Nguyễn Du
Loading...
NGUYỄN NGHI - Tác giả truyện thơ QUÂN TRUNG ĐỐI Ngôi sao và kiệt tác văn học họ Nguyễn Tiên Điền bị lãng quên TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
Quân Trung Đối có ba bản in chữ Nôm bản do Lễ Môn Đường ở Hà Nội in năm Tự Đức Kỷ Mão (1879) bản in này chưa tìm thấy, bản do hiệu Quảng Thành ở Nam Định in năm 1910 và bản do hiệu Xuân Lan ở Hải Phòng in năm 1911. Các bản này đều ghi đề sách Trung Quân Đối diễn ca và không ghi tên tác giả.
Bản A do Đỗ Hạ Xuyên in năm 1910 tại tỉnh Nam Định phố Bắc Ninh, hiệu Quảng Thành số nhà 20. Nhưng mặt bìa lại đề Trung Quân Đối diễn ca. Sách gồm 110 trang giấy Tây, bìa không kể, trang nào cũng nửa trên chữ Nôm, ngoài bìa có vẽ hình hai tướng, một trai một gái, đối nhai trước cửa thành, đề trên hai chữ Lạc Thọ. Bản này được lưu giữ trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội (Nay là Viện Hán Nôm) số Q. 8°121 khổ in 11 x 15,5 cm.
Bản B : in năm 1911 trên giấy Tây, nhà in Văn Minh tại Hải Phòng, ngoài bìa đề Trung Quân Đối Ca, của do Xuân Lan xuất bản ( ông Nguyễn Ngọc Xuân). Bản này có ký hiệu Q. 8°121 cùng một kích thước 11 x15,5 cm. Hai bản đóng chung làm một mang số AB. 121.
Phần lớn các sách in chữ nôm, hay khắc bản của các hiệu buôn sách phường Hàng Gai, Hà Nội hay tại các hiệu buôn khác tại Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn trước năm 1930 nhiều sách không ghi tên tác giả, ngay cả Truyện Kiều. Tại Thư Viện Quốc Gia Pháp tại Paris có rất nhiều văn bản Viện Nam : chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ: tuồng hát bội, truyện Nôm, bài ca vọng cổ.. không đề tên tác giả. Đó là hiện tượng đáng lưu ý nước ta, vì cho đến đầu thế kỷ 20 các tay lái buôn sách như Lễ Môn Đường, Quảng Thành.. thấy sách nào bán chạy, cứ bỏ tiền ra mướn thợ khắc bản gỗ chữ nôm lẫn chữ quốc ngữ, hay sắp chữ typo quốc ngữ như nhà Xuân Lan của Nguyễn Ngọc Xuân đầu thế kỷ 20, họ in bán, không cần biết tác giả là ai, chẳng biên khảo, chú thích gì, cũng không hề có bản quyền tác giả, cũng không có cơ quan nào xét duyệt. Hiện nay ba bản in Trung Quân đối đều có lưu trử tại Thư viện Quốc Gia Pháp và Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris, và có tại Viện Hán Nôm Hà Nội. Do các bản in không đề tên tác giả nên được xem là truyện thơ khuyết danh và không được lưu ý. Bản in Trung Quân Đối năm 1910, đồng thời với những bản in thơ Hồ Xuân Hương, phần trên khắc bản gỗ chữ nôm, phần dưới khắc gỗ chữ quốc ngữ. Quân Trung Đối hay Trung Quân đối đồng một nghĩa với nhau : Giữ đám ba quân mà kết thành đôi lứa, vợ chồng.
Giáo sư Nghiêm Toản là người lưu ý trước tiên đến bản văn nôm này, vì văn chương trong tác phẩm không tầm thường. Năm 1959 nhân dạy Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ông được môn sinh là ông Võ Thu Tịnh trao cho một bản chép tay do thân phụ ông là cụ Phó Bảng Võ Hoành. Thủ Khoa (Cử Nhân) trường Thi Hương Thừa Thiên khoa Quý Mão (1903) và đậu Phó Bảng (Tiến Sĩ) Khoa Canh Tuất (1910) sao chép được năm 1922 nhân làm Tri Phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An . Văn bản này Giáo sư Nghiêm Toản gọi là văn bản C ; chép tay trên giấy bản, bìa đề Quân Trung Đối, bên trong chép rõ tác giả Nguyễn Chu Kiều, hiệu Lạc Am, người Hoan Châu, diễn ca quốc âm và Nhữ Nguyên Lập hiệu Đạm Trai, người Ái Châu phẩm bình.Văn bản C có lẽ chép lại từ một bản của gia đình ông Nhữ Nguyên Lập tại Thanh Hóa, nên có lời phẩm bình.
Bản C gồm có
a .Một bài tựa của Thanh Bối Cúc Khê Phu.
b . Phần mục lục ghi 12 hồi.
c. Phần Chính truyện có chép thêm lời bình hoặc ở bên câu chính văn, hoặc ở trên đầu trang.
d. một bài Bình dẫn của Nhữ Nguyên Lập (Đạm Trai)
Nhờ bài tựa và nhất là bài bình dẫn, chúng ta biết chắc chắn tác giả là Nguyễn Chu Kiều là em ruột Nguyễn Du và đã viết Quân Trung Đối ở Tiêu Sơn Kinh Bắc, chúng ta còn biết cả ông không cầu làm quan và chuyên về nghề thuốc, ông lại có con đậu Tiến Sĩ Khoa Nhâm Thìn (1832) và đang làm Lại Bộ Viên ngoại lang.
Bản C có 1130 câu, dài hơn bản A 40 câu và dài hơn bàn B 42 câu. Trong ba bản chữ câu sai khác nhau rất nhiều. Hai bản A B in các câu văn liên tiếp từ đầu đến đuôi, còn bản chép tay C phân ra 12 hồi rõ rệt.
Giáo sư Nghiêm Toản đã đem so sánh với các bản in năm 1910 và 1911, để hiệu đính chú giải các danh từ, điển tích và nhận xét phê bình. Công trình biên khảo của Giáo sư Nghiêm Toản được đăng nhiều kỳ trong Tạp chí Luận Đàm ở Sài Gòn, từ năm 1961( bộ 1, số 4) cho đến năm 1962 (Bộ I I số 9.) Tuy nhiên về tác giả Giáo sư Nghiêm Toản cũng không biết gì hơn :
« Về Nguyễn Chu Kiều, tôi chỉ biết ông là em ruột cụ Nguyễn Tiên Điền (Nguyễn Du) gặp thời loạn ở ẩn chuyên về Đông Y, nhưng có con là Nguyễn Toản đậu Tam giáp, thứ năm Khoa Nhâm Thìn (Minh Mạng thứ 13-1832) làm Viên Ngoại Lang Bộ Lại, rồi bị miễn. » Nguyễn Chu Kiều . Quân Trung Đối . Paris nxb Đông Nam Á, 1995 tr 153.r
Trải qua một cuộc bể dâu, các bài viết Giáo Sư Nghiêm Toản chẳng còn ai gìn giữ, chỉ còn bản do Gs Võ Thu Tịnh, mang theo bên mình sang Lào năm 1966 và sang Pháp năm 1975.Năm 1995, Giáo sư Võ Thu Tịnh (đã mất tại Paris năm 2010 thọ 80 tuổi), cho in lại Quân Trung Đối, tác giả Nguyễn Chu Kiều. GS Nghiêm Toản hiệu đính và chú giả năm 1960. Đạm Trai, Tử Bình bình điểm. Võ Thu Tịnh trình bày. Nhà xuất bản Đông Nam Á . Paris 1995.
Giáo sư Võ Thu Tịnh (1920-2010)sinh tại làng Long Phước Duy Xuyên Quảng Nam. Cử nhân giáo khoa Việt Hán Đại Học Văn Khoa Sàigon. Tốt nghiệp Khoa Thính Thị Đại Học Indiana. Hoa Kỳ Giám Đốc Thông Tin Trung Phần và Nam Phần (1954-1961) rồi từ chức dạy tư ở Sài Gòn. Năm 1966 ông sang Lào, làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Tư Thục. Năm 1975 ông sang Pháp làm lao động bị gảy xương sườn, ông thôi việc, làm việc cho hãng bào hiểm (1977-85) cho đến khi về hưu. Ông làm chủ bút Mùa Lúa Mới (Huế 1955-56), chủ bút Bulletin des Amis du Royaume Lao (Vientìane 1970-75) Présence Indochinoise (1975-79) và Péninsule (1979-85). Ông cộng tác và bài vở đăng thường xuyên trên nhiều tạp chí Việt ngữ tại Hải ngoại. Ông còn là tác giả : Việt văn thế kỷ 19, 20.( Sài Gòn 1958, 59, 60, 61, 62) Quân Trung Đối (ĐNA. Paris1995). Tình tự dân tộc ( Xuân Thu. HK.1999) La littérature orale et populaire du Vietnam. A la découverte du Bouddhiste. Les Origines du Laos. PhraLak- Phralam version laotiennne du Ramayana hindou ; Nang Tan Tay, The Laotian Arabian nights..
Xa nước từ năm 1966, sang Lào và sang Paris năm 1975 hành trang bên mình là các bài viết Quân Trung Đối đã được giáo sư Nghiêm Toản biên khảo. Năm 1995 khi in được Quân Trung Đối tại Paris giáo sư Võ Thu Tịnh mới nhẹ được tấm lòng, mang nặng cái di sản của thân phụ ông trao lại. Khi sách in xong ông tặng tôi và nhờ tôi xem lại có gì sơ sót. Tôi say sưa đọc Quân Trung Đối, như “ đứa em” của Truyện Kiều.. Dĩ nhiên không truyện thơ nào có thể sánh bằng Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng có những đoạn như đoạn La Thành “ép duyên” cùng Hựu Lan, phần tâm lý thật thú vị có thể vượt trội hơn đoạn Kim Trọng với Thúy Kiều.
Theo Gs Võ Thu Tịnh, khi thân phụ ông chép tay quyển Quân Trung Đối, thì truyện thơ được xem như một quốc cấm thời Minh Mạng, vì nó nói lên sự trung quân, trung thành với nhà Lê, trong lúc có loạn Lê Duy Lương muốn khôi phục lại nhà Lê. Có thể vì lý do đó mà Tiến sĩ Nguyễn Toản bị cách chức Viên Ngoaị Lang đời Tự Đức ?. Và ngày nay trong Châu Trần di cảo của chi họ Nguyễn Tiên Điền tại Bắc Ninh cũng không thấy nhắc đến. Giới học giả nghiên cứu về Truyện Kiều và họ Nguyễn Tiên Điền trong nước cũng hoàn toàn không nhắc đến có một truyện thơ Quân Trung Đối.
Trong Quân Trung Đối, GS Võ Thu Tịnh lại cho rằng Nguyễn Chu Kiều là Nguyễn Ức, em cùng cha cùng mẹ với Nguyễn Du. Là người thường xuyên gặp gỡ, tâm đắc GS Võ Thu Tịnh, thuở thiếu thời học các sách Việt Văn do GS viết, biết tôi là môn sinh nối tiếp các công trình GS Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương.. tôi đính chính cùng Giáo sư: Nguyễn Chu Kiều không phải là Nguyễn Ức mà là Nguyễn Nghi, con cụ Nguyễn Nghiễm và bà Nguyễn thị Xuân. Giáo sư Võ Thu Tịnh đồng ý và nhờ tôi việc đính chánh này vì GS đã lớn tuổi không còn sức. Ba năm rồi Giáo sư Võ Thu Tịnh đã qua đời, tôi viết bài này để cùng bạn bè quen biết tưởng nhớ đến giáo sư, và theo lời ước nguyện giáo sư, làm hồi sinh lại một di sản văn hóa quý báu đã bị quên lãng. Ước mong Viện Bảo Tàng Di Tích Nguyễn Du, làng Tiên Điền Nghi Xuân, Hà Tĩnh sẽ cho in lại trên giấy để, đóng góp việc hoàn thành Toàn Tập Di sản văn hóa họ Nguyễn Tiên Điền.
Trong bài viết này tôi đăng lại toàn bộ Truyện Thơ Quân Trung Đối, bản đã được Gs Nghiêm Toản hiệu đính. Vì bản in giấy ngày nay có nhiều khó khăn trong việc phổ biến, mong được phổ biến rộng rãi trên Internet, một tuyệt tác của họ Nguyễn Tiên Điền đã bị lãng quên. Phần so sánh các văn bản và bình luận của Đạm Trai tôi bớt đi cho độc giả khỏi thấy dài dòng.
Nguyễn Chu Kiều là ai ? Nguyễn Chu Kiều làm nghề thầy thuốc sống tại làng An Lạc, xã Châu Trần, tỉnh Bắc Ninh
Nguyễn Chu Kiều không thể là Nguyễn Ức vì Nguyễn Ức quê mẹ ở làng Hoa Thiều, quê vợ ở Thuận Thành nhưng ông sống về nghề kiến trúc, ông là người khéo tay vẽ kiểu, tạc tượng và giỏi tính toán gỗ đá vật liệu, chỉ huy thợ. Năm 1794 -1795 ông được anh là Nguyễn Nể, giao phó vàng bạc cho việc xây dựng lại từ đường họ Nguyễn Tiên Điền, các đền thờ, chùa Trường Ninh, cầu Tiên, bị tướng Lê Văn Dụ Tây Sơn, đốt phá làm cỏ sau cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh, vì Nguyễn Nể bận việc quan ở Phú Xuân không thể trực tiếp trông coi. Ông là người chính trong việc này . Nguyễn Du về Tiên Điền chỉ ở lại trên bến sông để nhận vật liệu chỡ về, và bị bệnh suốt năm, rồi đi săn, sau đó toan vượt biên vào thành Diên Khánh, Nha Trang theo chúa Nguyễn Ánh thì bị tù.. Khi Nguyễn Nể được cử vào Thanh Hóa cùng chỉ huy xây Phượng Hoàng Trung Đô cùng Trấn Thủ Nguyễn Văn Thận 1798-1801, Nguyễn Ức có lẽ tham gia tích cực trong việc này, nên khi Vua Gia Long lên ngôi năm 1802 biết tiếng mời ông ra xây dựng Kinh đô Huế. Lê Quý Thanh con Lê Quý Đôn coi địa lý xây dựng kinh thành và lăng tẩm cho Gia Long. Ngoài ra có thể có một số công trình xây dựng và trùng tu các chùa chiền danh tiếng thời Tây Sơn như chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Trấn Quốc có sự đóng góp của Nguyễn Ức.
Sách sử nhà Nguyễn, có nhiều, và đầy đủ, nhưng cho đến nay chúng ta hoàn toàn không có một luận án, một bộ phim, một quyển sách nghiên cứu về tác giả các công trình xây dựng Kinh Đô Huế. Di sản Văn Hóa Nhân loại được Unesco công nhận, mà tác giả là vô danh ? Hàng năm hàng triệu du khách đến Huế, nhưng không một hướng dẫn viên du lịch nào nhắc nhở tên Nguyễn Ức, Thiêm sự Bộ Công đời vua Gia Long, em của Đại thi hào Nguyễn Du là người vẽ kiểu và tính toán chỉ huy thợ xây cất các công trình này. Các đài truyền hình các nước họ nói đến việc xây dựng Cung điện Bắc Kinh, họ nói đến Kiến trúc sư Nguyễn An đời Minh Thành Tổ, một tù nhân Việt Nam thành kiến trúc sư đã chỉ huy hàng chục ngàn thợ giỏi Việt Nam xây dựng công trình này, họ có đủ tài liệu dựng thành phim. Công trình xây dựng Bắc Kinh trước Huế 300 năm mà họ còn đủ hết, mà người xây dựng công trình lớn nhất nước ta còn vô danh ?
Một kinh thành Huế xây dựng bởi một kiến trúc sư vô danh, một truyện thơ Quân Trung Đối viết bởi một người vô danh, tác phẩm người này lộn vào người khác, bổn phận của người nghiên cứu phải làm cho sáng tỏ :
Chúng ta nên tìm hiểu lại về gia đình quan Tư Đồ (Tể Tướng) Nguyễn Nghiễm(1708-1775), ông có 8 bà vợ, và 21 người con trong đó có 12 người con trai . Sắp theo thứ tự năm sinh Nguyễn Du là người thứ bảy, Nguyễn Ức thứ 8, và Nguyễn Nghi thứ 10...
Bà cả Đặng Thị Dương, sinh mẫu Nguyễn Khản (1734-1786) con cả, Tiến sĩ, Thượng Thư Bộ Lại. Nguyễn Khản có hai con gái là Thị Bành và thị Đài là vợ Nguyễn Huy Tự (1743-1790), đậu Tứ Trường Thi Hương, Quyền Trấn Thủ Hưng Yên,(con cả Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh(1713-1789)làng Trường Lưu, Huy Tự là tác giả Truyện Hoa Tiên một trong 5 người hay thơ nhất nước nam, bà Bành mất sớm năm 1773, ông tục huyền với bà Đài sinh Nguyễn Huy Phó (1765-1838) đỗ Giải Nguyên và Nguyễn Huy Hổ(1783-1741) tác giả Mai Đình Mộng Ký. Nguyễn Khản còn có con trai là Nguyễn Công có tham gia Sùng Chính Viện của Nguyễn Thiếp đời Tây Sơn. Nguyễn Khản có phổ nôm bản Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn (bản F trong Chinh Phụ Ngâm bị khảo của Gs Hoàng Xuân Hãn nxb Minh Tân Paris 1953) và nhiều thơ xướng họa với Nguyễn Huy Oánh.
Bà hai Đặng Thị Thuyết , em bà cả sinh Nguyễn Điều (1745-1786) con trai thứ hai , đỗ Tứ Trường, Trấn thủ Sơn Tây có con là Nguyễn Thiện và Nguyễn Hành. Nguyễn Thiện(1763-1818) tự Khả Dục hiệu Thích Hiên, đỗ Tứ Trường, nhuận sắc truyện Hoa Tiên tác giả Đông Phủ thi tập, Huyền Cơ đạo thuật bí thư. Thời Tây Sơn Nguyễn Thiện có tham gia Sùng Chính Viện của Nguyễn Thiếp. Nguyễn Hành(1771-1824), tự Tử Kính hiệu Nam Thúc, Ngọ Nam, Nhật Nam, tác giả Minh Quyên thi tập và Đông Hải Thi Tập là một nhà thơ trong An Nam Ngũ Tuyệt (5 nhà thơ hay nhất nước Nam). Có tham gia viết Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh của Ngô Thời Nhậm.
Bà Trần thị Tần vợ thứ ba : sinh Nguyễn Trụ, Nguyễn Nể, Nguyễn thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn Ức.
Nguyễn Trụ (1757-1776)con trai thứ ba, đậu Tứ Trường năm 15 tuổi, làm Hồng Lô Tự Thừa, có tài thơ văn được chúa Trịnh khen Hổ phụ sinh hổ tử, mất sớm năm 18 tuổi.
Nguyễn Nể tức Đề(1761-1805), con trai thứ sáu, đậu Tứ Trường, làm quan Tây Sơn hai lần đi sứ làm Phó sứ và Hành Khánh sứ (Chánh sứ) chức vụ cuối cùng là Hữu Trung Thư, quân sư bên cạnh vua Cảnh Thịnh. Là bậc kỳ tài vua Quang Trung nể vì học thức thường viếng thăm, giỏi làm thơ ứng đối, vua Càn Long khen thưởng. Đoàn Nguyễn Tuấn giới thiệu với các Sứ Thần Trung Quốc là đỉnh cao thi trận nước Nam.
