Nguyễn Du

Loading...

Thử lý giải hai “nghịch lý” ở nàng Kiều

Tại sao Kiều tự tử khi sắp bị đánh và tại sao khi bị đánh thậm tệ lại không tự tử?

 

Ở “Truyện Kiều” của Nguyễn Du tiên sinh, ta thấy trong 15 năm lưu lạc, nàng Kiều có một lần sắp bị đánh; ba lần bị đánh thậm tệ và ba lần nàng tự tử. Ta không bàn đến hai lần bị đánh thậm tệ là lần Thúc ông đưa nàng ra cửa quan (Thúc ông về quê. Thúc Sinh tìm cách chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, lấy làm vợ lẽ. Thúc ông bắt nàng trở lại lầu xanh. Thúc Sinh xin, Thúc ông bực mình…). Quan cho nàng chọn: “Một là cứ phép gia hình/ Một là lại cứ lầu xanh phó về“, nàng chọn “… vâng chịu trước sân lôi đình” và lần thứ hai là lần bị Hoạn phu nhân nhiếc móc rồi sai người đánh nàng (“Nào là gia pháp nọ bay/ Hãy cho ba chục biết tay một lần”).

 

 

Ta cũng không bàn đến nàng “gieo đầu một bên” khi thấy Từ Hải chết đứng và lần nàng nhảy xuống sông Tiền Đường. Ta chỉ lý giải những sự việc xảy ra khi nàng đang ở nhà Tú Bà. Sau một tháng đi đường, Mã Giám Sinh đưa nàng về nơi Tú Bà (“Những là lạ nước lạ non/ Lâm Tri vừa một tháng tròn đến nơi“).

 

Sau một hồi căn vặn, Tú Bà biết rõ sự thật đã gào lên nhiếc móc và “Giật bì tiên rắp sấn vào ra tay“, nghĩa là chưa động đến thân thể nàng thì Kiều đã kêu lên “…Trời thẳm đất dầy/ Thân này đã bỏ những ngày ra đi/ Thôi thì thôi có tiếc gì/ Sẵn dao tay áo tức thì giở ra“. Tú Bà thấy thế không dám đánh nàng nhưng nàng đã “Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần”. Rõ ràng thân thể nàng chưa bị đau đớn bởi đòn roi của Tú Bà, thế thì tại sao nàng lại tự hủy hoại thân mình? Hành xử của Tú Bà chỉ là một giọt nước làm tràn-ly-đau-khổ chứa chất bao ngày trong tâm hồn nàng. Ta hãy điểm lại vài nét chính làm cho ly-nước-đau-khổ ấy ngày càng đầy ra sao?

 

Cuộc đời nàng, kể từ tiết Thanh Minh, mở đầu một tình yêu khi gặp chàng Kim Trọng. Rồi hai người yêu nhau. Trước lời tỏ tình của Kim Trọng, nàng nói với người yêu “Đã lòng quân tử đa mang/ Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung“.

 

Tình yêu đôi lứa đang nồng thắm, đang hứa hẹn một kết cục tốt đẹp thì một tình huống bất ngờ xảy ra: Chàng Kim Trọng theo lệnh cha phải về hộ tang chú ở Liêu Dương. Chàng chỉ kịp nói rõ hoàn cảnh của mình và mong nàng “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời“. Nàng cũng chỉ kịp nói cho chàng yên tâm “Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai“.

 

Thế mà chàng Kim vừa chia tay nàng đi Liêu Dương, nàng vừa về đến nhà, chưa kịp hàn huyên với đoàn mừng thọ thì đột ngột “Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao” và thế là cảnh cha và em trai bị gông cổ và mọi thứ bị bọn sai nha vét sạch cho đầy túi tham đã diễn ra trước mắt nàng. Tình huống đặc biệt ấy đã đẩy nàng phải chọn một trong hai con đường: cứu cha hay giữ lời thề với người yêu. Nàng đã chọn chữ “hiếu”, tức là phải bán mình để chuộc cha, cùng nghĩa là đành bội ước với người yêu.

 

Mối tình đẹp đẽ, thơ mộng, tự nhiên tuột mất, không thể cứu vãn được, ai mà chẳng đau xót! Ly-nước-đau-khổ đầy lên, ta hãy nghe tiếng kêu xé lòng của nàng: “Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây“. Người mua Kiều là Mã Giám Sinh. Buổi chiều hôm, họ Mã rước nàng về nhà trọ (trú phường) để hôm sau theo tục lệ, Vương Ông làm lễ tiễn đưa. Việc gì đến sẽ phải đến. Đêm ấy, Mã Giám Sinh “vào” với nàng Kiều. Thế là hết! Nàng đau khổ, chán chường thốt lên: “Thôi còn chi nữa mà mong/ Đời người thôi thế là xong một đời!”.

