìn dự báo, niềm đau đớn khi tình yêu tan vỡ, là sự rơi tự do không trọng lượng, hố sâu của hụt hẫng, xót xa, là cuộc đời lưu lạc đẫm nước mắt của Kiều. Nàng ý thức sâu sắc về bi kịch hiện tại của mình,
 
Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng 
 
Đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Du trong việc biểu hiện tâm trạng là việc miêu tả nội tâm Thúy Kiều lúc nàng nhờ em thay lời lấy Kim Trọng để nàng bán mình chuộc cha. Trong xã hội phong kiến một giải pháp “thay lời”như thế không phải là không thể xảy ra, nhưng khó khăn đối với nhà thơ là làm sao thể hiện cho đúng tâm trạng của nhân vật. Về lí trí, Thúy Kiều không cách nào khác phải bán mình, và để đáp lại mối tình của Kim Trọng, Thúy Kiều thấy không còn cách nào khác phải nhờ em thay lời lấy Kim Trọng. Nhưng về tình cảm lại cái khó là làm sao thuyết phục Thúy Vân, để Thúy Vân có thể chấp nhận mối tình trao lại của Kiều một cách thoải mái, bởi vì chính Kiều cũng không hề thấy thoải mái chút nào. Kiều cố nén cảm xúc, kể cho em nghe tất cả cảnh ngộ khó xử của mình để em thông cảm và trao cho em những kỉ vật của mình, chiếc thoa với bức tờ mây…Thúy Kiều thấy mình đứng trước một mất mát to lớn, tiếng nói tình cảm lấn át tiếng nói lí trí, nàng thấy thương mình, chua xót cho mình, lúc đầu nàng nói với Thúy Vân, về sau thì hình như Kiều tự nói với chính mình và cuối cùng đau đớn đến cực độ, tiếng khóc, tiếng nức nở đến quặn lòng, Thúy Kiều đã chết ngất đi trong cái bao trùm của bóng hình Kim Trọng.
 
Những suy tư khó nhọc của phận hồng nhan, bao đau thương dồn nén, thấm đẫm cả một vùng trời đất rồi lại sắt se vào trong lòng. Lầu Ngưng Bích, lầu son cao đẹp nhưng lại đem đến cho con người cái bi thảm về tinh thần, nỗi buồn triền miên, một khúc nhạc sầu trùm lên từng câu chữ, có cái gì bấp bênh quá, vô định quá, xót xa quá trong cái tương lai của Kiều.
 
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu.
 
Cái man mác trôi của hoa là cái băn khoăn, lo lắng cho thân phân lạc loài, vô định, cái hình ảnh ẩn dụ về cuộc đời, tương lai người con gái bất hạnh. Đó là một câu hỏi không có câu trả lời, nặng trĩu nỗi niềm, cứ thế tăng lên theo cấp số nhân cái nhỏ bé cô đơn của người con gái, những dông bão của cuộc đời đang đến, nỗi buồn, nỗi lo âu, sợ hãi chồng chất lên trong lòng. Một con người bơ vơ xứ lạ, đơn độc, cô quạnh những cánh hoa trôi nổi dập vùi theo sóng nước, hoa lìa cội lìa cành như người phải xa gia đình bị sóng đời vùi dập.
 
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,
Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan!
 
Thân phận Kiều cũng như những cánh hoa, quá nhỏ bé trước dòng đời,  dập dồn trôi nổi, lưu lạc không biết đâu là bờ là bến đỗ, những điều bất an, tương lai bão táp đang chờ trước mắt, sự tăng tiến của cung bậc cảm xúc, nỗi buồn tủi dồn ngẹn trong lòng thành niềm lo sợ về thân phận lạc loài héo hắt, tuyệt vọng trước thực tại trào ra thành nỗi đau đớn tột cùng. Có lẽ Kiều đã nhượng bộ trước những xa xăm của cuộc đời, bi kịch của  nàng có sức tố cáo lớn đối với xã hội đương thời, một xã hội tàn bạo, nó không chỉ huỷ hoại tài – sắc những giá trị tinh thần quý giá của con người mà còn huỷ diệt cả những tình cảm đạo đức hết sức tốt đẹp : niềm tin, khát vọng về một cuộc sống bình yên hạnh phúc.
 
