Giữa lúc dư luận nhân dân toàn thế giới đang ngày càng chú ý đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh cua nhân dân ta và trên thế giới đang hình thành một mặt trận đấu tranh mạnh mẽ chống đế quốc Mỹ xâm lược, ủng hộ Việt Nam, Chủ tịch đoàn Hội đồng hòa bình thế giới trong phiên họp cuối năm 1964 tại Béc-lanh (C.H.D.C.Đức), thể theo đề nghị của ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới nước ta, lần đầu tiên đã thông qua quyết nghị kỷ niệm một danh nhân Văn hóa Việt-nam: Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Quyết nghị đó, đúng như tờ báo Cách mạng châu Phi, cơ quan trung ương của Mặt trận dân tộc giải phóng An-jê-ri, số ra ngày 13-11-1965, đã nhấn mạnh " là một cử chỉ biểu lộ mối tình hữu nghị sâu sắc, không những đối với nền văn học Việt-nam, mà cả đối với toàn thể nhân dân Việt-nam đương anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược để thống nhất Tổ quốc và bảo vệ hòa bình thế giới" .
Chính trên tinh thần đó mà các tổ chức hòa bình và văn hóa của nhiều nước trên thế giới đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhân dịp này, Nguyễn Du lại được giới thiệu sâu rộng trên thế giới như là« một người đại diện có thầm quyền của nền văn hóa và tài năng của dân tộc Việt-nam ».
Ở Liên-xô, tối 15-12-1965, Hội nhà văn phối hợp với ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới đã tổ chức dạ hội kỷ niệm Nguyễn Du tại trụ sở các nhà văn. Nhà văn Bô-rit-xơ Pô-lê-vôi, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Một người chân chính rất quen thuộc với đông đảo nhân dân ta, Brốp-ca, thư ký ban thường vụ Hội nhà văn Liên-xô, V. Se-rơ-nhi-áp-xki, trưởng ban đối ngoại của Hội nhà văn Lỉiên-xô, I.P. Cu-pri-a-nốp. ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Mát-xcơ-va. M. I. Kô-tốp, tổng thư ký ủy ban bảo vệ hòa bình của Liên-xô cùng nhiều nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, nhà dịch thuật đã tới dự. Đại sứ Nguyễn Văn Kính cùng nhiều cán bộ sứ quán và lưu học sinh nước ta tại Liên-xô cũng có mặt trong buổi lễ.
Sau lời khai mạc của nhà văn Bô-rít-xơ Pô-lê-vôi, ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Liên-xô, đồng chí Ni-cu-lin, phó tiến sĩ ngôn ngữ và văn học, chuyên nghiên cứu về Nguyễn Du, đã nói chuyện về thân thế và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ. Đồng chí nói: « Hôm nay, khi chúng ta họp ở đây để kỷ niệm nhà thơ Việt-nam Nguyễn Du thì các máy bay ném bom Mỹ đang lồng lộn trên bầu trời tổ quốc và ngay cả trên quê hương của nhà thơ, nhưng bom đạn không thể nào tiêu diệt được thơ ca đã sống trong hàng triệu trái tim của con người».
Các nhà thơ, nhà dịch thuật lên phát biểu ý kiến đều nhấn mạnh rằng thơ ca của Nguyễn Du không cũ kỹ với thời gian, mà ngược lại sẽ sống mãi, sẽ vĩnh viễn xanh tươi như những rừng dừa của Tổ quốc nhà thơ. Trong sáng tác của Nguyễn Du có rất nhiều điều vẫn gần gũi với chúng ta ngày nay. Những dòng thơ phẫn nộ của Nguyễn Du lên án bọn người bất nhân tàn bạo của thời đại ông vẫn còn vang dội; những dòng thơ đó đang hòa nhịp với tiếng nói của những người trung thực trên thế giới ngày nay đang lên án và nguyền rủa bọn quân phiệt Mỹ đã và đang giết tróc trẻ thơ và phụ nữ, đốt cháy làng mạc, gây nên bao cảnh đau thương tang tóc, tàn phá man rợ trên đất nước Việt-nam.
Phần cuối dạ hội, các nghệ sĩ xô-viết và Việt-nam đã biểu diễn một chương trình hòa nhạc. Đặc biệt các đại biểu rất chú ý lắng nghe và nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng những đoạn thơ của Nguyễn Du được hai nhà thơ Liên-xô, một nam, một nữ đọc bằng tiếng Nga và hai lưu học sinh Việt-nam, cũng một nam, một nữ, ngâm bằng tiếng Việt. Các đại biểu cũng đã chú ý xem các tác phẩm của Nguyễn Du, các công trình nghiên cứu về Nguyễn Du xuất bản ở Liên-xô cùng một số tác phẩm nghệ thuật Việt-nam được chưng bày trong phòng trụ sở các nhà văn Liên-xô .
Nhân dịp này các báo chí còn đăng cả một loạt bài giới thiệu Nguyễn Du. Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Du được giới thiệu ở Liên-xô, không kể các bút ký về Việt-nam của các nhà văn, nhà báo Liên-xô thường có nhắc đến Truyện Kiều bạn đọc Liên-xô đã có thể làm quen với Nguyễn Du qua một số luận văn nghiên cứu Nguyễn Du một cách có hệ thống như Nguyễn Du, nhà thơ nhân đạo lỗi lạc của Việt-nam, đăng trên tạp chí Lịch sử văn hóa thế giới số 4-1959, Vị trí Truyện Kiều trong nền văn học Việt-nam, đăng trên tạp chí Những vấn đề Đông phương học số 5-1960,đều do Ni-cu-lin viết, Nguyễn Du, nhà thơ vĩ đại của Việt-nam, tạp chí Nhữnq vấn đề văn học tháng 11-1961, do Hoài Thanh viết. Truyện Kiềuvà tiếnq Việt, báo cáo của Nguyễn Khánh Toàn đọc ở Hội nghị Đông phương học thế giới lần thứ XXV họp ở Mát-xcơ-va năm 1963, đăng trong Kỷ yếu của hội nghị đó (2).
