Nguyễn Du

Loading...

Những nhân vật đặc biệt trong Truyện Kiều

Có thể nói tuyệt đại đa số người Việt Nam trong suốt cuộc đời nếu không từng đọc Truyện Kiều thì cũng đã nghe nói đến Truyện Kiều, hoặc đã nghe nói đến một số nhân vật trong Truyện Kiều. Truyện Kiều là một đại tác phẩm văn học của Việt Nam mà như Pham Quỳnh đã đánh giá là: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ngoài ra các cụ ta xưa cũng còn có câu: “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà Chính Thái, xem nôm Thuý Kiều” để nói về một người con trai muốn được kể là tài tử, phong nhã tất phải biết đánh tổ tôm, biết thưởng thức trà ngon và biết đọc Truyện Kiều. Từ đó mà suy ra Truyện Kiều giá trị như thế nào?!
 
Khi viết bài này chúng tôi không dám có cao vọng phê bình, mổ xẻ hay bàn sâu về Truyện Kiều, vì Truyện Kiều đã có quá nhiều các vị học cao hiểu rộng bàn tới rồi. Chúng tôi chỉ xin nói tới một số nhân vật điển hình trong Truyện Kiều mà nay tên riêng của họ đã trở thành tên gọi chung cho một hạng người đặc biệt nào đó trong xã hội.
 
Nói đến nhân vật trong Truyện Kiều thì chúng ta thấy cả “ảo” lận “thật” có đến mấy chục người.
 
Chúng tôi xin tạm dùng chữ “Ảo” để chỉ những nhân vật chỉ được nói lướt qua, hoặc danh tánh và hành động của những nhân vật này không rõ nét cũng như không để lại một ấn tương lâu dài hay đặc biệt nào cho người đọc, như Bọn sai nha, Ðạm Tiên, Mã Kiều, Thúc ông (thân phụ Thúc sinh), Phủ đường (hay Quan Phủ?), Khuyển, Ưng, Ả hoàn, Quản gia, người Ðàn Việt, người Thổ Quan, Tam Hợp đạo cô, lại già họ Ðô v.v...
 
Còn chữ “thật” là những nhân vật: Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, vãi Giác Duyên, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến. Mà trong số này có những “tên riêng” đã trở thành tên gọi chung cho một hạng người đặc biệt trong xã hội ngày nay mà bài này chúng tôi xin được đặc biệt đề cập tới:
 
Ðể chỉ về một người đàn bà đẹp, nếu chỉ muốn nói chung chung thì ta có thể gọi họ là mỹ nhân hay giai nhân, như:
 
Giai nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu
 
Còn nếu là người “quá đẹp” hay “đẹp hết sức” thì bảo là: “Chim sa, cá lặn” hoặc “khuynh quốc, khuynh thành” như:
 
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa,
Hương trời đắm nguyệt say hoa
(Cung Oán ngâm khúc)
 
Riêng hai chị em nàng Kiều, cụ Nguyễn Du đã tả sắc đẹp của họ bằng những câu thơ:
 
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười
 
 Cả hai chị em đều đẹp, nhưng Thuý Kiều lại:
 
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
 
Như thế là nàng Kiều đẹp lắm, đẹp đến nỗi “hoa phải ghen, liễu phải hờn”. Có lẽ vì thế mà ngày nay người ta cũng gọi những người đàn bà đẹp là “Kiều nữ”. Tuy vậy mà khi nghe hai tiếng “Kiều nữ” tự nhiên ta lại nẩy sinh ra hai ý. Một ý chỉ về người đàn bà đẹp, ý kia ngầm nói về một người trong giới “buôn hương bán phán”! Sở dĩ khi nghe nói đến Kiều Nữ người ta lại liên tưởng đến một người đàn bà trong giới buôn hương bán phấn vì người ta hầu như chẳng ai nghĩ đến một nàng Kiều 15 năm lưu lạc, “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, mà chỉ nhớ đến một nàng Kiều là gái lầu xanh.
 