Kiều bị đẩy tới một những cảnh vô cùng ô nhục giữa vòng vây trùng trùng điệp điệp của sự bất nhân, nàng cố vùng vấy, cố làm chủ lấy đời mình nhưng  cứ mỗi lần như thế nàng lại bị đạp xuống sâu hơn một tầng nữa. Cái mơ ước bé nhỏ, thảm hại – chịu tra tấn cực hành để về làm….vợ lẽ cho người. Đời nàng là một tấn bi kịch, là chuỗi dài những khổ đau, càng gắng gượng lại càng chua xót.
 
Nước trôi hoa rụng đã yên,
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian. 
 
Thúy Kiều đã đau đớn biết bao nhiêu khi nhân phẩm bị nhơ bẩn. Nàng phẫn uất với thực trạng phũ phàng, cuộc sống bị cầm tù trong một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát.
 
Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi. 
 
Hoa không còn là dự báo, mà là sự biểu thị, hoa đào thường chỉ người phụ nữ đẹp nhưng số hoa đào ở đây có sự khác biệt, sau khi biết mình bị rơi vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều đã cất lên tiếng thét xé lòng ấy, tưởng thoát được kiếp lầu xanh ô nhục nhưng lại bị đẩy vào lần nữa, phẫn uất cho thân phận mình. Cũng như Hồ Xuân Hương, đối với Nguyễn Du, thơ ca không tự bó mình trong vương quốc nào, không có sự phân biệt về nguyên tắc giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời sống, đối với ông bất cứ một từ ngữ nào cũng có thể trở thành từ ngữ của thơ miễn là nó được dùng với dụng ý nghệ thuật… Trong Truyện Kiều có những cách nói thông thường, cách nói cửa miệng của quần chúng mà vẫn rất thơ, rất nghệ thuật.
 
Có thể nói sự xuất hiện của tín hiệu thẩm mĩ hoa trong Truyện Kiều là một điều tuyệt diệu, hoa đã giúp Nguyễn Du phác họa nên chân dung của Kiều, cuộc đời, số phận của nàng, góp phần không nhỏ làm lên  thành công của nghệ thuật ngôn ngữ Nguyễn Du. Ít có nhân vật nào mà có nhiều cảnh ngộ éo le và tâm tư phong phú như Kiều, cũng ít có người viết truyện nào gắn bó với nhân vật của mình sâu sắc như Nguyễn Du. Kiều rạo rực yêu thương mà băn khoăn vì số phận, liều lĩnh đi tìm hạnh phúc mà e thẹn ngập ngừng rồi những phút đau đớn phẫn uất, buồn tủi, chán chường, nhớ nhung, sợ hãi, những phút cuộc sống bỗng trở lên tưng bừng rộng bao la những phút liền sau đó cùng đường tuyệt vọng. Để nhóm lên tia hi vọng cho cuộc đời người con gái ấy, Nguyễn Du đã để cho Từ Hải xuất hiện. Thúy Kiều và Từ Hải là hai mặt của quan niệm về cuộc sống, Thúy Kiều là bản thân cuộc sống và Từ Hải là ước mơ về cuộc sống.
 
Từ Hải được Nguyễn Du giới thiệu rất tường tận, là một con người phi thường vai năm tấc rộng, thân mười thước cao với bản lĩnh phi thường đội trời dạp đất, một phong độ phi thường gươm đàn nử gánh, non sông một chèo và con người phi thường ấy đã đến trong cuộc đời Thúy Kiều giữa lúc cuộc đời Kiều bế tắc, không có lối thoát nào.
 
Rộng thương nội cỏ hoa hèn
Chút thân bèo bọt, dám phiền mai sau
 
Cỏ ngoài đồng, hoa hèn mọn, chỉ người phụ nữ hèn mọn. Kiều gặp Từ Hải khi đã bấy chầy sương gió, Từ Hải là nhân vật lí tưởng hóa điển hình trong Truyện Kiều, Từ Hải gặp Kiều ở nhà chứa, thông thường người ta đến với nhà chứa để truy hoan hưởng lạc. Tình yêu có xảy ra trong nhà chứa thì thông thường nó phải xảy ra theo quá trình của Thúc Sinh Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng nhưng Từ Hải phản đối quan niệm đó, họ Từ không chỉ tìm người mắt xanh giữa trốn lầu xanh, mà còn cảm thông với quá khứ của Kiều.
 