Nhân dịp kỷ niệm này, bạn đọc Liên-xô lại được đọc nhiều bài báo công trinh dịch thuật và nghiên cứu mới về Nguyễn Du. Đáng kể trước tiên là tuyển tập thơ Nguyễn Du, nhan đề là Sống mãi do nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản. Tuyển tập này đã dịch toàn văn hai bài thơ nôm Thác lời trai phường nón Tiên-điền và Văn chiêu hồn, 16 bài thơ chữ Hán và trích dịch phần lớn Truyện Kiều, những đoạn lược không trích đều có tóm tắt bằng văn xuôi. Bản dịch này do nhà thơ ste-rơ-béc dịch sang thơ Nga, dựa theo bản dịch nghĩa của Ni-cu-lin. Phần chú thích về lịch sử, địa lý, điển tích văn học do Ni cu-lin và Ríp-tin phụ trách. Lời giới thiệu ở đầu sách do Ni-cu-lin viết. Trong lời người dịch in ở cuối sách, nhà thơ ste-rơ-béc đã nói lên những khó khăn và sự thận trọng của ông khi dịch thơ Nguyễn Du sang tiếng Nga: « Nếu như Nguyễn Du — một nhà thơ và một con người rất gần gũi với chúng ta thì ngược lại, tiếng Việt-nam, một thứ tiếng đơn âm, có 6 thanh điệu, một thứ tiếng rất giầu nguyên âm và giàu âm thanh, một thứ tiếng cung cấp cho thơ một khả năng vô tận vì vần điệu, lại khác hẳn với tiếng Nga. Những câu thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ không thể nào dịch sang tiếng Nga một cách tương tự, vì tiếng Nga là một thứ tiếng đa âm và cũng không thể biểu hiện ý của câu thơ nguyên tác bằng một số lượng âm Nga tương tự được. Cho nên người dịch đành phải dùng một hình thức tương đối: trong mỗi dòng thì số lượng trọng âm phù hợp với số lượng âm của nguyên bản, đồng thời vẫn giữ hoàn toàn hệ thống vần điệu. Hệ thống này hầu hết giữ được trong trường hợp không mâu thuẫn với tinh thần ngôn ngữ và luật thơ Nga ».
Theo dư luận của một số bạn đọc Liên-xô am hiểu tiếng Việt thì trong cuốn này có một số bài dịch rất sát và rất thành công. Báo Văn học Liên-xô số 84 (17-7-1965) và số 148 (16-12-1965) tạp chí Sông Nê-va số 12-1965 đã trích đăng một số bài. Nhân dịp xuất bản bản dịch này giáo sư viện sĩ .Ây-đờ-lin, chuyên gia nổi tiếng về văn học cổ điển Trung-quốc, đã viết bài giới thiệu Nguyễn Du trên tạp chí Văn học nước ngoài, số tháng 11-1965. .Dưới đầu đề Niềm tự hào của văn học Việt-nam, báo Sự thật (Liên-xô) số 548 (14-12-1965) đã đăng bài giới thiệu khái quát về Nguyễn Du. Tập san Trong thế giới sách báo, một tập san chuyên nghiên cứu về sách, báo xuất bản của Liên-xô, số tháng 11-1965 và tạp chi Thiếu niên số 6-1965, bên cạnh một bài về nhà thơ Ý Đăng-tơ, cũng đã đăng thơ Nguyễn Du và bài giới thiệu Nguyễn Du. Ngoài ra trên tạp chí Các dân tộc Á — Phi số 5-1965 còn có bài trân trọng giới thiệu số đặc biệt về Nguyễn Du của tạp chí Nghiên cứu Việt-nam và báo Tin tức Mát-xtơ-va số 19-1065 đã đăng lại bài Tưởng niệm Nguyễn Du của Nguyễn Khắc Viện in trên tờ báo tiếng Pháp Tin tức Việt- nam của ta.
Nhưng giới thiệu Nguyễn Du một cách toàn diện và có hệ thống hơn cả là cuốn Nguyễn Du, nhà thơ vĩ đại của Việt-nam của Ni-cu-lin . Đây là công trình nghiên cứu cơ ban đầu tiên về Nguyễn Du bằng tiếng Nga. Không kể phần mở đầu và kết luận, cuốn sách gồm có 5 chương lớn : chương I, Những cội nguồn của thơ ca Nguyễn Du. tóm tắt khái quát quá trình phát triển của văn học nước ta từ thế kỷ thứ X cho đến đầu thế kỷ XIX và nhấn mạnh rằng: Nguyễn Du là người đã kế thừa và phát triển lên một đỉnh cao, kinh nghiêm sáng tác của những thế kỷ trước. Chưong II giới thiệu và phân tích cuộc đời của nhà thơ. Chương III, chương dài nhất của cuốn sách, dành cho việc phân tích Thiên trường ca Đoạn trường tân thanh về các phương diện cốt truyện, tâm lý, ngôn ngữ nhân vật và mối liên hệ giữa Truyện Kiều và văn học dân gian. Chương IV, Những vần thơ thông cảm và phẫn nộ, giới thiệu Thơ chữ Hán và Văn chiêu hồn. Chương cuối cùng nói về Nửa thế kỷ tranh luận và chiến thắng của Truyện Kiều.
Vận dụng phương pháp lịch sử so sánh, Ni cu-lin đã đặt toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du trong quá trình phát triển lâu dài của văn học nước ta, đã so sánh Truyện Kiều với cuốn Kim Vân Kiều truỵện của Thanh Tâm tài nhân (Trung-quốc), và với một số tác phẩm văn học của một vài nước phương Đông như Triều-tiên, Nhật-bản.
Mở đầu cuốn sách của mình, Ni-cu-lin đã liên hệ sự gắn bó của nhân dân Việt-nam đối vời sáng tác của Nguyễn Du cũng giống như sự gắn bó của nhân dân Nga đối với Pút-skin. Tác giả viết: " Hầu như bất cứ dân tộc nào cũng có nhà thơ thân yêu của mình, nhà thơ đó nổi tiếng và gần gũi với tất cả mọi người. Nhà thơ đó đối với chúng ta 150 năm trước đây là Pútskin. Những bài thơ của ông được người ta đọc, đọc đi đọc lại và học thuộc lòng. Ở Việt-nam, nhà thơ cổ điển Nguyễn Du cũng được phổ biến rộng rãi đúng như thế ".
Trong chương III, phân tích về Truyện Kiều, tác giả đã nhấn mạnh luận điểm : không phải ngẫu nhiên mà văn học thế kỷ XVIII của Việt-nam đã bộc lộ một khuynh hướng quan tâm sâu sắc đến số phận con người, đặc biệt là số phận người phụ nữ. Hiện tượng đó gắn liền với áp bức của xã hội phong kiến đối với phụ nữ. " Trên trang sách của thiên trường ca, hình ảnh lầu xanh, nơi Thúy Kiều sa vào, đã trở thành một hình tượng khái quát tượng trưng cho chế độ phong kiến độc tài tàn bạo đối với con người". Sự đau khổ, vò xé nội tâm ở Thúy Kiều, giữa sự trong trắng về tinh thần và sự nhơ bẩn vì thể xác là " nỗi đau khổ của một con người có tâm hồn ". Và " hình tượng Thúy Kiều sẽ không gần gũi và được quí trọng đối với nhiều thế hệ nếu như không có quyết tâm của nàng giữ vững trái tim trong sạch, bảo vệ sự tự do của tâm hồn mình, mặc dầu bao tai họa giáng xuống đầu nàng".
Cuốn sách của Ni-cu-lin là một cống hiến mới trong việc nghiên cứu tác phẩm của Nguyễn Du. Cuốn sách đó vừa có tính chất uyên bác của một công trình nghiên cứu, "Vừa có giá trị một tác phẩm phổ cập về lịch sử văn học Việt-nam. Một mặt, cùng với tuyển tập dịch Sống mãi, cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc Liên-xô có được một hiểu biết tương đối hoàn chỉnh và sâu sắc về Nguyễn Du, mặt khác, một ý niệm khái quát về văn học cổ điển Việt-nam.
