Nguyễn Du

Loading...

Phương tiện giao thông của Thúy Kiều

Nàng Kiều sống vào những năm Gia Tĩnh Triều Minh bên Trung Quốc, tính ra cách đây ngót 500 năm. Thời đó chưa có tàu hỏa, chưa có ô tô, còn máy bay chưa xuất hiện trong ý tưởng của các nhà khoa học. Tất nhiên phương tiện giao thông ngày đó nghèo nàn và tốc độ chậm hơn rất nhiều so với các phương tiện đi lại ngày nay. Vấn đề đặt ra: Thúy Kiều đã sử dụng các loại phương tiện giao thông nào, và mỗi loại sử dụng bao nhiêu lần?
 
 
Dọc theo cuộc đời lưu lạc mười lăm năm của Thúy Kiều, nếu để ý nhận xét, ta sẽ thấy được nàng sử dụng các phương tiện sau đây:
 
Đi xe
 
Đó là loại xe do ngựa kéo khi Mã Giám Sinh đưa nàng đi từ Bắc Kinh về Lâm Tri, suốt một tháng trời. Chúng ta kết luận được như vậy là nhờ những câu: “Đoạn trường thay, lúc phân kỳ. Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” là nói khi chia tay, còn trên đường thì: “Đùng đùng gió giục, mây vần. Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Và “Lâm Tri vừa một tháng tròn tới nơi” . Đây là loại xe dùng để đón dâu, chắc là sang trọng, nên được gọi là “xe châu”: “Xe châu dừng bánh cửa ngoài. Phía trong bỗng có một người bước ra”. Là nàng Kiều gặp mụ Tú Bà đấy. Trong mười lăm năm lưu lạc, đây là lần duy nhất nàng Kiều đi xe.
 
Đi ngựa
 
Nàng Kiều đi ngựa hai lần. Lần đầu tiên là lẩn trốn theo Sở Khanh: “Cùng nhau lẻn bước xuống lầu. Song song ngựa trước, ngựa sau một đàn”. Tất nhiên cuộc lẻn trốn không thành, bị Tú Bà bắt về tiếp khách. Lần thứ hai nàng đi ngựa sau khi bị bọn Khuyển Ưng đánh thuốc mê: “Vực ngay lên ngựa tức thì. Phòng đào, viện sách bốn bề lửa dong”.
 
Đi kiệu
 
Theo thứ tự thời gian, ta có:
 
- Đi kiệu về nhà trọ (trú phường) với Mã Giám Sinh: “Kiệu hoa đâu đã đến ngoài. Quản huyền đâu đã giục người sinh ly”.
 
- Đi kiệu về với Thúc Sinh sau khi thắng kiện và được Thúc Ông chấp nhận: “Kíp truyền sắm sử lễ công. Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao”.
 
- Bạc Hạnh thuê kiệu rước vào lầu xanh ở Châu Thai: “Mượn người thuê kiệu rước nàng. Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa”.
 
- Đi kiệu về đại bản doanh Từ Hải: “Dựng cờ, nổi nhạc lên đàng. Trúc tơ trổi trước, kiệu vàng cất sau”.
 
- Đi kiệu xuống thuyền Thổ Quan: “Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
 
- Đi kiệu cùng cả nhà sau khi gặp nhau ở thảo am bên sông Tiền Đường: “Kiệu hoa giục giã tức thì. Vương ông dạy rước cùng về một nơi”.
 
Đi thuyền
 
- Đi thuyền theo bọn Khuyển, Ưng từ Lâm Tri về Vô Tích: “Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian. Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền”.
 
- Đi thuyền cùng Bạc Hạnh đến Châu Thai: “Thuyền vừa áp thẳng tới nơi. Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày”.
 
- Đi thuyền xuống sông Tiền Đường cùng Thổ quan: “Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
 
- Đi thuyền khi được ngư phủ cùng Giác Duyên vớt lên: “Trên mui lướt mướt áo là. Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương”.
 
Trong mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều có một chuyến đi bộ dài nhất là đêm trốn khỏi Quan âm Các đi về Chiêu Ẩn Am gặp Giác Duyên.
 
Để dễ nhớ nội dung này, ta diễn ra thơ lục bát:
 
Người ta xe, ngựa thì vui
Thúy Kiều xe, ngựa ngậm ngùi, gian truân
Nổi chìm trong cuộc trầm luân
Kiệu hoa sáu chuyến, ba lần lệ rơi.
- Biệt quê, thương chửa hết lời
“Kiệu hoa đâu đã đến ngoài”, giục đi
- Sắc, tài thắng kiện Lâm Tri
“Kiệu hoa cất gió” ai bì xênh xang.
- “Mượn người thuê kiệu rước nàng”
Châu Thai, Bạc Hạnh tìm đàng trốn mau.
- Trúc tơ trước, kiệu vàng sau
Chờ Từ Công chỉ ít lâu, phỉ nguyền.
- Mất chồng, Tôn Hiến ép duyên
“Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền” thổ quan
- Gặp nàng nương chốn thảo am
“Kiệu hoa giục giã” cả đoàn về mau
- Sở Khanh kế hiểm, mưu sâu
“Song song ngựa trước ngựa sau “lừa nàng
- “Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian”
“Vực ngay lên ngựa” mơ màng thuốc mê
- Bán mình, nàng phải theo xe
Giám Sinh họ Mã dẫn về Lâm Tri
Thuyền thì bốn lượt từng đi:
Lần đầu mê thuốc biết gì Kiều ơi
Lần hai Bạc Hạnh nuốt lời
“Thuyền vừa áp thẳng tới nơi” bán nàng.
Lần ba, lần bốn Tiền Đường
Một thuyền oan nghiệt, cưu mang một thuyền


 
Theo Vương Trọng/Tập chí Văn nghệ Quân đội
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam

Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.