Nguyễn Du (1766-1820)hiệu là Chí Hiên, Thanh Hiên, Phi Tử, con trai thứ bảy, đậu Tam Trường, Chánh Sứ năm 1813 thời Gia Long, Hữu Tham Tri Bộ Lễ. Tác giả Truyện Kiều. Nhà thơ thứ nhất trong An Nam Ngũ Tuyệt.
Nguyễn Ức (1767-1823) Thiêm sự Bộ Công là kiến trúc sư, cung điện lâu đài thành quách đời Gia Long, Minh Mạng đều do ông vẽ kiểu và chỉ huy xây cất. Ông mất con là Nguyễn Thắng tiếp tục công việc của cha.
và Nguyễn thị Diên lấy chồng là Vũ Trinh.(1769-1828) Tiến Sĩ khoa thi cuối cùng đời Lê. viết tựa Truyện Kiều. Thầy dạy Nguyễn Văn Thuyên con Trung Quân Nguyễn Văn Thành nên bị đày đi Quảng Nam 12 năm.
Bà Nguyễn thị Xuyên, vợ thứ tư sinh Nguyễn Quýnh (1761-1791)con trai thứ tư, hiệu là Sĩ Hữu, giữ chức Trấn Tả Đội thời Lê Trịnh, khởi nghĩa chống Tây Sơn bị Trấn thủ Lê Văn Dụ giết năm 30 tuổi.
Bà vợ thứ sáu là bà Hồ Thị Ngạn sinh Nguyễn Nhưng, con thứ sáu, đỗ Tứ Trường, không ra làm quan sống về nghề làm thuốc và dạy học. Có con là Nguyễn Y người chép gia phả họ Nguyễn Tiên Điền.
Bà vợ thứ bảy là Phan Thị Diên, và bà thứ tám là Hoàng Thị Thược. Còn hai người con trai cuối cùng là Nguyễn Lang và Nguyễn Cảnh sống về nghề thuốc, Nguyễn Cảnh được Nguyễn Hành đánh giá là y tướng.
Bà Nguyễn Thị Xuân là vợ thứ năm sinh ra Nguyễn Trứ và Nguyễn Nghi. Nguyễn Trứ (1760-1809) con trai thứ năm tính theo năm sinh, đậu Tứ Trường thi Hương năm Kỷ Hợi (1779) đời Cảnh Hưng làm quan Tri phủ tại Tam Đới, Siêu Loại, Kim Môn, Nam Sách. Đời vua Lê Chiêu Thống, được mật chỉ của nhà vua tuyển mộ lính bảo vệ cung vua thay bọn kiêu binh. Thời loạn lạc ông về quê mẹ ở Từ Sơn, Bắc Ninh, có con là Nguyễn Thích tri phủ Nghĩa Hưng, Nam Định, Nguyễn Trù tri phủ Vĩnh Tường và Nguyễn thị Uyên, bà làm thuốc giỏi, tiếng tăm truyền đến kinh đô, được vua Gia Long mời vào cung chữa bệnh cho các cung phi, sau bà về lại quê mẹ huyện Yên Phong, Bắc Ninh và mất tại đó năm 49 tuổi. (Tôi bác bỏ một bài viết gần đây trên các site internet của ông Nguyễn Khắc Bảo cho rằng Nguyễn Thị Uyên là vợ Vua Gia Long, Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long ?. Bà Nguyễn Thị Uyên được mời vào cung vì tài chữa bệnh danh tiếng chứ không phải vì sắc đẹp. Tiến cung ngày xưa ở tuổi 16, 18 con các quan đại thần, (trừ vài trường hợp như bà Ỷ Lan đời Lý, vua Lý Thánh Tông đi cầu tự, gặp cô gái đứng dựa gốc dâu), bà Uyên nổi danh nghề thuốc trong dân gian ít nhất cũng ở tuổi 30, 40, quá tuổi để trở thành phi tần. Cung vua cũng có các danh y phụ nữ để chữa các bệnh phụ nữ hay hành nghề sản khoa. Đồng thời bà Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan) cũng được mời giữ chức Cung Trung Giáo Tập dạy học cho các cung nữ. Tài năng bà Nguyễn Thị Uyên là tên tuổi một phụ nữ hiếm hoi trong ngành Y ngày xưa, xứng đáng để đặt tên một bệnh viện ngày nay.)
Nguyễn Nghi, là con trai thứ mười cụ Nguyễn Nghiễm, ông sanh khoảng năm 1770 tự là Hồng Vũ hiệu là Chu Kiều, Lạc Am sinh ra trong thời loạn lạc nên không có dịp thi cử, ông về quê mẹ, rồi sống làm nghề thầy thuốc, và dạy học ở làng Châu Trần (hay Châu Kiều), xã An Lạc, tỉnh Bắc Ninh, tác giả Châu Trần Di Cảo và truyện thơ Quân Trung Đối 1116 câu thơ. Ông được mọi người kính yêu, tính tình nghiêm nghị có đức, thường kết giao với những danh nhân. Năm ông 64 tuổi (1834), ông đã viết xong truyện Quân Trung Đối. Ngày sinh và ngày mất ông cần tham khảo lại gia phả cũng như mộ chí tại xã An Lạc, Tiêu Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Nguyên Lập Đạm Trai, người viết lời dẫn truyện Quân Trung Đối nói về Nguyễn Chu Kiều như sau : « Mùa hè năm Giáp Ngọ (1834) ta đến trường dạy tại huyện An Lạc, được cùng ông Lạc Am Nguyễn, gặp nhau ở nhà láng giềng gần bên nhà huyện, ông tuổi cao đức lớn, vẻ tinh thuần như un đúc cả vào.
Ông người làng Tiên Điền, tỉnh Nghệ An, là em quan Hữu Tham Tri Bộ Lễ, Nguyễn Hầu đời Gia Long và là nghiêm đường quan Nghè khoa Nhâm Thìn (1832) hiện đang làm Viên Ngọai Lang bộ Lại.. Dòng dõi trâm anh, gia thế từ xưa cao vọi, thở nhỏ ông tránh loạn Tây Sơn, giấu mình trong nghề làm thuốc, bèn thôi không cầu ra làm quan. Ông giữ vững chí mình, yên với cảnh nghèo, đem đạo phải và thẳng ngay ra dạy con, vui vẻ muốn nơi sân hòe ắt có kẻ làm nên, và rốt cuộc lệnh lang đã khiến cho ý muốn ấy được thành ; hạc nội yên hưởng cảnh thung dung, đất An lạc thật là nơi vui vẻ vậy.
Đầu mùa Đông, ông cùng với ta uống rượu bàn văn, trong khoảng nói cười, chợt nhắc tới thơ Nôm, nhân đưa ra cho ta coi cuốn Quân Trung Đối ông đã diễn âm trong những ngày thường, và bảo tra chấm và bình phẩm. »
Gs Nghiêm Toản, đã truy tìm trong Đại Nam nhất thống chí Tỉnh Thanh Hóa thuộc triều Nguyễn có ông Nhữ Bá Sỹ, hiệu Đạm Trai, quê Cát Xuyên, huyện Hoằng Hóa, Tỉnh Thanh Hóa sinh năm 1787. Ba mươi tuổi đậu Cử nhân khoa Tân Tỵ (1821) Minh Mạng thứ Hai. Ông làm quan tới chức Lang Trung, nhưng khi vào Quảng Ngãi coi thuế đường, ông mắc tội bị giáng chức, rồi vâng lệnh đi công cán sang Lữ Tống (Phi Luật Tân) và Quảng Đông cùng phái đoàn với ông Lý Văn Phức (1833).
Khi về ông được khai phục, bổ chức Huấn Đạo huyện An Lạc (1834) Bắc Ninh. (nơi đây ông gặp Nguyễn Chu Kiều và viết lời bàn truyện thơ Quân Trung Đối, năm ông 46 tuổi.)
Sau đó ông giữ quyền Học Chính Sơn Tây, sau thăng Giáo Thọ huyện Hoài Đức, ít lâu sau ông xin nghỉ về quê. Năm Tự Đức thứ sáu (1854) tiến ông lên Hàn Lâm trước tác và bổ ông làm Đốc học tỉnh Thanh, ít lâu sau ông lại dâng sớ xin về quê và ở nhà dạy học. Học trò ông nhiều người thành đạt. Ông mất năm Tự Đức thứ 20 thọ 80 tuổi. Hai con ông là Nhữ Dĩ Huyến đậu Cử nhân khoa Ất Mão (1856) năm Tự Đức thứ 8, và Nhữ Tri Thuật đậu Cử nhân khoa Canh Ngọ (1871)năm Tự Đức thứ 23.
Ông để lại nhiều trước tác : Dịch hệ giải thuyết, Đại Học đồ thuyết, Việt Nam tam bách vịnh, Thanh Hóa tỉnh chí, Việt hành tạp thảo, Nghi Am học thức, Nghi Am biệt lục. Đạm Trai thi văn tập. và Đạm Trai quan nghi.
Sau khi cụ Nguyễn Nghiễm mất, mẹ nào lo con nấy bà Nguyễn Thị Xuân, cùng hai con lui về Bắc Ninh làm nghề thuốc, cho nên chi họ Nguyễn Tiên Điền này không bị ảnh hưởng do bọn kiêu binh đốt dinh thự họ Nguyễn tại Thăng Long, và Tây Sơn làm cỏ, đốt phá làng Tiên Điền. Đời Minh Mạng có Nguyễn Toản đỗ Tiến Sĩ và là chi hưng thịnh nhất trong các con cháu. Chi họ này hiện nay ở Bắc Ninh còn giữ nhiều kỷ vật của cụ Nguyễn Nghiễm các bức hoành phi Dịch Tể Thư Hương do Chánh Sứ Vua Càn Long là Đức Bảo tặng năm 1761 và câu đối Lưỡng Triều Danh Tể Tướng, Nhất Thế Đại Nho Sư , khắc năm Mậu Thìn 1808. Và một bản in Truyện Kiều đầu đời Tự Đức , 1847 là bản cổ nhất mới tìm được
Chưa tìm thấy Nguyễn Nghi khi viết Quân Trung Đối dựa theo quyển tiểu thuyết nào của Trung Quốc. Nhưng trong truyện có tên các nhân vật : La Thành, Đậu Kiến Đức, La Nghệ, Đơn Hùng Tín. Những nhân vật trong Thuyết Đường Diễn Nghĩa , La Thông Tảo Bắc và có cả nhân vật Hoa Mộc Lan không cùng chung một thời đại. Truyện thơ Quân Trung Đối có thể là một hư cấu, mượn tên, và ghép nhiều chuyện vào với nhau.
Trong Thuyết Đường, hoàn toàn không có vị anh thư họ Đậu, Đậu Tuyến Nương chỉ có La Thành là anh hùng thứ bảy, con La Nghệ, họ La có hồi Mã Thương vô địch gia truyền, đoạt Trạng Nguyên Khôi trong cuộc thi khảo võ ở Giang Đô. là anh em họ Tần Thúc Bảo, cha của La Thông,. La Thành mắc kế độc của Kiến Thành, Nguyên Cát hại ngầm, chết năm 23 tuổi, trong trận đánh Lưu Hắc Thát ở ải Tử Kim, bị sa vào sình lầy và bị bắn chết. Trong Truyện Quân Trung Đối La Thành lại yêu Đậu Tuyến Nương trong chiến trận, mà mối tình trắc trở đến 5, 6 năm sau mới cưới nhau và sanh nhiều con, hưởng hạnh phúc lâu dài ?
Trong lịch sử Đậu Kiến Đức và La Nghệ đánh nhau tháng 9 năm 620.
Đậu Kiến Đức, Đơn Hùng Tín bị nhà Đường giết năm 621. La Nghệ làm phản bị giết năm 627.
Còn Hoa Mộc Lan là truyện thơ thời Bắc Ngụy (386-534), chuyện nổi tiếng người con gái giả trai, đi tòng quân thay cha mười hai năm mới trở lại quê hương.. Hoa Mộc Lan trong truyện lại xuất hiện thành em kết nghĩa với Đậu Tuyến Nương. Hoa Mộc Lan là một bậc anh hùng giả trai đánh giặc 12 năm, giỏi võ, từng trải việc đời, thế mà trong truyện chỉ vì sợ một tên man tướng ép duyên mới hăm giết cả họ hàng, mà phải nhảy xuống giếng tự tử ?. Nhân vật Hựu Lan em gái Hoa Mộc Lan là một nhân vật không có trong truyện Hoa Mộc Lan.
Đậu Kiến Đức trong Thuyết Đường, cậu ruột Lý Thế Dân, là một phản vương cuối đời Tùy, sau bị La Thành bắt sống ở Gia Tỏa Sơn cùng với bọn Vương Thế Sung và khi giải về gần đến kinh thành. Tần Thúc Bào theo mật kế Từ Mậu Công, nổi lửa đốt chết để trừ hậu hoạn. Theo sử, Kiến Đức bị chết chém. Nhưng trong Quân Trung Đối, Kiến Đức bị bắt ở ải Hổ Lao nhưng nhờ có Đậu Tuyến Nương liều mình xin tội cho cha, vua Đường cảm động lòng hiếu thảo của con gái tha tội cho xuất gia đầu Phật hoàn toàn khác hẳn với Thuyết Đường.
La Nghệ, Tần Thúc Bào, Đơn Hùng Tín đều có truyện trong chính sử. Trong Thuyết Đường danh tiếng họ càng lừng lẫy, nhất là Đơn Hùng Tín là nhân vật nghĩa khí khuôn mẫu, trong Quân Trung Đối cả ba chỉ đóng vai phụ.
Tề Quốc Viễn, trong Thuyết Đường chỉ là một tên tướng cướp xoàng ở núi Thiếu Hoa về sau được dự hàng trong 39 vị anh hùng kết nghĩa ở nhà Tần Thúc Bảo, nhưng về sau Thuyết Đường không thấy nhắc tới tên Tề. Trong Quân Trung Đối trở thành kẻ hành nhân đưa thư.
Tóm lại tên những nhân vật trong Quân Trung Đối, không phải là chuyện thật lịch sử, hay dã sử mà hoàn toàn mượn tên để tạo nên một chuyện khác.
Khi viết Truyện Quân Trung Đối, Nguyễn Nghi có nhiều ảnh hưởng Truyện Kiều, nên có nhiều câu ta không khỏi liên tưởng đến Truyện Kiều : ví dụ câu 14 : Mai thua cách quý, nguyệt nhường vẻ trong. Trong Kiều Nguyễn Du viết : Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da (câu 22)
Câu 42 : Đậu Công thoát đã động lòng bốn phương. Trong Kiều : Trượng phu thoát đã động lòng bốn phương.(câu 2214)
Câu 201 Cho hay một đoạn chung tình, Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong. Trong Kiều : Cho hay là giống hữu tình, Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong (Câu 243, 244)..
Vài ví dụ để thấy Nguyễn Nghi rất thuộc Kiều và bị ảnh hưởng chi phối bởi Kiều.
Về cốt truyện Kiều bán mình chuộc cha còn Đậu Tuyết nương dâng thư xin nhà vua Đường tha tội tội cho cha, vì hiếu mà được vua khen thưởng tha tội cho cha, và Hoàng hậu nhận làm con nuôi.
Kiều thanh y mấy lượt, thanh lâu mấy lần trải qua nhiều mối tình. Còn Đậu Tuyến Nương một da trung thành với La Thành, dù đính ước giữa cuộc chiến, và trải qua bao khó khăn hai bên đối nghịch nhau. Phải chăng đó là mục đính chính chủa Nguyễn Nghi khi viết truyện này. Nguyễn Nghi nói lên lòng mình sống trong nghề làm thuốc nơi thôn xóm An Lạc, Bắc Ninh, trung thành với vua Lê chúa Trịnh, dù khi nhà Trịnh sụp đổ Nguyễn Nghi chỉ mới khoảng 15 tuổi nên không tham dự kỳ thi nào, cũng không có một chức vụ nào. Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, ông 32 tuổi, ông không ra mặt dâng ngựa, binh lương và thủ hạ như Nguyễn Du khi nhà vua ra Bắc, ông cũng không ra thi cử khoa đầu tiên năm 1807 như nhiều sĩ tử Bắc Hà để ra làm quan với vua Gia Long. Khi con ông đỗ Tiến sĩ ông đã 62 tuổi. Có lẽ Nguyễn Nghi là người thọ nhất trong 12 anh em trai, các người khác chỉ sống khoảng trên 53, làng Tiên Điền có tục lệ 53 tuổi là ăn lão, mừng thọ lên lão làng.
QUÂN TRUNG ĐỐI:
Hồi thứ nhất : Đậu Tuyến Nương thay áo lánh sang quê người.
Về đời Tùy Đường, ở Bối Châu có Đậu Kiến Đức, con nhà dòng dõi, là một bậc anh hùng. Họ Đậu sinh một con gái tên gọi Tuyến Nương, nhan sắc đẹp tài giỏi, võ nghệ không ai bằng. Mồ côi mẹ, được cha yêu thương, nhưng nổi tiếng đẹp nên có tên trong sổ bị tuyển vào cung Tùy đế. Không đủ vàng hối lộ để khỏi bị tiến nạp vào cung nên Kiến Đức phải bảo nàng cải trang lánh sang ở tạm cùng con gái Đơn Hùng Tín là Ái Liên. Hùng Tín Nhị Hiền và Kiến Đức là bạn chí thân.
Ngồi rồi ngẫm sự xưa nay, 1
Thực ra khuôn tạo khéo tay thợ trời.
Sanh người ắt có từng đôi,
Lọc lừa cân nhắc chẳng sai tơ hào.
Trước ai đã biết thế nào,
Rồi ra đến lúc ghép vào mới hay.
Quyển vàng lần mở song mây,
Tùy - Đường lục cũ thấy đây rành rành.
Đời Tùy vào thuở thăng bình,
Bối Châu sớm đã trổi sanh anh hùng. 10
Vốn là họ Đậu nhà dòng,
Tên là Kiến Đức, tót trong bực thường.
Buồng đào sanh một Tuyến Nương.
Mai thua cách quý, nguyệt nhường vẻ trong.
Đoan trang vả có tư dung,
Chữ tài chữ sắc, dứt nhòng thuyền quyên.
Tuyết sương sớm rã chồi huyên,
Nhà thung nâng dấc giữ dìn một tay.
Như hoa xuân đã đến ngày,
Như hương chẳng đợi gió bay mà nồng. 20
Vua Tùy ngày mới sáu cung,
Phi tần chưa mấy má hồng thừa ân.
Chiếu ban mấy kẻ nội thần,
Kén vàng chọn ngọc xa gần đòi nơi.
Nghe nàng tư sắc khác vời,
Kể tên đầu sổ đòi người vào cung.
Túi tham tham chẳng hay cùng,
Hoàng kim trăm lạng, ướm lòng chẳng xuôi.
Dỡ dang khôn nhẽ tới lui.
Nàng vâng nghiêm phụ cũng dời chân đi. 30
Dậm trường tìm đến cố tri,
Tên là Hùng Tín, họ là họ Đơn.
Biểu danh tên chữ Nhị Hiền,
Vốn là bạn cũ kim lan một nhà.
Buồng hương sinh một tố nga,
Hoa sen nhường mặt đặt là Ái Liên.
Cùng nàng thế nghị nên quen.
Chị em hôm xóm kết nguyền đan tay.
Quê người lần lửa tháng ngày
Quang âm thánh thoát đã đầy hai đông. 40
Chú thích :
Song mây : vân song là phòng đọc sách, vân là một thứ cỏ thơm lấy hoa lá ép vào sách tránh mối mọt.
Thăng bình : thái bình, rất yên ổn.
Bối Châu nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Trực Lê.
Dứt nhòng : chữ xưa k là dứt hết. Dứt nhòng thuyền quyên : Trong hàng đàn bà đẹp không ai đẹp như vậy.