Ở Trung-quốc, Nguyễn Du và Truyện Kiều tuy chỉ mới được giới thiệu trong vòng trên 15 năm trở lại đây, nhưng đối với bạn đọc Trung quốc, Nguyễn Du sớm trở thành một tác giả quen thuộc. Tình tiết cốt truyện Kiều đối với độc giả Trung-quốc không phải là xa lạ, mặt khác, bạn đọc Trung-quốc lại có thể thưởng thức trực tiếp các tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Một số giáo sư Trung-quốc chuyên dạy về văn học cổ điển đã tỏ ý cảm kích về mối tình đồng điệu chân thành của Nguyễn Du đối với các anh hùng chí sĩ và thi nhân cổ đại Trung-quốc, đặc biệt là đối với Khuất Nguyên và Đỗ Phủ. Từ lâu trong các giáo trình văn học Việt-nam, của Trường đại học Bắc-kinh, do phó giáo sư Nhan Bảo phụ trách và Trường đại học Ký-nam (Quảng-châu) do giáo sư Hoàng Dật Cầu phụ trách, đã có phần trình bày hệ thống về Nguyễn Du. Giáo sư Hoàng Dật Cầu, người đã và đang hoàn thành các luận văn nghiên cứu về thơ chữ Hán Việt-nam thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, cũng là người đã để nhiều năm nghiên cứu về Nguyễn Du và Truỵện Kiều. Năm 1959, giáo sư đã dịch Truỵện Kiều sang Trung văn. Bản dịch do nhà xuất bản Văn học nhân dân ở Bẳc-kinh xuất bản. Cụ Bùi Kỷ, hội trương Hội Việt-Trung hữu nghị của ta (đã quá cố) đề tựa. Nhân dịp này, các báo chí Trung-quốc, đặc biệt là tờ Quang minh nhật báo (Bắc-kinh), đã đăng nhiều bài bình luận, giới thiệu bản dịch đó, đồng thời nghiên cứu và làm sáng tỏ thêm quá trình phát triển của cốt truyện Kim Vân Kiều qua các thời đại.
Tháng 9 năm 1957, giáo sư Hoàng Dật Cầu đã trình bày bản báo cáo nhan đề Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều ở Hội nghị, nghiên cứu khoa học Hoa-nam. Bản bảo cáo đó đã được đăng vào học báo của Học viện sư phạm Hoa-nam kỳ thứ 4 năm 1958 và sau đó, đã được tổ giáo vụ Trường đại học Bắc-kinh in lại trong cuốn Tư liệu tham khảo về văn học ngoại quốc (phần văn học phương Đông) và do nhà xuất bản Giáo dục cao đẳng xuất bản vào tháng 2-1959.
Mùa hạ năm 1958, tác giả lại bổ sung, chỉnh lý bản báo cáo đó và đem trình bày ở Hội nghị nghiên cứu khoa học của Học viện Sư phạm Hoa-đông. Bản báo cáo gồm có 5 phần chính :
Phần I : Tiểu sử, thời đại và trước tác của Nguyễn Du
Phần II : Quá trình sáng tác và lai lịch Truỵện Kiều
Phần III : Bố cục Truyện Kiều.
Phần IV : Ý nghĩa tiến bộ và thành tựu nghệ thuật của Truỵện Kiều
Phần V : Kết luận.
Bản báo cáo này là công trình nghiên cứu hoàn chỉnh đầu tiên về Truyện Kiều bằng Trung văn.
Trong thời gian vừa qua, nhân dịp nhân dân ta kỷ niệm Nguyễn Du, tạp chí Văn học bình luận của Viện nghiên cứu văn học Trung-quốc số 6 tháng 12-1964 đã đăng bài Nguyễn Du, nhà thơ cổ điển của nền văn học Việt-nam của Nguyễn Văn Hoàn và số 6 tháng 12-1965 đã đăng bài Nguyễn Du, nhà thơ Việt-nam kiệt xuất và Truyện Kiều của ông của Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương.
Bài sau này gồm có 4 phần : phần I giới thiệu cuộc đời và sáng tác của Nguyễn Du, hai tác giả đã đặc biệt giới thiệu tập Bắc hành tạp lục, tập thơ chữ Hán Nguyễn Du làm trên đường đi sứ sang Trung-quốc, và nêu rõ rằng Nguyễn Du, một mặt, đã nhiệt tình tán dương không hết lời những sự tích và nhân vật anh hùng trong lịch sử Trung-quốc, mặt khác, lại dùng ngọn bút của mình phê bình và công kích những điều mắt thấy tai nghe về hiện thực xã hội tối tăm của Trung-quốc đương thời». «Nhà thơ đã gửi gắm mối đồng tình tới những người thường dân lao động của Trung-quốc đương chia nhiều nỗi hoạn nạn đau thương dưới chế độ phong kiến trước kiạ ."Phần II giới thiệu cốt truyện và phân tích nhân vật Truyện Kiều, hai tác giả đã đưa ra một kiến giải chính xác về nhân vật Từ Hải. « Đó chính là một tên tướng cướp đã từng câu kết với bọn cướp biển nước ngoài cướp phá ở vùng ven biển thuộc tỉnh Giang-tô và Chiết-giang trong thời Gia-Tĩnh triều Minh Trung-quốc. Hoạt động của Từ Hải cố nhiên là một sự phản nghịch đối với giai cấp phong kiến thống trị lúc bấy giờ. Nhưng đối với nhân dân ở vùng đó thì Từ Hải cũng đã gây ra những phá hoại rất lớn về sinh mệnh và tài sản. Song trong đám người theo Từ Hải cũng có không ít những người thuộc loại bị bọn tham quan ô lại áp bức, đến nỗi không thể không làm phản được, những người thường dân không thể chịu đựng nổi nạn thuế khóa nặng nề đã bức họ phải đi vào con đường không lối thoát. Vì vậy hoạt động của họ còn mang theo những sắc thái nào đó phản kháng chế độ quan lại phong kiến. « Trong Truyện Kiều» khi miêu tả nhân vật Từ Hải, rõ ràng là Nguyễn Du đã không câu thúc trong khuôn khổ những nét có thực của nhân vật lịch sử mà nhà thơ đã sáng tạo ra một nhân vật mới theo tưởng tượng của bản thân mình » .
