Nguyễn Du

Loading...

Phát triển bền vững giá trị di sản thế giới ở Việt Nam

Theo quan điểm của UNESCO và nhiều nước trên thế giới, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nhìn nhận như một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian. Di sản được coi là loại tài sản không thể tái sinh, không thể thay thế và có thể khai thác nhiều lần, qua nhiều thế hệ kế tiếp. Từ nhận thức đó có thể thấy, nếu quảng bá tốt và khai thác hiệu quả, di sản sẽ đem lại những giá trị vô cùng to lớn.
 

Vịnh Hạ Long (Ảnh: Internet)

 
Những con số biết nói
 
Trong tổng số 25 di sản được UNESCO công nhận, Việt Nam tự hào có tám di sản văn hóa, thiên nhiên. Con số này không lớn nếu so với các quốc gia có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận như: I-ta-li-a (53), Trung Quốc (48), Pháp (41), Tây Ban Nha (39), Ðức (38), Ấn Ðộ (35) … Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào bởi Việt Nam được xem là một trong các quốc gia "giàu có" về di sản ở khu vực và châu Á.
 
Có thể nói, trong thời gian qua, các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu. Di sản không chỉ mang lại hiệu quả to lớn trong giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới mà còn giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Thông qua hoạt động du lịch, di sản đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng.
 
Những con số biết nói từ du lịch di sản trong năm 2017 đã minh chứng cho điều đó. Năm 2017, các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam đã thu hút 15,76 triệu lượt khách, trong đó có hơn 6,5 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu khoảng 1.456 tỷ đồng. Trong đó, vịnh Hạ Long đón hơn 3,6 triệu lượt khách (trong đó 2,4 triệu lượt khách quốc tế), thu từ vé đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Quần thể danh thắng Tràng An đón gần 6,126 triệu lượt khách (trong đó gần 711 nghìn lượt khách quốc tế), doanh thu từ phí danh lam và phí chở đò đạt khoảng 652,2 tỷ đồng. Quần thể di tích Cố đô Huế đón khoảng 3 triệu lượt khách (trong đó hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế), thu từ vé hơn 320 tỷ đồng (tăng gấp bốn lần so với năm 2011, khoảng 80 tỷ đồng). Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón 810 nghìn lượt khách (trong đó 133 nghìn lượt khách quốc tế), doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch khoảng 215 tỷ đồng. Khu phố cổ Hội An đón 1,96 triệu lượt khách (trong đó hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế), thu từ vé khoảng 219 tỷ đồng. Khu Di tích Mỹ Sơn đón hơn 350 nghìn lượt khách (trong đó hơn 300 nghìn lượt khách quốc tế), thu từ vé hơn 50 tỷ đồng.
 
Gìn giữ, phát huy như thế nào?
 
Ngoài nguồn lợi có thể đong đếm được từ phát triển du lịch thì di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đem lại một nguồn lợi vô hình và hết sức to lớn, đó là đưa giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, việc cân đối hài hòa giữa bảo tồn, gìn giữ và phát triển như thế nào vẫn luôn là bài toán không dễ tìm lời giải.
 
Bảo tồn di sản mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Nhưng khai thác mà bất chấp việc giữ gìn di sản thì sẽ tự đánh mất tài nguyên vô tận của mình. Bài học về các di sản bị UNESCO rút danh hiệu vì không giữ được tính nguyên vẹn như thung lũng Elbe ở Dresden (Ðức), đền thờ Arabian Oryx (Ô-man)… vẫn chưa bao giờ cũ.
 
Nhiều di sản thế giới ở Việt Nam cũng đang bị thách thức bởi áp lực phát triển kinh tế. Cách đây hai năm, việc đổ đất lấn biển trong vùng di sản Hạ Long để xây dựng các khu du lịch, khu đô thị tại tỉnh Quảng Ninh đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Câu trả lời cho việc bảo tồn hay làm kinh tế, các ý kiến mà dư luận và các chuyên gia đưa ra vượt qua chính khả năng của cơ quan quản lý ở địa phương. Ðến năm 2017, việc khai thác các dịch vụ trong hang động, phá núi khai thác đá, khai thác đánh bắt hải sản trong vùng di sản… tiếp tục đưa di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long vào "tầm ngắm" của UNESCO.
 
Một điểm nóng khác là Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Năm 2016, chủ trương xây dựng cáp treo để khai thác du lịch ở khu Sơn Ðoòng của tỉnh Quảng Bình đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận. Năm 2017, hoạt động thí điểm mở tuyến du lịch mới trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng không nhận được sự đồng thuận của các tổ chức, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, bảo tồn di sản. Chưa kể, với nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng và phong phú, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là "mỏ vàng" của lâm tặc. Nhiệm vụ bảo tồn di sản ở nơi đây đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, đơn vị chứ không chỉ riêng ngành văn hóa. Sự thiếu quyết liệt của địa phương, chồng chéo trong quản lý đang là một rào cản đối với nhiệm vụ này.
 
Một thực tế đáng lo ngại là liên tục từ năm 2014 đến 2017, các kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới luôn có khuyến nghị liên quan đến các dự án phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; tình trạng quản lý, bảo tồn đối với Quần thể danh thắng Tràng An, vịnh Hạ Long.
 
Mặc dù chúng ta đã có báo cáo giải trình với Trung tâm Di sản thế giới, trong đó, đưa ra cam kết những công việc đã và đang triển khai nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản, nhưng tại Quyết định lần thứ 41 (năm 2017), Ủy ban Di sản thế giới vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về nhiều vấn đề bảo tồn của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Thậm chí, tháng 11-2017 vừa qua, Trung tâm Di sản thế giới và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã có công hàm gửi Việt Nam về việc cử đoàn chuyên gia quốc tế vào khảo sát thực địa tại Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng để đánh giá tình trạng bảo tồn di sản thực hiện theo khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới vào tháng 4-2018.
 
Thực tế cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải thực thi nghiêm túc, đồng bộ hơn nữa các cam kết bảo tồn di sản sau khi được UNESCO công nhận. Ðể làm được như vậy, ngoài vai trò của các địa phương sở hữu di sản thì sự giám sát của các cơ quan chức năng ở cấp trung ương là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; phân cấp quản lý rõ ràng, cụ thể, tránh chồng chéo ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ di sản. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ bền vững các di sản thế giới, món quà vô giá của thiên nhiên và cha ông để lại; trao truyền cho các thế hệ tương lai nguyên vẹn những giá trị nổi bật toàn cầu mà UNESCO công nhận.
 
 

Theo Thảo Nguyên/nhandan.com.vn

Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam

Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.