Rã chồi huyên : mẹ chết. Huyên là một loại cỏ trồng sau nhà để giải phiền cho mẹ. Kinh Thi « Yên đắc huyên thào, ngôn thụ chi bối. » Ước gì được cây cỏ huyên để bảo đem trồng nó đằng sau nhà.
Nhà xuân là cha, hay viết nhầm thành nhà thung. Thời thượng cổ có cây đại xuân , sống lâu, nhân đó gọi cha là nhà xuân, hay xuân đường, mong cha sống lâu như cây ấy.
Phi tần : vợ thứ nhà vua
Thừa ân : chịu ơn, được vua yêu
Nội thần : quan trong cung vua, còn nội giám hay thái giám, hoạn quan là người bẩm sinh á nam, á nữ hay bị thiến.
Cố tri : bạn cũ
Biểu danh : danh là tên chính, tự là tên nêu rõ đức mình ra.
Kim lan : bạn thân quý
Thế nghị bạn chơi vời nhau hết đời này sang đời khác.
Quang âm: ánh sáng và bóng tối.
Văn bản
bản C câu 27 đến 30 chỉ có hai câu :
Dùng bài hối hóa chẳng xong,
Lánh mình ông vội cùng nàng ra đi.
bản C câu 32, 33, 34 chép :
Có người họ Thiện vốn là bạn quen,
Biểu danh tên gọi Nhị Hiền ;
Cùng làngbhồ hải anh em một nhà.
Hồi thứ Hai
Đậu Kiến Đức dấy quân xưng Hạ Chúa.
Kiến Đức dấy nghiệp xưng Hạ Vương, đóng đô tại Lạc Thọ thành, lại cưới thêm một trắc thất họ Tào và phong Tuyến Nương làm Công chúa Dũng An. Tuyến Nương tự luyện riêng một đội nữ binh cho mình để giúp việc chinh phạt của cha và chưa nghĩ đến việc lập gia đình.
Chợt đâu binh lửa đùng đùng,
Đậu Công thoát đã động lòng bốn phương.
Gươm thiêng cờ nghĩa mở mang,
Hà Gian mấy quận binh lương đều về.
Điềm trời nhận được ngọc Khuê,
Dựng thành Lạc Thọ chính vì Hạ Vương.
Dan loan mới nối khúc Hoàng,
Hiền phi Tào Thị giữ giàng việc trong.
Định trăm quan đặt sáu cung,
Dũng An công chúa sắc phong cho nàng. 50
Lầu son ngày dệt thoi vàng,
Tuổi đà đôi chín sắc nhường một hai.
Thuyền quyên lại đủ mọi tài,
Nghề nhà cung ngựa, gấp người mười phân.
Năm trăm luyện tập nữ quân,
Từng đem đánh dẹp cõi gần phương xa.
Bông đào rờ rỡ vẻ hoa,
Lòng trên hằng ước nghi gia duyên lành.
Báu Tề ngọc Triệu còn dành.
Mũi tên bắn lọt tước bình chưa ai . 60
Những là cân sắc cân tài?
Những là binh giáp việc ngoài ngỗn ngang.
Chú thích:
Hà Gian: nay tỉnh Trực Lệ
Ngọc Khuê: Theo sử có người dâng Đậu Kiến Đức một chiếc ngọc khuê màu huyền, giống vua Vũ nhà Hạ, nên Đậu xưng là Hạ Vương.
Dao loan: thứ keo để gắn phím đàn. Tình nghĩa gián đoạn nay nối lại được.
Dũng An: Đạm Trai phê: phong tên thật lạ lùng chữ nam dưới chữ dũng, chữ nữ dưới chữ an, cốt để phần ba trai gái xảy ra thêm nhiều chuyện.
Báu Tề ngọc Triệu: người tài giỏi nước Tề, kẻ giàu có nước Triệu muốn cưới nhưng nhà gái chưa ưng thuận còn để dành đó.
Tước bình: Truyện Đậu Hậu Đường Thư chép: “Cha sinh ra Hậu, tên Đậu Nghị, thường nói: “Đứa con gái nầy có tướng lạ, vả kiến thức kẻ thường không sánh kịp, há nên cẩu thả, đem gả cho người.” Nhân vẽ hình hai con công (khổng tước) trên bức bình phong, mời những người đến cầu hôn bắn hai mũi tên, trong khi Đậu Nghị khấn thầm: “Ai bắn trúng mắt công sẽ gả.” Hơn mười người tới bắn đều không hợp cách. Sau rốt Lý Uyên đến, bắn mỗi phát trúng một mắt công, vì thế Hậu sánh duyên cùng Lý Uyên tức về sau thành Đường Cao Tổ. Do đó điển bắn lọt tước bình để trỏ việc kén rể, gả con.. Con công thuộc loại phượng, người sau nói bắn sẻ là lầm: Làng cung kiếm rắp tạm bắn sẻ (CONK)
Văn bản:
Hai câu 43, 44 hai bản A, B chép thành 4 câu :
Đất bằng một tiếng sấm vang;
Đòi nơi đất lở khói tan ù ù !
Một tay gây dựng cơ đồ,
Hà Nam, Hà Bắc mấy châu đều về.
Hồi thứ Ba
Đánh U Châu, trên ngựa hẹn duyên lành
Có sứ nhà Đường bên Tấn Dương tới ước hẹn với Kiến Đức cùng công phá Quan Trung: nhưng Tuyến Nương bàn với cha rằng sợ La Nghệ ở U Châu thừa hư đánh úp nên quyết kế dẹp yên mặt U Châu trước, rồi sau mới tính tới đánh Quan Trung. Nhưng quân tiên phong của Đậu Kiến Đức bị La Thành con La Nghệ đột kích phá trại. Vừa Tuyến Nương cùng đoàn nữ binh tiếp ứng tới nơi. La Thành trông thấy thầm khen tài sắc nàng. Hai người giao tranh trong hơn hai mươi hiệp ngang tay, nên cùng phục nhau vì tài và đem lòng cảm mến nhau. La Thành muốn thử lòng nàng, bèn bắn sang mũi tên đã vất bỏ đầu nhọn. Tuyến Nương đưa tay đón bắt, thấy có khắc tính danh La Thành, bèn đáp lễ bằng viên đạn vàng có khắc rõ tên họ nàng, bắn vào bông mũ La Thành.
La Thành đề nghị giải hòa và ngỏ lời cầu hôn. Tuyến Nương nói xin chờ lệnh vua cha. Hai bên giữ vật làm tin để đính ước rồi cùng thâu quân. Đậu Kiến Đức đem quân quay về đánh Quan Trung.
Thời gian trôi qua thấm thoát hai năm, hai bên La Thành và Tuyến Nương đều nặng tình thương nhớ nhau, song vì hai bên cừu địch nên khó liên lạc với nhau. Vừa có sứ Quan Trung là Tề Quốc Viễn đến mừng thọ La Nghệ sắp ra về. La Thành sực nhớ mình có người bạn tên Tần Thúc Bảo quen thân với Đơn Hùng Tín là chỗ thâm giao với Đậu Kiến Đức, chắc Thúc Bào có thể nhờ Đon Nhị Hiền giúp cho việc cầu hôn Tuyến Nương được. La Thành liền viết một bức thư trao cho Tề Quốc Viễn đem đưa lại cho Tần Thúc Bảo.
Chợt tin có sứ Tấn Dương,
Quan Trung cùng ước hai đường tiến binh.
Dưới cờ bàn chước Tây chinh,
Dạy nàng cũng phải lấy binh tùy tòng.
Gửi rằng : “Nay đánh Quan Trung,
Ắt là tướng mạnh binh ròng viện đi.
U Châu giáp cõi Bắc thùy.
La Công giữ đấy chưa về mệnh ta, 70
Nữa khi ngự giá phương xa,
Còn e mặt ấy ắt là thừa hư.
Lộ trình kể nhị tuần dư,
Ngoài chưa hẳn định lại chờ giữ trong.
Chẳng bằng đánh trước La Công,
Dẹp yên rồi tiến Quan Trung cũng vừa.”
Nghe lời tính lọt binh cơ,
Tức thì xuống lệnh trỏ cờ Bắc chinh.
Ruổi rong vừa tới Châu Thành,
Tiền phong mấy đội chia doanh lập đồn. 80
Chiêng vàng đã gác đầu non,
Trung quân Hạ chúa hãy còn ở xa.
Đồng hồ vừa quá canh ba,
Trên thành nghe tiếng thanh la mấy hồi.
Tư bề hỏa pháo dậy trời,
Doanh kia trại nọ bời bời bay tro.
Giữa trời sát khí mù mù,
Thiếu niên một tướng, ngựa ô giáp vàng.
Dọc ngang một cán thần thương.
Ra đâu giết đấy đã quang như tờ. 90
Phương Đông vừa sáng mờ mờ,
Nữ quân một đội kéo cờ mới lên.
Dưới cờ Công chúa đương tiên,
Tuyết đông lưỡi kích, ráng xuyên áo hồng.
Gió đưa sang sảng loa đồng,
Nghe dường lanh lãnh trên không tiếng thiều.
“Viên nào sao được lung lao ?
Nghĩ mình tay chấu, sức nào chống xe.
Nhác trông gai ốc sởn ghê,
Sao tư sắc ấy mà uy phong này ? 100
Lạ lùng con mắt xưa nay,
Người này mà bỗng gặp đây chẳng ngờ.
Nghĩ ra mới nhớ ngày xưa,
Nghe đồn rằng Đậu tiểu thư khác thường.
Dũng An Công chúa Tuyến Nương,
Tài trời sắc nước hai đường gồm hai.
Hẳn âu người ấy chẳng sai,
Chữ dung đã vậy, chữ tài thực chăng ?
Trước quân ra ngựa đáp rằng:
“La Thành tiếng cả đã lừng U Châu. 110
Dưới đời đâu chẳng biết ru,
Sức chi mà dám tranh đua cõi này ? “
Dứt lời trống trận dục ngay,
Bên giăng Nhất tự, bên bày Ngô công.
Bên thời một cán thanh long,
Bên thời song kích vẫy vùng dọc ngang.
Ruổi rong ra trước chiến trường,
Bên nàng ngựa bạch, bên chàng ngựa ô.
Thốt như rồng cuốn ù ù,
Thốt như chim luyện tuyệt mù xa xa. 120
Hai mươi hồi hợp vào ra,
Đo tài ai kém ai là bao lăm.
Đấy trông, đây cũng khen thầm,
Đây trông đấy cũng khó nhầm được nhau.
Tàn hồng đã dựng đỉnh đầu,
Trận quân kể mấy giờ lâu chưa dời.
Trên yên tài đã biết tài,
Dưới cờ người lại trông người mà mê ;
Dừng quân ra hiệu trống kỳ,
Trêu người hầu lấy chước gì cho nên. 130
Cầm cung chàng bẻ mày tên,
Trương cung mới bắn thử xem ướm lòng.
Bên tai thoảng tiếng giây cung,
Tên kia đã bắt vào trong tay nàng.
Nhìn xem thấy chữ rõ ràng,
La Thành tên họ nét vàng chưa phai.
“Tên này há phải bắn chơi ?
Mày tên sao lại kiêng người bẻ đi ?
Chừng trong trăm bước xa gì,
Biết lòng mà lại để chi bận lòng !” 140
Vén tay mới ráng cánh cung,
Dè chừng đỉnh mũ trong vòng bắn sang.
Chóp vàng cất lấy đạn vàng,
Nhặt xem thấy chữ Tuyến Nương rành rành.
Trên tay hạt ngọc liên thành,
Đạn này ắt cũng có tình chẳng không.
Tiện đây chẳng chút cạn lòng,
Người này hầu dễ tương phùng mấy phen.
Thừa cơ mới tiến dần lên,
Rằng : “Nhà ta vốn trấn biên Bắc thùy, 150
Cõi ai xâm lấn chưa hề,
Chẳng hay lân quốc việc gì sang đây ?
Bốn phương quân lũy còn đầy,
Tranh hành chi vội cõi này dậu phên ?
Dám xin ngã giáo, dừng yên,
Cùng hòa hai nước cho tuyền ba quân.
May sao nên nghĩa Tấn Tần,
Chọn ngày hương lửa hòa thân dưới thành.”
Thọt nghe nàng đã lọt tình,
Lựa lời người, lấy ý mình đáp sang. 160
Thưa rằng: “ Lợi hại đôi đường,
Một lời dẫn dụ nhẽ thường đã ghi.
Lời xưa có chữ chiến nguy,
Lòng này há phải có chi tranh hành.
Chỉn nay vâng mệnh đánh thành,
Bài hòa chưa dám một mình quyết nên.
Dù khi cuốn giáp cởi yên,
Thế nào thời cũng tại trên Phụ hoàng. “
Nghe lời như gợi gan vàng,
Tìm lời căn vặn nói sang quyết tình. 170
“Đã rằng chẳng muốn binh tranh,
Một lời hổ có chứng minh hai vừng.
Nàng nghe chưa kịp nói năng,
Đoái trông quân tiếp sau lưng đã gần.
Một hồi trống dục thu quân,
Vừng ô lãng đãng đã vần sang Tây,
Chàng rằng: “Vội ruổi chia tay,
Vật chi để lấy lời này làm ghi ?
Thưa rằng: “Nào biết lấy gì ?
Đạn vàng ở đấy, đây thì đã tên.” 180
Chàng còn thề thốt cần quyền,
Một lời bái biệt, muôn nghìn ái ân.
Dặm trường nàng đã thu quân,
Trông theo nàng hãy tần ngần như ngây..
Ngọn cờ phơi phới gió lay,
Dưới cờ chân ngựa cát bay mịt mù.
Thẳm chừng mới giở ngựa ô,
Mấy hồi trống dục quân thu về thành.
Nàng thì về tới quân doanh,
Dưới màn mới gửi quân tình vân vi. 190
Dạy rằng: “Ta vốn đã nghe,
La Thành tên ấy khéo nghề dụng binh;
Quân ta đã đột tiên thanh,
Chẳng nên lâu đóng cửa thành làm chi.
Âu là ta trở quân về,
Tây chinh ta quyết một bề cho xong.
Tới khi đã được Quan Trung,
Thời U Châu đã ở trong tay rồi. »
Quân trung mới phát hỏa bài,
Truyền cho các đạo trong ngoài hồi binh . 200
Cho hay một đoạn chung tình,
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong.
Dưới thành đã giản việc nhung,
La Thành luống hãy bên lòng ngổn ngang.
Người đâu tài sắc mọi đường,
May đâu trong áng chiến trường gặp nhau.
Giao tranh ra mặt địch cừu,
Giáp binh chưa dễ bắt cầu sông Ngân;
Trăm năm đành cậy xoay vần,
Việt Hồ đã vậy, Tấn Tần còn sai. 210
Bạn ta xảy nhớ một người,
Có Tần Thúc Bảo quen nơi Nhị Hiền.
Nhị Hiền từ thuở thanh niên,
Vốn cùng Hạ Chúa kết nguyền giao ca.
Việc này như giúp cho ta,
Thì hai người ấy hoặc là nên chăng.
Bằng nay binh lửa tưng bừng,
Xa xôi ai kẻ trông chừng trao tin.
Tháng ngày thấm thoát như tên,
Hai thu lòng những tấc nguyền trông mong. 220
May vừa có sứ Quan Trung,
Mới sang hạ thọ La Công chưa về.
Nguyên người sứ ấy họ Tề,
Với Tần Thúc Bảo vốn thì bạn quen.
Lòng mừng nay được thông tin,
Hay đâu chẳng bởi thiên duyên xoay vần.
Vội vàng sai đón hành nhân,
Phong thư một bức ân cần trao tay.
Rằng phiền đưa bức thư nầy,
Nên chăng thì cũng kíp chầy báo tin.” 230
Hành nhân chịu lấy vân tiên,
Dặn dò chàng hãy cần quyền một hai.
Chú thích:
Tấn Dương: nay là huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây nơi khởi nghĩa Đường Cao Tổ
Quan Trung: nay là phần đât tỉnh Thiểm Tây, ở khoảng giữa bốn cửa ải: Đông: Hàm Cốc, Tây Tản Quan, Bắc Tiêu Quan, Nam Vũ Quan.
Binh ròng: binh chính quy, đã luyện tập chu đáo.
U Châu thuộc đông bắc tỉnh Trực Lệ và tây bắc tỉnh Phụng Thiên(Hà Bằc và Liêu Ninh ngày nay)
Bắc thủy: ven cõi phía bắc
Nhất tự: chữ Nhất. Một lối bày binh hàng ngang, thẳng dài như chữ nhất.
Ngô công: con rết. Một lối bày trận cong queo, thụt vô, thụt ra như con rết.
Chưa về mệnh ta: chưa thần phục ta.
Thừa hư : thừa lúc vô tình không để ý.
Lộ trình : đường mình theo mà đi.
Sát khí : cái khí âm u, sầu thảm, chém giết của chiến tranh.
Tranh hành : hành là cân, đồ dùng để làm cho ngang bằng nặng nhẹ. Tranh hành là giành giựt lấy cái thế nặng nhe hơn thua.
Tấn Tần : Hai nước đời Xuân Thu, nhà vua hai nước thường mấy đời kết hôn với nhau. Đây nói hai họ kết hôn
Hoà thân : cùng nhau quyết định không tranh giành nhau cùng nhau kết hôn
Câu 161 -162 Đạm Trai phê : Xét cho cùng La Thành chỉ cầu « thành »( lứa đôi) mà Đậu Tuyến Nương cũng khéo dẫn « sợi chỉ » tình. « tuyến ») Đạm Traio chơi chữ hai chữ Tuyến và Thành.
Cần quyền : Tha thiết, khẩn hoản gắn bó.
Hỏa bài : bài bằng gỗ dùng để truyền lệnh.
Áng : Nơi , chốn.
Việt Hồ : Việt ở phía Nam, Hồ ở phía Bắc, ý nói xa xôi cách trở
Đã đột tiên thanh : đã được tiếng trước giành trước được sự tấn công bất chợt rồi, thì phải rút lui, ở lâu lại có nhiểu nguy hiểm.
Hành nhân : người đi sứ.
Văn bản :
Bản C Câu 90 đổi hẳn đi rồi tiếp theo 10 câu, sau mới đến câu 91.
Hạ quân phi báo đồn trung,
Bài sai các đạo đều cùng tiến lên.
Nàng rằng : « Con chuột nhỏ nhen,
Vội gì đã rán nỏ ngàn cân chi.
Tôi tuy phận mọn nữ nhi,
Dưới màn vả dự truy tùy việc binh.
Xin đem một đội đến thành,
Thử xem gặc ấy binh tình những sao ? “
Biết con tài chẳng sút nào,
Lấy cờ lệnh tiễn bèn trao bấy giờ.
Phương Đông vừa..
Từ câu 113 đến câu 120 hai bản A, B chép:
Phải ra tay trước, phen nầy mấy xong,
Ầm ầm dục ngựa hoa đồng,
Như rồng cuốn nước, như hồng bay mây.
Thuyền quyên đã dám ra tay,
Ngứa con mắt mới, trang đài tướng quân.
Đùng đùng gió cuốn bụi trần,
Dọc ngang một cán thương thần xông pha.
Câu 203-232 hai bản A, B thâu ngắn 30 câu còn có 8 câu:
La Thành từ giở về nhà,
Đường kia nỗi nọ xiếc là ngỗn ngang.
Người sao gặp gỡ giữa đường,
Phận sao đôi ngã Sâm Thương cách vời.
Tình sao dễ ngán, khôn lời,
Vội sao chưa kịp một nhời riêng tây.