Ðàn bà, con gái thì thế, còn đàn ông, con trai ra ngoài mà đầu tóc bù xù, râu ria lởm chởm, quần áo bèo nhèo xốc xếch thì dĩ nhiên là chẳng ai muốn và chắc chắn là sẽ bị khinh khi, coi thường. Thế nhưng nếu lại trau chuốt quá để được khen là “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” như chàng Mã Giám Sinh thì thấy nó cũng làm sao ấy:
 
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thày sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang,
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
 
Hách xì xằng thế mà cụ Nguyễn Du lại tả:
 
Chẳng ngờ là Mã Giám Sinh,
Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
Lầu xanh có mụ Tú Bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên.
Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường
Chung lưng mở một ngôi hàng
 
Tưởng là ngon lành, hoá ra cũng một phường lưu manh! Vì thế mà được ví như Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” thì ai cũng nhột.
 
“Má mì” là tiếng người ta thường gọi các bà “mẹ” của giới “chị em ta” ngày nay. Còn ngày xưa “Má Mì” của nàng Kiều chính danh là Tú Bà. Từ đó về sau già trẻ gì mà làm nghề “nuôi em út” thì người ta đều kêu là Tú Bà cả. Ta hãy đọc những câu tả Tú Bà của cụ Nguyễn Du sau đây:
 
Xe châu dừng bánh cửa ngoài,
Rèm trong đã thấy một người bước ra.
Thoắt trông lờn lợt mầu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?
Trước xe lơi lả han chào
 
Tướng tá của Tú Bà thì thế, rồi trong khi nàng Kiều hì hục lạy trước bàn thờ “ông thần mày trắng“ thì Tú Bà lầm rầm khấn khứa:
 
Cửa hàng buôn bán cho may,
Ðêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu
Muôn nghìn người thấy cũng yêu
Xôn xao anh yến dập dìu trúc mai
Tin nhạn vẫn lá thơ bài
Ðưa người cửa trước rước người cửa sau.
 
Và khi đã “Lễ xong hương hỏa gia đường” rồi thì:
 
Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay,
Dạy rằng: Con lậy mẹ đây,
Lậy rồi sang lậy cậu mày bên kia.
Nàng Kiều cứ tưởng Mã Giám Sinh mua mình về làm vợ, và cũng đã “ăn nằm” với mình rồi, hoá ra...!
 
Phải nhận chân một điều là Tú Bà chẳng những đã dữ dằn mà lại còn điêu ngoa, xảo quyệt, khi biết được Mã Giám Sinh đã “hưởng” nàng Kiều trước rồi thì mụ điên lên:
 
Con kia đã bán cho ta,
Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây.
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt sao mày lại nghe.
Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!
Phải làm cho biết phép tao!
Giật bì tiên rắp sấn vào ra tay.
 
Thế nhưng khi thấy Kiều rút dao giấu trong tay áo tự đâm mình tự tử thì Tú Bà khiếp vía:
 
Nàng thì bằn bặt giấc tiên
Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.
Vực nàng vào chốn hiên tây,
Cắt người coi sóc rước thày thuốc men.
 
Khi đã cứu tỉnh được nàng Kiều rồi thì mụ ngọt ngào, hứa hẹn, khuyên lơn và khi thấy Kiều còn tỏ ra nghi ngờ mụ lại xoen xoét thề thốt:
 
Mụ rằng: Con hãy thong dong
Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!
Mai sau ở chẳng như lời,
Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.
Ðến khi mọi sự đã yên ổn cả rồi Tú Bà mới lại nghĩ cách đưa nàng Kiều vào bẫy.
 
Thân gái dặm trường, mấy tháng trước đây còn là một tiểu thư đài các, có ai ngờ đất bằng nổi sóng, đang từ trên chín tầng mây rớt xuống đến tận cùng địa ngục, còn buồn nào hơn cái buồn này:
 
Buồn trông gió cuốn mặt dềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Chung quanh những nước non người,
Ðau lòng lưu lạc nên vài bốn câu.
Ngậm ngùi rủ bức rèm châu,
Cách lầu nghe có tiếng đâu hoạ vần.
 
