Nguyễn Du

Loading...

Sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được các đơn vị phụ trách triển khai đúng tiến độ, sẵn sàng cho sự kiện.

Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024) sẽ diễn ra vào tối 27/12/2024 với các nội dung: phần lễ kỷ niệm, trao bằng chứng nhận Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; chương trình nghệ thuật "Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông", được tổ chức tại quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh). Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh (HTTV) và nhiều đài truyền hình trên cả nước.

bqbht_br_a1.jpg

Thiết kế sân khấu chương trình lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Cùng với lễ kỷ niệm là chuỗi hoạt động, sự kiện sôi nổi bên lề như: Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” tại TP Hà Tĩnh do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức; Trưng bày chuyên đề “Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Cuộc đời và sự nghiệp” tại huyện Hương Sơn do Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp thực hiện (cả 2 sự kiện đều diễn ra từ ngày 25/12-28/12). Cũng trong dịp này, Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ tổng kết công tác y, dược học cổ truyền, Hội nghị khoa học y, dược cổ truyền toàn quốc lần thứ 3 và trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 7 (diễn ra vào ngày 26/12, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh)...

Để các sự kiện diễn ra thành công, hiện nay, các đơn vị phụ trách đang gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ.

z6161566186100-1d4da1229887dec25d5699c17b5e7e4d.jpg

Poster chương trình nghệ thuật lễ kỷ niệm với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng cả nước.

Một trong những nội dung quan trọng của lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật "Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông". Chương trình do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo nội dung; Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh chỉ đạo nghệ thuật; kịch bản văn học do nhà văn Đức Ban chấp bút; kịch bản tổng thể và đạo diễn: nhà viết kịch Vũ Hải; âm nhạc: nhạc sỹ Hồ Trọng Tuấn; tổng biên đạo: NSND Hữu Từ. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng như: Tùng Dương, Đức Tuấn, Tân Nhàn, Vũ Thắng Lợi, Minh Ngọc, Thanh Tài; NSƯT Minh Thông thể hiện hình tượng Hải Thượng Lãn Ông. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của tập thể diễn viên Học Viện múa Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Hà Tĩnh, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Đoàn Văn công Quân khu 5, Đoàn múa Mai Trắng, Vũ đoàn Sắc Việt, Trường Đại học Hà Tĩnh.

Chương trình có thời lượng khoảng 65 phút, gồm 3 chương: “Cơ duyên nghề thuốc”, “Dấn thân dựng nghiệp” và “Thênh thang một cánh diều…”, thể hiện dưới dạng hoạt cảnh có sử dụng các làn điệu dân ca ví, giặm, xen lẫn lời bình và các ca khúc, tập trung tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác giai đoạn từ sau khi ông rời đất Thăng Long trở về Hương Sơn (Hà Tĩnh) để chăm sóc mẹ già. Trong đó, nhấn mạnh làm rõ cơ duyên nghề thuốc, nhân cách đạo đức nghề y, lý do dấn thân vào con đường chữa bệnh cứu người, hoàn cảnh ra đời của những tác phẩm giá trị của Đại danh y Lê Hữu Trác. Đồng thời, khắc họa hình tượng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông với tài năng và nhân cách lỗi lạc, là sự kế thừa những tinh hoa văn hóa của miền đất văn hiến Hưng Yên (quê cha) và “địa linh, nhân kiệt” Hà Tĩnh (quê mẹ).

Ngoài hình tượng Lê Hữu Trác, kịch bản còn khắc họa các hình tượng liên quan đến cuộc đời Đại danh y, những người ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của ông như: bà Bùi Thị Thưởng (mẹ Lê Hữu Trác), danh y Trần Độc (người thầy của Hải Thượng Lãn Ông) và người dân quê hương Hương Sơn…

bqbht_br_a3.jpg

Nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh hăng say tập luyện các tiết mục nghệ thuật cho chương trình "Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông".

Là đơn vị phối hợp thực hiện chương trình, hiện đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát NTTT Hà Tĩnh đang nỗ lực tập luyện. Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Cẩm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết: "Gần 1 tháng nay, sau khi kịch bản hoàn thành, chúng tôi đã tiến hành tập trung cao độ cho việc tập luyện. Đến nay, cơ bản các tiết mục đã được các nghệ sỹ, diễn viên nhà hát thể hiện thuần thục, sẵn sàng cho buổi sơ duyệt chương trình vào tối 24/12 và tổng duyệt vào tối 25/12 để biểu diễn chính thức tối 27/12 trong lễ kỷ niệm".