Trong phần III, hai tác giả nêu rõ nguồn gốc về cốt truyện của Truyện Kiều, so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, đồng thời nêu bật những thành tựu nghệ thuật của Truyện Kiều. Hai tác giả đã viết: Truyện thơ kiệt xuất này, vô luận về mặt khắc họa nhân vật hay miêu tả tình tiết đều có những điểm khác với cuốn tiểu thuyết (Kim Vân Kiều truyện). Điều đó không những chỉ là sự khác nhau về loại hình văn học, mà điều quan trọng là « Truyện Kiều » của Nguyễn Du là một sáng tác mới về nghệ thuật. Lao động nhẫn nại và tài năng nghệ thuật xuất sắc đã giúp đỡ nhà thơ vận dụng câu chuỵện Vương Thúy Kiều, để sáng tạo ra một tác phẩm kiệt xuất trong nền văn học cỗ điển Việt Nam. « Truyện Kiều » bằng thơ của Nguyễn Du được lưu truyền rất rộng rãi ở Việt-nam. về phương diện này, nó đã vượt rất xa cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân ở Trung-quốc. Ở đây có thể có nhiều nguyên nhân phức tạp, nhưng sự hoan nghênh của quần chúng bao giờ cũng chứng minh cho sự thành công lớn lao của một tác phẩm văn học ».
Phần IV, phần cuối cùng, nói về sự phổ biến rộng rãi của Truyện Kiều trong nhân dân ta, việc giới thiệu Truyện Kiều ở nước ngoài và đặc biệt ở Trung-quốc.
Trong khuôn khổ hạn chế của một luận văn đăng báo, hai đồng chí Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương đã cố gắng giới thiệu khái quát và đi sâu có trọng điểm, giúp cho bạn đọc hiểu một cách đúng đắn Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Việc Nguyễn Du dựa theo một cốt truyền Trung-quốc để viết nên một tác phẩm mới và ngày nay đến lượt tác phẩm đó lại được dịch sang Trung văn và giới thiệu rộng rãi ở Trung-quốc là một bằng chứng sinh động về sự trao đổi văn hóa lâu đời giữa hai nước Việt-Trung. Việc trao đối văn hóa đó — đúng như tạp chí Văn học bình luận nhấn mạnh — "như nước Trường-giang và Hồng hà chảy mãi không ngừng » . Năm 1958, khi bản dịch Truyện Kiều sang Trung văn ra đời, giáo sư Hoàng Dật Cầu cũng đã viết trên học báo của Học viện sư phạm Hoa-nam: « Tác phẩm Kim vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân viết ra hiện nay khó có thể tìm thấy. Cách nguyên tác 150 năm, hôm nay, chúng ta lại được đọc tác phẩm vĩ đại cùng một đề tài của Nguyễn Du, nhà thi hào vĩ đại Việt-nam, thật không khác gì cảnh anh em xa cách lâu ngày, nay lại được trở về vườn xưa đoàn tụ, niềm vui sướng trong lòng nói sao cho xiết!" .
Trong việc kỷ niệm Nguyễn Du, cũng cần nhắc lại đây sự giúp đỡ quý báu của ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài và Viện khoa học Trung quốc đã giúp chúng ta, trong thời gian chuẩn bị kỷ niệm Nguyễn Du, sưu tầm được một cách có hệ thống các truyện ký, tiểu thuyết, kịch bản có liên quan về cốt truyện với Truyện Kiều của ta và đặc biệt quý báu là các tài liệu về chuyến đi sứ Trung-quốc của Nguyễn Du trong năm 1813-1814. Những tài liệu đó đã giúp ích nhiều vào việc nghiên cứu, đánh giá lại Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Tối 11-12-1965, tại thủ đô Bình-nhưỡng, Hội nhà văn, ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài và ủy ban bảo vệ hòa bình Triều-tiên đã phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du. Đồng chí Pác Yung Kun, bộ trưởng Bộ văn hóa Triều-tiên, Chôi Yung Hoa, phó chủ tịch Hội nhà văn Triều-tiên, Chun Bi-ung Chun, phó chủ tịch ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài và phó chủ tịch Ủy ban hòa bình Triều-Tiên, các văn nghệ sĩ Bình-nhưỡng và đông đảo công nhân nhà máy làm dây điện Bình-nhưỡng là nhà máy đã kết nạp anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi làm hội viên một đội sản xuất đã đến dự lễ. Đồng chí Hoàng Mười, đại diện lâm thời nước ta, cùng các cán bộ sứ quán cũng đến dự.
Trong diễn văn đọc tại buổi lễ, đồng chí Chôi Y-ung Hoa đã bày tỏ sự vui mừng được tổ chức kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc Việt-nam, trong khi nhân dân Việt-nam anh hùng đang tiếp tục thu được những thắng lợi rực rỡ khiến cho bọn xâm lược Mỹ ngày càng sa lầy. Phân tích một số bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Du, đồng chí Chôi Y-ung Hoa nhấn mạnh rằng các tác phẩm của Nguyễn Du thấm nhuần một tinh thần nhân đạo sâu sắc là một di sản qụý báu cả đối với nhân dân Triều-tiên hiện đang cùng nhân dân Việt-nam chiến đấu trên cùng một mặt trận. Sau buổi lễ, các nhà thơ Triều-tiên đã ngâm một số bài thơ của Nguyễn Du.
Ở Đông Âu, Tiệp-khắc là nước đầu tiên đã phiên dịch Truyện Kiều. Từ năm 1926, Ăng-tô-nin Hoóc-ski đã phỏng dịch Truyện Kiều sang văn xuôi Tiệp và xuất bản ở Pra-ha. Bản dịch đó là cuốn thứ 8 trong một tàng thư lấy tên là Tủ sách hay nên đọc của nhà xuất bản Pô-rốc, một nhà xuất bản tiến bộ của Tiệp-Khắc thời đó. Nhân dịp kỷ niệm Nguyễn Du năm nay, các bạn Tiệp đã chụp ảnh bản dịch đó và gửi tặng nước ta. Năm 1957, ở Tiệp lại có thêm một bản dịch Kiều mới của Gút-sta-vờ Frăng và do họa sĩ Mi-lót-xla Tờ-rúp minh họa. Nhân dịp này, tờ báo Dân chủ nhân dân ở Tiệp, số ra ngày 12 10-1953, đã đăng bài giới thiệu Nguyễn Du và bản dịch.
Thời gian vừa qua, Tiệp-khắc đã làm lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du tại Viện bảo tàng Na-prơ-xít-cơ. Đồng chí Vát-xi-li-ép, chuyên nghiên cứu về tiếng Việt và lịch sử hiện đại Việt-Nam, người đã sang thăm nước ta nhiều lần và đã viết hàng loạt bài báo có giá trị về nước ta đã đọc diễn văn giới thiệu sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Nhân dịp này tạp chí Đông phương mới và báo Văn học Tiệp-khắc đã đăng bài về Nguyễn Du do Bu-đa ren viết..
Ngàv 24- 9-1965 tại thủ đô Ti-ra-na, ủy ban bảo vệ hòa bình và Hội nhà văn An -ba-ni đã tổ chức kỷ niệm trọng thể 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Các đồng chí Fô-tô Xta-mô, ủy viên chủ tịch đoàn Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới An-ba-ni, Fát-mia Ghi-a-ta, ủy viên Hội nhà văn An-ba-ni đã tới dự kỷ niệm. Đại sứ nước ta tại An-ba-ni Nguyễn Ngọc Sơn cũng có mặt trong buổi lễ.