Từ Hải như một hình mẫu cho tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du,  đã yêu thương là yêu thương hết mực và căm giận là căm giận đến cùng , yêu thương những người dân lành bị chà đạp và căm giận những gì vô cớ chà đạp lên con người…yêu thương và căm giận đến mức không thể nào không cho vung lên một cây gươm đêt quét đi bao nhiêu tàn bạo. Cây gươm của Từ Hải đã vung lên bất chấp tất cả những kỉ cương thời ấy; sấm sét đã đổ vào đầu lũ bất nhân; cuộc đời Thúy Kiều bỗng rực sáng lên; câu thơ Nguyễn Du như muốn hát vang lên hả hê, sung sướng. Nguyễn Du đòi cho người bị áp bức cái quyền được dùng bạo lực mà trả thù và trị tội. Kế đó Từ Hải bị giết…trời đất lại tối sầm lại và ngòi bút Nguyễn Du căm giận buồn tủi đến ngẹn ngào.
 
Trong đời Kiều, có lẽ lần đau xót và hối hận nhất là lần Kiều khuyên Từ Hải ra đầu hàng để Từ Hải bị giết chết, Từ Hải chết có nghĩa là  Truyện Kiều  trở lại với trạng thái bế tắc, không có lối thoát cũ. Không những thế sau khi Từ Hải chết Kiều còn phải đánh đàn, hầu rượu kẻ giết chồng nàng. Tâm trạng của Kiều lúc ấy hết sức ảo não,
 
Còn chi nữa cánh hoa tàn,
Tơ lòng đã đứt dây đàn Tiểu Lâm. 
 
Sự nguyên vẹn chỉ còn là cánh hoa đã bị vùi dập đến tàn úa, hối hận, đau khổ, nhục nhã liên tiếp dày vò Kiều, nàng như một cái xác không hồn, Thúy Kiều thấy mình trơ trọi giữa loài người, trơ trọi giữa thiên nhiên vũ trụ. Trên thuyền đưa Kiều về nhà viên thổ quan, tất cả đều lặng yên, đều ngủ kĩ, chỉ có mình nàng là luống những đứng ngồi chưa xong, mặt trăng sắp lặn ở non đoài và nước sông Tiền Đường nổi sóng…. Tất cả như một li nước sắp tràn… cùng với tích về sự đau khổ dây đàn Tiểu Lâm, hình ảnh cánh hoa là một sự ám ảnh, tiếng thét xé lòng, đau đớn phận mình, cánh hoa ấy bị vùi dập, bị xé toạc cho tan nát, cho đớn hèn cả một kiếp con người.
 
Là một nghệ sĩ về ngôn từ , Nguyễn Du không sử dụng  từ ngữ một cách máy móc rập khuôn mà sự sáng tạo của nhà thơ là rất lớn nhà thơ đã phá vỡ nhiều cấu trúc cố định, tách từ thừa thải (bị mất giá trị còn quan trọng), để ghép thải với hoa, thừa với hương , để tạo hiệu quả cho sự diễn đạt, tổ hợp chỉ người con gái đã mất tiết như cái hoa bị thải đi như mảnh hương đốt còn thừa. Các cấu tạo đặc biệt này diễn đạt một trạng thái sự vật có ý nghĩa phổ quát, diễn ra nhiều lần và chỉ được hiểu sâu sắc trong ngữ cảnh của Truyện Kiều.
 
Tuồng chi hoa thải hương thừa,
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.
 
Những ngày tháng  lưu lạc với nỗi phong trần đè nặng lên vai một kiếp người, phải dấn thấn vào con đường bạc mệnh đầy cay đắng khiến cho nỗi buồn của nàng nhân lên gấp bội, từ một người sống trong phong gấm rủ là, ba chìm bảy nổi thành thân liễu ngõ hoa tường của phường lầu xanh nhơ nhớp, bị rẻ rúm khinh thường.
 
Sá chi liễu ngõ hoa tường,
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh. 
 
Thúy Kiều trải qua 15 năm lưu lạc, hoa tàn nhụy rữa  nhưng tình yêu Kim Trọng với Thúy Kiều vẫn nguyên vẹn như lúc đầu, Thúy Kiều đã thực sự chua chát khi nghĩ đến trinh tiết của người phụ nữ còn Kim Trọng trái lại chàng biện hộ cho chữ Trinh của Thúy Kiều.
 