Nỗi niềm khôn gượng làm khuây,
Ngày dài nằm suốt sầu đầy bể vơi.
Hồi thứ Tư
Đánh Diêm cương trong trận được tin hay
Phần Đậu Tuyến Nương ngày đêm thương nhớ La Thành, nàng xin cha đi hành hương một ngôi chùa núi Tây. Trên đường về đến đồi Diêm Cương, gặp một đoàn quân người Đột Quyết, hai bên đánh nhau, nàng giải thoát được được hai viên tướng tù binh. Tra hỏi một tên là Hoa Mộc Lan, nữ cải nam tòng quân thay cha. Tuyến Nương cảm lòng hiếu thảo nên cùng nhau kết nghĩa chị em. Còn tướng kia lại là Tề Quốc Viễn từ Quan Trung đi mừng thọ La Nghệ về. Muốn tỏ tình ngay Tề trình bức thư La Thành.
Tuyến Nương xem thư mới rõ La Thành nhờ Tần Thúc Bảo, Đơn Hùng Tín mai mối cho nàng và La Thành. Biết câu chuyện không thành tựu vì hai họ đang tranh chấp thù địch, nàng không thể ngỏ với cha nên Tuyến Nương quyết hy sinh. Nàng tráo thư sửa lại là La Thành nhờ làm mối Ái Liên con Đơn Hùng Tín. Nhưng trong lòng nàng buồn khổ vô cùng.
Tình này há chỉ riêng ai,
Chung tình ắt củng có người tình chung.
Nàng từ trở ngọn cờ hồng,
Ly sầu một gánh chất chồng yên câu.
Đeo sầu về chốn trang lâu,
Ngày chày bóng ác, đêm thâu ngọn đèn.
Dấu tình ai để chiếc tên
Biết bao bể hẹn non nguyền ở đây. 240
Nhớ người quên cả tháng ngày,
Xuân qua hạ lại đã đầy hai đông.
Chước nào khuây khỏa tấm lòng,
Sầu nầy đợi gỡ cho xong còn chầy.
Có chùa nghe ở non Tây,
Thừa nhàn nàng mới định ngày hành hương.
Dưới màn thỉnh chỉ Phụ vương,
Một chi binh mã ruổi sang rừng thiền.
Cầm thông, phách suối, mõ quyên,
Tưởng chiều bát ngát, xui nên bồi hồi. 250
Tham thiền, hành lễ đã rồi,
Ra về vừa tới đỉnh đồi Diêm Cương,
Thì vừa Đột Quyết binh sang,
Giáp công một trận sấm vang nửa ngày.
Một cơn ngói vỡ tro bay,
Hai tên tướng giặc bắt ngay trận tiền.
Đem về tra hỏi họ tên,
Một tên vào trước vẻ xem khác thường.
Mảnh đào phân phất hơi sương,
Mặt hoa lóng lánh dưới gương Quảng Hàn . 260
Khấu đầu bày tỏ nguồn cơn.
Họ Hoa dòng bé, Mộc Lan tên hèn.
Nữ nhi đâu việc cung tên,
Liều mình ra chốn trận tiền thay cha.
Lạc loài chút phận dã hoa,
Muôn trông mưa tưới móc sa thế nào. »
Khen rằng : « Tên họ lạ sao !
Hoa nào hơn vẻ, lan nào đọ thanh.
Trọng vì một tấm hiếu thành.
Phòng khuê ta kết bạn lành chị em. » 270
Truyền cho đổi áo thay xiêm,
Thị tỳ ra rước nàng lên trên nhà.
Một tên sau lại hỏi tra,
Đem vào tới trước thềm hoa thoắt quỳ.
Rằng là : « Quốc Viễn họ Tề,
Tôi Đường nhỏ mọn, chức thì Hộ quân .
Nay thời làm kẻ hành nhân,
Sai sang hạ thọ lão thần Lã Công.
Lễ rồi trở lại Quan Trung.
Đường về xảy gặp giữa trong chiến trường. 280
Lượng trên dù chẳng xét tường,
Tờ La công tử rõ ràng còn đây. »
Đâu điều thốt chạm niềm tây,
Mượn điều thử lấy tờ này xem qua.
Dưới đèn vừa mở tờ hoa,
Nào hay trong ấy lại ra việc mình.
Kể từ những thuở đánh thành,
Kể từ những thuở đinh ninh thề nguyền.
Chỉ hồng chưa kẻ dắt duyên,
Vậy xin Thúc Bảo, Nhị Hiền giúp công. 290
Liền tay mở mở phong phong,
Hàng hàng chữ gấm, giòng giòng hạt châu.
Quan sơn chống vác bấy lâu.
Xa xôi ai biết còn đâu lòng nầy.
Đã điều tranh đánh bấy nay.
Hòa thân ai giúp việc này cho nên.
Dẫu mà nhắn cậy Nhị Hiền,
Tơ duyên chưa dễ trao bên mặt thù.
Tình riêng chút nỗi hẹn hò,
Dám đem làm chuyện mà thưa Phụ hoàng. 300
Thôi thôi ra sự quải gàng,
Lửa hương nguyền ấy nợ chàng thân sau.
Phận ta dầu vậy cũng dầu,
Để người chiếc bóng bên cầu sao yên.
Bạn ta có một Ái Liên,
Tuổi xanh còn chửa định nguyền thất gia.
Ví đem người ấy thay ta,
Bên tài bên sắc cũng là vừa đôi.
Tiện đây ta đổi một lời,
Lấy người nghĩa cũ đển người tình riêng. 310
Bút hoa bèn thảo vân tiên,
Cậy Tần Thúc Bảo đưa tin Nhị Hiền.
Rằng: “Xin hỏi lấy Ái Liên,
Để cùng công tử kết duyên Tấn Tần.
Thư rồi lại phó hành nhân,
Thêm cho ngân lạng, trung quân tha về.
Ai thêu ra mối tình chi ?
Dứt đi, mà lại bề bề chưa xong.
Dưới đời dễ mấy anh hùng,
Trăm năm một hội tương phùng dễ sao ? 320
Tên, cung còn dấu ước giao,
Duyên ai mà lại xe vào cho ai !
Sầu trong tỏ nét ra ngoài,
Vẻ đào nhường lợt, vóc mai thêm gầy.
Ngỗn ngang tình nọ, nỗi nầy,
Phụ Vương nay lại định ngày Tây chinh.
Nàng thời hơi dịu dịu mình,
Bàn cùng Tào hậu lấy binh giữ thành.
Chú thích:
Ly sầu: nỗi buồn rầu vì thương nhớ chia lìa cách biệt nhau.
Yên câu: yên ngựa non, hai tuổi khỏe mạnh, chạy mau.
Thừa nhàn: nhân lúc thong thà.
Hành hương: đi lễ chùa.
Tham thiền: học phép thiền định, yên lặng chuyên nhất tư tưởng.
Câu 247, 248 Đạm Trai phê:” Khổ vì tình ! Phật hay cứu khổ, nên không thể đem mối tình ra giải bày với Phật, nghĩ Đậu Tuyến Nương cũng thực đáng thương !”
Đột Quyết: giống người ở các sa mạc phía Bắc Á Châu đời Tùy Đường sau bị Hồi Hột tiêu diệt phải dời sang Trung Á rồi tiến vào Tiểu Á. Dưới đời Minh diệt Đông La Mã dựng nên nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáp công : hai bên quân địch ráp gần đánh nhau.
Câu 253, 254. Đạm Trai phê: « Lần trước đánh được tên công tử La Thành, lần sau đánh được thư công tử. Đại để Tuyến Nương lợi ở đánh. Cười ! »
Dã hoa : bông hoa ngoài đồng nội.
Hộ quân : chức quan võ đời nhà Tùy, phó tướng, Hổ Bôn lang tướng.
Chiếc bóng bên cầu : lấy ở điển Vĩ Sinh, ước hẹn với một người con gái ở dưới cầu, bạn gái không tới, nước triều lên, Vĩ Sinh chết đuối. Ở đây Tuyến Nương cho rằng để La Thành phải chờ đợi mình không thể nào yên dạ.
Thất gia : Thất là nơi chổ ở của vợ chồng, gia là nói chung toàn phần ở bên trong cánh cửa.
Phó : giao cho
Ngân lạng : bạc đúc thành lượng, mỗi lạng cân 37,783 gr.
Tương phùng: gặp gỡ nhau.
Câu 323, 324: Đạm Trai phê:” Một khối tình muốn làm tan đi không được, muốn vứt bỏ điu không đành sự việc vốn phải nên như thế.”
Văn bản:
Câu 319, 320 hai bản A, B chép :
Duyên này sau có hay không,
Thời rằng trước chẳng đèo bồng phải nao.
Hồi thứ Năm
Đậu Kiến Đức một trận, bị bắt ở Hổ Lao.
Đậu Kiến Đức xuất binh Tây chinh, tiến về ải Hổ Lao, vừa qua Ngưu Khẩu bị quân Đường đánh úp. Lỡ cơ thất trận, để tránh cho ba quân không bị tàn sát Đậu Kiến Đức ra hàng và bị bắt nhốt vào xe tù. Được tin chồng bị bắt. Tào Thị dặn dò mọi việc lại với Tuyến Nương rồi uống thuốc độc tự tử.
Cho hay một ngọn lửa huỳnh,
Sáng chi là mấy, mà tranh mặt trời. 330
Tuế tinh ứng tượng có nơi,
Lòng trời nhường ấy, sức người được sao ?
Hạ Vương từ chỉ ngọn đào,
Ba quân thẳng ruổi Hổ Lao cõi ngoài.
Vừa qua Ngưu Khẩu dặm dài,
Quân Đường đâu đã ngất trời kéo ra.
Anh hùng khi đến thế sa,
Thà mình chịu khuất, chẳng thà hại quân.
Bá, Vương ra mặt hàng thần,
Hạm xa cầm ở trung quân nhà Đường. 340
Nghe tin Tào hậu kinh hoàng,
Dưới cờ đòi lại nhủ nàng đinh ninh.
Rằng : “Từ đức bác dấy binh,
Năm thu phá trận đánh thành như chơi.
Hưng vong việc ấy bởi trời,
Anh hùng ắt chẳng phải người tôi ai .
Chị thời trước xuống tuyền đài.
Đón chờ xe hạc, theo đòi dấu tiên.
Phận ai tòng nhất đã yên,
Sau này xử biến kinh quyền mặc em !” 350
Thôi thôi thay đổi áo xiêm,
Chuốc đầy chén ngọc nằm im giấc vàng.
Chú thích:
Lửa huỳnh: lửa đom đóm
Tuế tinh: Sao Mộc, sao Thái Tuế, dùng để bắt đầu tính vòng 12 năm.
Ứng tượng: điềm thiên nhiên báo trước, phù hợp một việc, một biến cố xảy đến.
Hổ Lao: tên đất xưa nay tây bắc huyện Thành Cao, tỉnh Hà Nam. Vua Mục Vương nhà Chu ra Tr(nh phố đi săn. Cao Bôn Nhung bắt sống được cọp đem dâng. Vua sai nhốt vào cũi nuôi ở Đông Ngu. Về sau đất ấy có tên là Hổ Lao.
Hạm xa: xe tù
Câu 337, 340 Đạm Trai phê: “Hạ Vương chính tự mình đem quân giúp Vương Thế Sung, thanh thế lừng lẫy, chưa từng bị thua thiệt hư hao, thế mà chỉ một phen đỗ ngã đến nổi bị cầm tù, thực là trời xanh xui khiến vậy. Nhưng Hạ Vương có bị thất bại thì Quân Trung Đối mới nên chuyện được.”
Đức bác: Đức là tôn kính, bác là cha (Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em), ở đây chỉ vua cha.
Tuyền đài: phần mộ tức hoàng tuyền: suối vàng, cửu tuyền: chín suối.
Câu 348: Tào Hậu tin chắc rằng anh hùng như Kiến Đức ắt không chịu khuất phục Lý Thế Dân đành cam một chết.
Tòng nhất: do câu Tòng nhất chi chung: người đàn bà chỉ lấy chồng một lần mà thôi.
Xử biến kinh quyền: gặp việc xãy ra khác thường, tùy ý Tuyến Nương, muốn xử theo phép thường (kinh) hay cân nhắc rồi xử trái với phép thường (quyền) cũng mặc.
Câu 347-352: Đạm Trai phê: “Tào Phi chết trong sạch, thực đáng kính mà cũng đáng thương. Tuy nhiên Phi không chết thì sau này Tuyến Nương không có chỗ vin vào để chờ mối duyên lành và để cho Quân Trung Đối thành chuyện được. Vậy đây chính là chỗ văn chương thắt nút, người đọc chớ sơ ý bỏ qua.
Văn bản:
Hai câu 329, 330 bản C chép là :
Cho hay nhửng thủa binh tranh,
Tóm thâu bầy mạnh đã sanh một người.
Sáu câu 337 -342 bản C chép:
Hạ quân khi đến thế sa,
Dẫu là tài mạnh, dầu là trí cao.
Tiếc cho một đấng anh hào,
Hạm xa cũng dễ nhốt vào như chơi.
Nghe tin Tào hậu rụng rời,
Đòi nàng dặn lại mọi lời đinh ninh.
Hai câu 345-346 bản C chép:
Số trời dấy mất là thường.
Anh hùng ắt cũng liệu đường sớm mai.
Hồi thứ Sáu
Đậu Tuyến Nương một mình vào lạy trước sân rồng
Đậu Tuyến Nương giải tán đội nữ binh và cùng Mộc Lan vào bệ kiến vua Đường để xin chịu chết thế cha. Vua đường ngợi khen lòng hiếu thảo, tha tội cho Đậu Kiến Đức, Kiến Đức tạ ơn xin đi tu. Vua Đường ban cho một cảnh chùa. Đậu Hoàng Hậu nghe chuyện đòi nàng vào. Hỏi rõ thân thế hoàng hậu nhận Tuyến Nương làm cháu. Nàng lạy tạ ơn và xin về cư tang Tào Thị. Hoàng hậu cho phép và cấp thêm hành lý và trăm lượng vàng. Tuyến Nương gặp cha, khóc lóc và chia tay.
Một cơn tang sự vội vàng,
Chợt tin đã thấy quân Đường tiến sang.
Năm trăm thị nữ sắp hàng,
Then lầu sịch mở, lịnh nàng truyền ra.
Rằng: “Năm thu dưới cờ ta,
Đông tây rong ruổi những là chúng ngươi.
Nay dầu thua được bởi trời,
Bó tay cũng chửa chịu người uổng danh. 360
Thất cơ phải khuất vì tình,
Còn toan một trận bội thành sao nên.
Nầy đây ngân lạng năm nghìn,
Cấp cho ai nấy về yên nghiệp nhà.
Rồi đây lui tới mặc ta,
Cơ trời tan hợp hoặc là mai sau. »
Vâng lời sùi sụt trông nhau,
Dưới sân răm rắp khấu đầu giở ra.
Ghé bên mới dạy nàng Hoa :
Rằng : « Trong tình nghĩa một ta với nàng, 370
Đánh liều nay đến quân Đường,
Thân ta đã vậy, ý nàng ngại chăng ? »
Lạy rồi Lan mới thưa rằng :
« Nghĩa trong thầy tớ tình bằng chị em,
Dẫu là sống thác cũng cam,
Dám đâu gặp bước gian nan ngại lòng.
”Trước sau bàn bạc vừa xong,
Áo xanh đổi lốt đều cùng ra đi.
Dần dà mới đến Đế Kỳ.
Soing song vóc liễu cùng quỳ sân đan. 380
Dưới trời đánh tiếng tỏ oan:
“Con hèn Kiến Đức, thân tàn Tuyến Nương.
Nhà Tùy khi lỗi mối giường,
Cha tôi mong cứu một phương lửa nồng.
Ngôi trời đã tỏ tượng rồng,
Chậm chân hiệu thuận ra lòng bất cung.
Gẫm rằng lời “hậu phu hung”
Lọt ngoài thanh giáo, cam trong điển hình.
Xót vì phụ tử thâm tình,
Báo ân cả dám lấy mình thay cha. 390
Muôn ngàn nhờ đức thiên gia,
Đổi cho nhất tử cũng là tái sinh. »
Ngự nghe tấu đối phân minh,
Khen rằng : « Hiếu tử Đề Oanh khác nào.
Lượng dung há có quản bao,
Ban tha Kiến Đức, cho vào trước sân.
Rằng : “Ta đất Tấn dấy quân,
Trên vâng mệnh cả dưới nhân lòng người.
Kình nghê đâu dám nép hơi.
Bốn phương đâu chẳng làm tôi một nhà. 400
Ngươi còn chống mệnh cõi xa,
Việt vàng, búa sắt, tội đà chẳng oan.
Nỗi niềm nghĩ lại nên thương,
Nhiêu sinh ta cũng tòng khoan phép thường.
Bấy lâu cờ, tán dọc ngang,
Nay làm phên dậu một phương thế nào ?”
Tâu rằng: “Che chở lượng cao,
Hiếu sinh đức ấy biết bao là ngần !
Sự đời nghĩ lại phù vân,
Thôi còn dám tưởng có thân phận nào. 410
Ơn trên mưa móc đã dào,
Xin ra nhân thế mà vào thiền môn.
Dưới trời đâu cũng tôi con,
Cỏ cây đâu cũng nước non một nhà.”
Ban rằng : “Cõi thế như hoa,
Đua tranh Vương, Bá cũng là chiêm bao.
Ngôi trời ai chẳng rằng cao,
Ta xem chẳng biết chừng nào gian nan.
Phúc chi bằng chữ thanh nhàn,
Lòng người đã vậy, nhà quan hẹp gì.” 420
Truyền ban một cảnh trú trì,
Sai quan hộ tống cho đi bạn cùng.
Một phen úy lạo thung dung,
Áo sa ban trước, điệp rồng ban sau.
Tin trong chợt xuống dưới lầu,
Ban đòi hiếu nữ vào chầu Hậu phi.
Vâng lời chẳng dám trù trì,
Theo chân thái giám cùng đi bấy giờ.
Cung lầu lặng ngắt như tờ,
Gió êm trướng hạc, hương đưa cánh gà. 430
Tiếng vàng sang sảng lầu hoa.
Hỏi rằng: “Đôi ấy ai là Tuyến Nương ? “
Tâu rằng: “Bèo bọt phận thường,
Muôn trong đoái đến đủ thương một lời .”
Ban rắng: “Một nữa là ai ?
Họ hàng hay kẻ tôi đòi đó ru ? »
Tâu rằng : « Người ấy viễn chu,
Mấy tôi từng trải ba thu kết nguyền.
Họ Hoa, Lan ấy là tên,
Tình cùng xương thịt nghĩa nên tôi đòi . » 440
Khen rằng : « Đôi ấy đáng đôi,
Nữ trung chưa dễ có người là ba.
Tuyến Nương họ Đậu, họ ta,
Nhận là con cháu một nhà trong thân.
Ở đây khuya sớm cho gần,
Rồi ra sẽ liệu nhắc cân hảo cầu. »
Tiểu thư ren rén quỳ tâu :
Ơn dày muôn đội trên đầu xanh xanh.
Thiên binh thuở nọ tiến thành,
Dì tôi quá sợ, liều mình trước tôi. 450
Phận hèn may thấy mặt trời,
Lấy gì đền lại cho người thiệt đi.
Rộng dung xin được trở về,
Lều tranh hương khói giữ lề ba năm.”
Thương tình trên chẳng nhẽ cầm.
Cấp cho hành lý hơn trăm lạng vàng.
Tạ ân ra cửa vội vàng,
Đậu Công còn đợi tin nàng chưa đi.
