Nguyễn Du
Loading...
Tham quan ảo 3D
Bộ đếm lượt truy cập
NGUYÊN MẪU CHẾ THẮNG PHU NHÂN
Khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, trong tác phẩm Truyền kỳ tân phả của mình, Hồng Hà nữ sĩ đã dành nhiều tâm huyết để viết thiên truyện Đền thiêng ở Hải Khẩu. Đó là câu chuyện về một vương phi tài đức nhan sắc vẹn toàn - cung nhân của vua Duệ Tông đời Trần. Thực ra Đoàn Thị Điểm không phải là tác gia đầu tiên quan tâm đến số phận nhi nữ.
Kể từ Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, những vấn đề về tình yêu, hôn nhân, tài năng, số phận và sự chấp nhận của xã hội đối với nữ giới đã được đặt ra. Đến giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, trên văn đàn những tác phẩm về đề tài phụ nữ càng nở rộ, trong đó người cung nữ cũng là một đề tài rất được các văn nhân quan tâm. Nhưng khác với Nguyễn Dữ, cũng khác với các tác giả Cung oán thi, Cung oán ngâm khúc, Hoàng Lê nhất thống chí, cả Lan Trì kiến văn lục...về sau, Đoàn Thị Điểm đã đi một hướng khác. Mặc dù cũng sử dụng thể loại truyền kỳ, nhưng Đoàn Thị Điểm đã khai thác khái niệm kỳ ở một cung bậc khác và đưa vào một cách viết cũng khác với vị tiền bối Nguyễn Dữ của mình. Tác phẩm của bà vừa là phả (truyện tiểu sử) nhưng lại cũng vừa là truyện kỳ. Nếu Nguyễn Dữ chú trọng đến tính lãng mạn kỳ ảo, hoang đường nhiều ý nghĩa phúng dụ, thì Đoàn Thị Điểm lại viết về chuyện “người thật việc thật” và chú ý khai thác ý nghĩa khác lạ của cái kỳ. Nhân vật chủ đạo trong Truyền kỳ tân phả cũng là phụ nữ, nhưng nếu mượn một thuật ngữ của sân khấu để phân loại thì họ tuyệt đối không thuộc các loại vai “đào lẳng”, “đào ác”, “đào thương”. Họ là các nhân vật chính diện, mặc dù cũng “dữ dội”, nồng nàn, quyết liệt trong tình yêu (chúa Liễu Hạnh, phu nhân của Đinh Nho Hoàn, tiên nữ Giáng Kiều...) nhưng họ vẫn tiêu biểu cho những đức tính, những điều tốt đẹp trong quan niệm truyền thống về người phụ nữ Việt Nam lý tưởng. Phải chăng chính vì vậy mà họ mãi mãi được tôn thờ, và người con gái nhà thường dân họ Lê - Liễu Hạnh - đã trở thành thánh mẫu, một trong tứ bất tử của thế giới thần Việt Nam ? Nhưng đó là những vấn đề chung về thể loại văn học, chắc chắn phải suy nghĩ thêm nhiều và có thể phải được đặt ra ở một dịp khác.