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
 
Cặp tín hiệu hoa tàn – trăng tàn được đặt trong phần đoàn tụ như khép lại hệ thống ý nghĩa hoa Nguyễn Du khai thác gắn  với những biến cố cuộc đời Kiều, xoa dịu nỗi xót xa, dằn vặt, ảo não, nuối tiếc. Hoa – trăng tàn cặp tín hiệu đồng nhất với sự mất mát trong cuộc đời, trong tình yêu nhưng lại đối lập với quan điểm tiến bộ về tình yêu đáng trân trọng của chàng Kim – một quan niệm đầy tính nhân sinh của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
 
Trong cuộc đời Thúy Kiều, nếu như những ngày sống hạnh phúc nhất là những ngày sống trong mối tình Kim Trọng. Mười năm năm lưu lạc, đầy những khổ nhục ê chề, mối tình bèo nước của Thúc Sinh cũng đem lại cho Kiều ít nhiều an ủi, rồi mối tình của Từ Hải xiết bao mặn mà, đằm thắm và quằn quại trong bùn nhơ của cuộc sống, thì chỉ tình cảm một tình cảm nhớ thương đối với cha mẹ, với các em, gia đình là chỗ dựa tinh thần để Kiều cảm thấy mình không trơ trọi, cô độc giữa cuộc đời, nàng còn lí do để sống…
 
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây.
 
Dù biết tương lai mịt mùng, nhưng tình yêu của đối với cha mẹ làm mờ đi tất cả, nó được biểu hiện dưới những màu sắc rất đẹp, thống thiết và cảm động. Kiều bán mình chuộc cha đánh đổi hạnh phúc cá nhân, hi sinh cả đời để đổi lấy bình an cho gia đình, chữ hiếu trọn vẹn.
 
* Hoa chỉ người con trai.
 
Hoa thường được gán cho thiên tính nữ nên người ta thường liên tưởng với người con gái đẹp, nhưng cái tài tình của Nguyễn Du là ở chỗ trong Truyện Kiều ta còn thấy đối tượng hoa ngầm chỉ không phải thuộc phái đẹp, mà còn có thể thuộc phái mày râu, đây là cơ chế liên tưởng hoàn toàn đi ra ngoài khung liên tưởng thông thường, một sáng tạo hoàn toàn bất ngờ.
 
Chính sự xuất hiện linh hoạt, sinh động mà dù xuất hiện trong nhiều lần như thế hoa không hề đưa lại cho độc giả cảm giác lặp lại nhàm chán hay gượng ép về giá trị thẩm mĩ.
 
Nàng rằng: “ Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
 
Khía cạnh đặc sắc nhất trong phẩm chất của Kiều là ở nàng luôn tồn tại một khát vọng thiết tha với tình yêu, với hạnh phúc chính đáng. Đặt vào bối cảnh khi ra đời của Truyện Kiều mới thấy quan niệm của Nguyễn Du về tình yêu nam nữ chân chính vô cùng tiến bộ, dân chủ. Câu thơ lấy ý từ  Đường Thi.
 
Chỉ khủng dạ thâm hoa thuỵ khư
 
Cố thiêu cao chúc chiếu hồng trang
Ý là: chỉ sợ đêm khuya hoa đi ngủ nên đốt đuốc để soi bóng hồng của hoa.
 
Thú vị xuất hiện từ sự trộn lẫn cố ý đối tượng: tình yêu và người yêu, vì hoa – hoa ở đây là ai? Là chàng Kim – vì chàng Kim hay vì mối tình đẹp của hai người và vì thương nên phải tìm tới.
 
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
 
5.  Hoa chỉ việc chuyện trăng hoa bất chính. 
 
Nếu như với Kim Trọng, bộ đôi hoa – nguyệt là tiếng nói thấu đáo, chân tình nhắc nhở  chàng Kim trong lúc có chiều đi quá giới hạn của quan hệ tình cảm.
 
Đừng điều nguyệt nọ hoa kia,
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai. 
 
Thì cũng cô gái ấy, cũng cặp tín hiệu hoa – nguyệt nhưng ở chốn lầu xanh, nói đến quan hệ của khách nàng chơi và gái bán hương thì cấu trúc hoa nguyệt, nguyệt – hoa lại nhuốm đầy vẻ buông tuồng , đậm sắc thái tâm lí khách làng chơi say mê miền ong bướm.
 
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng! 
 
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đặt Thúy Kiều vào một cuộc đời rất thực, ông không mơn trớn để thỏa mãn cái khát vọng chủ quan của mình về con người mà ông muốn làm một nhân chứng trung thực về vận mệnh của con người trong xã hội. Thúc Sinh xuất hiện trong cuộc đời Kiều, chuộc nàng ra khỏi lầu xanh và cưới nàng làm vợ lẽ. Nhưng mối duyên này ngắn ngủi. Thúc Sinh là điển hình cho lớp thương nhân trong xã hội phong kiến phương Đông thích sa đà ăn chơi hưởng lạc, hời hợt bạc nhược. Thúc Sinh yêu Kiều nhưng đó là tinh yêu của một kẻ lắm tiền nhiều của vị kỉ và hưởng lạc.
 