Chiến bào đổi dạng tăng y,
Hãy còn mặt sắt đen sì như xưa. 460
Cảm cơn gió bể rừng mưa,
Ngập ngừng đòi trận, vò tơ ruột tằm.
Dạy rằng: “ Trong chữ tình thâm,
Ví mà giở nỗi thương tâm xiết gì !
Đành cơn nương bóng cung vi,
Rừng thiền nấn ná qua thì mặc cha.
Nỗi tình còn chút việc nhà,
Dì con đã thoắt vì ta thiệt mình.
Sao cho sinh tử kiến tình,
Cậy con lo lấy cho đành lòng cha.” 470
Nghe lời tầm tả châu sa,
Lạy rồi còn chửa nói ra nên lời.
Chú Thích :
Bội thành : bội tín
Đế kỳ : kinh đô nhà vua.
Sân đan : sân vua, dùng cát đỏ để trát.
Hiệu thuận : hàng phục, theo về.
Bất cung : không kính trọng
383-386 Đạm Trai phê : « Ngay thẳng mà uyển chuyển, chất phác mà đau thương, lời nói thực diệu kỳ, tác giả tỏ ra thấu hiểu chổ tinh hoa trong thư nàng Đề Oanh và trong bài trần tình biểu. Văn hay tuyệt. »
Hậu phu hung : kẻ đến sau thì dữ, không được tốt lành.Thanh giáo : do chữ thanh quy giáo hóa. Kinh Thư thiên Vũ Cống : Thanh giáo ngật vu tứ hải. Uy thế và việc dạy dỗ (nhà vua) cảm hóa lòng người đã tới khắp bốn biển.
Điển hình : hình phạt thi hành theo phép thường.
Phụ tử thâm tình : tình sâu xa giữa cha con.
Thiên gia : Hoàng đế.
Đề Oanh: Con gái nhỏ quan Lệnh Thái Thương đời Hán là Thuần Vu Ý chỉ sinh 5 gái. Đời Văn Đế, Ý phạm tội có chiếu chỉ bắt về Trường An. Ý than thở: Sinh con gái chẳng sinh con trai, gặp việc khó khăn thực là vô ích. Đề Oanh khóc lóc theo cha tới Trường An, dâng thư xin đem thân vào nhà quan làm tỳ nữ để vì cha chuộc tội.. Vua thương hạ chiếu miễn tội và tha cho.
Việt vàng, búa sắt: phủ là cái rìu, việt: cái búa lớn vật tượng trưng cho uy quyền thiên tử dùng để trị hình phạt nặng.
Nhiêu sinh: tha cho được sống.
Tòng khoan: theo lối rộng rải, có độ lượng bao dung được nhiều.
Điệp rồng: văn thư về việc quan nhà vua cấp cho.
Câu 421 - 424. Đạm Trai phê: “Trước đây Tuyến Nương tham thiền, ấy là muốn gột rửa cho sạch mọi điều phiền não trong vòng sắc giới. Bây giờ Kiến Đức quy y, ấy là muốn tìm sự tịnh diệt, cắt dứt lòng trần trong cảnh khổ . Xa xa trước sau chiếu ứng, văn viết có ý vị, cực hay .”
Hậu Phi: vợ vua.
Viễn chu: châu xa. một khu vực hành chánh địa lý. Phép nhà Chu định 2500 nhà là một châu, châu còn có nghĩa là làng trong chữ châu lý.
Hảo cầu: tốt đôi, đẹp đôi. Kinh thư: Thục nữ yểu điệu, quân tử hảo cầu.
Cung vi: nơi ở bà Hậu phi
Kiến tình: thầy rõ tấm lòng.
Trù trì: dùng dằng, do dự.
Văn bản:
Bản C sau câu 420, đổi chép như sau:
Có chùa ở viễn châu kia,
Một bầu trời quạnh bốn bề non cao.
Trần ai chẳng bá chút nào,
Cho người cảnh ấy tiêu dao mặc lòng.
Hồi thứ Bảy
Về nước cũ, con gái trả nghĩa bà Phi hiền
Tuyến Nương về Lạc Thọ, cảnh nước mất nhà tan, gợi bao niềm thương cảm. Nàng cư tang thủ hiếu. cùng Mộc Lan bên mồ Tào Thị. Ngày đem sầu khổ hết lo nghĩ cho cha đến thương nhớ La Thành.
Sụt sùi quán khách đêm dài
Tiếng gà đâu đã giục người sinh ly.
Người thời đến cảnh trú trì,
Người thời lại gót trở về cố kinh.
Ngại ngùng một bước trăm tình,
Mây xanh nửa đám, cỏ xanh đòi chòm.
Trùng trùng kìa nước, nọ non,
Càng khơi dặm liễu, càng chồn bước hoa. 480
Thành đâu chất ngất nẻo xa,
Này là Lạc Thọ đất nhà phải chưa ?
Giang sơn còn đó trơ trơ,
Nào nền Vương Bá bây giờ đâu đây ?
Cầu sương in dấu chân giầy,
Xe loan ta những lối rày vào ra.
Đìu hiu nội cỏ ngàn hoa,
Nào là yến cũ, nào là oanh xưa.
Tưởng bây giờ với bao giờ,
Mơ màng giấc mộng, nửa ngờ nửa tin. 490
Chuông đâu văng vẳng mái chiền,
Ngỡ là doanh lũy còn truyền canh điêu.
Địch đâu réo rắc bên đèo,
Ngỡ là tiếng giốc ban chiều thu quân.
Những là nghĩ ngợi xa gần,
Cửa thành thoát đã dần dần tới nơi.
Nhìn xem vật đổi sao dời,
Xiết bao cảm nổi sự đời tang thương.
Nàng đà an đốn hành trang.
Định ngày sắm sửa lễ tang họ Tào. 500
Tháng ngày dâng lễ giản mao,
Bên lăng dựng mấy gian lều khói hương.
Lần lần thỏ bạc ác vàng,
Thương tâm sắc cỏ, đoạn tràng tiếng quyên.
Đòi phen bát ngát giang thiên,
Thôi sầu đường nọ, lại phiền nỗi kia.
Xót người lần lữa xa quê,
Rừng thiền ai kẻ sớm khuya đấy cùng ?
Bốn phương vốn chí anh hùng,
Biết là người được tấm lòng ấy chưa ? 510
Nhớ lời nguyện ước ngày xưa,
Xa xôi ai kẻ đợi chờ chăng ai !
Ái Liên như có nhận lời,
Nên ra khi đã vịnh bài Đào yêu.
Mạch sầu lai láng khôn tiêu,
Một mình vò võ trăm chiều đăm đăm.
Chú thích:
Chân ngất; chất ngất, nổi lên cao lắm
481-486 Đạm Trai phê: “ Núi sông như cũ, thành quách khác xưa, cảnh huống ấy từ ngàn xưa vốn vẫn não lòng người. Đoạn văn này mỗi chữ là một giọt lệ, tình thiết, văn hay, tâm trạng, tinh thần nào khác ở thơ Quốc Phong, Thử Ly. Văn chương rất mực diệu kỳ.
Doanh lũy: chổ quân lính ở có thành đất cao bảo vệ.
Canh điêu: Canh là một phần năm của đêm chia ra. Mỗi canh 2 giờ (120 phút). Điêu, điêu đẩu là nồi nấu cơm đúc bằng kim loại, ngày thổi cơm, đêm thì gõ cầm canh. Canh điêu là tiếng quân lính gõ canh gác ban đêm.
Giốc: cái tù và bằng sừng.
Vật đổi sao dời: cảnh vật biến đổi, thời tiết cũng khác. Vương Bột bài Đằng Vương Các: Vật hoán tinh di kỷ độ thu. Vật đổi sao dời thu mấy độ.
An đốn hành trang: sắp đặt đồ dùng đi đường.
Giản mao: rau trong khe, ý nói lễ vật tầm thường, cốt lòng thành kính.
Bát ngát giang thiên: trời rộng sông dài.
Đào yêu: tên một bài thơ trong thiên Chu Nam, Kinh Thi: Kỳ nữ vu quy, nghi kỳ thất gia. Có về nhà chồng thuận hòa nhà cửa.
Hồi thứ Tám
Về làng cũ, chị lớn trối trăn cùng em gái
Mộc Lan xin phép Tuyến Nương về thăm nhà. Tuyến Nương tặng 100 lạng vàng, và cấp hai thị tỳ, rồi gửi một bức thư và kèm theo chiếc tên bị bẻ mũi nhọn nhờ trao lại cho La Thành. Về đến nhà mới hay cha mẹ đã qua đời, chỉ còn cô em gái Hựu Lan. Chưa kịp ngày lên đường thi bỗng bị một tên Man tặc ép duyên, nếu nàng không thuận sẽ giết hêt họ hàng. Cùng đường Mộc Lan giao lại tên thư cho em dặn dò rồi gieo mình xuống giếng tự tử. Hựu Lan cho một nữ tỳ về báo tin cho Tuyến Nương, và cùng nữ tỳ còn lại lên đường sang U Châu đưa thư và tên cho La Thành.
Quê người đã ít tri âm,
Tạ từ Lan lại về thăm quê nhà,
Ngại ngùng một bước một xa,
Chén quỳnh một chuốc lệ hoa đôi hàng. 520
Rằng: “Nay ở chốn tha hương,
Ra vào khuya sớm lấy nàng làm đôi.
Tuy rằng là phận chúa tôi,
Cũng tình máu mủ như người đồng sinh.
Bây giờ nàng lại quy ninh,
Thiết tình khôn nhẽ ngăn tình cho đang.
Về thời kíp lại trở sang,
Chớ lâu nữa kẻ một phương ngóng chờ.
Một tên này, mây một tờ,
Gửi trao công tử tiện vào đường đi. 530
Tiễn hành nào biết lấy chi,
Hoàng kim trăm lạng, thị tỳ hai tên.
Thấy lời Lan cũng đeo phiền,
Tình nhà chưa nặng bằng bên tình nàng.
Thưa rằng : « Từ trận Diêm Cương,
Muôn nhờ Công chúa lòng thương đã đầy.
Ân sâu há phải một ngày,
Tái sinh đức ấy xem tày thân sinh.
Nay dù trở gót quy ninh,
Kíp chầy ắt phải thượng trình tới nơi. 540
Vâng lời chẳng dám lỗi lời,
Còn thân chẳng dám phụ người tương tri. »
Tạ rồi Lan trở ra về,
Hai tên thị nữ cùng đi theo nàng.
Lần lần điếm nguyệt cầu sương,
Hai tuần mới đến Sóc Phương quê nhà.
Hai thân dấu hạc đã xa,
Còn con em gái tên là Hựu Lan,
Trước giường lăn khóc kêu than,
Ngậm ngùi chín chữ, châu chan đôi hàng. 550
Một cơn tủi tủi thương thương,
Hựu Lan thấy cũng đoạn trường đòi phen ;
Cùng nhau mới kể hàn huyên,
Ba thu khơi cách nỗi niềm xiết đâu.
Ở nhà chưa đặng bao lâu,
Định ngày lại đến U Châu đưa tờ.
Sự đâu có sự chẳng ngờ,
Trách ai sao khéo xe tơ lỡ làng.
Nguyên ngày đánh trận Diêm Cương,
Một tên Man tướng ơn nàng cứu cho. 560
Bấy lâu luống những thăm dò,
Rày nghe nàng ở viễn chu mới về.
Khiến người tin đến phòng khuê,
Lấy làm thị thiếp định kỳ nhập doanh.
Giục người thân thuộc dỗ dành,
Lấy điều uy thế ép tình một hai.
Nàng nghe ruột rối bời bời.
Một mình luống những đứng ngồi thở than.
Ngọn đèn chong bóng canh tàn,
Các điều mới dặn Hựu Lan ân cần. 570
“Về nhà vắng mặt hai thân,
Vốn đà chẳng biết có thân ấy rồi.
Trót cùng Công chúa nặng lời,
Nên còn rốn lại báo người tương tri.
Bây giờ sự đến bất kỳ,
Đường lui nỗi tới hai bề dở dang.
Chẳng nghe lời lụy họ hàng,
Nghe lời thời phụ lời nàng dặn ta.
Tuồng chi ép liễu nài hoa.
Tiểu tình nhỏ mọn, phận là ra đâu. 580
Thôi thời nát ngọc chìm châu,
Chẳng thời châu ngọc lẫn màu bụi nhơ.
Nầy vàng Công chúa tiễn đưa,
Nầy hai thị nữ, nầy tờ, nầy tên.
Chị đều phó thác cho em,
Nghĩ sao cho phải, cho yên suối vàng.
Trăm nghìn lạy gửi Đậu Nương,
Biết cho nông nỗi đoạn trường này không.
Hựu Lan nghe nói hãi hùng,
Ngõ nàng nàng hãy một lòng khăng khăng. 590
Canh khuya ra trước bóng trăng,
Trông vời cố tỉnh, thẳm chừng thốt gieo.
Hóa công nở hẹp hòi sao,
Sinh ra mệnh bạc thời theo má hồng.
Người so hiếu nghĩa làm lòng,
Thân sao nhẹ nhỡ lông hồng cho đang.
Hựu Lan theo dấu vội vàng,
Thời đà chìm ngọc phai hương còn gì.
Khóc kêu : “Lồng lộng trời kia,
Làm cho oan chị tội thì tại ai ? 600
Chị dù khuất mặt tuyền đài,
Còn em chẳng dám phụ lời nấy trao.
Hồn thơm nay ở nơi nào ?
Hay sang Lạc Thọ hay vào U Châu ? “
Trước sao mấy nỗi nguyên do,
Một cơn gào gió tuông mưa dầm dề.
Tỉnh ra mới gọi thị tỳ,
Một cho ở lại, một về báo tin.
Chú thích:
Quy ninh: về thăm cha mẹ mình
Thiết tình: thực tình cần kíp lắm.
527-530. Đạm Trai phê Không phải Đậu Nương muốn gấp thấy mặt Mộc Lan, mà chính là nóng lòng được tin trả lời về bức thư tình, nàng gửi La Công tử. Lòng quy ninh của Mộc Lan biết đâu không phải do Đậu Nương ngấm ngầm kích động, nhưng không để lộ dấu vết, nàng quả thực khôn ngoan.
Sóc phương: phương Bắc.
Giường: linh sàn, giường thờ.
Chín chữ: sinh (đẻ), cúc (nâng niu), phủ (vỗ về), súc (cho bú), trưởng (mong cho lớn), dục (dạy dổ), cố (trông nom), phục (săn sóc), phúc (bảo vệ). Kinh Thi: Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Thương thay cha mẹ sinh ra ta nhọc nhằn. Chín chữ cù lao : cù là công khó, lao là nhọc nhằn.
Man tướng: Người Hán gọi người phương Nam chưa khai hóa là Man.
Thị thiếp: nàng hầu
Định kỳ nhập doanh: Hẹn ngày đưa Hoa Mộc Lan vào chỗ đóng quân viên tướng Man.
Câu 563-564: Đạm Trai phê : “Há lại có thể có truyện đem người đối với mình có ơn cứu sống, ép uổng hạ xuống làm nàng hầu vợ lẽ được ư ? Tên Man tướng thực chẳng còn mặt mũi nào ! Hắn vô lễ đáng ghét, người đọc tới đây nổi giận bừng bừng, khiến tóc đều dựng ngược.
Chong bóng: để đèn không tắt.
Ngỏ nàng: nói với nàng trình bày thiệt hơn để khuyên can.
Cổ tỉnh: giếng cũ.
Văn bản:
Bản C câu 529 chép:
Tên cung này dấu năm xưa,
Với đây một bức phong thơ gửi nàng.
U Châu cùng giáp Bắc phương,
Nàng về nẻo ấy sang ngang tiện đường.
Tiễn hành có mấy lạng vàng,
Con hầu ta cấp cho nàng hai tên.
Câu 543-544 bản A, B chép :
Sự tình mấy nỗi nằn nì,
Tạ từ Lan mới ra về cố hương.
Hồi thứ Chín
Đưa thư tình, gái đổi bận đồ trai.
Sau khi an táng Mộc Lan xong, Hựu Lan cùng nữ tỳ còn lại cải nam trang đi U Châu tìm La Thành. La Thành đang xót lòng chờ đợi. Cơ đồ họ Đậu tan nát không biết nàng ra sao ? Bỗng thấy Hựu Lan đem thư lại, xin cổi bỏ lời thề trên ngựa ngày xưa.
La Thành không biết tính sao, thì La Nghệ đến chơi, sau khi rõ nguồn cơn liền bảo con việc ấy dễ giải quyết vì Tuyến Nương nay là thân thích Hoàng hậu, ắt có thể dâng biểu xin Hoàng hậu đứng ra tác thành cho. Khi La Công về rồi La Thành ngắm kỷ lại Hựu Lan quả là con gái giả trai, nhan sắc xinh đẹp, liền cật vấn và thử thách nàng. La Thành nài ép lứa đôi, nàng cự tuyệt, khiến La Thành không dám coi thường và tiếp đãi nàng kính cẩn.
Định ngày hành tán đã yên,
Ghi lời nấy thác hầu truyền phong thư. 610
Nghĩ mình chút phận đào thơ,
Trong khi đường xá còn chờ yến oanh.
Chước chi cho được thông hành,
Phải cùng thị nữ cải hình nam trang.
Áo quần gọn ghẽ lên đường,
Quan sơn trải mấy nắng sương dãi dầu.
Tuần dư vừa tới U Châu,
Cửa thành may gặp quân hầu một tên.
Dần dà dẫn kể căn nguyên,
Đường xa khách lạ tạm phiền gởi thưa. 620
“Nầy tôi người Đậu Tiểu thư,
Nầy tên Công tử ngày xưa trận tiền.
Đưa vào để nhận dấu tin,
Ở đây còn bức vân tiên sẽ trình.”
Lạ thay mối chỉ cho thành,
Khi nên dắt lại như dành sẵn cho.
La Thành từ thuở gửi thư,
Đăm đăm ngày tháng như chờ hai trông.
E người trên giá tiếc công,
Hai thu chưa thấy nửa giòng tờ mây. 630
Lại nghe Ngưu Khẩu bị vây,
Nước kia đã thế người nầy làm sao ?
Lơ thơ chồi liễu bông đào,
Lạc loài nay đã thuộc vào tay ai ?
Tấc niềm như nấu như mài,
Lạ sao tin thước vang tai cớ gì ?
Chợt đâu nhác thấy thị tỳ,
Trước hiên cầm chiếc tên về dâng lên.
Bâng khuâng nhận dấu trận tiền.
Bằng ai đem ngọc Lam Điền trao tay. 640
Chốc đà năm sáu thu chầy,
Lòng này mong mỏi tên nầy biết bao.
Hành nhân còn ở nơi nao ?
Kíp sai ra rước đưa vào nhà trong.
Mời ngồi chưa kịp thung dung,
Vột tay mở bức thư phong xem tường.
Rằng : “Từ giao ước chiến trường,
Mấy lời dặn ngọc thề vàng chưa quên,
Nào hay đôi ngả đôi phen,
Cơ đồ vương bá phút nên đổi dời. 650
Cửa Hầu rờ rỡ phương trời,
Lứa đôi đâu đến những người bèo mây.
Dấu tình nộp lại tên nầy,
Giải lời trên ngực riêng tây thề bồi.
Ngập ngừng cất bút châu rơi,
Trăm nghìn gửi tạ lòng người cố nhân.”
Cầm tờ nghiền ngẫm đòi lần,
Đôi hàng lã chã nhuốm khăn quyến bào,
Cung trăng kia mấy trùng cao,
Tấc son dường ấy nỡ nào chẳng soi. 660
Mấy thu non nước xa xôi,
Những chồn lòng kẻ bên trời trông mong.