Trở lại vấn đề của tác phẩm Đền thiêng ở Hải Khẩu. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Na trong một công trình nghiên cứu công phu và có nhiều phát hiện về Trryện ngắn trong sự phát triển của văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại(1), đã đối chiếu các tình tiết trong trục chính của cốt truyện với chính sử Việt Nam - Bộ Đại Việt sử ký toàn thư, phần Trần Duệ Tông, Lê Thánh Tông và đi đến “một nhận xét thú vị rằng”: “Mọi chi tiết trong truyện Đền thiêng cửa bể của Đoàn phu nhân đầu thế kỷ XVIII đều “khớp” với lịch sử, chính xác đến từng năm, từng tháng và kể cả thời tiết... của thế kỷ XIV - XV”. Quả là các nhân vật, sự kiện và địa danh quan trọng của truyện đều là nhân vật, sự kiện, địa danh lịch sử: vua Trần Duệ Tông, vua Lê Thánh Tông, Ngự sử Trung tán Lê Tích, tướng Chiêm Thành Bà Ma, cửa biển Kỳ Hoa, động Ỷ Mang, niên hiệu Long Khánh thứ 4 (1377) Đỗ Tử Bình cáo cấp về tình hình biên giới phía Nam, niên hiệu Hồng Đức, Lê Thánh Tông xuất quân đi đánh Chiêm Thành... Nhưng Đoàn Thị Điểm không làm sử, bà viết truyện, tất cả các sự thật lịch sử chỉ là chất liệu để bà xây dựng truyện; bà thêm bớt chi tiết, chuyển đổi hình thức các sự kiện... nhằm thực hiện ý tưởng thẩm mỹ, làm cho câu chuyện sinh động. Ví như tờ sớ can Duệ Tông không nên cất quân đi đánh Chiêm Thành của Lê Tích, đã được chuyển thành lời tâu - đối thoại trực tiếp; tờ chiếu của Lê Thánh Tông rất dài nêu lý do “thân chinh”, cùng tình hình rối loạn của Chiêm Thành được ghi chép đến mấy trang sử, cũng được đúc rút lại trong chỉ một vài câu truyền bảo trực tiếp ngắn gọn: “Vua nghe tin, bảo tả hữu rằng: - Cát Bá giết kẻ đưa lương, Bặc Ấp đem quân đi đánh; người Mật không biết vâng mệnh, Kỳ Chu hỏi tội không tha. Ngày nay chúa Chiêm Thành kiêu căng khinh mạn, đảo ngược luân thường, tàn hại sinh dân, nếu không đề binh trị tội thì làm sao cứu được dân chúng một phương ấy”; ngày Lê Thánh Tông cất quân đi thuộc tháng 11, có mưa và có gió bắc, nhưng với Đoàn Thị Điểm thì đó là “mùa xuân, khí trời ấm áp”, thuyền thuận buồm xuôi gió, hai bờ sông chim hót, mặt nước có le vịt bơi lặn và vua cảm hứng ngâm thơ... Tuy vậy, những thay đổi ấy không ảnh hưởng gì nhiều đến sự thật lịch sử quan trọng mà Đoàn Thị Điểm định đề cập đến trong tác phẩm: cuộc đánh Chiêm Thành thất bại của Trần Duệ Tông, sự suy thoái của vương triều Trần, yêu cầu cải cách, chấn chỉnh triều chính đương thời... Như vậy Đền thiêng ở Hải Khẩu là tác phẩm viết về “việc thật người thật”? Tuy nhiên nhân vật chính của tác phẩm - cung nhân Nguyễn Thị Bích Châu và bài Kê minh thập sách có giá trị tư tưởng to lớn mà bà dâng lên vua Duệ Tông lại chưa tìm được dấu vết trong các sử sách về đời Trần. Hồng Hà nữ sĩ đã hư cấu nên nhân vật Bích Châu để chuyển tải tư tưởng của bà chăng, hay nàng cung nhân xinh đẹp và trí tuệ ấy là nhân vật lịch sử có thật ? Cách đây hai chục năm, với cảm quan trực giác và căn cứ vào đặc tính của văn học trung đại (tác phẩm văn học có thể lưu giữ tác phẩm văn học khác), trong Thơ văn Lý - Trần Tập III (xuất bản năm 1978), Phó giáo sư Trần Lê Sáng cũng đã coi Bích Châu là một tác giả và Kê minh thập sách là tác phẩm của bà, dù vẫn còn đặt dưới dạng tồn nghi, nghĩa là còn cần tiếp tục đi tìm chứng cứ. Khoảng cuối thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, trong tập truyện