Nguyễn Du

Loading...

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt - Bài 3: Để di sản không biến tướng

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bởi những giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên điều đó cũng tạo nỗi lo khi chính danh hiệu có thể bị lợi dụng để thực hiện những hành vi trục lợi, làm sai lệch giá trị di sản.


Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tâm linh tốt đẹp của di sản cần sự chung tay của cả cộng đồng. Ảnh minh họa. Nguồn: Tổ Quốc
 
Việc vinh danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một trong những cơ sở quan trọng để hiểu đúng và đầy đủ giá trị của di sản này, đặc biệt là với nghi lễ lên đồng. Trong quá trình thực hành di sản sẽ dễ có biến tướng sẽ có nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị của tín ngưỡng. Vì vậy, để di sản không bị biến tướng, Bộ VHTTDL cũng đưa ra một số giải pháp như: Trước hết, cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã... để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ (thông qua đó là việc trục lợi cá nhân) trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mà UNESCO đã ghi nhận. Những thầy đồng cần giữ phẩm chất của một tín đồ Thờ Mẫu, có tâm, có đức, không "phán truyền" cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng kiếm lợi, không lôi kéo và xúi giục những người khác thực hiện những hành vi mê tín dị đoan.
 
Theo Thanh tra Bộ VHTTDL, việc xử phạt biến tướng hầu đồng và trục lợi sẽ được thực hiện theo Nghị định 158 ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (hiện tại Nghị định này đang được chỉnh sửa). Trong đó nêu rõ tại Điều 15 khoản 2, mục a (Điều 15. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa) và Điều 23, khoản 2, mục a (Điều 23. Vi phạm quy định về bảo vệ công trình văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa).
 
Ngoài ra, tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ nói riêng để cộng đồng, công chúng có thông tin đầy đủ, hiểu biết khoa học về di sản, về sự vinh danh của UNESCO. Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và kế thừa, phát huy di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu một cách đúng đắn. Cộng đồng góp phần tích cực không chỉ trong truyền dạy, trong việc đảm bảo những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, mà còn góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực và những hành động “buôn thần bán thánh”.
 
Cùng với đó, vinh danh, khen thưởng động viên và khuyến khích các cung văn giỏi, có công sưu tầm, truyền dạy hát văn, những thủ nhang, thày đồng gương mẫu trong việc thực hành đúng và kết hợp thực hành với truyền dạy, tuyên truyền giá trị tâm linh, văn hóa và nhân văn của di sản.

Đặc biệt, ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu để trục lợi, kiếm tiền; lợi dụng niềm tin vào các vị thánh của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ và của toàn xã hội.
 
Trong dòng chảy xã hội và những vận động, biến chuyển không ngừng của đời sống tinh thần, chắc chắn di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” cũng sẽ ít nhiều có sự biến đổi vì nó phụ thuộc vào chủ thể thực hiện, lại gắn với yếu tố sáng tạo văn hóa. Vì vậy, cùng với những biện pháp mà Bộ VHTTDL đã đề ra, mỗi địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người thực hành di sản và toàn thể cộng đồng, để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tâm linh tốt đẹp của di sản.
 
* Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây cũng đưa ra bản Dự thảo chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017 - 2020, trong đó gồm 5 nội dung chính:
 
1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc, một đạo lý, một tam thức suy tôn, phụng thờ người Mẹ của người Việt Nam và vai trò của di sản trong đời sống, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng.
 
2. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương; khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục chính thức và không chính thức về giá trị và ý nghĩa của di sản trong trường học.
 
3. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

4. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch di sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng giá trị di sản.
 
5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dưới nhiều hình thức cho công chúng trong và ngoài nước.
 
 
Theo T.T/Cinet.vn

Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách.

Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Xem tiếp
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.