Nguyễn Du vô cùng khéo léo, tinh tế trong việc nói đến chuyện trăng hoa, chuyện ăn chơi hoa bướm. Cũng từ trăng – hoa  khi tách ra mỗi từ trở về nghĩ đen, nghĩa đích thực của nó, khi ghép lại đã chuyển sang nghĩa bóng. Thúc Sinh yêu Thúy Kiều vì nhan sắc của nàng vì một màu điểm trang, Kiều yêu Thúc vì nặng ân nghĩa, tình yêu đáp lại lòng hào hiệp của Thúc.  Thúc Sinh là nhân vật được xây dựng về cơ bản khác với những nhân vật trong truyện Nôm  truyền thống, không tích cực nhưng cũng không hoàn toàn tiêu cực, là nhân vật được kết hợp nhiều màu sắc thẩm mĩ đa dạng,
 
Nghệ thuật xây dựng tín hiệu thẩm mĩ trong Truyện Kiều có tác động tích cực về nhiều mặt nhưng cái chính trong giá trị là ở chỗ Truyện Kiều  đã tái tạo lại cuộc sống đương thời và sáng tạo ra một thế giới có thật. Trong thế giới ấy có những con người rất sống, rất thật. Cũng bởi rất sống rất thật nên không ai giống ai.
 
Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… Phơi bày bản chất bẩn thỉu, hèn hạ, lưu manh, xảo trá, nham hiểm của chúng khi đứng tương phản trong những giá trị tốt đẹp. Từng dáng điệu, bộ mặt, lời nói, cử chỉ, việc làm…mỗi tên một vẻ, đôi khi là chỉ vài nét nhưng rất đậm đà, sắc sảo Nguyễn Du lôi cả lũ chúng ra ánh sáng như là những điển hình của hạng người mà chúng đại diện vừa như là nhân vật tiêu biểu cho xã hội đương thời, một xã hội mà người mắc nạn không còn biết đâu là công lí, không còn biết bấu víu vào chỗ nào.
 
Mã Giám Sinh một tay bợm già, chuyên kiếm tiền bằng việc mồi chài, đóng vai người đi mua Kiều về làm lẽ.
 
Quá chơi lại gặp hôi đen,
Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa
Dưới trần mấy mặt làng chơi,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
 
Miền nguyệt hoa là nơi buôn hương bán phấn, chơi hoa chỉ việc ong bướm bất chính của đàn ông, còn (biết)hoa chỉ người con gái còn trinh tiết, đó là phát ngôn sặc mùi nghề nghiệp hôi tanh của tay bợm già ngay trong tính toán của hắn, Nguyễn Du nói nhân vật sinh động như bản thân cuộc sống, như cái mặc định của nhân vật cho nên không ai có cảm tưởng như nhà thơ gán ghép, mà nó gắn liền với tính cách nhân vật, và là một biểu hiện của tính cách nhân vật.
 
Tú Bà là chủ nhà chứa, mụ không vụng trộm như Mã Giám Sinh cũng không ba hoa như Sở Khanh, mụ là con người thiết thực, nếu như mụ mừng thầm khi mua được món hời Thúy Kiều bao nhiêu thì mụ cũng nổi tam bành khi biết Kiều không còn trong trắng bấy nhiêu. Những khái niệm đạo đức thông thường bị mụ bẻ cong đi theo cách hiểu nôm na, vô học của mụ, mụ nói như tát nước vào mặt người khác, qua lời nói của mụ ta có thể nghe được tiếng nghiến răng ken két, tiếng thở hổn hển vì tức tối và thấy được nét mặt hằm hằm của mụ nhìn xuống như muốn ăn tươi nuốt sống tay thì xỉa xói Thúy Kiều, cũng chính con người ấy đã rót vào tai Kiều những lời khuyên giải miên man đầy tình lí khi Kiều liều mình tự tử vì nhận ra nỗi ê chề, thê thảm khi bị lừa vào lầu xanh,
 
Nguyễn Du muốn gây ấn tượng bởi cảnh nên thơ mà đời quá đục, Tú Bà dạy cho Thuý Kiều khi khách nàng chơi đến phải biết gợi tình, lả lướt để làm say lòng khách, biến họ trở thành con nghiện của chốn lầu xanh nhơ nhớp này. Đó là bài học vỡ lòng của cái nghề nghiệp đã thấm vào Tú Bà nhuần nhuyễn đến thành máu thịt, mụ đổi giọng làm lành, vừa dạy  Truyện Kiều  nghề chài khách vừa hồi tưởng lại cái thủa quá khứ của mụ, càng nói mụ càng sôi nổi càng hào hứng nói đến đứt hơi mà không muốn nghỉ.
 
