Nguyễn Du – Thi hào nhân đạo chủ nghĩa của nhân loại


UNESCO vừa ra Nghị quyết về việc tổ chức kỷ niệm trong năm 2014-2015 nhiều danh nhân văn hóa trên thế giới, trong đó có đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam. Tin vui này giúp chúng ta tự hào hơn với những danh nhân của dân tộc được thế giới tôn vinh như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh.

 

 

Nguyễn Du vốn đã rất vĩ đại nhưng sẽ trở nên vĩ đại hơn khi tiếng khóc cho số phận con người của Đại thi hào được cả nhân loại nghe thấy. Truyện Kiều, tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Đại thi hào đã trở thành máu thịt của dân tộc, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, đặc biệt phổ biến tại Pháp, Mỹ, Nga và một lần nữa, cùng với những tác phẩm khác của ông, lại khiến toàn nhân loại phải đi sâu tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Đó là niềm tự hào lớn lao mà không phải dân tộc nào cũng có được.

Nguyễn Du sinh ngày 23/11 năm Ất Dậu (ngày 3/1/1766 Dương lịch nhưng lâu nay chúng ta vẫn kỷ niệm ngày sinh của ông tính từ 1765 theo Âm lịch) tại Thăng Long, mất ngày 10/8 năm Canh Thìn (16/9/1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Quê cha ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, nay thuộc Hà Tĩnh; quê mẹ tại Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh). Đây đều là những vùng quê văn vật, có truyền thống văn hóa, khoa cử nổi tiếng. Gia đình Nguyễn Du là một gia đình đại quý tộc thuộc loại danh giá và có thế lực vào loại bậc nhất lúc bấy giờ. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ Tiến sĩ năm 1731, là một nhà thơ, nhà sử học, làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng) triều Lê. Anh là Nguyễn Khản, đỗ Tiến sĩ năm 1760, làm quan tới chức Bồi tụng (tương đương Tể tướng) bên phủ chúa Trịnh, là một người say mê hát nói. Dinh thự của ông là trung tâm của bộ môn nghệ thuật này lúc bấy giờ ở Thăng Long.

Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng sâu đậm truyền thống văn hóa, tri thức của gia đình của ba vùng đất lớn: Thăng Long, Kinh Bắc và đặc biệt quê hương Hà Tĩnh sông Lam-núi Hồng. Năm Nguyễn Du 10 tuổi mồ côi cha, 12 tuổi mẹ cũng qua đời, phải ở nhờ anh cả. Những năm sai đó, các biến cố lịch sử lớn lao đương thời đã khiến cho chàng trai trẻ phải phiêu bạt. Năm 1780, anh cả Nguyễn Khản bị hạ ngục, 1782 bị kiêu binh tìm giết, phá sạch nhà cửa, phải chạy trốn. Năm 1789, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, tiến ra Bắc đại phá quân Thanh do Lê Chiêu Thống cầu viện. Chàng trai trẻ Nguyễn Du trung thành với nhà Lê chống lại Tây Sơn không thành đã trốn tránh trong dân gian, về sống nhờ ở quê vợ Thái Bình. Thái độ của ông với Tây Sơn dần thay đổi. Niềm cảm thán về một triều đại nhanh chóng đi qua gắn liền với nỗi tiếc thương một con người tài sắc đã được Đại thi hào thể hiện trong tác phẩm lừng danh Long thành cầm giả ca.

Nhà Nguyễn thống nhất đất nước, Nguyễn Du được trọng dụng và giữ nhiều chức quan quan trọng như Cần Chánh điện học sĩ, rồi Hữu Tham tri bộ Lễ, làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc… Nhưng vị đại quan luôn cảm thấy đau lòng vì nhân tình thế thái, tâm hồn nghệ sĩ của ông quá nhạy cảm trước nỗi đau khổ lớn lao của con người trong xã hội chuyên chế. Ông luôn cảm thấy cô đơn, không có nhiệt tâm với triều đại mới, luôn hoài vọng về những ngày tốt đẹp đã qua. Ông mất trong một trận dịch khủng khiếp làm chết hàng vạn người lúc bấy giờ, trong điều kiện không chịu cho người nhà chạy chữa.

Nguyễn Du còn để lại một khối lượng tương đối lớn các trước tác rất có giá trị. Ông có 3 tập thơ chữ Hán, tổng cộng 250 bài: Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên), viết vào khoảng những năm 1784-1805, gồm 78 bài. Nam Trung tạp ngâm (Ngâm vịnh tản mạn trên đường từ Nam ra Trung), viết vào khoảng từ 1805 đến cuối 1812, gồm 40 bài. Bắc hành tạp lục (Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc), viết thời gian đi sứ Trung Quốc, 1813, gồm 132 bài. Đây là ba tập thơ đánh dấu những chặng đường nghệ thuật quan trọng với những nỗi buồn mang tính nhân loại của Nguyễn Du. Trong đó có những bài thơ xuất chúng như Độc Tiểu Thanh kí ( Đọc Tiểu Thanh kí), Long thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn ở thành Thăng Long), Thái Bình mại ca giả (Người hát rong ở Thái Bình), Sở kiến hành (Bài hành những điều trông thấy), Trở binh hành (Bài hành về việc binh làm nghẽn đường)… thể hiện ưu tư của nhà thơ trước cuộc đời và trước vận mệnh của con người. Về chữ Hán, ông còn có lời bình thơ hết sức tinh tế và sâu sắc cho tập thơ Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định và Hoa trình thi tập của Nguyễn Gia Cát.