 

Với người phụ nữ xưa, việc trinh tiết còn quan trọng hơn mạng sống của mình nên nàng đã cầm dao toan quyên sinh, nhưng nàng đã kịp nghĩ đến sự liên lụy cho cha mẹ. Sự không tự tử lúc này không phải là nguôi sự đau khổ, sự giận duyên, tủi phận mà vẫn còn đó, chờ một dịp nào sẽ thực hiện.

 

Một tháng sau thì Mã đưa nàng về đến Lâm Tri. Vào nhà, nàng thấy ngay mấy ả mày ngài, thấy khách làng chơi, thấy cả hương án và thần mày trắng, tất cả lộ rõ là một ổ lầu xanh. Nào đã hết đâu! Nàng Kiều càng rõ khi mụ Tú Bà bắt nàng “lạy mẹ đây” rồi “lạy cậu mày bên kia” (tức Mã Giám Sinh). Nàng hiểu rõ sự việc: Không phải là vợ lẽ mà là một món hàng kiếm tiền cho mụ.

 

Khi nghe nàng nói rõ sự thật thì Tú Bà gào lên… rồi “Giật bì tiên, rắp sấn vào ra tay“. Trong lòng đang chứa chất bao đau khổ (xa cha mẹ, bội ước với người yêu, mất cái “ngàn vàng”…) nay lại rõ một sự thật phũ phàng: làm gái lầu xanh. Tất cả làm cho ly-nước-đau-khổ tràn đầy. Sự tử tự của nàng Kiều là tất yếu. Đó chỉ là việc xảy ra tiếp theo lần định tử tự trước để thoát khỏi sự đau khổ tột cùng, sự chán chường tràn ngập trong lòng nàng.

 

Ta cũng cần phải kể đến một yếu tố quan trọng không kém, đó là yếu tố thời gian. Nếu những việc vừa nêu trên mà diễn ra trong một thời gian dài thì có lẽ chưa chắc đã đẩy nàng đến chỗ quyết liệt như vậy, đằng này sự việc lại đến dồn dập, đau khổ chồng lên đau khổ chỉ trong một thời gian rất ngắn. Như vậy, ta đã lý giải rõ ràng vì sao nàng Kiều chưa bị đánh, chưa bị đau đớn về thể xác mà lại tự tìm đến cái chết. Điều đó đúng với sự phát triển tất yếu của tâm lý con người, của tâm lý nhân vật mà Nguyễn Du tiên sinh đã dựng lên một cách tài tình biết bao!

 

Còn vì sao khi bị đánh thậm tệ thì nàng lại không tự tử? Các tình huống xảy ra hoàn toàn khác và tính chất của sự việc cũng khác hẳn. Việc tự tử của nàng Kiều không thành. Trong cơn mê, nàng thấy Đạm Tiên báo cho biết “Số còn nặng nghiệp má đào/ Người dù muốn quyết, trời nào đã cho/ Hãy xin hết kiếp liễu bồ/ Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau“.

 

Nàng Kiều hiểu rằng: Trời đã định, số phận đã định thế, muốn chết cũng không được. Niềm tin vào lời “thần mộng” này rất quan trọng, liên quan đến ứng xử của nàng sau này. Còn mụ Tú Bà thì sao? Mụ đã từng gào lên “Màu hồ đã mất đi rồi/ Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” – sau khi biết rõ sự thật nàng Kiều nói ra. Mụ không chịu để mất vốn liếng đã bỏ ra!

 

Trước tình thế đó, mụ ngon ngọt thuyết phục nàng Kiều, chỉ cho nàng rõ một sự thật “Một người dễ có mấy thân”, lại chỉ rõ lứa tuổi tươi đẹp của nàng “Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài”, mụ lại còn tỏ ra thẳng thắn nhận cái sai về mình “Cũng là lỡ một lầm hai” và lại còn hứa “Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây“. Mụ cho rằng: Việc nàng Kiều đến chỗ mụ, chẳng qua “Lỡ chân trót đã vào vào đây” nên đành phải “Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non” (nghĩa là: gìn giữ để chờ ngày lấy chồng xứng đáng). Cuối cùng mụ khẳng định: Làm thế (tự tử) chỉ “thiệt mình” mà hại đến mụ thì hay gì?

