Nguyễn Du

Loading...

Nguyễn Hành với Thăng Long

Họ Nguyễn Tiên Điền, đến thế hệ thứ sáu, thứ bảy, kể từ Nam Dương công, là thời kỳ thịnh đạt nhất. Cha con Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm đều làm quan tại triều và có dinh cơ ở Thăng Long. Con cháu ông, nhiều người sinh trưởng, học tập thành tài ở đất kinh kỳ và coi Thăng Long như quê hương thứ hai, trong đó có Nguyễn Du và cháu gọi ông bằng chú, Nguyễn Hành. Về sau cả hai chú cháu đều được xếp vào bẳng “An Nam ngũ tuyệt” – Năm nhà thơ Việt Nam nổi tiếng đầu thế kỷ XIX.


Nguyễn Hành là con thứ hai Điền nhạc hầu Nguyễn Điều và bà kế thất họ Nguyễn người xã Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc, em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Thiện, người nhuận sắc Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự.


Ông sinh ngày rằm tháng tư năm tân mão, niên hiệu Cảnh hưng thứ 32 đời Lê Hiển tông (28/ 4/ 1771) ở Thăng Long, được ông nội Xuân nhạc công đặt tên là Đàm. Sau khi được tập ấm là Hiển cung đại phu Phó trung úy Hành nhạc bá, Xuân nhạc công lại bảo đổi tên là Hành theo tước hiệu, thường gọi Hai Hành, tự Tử Kính, hiệu Nam Thúc biệt hiệu Ngọ Nam, Tâm Trai, Nhật Nam, Nam Song.


Nguyễn Hành sống ở Thăng Long từ lúc thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Về sau, ông viết trong bài Đồng Xuân ngụ ký:


“... Các triều đại định đô ở Thăng Long, lập lên 36 phường, duy chỉ có phường Đồng Xuân là đứng đầu. Thời ấy, các danh công, quý thần đều đến dựng nhà ở đây... Nhớ lại năm xưa đang thời bình thịnh, nhà Hành tôi, một ông hai cha (tức ông nội Nguyễn Nghiễm, ông bác Nguyễn Khản và ông thân Nguyễn Điều – TKĐ chú) đều làm việc trong Chính phủ, chịu nhiều mưa móc của Triều đình. Các nơi ở Bích Câu trong thành, phủ đệ đối mặt với nhau, xe ngựa, võng lọng ngày ngày chầu chực trước cửa, áo gấm, cơm thịt, dưới có tôi tớ hầu hạ... Hành tôi sinh muộn màng, vẫn còn được thấy cảnh đó...”

 

Thành Thăng Long xưa


Sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc khoa bảng, ông cha, bác chú đều là những người tài hoa, đỗ đạt sớm, anh em Nguyễn Hành đều học giỏi có tiếng. Gia phả chép về Nguyễn Hành: Ông “rất thông minh, học rộng các sách”. Về sau, Nguyễn Huy Vinh, con nhà thơ Nguyễn Huy Tự ở Tràng Lưu, cũng viết trong bài Tựa Quan hải tập: “Tôi thấy Tử Kính là người thông tuệ. Vừa mười tuổi mà những câu văn viết ra từng làm mọi người thảy đều kinh ngạc. Tiên công xem ông là thần đồng”.


Nhưng khi ông anh Nguyễn Thiện và các ông chú Nguyễn Nễ, Nguyễn Nhưng thi đỗ tứ trường (Hương cống) khoa thi hương Quý Mão (1783) thì Nguyễn Hành mới 12 tuổi. Sau đó là những năm loạn lạc triền miên. Đến tuổi 14, 15 Nguyễn Hành đã phải rời Thăng Long, theo cha về Tiên Điền. Từ đó, sống trong cảnh long đong, bần bạc, ông vẫn không sao nhãng việc học.


“... Đêm ngày đọc không ngừng nghỉ, thường mượn sách của tôi, hễ không phải sách về thời Tam đại – Hán, Ngụy thì quyết chẳng xem, dụng tâm rất cao minh, đạt nhiều điều sở đắc” (Nguyễn Huy Vinh, TLĐD)


Mặc dầu sinh sau, không có điều kiện yên ổn để chuyên tâm vào việc học như các bậc cha anh, nhưng với trí thông minh tuyệt vời và sự bền chí vô song, Nguyễn Hành đã trở thành một người thông kinh sử, giỏi văn chương, đặc biệt nổi tiếng về thơ.