Khi khoé hạnh, khi nét ngài,
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.
Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời. 
 
Liễu chán hoa chê tức là chán chê, tổ hợp chán chê được tách ra dùng với liễu hoa trong vế đối nhau, chỉ việc dâm dục, bừa bãi. Trong lời nói là dư âm của sự hả hê, khoái trá, là tiếc rẻ thòm thèm. Nó như gợi lại cái quá khứ không biết là oanh liệt hay ê chề của Tú Bà, nhưng quá khứ với tương lai mà làm gì khi mà giờ đây Kiều là cái vốn liếng là mối để  rước khách kiếm lời mà ăn của mụ.
 
Đối với bọn nhà chứa, bọn cặn bã, chỉ cần một vài nét phác vội cũng đủ khiến cả cái lớp người đó hiện ra nhô nhúc dưới ngòi bút của Nguyễn Du, với cái màu da nhờn nhợt  của Tú Bà, cái bộ mặt mày râu nhẵn nhụi của Mã Giám Sinh, cái vẻ chải chuốt giả tạo của Sở Khanh, cái miệng của Bạc Bà, Bạc Hạnh…phơi bày tất cả cái gian tà của chúng.
 
Nguyễn Du đã nhìn nhận hoa theo một ý nghĩa siêu hình, đem tuyệt đối hóa, vĩnh viễn hóa một sự thật phổ biến trong hoàn cảnh của xã hội phong kiến nói riêng và trong xã hội có áp bức bóc lột giai cấp nói chung, nàng Kiều sống ở cái nhà chứa đau đớn, ô nhục, tủi hổ là thế mà Nguyễn Du vẫn tô cho nó vẻ yên hoa hết mực
 
 Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu, 
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa
 
Chỉ nói riêng vài nét chấm phá bức tranh tứ bình cổ điển với đủ phong, hoa, tuyết, nguyệt đã hiện ra với đủ đường nét.  Nhưng đây là lúc Kiều chấp nhận ở lầu xanh, nào cảnh đón khách Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh, nào cảnh bướm lả ong lơi thì chuyện nói gió, hoa, trăng, tuyết kia đâu còn ý nguyên ý nghĩa, ý nghĩa tượng trưng tưởng không đắng cay mà cay đắng bởi cảnh đời và cái tâm trạng, đối mặt với không gian mở ở cuối câu bốn bề trăng thâu cái cô đơn, cái mông lung vô định của trời đất.
 
Lầu xanh, chuyện tựa, kề  gió với hoa, sự vui chơi lả lơi của khách chẳng lúc nào rời. Chuyện rèm che cửa, tuyết ngậm hoa kia hẳn cùng với gió tựa hoa kề để rồi Kiều đau lòng thấy đời mênh mông vô định giữa bốn bề trăng thâu.
 
Sự điêu luyện, tinh tế trong cách sử dụng ngôn từ của Nguyễn Du là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Truyện Kiều tồn tại năm tháng cùng dân tộc, gắn bó với đời sống nhân dân. Tả người, tả cảnh, tả tình, từ những suy nghĩ thầm kín đến những hành động hằng ngày, từ những điều đẹp đẽ, trân trọng đến những chuyện tưởng chừng như khó nói, Nguyễn Du đều thể hiện một cách chính xác không gò ép, không gượng gạo. Với  Truyện Kiều tiếng Việt thể hiện hết sự đẹp đẽ, trong sáng, mềm mại uyển chuyển, Nguyễn Du đã hoàn toàn chủ động tạo ra nhiều màu sắc đậm đà, sinh động và dễ cảm nhận. Cái tài lỗi lạc trong việc sử dụng tiếng Việt đã tạo tiền đề để khi sáng tác một thiên trữ tình dài như  Truyện Kiều Nguyễn Du đã thể hiện một cách rất mạnh dạn và sáng tạo những trường hợp…mà các nhà Nho thời đó trong khi làm thơ rất dè dặt.
 
 
Theo vanhoc360.com
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.