Về văn Nôm, Nguyễn Du sáng tác chủ yếu bằng hai thể thơ lục bát và song thất lục bát, gồm: Văn chiêu hồn, Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), Thác lời trai phường nón và Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu.

Hai tác phẩm sau là những thể nghiệm của nhà thơ trẻ về ngôn ngữ và thể thơ dân tộc trong những sinh hoạt văn hóa sôi nổi ở quê hương Hà Tĩnh. Văn chiêu hồn (còn gọi là Văn tế thập loại chúng sinh) là bài văn tế các loại chúng sinh trong đó nhà thơ muốn chia sẻ tình thương của mình cho tất cả mọi người, đặc biệt là những kiếp người bất hạnh, đau khổ trong xã hội.

Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) là tác phẩm vĩ đại nhất, làm nên tên tuổi thực sự của Nguyễn Du, nơi thể hiện cao nhất chủ nghĩa nhân đạo của ông. Vay mượn cốt truyện từ cuốn tiểu thuyết viết văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của tác giả Trung Quốc có hiệu là Thanh Tâm tài nhân (việc vay mượn cốt truyện trong văn học trung đại là một việc bình thường theo quan niệm có tính chất toàn thế giới), nhưng Nguyễn Du đã thể hiện tác phẩm của mình bằng một hình thức khác hẳn. Đoạn trường tân thanh được viết dưới hình thức truyện Nôm – một thể loại văn học thuần túy dân tộc, có nguồn gốc sâu xa từ truyện thơ dân gian đã được bác học hóa và là sáng tạo nghệ thuật của văn học thế kỷ XVIII-XIX. Thể thơ mà Nguyễn Du lựa chọn là lục bát, cũng là một thể thơ thuần túy dân tộc.

Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã trở thành người phục hưng những giá trị văn hóa, văn học mang tính bản địa của dân tộc và phát triển đến đỉnh cao những thành tựu tinh thần này. Cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều được ẩn chứa trong thể lục bát trở thành “quốc hồn, quốc túy”, khiến cho việc dịch tác phẩm này sang một ngôn ngữ khác gần như là bất khả kháng. Truyện Kiều kết tinh tinh hoa của văn hóa, văn học dân tộc phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử và chứa đựng trong đó những vấn đề xã hội mang tầm nhân loại. Tác phẩm viết về số phận con người, số phận của người phụ nữ - những nạn nhân bị đầy đọa của xã hội phụ quyền. Đặc biệt Truyện Kiều lại viết về thân phận của một người phụ nữ thuộc loại “dưới đáy” của xã hội: Một thiếu nữ phải bán mình chuộc cha và bị xã hội dồn đuổi buộc làm kỹ nữ trong chốn lầu xanh. Nguyễn Du đã vượt lên trên mọi thành kiến xã hội để ca ngợi vẻ đẹp hình thức cũng như tài năng của Thúy Kiều, và đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Kiều trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đó cũng là điều rất khác biệt với nhiều nhà nho đương thời. Truyện Kiều đã có những ảnh hưởng hết sức lớn lao trong đời sống xã hội, trong văn hóa và văn học, trở thành cuốn sách của mọi người, tạo nên xung quanh nó một môi trường văn hóa đặc biệt với những hình thức như bói Kiều, nảy Kiều, vịnh Kiều, chèo Kiều, cải lương Kiều v.v… do tính nhân đạo ở tầm vóc toàn nhân loại của tác phẩm.

Với những ảnh hưởng sâu rộng của mình, Nguyễn Du xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế giới.


Tại kỳ họp lần thứ 37 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris mới đây, Hội đồng chấp hành UNESCO đã ra Nghị quyết 191/EX32 về việc UNESCO cùng các quốc gia thành viên kỷ niệm trong hai năm 2014 và 2015 một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới.
 
Nghị quyết nêu 93 nhân vật có những đóng góp lớn trong lĩnh vực văn hóa được kỷ niệm, trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam. Năm 2015 kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào.
 
Trước đây, UNESCO cũng đã có những Nghị quyết tương tự về việc kỷ niệm các danh nhân thế giới, trong đó có 2 danh nhân của Việt Nam. Cụ thể, năm 1980 tổ chức kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi. Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 ra Nghị quyết 24C-18.65 về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị “Anh hùng Giải phóng dân tộc và Nhà Văn hóa lớn”.