Nguyễn Du

Loading...

PGS.TS Trần Lâm Biền: Con người nếu không tu thân, chẳng thánh thần nào giúp giải được hạn

PGS Trần Lâm Biền cho rằng, việc dâng sao giải hạn này suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn.
 
Mỗi dịp đầu năm mới, hàng vạn người dân lại đổ về các ngôi chùa để làm lễ cầu an, cúng sao giải hạn. Người ta cho rằng, trong một năm, mỗi người đều có một ngôi sao chiếu mệnh. Những ai bị sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô chiếu sẽ gặp những điều xui xẻo cả về tiền bạc, sức khỏe… Họ đến chùa cúng sao để giảm nhẹ tai ương. Hoạt động tự phát này đang tiềm ẩn tâm lý cuồng tín, làm sai lệch giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS, Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền để làm rõ hơn vấn đề này.
 
PGS.TS Trần Lâm Biền: Việc dâng sao giải hạn này suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn.
 
Thưa PGS.TS Trần Lâm Biền, cứ mỗi dịp đầu năm, người Việt lại đổ xô đến các chùa để cúng sao giải hạn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là hoạt động cuồng tín, làm sai lệch văn hóa dân tộc, đặc biệt, nó không phải là văn hóa của Phật giáo. Ông có thể cho biết, quan điểm của ông về điều này?
 
- Tục cúng sao giải hạn tồn tại từ lâu đời trong dân gian, có ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Họ cho rằng, mỗi giờ, khắc khác nhau tương ứng với sự dịch chuyển khác nhau của những vì sao. Vì vậy, mỗi con người sinh ra ở mỗi thời khắc khác nhau có số phận cũng khác nhau. Khi nó chuyển sang đến nước ta thì nó thực sự gắn với Đạo giáo và những người liên quan đến Đạo giáo.
 
Việc dâng sao giải hạn không hề dính dáng đến chùa bởi vì tinh thần của nhà Phật là chống lại mê tín dị đoan. Bởi đạo Phật là một hệ triết học coi trọng trí tuệ. Phật là người đặt trí tuệ cao hơn hết và khi đã lấy trí tuệ làm đầu thì suy cho cùng đạo Phật là một hệ triết học vô thần từ bi thoát tục. Đức Phật dạy con người không được làm những điều mê hoặc bởi vì trí tuệ là để chống lại những cái mê hoặc.
 
Khoảng những năm 80-90 của thế kỷ trước, dâng sao giải hạn chủ yếu nằm ở các đạo quán. Song do sự hụt hẫng tinh thần của quần chúng, do nhận thức về tôn giáo tín ngưỡng sai lầm, hiểu sai về lẽ đạo, trong khi nền kinh tế đi lên con người lục vấn tinh thần và khi không có bệ đỡ được dẫn dắt bởi những người có chức năng về tôn giáo tín ngưỡng một cách tử tế thì họ bị giày vò của sự phát triển kinh tế xã hội. Con người ngày càng đẩy cao tính cá nhân lên, họ chỉ còn nghĩ đến quyền lợi trước mắt về vật chất mà đánh rơi mất những lợi ích tinh thần. Vì thế, dâng sao giải hạn nhập vào cửa chùa và nhập một cách hết sức mạnh mẽ. Và khi dâng sao giải hạn nhập vào với các kiến trúc không phải là đạo quán thì sẽ bị sai lệch đi.
 
Hàng nghìn người dâng sao giải hạn dịp đầu năm ở các chùa (ảnh Bảo Trung)
 
Chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng khẳng định, nghi thức dâng sao giải hạn không đúng với giáo lý của Phật. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn "nở rộ" ở các chùa. Theo PGS, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
 
- Cách làm không hiểu biết đó theo tôi do một số người đứng đầu các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng vì quyền lợi vật chất mà làm méo mó văn hóa của Phật. Những kẻ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để trục lợi.
 
Chùa là nơi để chúng sinh đến hành thiện trên nền tảng trí tuệ Phật, không phải là nơi "thu thuế cho kẹo". Bao thế kỷ qua, đạo Phật tồn tại ở nước ta nhưng không ghi nhận có chuyện dâng sao giải hạn ở cửa Phật.
 
Việc dâng sao giải hạn suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn.
 
Trong Phật giáo có lễ cầu an. Vậy có thể đánh đồng lễ cầu an với lễ dâng sao giải hạn được không?
 
- Theo quan niệm của nhà Phật, ý nghĩa của việc tổ chức lễ cầu an đầu năm không nằm ngoài mục đích để mình và gia quyến thành tâm sám hối tội lỗi, tiêu trừ nghiệp chướng, bỏ ác làm lành và thực hiện những thiện sự như phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo…; và phát nguyện hồi hướng công đức của những thiện sự, Phật sự đó để cho bản thân và gia đình tai qua nạn khỏi, tăng khả năng tiêu tai, giảm tội; tăng phúc, bình an, thân tâm được an lạc.
 
Xét rộng hơn trong mối quan hệ đối với dân tộc, đại lễ cầu an mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, người người được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn. Lễ cầu an đoạn nghiệp được tổ chức vào đầu năm tại các chùa, là nơi có cảnh trí yên tĩnh càng tăng thêm tính hiệu quả cho nội dung tổ chức lễ nghi.
 
Còn lễ dâng sao giải hạn, người ta nghĩ rằng năm nào bị sao xấu chiếu, sẽ mua vàng, tiền, đồ mã, thậm chí cả hình nhân để đốt thế mạng. Đó là hành vi mù quáng.
 
Vậy, theo PGS, có giải pháp nào để hạn chế những hiện tượng này?
 
- Nếu hành vi này gây ra mất trật tự giao thông, trật tự xã hội thì những đơn vị chức năng như công an giao thông, chính quyền địa phương… phải giải quyết. Còn ảnh hưởng tới vấn đề tư tưởng, nhận thức thì các cơ quan chức năng có bộ phận tôn giáo, tín ngưỡng mang tính chất chính quyền, ngành văn hóa và đặc biệt là các cơ quan truyền thông phải tìm hiểu, nêu thực chất vấn đề để nâng cao dân trí.
 
Dù sao trong sự phát triển bao giờ cũng có sự khủng hoảng phát triển. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ tiêu vong khi kinh tế và dân trí được nâng cao. Đây là bài học được ghi nhận của nhiều cư dân trên thế giới.
 
Xin cảm ơn PGS.TS Trần Lâm Biền!
 
 
Theo Hà An/cinet.vn

 

Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam

Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.