Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Siêu dự án tâm linh ở Chùa Hương: Mối lo bêtông hóa...

Có thể sẽ lại có một Chùa Bái Đính ở ngay Chùa Hương, với những khối bị bê tông, sắt thép hóa khô cứng, bí bách, lạnh lẽo.
 
Chùa Hương hàng năm vẫn thu hút lượng khách hành hương rất đông. Ảnh: Du Lịch Vietour
 
Thương mại hóa quá đà
 
Mới đây, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
 
Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.
 
Trong văn bản đề xuất, nhà đầu tư cam kết, nếu được triển khai, Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào 2028. Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt, TS Phan Đăng Long - nguyên Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng phải thận trọng.
 
Ông nhấn mạnh, Chùa Hương là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp đã tồn tại từ rất lâu đời. 
 
Chính nhờ đặc điểm đặc trưng vốn có, nên hàng năm người dân hành hương về đây rất đông, đây chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp muốn được nhảy vào đầu tư, khai thác để kiếm lợi. Doanh nghiệp Xuân Trường cũng không là ngoại lệ. 
 
Vì thế, quá trình quy hoạch, xây dựng các cơ quan quản lý phải rất thận trọng, cân nhắc, tránh những tác động mạnh gây phá vỡ cấu trúc cảnh quan, làm ảnh hưởng tới hình ảnh linh thiêng vốn có của nơi này. Ông Long đặc biệt lưu ý, người dân hành hương tới đây không chỉ vì Chùa Hương là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong nước và ngoài nước mà đây còn là di tích, danh thắng quốc gia đặc biệt. Sự đặc biệt của Chùa Hương là nhờ có thiên nhiên cảnh quan, có núi non, di tích, có vẻ đẹp của dòng suối Yến, có nhiều động đá... mà một khi bị mất đi sẽ không thể lấy lại được.
 
Liên hệ tới quần thể du lịch Tràng An - Bái Đính, TS Phan Đăng Long đưa ra lời cảnh báo hệ lụy đáng tiếc cho những dự án tâm linh chạy theo thương mại hóa.
 
"Tràng An - Bái Đính là công trình mới được xây dựng và đã được đưa vào khai thác vài năm trở lại đây. Qua đánh giá, lượng khác thập phương đổ về Chùa Bái Đính hàng năm cũng rất đông nhưng du khách trở về đây với tâm thế là tò mò, muốn xem cái mới, cái to chứ không phải với tâm thế của một người hành hương gắn bó với đất Phật. Vì thế, hầu hết du khách chỉ đến đây một lần mà không trở lại lần hai, trong khi, du khách hành hương ở Chùa Hương theo từ năm nay sang năm khác, năm nào họ cũng trở về như một thói quen, một phong tục, một nét văn hóa đặc trưng.  
 
Tôi có cảm giác nơi đây đã bị thương mại hóa quá đà. Danh thắng đã bị mượn danh nghĩa là du lịch tâm linh nhưng thật sự là đang có những biểu hiện của việc thương mại hóa, kinh doanh lòng tin, tín ngưỡng của du khách để kiếm lợi.
 
Về thiết kế cảnh quan cũng có những hạng mục, những công trình không phù hợp với tín ngưỡng đạo Phật truyền thống. Vì thế, tôi không đánh giá cao thành quả của công trình này. Dù công trình đã thu hút được rất đông khách du lịch và cũng đem lại nguồn thu rất lớn cho địa phương và doanh nghiệp nhưng về bản chất đây vẫn giống như một hình thức kinh doanh thương mại, không bền vững", ông Long lo lắng.
 
Trở lại đề xuất tại Chùa Hương, TS Phan Đăng Long cũng lo lắng sẽ có một dự án thương mại nấp sau danh nghĩa du lịch tâm linh mọc lên và rất có thể sẽ lại có một Chùa Bái Đính ở ngay Chùa Hương, với những khối bị bê tông hóa, sắt thép hóa khô cứng, bí bách, lạnh lẽo.
 
"Nếu những người xem xét đánh giá đề xuất trên lại không có đủ trình độ chuyên môn, thiếu hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng mà phê duyệt dự án một cách vội vàng, thiếu cẩn trọng thi rất có thể sẽ có thêm một công trình lai căng, mất hẳn tính bản sắc truyền thống. Rất đáng lo ngại", ông Long cảnh báo.
 
Siêu lợi nhuận
 
Nói thêm về trào lưu đầu tư vào du lịch tâm linh đang nở rộ thời gian gần đây, TS Phan Đăng Long cho rằng, đây được xem lại một lĩnh vực đầu tư dễ, vốn ít nhưng thu hồi lại rất nhanh, rất nhiều. Có thể gọi là siêu lợi nhuận.
 
"Có nhiều người đầu tư nhưng chỉ phải vốn rất ít, có khi lại nhân danh lòng tin, tín ngưỡng để kêu gọi đầu tư, kêu gọi nguồn xã hội hóa, nguồn tiền công đức để xây dựng dự án nhưng sau đó lại nghiễm nhiên đứng ra kinh doanh và thu lợi và hoàn vốn rất nhanh.
 
Như thế, nên ở mỗi công trình mới thì lại có hàng chục những công trình phụ, điểm thờ tự phụ mọc lên để thu hút tiền công đức của khách hành hương. Ví dụ như ở Chùa Bái Đính, du khách tới đâu lại rải tiền công đức tới đó, cứ ở đâu có đền, có bát hương, bàn thờ là ở đó người dân rải tiền. Số tiền thu về hàng năm rất lớn", ông Long nói.
 
Cũng theo ông Long, khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển thì nhu cầu tìm tới đất Phật cũng lớn hơn. Họ tìm đến đất Phật phần vì tín ngưỡng tâm linh, phần để câu may, để an ủi nhưng cũng có những người tới để cầu vận may, cầu được làm giàu, cầu thăng quan, tiến chức... kể cả cầu cho buôn gian bán lậu, trốn thuế được thuận lợi, trót lọt... Vì nhu cầu lớn thế nên việc đua nhau đầu tư du lịch tâm linh không còn khó hiểu và cũng không có gì phải ngạc nhiên cả.
 
Vấn đề nằm ở các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đưa ra quyết định như thế nào? Bài toán kinh tế và văn hóa phải được cân nhắc ra sao là rất quan trọng. Ví dụ, có những địa phương dân còn nghèo khó nhưng lại dựng lên khu du lịch tâm linh để khách thập phương đến lễ bái, cầu may thì sẽ gây ra hình ảnh trái ngược, rất phản cảm.
 
Do đó, việc phát triển dự án nào cũng phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng địa phương, từng nơi.
 
"Với Chùa Hương, đầu tư xây dựng thế nào cũng phải tính tới yếu tố giữ gìn bản sắc văn hóa tín ngưỡng, hướng người dân tới những điều thiện, điều lành. Không thể chỉ nhăm nhăm phát triển bằng mọi cách, bất chấp tín ngưỡng, văn hóa vì lợi ích kinh tế sẽ rất nguy hiểm", ông Long cảnh báo.
 
 
Theo Bảo Khánh/baodatviet.vn

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.