Nguyễn Du

Loading...

Phát hiện nhiều dấu tích quý tại khu vực Chính điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long

Ngày 17/4, nhiều dấu tích quý trong quá trình khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên thuộc Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã được công bố tại Hội thảo khoa học báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực này, do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp cùng Viện Khảo cổ học tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long.
 
Qua hội thảo, các nhà khoa học cũng đề cập nhiều đến vấn đề cần lắp ghép bản đồ địa tầng khu vực khảo cổ, cần có nghiên cứu sâu hơn để có những cơ sở nhằm tiến gần hơn đến việc hoàn trả không gian điện Kính Thiên.
 
Cuộc khai quật đã bổ sung nhiều tư liệu mới để tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc chính điện Kính Thiên
và góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
 
Phát hiện dấu tích có dải nền hoa chanh lớn nhất
 
Khu vực Chính điện Kính Thiên được khai quật thăm dò năm 2017, sau một thời gian khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện địa tầng và tầng văn hóa đủ các lớp từ thời Đại La qua thời Đinh – Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn.
 
Về di tích, các nhà khảo cổ học xác định được 3 dấu tích kiến trúc thời Lý, 3 dấu tích kiến trúc thời Trần, một số dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ, thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Các đặc điểm cơ bản của vật liệu, loại hình các dấu tích còn lại như móng cột, móng tường, nền kiến trúc, bó nền… tương tự như các di tích cùng thời ở các vị trí đã khai quật khác. Tuy nhiên, đối với dấu tích kiến trúc thời Trần, dấu tích còn lại là dải nền hoa chanh được cho là đáng lưu ý nhất. Dải nền hoa chanh này có kích thước rất lớn, phần còn lại dài 1,15m (cả phần bó có thể rộng 1,5m). Đây là dải nền hoa chanh lớn nhất (trừ kiểu hoa chanh dạng vòm cuốn thời Trần ở 18 Hoàng Diệu) trong hầu hết các dải nền hoa chanh ở các vị trí khác ở Thăng Long và các di tích khác của Đại Việt thời Trần. Đáng chú ý nữa là vật liệu xây dựng đường hoa chanh này là ngói phẳng, dẹt được xếp đặt rất công phu, quy chỉnh. Đặc điểm này cho thấy đây là dấu tích của kiến trúc sớm thuộc thời Trần (thế kỷ 13) và đây là một kiến trúc thời Trần chiếm vị trí quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần.
 
Đối với kiến trúc thời Lê trung hưng, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy móng tường xếp bằng gạch vồ rất kiên cố. Có ý kiến dự đoán đây có thể là một dấu tích móng cổng trong cấm thành Thăng Long thời Lê Trung hưng và hiện di tích này đang được tìm hiểu thêm tính chất và quy mô. Thời Lê trung hưng còn có dấu tích móng đá, gạch đang được dự đoán có thể là một loại hình ao hoặc hồ trong Hoàng Cung. Dấu tích này cũng đang được tìm hiểu tính chất và niên đại.
 
Về di vật, cụ thể là gạch, ngói, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều mảnh ngói thời Lê sơ tráng men xanh, men vàng cùng với các mảnh ngói trang trí rồng đi kèm. Về số lượng, có lẽ đây là hố đào có số lượng nhiều nhất loại hình di vật này với đặc điểm là nhiều viên ngói kết nối với nhau tạo thành một con rồng. Có ý kiến gợi ý đây có thể là loại ngói sử dụng để lợp chính điện Kính Thiên.
 
Hố đào này cũng tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Lê Sơ, Mạc và Lê Trung hưng. Có khá nhiều mảnh gốm sứ có trang trí hình rồng thuộc thời Lê Sơ và thời Mạc. Đây là loại tư liệu rất tốt để nghiên cứu tính chất và đời sống Hoàng Cung Thăng Long thời Lê.
 
Như vậy, cuộc khai quật năm 2017 đã đóng góp thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc chính điện Kính Thiên và góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên.
 
Một số hiện vật khai quật được tại Điện Kính Thiên được trưng bày phục vụ các nhà nghiên cứu và giới truyền thông đến đưa tin - Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
 
Cần lắp ghép bản đồ địa tầng khu vực khảo cổ
 
Công tác khai quật khảo cổ thăm dò Hoàng thành Thăng Long thực hiện từ năm 2002, đến nay đã 16 năm và thời gian được đánh giá chưa phải là dài cho một di sản chứa nhiều giá trị quý trong lòng đất kéo dài tới 13 thế kỷ. Bởi hiện nay, những tư liệu còn lại cho phép hình dung và phục dựng lại các di tích trong Hoàng thành Thăng Long không nhiều và các nhà khoa học đang phải thực hiện những bước đi thận trọng, khoa học, vững chắc.
 
