Nguyễn Du

Loading...

Quan niệm về chữ Trinh trong Truyện Kiều

Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Buâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều.
Lời thơ của nhà thơ Tố Hữu khiến người đọc không khỏi bồi hồi, xúc động khi có dịp đi qua Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Người ta nhớ thương Kiều và người ta nhớ đến Nguyễn Du.
 
Mấy trăm năm nay, Truyện Kiều đã và đang khơi nguồn biết bao nguồn cảm xúc, suy ngẫm cho độc giả. Bởi bản thân truyện, tự nó cũng đề cập đến rất nhiều quan niệm sống, kể cả truyền thống lẫn hiện đại. Quan niệm về “chữ Trinh” trong Truyện Kiều cũng là một nguồn cảm hứng bất tận như thế.
 
Nguyễn Du (1765 – 1820) sinh ra trong một gia đình đại quý tộc thời phong kiến, được hấp thụ và chịu ảnh hưởng lớn của ý thức hệ Nho giáo. Do đó, cũng như bao nhà Nho cùng thời khác, Nguyễn Du cũng đồng quan niệm với họ về vấn đề này. Mặt khác, với “Con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Mộng liên đường chủ nhân) quan niệm của ông có nhiều điều mới mẻ, hiện đại, mà nhiều người đọc vẫn cảm thấy ngỡ ngàng.
 
Có thể nói rằng, trong Truyện Kiều, Thúy Kiều là đứa con tinh thần vô giá nhất mà Nguyễn Du gửi gắm bao tâm huyết. Chính vì vậy, phẩm hạnh của Kiều được cụ Nguyễn “sát sao” trong “đường đi nước bước”, sự xuất thân, cách ứng xử của nàng trong cuộc sống, đặc biệt là trong tình yêu.
 
Để thể hiện rõ quan niệm về chữ trinh, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều trải qua bao sóng gió trong tình yêu với nhiều mối tình khác nhau. Tha thiết có, mặn nồng có và thoáng qua, khổ đau cũng có....Nhưng độc giả khi đọc Truyện Kiều thường nghĩ ngay đến mối tình của nàng với Kim Trọng. Và cũng chỉ qua mối tình với Kim Trọng, Nguyễn Du mới có dịp thể hiện suy ngẫm, quan niệm của mình.
 
Cùng thời với cụ Nguyễn (và cả sau này) văn học Việt Nam khó tìm thấy sự “tự do” trong tình yêu như ở Truyện Kiều. Cụ đã để cho đôi trẻ “tự do” yêu đương thề nguyền, đính ước. Đặc biệt Kiều đã Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình để tìm đến với tình yêu. Gót chân ấy với sự “xăm xăm” đạp bằng mọi trở ngại của lễ giáo phong kiến, khát khao chủ động, quyết liệt đến với tình yêu ấy cho đến ngày hôm nay nhiều “con mắt hiện đại” vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Vậy nhưng khi Kim Trọng:           
                        
 Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
 
Thì Nguyễn Du lại để cho Kiều “tỉnh táo” và chính sự tỉnh táo ấy giúp tác giả bộc bạch:   
 
Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
 
Quan niệm “chữ Trinh” của cụ Nguyễn ở đây gắn với “bậc bố kinh”. “đạo tòng phu” của lễ giáo phong kiến. Đây rõ ràng là một quan niệm truyền thống thấm đẫm tư tưởng Nho giáo, người phụ nữ phải coi trọng tiết hạnh, trinh trắng và đó chính là thước đo về phẩm giá, đức hạnh của họ. Trong đạo vợ chồng theo Nho giáo, người phụ nữ phải giữ gìn được sự trinh trắng, “con gái” của mình đến khi về nhà chồng. Nó là yếu tố tiên quyết đến đạo đức, cuộc sống hôn nhân, đạo làm vợ của họ.
 
Xét về sự ảnh hưởng của ý thức hệ, Nguyễn Du là một đại quý tộc, được hấp thụ tư tưởng Nho gia. Do đó, quan niệm về chữ Trinh theo tư tưởng truyền thống ấy cũng là một điều dễ hiểu, dễ lí giải được.
 
Mặt khác, theo suốt Truyện Kiều và nỗi lòng nàng Kiều người đọc sẽ thấy quan niệm này lại không nhất quán, đồng nhất như tư tưởng Nho gia trên. Đặc biệt, có lúc ông đã phải “day dứt” vì sự cứng nhắc ấy. Có lúc ông lại quan niệm theo một “lối khác” của riêng ông.
 
Sự “day dứt” đó được ông gửi gắm qua nỗi niềm đau đớn của Thúy Kiều khi phải bán mình chuộc cha, trao thân cho Mã Giám Sinh:
 
- Phẩm tiên rơi đến tai hèn
Hoài công nắm giữ, mưa gìn với ai.
- Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
 
Xét về lí, Thúy Kiều lúc này đã chính thức là vợ của Mã Giám Sinh (vì Mã Giám Sinh đến và nói mua Kiều về làm vợ). Nếu theo quan niệm truyền thống, gìn gữi chữ Trinh như Kiều nói “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu” thì không có gì phải bàn. Điều đáng bàn là Kiều lại đang “day dứt vì trao “chữ Trinh đáng giá ngàn vàng” cho “chồng” - cho Mã Giám Sinh - cho một kẻ hèn hạ - cho một người không yêu.
 