ngắn Vườn Kỳ trong phủ chúa, “dựng lại” chân dung một số tác gia nữ thời trung đại, nhóm Trần Thị Băng Thanh cũng coi Bích Châu là tác giả, nhưng dù sao đấy cũng là viết truyện. Từ bấy đến nay, các thành viên của Nhóm thơ văn Lý - Trần cũng chưa đi xa hơn được bước nào trong việc giải đáp câu hỏi khó khăn này. Quả thực tính truyền kỳ của tác phẩm có phần khiến nhiều nhà nghiên cứu cũng như chính bản thân tôi không mấy tin tưởng vào việc tìm ra dấu vết của một nhân vật đã sống cách thời đại mình hàng gần thiên niên kỷ! Nhưng gần đây do nghiên cứu Đoàn Thị Điểm và may mắn “gặp” được đền thờ Hải Khẩu tôi đã có một cách nghĩ khác. Kể ra căn cứ vào phong cách của Hồng Hà nữ sĩ ở Truyền kỳ tân phả (nhân vật có nguyên mẫu, gốc gác) và tục hiến tế trong thời trung đại thì cũng có thể tin vua Duệ Tông đã từng hiến tế cung nhân của mình cho thần biển để cầu sóng yên bể lặng. Cách thời Duệ Tông chưa đầy bốn mươi năm, Lê Lợi từng cũng đã hiến tế người vợ họ Phạm của mình để cầu thần giúp cho cuộc hành quân. Việc ấy được ghi trong Lam Sơn thực lục, Ngọc phả và nhiều sách khác. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi về bà với tư cách là thân mẫu vua Lê Thái Tông. Bích Châu chưa tìm được Ngọc phả, cũng không được chính sử ghi chép. Duệ Tông là một người bại trận, nhiều khả năng nhà vua đã “mất xác” ở chiến trường vì “thấp cơ” hơn một tướng Chiêm Thành. Điều đó đã là việc đáng xấu hổ, huống hồ lại còn phải “ném” cả người cung phi sủng ái của mình xuống biển để dâng hiến thần cầu sự trợ giúp cho việc ra quân? Các nhà viết sử theo quan điểm Nho gia dè dặt với những chuyện “quái, lực” và có thể bày tỏ thái độ chê trách Trần Duệ Tông bằng cách không ghi chép nhiều về ông, Bích Châu vì thế cũng vắng bóng trong sử sách? Thế nhưng ngôi đền thờ bà ở Hải Khẩu, nơi chính bà đã tự nguyện hy sinh tính mạng, cuộc sống cho việc lớn của đất nước, trải qua một thời gian dài trên sáu trăm năm, gần bằng lịch sử nền độc lập tự chủ của dân tộc, qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến đổi bể dâu cuộc đời vẫn linh thiêng, chưa bao giờ lạnh khói hương, đã chứng thực cho hành vi cao cả vì dân vì nước của bà, chứng tỏ người dân Việt vẫn ghi nhớ công tích của bà và sự giao cảm giữa tinh linh bà với dân tộc. Thực tế đó cũng nên được tin cậy và trân trọng như những dòng ghi chép của chính sử. Ngày nay ngôi đền không còn lưu giữ được những dấu vết văn hoá vật thể có từ thời Trần, nhưng thơ văn lại chứng thực cho lai lịch của nó. Bài thơ sớm nhất nhắc đến ngôi đền Chế Thắng phu nhân là của vua Lê Thánh Tông, làm trong dịp nhà vua “Chinh Chiêm Thành” vào hai năm đầu niên hiệu Hồng Đức (1470-1471) chép trong tập Minh lương cẩm tú: “Nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa” (Hà Hoa hải môn lữ thứ). Bài thơ như sau:
Hà Hoa đáo xứ vũ sùng triêu,
Hoàn hải mang nhiên tứ vọng diêu.
Xúc thạch du du vân luyến tụ,
Bài nham húng húng lãng tùy triều.
Thủy Tiên đàm thượng yên hà cổ,
Chế Thắng từ trung thảo mộc kiều.
Túy ỷ song bồng ngâm ý phát,
Thi hoài khách tứ bội vô liêu.
Vị túc nho Đỗ Ngọc Toại đã dịch thành thơ:
Mưa mai mù mịt cửa Hà Hoa,
Ngắm biển mênh mang bốn phía xa.
Mây mến đầu non lơ lửng đứng,
Sóng theo con nước rập rờn qua.
Thuỷ Tiên đầm nọ đầy sương ráng,
Chế Thắng đền kia rực cỏ hoa.
Say tựa bên mui càng nảy hứng,
Lòng thơ dạ khách khó khuây khoa.