Nhà thơ A-lếch Ca-xi, trưởng ban đối ngoại Hội nhà văn Ai-ba-ni đã nói chuyện về thân thế và sự nghiệp văn học của Nguyễn Du và ca ngợi cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta. Nhân dịp này, tạp chí Nen-đô ri, cơ quan Hội văn nghệ An-ba-ni đã đăng bài về Nguyễn Du nhan đề Nhà thơ lớn của dân tộc Việt-nam. Tạp chí này cũng đã trích đăng một số đoạn trong Truyện Kiều.
Tại Ru-ma-ni, lễ kỷ niệm Nguyễn Du do ủy ban bảo vệ hòa bình, Hội nhà văn và Viện liên lạc. văn hóa với nước ngoài đã được tổ chức tại nhà đại học Bu-ca-rét. Đến dự lễ có đồng chí Xa-na-ra-nét, thư ký ủy ban bảo vệ hòa bình, A-lê-cu Cô-xti-xê, thư ký Viện liên lạc văn hóa với nước ngoài, đồng chí Hoàng Tú, đại sứ nước ta tại Ru-ma-ni, cùng nhiều nhà văn hóa và nghệ sĩ Ru-ma-ni.
Nhà thơ Mác-xen Bơ-rét-xla-su, chủ bút tạp chí văn học Thế kỷ XX, ủy viên ủy ban bảo vệ hòa bình Ru-ma-ni, đã đọc diễn văn khai mạc. Nhà văn Du-mi-tru Coóc-bê-a, ủy viên ủy ban bảo vệ hòa bình của thủ đô Bu-ca-rét đã sang thăm nước ta, trình bày về thân thế và tác phẩm của Nguyễn Du. Sau đó các nam nữ nghệ sĩ- nhà hát Bu-ca-rét đã trình bày một số đoạn Kiều trích trong bản dịch sang tiếng Ru-ma-ni, sắp được xuất bản .
Tại Bun-ga-ri ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, ủy ban bảo vệ hòa bình và Hội nhà văn Bun-ga-ri đã tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du. Tới dự lễ có tổng thư kỷ ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài I-van Y-u-tốp, ủy viên ủy ban bảo vệ hòa bình Tô-đo Pôn-đép, ủy viên Hội nhà văn Ni-ca-lai Xtác-cốp cùng nhiều văn nghệ sĩ Bun-ga-ri. Đại sứ nước ta tại Bun ga-ri Phạm Văn Thuyên đã tới dự.
Nhà văn nổi tiếng Đi-mi-ta Ati-ghê-lốp, người đã được giải thưởng văn học Đi-mi-tờ-rốp và đã sang thăm nước ta, nói chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Sau lễ kỷ niệm, các nghệ sĩ Bun ga-ri đã đọc một số đoạn Kiều, hát một số bài dân ca Việt-nam. Các tạp chí Bảo vệ hòa bình, các tạp chí văn hóa, văn nghệ ở Bun-ga-ri cũng đã đăng bài giới thiệu Nguyễn Du.
Tại Bu-đa-pét, Mặt trận yêu nước và Hội nhà văn Hung-ga-ri đã tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du tại nhà văn hóa Xi-li. Đến dự có đồng chí Xan-đo Hác-ma-ti ủy viên trung ương Đảng công nhân xã hội, bí thư Mặt trận yêu nước Hung-ga-ri Bo-i-ti, thứ trưỏng Bộ ngoại giao Im-rê Đô-bô-đi, tổng thu ký Hội nhà văn cùng đại diện Bộ văn hóa, Hội liên hiệp phụ nữ, đảng bộ Bu-đa-pét. Các tùy viên báo chí, văn hóa các nước xã hội chủ nghĩa cũng tới dự. Đại sứ nước ta tại Hung-ga-ri Hoàng Lương cùng các cán bộ đại sứ quán và lưu học sinh nước ta đã tới dự. Nhà văn Ka-rô-ly I-ốp-ba-gi, ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn, người đã được hai giải thưởng I.Ô.Zép Át-ti-la, giải thưởng cao nhất về văn học ở Hung-ga-ri, đã nói chuyện về thân thế sự nghiệp văn học của Nguyễn Du. Liên hệ các tác phẩm của Nguyễn Du với cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta hiện nay, ông nói: « Không thể nào tiêu diệt được nhân dân một nước có một nền văn hóa lớn. Những nhà thơ lớn như Nguyễn Du và những tác phẩm của ông đang góp phần vào cuộc chiến đấu của nhân dân và tên tuổi của nhà thơ không tách rời nhân dân. Cuộc chiến đấu hiện nay của nhân dân Việt-nam nhất định sẽ giải phóng được đất nước ».
Sau đó, nhà thơ Ba-lát-xy đã đọc một số đoạn thơ dịch của Nguyễn Du, nghệ sĩ Ba-đa Ti-bo và nữ nghệ sĩ Ca-út Ma-đa, nghệ sĩ có tiếng của Hung-ga-ri đã ngâm một số đoạn dịch Truyện Kiều. Báo Đời Sống và văn hóa đã giới thiệu và trích đăng thơ Nguyễn Du. Các báo khác của Hung-ga-ri cũng đã đưa tin về kỷ niệm Nguyễn Du.
Bộ văn hóa và nghệ thuật Ba-lan cũng đã tổ chức buổi nói chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều tại câu lạc bộ sách báo quốc tế Vác-xô-vi. Thứ trưởng Bộ văn hóa Ba-lan, đại diện bộ ngoại giao Ba-lan, đại sứ nước ta tại Ba-lan Đỗ Phát Quang cùng nhiều nhà văn và cán bộ văn hóa Ba-lan đã tới dự. Bà Mô-ni-ca Vác-nen-xca, nhà văn và nhà báo Ba-lan vừa đi thăm miền Bắc và vùng giải phóng miền Nam nước ta về, đã nồng nhiệt giới thiệu về thân thế và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du, một vấn đề văn học, mà bà đã để tâm nghiên cứu trong thời gian ở thăm nước ta. Nhân dịp này, báo Ga-zi-ta Cra-cốp-arca, tờ báo của thành phố Cra-cốp, trung tâm văn hóa nổi tiếng và cố đô của Ba-lan, trong số ra ngày 17-11-1965 đã đăng bài Di sản của Nguyễn Du. Bài báo đã so sánh Nguyễn Du với nhà thơ nổi tiếng Mích-ki-ê-vich của Ba-lan trong việc bảo vệ và làm giầu ngôn ngữ dân tộc. Nhấn mạnh tính hiện thực của Truyện Kiều và cống hiến lớn lao của Nguyễn Du, bài báo đã viết: «Mỗi người chúng ta đều tìm thấy một phần mình qua những nhân vật của " Truyện Kiều". Hiện nay nhà thơ Nguyễn Du mất đã 150 năm, nhưng tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở châu Á, châu Âu, những tác phẩm đó đã đóng góp vào việc làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của loài người.
