Nguyễn Du

Loading...

Quan niệm “di sản + du lịch = tiền”, liệu còn đúng?

Tại Hội thảo “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế” do Trường ĐH Văn Lang phối hợp Lãnh sự quán Italia, Trường ĐH Venice (Italia), Tổ chức SCE Project Asia và Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tổ chức vào hôm qua 3.9, câu chuyện mất cân đối và những bất cập trong việc bảo tồn di sản với phát triển kinh tế đã được các đại biểu thảo luận rất sôi nổi.
 
 
 Phát triển kinh tế cần hài hoà với bảo tồn di sản
 
Ngoài các chuyên gia trong và ngoài nước, hội thảo còn có sự tham dự của nhiều sinh viên chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa,…
 
Sinh viên là những người sẽ thực hành di sản trong tương lai
 
Tại hội thảo, TS Nikhil Joshi, Trường ĐH Quốc gia Singapore đã chia sẻ với các sinh viên về vấn đề bảo tồn các khu di sản trên thế giới, nghiên cứu điển hình từ Đông Nam Á. Ông Nikhil Joshi cho hay, “hiện nay có một số quốc gia quan niệm rằng, di sản+du lịch = tiền. Liệu quan niệm này có phù hợp hay không? Phải chăng công thức trên nghĩa là phát triển di sản gắn với du lịch để phát triển kinh tế?”.
 
Từ cách đặt vấn đề này ông đưa ra hàng loạt minh chứng cho thấy sự xuống cấp của di sản khi bị con người khai thác kiệt quệ phục vụ mục đích du lịch để kiếm tiền, việc tu bổ, phục chế không đúng… đã dẫn đến những sai lầm không thể cứu chữa. “Tôi không muốn nói công thức và quan niệm bảo tồn di sản và phát triển kinh tế của một số quốc gia như trên là sai hay đúng, tôi chỉ muốn nhắc nhở các sinh viên Việt Nam chúng ta rằng, trong vai trò là những người sẽ thực hành di sản trong tương lai, các bạn có tri thức, do đó cần hết sức thận trọng trong việc bảo tồn di sản phải gắn với phát triển kinh tế bền vững”, TS Nikhil Joshi nhắn nhủ. Ông cũng nói thêm, bảo tồn cần phải cân nhắc đến sự phát triển của cả cộng đồng chứ không chỉ chú trọng bản thân di sản, vì nếu như vậy sẽ làm di sản mất đi yếu tố văn hóa bản địa.
 
Nhằm giúp sinh viên các chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa có cái nhìn tổng quan về diện mạo các công trình di sản kiến trúc, TS Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã khái quát các giai đoạn hình thành và phát triển, các trào lưu của di sản kiến trúc tại Sài Gòn - TP.HCM trước thế kỷ 20. Qua bức tranh toàn cảnh này, TS Hạnh cũng giúp sinh viên nhìn nhận lại giá trị của di sản kiến trúc để qua đó tự hào và có ý thức bảo tồn di sản. TS Hạnh cũng cho hay, trong quá trình thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu đã rà soát và đánh giá lại khoảng 1.600 công trình kiến trúc trên địa bàn TP với nhiều thể loại, qua đó chắt lọc những công trình có giá trị để có kế hoạch bảo tồn.
 
Theo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, ngoài trao đổi học thuật, hội thảo lần này mong muốn tạo cơ hội để sinh viên được tiếp xúc với các chuyên gia, cùng thực hiện dự án, nâng cao kỹ năng và trải nghiệm nghề trong một lĩnh vực “nóng” của kiến trúc là bảo tồn di sản.
 
 Hội thảo quy tụ sự tham gia của các chuyên gia và sinh viên chuyên ngành kiến trúc mỹ thuật văn hoá
 
Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế còn thiếu hài hòa
 
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, các công trình di sản có tầm quan trọng đặc biệt trong việc quy hoạch phát triển TP.HCM. Tuy nhiên, trong thời gian qua điều này chưa được nhìn nhận đúng mức, việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế còn thiếu hài hòa. Thực hiện công trình nghiên cứu về kiến trúc các công trình hạ tầng tại TP.HCM, TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, cảnh quan văn hóa là nền tảng của phát triển đô thị. Một dự án bảo tồn di sản cần xem xét tính tổng thể và toàn diện, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc những tác động của yếu tố di sản và phi di sản. Cần tạo sự đồng thuận, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi từ cộng đồng, từ nhận thức rõ về ý nghĩa và giá trị di sản đối với sự phát triển bền vững của TP. Trong đó, cần quyết tâm cao từ góc độ quản lý, hướng tiếp cận tích hợp, đa ngành và giải pháp phù hợp đặc điểm địa phương.
 
Theo ông Tuấn, kiến trúc và các công trình hạ tầng gắn với kênh rạch đã khắc họa đặc trưng của hình thái đô thị gắn với sông nước, mang lại cảm nhận riêng về đặc trưng lịch sử văn hóa của nơi chốn. Những kí ức dưới con đường, kí ức của dòng kênh, kí ức của đô thị, kí ức về con người,… những giá trị từ quá khứ này cần được tạo dựng ở tương lai. Lối tiếp cận dựa trên cảnh quan không chỉ nhấn mạnh việc bảo vệ từng công trình, từng khu vực di sản riêng lẻ mà còn đặt nó trong một mối quan hệ tương tác lẫn nhau, và tương tác với bối cảnh rộng hơn của sự thay đổi về kinh tế xã hội và sinh thái đô thị.
 
Các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay, vấn đề bảo tồn di sản ngày càng được quan tâm nghiên cứu, như một nhiệm vụ tất yếu trong quy hoạch đô thị. Bảo tồn hài hòa với phát triển, công trình xây dựng mới hài hòa với công trình cổ là nguyên tắc cần được đặt ra trong chính sách quy hoạch.
 
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói, bảo tồn di sản để phát triển kinh tế là rất quan trọng, nhưng trong quá trình phát triển phải nghĩ đến việc bảo tồn, hai yếu tố này cần phải hài hòa nhau. Không thể vì mục tiêu quy hoạch đô thị mà “bỏ quên” di sản, trường hợp Dinh Thượng Thơ vừa qua là một kinh nghiệm sâu sắc trong câu chuyện bảo tồn kiến trúc đô thị.
 
“TP.HCM đang là đầu tàu của cả nước, là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, đô thị phát triển ngang tầm đô thị nhiều nước trên thế giới… Bởi vậy, chúng ta càng có trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội bền vững”, ông Chính tâm tư. 
 
 Hiện nay có một số quốc gia quan niệm rằng, di sản+du lịch = tiền. Liệu quan niệm này có phù hợp hay không? Phải chăng công thức trên nghĩa là phát triển di sản gắn với du lịch để phát triển kinh tế? Tôi không muốn nói công thức và quan niệm bảo tồn di sản và phát triển kinh tế của một số quốc gia như trên là sai hay đúng, tôi chỉ muốn nhắc nhở các sinh viên Việt Nam cần hết sức thận trọng trong việc bảo tồn di sản phải gắn với phát triển kinh tế bền vững (TS Nikhil Joshi, Trường ĐH Quốc gia Singapore).
Theo Thùy Trang/Báo văn hóa
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.