Bài thơ có một lời “nguyên chú” ghi được hai mẩu chuyện truyền tụng trong dân gian về Đầm Thủy Tiên và phu nhân Chế Thắng:
“Bên trái cửa biển có núi Bàn Độ (Thiên Nam dư hạ chép là Bàn Khánh), dưới chân núi có đầm nước từ các nơi đổ về, dân địa phương thường thấy hai tiên nữ từ trong đầm đi ra, lên núi chơi ở chỗ bàn đá.
Chế Thắng là cung nữ của vua Trần Duệ Tông. Nhà vua Nam chinh, tới Kỳ Hoa gặp gió to, thuyền không qua được, nhà vua bèn trai giới bí mật cầu đảo, đặt người cung nữ ấy lên chiếc mâm vàng, để trôi trên mặt nước dâng cho thủy thần. Do có chuyện báo ơn đó, nên thường linh ứng. Người dân bèn lập đền thờ ở bên trái cửa biển. Nay trong Tự điển là Thượng đẳng thần. Vũng dưới gọi là Vũng Nàng (Loan Nương). Lời chú chắc không phải của chính Lê Thánh Tông mà là của người sao chép tập Minh lương cẩm tú, nhưng bài thơ đã có thể minh chứng rằng khi Lê Thánh Tông đi qua (năm 1470 - 1471) ngôi đền đã hiện diện, nó được xây dựng từ trước và có thể người cung nhân của Duệ Tông cũng đã được phong mỹ hiệu Chế Thắng từ trước. Cho đến khi tập thơ được sao chép người ta đã thấy bà có tên trong danh sách các thần được thờ, ở cấp bậc Thượng đẳng, do triều đình quy định. Khi vua Lê Thánh Tông nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa, ngôi đền thờ Chế Thắng cỏ cây vẫn tươi tốt, điều đó cho biết ngôi đền vẫn được phụng thờ, chăm sóc chu đáo, chuyện của bà vẫn được dân chúng lưu truyền. Cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông cách cuộc Nam chinh của Trần Duệ Tông chưa đầy một trăm năm, tấm gương hy sinh của bà và câu chuyện hiến tế bi thương hãi hùng có phần chắc vẫn còn đậm tính thời sự. Một thiết chứng như vậy cho phép tin chắc Bích Châu là một nhân vật có thật trong lịch sử. Kết luận ấy còn được củng cố thêm bằng tác phẩm của nhiều văn nhân khác trong nhiều triều đại. Ví như trên bốn trăm năm sau, dưới thời Tây Sơn, khoảng sau 1789, Ngô Thì Nhậm trên đường vào Phú Xuân, nghỉ lại ở Dinh Cầu (phía bắc sông Ranh, nay thuộc huyện Kỳ Anh), cảm nghĩ về thời cuộc cũng đã miêu tả cảnh cây cối tốt tươi nơi đền phu nhân: “Tế liễu lục thùy Tiên Thánh miếu, Trường dương thuý kết Thắng phi điền” (Bên miếu Tiên Thánh rủ nhành liễu xanh, Cây dương biếc cao, kết thành hoa tai bà phi Chế Thắng). Câu thơ có nguyên chú “Chế Thắng phu nhân là thứ phi của Trần Duệ Tôn, có miếu thờ ở cửa biển Xích Lỗ”. Đến Bùi Dương Lịch, câu chuyện “tục truyền” này được ghi rõ trong phần Địa chí của Nghệ An ký, mục về sông núi: “Núi Bàn Độ, ở trên bờ biển thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Hoa. Mạch từ núi Vọng Liệu đến đây thì nổi lên. Trên núi có cái đầm. Tục truyền có tiên nữ đến chơi đầm ấy. Khi Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, đi đến đó, thuyền không tiến lên được. Vua phải lấy một cung nhân cho ngồi lên chiếc mâm vàng thả xuống nước hiến cho thủy thần thì thuyền lại đi được. Nay bên núi có đền thờ Chế Thắng phu nhân”(2). Và trong mục về Hải Khẩu, ông cũng chép lại bài thơ về cửa biển Hà Hoa của Lê Thánh Tông. Có phần chắc Đoàn Thị Điểm đã khai thác các tư liệu dân gian vẫn được lưu truyền này và biết đâu bà còn những tư liệu nào khác mà ngày nay đã mất hoặc chưa được khai thác?
