Nguyễn Du

Loading...

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ

Chiều 11/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và những nhiệm vụ trọng tâm triển khai sau Tết.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh VGP
 
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông, nông nghiệp, ngân hàng, văn hóa, du lịch, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các cấp các ngành đã làm nhiều việc, hết sức mình để bảo đảm cho nhân dân đón một cái Tết mà theo các ý kiến đánh giá là an toàn, tiết kiệm, vui tươi, đầm ấm, đủ đầy. Không khí ấm no, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin trong nhân dân.
 
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, các bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế ngày đêm trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; cán bộ, công nhân, người lao động trực làm việc trong dịp Tết.
 
Tuy vậy, theo Thủ tướng, có lúc, có nơi, có mặt chưa làm tốt như còn xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, tai nạn giao thông giảm nhưng còn ở mức cao…, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
 
Về nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai sau Tết, Thủ tướng nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá trong thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước rất nặng nề. "Chúng ta không được chủ quan với các thành tích đạt được mà cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động hơn nữa ngay sau Tết, phấn đấu thực hiện kế hoạch năm 2019 đạt kết quả tốt hơn".
 
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới phương thức, cách làm, nâng cao trách nhiệm, nhất là các ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân như y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải, công an… để góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ, tránh bệnh quan liêu, xa dân, gây ách tắc cho sự phát triển của đất nước, đồng thời gây mất niềm tin trong nhân dân.
 
Thủ tướng lấy ví dụ về một việc mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã báo cáo, là kiểm tra xử lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Nhấn mạnh tinh thần là nghiêm cấm nhập khẩu phế liệu làm ảnh hưởng đến môi trường, Thủ tướng cho rằng cần dành một số lượng cần thiết nhập khẩu các phế liệu để phục vụ sản xuất. Cần thay đổi phương thức kiểm tra, tránh đánh đồng tất cả, đồng thời xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương này để nhập ồ ạt phế liệu ảnh hưởng đến môi trường. Tổ công tác của Thủ tướng và các cơ quan liên quan cần giải quyết vấn đề này để rút kinh nghiệm chung. "Tôi lấy một ví dụ như vậy để đổi mới cách làm việc", Thủ tướng nói.
 
Yêu cầu quán triệt phương châm hành động "12 chữ" của Chính phủ trong năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thực hiện nghiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các cơ quan hành chính không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời giờ, hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
 
Các cấp, các ngành cần tập trung theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý cho từng ngành, từng lĩnh vực, trình Chính phủ tại phiên họp tháng 2/2019; cùng với VPCP đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay kế hoạch năm 2019, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến thời tiết, xử lý dứt điểm các ổ dịch, dự báo cung cầu, phát triển thị trường mới, nhất là đối với một số sản phẩm có tiềm năng. Hưởng ứng Tết trồng cây mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động hôm ngày 10/2, Thủ tướng mong các các thành viên Chính phủ, các cơ quan cùng tham gia với các địa phương phát động Tết trồng cây nhân dịp xuân này.
 
Về công nghiệp, thương mại, Bộ Công Thương cần chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt những ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
 
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình, có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận tín dụng, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp. Thủ tướng tiếp tục lưu ý việc xử lý tình trạng tín dụng đen ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Về lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông, cần tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và có các giải pháp rõ nét hơn nữa, xử lý gốc vấn đề.
Về quản lý lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, không để xảy ra các hoạt động phản cảm tại các lễ hội, nhất là tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách. Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ thành lập 17 đoàn công tác kiểm tra về vấn đề này.
 
Bộ Y tế cần tiếp tục làm tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, tăng cường phòng chống dịch bệnh, tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch, lễ hội.
 
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương nắm tình hình lao động sau Tết, nhất là các khu công nghiệp.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo, nắm tình hình, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm an toàn giao thông.
 
Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, hoạt động đối ngoại năm 2019 và đặc biệt, phối hợp tổ chức chu đáo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội vào cuối tháng này.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tranh thủ thời cơ thuận lợi đầu năm với khí thế mới, tổ chức lao động, sản xuất đầu tư kinh doanh có hiệu quả và các cơ quan hành chính Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
 
Theo báo cáo tổng hợp về tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày, công tác tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết Kỷ Hợi 2019 đã diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tầm lòng nhân ái đã chung tay chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người bệnh, người gặp khó khăn vui Xuân, đón Tết.
 
Thị trường hàng hóa phong phú, dồi dào, chất lượng bảo đảm. Giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch diễn ra sôi nổi, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
 
Lượng khách du lịch quốc tế và trong nước tăng cao, đặc biệt Việt Nam lọt vào top 12 địa điểm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 thú vị nhất hành tinh do Đài truyền hình Mỹ CNN bình chọn. Các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân 24/24; đã khám, cấp cứu cho 319.438 trường hợp. Không xảy ra bệnh dịch nguy hiểm, không phát sinh ổ dịch. Không xảy ra sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng.
 
Từ ngày mùng 2 Tết, nông dân đã xuống đồng sản xuất; ngư dân đã tổ chức lễ cầu ngư khai thác hải sản.
 
Trong 9 ngày nghỉ, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông, làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trung bình một ngày xảy ra 30,6 vụ, làm chết 20 người, bị thương 26 người; giảm 1,6 % số vụ, 27,5% số người chết, 4,6% số người bị thương so với dịp Tết 2018. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định an toàn giao thông diễn ra còn nhiều, còn xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
 
 
Theo Thành Trung/Toquoc.vn

Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách.

Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Xem tiếp
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.