Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Tìm hiểu về các loại gạch in chữ đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Gạch in chữ là một trong những vật liệu kiến trúc phát hiện khá phổ biến ở các di tích như: thành Hoa Lư (Ninh Bình), thành Thăng Long (Hà Nội), thành Nhà Hồ (Thanh Hóa)... Gạch hình chữ nhật, hình vuông; màu đỏ tươi, đỏ vàng hoặc vàng xám...
Trên mỗi viên gạch thường in chìm chữ Hán trong khuôn hình chữ nhật với các chữ khác nhau, có loại in chữ là tên của đội quân ở các địa phương và phiên hiệu quân đội của triều đình được huy động để xây dựng kinh đô như: “Giang Tây quân”, “Đại Việt Quốc quân thành chuyên”, “Tráng Phong quân”, “Hổ Oai quân”, “Hùng Hổ quân”, “Vũ Kỵ quân”, “Trung Oai quân”, “Tam Tự quân”...; có loại in chữ là niên hiệu của các triều đại như: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”.... Khuôn chữ có nhiều kích cỡ khác nhau, có viên gạch in một khuôn ở mặt gạch hoặc ở cạnh gạch, có viên in hai ba khuôn, thậm chí có viên in tới chín khuôn chữ. Trong đó, những viên gạch in chữ được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia như: gạch in chữ “Đại Việt Quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây quân” phát hiện ở Hoa Lư (Ninh Bình) vào năm 1970, chủ yếu được dùng để xây tường ở thành Hoa Lư (Ninh Bình); gạch in chữ “Vĩnh Ninh trường” thời Trần (thế kỷ 13 - 14) phát hiện ở thành Thăng Long. 
 
Gạch in chữ “Đại Việt Quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây quân”.
 
Gạch in chữ “Giang Tây quân” là loại gạch thuộc chữ Hán có niên đại sớm nhất được các nhà khảo cổ học phát hiện. Hàng năm, cứ vào mùa thu và mùa đông, nhà Đường thường phái nhiều đội quân phòng thủ Lĩnh Nam, gọi là “quân phòng thu”, “quân phòng đông” là những đội quân được tổ chức và mang phiên hiệu từng tỉnh ở Trung Quốc và chủ yếu là quân vùng Giang Tây sang nước ta. Chính quyền đô hộ đã lệnh cho quân sĩ đóng gạch, nung ngói để xây thành đắp lũy. Trong khi sản xuất, gạch của địa phương nào thì in tên của địa phương ấy lên gạch. Gạch “Giang Tây Quân” là do quân lính của tỉnh Giang Tây sản xuất có kích thước trung bình khoảng 37cm x 17cm x 5,5cm. Ba chữ “Giang Tây quân” được khắc vào khuôn gỗ rồi in vào giữa mặt gạch khi đất còn ướt mềm với nét chữ to đậm viết theo lối chữ chân. Gạch chủ yếu sản xuất để xây thành Đại La và sau này là xây thành Hoa Lư (Ninh Bình).
 
 
Gạch in chữ “Giang Tây quân”.
 
Gạch “Đại Việt Quốc quân thành chuyên” (có nghĩa là: gạch xây quân thành nước Đại Việt) là loại gạch lần đầu tiên được tìm thấy tại kinh thành Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê (ở Ninh Bình). Gạch có kích thước trung bình khoảng 30cm x 16cm x 4cm, phần chữ được in chìm ở giữa mặt gạch. Đây là viên gạch do quân sĩ Đại Việt sản xuất để xây thành Hoa Lư (Ninh Bình).
 
Đến nay, còn nhiều giả thuyết về chữ “Đại Việt” trên viên gạch. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng gạch “Đại Việt quốc” là tên một quốc gia độc lập do Lưu Cung thành lập vào thời Ngũ Đại Thập Quốc (907 - 979) hay “Đại Việt quốc” là quốc hiệu thời Lý.
 
Để lí giải cho điều này, khi nghiên cứu về những loại gạch in chữ, Giáo sư Đỗ Văn Ninh cho rằng: chữ “ Đại Việt quốc...” in trên viên gạch là quốc hiệu nước ta thời Đinh - Tiền Lê. Theo sử liệu, quốc hiệu nước ta thời Đinh - Tiền Lê là “Đại Cồ Việt” thì chữ “Cồ” là chữ Nôm có ý nghĩa là to lớn. Quốc hiệu này mang hai chữ Đại và Cồ đều có nghĩa là lớn. Vì thế, quốc hiệu chính ra chỉ là Đại Việt, khi gọi Nôm mới nói Cồ Việt. Qua đó, có thể khẳng định rằng, dưới thời Đinh - Tiền Lê, quốc hiệu nước ta là Đại Việt và rõ ràng ngay từ thời Đinh, triều đình luôn quan tâm và chú trọng đến việc lập những đội quân chuyên sản xuất vật liệu phục vụ cho việc xây dựng kinh đô.
 
