Nguyễn Du

Loading...

Nỗi niềm bảo tàng tư nhân

Giờ đây bảo tàng tư nhân ra đời ngày một nhiều hơn, góp phần làm phong phú hệ thống bảo tàng mà chúng ta đang có; góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống cũng như thúc đẩy phát triển du lịch. Thế nhưng cơ chế hoạt động, cũng như việc gắn kết giữa bảo tàng với công lập và tư nhân đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Điều đó khiến nhiều người đang băn khoăn rằng có nên khoác danh “bảo tàng” cho hình thức bảo tàng tư nhân mà họ đang có hay không.
 
Việt phủ Thành Chương thực chất là mô hình của một bảo tàng tư nhân.
 
“Sợ” danh bảo tàng
 
Mới đây, Việt phủ Thành Chương đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm hoạt động. Đây là công trình tư nhân do họa sĩ Thành Chương tự gây dựng nên, và những năm qua đã trở thành điểm đến thu hút khách tham quan. Trong bộ sưu tập của Việt phủ Thành Chương hiện hữu 2 sưu tập thành phần. Đó là sưu tập đồ sứ thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam, Lý - Trần - Lê - Nguyễn; sưu tập các đồ văn hóa đời sống, sản xuất, tâm linh.
 
Mà theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Đây là những sưu tập đồ cổ, thiên về tiêu chí cổ, hiếm, đẹp. Không hiểu bằng công sức cùng tiền của nào, mà họa sĩ Thành Chương đã phát hiện và thu gom về đây cả một khối lượng ghê gớm những tài sản văn hóa như thế. Hễ ai muốn biết, muốn thấm và thụ hưởng tài nghệ của những người thợ thủ công - nông dân Việt, hãy đến với sưu tập của Việt phủ Thành Chương, ít nơi nào sánh được.
 
Chỗ này cũng cần nói thêm rằng, trước chủ trương bài trừ linh vật ngoại lai, quảng bá linh vật thuần Việt, thời gian qua các cơ quan chức năng đã bỏ nhiều công sức. Để phục vụ cho chuyên đề trưng bày linh vật thuần Việt, các nhà quản lý văn hóa phải cất công “thu gom” ở nhiều nơi để có được các hiện vật mang về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Vậy mà chỉ riêng không gian Việt phủ Thành Chương lại lưu giữ tới hơn 2.000 linh vật “100% thuần Việt”, do chính tay họa sĩ Thành Chương tự “mày mò” sưu tập.
 
Tuy vậy, dù được mang danh là điểm đến hấp dẫn, thu hút được đông đảo khách tham quan thì một điều rất lạ chính ông chủ Việt phủ Thành Chương lại không dám nhận đây là một bảo tàng tư nhân. Theo họa sĩ Thành Chương, để biến một nơi vốn trước đó chỉ được xây dựng nhằm mục đích tạo nên không gian riêng của gia đình trở thành bảo tàng tư nhân có vô số những vấn đề nan giải.
 
Đơn cử, theo qui định hoạt động hiện nay phải có hướng dẫn thuyết minh vốn là yêu cầu cơ bản nhất của mỗi bảo tàng. Bởi mục đích ban đầu của Việt phủ Thành Chương khi mở cửa cho du khách tham quan đó là để mọi người tự cảm nhận các giá trị văn hóa. Hay việc kêu gọi đầu tư với gia đình họa sĩ Thành Chương cũng là một sự cân nhắc khá kỹ lưỡng. Năm 2009, khi mở cửa bán vé, Việt phủ đã gặp không ít ý kiến băn khoăn và cả sự chê trách.
 
Về điều này, họa sĩ Thành Chương cho rằng Việt phủ chỉ nhằm mục đích tự nó nuôi nó, thay vì được gia đình “nuôi”. Vì thế nên dù có kêu gọi đầu tư, nhưng họa sĩ Thành Chương cho biết sẽ không dễ dãi trong việc tiếp nhận sự chung tay. Mà ở đây phải là sự hợp tác của các tổ chức văn hóa, các cá nhân có nguồn lực mạnh về kinh tế nhưng cùng tiếng nói và sự hiểu biết về tầm quan trọng của giá trị văn hóa với tinh thần người Việt.
 