Đặc biệt, càng day dứt vì điều đó thì nàng càng nghĩ đến Kim Trọng - người tình chung, và rồi khao khát muốn trao thân gửi phận, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung. Và người đọc nhận ra rằng dường như quan niệm “chữ Trinh” lúc này của Đại thi hào đã bắt đầu trệch ra khỏi tử tưởng “rường cột” lễ giáo phong kiến. Theo đó, ta có thể hiểu rằng với Nguyễn Du “chữ Trinh” chỉ “đáng giá nghìn vàng” khi nó được gìn giữ và gửi trao cho tình yêu đích thực, cho một người xứng đáng chứ không nhất thiết phải tuân theo “đạo tòng phu”.
 
Quan niệm này của Nguyễn Du ở thời đại ông và ngay cả rất nhiều người Phương Đông bây giờ vẫn còn là điều rất mới mẻ, hiện đại, tiến bộ. Đặc biệt ở thời phong kiến, đây rõ ràng là một cuộc ”cách mạng” về quan niệm “chữ Trinh”. Quan niệm ấy xuất phát từ ý thức đề cao giá trị con người từ tấm lòng nhân văn, “con mắt nhìn thấu sáu cõi” của Đại thi hào.
 
Đọc Truyện Kiều, người đọc không khỏi xót xa cho cuộc đời mời lăm năm lưu lạc, đau đớn của Kiều. Nàng đã phải hai lần làm kĩ nữ, nhiều lần làm vợ người khác. Có khi bị lừa gạt (Mã Giám Sinh, Sở Khanh,....) nhưng cũng có lúc nàng tự nguyện tìm cho mình một bến đỗ bình yên (Thúc Sinh, Từ Hải). Mặc dù trãi qua quá nhiều sóng gió, nhưng trong tâm Kiều luôn dành một khoảng lặng cho Kim Trọng với bao cảm xúc, khát khao, mơ tưởng:
 
- Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
- Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình ai chăng.
 
Vậy nhưng, khi được đoàn tụ gia đình, khi được “danh chính ngôn thuận” là vợ Kim Trọng thì Thúy Kiều lại đưa “chữ Trinh” ra để từ chối tình cảm Kim Trọng:
 
Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững, lại dày cho tan.
 
Đến đây, quan niệm về “chữ Trinh” đã khác hẳn hoàn toàn quan niệm truyền thống. Đặc biệt, xét một cách khách quan, dù biện minh như thế nào đi chăng nữa Kiều cũng từng là gái lầu xanh, trải qua nhiều lần chồng, vậy mà lại “dám” đưa “chữ Trinh” ra để nói cùng Kim Trọng, thì quả là một điều rất táo bạo, khác người của cụ Nguyễn. Theo đó, “chữ Trinh” với người phụ nữ còn được hiểu là sự tôn trọng, tình cảm trong sáng, thánh thiện vô ngần mà con người dành cho nhau trong tình yêu.
 
Ngoài ra, để giải thích và chiêu tuyết cho tấm lòng trinh trắng của Kiều, Đại thi hào đã để Kim Trọng thốt ra những lời cảm thông sâu sắc với người mình yêu:
 
Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.
 
Nghĩa là, theo Nguyễn Du khi đánh giá sự trinh trắng cả người phụ nữ phải có cái nhìn thoáng rộng, nhiều chiều, cần phụ thuộc vào hoàn cảnh, thái độ, lối sống của người đó trong những hoàn cảnh cụ thể. Đây là tấm lòng bao dung, nhân đạo vô bờ của nhà thơ.
 
Đặc biệt, Nguyễn Du rất táo bạo khi đưa ra quan niệm thật mới mẻ, tiến bộ:
 
Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy nay.
 
Trong truyện, Thúy Kiều vì phải bán mình chuộc cha và em mà phải hi sinh “đời con gái”, rơi vào chốn nhơ nhớp của đời. Xét về mặt hành xử, đứng trước việc giữ gìn cho mình và giữ gìn sự bình yên cho gia đình, thì nàng đã đặt chữ hiếu lên trên hết. Do đó, ở đây, “chữ Trinh” có thể hiểu là sự hi sinh, quên mình, là tấm lòng hiếu đạo bao la của con người.
 
Như vậy, từ chữ Trinh nhằm chỉ đạo đức, phẩm giá của người phụ nữ trong “đạo tòng phu” của quan niệm truyền thống, Nguyễn Du đã nâng lên thành một quan niệm mới mẻ, hiện đại, thoáng rộng hơn nhiều.
 
Tóm lại, những quan niệm trên của Nguyễn Du về “chữ Trinh” trong Truyện Kiều thể hiện cái nhìn vừa truyền thống, vừa hiện đại của ông. Đặc biệt những quan niệm hiện đại, tiến bộ ấy đã góp phần làm nên sự thành công không nhỏ cho kiệt tác Truyện Kiều và tên tuổi Đại thi hào Nguyễn Du.
 
Nhân dịp lễ kỉ niệ 250 năm ngày sinh cụ Nguyễn, chúng ta một lần nữa lại bồi hồi xúc động và tự hào khi là người con trên mãnh đất Nghi Xuân, tự hào vì được “gặp gỡ” Đại thi hào Nguyễn Du qua những trang thơ thấm đẫm cảm xúc – Truyện Kiều.
 
 
Lê Thị Duyên/Trường THPT Nghi Xuân (Hà Tĩnh)
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.