Ở Đức, nhân dịp kỷ niệm Nguyễn Du , báo Nước Đức mới, cơ quan trung ương của Đảng xã hội thống nhất Đức, đã đăng bài của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn viết, giới thiệu Nguyễn Du với công chúng Đức. Trong năm qua ở Béc-lanh đã phát hành bản Kiều tiếng Đức nhan đề là Nàng Kiều, do hai vợ chồng đồng chí Fran-xơ Fa-be dịch và do nhà xuất bản Ruýt-tên và Lơ-ninh xuất bản. Đề có thể hoàn thành bản dịc.h này, hai dịch giả đã bỏ ra bảy năm trời vừa học tiếng Việt, vừa dịch. Trong lời tựa bản dịch, hai dịch giả đã nêu lên những khó khăn trong việc dịch thơ Việt-nam sang tiếng Đức, như về nhạc điệu của tiếng Việt, về quy tắc thơ Việt khác hẳn thơ Đức, thơ cổ Việt-nam nhiều "ý tại ngôn ngoại", v.v... Để khắc phục những khó khăn đó, hai dịch giả đã dùng thể thơ tự do và nhịp thơ Jambus, một vần nhẹ tiếp theo một vần nặng. Các bạn đọc am hiểu tiếng Việt và tiếng Đức cho rằng bản dịch đã cố gắng trung thành với nguyên tác mà vẫn giữ được chất thơ. Đông đảo bạn đọc Đức.cho đây là một trong những cuốn sách in đẹp nhất ở Đức trong năm 1964. Bản dịch chẳng những được dư luận bạn đọc ở Đức hết sức hoan nghênh, mà còn được chú ý ở cả Tây Đức, nghệ sĩ J. Đích-man, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ Đức, người rất ham thích các tác phẩm văn học trữ tình phương Đông, đọc bản dịch này từ khi còn là bản thảo, đã xúc động phát biểu: "Với tác phẩm này. độc giả Đức tìm thấy một thế giới văn học mà cho tới nay họ chưa từng biết: trước mắt họ, thấm nhuần trong " Truyện Kiều" là cả một kho tàng nhân văn, đỉnh cao tuyệt vời của nền văn hóa dân tộc Việt-nam .Hòa mình trong tác phẩm này, chúng ta nhìn sâu sắc vào tâm hồn của dân tộc Việt-nam anh dũng, liên kết với chúng ta trong tình hữu nghị... Dịch ra thể thơ là sáng tác mới, là làm thơ mới. Ở đây điều đó lại càng đặc biệt đúng. Các độc giả xúc động và vui thích khi đọc tác phẩm này sẽ cảm ơn các tác giả bản dịch thơ này ».
Chắc rằng khi đọc bản dịch này, nhân dân Đức sẽ thông cảm hơn với nhân dân ta hiện nay, như hai người dịch đã viết trong lời tựa: " Nguyễn Du lên án một xã hội bất công chà đạp lên giá trị con người, nhưng ông không tìm ra được lối thoát cho những người bạc mệnh, cho quần chúng đau khổ; chỉ từ khi đấu tranh dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác, con cháu Nguyễn Du làm cách mạng thắng lợi mới có thể tự giải phóng. Phải chăng con đường đau khổ của nàng Kiều là những người sống dưới chế độ cũ đương khích lệ những thế hệ con cháu Nguyễn Du ngày nay tiếp tục đấu tranh không nghỉ ngơi cho đến khi ngọn cờ tự do phấp phới bay trên tất cả các thôn xóm miền Nam Việt-nam ? "
Ngày 30-3-1966, tại Béc-lanh. Bộ văn hóa, ủy ban bảo vệ hòa bình và Hội nhà văn Cộng hòa dân chủ Đức đã tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du. Tới dự có các đồng chí Hô-xtơ Bơ-ra-khơ, quốc vụ khanh, thứ trưởng Bộ văn hóa Vin-ke, phó chủ tịch ủy ban bảo vệ hòa bình, bác sĩ Tao-xơ, vụ trưỏng Vụ văn hóa Bô ngoại giao, bà Lang-nơ, ủy viên chủ tịch đoàn Mặt trận dân chủ Đức. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệng, đại diện lâm thời và các cán bộ sứ quán ta tại Đức cũng đã tới dự
Tối 11-12 1965, lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du đã được cử hành trọng thể tại La Ha-van do ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới và Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Cu-ba tổ chức. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ và tri thức đã đến dự. Nhà thơ Nilcô-Iát-xờ Gai-en, chủ tịch Hội liên-hiệp văn học nghệ thuật Cu-ba, đã phát biều ý kiến, mở đầu lễ kỷ niệm. Trong một không khí hào hùng, ông đã đọc một bài thơ do ông vừa sáng tác để tặng nhân dân ta.
Bác sĩ Joạn Ma-ri-ne-lô, ủy viên trung ương Đảng cộng sản và chủ tịch ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Cu-ba, đã đọc diễn văn nhấn mạnh sự thông cảm sâu sắc của nhân dân Cu-ba đối với nhân dân Việt-nam. Ông nói : Việc kỷ niệm 200 năm năm sinh nhà thơ cổ điển Nguyễn Du không thể tách rời với hoàn cảnh ngày nay mà dân tộc anh dũng của Nguyễn Du đang sống. Dân tộc Việt-nam ở cả hai miền Nam Bắc là một dân tộc kỳ diệu, với tinh thần anh dũng tuyệt vời của mình, đương nêu ra một tầm thước mới về con người, một tấm gương sáng về tinh thần hy sinh. Tinh thần quật khởi đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, tinh thần tố cáo, lên án xã hội phong kiến chà đạp lên con người luôn luôn được duy trì, phát triển, do đó mặc dầu nhiều năm tháng đã trôi qua họ vẫn biểu thị lòng ngưỡng mộ của mình đối với những người con ưu tú của dân tộc trong quá khứ. Nhân dân của bãi biển Hi-rông rất hiểu dân tộc anh hùng ấy và tin tưởng rằng cuộc chiến đấu chống bất công và tàn bạo được tiến hành từ thời nhà thơ Nguyễn Du ngày trước đến những người chiến sĩ Việt-nam ngày nay sẽ không một chút chậm trễ tiêu diệt cái thế giới phản động đã phá hoại tình yêu và hạnh phúc.
Tiếp đó trong một bài phân tích dài, nhà văn nổi tiếng Fê-lich Pi-ta Rô đrì-gết đã nêu rõ giá trị tư tưởng và văn chương tuyệt vời của Truyện Kiều và các tác phẩm khác của Nguyễn Du. Trong lúc nhà văn Pi-ta trình bày, nghệ sĩ Mô-ri-am A-xe-vê đô đã ngâm nhiều đoạn Kiều minh họa.
