Nguyễn Du

Loading...

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - “Bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử và bản sắc văn hóa

“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Việt Nam lên con số 11.
 

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.

Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, Bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao… thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và thành phố Hồ Chí Minh mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
 
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" bao gồm các nghi lễ, sản vật cúng tiến, trang phục, đạo cụ, múa thiêng, âm nhạc, lễ hội và nhiều hoạt động khác. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng; Thừa nhận sự tương đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa. Đối với người dân Việt Nam Đạo Mẫu là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển. Trên cơ sở hiểu biết sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống người dân có ý thức bảo tồn và phát huy, bày tỏ niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Đồng thời lan tỏa những giá trị nhân văn ra thế giới.
 
Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã được UNESCO vinh danh. Điều đó cho thấy thế giới đánh giá rất cao đời sống tâm linh của người Việt Nam đã có truyền thống từ hàng nghìn năm, đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hoá của cộng đồng các dân tộc. Chặng đường tiếp theo còn dài, với nhiều công việc cần phải làm để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách khoa học, giúp di sản trường tồn mãi mãi trong đời sống văn hóa người Việt.
 
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:
 
R.1: Các thông tin trong Hồ sơ đã chỉ ra rằng di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử,... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành;
 
R.2: Các thông tin trong Hồ sơ chỉ ra rằng, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Khi di sản này này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng;
 
R.3: Từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra bao gồm: xây dựng chính sách hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu. Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng và các nhóm nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ;
 
R.4: Đề cử này là kết quả của việc tham vấn và hợp tác của những người thực hành (thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, cung văn, con nhang, đệ tử,...), đại diện cộng đồng, nhà nghiên cứu, cùng với nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Các tài liệu kèm theo hồ sơ cho thấy họ đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng cho việc đề cử di sản. Thông tin của Hồ sơ đã chứng minh rằng các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện luôn tôn trọng phong tục tập quán, quyền tham gia thực hành di sản;
 
R.5: Thông tin Hồ sơ cũng đã cung cấp một phụ lục chứng minh di sản đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013. Hoạt động kiểm kê đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức thực hiện với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; kết quả kiểm kê đều được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê đã được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử...” 
 
 
Theo M.N/Cinet.vn
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam

Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.