“Sau mấy độ đổi đời, văn thơ của ông còn đến hơn trăm bài, phần nhiều đều uyên áo, hùng hồn không dễ ai theo kịp... Đến như căn nguyên của thanh khí ấy thì ngọn nguồn là sự chính đáng của tính tình và nghĩa lý, lại chiết trung từ cái học của Thánh Hiền nên mênh mang như ngàn khoảnh sóng trào mà không lắng, sôi sục mà không đục, làm sao mà có thể đo lường được” (Nguyễn Huy Vinh, TLĐD)


Thời ấy, trong vùng Thanh – Nghệ có câu truyền tụng: “Nghệ Hai Hành, Thanh Cả Triệu” (Cả Triệu, tức Lê Triệu, hiệu Liêm Khê, quê xã Hoằng Phong huyện Hoằng Hóa bây giờ, tác giả tập thơ “Nam hành tạp vịnh” có tiếng).


Không chỉ có thế, Nguyễn Hành còn tinh tường về lý số, thâm áo về Phật học. Khoảng năm 1798, cuối đời Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm về mở Thiền viện ở nhà riêng tại phường Bích Câu và viết bộ “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”. Từ Thăng Long, ông Ngô đã gửi vào biếu Nguyễn Hành một chiếc áo lụa thâm cùng bản thảo “Đại chân viên giác nhị thập tứ thanh” và giấy, bút, mực đề nghị Nguyễn dùng chữ trong Kinh Phật, làm cho mỗi “thanh” một bài “kệ”. Nguyễn Hành đã từ chối làm “kệ” mà chỉ nhận viết một thiên “Tiểu khấu” – Tiếng gõ nhỏ, tức là phần tóm lược nội dung của chính văn, và làm bài thơ gửi ra. Cũng từ đây, Nguyễn Hành lấy Phật hiệu Hải Điền. Ông còn để lại bút tích của mình với phần viết trong sách “Lan trì kiến văn lục” của Vũ Trinh (Theo “Quan hải tập” và “Trúc lâm Tông chỉ nguyên thanh”).

 

Cửa Đông Hoàng Thành


Nguyễn Hành là người tài hoa, nhưng quá cố chấp nên lận đận suốt đời. Ông về ở quê nhà chưa bao lâu thì chế độ Lê – Trịnh sụp đổ. Nhà họ Nguyễn Tiên Điền tan đàn sẻ nghé... Thân sinh ông (Nguyễn Điều) cùng ông bác (Nguyễn Khản) từ Nghệ An bàn tính, định ra Bắc tập hợp lực lượng, cứu vãn tình thế, song chưa làm được gì thì cả hai người đều ốm chết. Chú bác anh em mỗi người một ngả. Người thì ở lại Nghi Xuân, người chạy về quê mẹ, quê vợ ở Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam ẩn lánh... Đây là một đòn nặng đối với cậu “cố gia công tử” Nguyễn Hành. Tuy còn ít tuổi, nhưng ông lại là thần tử trung kiên nhất, mang ý thức tôn Lê, hoài Lê sâu sắc nhất.


Mặc dầu hiểu rõ “Hưng phế là chuyện thông thường” (Quan hải tập), nhưng lý trí không thắng nổi tình cảm, ông đổ trách nhiệm về việc nhà Lê mất ngôi cho nhà Tây Sơn, và coi nhà Tây Sơn là kẻ thù không đội trời chung. Hơn nữa, thực tế diễn ra hàng ngày quanh ông, không phải là ông không nghe, không thấy: Nhiều nho sĩ có uy tín ở Bắc Hà như Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan, Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Huy Tự... và cả ông chú Nguyễn Nễ; các ông anh Nguyễn Thiện, Nguyễn Công... đều ra giúp tân triều; Hàng ngàn hàng vạn trai tráng xứ Nghệ đầu quân đi theo vua Quang Trung ra trận. Và chỉ trong mấy ngày tết Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn đã đánh đuổi mấy chục vạn quân Thanh xâm lược do Lê Chiêu Thống rước về... Không có gì làm cho lòng trung kiên của ông suy suyển.


