Nguyễn Du

Loading...

Tiếp nhận thêm 2 phiên bản mộc bản ghi chép về Đại thi hào Nguyễn Du.

Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du vừa tiếp nhận thêm 2 phiên bản mộc bản ghi chép về đại thi hào Nguyễn Du từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.
 

Phiên bản mộc bản năm Bính Dần, niên hiệu Gia Long năm thứ 5(1806).

 

Hai phiên bản mộc bản có kích thước  39cm x 24cm, gồm phiên bản mộc bản năm Bính Dần, niên hiệu Gia Long năm thứ 5(1806) chép về việc “Lấy Nguyễn Du làm Đông các học sĩ, Lê Lương Thận làm Hàn lâm viện chế cáo, Nguyễn Hữu Kiều sung Cống sĩ viện” (quyển 28, mặt khắc 1) và phiên bản mộc bản năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Gia Long năm thứ 8 (1809) ghi việc “Lấy Đông các Đại học sĩ Nguyễn Du làm Cai bạ Quảng Bình, Hàn lâm thị thư Nguyễn Khoa Minh làm Thiêm sự Hộ bộ sung việc Hộ tào Bắc Thành” (quyển 38, mặt khắc 6).

 

Phiên bản mộc bản năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Gia Long năm thứ 8 (1809).

 

Hai phiên bản mộc bản trên nằm trong bộ sách “Đại Nam  thực lục chính biên đệ nhất kỷ” thuộc khối tài liệu mộc bản Triều Nguyễn được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ
 
Trước đó, vào năm 2017, Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Đại Thi hào Nguyễn Du đã tiếp nhận từ Trung tâm Lưu  trữ quốc gia IV phiên bản và bản dập mộc bản ghi về đại thi hào Nguyễn Du  “Nguyễn Du là người ở huyện Nghi Xuân, trấn Hà Tĩnh. Ông là con của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đời nhà Lê, là em của Tham tụng Nguyễn Khản. Nguyễn Du là con nhà tướng có tài văn chương, lẫn khí tiết…Đầu năm Gia Long (1802) được nhận chức Tri phủ Thường Tín, sau vì bị bệnh nên ông từ chối. Năm Gia Long thứ 5 (1806) ông được triệu vào nhận chức Đông các học sĩ. Năm Gia Long thứ 8 (1809), ông ra làm Cai bạ Quảng Bình. Năm Gia Long thứ 12 (1813) ông được thăng chức Cần chính Điện học sĩ , sung chức Chánh sứ sang nhà Thanh để cống nạp hàng năm. Đến khi về ông được thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) ông lại có lệnh đi sứ nhưng chưa đi thì đã qua đời. Thánh tổ nhân Hoàng đế rất thương tiếc ban cho 20 lạng bạc, 2 cây gấm Trung Quốc, khi đưa tang dựng sảnh thự nên lấy binh lính mà làm”” (quyển 20, mặt 8 -  sách Đại Nam liệt truyện chính biên);
 
Năm  2018,  tiếp nhận thêm phiên bản mộc bản năm Canh Ngọ, niên hiệu Gia Long năm thứ 9 (1810) chép việc "lấy Cai bạ Quảng Bình làm cần chánh điện học sĩ, sung chánh sứ sang cống nước Thanh (hai lễ cống Tân Mùi và Quý Dậu), Thiêm sự Lại bộ là Trần Vân Đại và Nguyễn Văn Phong sung Giáp ất phó sứ" (quyển 46, mặt khắc 7) và phiên bản mộc bản năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long năm thứ 14 (1815) ghi việc "lấy Cần Chánh điện học sĩ Nguyễn Du làm hữu Tham tri bộ lễ" (quyển 50, mặt khắc 13).  Cả hai phiên bản mộc bản này thuộc bộ sách “Đại Nam  thực lục chính biên đệ nhất kỷ”.
 
Đây là nguồn tư liệu ghi chép những thông tin xác thực về thân thế, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du, nằm trong khối mộc bản triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.
 
 
Bách Khoa
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.