Tự lực cánh sinh
 
Nếu như ông chủ của Việt phủ Thành Chương từ chối cái danh bảo tàng với những lý lẽ riêng thì nhiều bảo tàng tư nhân hiện nay vẫn đang vận hành theo phương thức tự thân, vận động. Đơn cử, Bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) được coi là bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên của cả nước. Với khuôn viên xấp xỉ 500m2 là nơi chứa hơn 1.000 bức tranh có giá trị.
 
Trong đó, nhiều tác phẩm quý giá của thế hệ họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái… Tuy vậy, nếu chỉ đam mê với người chủ nhân ở đây xem ra vẫn là chưa đủ. Bên cạnh các thiếu thốn cơ sở hạ tầng, kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động thì tâm lý e ngại khi thành lập bảo tàng cũng là một trong những rào cản trong việc phát triển mô hình này ở Việt Nam.
 
Hay như một vài cái tên được nhắc nhiều trong thời gian vừa qua như Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình), Bảo tàng Lê Bá Đảng (Huế), Bảo tàng Cội nguồn (Phú Quốc)… thực tế đến nay vẫn chỉ dám vận hành một cách hết sức có chừng mực.
 
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, để được gọi là bảo tàng, phải đáp ứng những yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan, có nhà trưng bày trong và ngoài trời, kho bảo quản, đội ngũ chuyên môn, bộ máy hành chính… Việc phát triển bảo tàng tư nhân ở nước ta mới chỉ ở dưới dạng “thứ cấp”, chưa đạt đến ngưỡng của bảo tàng chuyên nghiệp. Thực chất, nhiều địa chỉ vẫn ở dạng phòng triển lãm, phòng trưng bày… chưa đủ quy mô để thành lập bảo tàng.
 
Trong đó, có thể nhận thấy, bảo tàng lập ra nhưng số lượng hiện vật được trưng bày còn kém phong phú, đó là chưa kể đến việc thiếu hụt đội ngũ cán bộ có chuyên môn tiếp đón, phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó, do chưa có sự liên kết với những hãng lữ hành để quảng bá, giới thiệu với khách du lịch, nên hệ thống các bảo tàng tư nhân hoạt động thiếu hiệu quả, chưa thực sự nổi bật như một địa điểm văn hóa để thu hút du khách.
 
Có thể thấy, để có được điều này cần đến sự phối hợp hơn nữa giữa Nhà nước với các bảo tàng tư nhân. Trong đó, kết hợp đưa những sự kiện văn hóa lớn đến với bảo tàng tư nhân, đồng thời tổ chức những cuộc vận động hiến tặng cổ vật để huy động nguồn lực từ cộng đồng.
 
Cùng với đó, có thể xem xét việc tập hợp những người sưu tầm tư nhân để thành lập bảo tàng, tổ chức trưng bày luân phiên theo chuyên đề. Với những hướng đi như vậy, chúng ta sẽ có thêm những bộ sưu tập có giá trị, đồng thời phổ biến hơn đến công chúng một loại hình văn hóa - du lịch rất có tiềm năng này.
 
Theo Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trong số gần 30 bảo tàng tư nhân trên cả nước được cấp phép thành lập, hiện có 25 bảo tàng tư nhân đang hoạt động tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đóng góp rất nhiều trong việc sưu tập cổ vật, hiện vật văn hóa, lịch sử của dân tộc. Hoạt động độc lập, nhưng mỗi bảo tàng tư nhân lại có sức hút riêng vì mỗi lĩnh vực của một bảo tàng tư nhân dường như không trùng lặp về hiện vật với các bảo tàng Nhà nước.
M. Quang
 
 
Theo Hoàng Minh/Baomoi.com
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam

Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.