Có điều, ông không tham gia vào bất cứ mưu đồ nào chống lại Tây Sơn bằng vũ lực, như những người đồng quận là Bùi Bật Trực, Trần Phương Bính, Trần Duy Tự... và các ông chú Nguyễn Quýnh, Nguyễn Du. Ông “đánh” Tây Sơn bằng phương tiện ông có, đó là văn chương. Ông viết về những tấm gương trung nghĩa của các thần tử triều Lê, tập hợp lại thành “Thất cảm tập”, trong đó, bài “Tổng vịnh những người khởi nghĩa thời Tây Sơn”, có câu: “Những ai chống lại Tây Sơn đều đáng gọi là hào kiệt”. Trong bài khóc ông chú Nguyễn Quýnh ông viết:


“Đại đạo thành nhân mỗi bất đồng

Lâm nguy khảng khái nghĩa duy công...”


(Giữ đạo, thành nhân người mỗi khác

Riêng ông khảng khái lúc lâm nguy)


Tháng mười năm Tân hợi (11-1791), Nguyễn Quýnh (con thứ tư Nguyễn Nghiễm) nổi dậy chống Tây Sơn, bị quân Tây Sơn bắt giết và đốt phá làng Tiên Điền. Lúc này, Nguyễn Hành đang trốn tránh ở vùng biển Hội Thống. Đến tháng hai năm Nhâm Tuất (1802), quân chúa Nguyễn Ánh thắng thế ông mới về Tiên Điền dựng căn nhà nhỏ. Có nơi ăn ở yên ổn, rảnh rỗi thì trồng cây, sửa cảnh trong vườn, “Cúc vàng, trúc xanh, tùng biếc, đá lạ, đều do nhã hứng của mình mà sắp đặt, để lòng được yên vui, thường đọc câu thơ của Uyên Minh (tức Đào Tiềm, đời Tần – TKĐ chú): Ỷ nam song nhi ký ngạo – (Tựa cửa sổ phía nam mà tỏ chí khí của mình) nhân đó mà lấy hiệu Nam Song. Mỗi sớm tối, mỗi nằm ngồi ở đó, đón tiếp bạn bầu ở đó, đọc sách dạy con nói ở đó, thung dung làm sao!” (Nam song ký) (Bài ký cửa sổ phía nam).


Thật ra thì ông không hề được thung dung. Tấm lòng hoài cựu, hoài Lê ray rứt không nguôi. Không chỉ thù hận nhà Tây Sơn, với nhà Nguyễn, ông cũng bất hợp tác. Ông luôn đinh ninh: “Dòng nhà trung hiếu không thể thờ hai chủ”. Lúc ông chú Nguyễn Du đang làm Tri phủ Thường Tín, bỗng xin từ quan, ông có bài thơ khen chú là “dũng thoái” – (dũng cảm rút lui – và viết: “Liệt tước dĩ tòng thiên hạ đắc – Lĩnh danh ưng vị ngã gia hoàn” (Theo thế ra đà nên chức trọng – Vì nhà về để giữ danh thơm).


Suốt trong hàng chục năm, trừ những lúc phải trốn tránh, ông thường đi đó đi đây, thăm thú các nơi ở Nghệ An, có khi vào Quảng Nam và nhiều lần qua lại Bắc thành, gặp gỡ bạn bầu và gửi nỗi niềm vào văn chương. Ông làm thơ, làm từ, làm phú, viết ký, viết tự, bạt cho nhiều sách... Các sáng tác ấy được tập hợp lại thành Quan hải tập (hoặc Quan Đông hải) mà trong bài Tựa, Nguyễn Huy Vinh đã hết lời khen ngợi.