Lòng này đã phụ chi lòng,
Mà sao toan bẻ chữ đồng làm đôi ?
Ruột loan chín khúc bồi hồi,
Phong thư mở mở sụt sùi đòi cơn.
Đương khi sầu não châu chan,
La Công vừa buổi thừa nhàn xuống chơi.
Thấy tình công tử ngậm ngùi,
Lòng ngờ mới hỏi khúc nhôi cớ gì ? 670
Đưa thư kể hết vân vi,
Cười rằng : « Việc ấy lệ gì chẳng xong.
Nàng là thân thích Hậu cung,
Ta làm biểu tấu Cửu trùng ắt nên. »
La Công thong thả trở lên,
Một mình lại giở vân tiên chẳng rời.
Thấy sau tên họ rạch ròi,
Gọi là nghĩa muội ấy người đưa thư.
Nửa tin nhưng lại nửa ngờ,
Ngắm người rồi lại nhìn tờ đôi khi. 680
Áo quần ra dạng nam nhi,
Mà sao dung sắc có bề thanh tân.
Giá này cũng giá nghìn cân,
Bởi đâu dun dủi xoay vần lại đây.
Một nhà may được sum vầy,
Người kia đáng chị, người này đáng em.
Hay đâu là chẳng thiên duyên,
Đã xe tơ đỏ lại chen chỉ vàng.
Hằng Nga đã tỏ bóng gương,
Còn đem đá thử tuổi vàng xem sao. 690
Mượn điều bả lả han chào:
“Hành nhân có họ làm sao với nàng ?
Ngỏ lời buổi mới được tường,
Kẻo khi tân chủ lỡ làng thất nghi”.
Dứt lời Hựu đã ứng lời :
“Tôi cùng Công chúa cũng người trong thân.
Anh em nhà bác họ gần,
Vốn là cật ruột tay chân trong ngoài.
Việc này chẳng lẽ nấy ai,
Vậy nên lại phải cho tôi đưa tờ.” 700
Nghe lời giả cách bơ lơ:
“Hèn nào mà cũng trông như khổ nàng.
Đã là thân thích họ hàng,
Xin đừng e lệ qua sang cùng ngồi. “
Làm chiều dạn dĩ vâng lời,
Kẻo ta e ấp nữa người sinh nghi.
Vừa ngồi chưa kịp chuyện chi,
Một hai chàng lại mời về chái trong.
Khuyên mời một tiệc thong dong.
Anh em trò chuyện giã lòng làm quen. 710
Rõ ràng ngọn đuốc kim liên,
Hạnh khoe sắc thắm, sen thêm màu hồng.
Lòng say chẳng tại chén nồng,
Chiều ngoài lơi lả, tình trong mặn mà.
Hỏi rằng : “Non nước cách xa,
May sao xui khiến đôi ta tương phùng.
Biết nhau trọng biết tấm lòng,
Cùng anh nên tạc chữ đồng nên chăng ? “
Điều đâu thực, cợt dở chừng,
Nghĩ mình lông vuốt khó bưng mắt người. 720
Tình này hẳn biết tình rồi,
Khôn bài thoái thác, khó lời nói năng.
Tía tai đỏ mặt bừng bừng,
Liễu chừng ngại gió, hoa chừng e sương.
Chán chường trong cỡ tất gang,
Xem chiều khép nép lại càng say sưa.
Cầm tay rằng : “Sự tình cờ,
Thôi đừng bưng bít toan mờ nhau chi,
Một đời dễ mấy tương tri,
Đã may gặp gỡ lấy gì làm duyên.” 730
Thưa rằng :”Dạy thế sao nên,
Cẵng ngồi thong thả thiếp xin một lời.
Quan san lận đận ra khơi,
Vâng lời khuê các tới nơi cửa hầu.
Phải tuồng Sở quán, Tần lâu,
Phải tuồng Lam ngọc gieo cầu cho nên.
Vẻ cho bèo bọt phận hèn,
Mà cho công tử lỗi nguyền kim lan.
Nào người đợi phượng chờ loan,
Nào lời gắn bó keo son dưới thành.? 740.
Thấy nàng một mực sắt đanh,
Nặng tình bên nể, nén tình bên yêu.
Rằng : “Nay chịu lỗi đã nhiều,
Vâng lời chẳng dám ép điều riêng tây.
Trăm năm xin ước từ đây,
Mà chờ công chúa mai ngày nên chăng ?”
Dứt lời Hựu lại thưa rằng :
“Một ngày gặp gỡ sao bằng duyên xưa,
Cẵng xin vẹn việc tiểu thư.
Bây giờ đã biết gửi thưa thế nào ? “ 750
Nghe lời mừng dạ xiết bao,
Dâng đầy chén lục, khêu cao đuốc hồng.
Nửa rèm gió mát trăng trong,
Dặn lòng thôi lại rộn lòng đòi khi.
Rằng :” Đà ngàn nể muôn vì,
Non vàng chẳng nhẽ trở về tay không.
Đành hay tuyết trắng giá trong.
Dám đen tấc bụi bợn lồng gương ngân.
Chẳng thân gọi chút là thân,
May sao chăn thúy được gần hơi hương .” 760
Thưa rằng : “Dạy mãi chi trường,
Này là tình thực xin chàng lượng suy.
Với nàng tôi chẳng họ chi,
Vâng lời nàng dặn vốn là chị tôi.
Cũng vì phận ép duyên nài,
Bỏ mình mà phó tờ bồi cho em.
Ngậm ngùi chịu lấy đưa tin,
Hồn thơm tưởng hãy theo bên mơ màng.
Tiện nghi bỗng chiếm duyên nàng,
Mặt nàng thấy kẻ suối vàng mai sau ? 770
Mặt nào chưa ráo giọt sầu,
Đã lòng trên bộc trong dâu ra gì ?
Dù chàng thực có nể vì,
Trong khi vắng vẻ ai suy thấu tình ?
Ở đời mang lấy ô danh,
Thà như kẻ trước sạch mình cho xong ! "
Lời đâu kinh sợ hãi hùng.
Thưa rằng : « Chẳng dám nặng lòng nữa đâu,
Muôn ngàn giữ ngọc gìn châu.
Phận này hoặc có mai sau thế nào. » 780
Dạy người thêm đặt tửu hào,
Một màu tiếp đãi trăm chiều nể nang.
Mái tây riêng dọn phòng hương,
Để cho thị nữ hầu nàng một bên.
Chú thích :
Hành táng : lễ chôn cất.
Yến oanh : tên hai loài chim con trống có mái thường đi với nhau.
Thông hành : đi suốt không cản trở.
Câu 615-620 Đạm Trai phê : « Mộc Lan giả trai để thay cha tòng quân, không ngờ làm ngòi dẫn chuyện Quân Trung Đối này giờ lại đến Hựu Lan giả trai đưa thư, vốn để làm trọn vẹn cái chí của chị mình, không ngờ lại biến thành tình tiết bồi thấn cho Quân Trung Đối. Con gái nhà họ Hoa cải trang, đổi thực làm giả, Trẻ Tạo lại dựa ngay vào đấy đổi giả ra thực, quả là huyền ảo vô cùng. »
Người trên giá : băng nhân, Kẻ làm mai . Trong Tấn Thư truyện Nghệ Thuật chép : Sách Đam giỏi đoán mộng. Linh Hồ Sách đậu khoa thi Hiếu Liêm, nằm mộng thấy mình đứng trên băng, cùng một người dưới băng nói chuyện kể lại nhờ Đam đoán giúp. Đam rằng : Trên băng là dương, dưới băng là âm, vậy là việc âm dương : kẻ sĩ cưới vợ, kịp lúc băng chưa tan, vậy là việc vợ chồng. Ông ở trên băng cùng với người dưới băng nói chuyện, dương với âm, vậy là việc mối manh, ông nên làm mối giúp người, băng chưa tan mà việc hôn nhân thành tựu.
Quyến bào : quến bào làm thấm ướt áo bào.
Tắc son : đan tâm, thốn tâm . Tấc lòng đỏ như son.
Cửu trùng : chín tầng cao xa, nhà vua.
Vân tiên : tờ giấy viết thư có vẽ mây.
Thanh tân : vẻ trong trắng người trinh nữ.
Câu 689-690: Đạm Trai phê: Không những đem đá thử vàng, còn có vẻ dùng bướm thử hoa buồn cười thực.
Thất ngơi: không thích hợp.
Tân chủ: khách và chủ.
Bơ lơ: bỏ lửng.
Kim liên: ngọn đuốc cắm trên đế hình hoa sen bằng vàng hay thếp vàng.
Cẵng: hãy hay hãng
Quán Sở lầu Tần: Tích vua Sở Hoài Vương đi chơi Cao Đường, mộng thấy thần nữ núi Vu Sơn cùng chăn gối, sớm làm mây, chiều làm mưa. Vua Tần Mục Công dựng lầu cho con là Lộng Ngọc đánh đàn thổi sáo. Ở đây chỉ sự phóng túng trai gái trong việc ân ái xướng hát.
Lam Ngọc: Lam kiều ngọc chữ. Bùi Hằng qua cầu Lam vào hàng uống nước thấy nàng Vân Anh đẹp, muốn cưới làm vợ, bà mẹ Vân Anh có cối bằng ngọc, buộc phải đem chày ngọc lại giã thuốc tiên. Bùi Hàng được tiên cho chày, đem lại giả thuốc, trăm ngày xong, cưới được Vân Anh, rồi hai vợ chồng thành tiên.
Gieo cầu: Vua Hán Vũ Đế kén phò mã. Công chúa ngồi trên lầu ném quả cầu ai cướp được thì làm rể.
Kim lan:giao tình kết hợp như vàng,khí vị thơm như hoa lan.
Câu 753-754 Đạm Trai phê: Gió mát trăng trong ! Cái đêm hôm ấy đêm gì, phòng riêng gặp người đẹp như tiên, ngoại trừ Liễu Hạ Huệ ra, không ai cầm nổi được lòng, chẳng cứ riêng một mình La Công tử.
Văn bản:
Hai câu 633-634 bản C chép là :
Mạnh chi là sức liễu đào,
Anh hùng còn chửa tài nào lọ ai !
Hồi thứ Mười
Tới viếng tang chàng rể buộc duyên xưa
La Thành định về triều xin Hậu cung can thiệp. Hựu Lan khuyên nên sang Lạc Thọ điếu tang Tào Phi và gặp Tuyến Nương, La Thành nghe theo. Về phần Tuyến Nương hay tin Mộc Lan đã chết, đau đớn thương tiếc. Hựu Lan đến Lạc Thọ vào gặp Tuyến Nương kẻ mọi sự tình.Tuyến Nương tiếp đãi ân cần cùng nàng kết nghĩa chị em.
La Thành vào lễ trước linh sàng Tào Thị, Tuyến Nương mặc đồ tang lạy trả, xong vào nhà trong bày tiệc khoản đãi. Tuyến Nương từ chối lấy lẽ trên nàng còn có Đậu Hoàng Hậu chủ trương.
Trị tang rồi mới gác yên,
Toan ra biểu tấu Trường An tiện đường.
Đợi ban ngự chỉ rõ ràng,
Sẽ về Lạc Thọ rước nàng nghi gia.”
Hựu rằng; “Suy dạ đàn bà,
Như lời công tử đặt ra bất tình. 790
Tiểu thư lòng vốn đinh ninh,
Một lời chưa dễ đã khinh ngàn vàng,
Bấy giờ đòng bác ngỗn ngang,
Thưa tin chẳng lẽ trách chàng xa xôi.
Chỉn vì cuộc thế đồi dời,
Không lời tôn mệnh, thiếu người băng nhân.
Kể đà nghĩ ngợi muôn phần,
Mới cho sứ nhạn ân cần báo tang.
Nước non chẳng quản dặm nghìn,
Đưa thư xem ý, trả tên thử lòng. 800
Luận trong hai chữ tình chung,
Thuyền quyên há phụ anh hùng chút nao ?
Năm thu được bức thư trao,
Lẽ thời pha gió ruổi sao thấy nàng.
Tiến kinh vội đã tiện đường,
Mặt ai chửa giáp, tình chàng ở đâu ?
Lòng kia vốn tạc xưa sau,
Ép lòng lọ phải biểu tâu làm gì ?
Nghe lời kể hết vân vi,
Hỏi rằng: “Đã vậy nên thì làm sao ? “ 810
Thưa rằng; “Trong nghĩa cựu giao,
Nên sang Lạc Thọ mà vào điếu tang.
Một là cho thấu tình chàng,
Hai là tiện thể rước nàng vu quy.
Dầu nàng quyết hẳn một bề,
Sẽ ra biểu tấu thế thì mới nên. »
Khen lời thông nhẽ kinh quyền,
Dè chừng Lạc Thọ băng miền ruổi sang.
Xiết đâu chép cảnh đường trường,
Xót người mong mỏi một phương tin nhàn. 820
Phong thư từ gửi Mộc Lan,
Tấc lòng hoài viễn bàn hoàn đòi khi.
Nhác trông chợt thấy thị tỳ,
Sự Lan sau trước đã về báo tin.
Ngập ngừng kể hết căn nguyên,
Một cơn mây tủi gió phiền bởi đâu.
Chị em tôi chúa bấy lâu,
Gian nan tân khổ cùng nhau đã nhiều.
Thương thay tài sắc đủ điều,
Nghìn vàng thân ấy nỡ liều bỏ đi. 830
Những rằng nhiều hợp ít ly,
Ai hay vĩnh biệt từ khi tiễn hành.
Thư từ còn dở mối tình,
Nỗi nàng đã thế việc mình làm sao ?
Giang sơn cách trở âm hao,
Cửa hầu tựa bể lối nào thông tin.
Cùng ai dở dói nỗi niềm ?
Đêm đêm vừng nguyệt hoa đèn làm đôi.
Áo xanh chợt thấy bóng người,
Kìa tên thị nữ cùng ai mới về. 840
Ngửng trông thác bức mành the,
Hỏi rằng: “Ở lại việc gì bấy lâu ? “
Thưa rằng: “Hoa tỉ trầm châu,
Theo Hoa muội đến U Châu đưa tờ.
Vâng lời công tử dạy chờ,
Lên đường một lũ nay vừa tới nơi.
Có Hoa muội ở bên ngoài,
Nhủ tôi vào trước có lời gửi thưa.”
Dàn dà mới kể tóc tơ,
Xem tờ ngắm dấu sau xưa các điều. 850
Nghe lời lặng chẳng rằng sao,
Gục ra rước Hựu Lan vào kẻo lâu.
Rõ ràng cây ngọc cành châu,
Xem ra khổ dạng đã màu phương phi.
Gọn gàng trang phục nam nhi,
Khác nào Hoa tỉ gặp khi trận tiền.
Gót sen vừa tới bên thềm,
Mới hay thần nữ xuống miền nhân gian.
Lòng riêng thôi nghĩ lại bàn,
Gặp con người ấy ai làm trượng phu ? 860
Mời vào trong trướng lưu tô,
Chủ tân một tiệc, chuyện trò gần xa,
Dang tay chuốc chén la đà,
Rằng : « Xưa lệnh tỉ vốn là chị em.
Với nàng hiềm chửa được quen,
Mà nay lận đận nặng phiền nể thay.
Đã dời gót ngọc đến đây,
Kết nguyền xin lại nối ngày xưa kia. »
Hựu rằng : « Ơn lượng chở che,
Cứu cho tiên tỉ thủa khi lỡ chừng. 870
Thiếp tuy khơi cách chưa từng,
Dẫu em như chị há rằng khác nhau.
Đương cơn gió thảm mưa sầu,
Lại vâng phó thác trước sau ân cần.
Ghé vai chịu lấy gánh ân,
Xa xôi bao quản nhọc nhằn quan sơn.
Cửa hầu từ bắn tin nhàn,
Tình công tử cũng ra nhường khôn nguôi.
Lên đường vội ruổi tới nơi.
Châu quan còn rước nghỉ ngơi bên thành. » 880
Lặng nghe đã thấu mọi tình,
Khoan thai lại chuốc chén quỳnh mời khuyên.
Những là thết đãi chưa yên,
Lầu điêu nghe đã tiếng truyền tan canh.
Thước đâu réo rắt bên mành,
Chợt tin công tử bên thành tới nơi.
Dừng yên xuống ngựa mái ngoài,
Sau đem một lễ dâng nơi linh sàng.
Khiến người đón trước tế đường,
Rằng : « Đà ơn đội tình chàng xa xôi. 890
Chỉn nay tang sự đã rồi,
Dám xin miễn lễ tạm ngồi thong dong.
Chàng rằng: “Khơi cách mấy đông,
Đã cam phụ chữ tình chung tại mình.”
Song xin xét lại thứ tình,
Quan san bao nả, lửa binh nhường nào.
Bấy chầy viễn vọng khát khao,
Trước vào hành lễ, sau vào thỉnh an.
Phải là dung thứ cho nên,
Mà sai lời dạy có bên cả nề ? 900
Lũ hầu vâng mệnh trở về,
Chàng đà sửa áo trước hè bước lên.
Trước sàn vừa cuốn bức rèm,
Hạ phi Tào thị nhắc trên chữ bài.
Đăm chiêu mấy kẻ tôi đòi,
Bên người chuốc rượu, bên người dâng hương.
Tả môn vừa hé then sương,
Đôi hầu phù vực một nàng bước ra.
Vóc quỳnh vận áo thôi ma,
Nguyệt lồng kim cúc, tuyết pha hải đường. 910
Giây gai ren rén dẽ dàng,
Hãy còn bước bước sen vàng nở theo.
Não nùng một bước trăm chiều,
So ngày trên ngựa nét nào có sai.
Sụp ngồi đáp lễ bên ngoài,
Dầu dầu như có ngậm ngùi vẻ hoa.
Ngập ngừng cảm nỗi gần xa,
Khiến công tử cũng châu sa ngắn dài.
Án tiền bốn lễ vừa rồi,
Tiểu thư thoắt đã giở hài mái trong. 920
Đặt bày một lễ tảo phong,
Hữu biên tân vị mời công tử ngồi.
Chực bên sẳn có con đòi,
Thong dong chàng mới gửi lời vào thưa.
Rằng : « Từ gặp gỡ dưới cờ,
Chăm chăm tháng đợi năm chờ đến đây.
Xoay vần lại có ngày nay,
Một lời xin dạy việc nầy cho xong. »
Gái hầu lĩnh mệnh vào trong,
Giở ra mới thấy thủy chung lời nàng. 930
Rằng : « Từ một ước chiến tràng,
Bên tai tưởng hãy mơ màng hôm qua.
Cũng vì thời thế khác xa,
Người sang sao dám đem ra sánh bày.
Ơn lòng tri kỷ đã dày,
Nước non còn giữ lời này trước sau.
Dấu bèo từ lọt cung châu,
Chủ trương muôn việc mặc dầu lượng trên.
Vâng lời cố vấn cần quyền,
Biết đâu thưa lại là nên lẽ nào ? » 940
Chú thích :
Trị trang : sửa soạn đồ đi đường.
Gác yên : đặt yên lên lưng ngựa, rồi buộc qua bụng cho vững chắc.
Ngự chỉ : lệnh truyền của vua
Nghi gia : Nghi kỳ thất gia. Kinh Thi bài Đào Yêu. Chi tử vu quy, nghi kỳ thất gia. Con gái về nhà chồng, vợ chồng thuận hòa, cửa nhà êm ấm.
Bất tình: không có tình nghĩa.
Đinh ninh: dặn dò, khăn khăn tự hẹn với lòng mình.
Đòng bác: Đòng là giáo nhọn như đòng đòng. Bác là súng lớn. Câu 793: Bấy lâu nay có giao tranh bắn giêt lẫn nhau.
