Nguyễn Du

Loading...

Tìm hướng để bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Di sản tư liệu thế giới

Được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2012 nhưng đến nay việc bảo tồn cũng như phát huy giá trị Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn là vấn đề khiến các nhà văn hóa, lịch sử, khoa học trăn trở.
 
Hội thảo tìm hướng bảo tồn phát huy giá trị di sản Mộc bản được tổ chức tại thành phố Bắc Giang  ngày 31 - 5 vừa qua (ảnh: baobacgiang)

Ngày 31/5 vừa qua, Bộ Khoa học và Công Nghệ đã tổ chức Hội thảo “Giá trị di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bồ Đà gắn với phát triển bền vững” tại thành phố Bắc Giang. Tham dự có GS.TS Lưu Trần Tiêu-Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia; Đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện của Bộ KH-CN, Bộ VHTTDL, Viện Hàn lâm KHXH&NV Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu trên cả nước.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Lương Hồng Quang - Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nêu rõ: Hiện chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được 3.050 ván mộc bản kinh phật, chùa Bồ Đà có gần 2.000 mộc bản. Đây là kho di sản tư liệu có giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo mang tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực và thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo của di sản tư liệu chùa Vĩnh Nghiêm cũng như hiện trạng việc bảo quản, lưu trữ và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị mộc bản. Bên cạnh đó mô hình quản lý di sản gắn với phát triển du lịch bền vững cũng được thảo luận sôi nổi tại hội thảo này. Các đại biểu đều thống nhất rằng: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có giá trị văn hóa, tôn giáo, lịch sử vô cùng quan trọng tuy nhiên cho đến nay khối di sản này đang được bảo quản trong điều kiện khi hậu không thuận lợi. Điều này đòi hỏi phải có những kiểm soát  nghiêm ngặt hơn nữa về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về quy trình bảo quản, kho bảo quản…nhằm bảo đảm những điều kiện tốt nhất chống lại sự xâm hại của côn trùng, mối mọt, có các giải pháp hạn chế sư suy thoái của gỗ theo thời gian…

Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản cần dựa trên nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng và bảo tồn kế thừa. Các đại biểu cũng đồng nhất với ý kiến: Phát triển du lịch cần phân tích rõ sản phẩm du lịch phù hợp với di sản và di tích.

Ngoài ra những vấn đề bên lề cũng được bàn đến như bổ sung nguồn nhân lực, tài chính cho bảo tồn; In ấn, giới thiệu mộc bản, phát hành in ấn những nội dung của mộc bản để làm đồ lưu niệm, sản xuất những tiêu bản có kích thước khác nhau như những sản phẩm du lịch…Mở các khóa giảng về giá trị nội dung, nghệ thuật cũng như kỹ thuật chế tác, khắc gỗ mộc bản…

Kể từ khi được công nhận tới nay đã gần 4 năm, tuy đã có nhiều biện pháp bảo tồn nhưng thực tế Di sản tư liệu Mộc Bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn chưa thực sự phát huy hết giá trị cũng như tìm được biện pháp bảo tồn hữu hiệu nhất. Qua hội thảo lần này, với nhiều đề tài khoa học cấp quốc gia, các nhà khoa học, hy vọng rằng trong thời gian sớm nhất, khối tư liệu vô giá - Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm sẽ được bảo tồn trong điều kiện đầy đủ trang thiết bị hiện đại và có thể phát huy tốt hơn nữa giá trị vốn có.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những bản gỗ khắc chữ Hán và chữ Nôm với kĩ thuật khắc ngược dùng để in ra thành sách. Mỗi tấm Mộc bản kinh gồm có hai mặt, mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Tài liệu mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc chủ yếu trong khoảng thời gian từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19. Đây là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới.

Hiện nay, khối tài liệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đang được lưu trữ tại ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) – ngôi chùa được mệnh danh là "Đại danh lam cổ tự" nổi tiếng khắp cả nước.

Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 đơn vị ván khắc chứa đựng nội dung của 9 đầu sách lớn thuộc các thể loại: Kinh, luật, luận, truyện ký, lục, sách thuốc… (trong đó chủ yếu là kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật kí của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử). Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng những giá trị trường tồn với thời gian. Đó là giá trị về tư tưởng giáo lý của nhà Phật, về triết lý nhân sinh, giá trị về văn học và ngôn ngữ, giá  trị về kiến trúc và đặc biệt là giá trị nhân văn sâu sắc.
 

Theo NLH/cinet.vn
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.