Đến đây, qua những tư liệu vừa dẫn đã có thể yên tâm về kết luận nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thị Bích Châu trong truyện Đền thiêng ở Hải Khẩu của Đoàn Thị Điểm là một cung nhân của vua Trần Duệ Tông, một nhân vật có thật trong lịch sử. Vấn đề còn lại là Kê minh thập sách có đích thực là tác phẩm của Bà ? PGS.TS. Nguyễn Đăng Na, trong tài liệu đã dẫn cho rằng “... bài Kê minh thập sách của cung nữ Bích Châu thời Trần Duệ Tông (1373-1377) thế kỷ XIV cũng dường như được “sao y bản chính” từ Thập điều khải của Thái thường Tự khanh Bùi Sĩ Tiêm dâng vua Lê Duy Phường năm 1731, thế kỷ XVIII”. Chúng tôi lại không nghĩ thế, xin so sánh cụ thể hai tác phẩm:
Kê minh thập sách | Thập điều khải |
Trộm nghĩ, dời củi nâng mái bếp gây nền trị từ khi chưa loạn; dùng dâu ràng cửa tổ, được ở yên cần lo tính lúc nguy. Vì dân tình dễ đắm đuối sự yên vui; mà thế vận khó giữ luôn thời bình trị. Cho nên dâng lời răn chớ chơi bời lười nhác, Cao Dao trước hãy ngợi khen, ở vào thời không máu chảy gươm khua, Giả Nghị vẫn tâu lời than thở. Chỉ vì yêu vua mà ngăn trước, không phải khác chúng để khoe tài. Tiện thiếp tên gọi Bích Châu, lúc nhỏ vốn nhà nghèo khó, lớn lên được tuyển vào cung, ân sủng chứa chan, thương yêu đằm thắm. Vả xiêm áo vua ngu, dám đâu sánh với người nam tử; rút trâm cài Khương hậu, tiến lời can đứng trước đình thần. Mạo muội tỏ bày mười điều vụng nghĩ: | Quốc gia thừa hưởng thái bình đã lâu, trong nước an ninh, biên thùy yên lặng, vốn không có việc gì đáng nói. Nhưng trong buổi thái hòa chí trị mà thánh nhân vẫn lo lắng như những câu “lúc chưa mưa phải sửa sang nhà cửa” và câu “phải buộc chặt như rễ dâu” chính là những việc cần kíp lúc này. Ngu tôi thiển nghĩ những việc thiết yếu của quốc gia chỉ là: |
Một là năng giữ cỗi gốc của nước, trừ hà bạo thì lòng người yên vui. | Một: gắng tôn phù để tiêu tan biến dị. |
Hai là năng giữ nếp cũ, bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối. | Hai: dứt hẳn cầu cạnh để cho đúng đắn tiêu chuẩn. |
Ba là nén kẻ quyền thần để ngăn ngừa chính sự sâu mọt. | Ba: chăm đời sống của dân để bền mệnh mạch. |
Bốn là thải bớt kẻ nhũng lạm để trừ tệ đục khoét của dân. | Bốn: thận trọng chính sách dùng binh để mạnh nanh vuốt. |
Năm là cổ động Nho phong khiến cho lửa bó đuốc với ánh mặt trời cùng sáng khắp. | Năm: giảm bớt chức quan để đỡ phiền nhiễu. |
Sáu là cầu lời nói thẳng để cho cửa thành cùng với đường ngôn luận mở rộng. | Sáu: bỏ nhũng lạm để tắt nạn chài dân. |
Bảy là cách kén quân nên chú trọng dũng lực hơn thân hình. | Bảy: chấn chỉnh thể văn để khích lệ người hiền tài. |
Tám là chọn tướng hãy cầu người lược thao mà không căn cứ nhiều vào gia thế. | Tám: làm rõ lệ xét xử để cho thanh thỏa việc từ tụng. |
Chín là khí giới quỷ hồ bền sắc không chuộng vẻ ngoài. | Chín: liêm phóng tường tận để phân biệt người hiền kẻ gian. |