Buồn quá Kiều buông rèm ngồi làm thơ than thở một mình, ngờ đâu buồng bên cạnh có tiếng thơ hoạ lại, thì ra cũng là một một chàng trai trẻ tuổi vào hàng tài tử phong lưu:
 
Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
 
Sở Khanh là tên riêng của một người con trai, có lẽ khi chưa gặp nàng Kiều thì cái tên ấy nó cũng vô tội vạ và tầm thường như trăm ngàn những cái tên khác. Nó chỉ nổi tiếng và trở thành tên chung để gọi đám lưu manh, dâm đãng, chuyên lường gạt ái tình đàn bà con gái sau khi anh Sở Khanh âm mưu với mụ Tú Bà để đưa nàng Kiều vào bẫy. Ta hãy nghe cụ Nguyễn Du tả:
 
Bóng nga thấp thoáng dưới mành
Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai
 
“Ðeo đai” là quyến luyến, vấn vương, ý như là thấy người đẹp thì thương lắm nên mới than vắn thở dài:
 
Than ôi sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
 
Than thở, thương hương tiếc ngọc chán đi rồi mới tỏ ra ta đây là tay anh hùng hào kiệt, ra tay tháo cũi sổ lồng cho nàng dễ như trở bàn tay:
 
Sốt gan riêng giận trời già,
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng?
Thuyền quyên ví biết anh hùng
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!
 
Trước còn thư đi thư lại, sau chàng lẻn hẳn vào phòng nàng. Mặt đối mặt, nghe Kiều than thở, chàng “nổ” tưng bừng:
 
Lặng nghe tủm tỉm gật đầu:
Ta đây nào phải ai đâu ma rằng!
Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!
 
Ưỡn ngực khoe khoang rồi rủ Kiều bỏ trốn và hứa hẹn, bảo đảm:
 
Rằng ta có ngựa truy phong
Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước chước gì là hơn?
Dù khi gió kép mưa đơn
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì
 
“Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” nhưng đừng sợ, đã có anh đây. Thoạt đầu Kiều cũng có nghi ngờ, nhưng sau đành chặt lưỡi, còn đường nào nữa đâu mà chọn, thôi thì:
 
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu.
 
Thế là:
 
Cùng nhau lẻn bước xuống lầu
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn.
 
Lầm lũi đi cho tới gần sáng thì xẩy ra:
 
Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng
Nàng càng thổn thức gan vàng,
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào
 
Chết rồi, Sở Khanh lủi mất tiêu rồi, bỏ mặc nàng Kiều:
 
Một mình không biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng!
 
Liền sau đó thì:
 
Tú Bà tốc thẳng đến nơi,
Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà.
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Ðang tay vùi liễu dập hoa tơi bời!
 
Ðến nước này thì Kiều chỉ còn biết khóc, lạy van, năn nỉ xin tha và hứa từ nay xin chừa không dám bỏ trốn nữa. Ban đầu Tú Bà còn không chịu, sau Kiều khóc lóc, năn nỉ quá mụ mới tha cho nhưng bắt phải có người làm tờ bảo lãnh. Bấy giờ mới có người (Mã kiều) nói cho Kiều biết là nàng đã gặp bợm rồi. Ở đây còn ai không biết tên Sở Khanh:
 
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung.
 
Mọi người còn đang nói qua nói lại, bàn tán xôn xao thì người “anh hùng Sở Khanh” xuất hiện, quát mắng đùng đùng:
 
Còn đương suy trước nghĩ sau
Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào
 
Sở Khanh lớn tiếng rêu rao:
 
Nọ nghe rằng có con nào ở đây,
Phao cho quyến gió rủ mây
Hãy xem có biết mặt này là ai?
 
Ðã quát mắng đùng đùng thì chớ lại còn muốn “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” nữa cơ:
 
Sở Khanh quát mắng đùng đùng,
Bước vào vừa rắp thị hùng ra tay.
“Con giun xéo lắm cũng quằn”, tức nước vỡ bờ không chịu được nữa, Kiều cãi lại và còn trưng cả ám hiệu (tích việt) Sở Khanh viết cho nàng ra làm bằng chứng. Chứng cớ rành rành ra như thế còn cãi vào đâu được nữa. Người cười kẻ chê khiến Sở Khanh ê mặt lủi mất:
 
Lời ngay đông mặt trong ngoài,
Kẻ chê bất nghĩa người cười vô lương
Phụ tình án đã rõ ràng,
Dơ tuồng nghĩ mới kiếm đường tháo lui.
 