 
Gạch in chữ “Đại Việt Quốc quân thành chuyên”.
 
Gạch “Vĩnh Ninh trường” là loại gạch được sản xuất ở trường đóng gạch Vĩnh Ninh (thuộc huyện Vĩnh Lộc, phủ Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa) và được phát hiện khá phổ biến ở các di tích, kiến trúc thời Trần. Gạch có kích thước trung bình khoảng 37cm x 20cm x 5,5cm, ở cạnh gạch in chìm chữ Hán “Vĩnh Ninh trường”. Khuôn chữ “Vĩnh Ninh trường” có to, có nhỏ; có chữ xấu, chữ đẹp; gạch đa dạng về kích cỡ, trang trí có viên gạch in một khuôn ở mặt gạch hoặc ở cạnh gạch, có viên in hai ba khuôn, thậm chí có viên được in tới chín khuôn chữ.
 
Trong đợt khai quật thành Thăng Long ( 18 Hoàng Diệu, Hà Nội) từ tháng 12 năm 2002 đến tháng 3 năm 2004, trong diện tích rộng trên 19.000 m2, các nhà khảo cổ học đã phát hiện số lượng lớn gạch in chữ “Giang Tây quân” và “Đại Việt Quốc quân thành chuyên”. Các loại gạch này được dùng rất phổ biến dùng trong việc xây tường, xây mặt hiên, xây cống thoát nước, xây khuôn giếng nước... Gạch được làm từ đất sét mịn, nung ở nhiệt độ cao nên gạch rất đanh chắc. Mặc dù đã qua hàng nghìn năm nhưng gạch không bị thôi bột và luôn giữ được màu sắc. Điều đó, có thể khẳng định rằng các triều đại sau này như thời Đinh - Tiền Lê, thời Lý, Trần đã sử dụng lại vật liệu kiến trúc thời trước (thành Đại La) để xây thành Thăng Long.
 
Đặc biệt, tại thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện gạch in chữ “Vĩnh Ninh trường” cho thấy công cuộc xây dựng các kinh thành diễn ra liên tục từ thời Đường qua thời Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần....
Việc phát hiện phổ biến những viên gạch in chữ đã cho thấy, việc xây dựng kinh đô từ thời Đinh - Tiền Lê, thời Lý, Trần rất quy mô, bề thế cần tập trung nhiều nguồn nhân lực, vật lực, đặc biệt là vật liệu xây dựng cho nên các quân đội từ các miền với những phiên hiệu riêng của mình, từ đồng bằng đến miền núi xa xôi, đã được nhà vua triệu về thay nhau xây dựng nên những kinh thành - trung tâm quyền lực của quốc gia thời kỳ này. Sở dĩ những triều đại sau vẫn có thể sử dụng lại những viên gạch thời kỳ trước đó bởi vào những thế kỷ IX - X trở về trước, người Việt chưa biết dùng vôi cát làm chất kết dính. Chất kết dính thường chỉ là bùn, đất sét. Khi một công trình bị hư hỏng, ngoài một số viên gạch bị vỡ thì phần lớn đều có thể dỡ ra dùng lại. Gạch “Giang Tây quân” và “Đại Việt Quốc quân thành chuyên” là loại gạch tốt, sử dụng loại gạch này vừa tiết kiệm được công sản xuất mà vẫn có được vật liệu bền đẹp. Vì vậy, mà hai loại gạch này vẫn được sử dụng qua nhiều thời kỳ sau đó.
 
Những loại gạch in chữ trong đó tiêu biểu là gạch “Đại Việt Quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây quân”, “Vĩnh Ninh trường” là hiện vật quý hiếm còn lại đến ngày nay nó không chỉ cho thấy đóng góp của quân đội, người dân đối với việc xây dựng kinh thành ở Việt Nam trong lịch sử mà còn là tài liệu quan trọng giúp nghiên cứu về lịch sử dân tộc, về quốc hiệu, về quân đội và nguồn lực kinh tế, văn hóa – xã hội Việt Nam thời kỳ đầu độc lập tự chủ.
 
Theo Nguyễn Thị Thu Hoan, Phạm Thị Huyền/Bảo tàng lịch sử quốc gia.
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.