Nguyễn Du

Loading...

Nguyễn Du trong lòng những nhà thơ hiện đại

Viết về Nguyễn Du, nghĩ về Nguyễn Du trong mạch cảm hứng ấy, gắn sâu sắc với những ngày mình đang sống trong cuộc chiến đấu của thời đại… là đặc trưng cho tác phẩm của họ. Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh…  thường được xếp đứng đầu làng thơ hiện đại. Họ cũng là những nhà văn hóa lớn của  dân tộc, đau đáu một nỗi niềm về lịch sử, về cha ông… Viết về Nguyễn Du, nghĩ về Nguyễn Du trong mạch cảm hứng ấy, gắn sâu sắc với những ngày mình đang sống trong cuộc chiến đấu của thời đại… là đặc trưng cho tác phẩm của họ.
 
 
Phỉ thành
 
Nhà thơ Huy Cận, quê Hà Tĩnh, đồng hương của Nguyễn Du. Ông nhiều năm làm Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, lại là người thâm trầm, uyên bác, quý trọng di sản văn hóa dân tộc, nên để tâm nhiều đến Nguyễn Du.
 
Cũng không rõ là những câu thơ lục bát rất hay của Huy Cận, như câu "Sắc trời trôi nhạt dưới khe/ Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng" (Thu rừng) mà Xuân Diệu cho là hay như một câu thơ Đường, thì có dính líu gì đến câu thơ lục bát của Kiều không?
 
Một lần, anh kể tôi nghe là dạo sau hòa bình (1954), người ta thu hồi được một cái ấn triện của Nguyễn Du, gọi là ấn "phỉ thành". Cái ấn ấy, anh nói đã được đưa vào bảo tàng, nhưng rồi nay thì chắc không còn nữa.
 
Nguyễn Du dùng ấn "phỉ thành" để in vào những câu thơ hay Cụ đọc. Nguyên nó gồm 4 chữ "phỉ nhiên thành chương" 斐然成章 trong Kinh Thi, nghĩa là văn chương tươi đẹp, văn chương hay. Cái ấn ấy chẳng qua chỉ là trò mọn của bậc đại gia, nhưng nó cũng là một trong những thú tao nhã của văn nhân ngày xưa.
 
Mới đây cùng với Nguyễn Thế Quang, tác giả tiểu thuyết Nguyễn Du, đến thăm Bảo tàng Nguyễn Du ở Tiên Điền, tôi có nói chuyện này với cô Vinh, hướng dẫn ở đấy. Thấy bảo tàng có bán cái đĩa Mai Hạc "mai là bạn cũ, hạc là người quen", truyền rằng của Nguyễn Du cho làm ở Quảng Tây (khi đi sứ qua đấy?), tôi có gợi ý nên chăng bảo tàng đúc ra ấn Phỉ thành để du khách mua về thưởng văn? Thì cũng là một dịp nhớ đến Nguyễn Du, cũng là một dịp "khích dương phong nhã" vậy.
 
Huy Cận cũng có kể giai thoại mà các cố lão quê anh thường kể là Nguyễn Du viết Kiều khi nằm lắc võng, được câu nào thì dùng phấn viết lên vách.
 
Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên
 
Chế Lan Viên trong thơ gọi Nguyễn Du là Anh. Chế là một nhà thơ hiện đại, anh cũng muốn hiện đại hóa Nguyễn Du. Cứ lúc nào cũng cụ Tiên Điền, làm Nguyễn Du và Truyện Kiều xưa cũ đi chăng? Trong thế giới thi sĩ, Nguyễn Du vô cùng vĩ đại, nhưng cũng là nhà thơ cùng đi lại thân mật với mọi người, cách xa nhau bằng lễ tiết để làm gì? Cho nên viết:
 
Trong trăm trứng Âu Cơ, Anh trứng lép…
 
Chế Lan Viên chính là người yêu và viết nhiều về Nguyễn Du, và viết hay, độc đáo xuất thần. Trong Ánh sáng và Phù sa có bài Đọc Kiều. Đó là đọc Kiều sau kháng chiến chống Pháp.
 
Mười năm qua nay trở lại hòa bình
Trăng ly biệt lại đoàn viên trước cửa
Cảo thơm đặt trước đèn tôi giở
Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh.
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên
Cành xuân phải trao tay khi nước mất
Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên.
 