Từ đấy cái tên Sở Khanh được dùng chung cho tất cả những người đàn ông có máu dê, quyến rủ, lừa phỉnh đàn bà con gái, đến khi chán rồi thì “quất ngựa truy phong.” Sau cú sập bẫy của Tú Bà khiến Kiều đành an phận:
 
Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi
Dẫu sao bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong.
 
Thế là Tú Bà có dịp tỉ tê:
 
Này con thuộc lấy làm lòng,
Vành ngoài bẩy chữ vành trong tám nghề.
Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời!
Do đấy mà Kiều mới gặp được Thúc Sinh tên tục là Thúc Kỳ Tâm.
 
Thúc Sinh theo bố từ huyện Tích Châu Thường sang Lâm Tri mở một ngôi hàng. Nghe tiếng nàng Kiều, Thúc mò tới chơi. Cũng tưởng phất phơ cho vui thôi không ngờ càng ngày càng lậm:
 
Sớm đào tối mận lân la
Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.
 
Sẵn dịp ông bố có việc phải về quê nên ngày nào Thúc cũng đến với Kiều, yêu đương, thề thốt đủ điều. Tình sâu, nghĩa nặng quá rồi không rời nhau ra được nữa, Thúc bèn đem giấu Kiều một nơi rồi mới nhờ người bắn tin cho Tú Bà xin chuộc. Lúc này Kiều đã trở thành “cái máy in tiền” của mụ Tú, nhưng kẹt, nó đã giấu kín Kiều một nơi biết đâu mà tìm, sợ làm găng quá, chúng nó dẫn nhau trốn biệt thì mất trắng, mụ Tú đành phải bằng lòng cho chuộc, thế là Thúc chuộc được Kiều ra, có giấy tờ đàng hoàng hợp pháp.
 
Bắn tin đến mặt Tú Bà
Thua cơ mụ cũng cầu hoà dám sao!
Rõ ràng của dẫn tay trao
Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công
 
Lúc này hai người ở với nhau công khai như vợ chồng:
 
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.
Hương càng đượm lửa càng nồng,
Càng xôi vẻ ngọc càng lồng mầu sen.
 
Nếu đem so sánh Thúc Sinh với Sở Khanh chúng ta thấy hai người khác nhau như nước với lửa, như trắng với đen. Cũng với một nàng Kiều mà Sở Khanh giả vờ dẫn nàng đi trốn rồi đến lúc cần hắn nhất thì hắn “quất ngựa truy phong”. Còn Thúc Sinh lại đem Kiều giấu một nơi làm áp lực buộc Tú Bà phải cho chàng chuộc Kiều ra rồi hai người công khai sống với nhau như vợ chồng.
 
Thúc Sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
 
Rõ ràng Thúc Sinh tốt hơn Sở Khanh cả trăm lần. Nhưng kẹt một cái chàng có bà vợ Hoạn Thư mà chàng lại là người sợ vợ, phải nói là sợ một cách quá sức. Dĩ nhiên: “Vôi nào là vôi chẳng nồng, gái nào là gái có chồng chẳng ghen!” Hoặc: “Ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng!”. Thời bây giờ có nhiều người đàn bà ghen tương một cách quá “nguy hiểm”. Vậy mà lại không để lại một ấn tượng lâu dài và cũng không được nổi danh như Hoạn Thư, chỉ vì họ bồng bột, làm cho hả giận trong nhất thời chứ không có sự tính toán, chuẩn bị một cách sâu sắc như Hoạn Thư. Thí dụ như vợ một ông Trung Tá tạt át xít vũ nữ Cẩm Nhung độ nào, hoặc những vụ vợ cắt đứt “của quý” của chồng mà các báo mới đăng sau này. Những vụ ấy chỉ ồn ào một lúc rồi chìm vào quên lãng chứ để chỉ một người “ghen chồng” không ai nói: “Ghen như vợ Trung Tá Thức” hoặc “Ghen như người vợ cắt của quý của chồng” mà chỉ nói: “con mẹ ấy có máu Hoạn Thư” hoặc: “lấy phải mụ vợ Hoạn Thư”.
 
