Trước đây, dù pháp luật không thừa nhận sở hữu tư nhân về di sản văn hoá và nghiêm cấm mọi hành vi mua bán cổ vật nhưng trên thực tế vẫn tồn tại một thị trường “đen” về cổ vật. Từ “giới thợ chạy” ở các địa phương, cổ vật được tuồn về Hà Nội, về thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…bày bán công khai trong các tiệm với cái tên danh nghĩa: cửa hàng lưu niệm. Những đường phố Hàng Gai, Hàng Đào, Kim Liên, Đồng Khởi, Lê Công Kiều… từng là những tụ điểm buôn bán cổ vật vô cùng náo nhiệt. Ở miền Bắc, vào những thập niên 80-90, các tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Tuyên, Vĩnh Phú, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Hải Hưng… là những nơi cung cấp cổ vật quí hiếm nhất cho trung tâm Hà Nội. Ở miền Nam, các tỉnh có di tích Sa Huỳnh, Chăm Pa, Óc Eo là vệ tinh của các cửa hàng buôn bán ở thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời kỳ ấy, giới buôn lậu chủ yếu săn tìm cổ vật tại các địa phương thông qua đổi chác với vật ngang giá chung là quần bò, áo phông, mì chính…Cổ vật về tay con buôn, được bán bằng ngoại tệ mạnh, phần lớn là cho người sưu tập nước ngoài mà trong đó không ít là con buôn cỡ quốc tế. Cổ vật Việt Nam, vì thế, bị thất thoát, “chảy máu” trầm trọng.
Hiện nay, với sự cho phép của Luật Di sản văn hoá 2001, thị trường cổ vật được công khai hoạt động. Cổ vật được chính thức nhìn nhận dưới góc độ một loại tài sản, loại hàng hoá đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học mà còn có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ sở hữu. Tuy nhiên, không phải mọi cổ vật đều có thể tham gia lưu thông. Đó phải là những hiện vật thuộc sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác ngoài sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, phải là những tài sản có nguồn gốc hợp pháp, đã đăng ký sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên cơ sở những quy định thông thoáng, cởi mở của pháp luật di sản văn hoá hiện hành, thị trường cổ vật nước ta đã “khởi động”. Song, thực tế cho thấy tính lành mạnh và sự vận hành qui củ, trật tự của nó vẫn chưa được đảm bảo. Việc mua bán các tài sản văn hoá có nguồn gốc bất hợp pháp không những chưa chấm dứt mà còn gia tăng một cách sôi động. Các cổ vật có xuất xứ khảo cổ học được đưa vào lưu thông vừa nhiều về số lượng vừa đa dạng về chủng loại, trong đó có cả những đồ “quốc cấm” như trống đồng, thạp đồng…Người ta còn công khai trao đổi, mua bán những cổ vật vốn thuộc về di tích như sắc phong, tượng , lư hương, đỉnh đồng, thanh kiếm, áo thành hoàng…Thậm chí, các chi tiết kiến trúc tưởng không thể tách rời di tích, là một phần khăng khít của di tích như bức phù điêu nổi, các mảng trang trí kiến trúc trên các đầu dư, bức cốn, kẻ chuyền, các linh vật gắn trên mái và nóc đình chùa… cũng trở thành mặt hàng đắt giá. Những điều đó cho thấy nếu tiếp tục buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung chúng ta đang dần biến thị trường cổ vật mặc nhiên thành nơi tiêu thụ các tài sản có được do trộm cắp của đình, chùa, đền, miếu… hoặc đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học, qua đó làm tăng thêm nguy cơ chảy máu cổ vật và xuống cấp nghiêm trọng hệ thống di tích.