Các bài diễn văn trên đây đã được Nhà xuất bản của phong trào hòa bình và bảo vệ chủ quvền các dân tộc xuất bản thành Kỷ yếu. Trong lời giới thiệu, nhà xuất bản tuyên bố lấy làm vinh hạnh, lần đầu tiên được giới thiệu bằng tiếng Tây-ban-nha thân thế và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ cổ điển lớn của dân tộc Việt-nam anh dũng, lần đầu tiên đăng một số đoạn dịch sang tiếng Tây-ban-nha Truyện Kiều «đỉnh cao nhất trong sáng tác của Nguyễn Du », « một hòn ngọc của nền văn học thế giới ». Trong tập kỷ yếu này còn đăng bản dịch tiếng Tây-ban-nha bài viết của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đã in trên tờ tạp chí tiếng Pháp Nghiên cứu Việt-nam của ủy ban liên lạc văn hóa nước ta.
Ngoài các nước xã hội chủ nghĩa, trong thời gian vừa qua, Nguyễn Du lại còn được kỷ niệm và giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước khác trên thế giới.
Ở Pa-ri (Pháp), tối 16-2, Phong trào hòa bình Pháp và Hội Pháp—Việt hữu nghị đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Đến dự buổi kỷ niệm này có các thư ký Hội đồng hòa bình Pháp, các ủy viên ban chấp hành Hội Pháp—Việt hữu nghị, đại diện phái đoàn thương mại nước ta tại Pháp cùng đông đảo tri thức Pháp và Việt kiều.
Nhà văn Pi-e A-bra-ham, chủ bút tạp chi Châu Âu đã khai mạc buổi kỷ niệm. Nhà sử học Jăng Sê-nô, ủy viên Phong trào hòa bình Pháp và là ủy viên chấp hành hội Pháp—Việt hữu nghị và giáo sư Sác-lor Fuốc ni-ô, ủy viên phong trào hòa bình Pháp, thư ký Hội Pháp—Việt hữu nghị, đã lần lượt giới thiệu thân thế, sự nghiệp sáng tác và địa vị Nguyễn Du trong lịch sử văn học Việt-nam, và nhấn mạnh tính hiện thực và nhân đạo của Truyện Kiều.
Các diễn giả đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc kỷ niệm Nguyễn Du lúc này: nó biểu thị tình đoàn kết sâu sắc của nhân dân Pháp đối với nhân dân Việt-nam, nó góp phần làm cho người Pháp hiểu biết thêm và tin tưởng ở chính nghĩa của dân tộc Việt-nam, một dân tộc bình tĩnh và anh hùng vừa chiến đấu chống xâm lược Mỹ lại vừa biết trân trọng, bảo vệ và kế thừa những giá trị tinh thần của các thời đại trước để lại. Trong buổi lễ kỷ niệm, các nghệ sĩ Pháp và Việt kiều đã đọc và ngâm những đoạn thơ đặc sắc trong Truyện Kiều. Chính trong không khí chuẩn bị kỷ niệm Nguyễn Du mà nhà sử học quen biết Jăng Sê-nô đã viết bài phê bình bản dịch Kiều của Xuân Phúc, Xuân Việt trên tạp chí Tư tưởng. Bản dịch này do nhà Ga-li-ma ở Pa-ri xuất bản năm 1961, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc. Sê-nô phê bình hai dịch giả đã tự bằng lòng với « một thị hiếu rẻ tiền »khi lạm dụng những "loan ", những "phượng" và những niên đại âm lịch, do đó đã làm cho độc giả không thể nào thông cảm được với «âm vang lịch sử và xã hội» của Truyện Kiều, không thể nào nắm được cái gì ở trong kiệt tác đó «đã từng làm say mê biết bao nhiêu các thế hệ người Việt-nam ». Sê-nô đã đi đến kết luận : «Một lần nữa điều đó chứng tỏ rằng: một bản dịch chân chính không thể thực hiện tốt được, nếu không có một sự quán triệt nhất định về chính trị và xã hội, nêu không có một sự trung thành nhất định, không phải chỉ với tác giả mà cả với công chúng dân tộc của tác giả đó nữa . Chúng ta biết: bản dịch của Nguyễn Khắc Viện đã khắc phục được nhược điểm đó. Trên tạp chí Châu Âu tháng 11 và 12-1965, Sác-lơ Fuốc-ni-ô đã viết bài giới thiệu bản dịch Truyện Kiều sang Pháp văn của Nguyễn Khắc Viện và số đặc biệt về Nguyễn Du của tạp chí Nghiên cứu Việt-nam bằng Pháp văn của ta. Thông cảm sâu sắc với những khó khăn trong việc dịch thư cổ điển Việt-nam sang tiếng Pháp, Phuốc-ni-ô đã nhiệt liệt ca ngợi bản dịch Kiều của Nguyễn Khắc Viện vừa có một lời văn mỹ lệ, lại vừa trung thành với nguyên tác ", Fuốc-ni-ô đã coi việc Nguyễn Khắc Viện, một Việt kiều đã sống ở Pháp và theo dõi rất sát sinh hoạt văn hóa Pháp trong 25 năm trời, lại phụ trách dịch Truyện Kiều sang Pháp văn là một trường hợp quý báu đặc biệt.
Ngoài các hoạt động kỷ niệm Nguyễn Du của Phong trào hòa bình và Hội Pháp — Việt hữu nghị, còn có các hoạt động kỷ niệm khác của Trường Viễn đông bác cổ Pháp và của các cá nhân và tổ chức Việt kiều khác.
Vấn đề Nguyễn Du và Truyện Kiều đối với công chúng Pháp không phải là một vấn đề xa lạ. Ngay từ năm 1884, khi thực dân Pháp vừa đặt được ách thống trị trên toàn cõi đất nước ta, Trường sinh ngữ Đông phương Pa-ri đã cho xuất bản bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp của A-bên đê Mi-sen. Sau bản Đê Mi-sen đến nay đã có thêm tất cả 7 bản dịch toàn văn Truyện Kiều sang tiếng Pháp, do người Pháp và người Việt dịch.
Trong số đặc san về văn học Việt-nam của tạp chí Châu Âu, xuất bản năm 1961, cũng có phần gịới thiệu Nguyễn Du với những đoạn phỏng dịch xuất sắc Truyện Kiều và Văn chiêu hồn của Jắc-cơ Gô-sờ-rông và Pi-e Ga-ma-ra. Nếu như trước kia các học giả Đông phương học thực dân nghiên cứu Truyện Kiều và văn học Việt-nam với mục đích tìm hiểu xứ « thuộc địa thân mến » của họ vì " hạnh phúc và thịnh vượng của nước Pháp » — là thực chất là vì quyền lợi ích kỷ của bọn tư bản thuộc địa Pháp — thì các bạn Pháp dân chủ ngày nay nhìn thấy ở nền văn học ta, « một nền văn học anh em » với « tấm lòng kính trọng dĩ vãng, yêu mến hiện tại và hy vong ở lương lai» của dân tộc ta.