Hoạn Thư là tên tục của vợ Thúc Kỳ Tâm tức là Thúc Sinh, con quan Lại Bộ hay Bộ Lại là một trong sáu Bộ của triều đình phong kiến ngày xưa cũng như Bộ Trưởng bây giờ. Hoạn Thư nghe tin chồng mèo mỡ, vợ nọ con kia đã lâu và mặc dù đã toan tính mưu sâu kế hiểm ở trong lòng nhưng ngoài mặt vẫn tỉnh bơ, lại còn quở phạt những ai nói đến tai mụ là chồng mụ lăng nhăng nữa cơ:
 
Tuần sau bỗng thấy hai người
Mách tin ý cũng liệu bài tân (tâng) công.
 
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
 
Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
Chồng tao nào phải như ai,
Ðiều này hẳn miệng những người thị phi!
Vội vàng xuống lệnh ra uy
Ðứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng
Nào ai còn dám nói năng một lời!
Khiếp chưa?!
 
Hoạn Thư thì thế, còn về phía Kiều và Thúc Sinh thì Thúc Sinh nghe lời Kiều khuyên về thăm vợ, để:
 
Trước người đẹp ý sau ta biết tình.
 
Rồi sau đó thì liệu mà thú hết ra:
 
Ðến nhà trước liệu nói sòng cho minh
Dù khi sóng gió bất tình
Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi
Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
Lại mang những việc tầy trời đến sau.
Thương nhau xin nhớ lời nhau
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.
 
Phải công nhận Kiều là một người đàn bà biết điều, biết trước biết sau, nhưng tất cả đều không qua khỏi cái số. Thế cho nên:
 
Chàng về xem ý tứ nhà,
Sự mình cũng rắp lân la giải bầy.
Mấy phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảy may sự tình.
Nghĩ là bưng kín biệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng!
 
Ừ, “Nào ai có khảo mà mình lại xưng”, nghĩ thế nên đã mấy lần định nói ra nhưng sau chàng lại thôi. Giả như Thúc Sinh thú tội hết với vợ biết đâu sự tình lại khác, bởi Hoạn Thư khi nghe phong thanh chồng mình này nọ cũng đã có lần tự nghĩ:
 
Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
 
Cũng chì vì “Nào ai có khảo mà mình lại xưng” nên nàng Kiều mới phải bao phen điên đảo và tên Hoạn Thư mới trở thành tên gọi chung cho những người đàn bà có máu ghen về sau. Phải chăng âu cũng là cái số?
 
Nhất định là cái số nó phải như thế thì Nàng Kiều mới trở thành vãi Trạc Tuyền ra chùa giữ kinh ở góc vườn hoa nhà Hoạn Thư và sau đó mới có cơ hội:
 
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân,
Bên mình dắt để hộ thân
Và sau đó thì:
Cất mình theo ngọn tường hoa
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.
 
Kiều trốn khỏi chùa lận theo chuông vàng khánh bạc, và cũng chính bởi chuông vàng khánh bạc này mà Kiều mới lại lọt vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh rồi trở lại lầu xanh lần thứ hai. Ở đây Kiều lại gặp được Từ Hải, một tay giang hồ hảo hớn hay gọi là một anh hùng hào kiệt cũng được:
 
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.
 
Cũng giống như Thúc Sinh độ nào. Thúc thì:
 
Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,
Thiếp hồng tìm đến hương khuê gởi vào
Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa.
 
Còn Từ Hải thì:
 
Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng,
Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc hai lòng cũng ưa.
 
Sau đó là thề non hẹn biển:
 
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.
 
Chẳng bao lâu sau, già nửa năm chứ mấy, Từ Hải trở thành gần như một ông vua:
 
Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.
 
Lúc đó Kiều nghiễm nhiên trở thành một mệnh phụ phu nhân quyền uy ngất trời, mặc sức báo ân báo oán:
 
Từ rằng ân oán hai bên,
Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh.
 
Lập tức một mẻ lưới được tung ra:
 
Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng
Dưới cờ một lệnh vội vàng ruổi sao.
Ba quân chỉ ngọn cờ đào,
Ðạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Tri.
 