Mười là trận pháp cốt cho chỉnh tề cần chi điệu múa. | Mười: phân biệt nòi giống để chặn sự dòm ngó. |
Thật ra hai văn bản có những chỗ ý tứ gặp gỡ nhưng không thể coi là “sao chép” của nhau. Đối chiếu với Đại Việt sử ký toàn thư có thể thấy Kê minh thập sách trước hết thể hiện những tư tưởng quan trọng của nhà Trần về nhiều vấn đề quốc sách, là sự tổng kết những điều đã thực hiện, cần phải thực hiện, những điều còn ở dạng mong ước, hiến kế... Chẳng hạn điều Hai và điều Năm của bài Kê minh, là sự khái quát tư tưởng văn hóa, chính trị của nhà Trần mà ý kiến của Trần Nghệ Tông là khá tiêu biểu: “Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế nhà Tống, là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị (niên hiệu của Trần Dụ Tông 1358-1369), bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc... thật không kể xiết”. Nghệ Tông giải thích vì sao buổi đầu thời mình lại không theo cách làm của Dụ Tông: “Bởi thế chính sự buổi đầu đều theo đúng thời Khai Thái (niên hiệu của Trần Minh Tông 1324-1329)”. Cùng với những chủ trương ấy là các việc làm cụ thể như ban yến, tổ chức cho các vị đỗ đầu khoa thi đình đi dạo phố để khích lệ học trò và đưa hai nhà nho Việt Nam Chu Văn An và Trương Hán Siêu vào “tòng tự” ở Văn miếu... Từ điều Bảy đến điều Mười là sự tổng kết, khái quát những biện pháp cụ thể về quân sự dưới triều Duệ Tông, như: “Mùa thu, tháng tám (năm 1374), chọn dân đinh bổ sung quân ngũ. Hạng nhất sung vào Lan Đô rồi đến hạng nhì hạng ba. Người thấp bé nhưng nhanh nhẹn, can đảm cũng được sung vào hạng trên”; (Tháng giêng năm 1375) “Xuống chiếu chọn các quan viên biết luyện tập võ nghệ; thông hiểu thao lược thì không cứ là người tông thất, đều cho làm tướng coi quân”; “Mùa thu, tháng tám (1375) làm sổ quân, thải bớt người già yếu, lấy người mạnh khỏe bổ sung vào”... Có những yêu cầu rất cao, quyết liệt mà thời Trần Duệ Tông và Vãn Trần nói chung đã không thể thực hiện, như “nén kẻ quyền thần”, “mở rộng đường ngôn luận”, “trừ hà bạo”... Theo tôi nghĩ, ngoài điều có tính chất chung mà mọi thời đại đều phải quan tâm như “thải bớt kẻ nhũng lạm để trừ tệ vơ vét của dân”, các điều của Kê minh thập sách đều mang tính khái quát, có ý nghĩa chiến lược, trái lại Thập điều khải là những việc cụ thể do yêu cầu thời sự đặt ra, đúng như sự lưu ý của tên hai tác phẩm “thập sách” và “thập điều”. Mục tiêu mà “thập sách” nhằm tới là “lòng người, kỷ cương, chính sự”, ánh sáng văn hóa “Nho phong” soi sáng khắp, còn “thập điều” chủ yếu nhằm tới những nhiệm vụ trước mắt cấp bách dưới thời Trịnh Giang: “tiêu tan biến dị”, “đúng đắn tiêu chuẩn”, “mạnh nanh vuốt”, “đỡ phiền nhiễu”, “thanh thỏa việc từ tụng”... Ngoài ra những câu văn, những điển cố giống nhau ở đoạn mở đầu và đoạn cuối, có thể xuất phát từ những công thức hay được sử dụng trong loại bài khải tấu dâng kế sách, chưa thể nói một trong hai người chỉ biết “sao chép” của người kia.