Một đĩa trà mai hạc thời Nguyễn có câu:
 
“Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là người quen”
 
Chế Lan Viên cũng lại nói: "Khi ta kỷ niệm Nguyễn chả có ích gì cho Nguyễn cả. Chẳng qua để làm vui lòng những người yêu Nguyễn mà thôi". Chế Lan Viên tự hào về thời chúng ta đánh Mỹ, thắng Mỹ, xây dựng giang sơn, tuy hy sinh gian khổ đấy nhưng thật là vĩ đại. "Hỡi sông Hồng, tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?". Từ đó, nhìn về quá khứ, thời thế kỷ XVIII-XIX của Nguyễn Du, mưa phùn và hoàng hôn…, thấy xưa kia "Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ/ Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi". Đó là một cảm quan nhân văn, yêu nước, một cảm hứng lớn về thời đại. Cũng như nói:
 
Tổ quốc mình nghèo lắm hỡi em yêu
Cho đến giọt lệ của cha ông cũng còn có ích với ta nhiều
Dẫu súng đạn nặng đường ra hỏa tuyến
Đi đường dài em giữ Truyện Kiều theo
(Gửi Kiều cho em Năm đánh Mỹ)
 
Chế Lan Viên bao giờ cũng gắn quá khứ với hiện tại, gian khổ, quyết liệt - nhưng "ta đẻ ra đời, sao khỏi những cơn đau". Anh soi chiếu quá khứ bằng ánh sáng của hiện tại, của hôm nay để tìm cảm hứng.
 
Giá đem lòng tôi đọc Nguyễn Du
Có phải đã hiểu nhân dân mình thêm chút nữa
Hiểu giá khổ đau để thêm bừng ngọn lửa…
 
Thời trước Cách mạng tháng Tám là thời Chế Lan Viên và các thi nhân Thơ Mới chưa phát hiện ra nhân dân, ra Tổ quốc… họ đắm mình trong cái tôi cô đơn - giá lạnh… Nay là một vũ trụ mới - một ánh sáng - phù sa mới; và có thể nói Chế Lan Viên đã nhân danh thời mình để đọc và hiểu Nguyễn Du. Cái thời mà anh nói sẽ làm "đẹp dạ người xưa trong quá khứ"… Như thế không phải là hạ thấp quá khứ. Mà là cảm nhận quá khứ theo cách nhìn hiện tại.
 
Chế Lan Viên từng bảo tôi: phải viết về quá khứ, về Nguyễn Du - Ngô Thì Nhậm… từ hôm nay, với cái nhìn hôm nay. Đó là một quan niệm, một tư tưởng và là một cách tiếp cận. Hôm nay, ngày nay… là quan trọng. Chính vì lẽ đó, thơ Chế Lan Viên về Kiều khác biệt với thơ nhiều nhà thơ khác viết về Kiều. Mỗi câu viết về Nguyễn Du, cũng là viết về chúng ta, về thời đại mình: "Dù tả một làn mây/ Cũng là mây thời đại": Không phải các thi sĩ khác không viết về Nguyễn Du như thế. Nhưng ở Chế Lan Viên sự súc tích của tư tưởng đã hòa vào những câu thơ bừng chói: "Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn".
 
Bọt mép của mụ vàng ra mãi đến ngàn năm...
 
Người bình luận, bình giảng say sưa nhất về Nguyễn Du - Truyện Kiều có lẽ là Xuân Diệu. Hoài Thanh viết nhiều về Kiều, nhưng dù sao, Hoài Thanh vẫn mực thước quá, "giáo trình" quá: ông vốn được mời giảng văn học cổ điển Việt Nam ở Đại học Văn khoa… Đến một lúc, khi Hoài Thanh đã đi đến đầu mút con đường bình giảng thì Xuân Diệu xuất hiện. Với tất cả sự nồng nàn, say đắm của trái tim lớn, và với cả một sự tích lũy học vấn từ thời niên thiếu - một sự tích lũy, học hỏi vốn cổ điển dân tộc ít thi sĩ nào làm được; Xuân Diệu đã thổi vào những trang Kiều một sự nồng say và khám phá mới.
 
Năm 1958, lúc đó Xuân Diệu chừng chưa 40, nghĩa là còn trẻ lắm. Anh nói chuyện Nguyễn Du ở Câu lạc bộ Đoàn Kết, gần Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm đó, tôi còn là học sinh phổ thông cấp 3, chưa được dự nghe, chỉ nghe qua loa phát thanh phát lại. Tôi nghe và hình dung ra chàng Xuân Diệu mến yêu của mình. Một con người nho nhã, hào hoa, một chàng thi sĩ "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", một chàng thi sĩ "buổi ấy lòng tôi nghe ý bạn/ lần đầu rung động nỗi thương yêu"…, nghĩa là một người không phải của cõi trần mà là… cõi tiên!
 