Rồi thì kẻ ân người oán đều được gom về hết. Ân như Thúc Sinh và vãi Giác Duyên dĩ nhiên là được báo đền. Thúc Sinh thì: “Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân”, còn vãi Giác Duyên thì: “Nghìn vàng gọi chút lễ thường, mà lòng Phiếu Mẫu mấy vàng cho cân.” Sau đó là báo oán:
 
Trước là Bạc Hạnh Bạc Bà,
Bên là Ưng Khuyển bên là Sở Khanh,
Tú Bà với Mã Giám Sinh.
 
Tất cả đều “đi đứt” hết:
 
Lệnh quân truyền xuống nội đao
Thề sao thì lại cứ sao gia hình,
Máu rơi thịt nát tan tành,
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.
 
Ðặc biệt chỉ có Hoạn Thư là người đã làm cho Kiều điên đảo, khổ sở hơn ai hết thì lại được tha chỉ nhờ ba tấc lưỡi. Nói ra nghe cũng có lý:
 
Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tương thì cũng người ta thường tình.
Nghỉ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.
 
Chỉ biện bạch van xin bấy nhiêu thôi mà được khen là: “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời” sau đó thì:
 
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.
 
Xưa nay đàn ông luỵ vì đàn bà hoặc đàn bà làm nghiêng ngửa giang sơn cũng nhiều. Có người đàn bà giúp cho chồng thêm vinh hiển thì cũng có người đàn bà làm cho chồng thân bại danh liệt. Từ Hải thật sự là một đấng anh hùng, Từ Hải cũng đã dư biết:
 
Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
Áo xiêm buộc trói lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thuỳ,
Sức này đã dễ làm gì được nhau!
 
Ấy thế mà cũng chỉ vì sự nỉ non của nàng Kiều khiến Từ Hải xiêu lòng:
 
Nghe lời nàng nói mặn mà,
Thế công Từ mới trở ra thế hàng.
Và sau đó thì:
Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng,
Việc binh bỏ chẳng giữ giàng
 
Ðể đưa đến hậu quả cuối cùng là:
 
Ðang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn,
Tử sinh liều giữa trận tiền,
Dạn dầy cho biết gan liền tướng quân.
Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.
 
Từ Hải chết đứng! Cho tới ngày nay mỗi khi có người nào bị bất ngờ đến thẫn thờ vì không trở tay kịp thì người ta bảo: “Y như Từ Hải chết đứng!”
 
Trong cả Truyện Kiều đếm được 25 nhân vật mà chúng tôi tạm chia ra làm 2 loại gồm 12 “ảo” và 13 “thật”. Trong 13 nhân vật thật này chúng tôi lại lựa ra được 7 nhân vật cho là độc đáo mà tên riêng hay hành động của họ đã trở thành tên gọi chung cho một giới người trong xã hội sau này, như:
 
Kiều: Ả Kiều, Kiều Nữ chỉ người đàn bà đẹp hay người đàn bà trong giới buôn hương bán phấn.
 
Mã Giám Sinh: Một tên lái buôn gái lừa lọc, đểu giả.
 
Tú Bà: Mụ chủ chứa “làng chơi đã trở về già hết duyên” dữ dằn, nham hiểm, xấu xí.
 
Sở Khanh: Một gã lưu manh, dâm đãng, chuyên gạt gẫm đàn bà con gái rồi “quất ngựa truy phong”.
 
Thúc Sinh: Mê gái, liều nhưng sợ vợ.
 
Hoạn Thư: Ghen tương, mưu kế, nham hiểm nhưng khôn ngoan.
 
Từ Hải: Anh hùng nhưng dễ mềm lòng, không quyết đoán.
 
Thú thật, khi làm việc phân tích này chúng tôi cũng ngại lắm vì nghĩ rằng có khi là mình làm quá cái khả năng của mình chăng? Tuy nghĩ vậy nhưng vẫn cố gắng góp một chút gió hy vọng làm vui bạn đọc trong chốc lát, đó là hoài bão lớn nhất của chúng tôi.
 
 
Theo Hưng Yên/tapchithegioimoi.com.
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam

Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.