Thực hiện chương trình lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Công ty CP Truyền thông Hàm Nghi (Hà Nội). Những ngày vừa qua, đơn vị cũng đã tích cực huy động hàng trăm công nhân tiến hành thi công sân khấu, lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng sẵn sàng cho chương trình.

Được biết, sân khấu lễ kỷ niệm có thiết kế 3 tầng, tương đương 3 sàn diễn; chiều sâu sân khấu 32,5m, chiều ngang dài 52m, cùng 2 bàn nâng và thiết bị ba lăng hiện đại. Trong đó, điểm nhấn là 5 màn hình LED rộng gần 500m2, sắp xếp mô phỏng theo hình dáng cuốn thư cổ tượng trưng cho kiến thức và sức mạnh, thể hiện sự uyên bác, tinh thần hiếu học, văn hóa con người quê hương núi Hồng, sông La. Trên viền ngoài của cuốn thư họa là tiết triện, mang đến vẻ đẹp trang trọng, truyền thống... Tất cả liên kết tạo nên một sân khấu đa tầng, đa chiều, kết hợp hoàn hảo giữa ánh sáng, âm thanh và kỹ xảo, công nghệ visual, clip art, đồ họa 3D hấp dẫn.

bqbht_br_a4.jpg

Công ty CP Truyền thông Hàm Nghi đang huy động lực lượng tích cực tiến hành thi công sân khấu lễ kỷ niệm, đảm bảo đúng tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Giám đốc Công ty CP Truyền thông Hàm Nghi cho biết: "Để thực hiện ý tưởng chủ đề của chương trình, chúng tôi nỗ lực thiết kế và vận dụng những trang thiết bị tối tân nhất hiện nay ở Việt Nam để thực hiện. Với việc vận chuyển hàng chục tấn thiết bị từ Hà Nội vào, huy động hàng trăm kỹ sư, công nhân tích cực tiến hành lắp đặt. Dự kiến, sáng 24/12 sẽ hoàn tất sân khấu để các đơn vị nghệ thuật sơ duyệt, tổng duyệt chương trình và sẵn sàng cho lễ kỷ niệm chính thức vào tối 27/12 diễn ra thành công".

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” tại TP Hà Tĩnh do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức và Trưng bày chuyên đề “Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Cuộc đời và sự nghiệp” tại huyện Hương Sơn do Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp thực hiện. Cả 2 sự kiện đều diễn ra bắt đầu từ ngày 25/12-28/12. Đến thời điểm này, sự kiện đã được các đơn vị chuẩn bị các nội dung và tiến hành công tác lắp đặt hệ thống trưng bày.

bqbht_br_a5.jpg

Cán bộ Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) tiến hành công tác chuẩn bị cho Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Bùi Kỳ Đà - Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) cho biết: "Để thực hiện triển lãm, đoàn cán bộ, nhân viên của trung tâm chúng tôi gồm 25 người đã vào Hà Tĩnh từ ngày 21/12 để làm việc với các đơn vị, tiếp cận hiện trường thực hiện công tác chuẩn bị cho triển lãm. Các phần việc đang được tiến hành đúng tiến độ, đảm bảo cho lễ khai mạc triển lãm diễn ra vào sáng ngày 25/12. Với sự chuẩn bị kỹ càng, chúng tôi tin tưởng sẽ mang đến cho khán giả Hà Tĩnh và du khách gần xa nhiều khám phá sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khi tham quan triển lãm tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh trong những ngày tới".

Cùng với chương trình lễ kỷ niệm, các triển lãm trưng bày về thân thế, sự nghiệp Hải Thượng Lãn Ông, các sự kiện do Bộ Y tế chủ trì về công tác y, dược học cổ truyền cũng được Sở Y tế và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ. Trong đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tạo điều kiện chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các sự kiện diễn ra thành công.

bqbht_br_a6.jpg

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết để các đơn vị Trung ương thực hiện các hoạt động trong chuỗi sự kiện.

Một trong những nội dung nhằm đảm bảo cho chuỗi hoạt động và lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác diễn ra thành công là công tác hậu cần. Theo đó, Tiểu ban hậu cần, khánh tiết phục vụ tổ chức các hoạt động kỷ niệm cũng đã tiến hành họp, rà soát các phần việc như: công tác chuẩn bị đón tiếp các đại biểu Trung ương và các tỉnh, kịch bản lễ dâng hương, hoa, bài xướng; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các chương trình và lễ kỷ niệm... Đến thời điểm này, các nội dung, phương án đã được các đơn vị triển khai đảm bảo chặt chẽ, đúng kế hoạch.

Theo Thiên Vỹ/Baohatinh.vn

Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách.

Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Xem tiếp
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.