Cũng cần nói thêm là mặc dầu ông có thái độ thù địch với nhà Tây Sơn và bất hợp tác với nhà Nguyễn, nhưng không hề có định kiến với những người từng cộng tác với Tây Sơn, hoặc ra làm quan với nhà Nguyễn. Ông luôn kính trọng hai ông chú Nguyễn Nễ, Nguyễn Du, viết Tựa tập thơ Hoa trình tiêu khiển của chú Sáu, tỏ lòng trân trọng và làm nhiều thơ ca tụng chú Bảy. Ngoài phần “Tiểu khấu” sau bộ Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm, và phần viết trong Lan trì kiến văn lục của Vũ Trinh đã nói trên, ông còn gặp gỡ bàn bạc về phong thổ Nghệ An với Hiệp trấn Ngô công Nhữ sơn (Ngô Nhân Tĩnh) và nhận lời viết bài Tựa sách Nghệ An phong thổ ký của Đốc học Bùi Tồn trai tiên sinh (Bùi Dương Lịch)...


Sau thời gian về Nghệ và đi đây đi đó, nhiều lần ra Bắc, cuối cùng Nguyễn Hành ở lại Bắc thành – Thăng Long cho đến cuối đời.


Trong phần Lược truyện của những người có quan hệ với Nguyễn Du về mặt gia quyến hoặc văn học, kèm sau bản lược dịch Hoan châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, Giáo sư Lê Thước viết:


“Ông luôn luôn trung thành với nhà Lê, tưởng nhớ nhà Lê không nguôi, nên không những ông chống Tây Sơn, mà cũng không chịu thần phục nhà Nguyễn một cách chân thành. Thời Gia long, ông bị nhà cầm quyền nghi ngờ, phải lưu cư ra Bắc, và bị giam lỏng ở Thăng Long, vợ con nheo nhóc, đói không cơm, rét không áo, thường ngày ông ngâm vịnh để tỏ chí khí của mình một cách xót xa sầu thảm. Các thơ văn ông sáng tác vào thời kỳ này, trong những năm 1819, 1820 hợp thành một tập đề là Minh quyên phả (Tiếng quốc kêu sầu).


Quả vậy, thơ ông đã nói đúng cảnh ngộ bi đát của ông lúc đó (TKĐ trích dịch):

- Hết rét, áo cũng hết,

Xuân đến, nợ đến theo...


(Ngày xuân, trọ ở Bắc thành, làm chơi)

Tinh mơ mang gạo đến cho,

Ơn người, mấy đấu, giá so nghìn vàng...


(Có người cho gạo)

- ... Người lo củi quế gạo châu,

Văn chương có đáng gì đâu nữa mà!

Khi xưa công tử con nhà

Bây giờ ra gã đồ già, vất vơ!


(Cảm hoài khi ngụ ở Bắc thành)

- ... Đầy thành phú quý phong lưu

Đêm đêm còn tiếng trẻ nghèo xin ăn.


(Say sưa cảnh thái bình)

Và:

- ... Hát lên là tiếng quyên gào

Khạc ra là miếng máu đào đỗ quyên...


(Đỗ quyên)

Đó là tiếng gào của người thi sĩ khốn khổ, cũng là tiếng gào của nhân dân khốn khổ trong xã hội Bắc Hà thời ấy.

 

Chợ Đồng Xuân thế kỷ XIX

Nhưng Nguyễn Hành đã viết một cách bình thản, với thái độ chấp nhận, trong bài ký Ngụ ở Đồng Xuân:


“Nào ngờ đến bước đường cùng, lại đến đây trú ngụ. Hành tôi phải đến trong tình trạng đắng cay, có tập Minh quyên phả có thể làm chứng cứ. Từ sau khi sinh ra chưa bao giờ lại quá đáng như vậy... Than ôi, ngày nay làm người lữ thứ ở Đồng Xuân là để đền bù lại thời trước là công tử ở Bích Câu, ấy là lý đương nhiên của sự vật... Ngày nay cùng quẫn ở Đồng Xuân vị tất đã không phải là do ngày trước phấn phát ở Đồng Xuân vậy” (Lược dịch)


Đó có thể là sự cam chịu, cũng có thể là sự thách thức. Dầu sao, số phận cũng đã run rủi cho ông được trở lại Thăng Long, nơi ông đã sinh ra để được trút hơi thở cuối cùng ở Thăng Long vào ngày 23 tháng chạp năm Quý mùi (25/ 1/ 1824), giữ niềm chung thủy trọn đời với Thăng Long, với nhà cố Lê của ông.

Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam

Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.