Tại Nông-pênh, nhân dịp kỷ niệm Nguyễn Du, tối 3-12-1965, đồng chí Ca Văn Thỉnh, đại diện thương mại nước ta tại Căm-pu-chia đã tồ chức buổi gặp gỡ thân mật với các nhà văn Căm-pu-chia. Ban chấp hành Hội nhà văn, các nhà văn nhà thơ có tên tuổi của Căm-pu-chia đã đến dự. Đồng chí Ca Văn Thỉnh đã giới thiệu sơ lược về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Nhà văn Trịnh Hoanh, chủ tịch Hội nhà văn Căm-pu-chia đã phát biểu ý kiến, ca ngợi nhà thơ Nguyễn Du, tuy mất đã gần 150 năm, nhưng kiệt tác của ông vẫn bất tử. ông nhấn mạnh: Nguyễn Du là nhà thơ nổi tiếng của nhân dân Việt-nam, đồng thời cũng là của nhân dân các nước, kể cả nhân dân Căm-pu-chia. Tác phẩm của Nguyễn Du làm rạng rỡ nền văn học Việt-nam và cống hiến cho kho tàng văn hóa nhân loại.
Nhà thơ nổi tiếng Cam-pu-chia Kỳ Hiên kêu gọi những người làm công tác văn học hãy học tập Nguyễn Du mài sắc ngòi bút để có sức chiến đấu mạnh mẽ. Ông hứa sẽ dịch Truyện Kiều ra văn vần Khơ me để phổ biến rộng rãi tác phẩm vĩ đại này trong công chúng Căm-pu-chia.
Chiều 30-12-1955, tại Răng-gun, thủ đô Miến-điện, ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Miến-điện đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Họa sĩ Ôn Lơ-uyn, phó chủ tịch ủy ban bảo vệ hòa bình của Miến-điện, Tha-kin Lơ-uyn, tổng thư ký ủy ban bảo vệ hòa bình của Miến-điện, một số ủy viên ủy ban hòa bình và ủy ban đoàn kết Á — Phi, cùng một số nhà văn, nhà thơ và nhà báo Miến-điện đã tới dự. Đồng chí Vũ Hữu Bình và một số cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt-nam tại Miến-điện cũng đến tham dự.
Họa sĩ Ôn Lơ-uyn, trong lời khai mạc buổi lễ, đã nêu rõ mục đích của ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Miến-điện tổ chức kỷ niệm năm sinh của nhà thơ nổi tiếng Việt-nam Nguyễn Du là nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ văn hóa và hữu nghị giữa Việt-nam và Miến-Địện. Tiếp đó, ông Moong-moong, ủy viên Ban thư ký ủy ban hòa bình Miến-điện đã giới thiệu thân thế, sự nghiệp văn học của Nguyễn Du và tóm tắt nội dung Truyện Kiều. Ông đã nêu bật giá trị to lớn và ảnh hưởng phổ biến của Truyện Kiều trong nhân dân Việt-nam. Đồng chí Vũ Hữu Bình đã phát biểu ý kiến. Đồng chí nêu rõ ràng: Trong hoàn cảnh Việt-nam đương chống Mỹ, cứu nước, việc các bạn Miến-điện đã cố gắng tổ chức lễ kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Du sẽ cổ vũ nhân dân Việt-nam chiến đấu đến cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước thực hiện nguyện vọng tha thiết của nhà thơ, cũng như toàn dân Việt-nam là làm cho mọi người Việt-nam thoát khỏi cảnh đau khỏ bị áp bức.
Ở tận châu Mỹ la-tinh xa xôi, ngoài Cu-ba, Nguyễn Du còn được kỷ niệm trọng thể tại Trường đại học quốc gia Méc-xich, với sự chủ trì của giáo sư tiến sĩ Joan Mi ghen đờ Mô-ra. Giáo sư Đờ Mô-ra, người phụ trách giảng dạy về văn học Việt-nam tại trường này, đã nói chuyện về Nguyễn Du, trong buổi kỷ niệm.
Vinh quang của nhà thơ Nguyễn Du, ngay từ cuối thế kỷ trước, đã vượt ra ngoài biên giới tổ quốc ta. Nhưng chỉ từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta bằng xương máu của mình, đã giành được nền độc lập vẻ vang cho đất nước thì vấn đề Nguyễn Du nói riêng, văn học Việt-nam nói chung dần dần mới được giới thiệu ở nước ngoài một cách đầy đủ và chính xác. Hoàn toàn không phải như bọn bồi bút trước đây đã nói: " Truyện Kiều còn..., nước ta còn ", mà chính là vì do nước ta tồn tại và phát triển trong độc lập và tự do thực sự, nên Truyện Kiều mới còn, mới được nhân dân ta và nhân dân thế giới quan tâm, trân trọng như ngày nay.Vinh quang của nhân dân ta ngày nay đương làm vẻ vang thêm cho nhà thơ Nguyễn Du ngày xưa. Ngược lại, thành tựu sáng tác rực rỡ của Nguyễn Du 150 năm trước đây đã làm vẻ vang cho dân tộc ta. Nó đương chứng minh cho nhân dân toàn thế giới biết rằng: dân tộc Việt-nam chúng ta, một dân tộc anh hùng đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ ở Điện-biên phủ, và đương chiến thắng chủ nghĩa thực dân mới của tên đế quốc hung ác nhất thế giới hiện nay là đế quốc Mỹ ở Ấp-bắc, Bầu-bàng, Pờ-lây-me... đồng thời cũng là một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời và độc đáo, với những tên tuổi rực rỡ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu... Bằng hình tượng nghệ thuật sắc sảo, các tác phẩm văn học cổ điển, tấm gương phản chiếu từng chặng đường gian khổ đã qua của dân tộc ta, đương giúp cho các bạn bè nước ngoài hiểu biết cụ thể và rung cảm sâu sắc với quá khứ của dân tộc ta, thấu suốt truyền thống tinh thần của dân tộc ta qua các thời đại, hay nói như một nhà tri thức Brazin : " nó đương giải thích cho những người nước ngoài hiểu rõ Việt-nam là gì» , do đó mà thông cảm hơn với những hy sinh to lớn và ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc đấu tranh hiện nay của nhân dân ta. Chính trên tinh thần đó, chúng ta chân thành cảm ơn nhân dân nhiều nước trên thế giới đã nhiệt tình kỷ niệm 200 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Du của chúng ta, coi đó là một cử chỉ tỏ tình hữu nghị sâu sắc đối với nền văn hóa nước ta và đối với sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước hiện nay của nhân dân hai miền nước ta.
Nguyễn Du
Loading...
NHÂN DÂN THẾ GIỚI KỶ NIỆM 200 NĂM NĂM SINH NHÀ THƠ NGUYỄN DU CỦA CHÚNG TA
Nguyễn Văn Hoàn
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.