Xuân Diệu diễn thuyết say sưa bằng cái chất giọng Bình Định pha Bắc, nhấn nhá đãi đưa nhưng say sưa liên tục như con suối nguồn chảy ra từ Kiều và từ lòng trai Xuân Diệu. Có thể nói rằng, chưa có ai, không có ai, đã nói chuyện về Kiều đặc sắc như Xuân Diệu cả… Về sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, Xuân Diệu sẽ đi trò chuyện cùng người yêu thơ đến hàng ngàn cuộc; nhưng "cái thuở ban đầu" ấy ở Hà Nội, những năm vừa hết chiến tranh chống Pháp, thật không dễ quên.
Xuân Diệu đã đem tâm hồn mình rọi sáng những câu Kiều, rọi sáng tâm hồn Nguyễn Du, bằng một chất kết dính rất lạ…
 
Xuân Diệu, người Can Lộc - Hà Tĩnh… cũng lại là đồng hương với cụ Nguyễn Du như Huy Cận. Không có câu nào là không tâm huyết, độc đáo: hai tâm hồn thi sĩ lớn của hai thời đại đã gặp nhau. "Như bất cứ mỗi lần nào nói đến thơ Nguyễn Du, lần này chúng ta hồ nói đến, cũng lại thấy thiên tài Nguyễn Du mới quá, trẻ quá, hơn 150 năm nay, tuyệt nhiên chưa hề có một nét nhăn nào, một chút bụi thời gian nào in được trên thiên tài Nguyễn Du; thiên tài đó vẫn cứ "hải đường mơn mởn cành tơ", vẫn cứ "giọt sương gieo nặng cành xuân la đà", vẫn cứ "bóng trăng đã xế hoa lê lại gần", vẫn cứ huyễn diệu chúng ta, làm chúng ta mê say như điếu đổ!" (Xuân Diệu - Các nhà thơ cổ điển Việt Nam).
 
"Buổi kỷ niệm hôm nay, tôi xin gắng sức lấy Truyện Kiều mà trình bày đôi điều về thiên tài Nguyễn Du", Xuân Diệu như bay lượn trong vũ trụ thơ của Nguyễn Du, đến đâu cũng để lại những nhận xét lý thú, sâu sắc, làm lòng người khoái thích, khám phá, yêu mến Nguyễn Du thêm.
 
Chưa có ai bình đoạn Kiều này như Xuân Diệu:
 
"Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!
Phải làm cho biết phép tao!"
Chập bì tiên, rắp sấn vào ra tay.
(rút roi da, sấn lại đánh!)
 
Trời đất ơi! Tú Bà nói không đầy nửa phút, mà bọt mép của mụ văng ra mãi đến ngàn năm! Tưởng như mụ đã xé xác người ta rồi, cái con hổ cái! Tưởng như mụ nói, rách cả trang giấy Truyện Kiều!" (Xuân Diệu - Các nhà thơ cổ điển Việt Nam).

 

Bình về tính cách nhân vật thì như thế, bình về cái hay của từ ngữ, của câu thơ hay… thì như đoạn này:
 
"Có những câu chỉ có thể nói là tuyệt diệu, tuyệt diệu:
 
"Sông Tần một dải trong xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan"
 
"Trong xanh - loi thoi - dương quan" cũng như là "Bến Tầm Dương - canh - khuya - đưa - khách", mấy thanh bằng không có dấu huyền đưa cái chia phôi ra khắp không gian. Loi thoi bờ liễu, chứ không phải là lôi thôi; loi thoi là lá liễu so le không đều, là bờ liễu quanh co không thẳng, là tấm lòng nữa, nó xộc xệch, buồn buồn, mong nhớ, loi thoi…" (Xuân Diệu - Các nhà thơ cổ điển Việt Nam).
 
Chẳng bao giờ có một Xuân Diệu thứ hai, cũng chẳng bao giờ có được một người bình thơ như Xuân Diệu nữa, trên cõi đời này. Tôi bồi hồi nhớ lại những lần đưa anh đi nói chuyện ở Cần Thơ, ở Cà Mau, ở Quân đoàn 4 đóng quân trên đất Campuchia; và anh đã dành cho tôi biết bao tình thương mến…
*
* *
Tôi không nói đến Tố Hữu, người đã viết kiệt tác Kính gởi Cụ Nguyễn Du: "Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày" (1965) và đã dịch Long thành cầm giả ca của cụ với bút lực của một dịch giả bậc thầy. Điều này tôi đã nói trong Phê bình và tiểu luận văn học. Tôi cũng không nói đến Nguyễn Đình Thi và nhiều anh chị khác, ở chỗ này chỗ kia, trân trọng yêu thương Nguyễn Du…
 
Tất cả cũng chỉ là để nói một điều thôi: thời ấy, người ta đã yêu Nguyễn Du như thế đấy!
 
 
Theo Mai Quốc Liên/ Tạp chí Hồn Việt
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.