Ngoài ra, thị trường cổ vật hiện nay còn khá lộn xộn bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều các đồ giả cổ, đồ nhái được sản xuất ở trong nước (Bát Tràng, Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng…) và nhập về từ nước ngoài (Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…). Bên cạnh việc tranh thủ khai thác kỹ năng tinh xảo của các nghệ nhân trong việc làm đồ nhái cổ “trông như thật”, giới buôn bán cổ vật còn tìm mọi cách để trà trộn cổ vật với đồ mỹ nghệ, “đánh đồng” đồ cổ với đồ giả cổ. Dạng thứ nhất là đồ cổ được làm mới nhằm đánh lừa cơ quan kiểm tra nhà nước bằng cách đánh bóng, làm vệ sinh sạch sẽ, vá víu những chỗ bể. Dạng thứ hai là đồ mới giả làm đồ cổ để đánh lừa khách hàng thông qua mánh khoé: ngâm xác trà cho đồ gốm, ngâm áit cho đồ đồng, bôi hắc ín, đất cát cho đồ đá, ngâm nước, bỏ vào tổ mối, phơi nắng mưa hàng tháng trời cho đồ gỗ… Công phu hơn, họ còn lấy mẫu trong catalogue rồi mang sang tận Trung Quốc, Thái Lan đặt hàng, khi làm xong lấy bản vẽ mang về, hàng chỉ chọn một đến hai cái đẹp nhất, huỷ bỏ tất cả những cái còn lại, tạo thành vật độc nhất vô nhị, kích thích mốt sưu tầm những món độc bản của các nhà sưu tập… Mặc dù Bộ Văn hoá – Thông tin (trước đây) và Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (hiện nay) đã cùng với Bộ Thương mại (trước đây), Bộ Công Thương (hiện nay), Bộ Công an. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan họp bàn các phương án chống làm đồ giả cổ nhằm hạn chế sự nhầm lẫn khi giám định tại cửu khẩu, tạo thông thoáng cho khách xuất nhập cảnh, tăng cường ngăn chặn xuất lậu đồ cổ…nhưng hiệu quả thực tế còn rất khiêm tốn. Nhà nước vẫn thất thu thuế từ các hoạt động mua bán cổ vật, đồng thời quyền lợi hợp pháp của các nhà sưu tầm chân chính cung không được đảm bảo.
Vậy giải pháp nào để lành mạnh hoá, công khai hoá thị trường cổ vật ở Việt Nam hiện nay ?
- Trước hết, Nhà nước phải có một hành lang pháp lý đầy đủ và chắc chắn để thị trường cổ vật vận hành thuận lợi. Pháp luật cần phải rõ ràng và cụ thể hơn nữa khi điều chỉnh vấn đề nguồn gốc hợp pháp của các sưu tập tư nhân, một mặt nghiêm cấm việc buôn bán, trao đổi những cổ vật có nguồn gốc từ hệ thống di tích và các di chỉ khảo cổ học, mặt khác nên thừa nhận những di vật khảo cổ học đã thuộc về lịch sử, chịu sự chi phối của những hạn chế lịch sử trong thời kỳ trước đây - khi mà giá trị cổ vật chưa được coi trọng đúng mức, cổ vật thậm chí còn bị “đem lót đường, làm chuồng lợn”. Phải xây dựng danh mục các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phép và không được phép lưu thông, được phép và không được phép xuất khẩu. Phải sớm ban hành qui chế mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, quy chế về tổ chức và hoạt động của các cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, quy định cụ thể trách nhiệm của những cửa hàng này trong việc đảm bảo mặt hàng bán ra là cổ vật thật. Đồng thời cho phép việc sản xuất đồ giả cổ trên cơ sở có đăng ký sản xuất kinh doanh có dấu hiệu riêng của nhà sản xuất nhằm góp phần giảm thiểu, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, gian dối.
- Bên cạnh loại hình cửa hàng mua bán cổ vật, cần phải có một thị trường đấu giá mang tính quốc gia và khu vực với lực lượng nòng cốt là hệ thống các công ty đấu giá. Thực hiện giải pháp này sẽ kiểm soát được giá cả của cổ vật, khắc phục tình trạng cổ vật bị bán đi với giá rẻ mạt, không tương xứng với giá trị vốn có của nó, đồng thời ngăn chặn dòng chảy cổ vật trong nước ra nước ngoài, đảm bảo nguồn thuế cho nhà nước.
- Đặc biệt, phải tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với thị trường cổ vât. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cửa hàng mua bán cổ vật. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hoá với các lực lượng quản lý thị trương, công an, hải quan, kiểm lâm…tạo sức mạnh đồng bộ trong việc xử lý kịp thời, công khai và kiên quyết các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép các tài sản văn hoá.
- Những giải pháp nói trên có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển một thị trường cổ vật lành mạnh, thông suốt và quy củ, từ đó góp phần bảo vệ và phát huy giá trị nguồn di sản văn hoá độc đáo này../.
Nguyễn Du
Loading...
Tham quan ảo 3D
Bộ đếm lượt truy cập
Thị trường cổ vật Việt Nam - đôi điều suy nghĩ
Th.s TRẦN THỊ THU HÀ (P.T Khoa Quản lý Nhà nước) (Theo truongchinhtrina.gov.vn)
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.