Tôn mệnh : lời truyền bảo cha mẹ, bề trên.
Cựu giao : bạn bè chơi nhau đã lâu.
Kinh quyền : Kinh là đạo thường, đường dọc, sợi thẳng, quyền là quả cân. Gặp lúc biên phải cân nhắc làm cho phải lễ, tuy việc ấy trái với đạo thường.
Hoài viễn : nhớ người xa.
Bàn hoàn : quanh co, ý nói Đậu Nương nghĩ ngợi quanh co (khác bàng hoàng : bối rối ; nghi ngại, ý không chủ định.)
Âm hao : tin tức.
Câu 839- 840 Đạm Trai phê “Đi tới một nơi nước thẳm non cùng, tường là hết lối thoát ra, ai ngờ bỗng lại có một con đường tươi sáng. Sung sướng thực.”
Thác: mở ra, vén lên.
Trầm châu: hạt châu chìm xuống nước, chết
Khổ dạng: Cở người, hình thể.
Phương phi: đẫy đà, đẹp đẽ.
Lưu tô: đời cổ lấy chim năm sắc, buông rủ xuống để tô điểm, phàm xe ngựa lâu đài, rèm trướng đều trang sức như vậy cho đẹp gọi là lưu tô.
Châu quan: vị quan cai trị ở châu.
Thước : con chim khách, báo hiệu có khách đến.
Tế đường : nhà thờ cúng tế.
Cả nề : nhiều e ngại, câu chấp.
Vóc quỳnh : thân người như cây quỳnh.
Tảo phong : tẩy trần, quét sạch trừ những khí độc của gió sương nhiểm vào mình khi di đường.
Tân vị : chổ ngồi dành cho khách
Văn bản :
Từ câu 841 đến 654 bản C chép như sau :
Trước doanh kể hết vân vi,
Từ khi thượng lộ đến khi tiến thành.
Vâng lời nghỉ lại công dinh,
Đợi chờ công tử trị hành cùng đi.
Nay công tử trú thành kia,
Nàng Hoa muội đã cùng về với tôi.
Dừng chân hãy ở bên ngoài,
Còn e đường đột phải lời thưa qua.
Nghe lời mừng một đặng ba,
Sửa giày thay áo vội ra rước vào.
Nhác xa cây ngọc cành dao,
Vẻ mai chẳng kém sắc đào một ly.
Từ câu 877-886 bản C chép :
Trướng hoa giao bái lễ rồi,
Khoan thai lại chuốc chén mồi mời khuyên.
Vui người vui chuyện suốt đêm.
Nhỏ to kể hết nỗi niềm tóc tơ.
Hựu rằng « Buổi mới đưa thư,
Nguyên vì chữ ‘muội’ trong tờ hở đuôi.
Tôi còn bưng bít dấu người,
Chịu ngồi đối mặt, chịu mời làm anh.
Dần dà ra ý thử thanh,
Cố cùng phải nói tận tình mới thôi. »
Tiểu thư thấy nói mỉm cười,
Rằng : « Ai ai cũng lòng người yêu hoa.
Đôi ta cũng bạn đàn bà,
Ví làm công tử chẳng mà thế ru . »
Cùng nhau cợt giễu chuyện trò,
Phù tang đã gác vầng ô đầu cành.
Thước đâu một tiếng trước doanh,
Chợt tin công tử bên thành mới sang.
Hồi thứ Mười một
Lạy thềm rồng cung thẳm buộc giây tơ
La Thành đành phải về Trường An, trước hết ghé thăm Tần Thúc Bảo, gặp Tề Quốc Viễn nhắc lại chuyện xưa. Tần Thúc Bảo đem bức thư ra. La Thành nhận xét không phải chữ của mình, mà giống chữ trong thư Hựu Lan đưa đến mới vỡ lẽ Đậu Tuyến Nương hy sinh duyên mình, nhưng Ái Liên đã có chồng rồi. Hôm sau Tần Thúc Bảo vào chầu Hậu Cung. Đậu Hoàng hậu giáng chỉ đòi Tuyến Nương về bệ kiến. Tuyến Nương ép Hựu Lan cùng về. Hoàng hậu tán thành nhân duyên Tuyến Nương với La Thành và cho Hựu Lan cùng về làm dâu họ La. Sau khi cử hành hôn lễ cả ba đi thăm cha Đậu Kiến Đức rồi trở về U Châu một nhà hợp hòa vui vẻ.
Nghe lời dám gạn lời sao,
Việc này chẳng kẻo tâu vào nhà vương.
Đinh ninh từ biệt với nàng,
Vó câu thẳng ruổi dặm tràng vào kinh.
Nắng sương kể mấy nhật trình,
Hai tuần vừa thấy tới thành Trường An.
Khách đình tạm trú chinh yên,
Tìm nhà Thúc Bảo trao tin thiếp hồng.
Quân hầu chuyển báo doanh trung,
Tần Công kíp khiến rước công tử vào. 950
Trước hiên mừng rỡ đón chào,
Hàn huyên cùng giải khát khao bấy chầy.
Tửu hào một tiệc đặt bày,
Thong dong lại giở chuyện ngày năm xưa.
Tần rằng : « Trước thấy có thư,
Cậy tôi giúp sức đưa tin Nhị Hiền.
Song nhà Đơn nữ Ái Liên,
Thất gia vốn đã kết nguyền cháu đây.
Quan sơn binh lửa bấy nay,
Những là công vụ nên chầy phục thư. » 960
Thấy lời công tử ngẩn ngơ,
Giờ lâu nghĩ ngợi, chẳng thưa một lời.
Sự đâu ngán lẽ nực cười,
Tề huynh há phải là người sai ngoa ?
Tần Công truyền lấy tờ ra,
Phong thư còn dấu, tờ đà chữ ai ?
Nhạc vàng sang sảng bên tai,
Chợt vừa Quốc Viễn lại chơi buổi nhàn.
Mời ngồi tân chủ đã an,
Cầm tờ chàng mới hỏi han sự tình. 970
Tề răng : Thuở ấy hồi trình,
Gặp quân Hạ đuổi man binh bên đèo.
Đương khi ngọc đá hổn hào,
Hạ quân bắt lấy đem vào hỏi tra.
Ví không có bức tờ hoa,
Thì ai biết rõ cho là hành nhân.
Kế cùng chẳng lẽ phân trần,
Phải đem tờ nạp trong quân làm bằng.
Tuyến Nương dường có ý mừng,
Thu tờ giữ lấy dùng dằng suốt đêm. 980
Dầu xem, dầu chẳng mở xem,
Đến khi phó trả còn niêm rành rành.”
Nghe lời chàng đã hay tình,
Vì người mà chẳng vì mình mấy gan !
Soi cùng thư gửi Hựu Lan,
Hai tờ dấu chữ như in một người.
Tần Tề gạn hỏi khúc nhôi,
Khen rằng : « Có tiếng trong đời chẳng nhưng. »
Thốt thôi cả mở tiệc mừng.
Dặt dìu chén chúc, chưng lừng khúc ca. 990
Đêm khuya bước nguyệt ngồi hoa
Lời đồng tâm nức một nhà chi lan.
Thẻ rồng khắc đã lụn tàn,
Chín lần cửa mở, trăm quan vào chầu.
U Châu bản quỵ dâng tâu,
Cậy quan Thái giám đón hầu Hậu Phi.
Dạy rằng : Khói cách biên thùy,
Lão thần phải có việc gì đến ta ? »
Truyền cho mở tấu xem qua,
Mới hay là việc hai nhà kết duyên. 1000
Cười rằng : « Cửa tướng con hiền,
Nhắc cân tài sắc đã nên cân bằng.
Đôi nơi cũng một cung trăng,
Tay ta xe mối xích thằng này cho.
Cắt người kíp ruổi đình phô,
Ban bài lấy Đậu Tiểu Thư vào hầu.
Nội quan vâng mệnh giong câu,
Hai tuần gióng giả mới hầu tới nơi,
Vâng lời nội chỉ truyền đòi,
Tiểu thư sắm sửa mới dời chân ra. 1010
Hựu Lan xin ở lại nhà,
Một hai nàng cũng ép ra một đoàn.
Gót hoa vừa tới Tràng An,
Cung môn đã có nội quan đưa vào.
Thoát nhìn Vương hậu hỏi chào:
“Tuyến Nương đã những ngày nào mới ra.
Ngày rày có hiểu họ La,
Việc người mà lại đến ta tâu bày.
Lứa đôi xem cũng xứng tày,
Lòng ta đã định chọn ngày kết nhân.” 1020
Tâu rằng: “Lạm dự trong thân,
Nhờ công gây dựng bằng ân sinh thành.
Xót còn dở một mối tình,
Tấc niềm canh cánh bên mình chưa an.
Thiếp xưa vốn với Mộc Lan,
Chị em trót đã đa mang chữ tình.
Từng phen cửa khuyết nộp mình,
Từng phen chầu chực hậu đình có nhau.
Chẳng may tảo phận trầm châu.
Em là Hựu lại nối nhau kết nguyền. 1030
Phận hèn dầu đội ơn trên,
Cũng trao duyên mới cho tuyền nghĩa xưa.”
Nghe lời minh bạch tâu thưa,
Sai quan cho triệu Hoa thư vào chầu.
Mảng đòi nàng chẳng dám lâu,
Theo chân nội giám khấu đầu trướng loan.
Nhìn xem con trẻ khôn ngoan.
Khen rằng đọ với Mộc Lan một nhòng.
Sự này thật sự lạ lùng,
Tay xe một sợi chỉ hồng được hai. 1040
Truyền quan trạch nhật ngày mai,
Để cho ba họ kết đôi lấy ngày,
Tin xuân một xuống năm mây,
Hoa cười hạnh uyển, hương bay tiêu phòng.
Phấn vua rạng rỡ má hồng,
Thuyền ly sáu nhạn sân rồng trăm xe.
Cùng nhau bái tạ đan trì,
Một đoàn xe ngựa ra về thong dong.
Tiện đường đến trước Đậu Công,
Khấu đầu chàng mới giải lòng xưa sau. 1050
Cảm tình cánh biệt bấy lâu,
Tiểu thư đòi trận giọt châu chan hòa.
Hựu Lan dập lạy trình qua :
“Mộc Lan tảo phận tôi là con em »,
Một cơn rộn rã dưới thềm,
Xui lòng thiền định bỗng nên bồi hồi.
Đường kia nỗi nọ tơi bời,
Phần mừng con đến, phần vui rể hiền.
Phần ngừng thân phận già chiền.
Phần thương Lan những truân chuyên vì mình. 1060
Hàn huyên đã hết mọi tình,
Thuyền quan bái biệt trường đình gác yên.
Ngựa lên đường cũ như tên,
Giang sơn đòi chốn cảnh quen nước người.
Một làn bãi phẳng dặm khơi,
Nầy năm năm trước là nơi chiến trường.
Rỡ ràng nghìn tía muôn vàng,
Cỏ hoa nay đã tỏ tường chúa xuân .
Quản huyền đòi chặp dậy rân,
Chẳng như trống trận trong quân ngay nào. 1070
Yến oanh tấp nập nhường bao,
Đôi xe một ngựa ruổi vào thành trung.
Dưới hiên yết kiến La Công,
Lầu châu dọn sẵn đuốc hồng khêu cao.
Giữa trời vằng vặc ba sao,
Khúc cưu đã ngợi thơ đào lại không.
Trăm năm khăn khít giải đồng.
Chăn loan đầm ấm, giấc hồng say sưa.
Cửa cao trăm phúc thừa lưa,
Ba hòe năm quế sởn sơ đòi ngành.
Chú Thích:
Khách đình tạm trú chinh yên: La thành tạm nghĩ trọ nơi nhà khách, yên ngựa tạm xếp lại.
Thất gia: gia thất, vợ chồng.
Câu 336 Đạm Trai phê: “Lúc này chủ khách cùng sống trong mơ, rượu uống vào khó trôi qua thực quản. Câu 337 “Đây là thư riêng nơi của tướng, nên chỉ lạ lùng, mặt đối mặt nhìn nhau sửng sốt, giá ví dụ lại là công văn nơi Nha, Vệ ắt coi như có sự lầm lạc mà nhiều kẻ chết đòn oan.”
Hồn trình: Đường về.
Trần trần: trơ ra, ỳ ra.
Chưng lừng: tưng bừng rực rỡ.
Đình phô,: nhà trạm. Ruổi đình phô: chạy ngựa trạm.
Bài: Thẻ ở trong cung hay nha môn dùng để sai, đòi.
Nội chỉ: lệnh truyền bảo từ cung cấm, lệnh Đậu Hoàng Hậu.
Kết nhân: kết nhân duyên vợ chồng.
Hậu đình: sân ở cung sau, trỏ cung Hoàng hậu.
Tảo phận trầm châu: phận ngắn ngủi nên chết sớm.
Mảng: nghe
Nhòng: tiếng xưa là giống.
Hạnh uyển: vườn mận.
Thềm ly: thềm rồng. Con ly giống con rồng, sắc vàng không có sừng.
Sáu nhạn : Theo sách nghi lễ. Hôn lễ của bậc sĩ có sáu: 1 Nạp thái (chạm ngõ) 2. Vấn danh (ăn hỏi) 3. Nạp cát (báo tin được điềm lành khi lễ từ đường) 4. Nạp chưng: dần lễ. 5 Thỉnh kỳ (xin cưới). 6 Thân nghênh (rưóc dâu). Trừ nạp chứng 5 lễ kia đều dùng chim nhạn (ngỗng trời). Vậy thềm ly và sáu nhạn là cử hành hôn lễ ở triều đình, có vua hoàng hậu đứng chủ hôn.
Trăm xe: bách lạng thơ Thước Sào: Chi tử vu quy, bách lang nha chi, Cô về nhà chồng xe đón hàng trăm. Ngày xưa con gái nước chư hầu gả con cho chư hầu khác, tiễn đón bằng trăm cái xe.
Dập lạy: lạy đụng đầu xuống đất.
Già chiền: Thiền già, Thiền môn, cửa chùa.
Quản huyền, sáo và đàn.
Khúc cưu đã ngợi. Kinh thi, thơ Quan thư: Quan quan thư cưu. Tại hà chi châu: Chim thư cưu hót vang trên bãi sông
Thơ đào lại không: thơ Đào yêu trong Kinh Thi: Đào chi yêu yêu. Chước chước kỳ hoa. Chi tử vu qu., Nghi kỳ thất gia. Cành đào non non, Hoa đẹp dễ thương. Cô về nhà chồng. Cửa nhà hoà thuận.
Giấc hùng: hùng là con gấu. Ngày xưa cho rằng nằm mơ thấy gấu là điềm sinh con trai.
Thừa lưa : dồi dào
Ba hoè năm quế: con cái đông đúc hiển đạt.
Về đọan 1073 -1078. Đạm Trai phê: Vốn là đuốc hoa động phòng lại nhường nắng mãi nay mới gặp mưa, chẳng những ngâm thơ Đào Yêu, Thước Sào, lại thêm sao nhỏ năm ba.. tề tề chỉnh chỉnh, thơ Tiểu tinh ý nói có Hựu Lan làm trắc thắt, kể về điều mừng thì được hai trong bốn, kể về thơ thì được ngâm ba bài thơ trong hai nước thuộc Chinh phong: Chu, Thiệu. Quân Trung Đối thực dồi dào thịnh mỹ, không truyện nào có thể sánh được.
Văn bản:
Từ câu 934 đến câu 912 hai bản A, B chép là :
Sang hèn phải trái nghĩ đà chẳng nên,
Ơn lòng hạ cố cần quyền,
Xét trong phận nhỏ, còn trên trướng gà.
Nghe lời thị nữ trình ra,
Việc này ắt phải tâu qua nhà vàng.
Từ câu 1018 đến câu 1026 bản C chép là :
« Vì người ta dựng cửa nhà cho an .»
Tâu rằng: « Cỏ nội hoa hèn,
Gót đầu đền đội ơn trên tài bồi.
Lều tranh tang chế vừa rồi,
Rừng xuân khơi cách chưa lời trình qua.
Dám xin xét đến tình nhà.
Cho toàn chữ hiếu ấy là vẹn thương. »
Dạy rằng : « Trung hiếu hai đường,
Hành quyền với lúc thủ thường khác xa.
Bằng nay muôn việc ở ta,
Mệnh trên so với tình nhà đâu hơn ?
Bôn tang, có thuở thành hôn,
Nghi gia rồi lạy thiền môn há chầy “.
Tâu rằng : “Nhờ đức cao dày,
Vâng lời giáo huấn dường này dám sai.
Tình riêng chút bạn trúc mai,
Mộc Lan cùng thiếp nặng lời đồng minh.
Từ câu 1033 đến 1038 hai bản A, B chép :
Ngự nghe ban triệu Hoa Thư,
Cho vào gần trước thư từ hỏi han.
Khen rằng con trẻ khôn ngoan,
So vào chị nó Mộc Lan cũng dòng.
Câu 1041-1044 bản C chép:
Lứa đôi đã xứng sắc tài,
Truyền quan trạch nhật nay mai chớ chầy.
Tư thiên tâu đã được ngày,
Sính nghi chàng đã sắp bày an xong.
Từ câu 1060-1064 hai bản A, B chép là :
Phần thương Lan đã châu chìm ngọc tan,
Giờ lâu mới kể hàn huyên,
Một tuần nghỉ lại thiền quan dã dề.
Vâng lời tôn mệnh ra về,
Một đoàn cùng thỏa lòng quê mong chờ.
Lần lần gió đón xuân đưa,
Cửa thành trông đã hầu vừa tới nơi.
Từ câu 1074 -1080 hai bản A, B chép :
Lễ rồi trở lại động phòng trao tay.
Một nhà ba bạn sum vầy,
Khúc khi hoà nhã, tiệc này say sưa.
Cửa cao khúc vịnh chung tư,
Ba hòe năm quế sởn sơ đòi cành.
Hồi thứ mười hai
Ải lang tạnh khói rót rượu tế bên mồ.
Về sau La Thành được phong Tổng Quản, cầm binh đi đánh Sóc Phương, Tuyến Nương cũng ra trận giúp chồng. Dẹp giặc xong, cả ba cùng về quê tế mộ Mộc Lan, và từ đấy cùng nhau hưởng vinh hoa phú quý.
Chợt tin có chiếu tiến binh,
Ban chàng Tổng Quản đánh thành Sóc Phương
Dựng cờ gióng trống lên đường,
Nghĩa binh cũng nhớ nghĩa nàng đua nhau.
Thiên Sơn nặng sức cung dâu,
Vén tay so lũ tỳ hưu ai dài.
Ải lang việc nước đã rồi,
Cùng theo nàng Hựu về chơi quê nhà.
Một vùng cỏ áy bóng tà,
Nầy mồ Hoa tỉ đây đà phải chưa ? 1090
Thương thay ! cùng phận hạt mưa,
Người may, người rủi, mặc ưa chữ thì.
Thân nàng chẳng sớm thiệt đi,
Cưỡi rồng phận ấy kém gì chị em.
Một cơn Công chúa châu chan,
Hựu Lan lại thấy càng thêm sụt sùi.
Phong trần đã định cõi ngoài,
Chàng vâng chiếu chỉ khải hồi hưu binh.
Sủng quang ân đội triều đình,
Dồi dào lộc nước hiển vinh phúc nhà. 1100
Chiếu rồng rờ rỡ cổn hoa,
Chàng phong quận tước, nàng là phu nhân.
Nhà chung đỉnh, cửa đai cân,
Nối dòng giáp trụ nghìn xuân dõi truyền.
Dấu xưa chép để một thiên,
Sự đời kim cổ đã nên họa hoàn.