Tuy vậy, trong rất nhiều đợt khảo cổ thăm dò thực hiện những năm qua, các nhà khoa học cũng đề xuất cần phải lắp ghép lại để có được những cái nhìn sơ bộ ban đầu về di sản này, cụ thể là một bản đồ địa tầng khu vực khảo cổ. Mỗi đợt khảo cổ tiếp theo sẽ lấp dần vào bản đồ đó để hoàn thiện dần các dữ liệu nghiên cứu về di sản. Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho rằng: Việc xây dựng bản đồ địa tầng để nắm được các lớp văn hóa từ thời Đại La, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Lê trung hưng và Nguyễn ra sao? chỗ nào giữ nguyên cao độ? nơi nào xáo trộn? để mỗi năm bản đồ đó được lấp dần các phát hiện và phải đảm bảo được đặt trong tổng thể chung, không nên tách rời ra từng đợt khai quật khác nhau.
 
Cũng theo các nhà khoa học, bên cạnh việc tiến hành khảo cổ cần có những nghiên cứu cụ thể về các di tích, di vật, địa tầng và tầng văn hóa. Những phát hiện có điểm chung thì công bố để công chúng nắm được, còn những phát hiện chưa rõ ràng sẽ tiếp tục nghiên cứu. Bởi hiện nay, dù khai quật nhiều nhưng các cơ quan liên quan chưa có nhiều nghiên cứu để ra được lời giải đáp chắc chắn mà nhiều phát hiện mới đặt trong giả thiết ban đầu. Trong quá trình nghiên cứu cần có sự phối hợp của các ngành khoa học liên quan.
 
Theo Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc khảo cổ nên đi từng bước một thật chắc chắn; khi đủ tư liệu cần tập trung phục dựng không gian điện Kính Thiên trước, sau đó mới tới Chính điện Kính Thiên. Bên cạnh đó cần có sơ kết về công tác khảo cổ học tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long để có thể hình dung về kiến trúc ban đầu, sau đó tiếp tục khai quật để nghiên cứu sâu hơn.
 
Việc nghiên cứu về di sản Hoàng thành Thăng Long và tiến dần tới việc phục dựng các di tích trong khu vực này sẽ còn lâu dài và nhiều khó khăn. Tuy vậy, chúng ta vẫn kỳ vọng đến một thời điểm nhất định, di sản thế giới này sẽ có diện mạo mới với những công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn triều đại lịch sử của nước Đại Việt xưa.
 
 
Theo thethaovanhoa.vn

Trung Quốc khai quật mộ bà của Tần Thủy Hoàng

Sáng nay (12-9), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Công ty cổ phần mỹ thuật và xây dựng Việt Nam là đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng quy hoạch. Phạm vị nghiên cứu quy hoạch gồm 340 ha thuộc địa phận xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân. trong đó diện tích bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt có khoảng 50ha. Quy hoạch hình thành 4 khu chức năng chính: 1. Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du: là khu vực không gian quảng trường lễ hội, không gian trưng bày, diễn xướng ngữ văn dân gian làng Tiên Điền, không gian tham quan và du lịch chủ đề. 2. Không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; 3. Không gian Nguyễn Du: giới thiệu minh họa, thuyết minh về cuộc đời của Đại thi hào, gia tộc, thân thế, sự nghiệp và tha m quan tìm hiểu về lịch sử thời đại Nguyễn Du (150 năm cuối thời kỳ trung đại lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Nghiễm đến Nguyễn Công Trứ) 4. Không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra quy hoạch còn có 2 trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành; Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương và nghề truyền thống “Tiểu triều đình”. Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo nội dung quy hoạch đã có nhiều ý kiến góp ý làm đề nghị rõ về chức năng của các khu chính, sự liên hoàn giữa các phân khu với nhau, tính thực tế và khoa học, diện tich nghiên cứu quy hoạch và diện tích triển khai thực hiện... cần quan tâm đến môi trường sinh thái, tính dân sinh, giao thông, thoát nước phù hợp với điều kiện thức tế của địa phương. Chú trọng tới khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà bảo tàng Nguyễn Du, phục dựng một số điểm di tích liên quan văn hóa cộng đồng làng. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện - PCT thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cơ bản thống nhất với quy hoạch được báo cáo và đê hoàn thiện quy hoạch đ/c PCT tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính khả thi xứng tầm với Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, sớm hoàn thiện trình lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi hoàn chỉnh quy hoạch trình chính phủ phê duyệt. Bách Khoa

Xem tiếp
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.