Cuối cùng, một căn cứ quan trọng không thể bỏ qua là thời điểm ra đời của hai tác phẩm. Trong văn bản Truyền kỳ tân phả hiện còn, bản in năm Gia Long thứ 11 (1813), dưới đầu đề hai truyện Đền thiêng ở Hải Khẩu và Người liệt nữ ở An Ấp đều có ghi chú “Hồng Hà phu nhân viết, anh trai là Đạm Như Phủ bình điểm”. Điều ghi chú ấy cho biết Đoàn Thị Điểm sáng tác Truyền kỳ tân phả, ít nhất là hai truyện Đền thiêng... và Người liệt nữ... trong lúc sinh thời anh trai Đoàn Doãn Luân, vào khoảng trước 1733 (năm Doãn Luân mất). Như vậy có thể xem như hai tác phẩm Kê minh thập sách và Thập điều khải được sáng tác đồng thời. Đoàn Thị Điểm bấy giờ đã nổi tiếng, tác phẩm của bà có thể đã được truyền đọc, đến nỗi nhà Nguyễn Khản “lưu giữ được nhiều nhất”. Trong tình hình ấy Bùi Sĩ Tiêm đọc được tác phẩm của Hồng Hà nữ sĩ là khả năng hiện thực, trái lại bài khải của Sĩ Tiêm là để dâng lên vua, lọt được ra ngoài để đến tay một người con gái “ẩn dật” như Đoàn Thị Điểm lại là một khả năng khó xảy ra? Hơn nữa nếu đi sâu vào nội dung hai tác phẩm càng thấy rõ tầm nhìn và suy nghĩ của Kê minh thập sách sâu sắc, mang tầm chiến lược, rộng lớn hơn Thập điều khải rất nhiều. Và như vậy chắc chắn không thể nói Kê minh thập sách “sao y bản chính” của Thập điều khải.
Kê minh thập sách đã không có quan hệ mang tính “lệ thuộc” đến Thập điều khải tất phải là tác phẩm sáng tạo hay biên tập, sưu tập (?) của Đoàn Thị Điểm. Bà đã lấy chất liệu từ sử sách đời Trần, tổng hợp, trưng cất, khái quát thành Kê minh thập sách, những kế sách còn mãi giá trị thời sự cho đến nay, hay chỉ sưu tập, biên tập từ những tài liệu có sẵn ? Áng văn ấy Đoàn Thị Điểm nói là của cung phi Nguyễn Thị Bích Châu, nhưng điều đó có bao nhiêu phần sự thật khó mà khẳng định chắc chắn được. Song vượt lên tất cả các huyền thoại về Bích Châu, Đoàn Thị Điểm tỏ ra hiểu và đánh giá đúng nhất về người cung phi tài sắc, đức độ và trí tuệ đã không được sinh ra trong buổi thịnh thời, cuối cùng phải chịu chung số phận với vương triều. Nhưng Bích Châu dưới ngòi bút Đoàn Thị Điểm là một nhân cách đẹp, một nhan sắc, một tâm hồn đẹp, biết suy nghĩ cho một đất nước Đại Việt thịnh trị, cũng dám xả thân vì việc lớn và vì vị quân vương “tri kỷ” của mình, bà xứng đáng để cho dân tộc ta tôn vinh, thờ phụng và tri ân.
Nguyễn Thị Bích Châu đã được suy tôn thành một vị thánh, một vị Thượng đẳng thần mà nhân dân và các triều đại phong kiến Việt Nam thờ phụng; Kê minh thập sách là một tác phẩm có giá trị thức tỉnh, chỉ bảo về những kế sách an dân trị nước cho muôn đời. Đã như vậy thì có nên chỉ vì điều băn khoăn phải phân định “quyền tác giả” giữa hai người phụ nữ đều tài năng, trí tuệ và đức độ, cũng có nghĩa là băn khoăn về thời điểm ra đời của tác phẩm mà sao lãng đi việc nghiên cứu, khai thác những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của một áng văn độc đáo, bất hủ như Kê minh thập sách? Vả lại, nếu các nhà nghiên cứu đã “tin” Đoàn Thị Điểm, coi bài thơ “Bản thị Hy Lăng cung lý nhân...” đích thị là của Lê Thánh Tông thì có nên cũng đối xử như thế với Kê minh thập sách ?
Chú thích:
(1) Nguyễn Đăng Na: Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 2006. Tác phẩm Hải Khẩu linh từ, trước đây vẫn được dịch là Đền thiêng cửa bể, nhưng gần đây qua khảo sát thực địa chúng tôi được biết Hải Khẩu là tên đất, vì thế chỉnh lại tên truyện.
(2) Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Nguyễn Thị Thảo dịch chú, Nxb. KHXH, H. 1993./.
Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (Viện Văn học)/hannom.org.vn
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.