Cho hay tài tử giai nhân,
Lứa đôi chẳng lệch đồng cân chút nào ?
Tơ duyên đã dễ cho sao !
Lâu lâu rồi mới xe vào một nơi. 1110
Chẳng thời sao biết thợ trời,
Chẳng thời sao biết lòng người sắt đanh.
Chẳng thời sao chép sử xanh,
Chẳng thời sao có thơm danh muôn đời.
Nhân khi thong thả ngày dài,
Lựa lời mà chép kể chơi đỡ buồn. 1116
HẾT
Chú Thích:
Thiên Sơn: Tên núi thuộc địa phận Tân Cương cao 7340m. Đời Đường Cao Tông, Tiết Nhân Quý làm Tổng Quản Đạo Thiết Lặc. Có giặc trăm ngàn quân đến khiêu chiến. Nhân Quý bắn ba mũi tên giết ba người giặc kiếp sợ xin hàng. Trong quân có câu ca: Tướng quân tam tiễn định Thiên Sơn, Tráng sĩ trường ca nhập Hán Quan. Tướng quân ba mũi yên Thiên Sơn, Tráng sĩ khải ca vào Hán Quan.
Tỳ hưu: con gấu trắng, rất mạnh, đời xưa gọi tráng sĩ là con gấu trắng.
Hai câu 1085-1085. Đậu Tuyến Nương cùng đội nữ binh cùng dự việc đánh dẹp, vén tay trương cung bắn tên hàng giặc như Nhân Quý, để sánh cùng nam nhi ai hơn.
Ải lang: đời cổ ngoài biên thùy các cửa ải khi có giặc thì dùng phân chó sói, phân chồn, phơi khô trộn với rơm rạ làm thành ụ lửa đốt lên, ngọn lửa bốc thẳng và sáng, để báo động cầu viện binh. Chinh Phụ Ngâm: Khói cam tuyền rạng rực bóng mây
1083-1090 Đạm Trai phê: “Quân Trung Đối lấy mũi tên U Châu bắt đầu, lấy mũi tên Thiên Sơn kết thúc, lúc bắt đầu giống cái khéo bắn trúng bắn sẻ, lúc kết thúc giống cái khỏe tay vượn trương cung. Vì bắn khéo nên trúng Đậu Nương lại kèm trúng Hựu Lan, vì bắn khỏe nên nhân định phương Bắc xong rồi, bèn đi viếng mộ Mộc Lan để hương hồn nàng được an ủi phần nào, ấy là phép Quân Trung Đối khởi lên và kết lại đến đây trọn vẹn”.
Khải hồi: khải hoàn, thắng trận trở về, khải đánh nhạc mừng thắng trận, vui.
Hưu binh: nghỉ binh, không dùng binh.
Sủng quang: rạng rỡ vẻ vang vì được vua yêu quý. Cũng có khi dùng chữ long quang lấy trong thơ Lục Tiêu, Tiểu Nhã.
Cổn hoa: áo thêu rồng cuốn. Ý nói sắc mệnh vua ban, vinh hiển như khoát áo thêu rồng vào mình.
Họa hoàn: vẽ nên, vẽ xong. Họa hoằn tiếng Nôm có nghĩa là ít có hiếm hoi.
Văn bản:
Hai câu 1095-1096 bản C chép:
Chén vàng tay rưới tro tiền,
Khấn rằng : “Kẻ dưới hoàng tuyền thấu không ? “
Đôi nàng châu lệ ròng ròng,
Thấy nàng chàng cũng động lòng tiếc ai.
LỜI TỰA CỦA THANH BỐI CÚC KHÊ PHU
Tôi cùng anh Chu Kiều họ Nguyễn, nói về dòng dõi cao sang danh tiếng và tài năng khí phách, tưởng không cần phải so sánh. Quá đội ơn mắt xanh đoái tới, bèn cùng kết bạn chơi với nhau. Từ khi buổi họp mặt tại non Tiêu, đến nay đã hơn hai mươi năm trời, “trăng lặn soi rường nhà “ , sao hay không nhớ nhung nhắc nhở ?
Bữa trước, có người Thăng Long về, đưa thư của anh nhờ mang đến và quyển Quân Trung Đối diễn ra quốc âm Nôm, anh bảo tôi xem có chỗ lầm thì sửa và đề tựa; tôi nâng lên coi một lượt như thấy mặt anh. Nhân được biết rằng giờ đây sách trăm nhà anh cũng rộng xem, cho đến những câu chuyện nhàn đàm bên chén rượu và tiểu thuyết tầm thường anh đều đọc tới.
Ôi ! lời là tiếng nói của lòng, mà văn dùng để khiến cho lời nói được đầy đủ. Văn chương người đời cổ thường mượn truyện trai gái, chồng vợ, hoàn toàn cốt để gửi ý vào. Tại sao ? Vì rằng trong đạo vua tôi, bạn bè, vợ chồng, đều lấy nghĩa mà hợp với nhau, chỗ này có tình mà không nói được ra, ắt tạm mượn chỗ kia để gửi tình, ngõ hầu nỗi lòng ngay thực ở bên trong, người ta có thể lượng xét cho được vậy. Cuốn Quân Trung Đối diễn ra quốc âm hoặc cũng thác gửi, như người đời xưa thác gửi, có phải vậy chăng ?
Xem như La Thành, con người ở chốn ăn mở thịt, mặc lụa là, Đậu Tuyến Nương , một nhân vật trong làng mày mực đậm, mặt phấn thoa, trên trận gặp nhau tình cờ, bèn đính ước hôn nhân; giữa khoảng trai gái, ấy cũng là tình thường “mày đẹp mắt trong” muốn cùng nhau thoả lòng mong ước.
Lại thêm thành Tùy lửa dậy,gặp cơn ly loạn, sáu năm chia cách, tơ tình dễ dứt, một sang một khổ, thường sinh ra cảnh mây trắng muôn đen. Tuy nhiên, đây đầy giữ vững một niềm, rốt cuộc lại được tốt đôi, há chẳng phải là tình khẩn thiết trung thành, mà nghĩa dốc tâm thuần hậu ? Thế mà có những người “kết giao xe nón”, khi thường cùng nhau hòa hợp, nhưng rồi phạm lỗi “vỗ gươm ném đá “, chỉ trong chớp mắt rã rời tan nát, ấy là lòng dạ gì như vậy ? Nghèo chơi với nhau còn như thế, các trường hợp khác, suy ra đủ thấy rõ ngay. Vậy thì tình nghĩa trong Quân Trung Đối, há nên coi thường đấy sao ? Huống hồ Tào Phi chết vì chữ Tòng, tướng Phiên mắc lưới, sống vì ưa May, cô em Hoa thay chị, tròn chữ Nghĩa. Hạ Vương thấy mặt rể nơi cửa Thiền, vỏn vẹn trong mười hai hồi, mà có biết bao nhiêu sự việc: khiến cho ta đáng kính, đáng hãi, đáng mừng, đáng xót, lòng người, thói đời, đọc qua đều có thể tường tượng ra được, há hoàn toàn chỉ bảo thác gửi mà thôi !
Còn đến cách dàn bày thì cẩn mật chặt chẽ, đến nơi đến chốn, động tác tiến triển theo thứ tự ngay ngắn trọn vẹn, văn viết bắt, buông có phép, việc chính yếu, việc hiếm lạ, tự việc này dẫn sinh ra việc nọ, âm hưởng tiết điệu lại đầy đủ như kèn trống hợp hòa.
Trong văn chương; Quân Trung Đối thực là có nghệ thuật già dặn của văn Trung Hoa, ví bằng lấy đem bày vào mặt trận văn Nôm nước nhà, âu cũng là một cánh quân hùng mạnh. Ấy vậy làm bài tựa.
Thanh Bối Cúc Khê Phu viết
Dịch Nghĩa: Nghiêm Toản
Chú Thích:
Trăng lặn soi rường nhà. Thơ Đỗ Phủ bài Mộng Lý Bạch : « Lạc nguyệt mãn ốc lương . Do nghi kiến nhan sắc ». Nhượng Tống dịch : « Xa nhà trăng lặn dọi soi, Còn như nhác thấy mặt người năm xưa. »
Xe nón : do chữ Xạ Lạp theo sách Phong Thổ Ký: Tục nước Việt thuần phác, trong buổi sơ giao hai bên kết nghĩa thường có lời thề : Anh cỡi xe tôi đội nón, khi gặp nhau sẽ xuống xe vái chào tôi, anh cầm ô tôi cỡi ngựa, khi gặp nhau sẽ xuống ngựa chào anh. Thơ Khổng Bình Trọng : Vạn sự biến đổi khôn lường, chớ vì cỡi xe mà khinh kẻ đội nón. Vì thế tình bạn thân gọi là xạ lạp chi giao, tình xe nón. Thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương chép trong Lưu Hương Ký : Bài Chí Hiên tặng : Chữ giao nguyền với mấy năm tròn, Xe nón tình kia mãi mãi còn.
LỜI BÌNH DẪN TRUYệN QUÂN TRUNG ĐỐI
Mùa hè năm Giáp Ngọ, ta đến dạy học tại huyện An Lạc, được cùng ông Lạc Am Nguyễn, gặp nhau ở nhà láng giềng gần bên nhà huyện ; ông tuổi cao, đức lớn, vẻ tinh thuần như un đúc cả vào. Ông người làng Tiên Điền, Tỉnh Nghệ An, là em quan Hữu Tham tri Bộ Lễ, Nguyễn Hầu, đời Gia Long, và là nghiêm đường quan Nghè khoa Nhâm Thìn (1832) hiện đang làm Viên Ngoại Lang Bộ Lại. Dòng dõi trâm anh, gia thế từ xưa cao vọi, thuở nhỏ ông tránh loạn Tây Sơn, gấu mình trong nghề làm thuốc, bèn thôi không cầu ra làm quan. Ông giữ vững chí mình, yên với cảnh nghèo, đem đạo phải và thẳng ngay ra dạy con, vui vẻ muốn nơi sân hòe ắt có kẻ làm nên, và rốt cuộc lệnh lang đã khiến cho ý muốn ấy được thành, hạc nội yên hưởng cảnh thung dung, đất An Lạc thật là nơi vui vẻ vậy.
Đầu mùa đông, ông cùng ta uống rượu bàn văn, trong khoảng nói cười, chợt nhắc tới thơ Nôm, nhân đưa ra cho ta coi cuốn Quân Trung Đối ông đã diễn âm trong những ngày thường, và bảo ta chấm và bình phẩm.
Ôi ! Diễn âm nước ta đã có từ lâu, tác giả như rừng vậy. Nhưng gần đây, tác phẩm hay truyền lại, ngoài Phan Trần, Sãi Vãi không thấy có mấy. Từ Đoạn Trường Tân Thanh xuất hiện, ngàn xưa có một, như món gỏi, chả ngon, làm cho cả một thời sướng thích. Ông Phạm Lập Trai (Phạm Quý Thích) đã đề thơ vịnh, để ghi lại việc hay. Đoạn Trường Tân Thanh là của anh ông nổi trận trống kèn, nay lại có Quân Trung Đối lên tiếng nối theo. Nói về nguy nga, nghiêm chỉnh, tươi đẹp, dồi dào, dường như ông phải nhường anh, nhưng xét về cốt cách thuần hậu, nhã nhặn dịu dàng, ông thực đủ xưng hùng, làm địch thủ lợi hại của ông anh ; và cũng khó phân biệt anh, em, ai hơn, ai kém.
Ta đọc rồi, thêm vào những lời bình điểm xằng bậy ; nhân trong cuộc có chỗ nói đến tình trai gái, bèn đem những lời phường chèo mà vẽ vời tô điểm, để « cào, gãi ở ngoài hia » tuy không đủ nói hết chỗ cần cốt của tình ý trong văn, nhưng một trò hề đưa lên sân khấu, nghìn người xem đều phải phì cười, thì cũng có thể nói ta làm một trò cười cho bậc người thấy rộng vậy.
Vả lại càng đáng cười hơn nữa : trai gái con nhà võ biền hợp thành vợ chồng là một chuyện tầm thường nhỏ nhặt, mà lời bình luận tới đây pha trộn, kéo xen vào, đến trang điểm bằng quẻ Kinh Dịch, tiết mục Kinh Lễ, ca dao Kinh Thi ! Lại không những có thế thôi, còn đem việc vua Thần Nghiêu đời Đường, việc vua Thần Tông đời Lý ra so, dẫn bọn Trần Bình, Ngụy Vô Tri, Tư Mã Tương Như, Lý Mật ra sánh, lại không những có thế thôi ! còn dẩn cả đến Từ Thế Tích làm bề tôi trung thuận. Đường Nhị Lang định yên bốn cõi ; ở trong cái nhỏ mà thấy cái lớn là phép thường vốn có trong lúc làm văn. Song lời nông cạn nối liền, chọc cười miệng há má rung, khiến đang ăn sặc sụa phì cơm ra, hoặc bảo rằng đùa cợt, khôi hài như thế là khéo, giỏi.
Tuy nhiên, ông làm nghề thuốc nhỏ mọn mà học thức chất chứa sâu kín ; ta từng thấy thơ văn ông làm, có vẻ cao vợi như bậc học giả danh tiếng ; không chịu rong ruổi đua đòi theo cùng hạng người thường.. Vậy thí chắc ông chứa sâm truật trong giỏ thuốc bằng cỏ lau, mà cam tâm chịu sống với nghề thầy lang cho đến già ; ông dựng cờ vỗ trống trên đàn văn mà sự đẽo gọt trau chuốt cuốn truyền kỳ này thực là làm phát hiện ra hết vẻ sắc nhọn.
Hoậc gặp buổi trăng trong, yên ủi lòng mình nơi quán khách ; lên cao rót chén rượu cúc, tưởng ông đã tự cười khi nhìn cuốn Quân Trung Đối. Ôi há duy chỉ riêng có một ta đã tự cười những lời ta bình điểm mà thôi !
Năm Giáp Ngọ, tiểu xuân (tháng mười-1834)
Người tỉnh Thanh Hóa Nguyên Lập Đạm Trai đề ở chổ trường dạy học .Dịch nghĩa Nghiêm Toản.
Chú Thích :
Nguyễn Du : sau khi đi sứ về năm 1813 được thăng Hữu Tham Tri Bộ Lễ. Đời Gia Long(1802 -1820) Nguyễn Toản (Tản) con Nguyễn Nghi hiệu Chu Kiều, Hồng Vũ, Lạc Am ; Đậu Tiến Sĩ Tam Giáp, thứ năm Khoa Nhâm Thìn, Minh Mạng thứ mười ba.
Đường Thần Nghiêu miếu hiệu Đường Cao Tổ, tức Lý Uyên(618-626)
Trần Bình : ở đất Dương Võ làm tướng theo phò Hạng Võ. Lúc Hồng Môn hội yến thấy Hán Bái Công biết sau này làm nên công nghiệp nên không chịu bày mưu hại Hán Bái Công. Ông có lời khuyên nổi tiếng muôn đời khi Hán Cao Tổ khinh thường trí thức nho sĩ, giật mũ nho sĩ và đái lên trên : « Ta không cần đến trí thức ! » –« Bệ Hạ ngồi trên lưng ngựa mà được cả thiên hạ, nhưng bệ hạ ngồi trên lưng ngựa mà trị nước được sao ? » Vua Hán tỉnh ngộ.
Ngụy Vô Tri : tiến Trần Bình lên Hán Vương dùng. Giáng Quân dèm là Bình từng ăn cắp của chị dâu và hay ăn tiền các tướng. Hán Vương hỏi Vô Tri, Vô Tri nói : Thần tiến là tiến người giỏi. Bệ hạ hỏi là hỏi về tính nết. Nay một người giữ chữ Tín đến như Vĩ Sinh là tột bực.( Vĩ Sinh hẹn với tình nhân dưới cột cầu, tình nhân không đến, vừa thủy triều lên, vẫn nhất định ôm cột cầu chịu chết cho tròn chữ Tín) hỏi có ích gì cho đời ? . » Hán Vương khen phải và vẫn tin dùng Trần Bình. Sau Trần Bình có công to, phong Hộ Dũ Hầu. Bình từ chối nói : Nếu không có Vô Tri thần há được tiến cử lên theo giúp vua. Nên Vô Tri cũng được vua ban thưởng. Sử đời sau khen Hán Vương rộng rãi, độ lượng, thông minh, có lòng nhân ái, lại biết người để dùng, không câu nệ nên chỉ 5 năm là thành nghiệp đế vương.
Tư Mã Tương Như, tự Trường Khanh đời Hán hay chữ giỏi đàn đàn khúc Phượng cầu hoàng. Trác Văn Quân gái góa nghe cảm, đêm bỏ nhà trốn theo. Tương Như còn nghèo,mở quán rượu sống qua ngày. Về sau Tương Như làm nên sự nghiệp muốn lấy thiếp. Văn Quân làm khúc Bạch Đầu Ngâm. Tương Như nghe cảm thôi không lấy thiếp.
Lý Mật : người đời Tùy, gặp buổi loạn cùng Địch Nhượng giữ Lạc Khẩu xưng Ngụy Vương, rất được lòng kẻ sĩ xa gần hưởng ứng. Sau bị Vương Thế Sung đánh thua, hàng Đường, được phong Quan Lộc Khanh, nhân thất vọng lại phản Đường, bị giết.
Từ Thế Tích : tức Từ Mậu Công khai quốc công thần, bề tôi ba triều vua Cao Tổ, Thái Tông, Cao Tông.
Đường Nhị Lang tức Tần Thúc Bào (Tần Quỳnh) trong Thuyết Đường còn gọi Thái Bình Lang.
Có một loài bướm tên là Hoàng Gia màu vàng cam, sinh ra để làm cuộc hành trình 5000 cây số đi từ Gia Nã Đại đến một khu rừng tại Mễ Tây Cơ, cánh bướm mong manh ấy để làm cuộc hành trình này phải trải qua nhiều đời thoát xác làm bướm, thành sâu, thành kén để về quê hương mỗi lần tụ tập hằng triệu con vàng kín cả rừng. Truyện thơ Quân Trung Đối là một cánh bướm mong manh đó, sáng tác trước năm năm 1834 tại Bắc Ninh bởi Nguyễn Nghi, một văn nhân họ Nguyễn Tiên Điền em cùng cha khác mẹ với Đại thi hào Nguyễn Du, trao cho ông Nhữ Đạm Trai viết lời bình, ông đem về quê Thanh Hóa , năm 1920 được cụ Phó bảng Võ Hoành chép lại, được con là Gs Võ Thu Tịnh gìn giữ và năm 1959 trao cho Gs Nghiêm Toản phiên âm và chú thích đối chiếu với hai văn bản in năm 1910, 1911 khuyết danh. Năm 1965 văn bản này cùng đi sang Lào với Gs Võ Thu Tịnh, và sang Pháp năm 1975, năm 1995 Gs Võ Thu Tịnh cho in lại tại Paris. Và hôm nay năm 2013 tôi chép lại, bổ túc thêm về tác giả mà giáo sư Võ Thu Tịnh thiếu sót. Xin gửi về lại quê hương tác giả làng Tiên Điền, Hà Tỉnh và làng An Lạc, Bắc Ninh., một di sản quý báo của dòng họ Nguyễn Tiên Điền và của dân tộc Việt Nam, sau một hành trình lưu lạc, trải qua nhiều đời thầy trò, vòng quanh thế giới rồi trở về trên quê hương. Mong đọc giả sẽ thú vị khi đọc được « một tác phẩm em » của Truyện Kiều và góp phần gìn giữ nó một di sản đã qua một đời lưu lạc.
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục. Viện Đại Học Paris V Sorbonne.
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.