 

Để Kiều tin hơn và hoàn toàn xóa bỏ sự nghi ngờ của nàng, mụ thề thốt: “Mai sau ở chẳng như lời/ Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi“. Tất cả những điều đó đã tác động đến nàng “Đành lòng nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần”. Nếu nói theo cách nói ngày nay thì mụ Tú Bà đã thành công trong “công tác tư tưởng” đối với nàng Kiều. Sự khôn ngoan, khéo léo ấy đã mở cho nàng Kiều một viễn cảnh không còn ảm đạm nữa. Bằng thực tế, mụ không bắt nàng Kiều tiếp khách mà cho nàng ra ở cái lầu có tên là Ngưng Bích.

 

Ở đây, nàng nhớ đến người yêu, nhớ đến cha mẹ đã già, buồn nhìn cảnh vật chiều hôm ở cửa bể với những con thuyền xa xa, với cánh hoa trôi vô định… Trong tâm trạng buồn trước cảnh vật và số phận của mình, nàng đã thốt lên mấy câu thơ. Nàng lại nghe “có tiếng đâu họa vần”. Người họa vần là Sở Khanh. Sở Khanh có vẻ là một thư sinh, tỏ ra quyến luyến nàng, khen nàng “sắc nước hương trời” và tỏ tình cảm “Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng” rồi khẳng định “Thuyền quyên ví biết anh hùng/ Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi“.

 

Một người đang trong cảnh cá chậu chim lồng, đang trong cảnh tương lai mờ mịt “Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi” thì lời nói quyết đoán của Sở Khanh không thể không tác động mạnh mẽ đến nàng. Thế là nàng “đánh liều” nhắn lời rồi viết thư kể rõ tình cảnh của mình. Thư đi, Sở Khanh có thư lại, hẹn ngày giờ bỏ trốn. Họ Sở lại “bốc” cho nàng yên tâm: Nếu thế nào thì “Có ta đây cũng chẳng cơn cứ gì“. Sở Khanh đưa nàng Kiều “Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn” bỏ trốn giữa đêm thu.

 

Nàng Kiều ngây thơ và quá tin nên đi theo họ Sở, ngờ đâu “Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào”. Lúc này chỉ có một mình nàng “khôn biết làm sao” khi đoàn người đổ đến vây bắt. “Tú Bà tốc thẳng đến nơi/ Hầm hầm áp điệu một hơi lại nhà/ Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra/ Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời“. Con người chứ có phải gỗ đá đâu! “Thịt da ai cũng là người/ Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau“. Trong tình hình đó, Kiều phải nhận tội và cầu xin tha thiết “khẩn cầu” “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”.

 

Như vậy, xem ra có cái gì đó không bình thường: sắp bị đánh thì tìm cách tự tử, bị đánh thì lại không tự tử, phải chấp nhận điều tồi tệ nhất mà nàng không muốn! Nhưng xem xét kỹ thì vấn đề thật hợp lý. Tự tử là vì đau đớn về tinh thần, không còn cách nào làm giảm đi được. Sự đau đớn này không phải tự nàng Kiều gây ra, chỉ có cái chết mới chấm dứt được nỗi đau khổ đó. Còn khi trốn không thành, bị bắt rồi bị đánh thậm tệ, muốn giảm sự đau đớn về thể xác thì chỉ còn cách nhận tội và xin từ bỏ tấm lòng trinh bạch của mình. Tự mình thấy mình có tội thì còn oan ức cái nỗi gì nữa!

 

Sau này, nàng Kiều (cũng như người đọc) được Mã Kiều nói rõ mối quan hệ giữa Tú Bà và Sở Khanh “Đà đao sắp sẵn chước dùng/ Lạ gì một cốt một đồng xưa nay/ Có ba mươi lạng trao tay/ Không dưng chi có chuyện này trò kia!” thì mới rõ ra mọi điều. Tú Bà đã  dùng “đà đao kế” (“đà đao” là giả thua, kéo lết đao rồi bất ngờ quăng đao lại chém”) để xử lý nàng Kiều, làm cho nàng mắc lừa và dựa vào đó trị tội nàng. Qua phân tích những vấn đề trên, ta không những rõ lý do tự tử và không tự tử của nàng Kiều mà còn một lần nữa thấy rõ bộ mặt thật nham hiểm, đểu cáng của mụ Tú Bà và từ đây, từ cái lò lầu xanh của mụ mà nàng Kiều chịu “nhiều lưu lạc” lại “nhiều gian truân” trong suốt mười lăm năm khổ ải sau này

Theo Nguyễn Duy Hiển/nhavanvatacpham.vn

Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.