Nguyễn Du

Loading...

Nguyễn Du làm thơ tặng Ngô Nhơn Tịnh - một trong Gia Định tam gia

Một người trong Gia Định tam gia là Ngô Nhơn Tịnh (cùng với Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định), vào năm 1811 khi đang làm Hữu tham tri bộ Hộ được cử làm Hiệp trấn Nghệ An, đại thi hào Nguyễn Du khi ấy làm Cai bạ Quảng Bình. Ngô Nhơn Tịnh ngang qua ghé thăm, Nguyễn Du đã làm bài thơ tặng Ngô Nhơn Tịnh, một vinh dự văn chương đối với người Đồng Nai.
 
 
Niên biểu Nguyễn Du các sách đều ghi rõ, năm Nguyễn Du 56 tuổi, vua Gia Long băng hà, Hoàng thái tử húy là Đảm lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Theo lệ, cứ mỗi khi vua mới lên ngôi là sang cầu phong triều đình phong kiến Trung Hoa, thời bấy giờ là nhà Thanh. Việc cầu phong này, theo nhiều sử gia, nhất là các sử gia phương Tây, xem đó là cái lệ, chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến nội tình triều đình phong kiến Việt Nam. Nguyễn Du được vua chọn làm chánh sứ sang cầu phong. Ông chuẩn bị lên đường thì bệnh dịch hoành hành. Trước đó, năm 51 tuổi, Nguyễn Du được phong chức là Hữu tham tri bộ Lễ, chức danh như thứ trưởng bây giờ.
 
Sử liệu cho biết rằng, vào khoảng tháng 7, tháng 8, bệnh dịch phát sinh từ các tỉnh Hà Tiên, Định Tường rồi lan sang khắp nước, đến tận Bắc Thành (tức Hà Nội - người viết). Người chết không biết bao nhiêu mà kể. Thành thị thôn quê đều náo động (trích trong Nguyễn Du - tác phẩm và lịch sử văn bản của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính). Nguyễn Du nhuốm bệnh rồi mất vào ngày mùng 10-8 âm lịch, nhằm ngày 16-9-1820.
 
Chi tiết về sự ra đi của Nguyễn Du được thuật lại: Khi ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói với ông là đã lạnh. Ông nói “được”, rồi mất, không trối lại một lời. Bấy giờ có em là Nguyễn Ức và cháu là Nguyễn Thảng, con Nguyễn Khản, cũng đang làm quan ở Phú Xuân, ở bên cạnh. Nguyễn Du được táng ở cánh đồng Bầu Đá, xã An Ninh, tỉnh Thừa Thiên.
 
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc. Ngoài kiệt tác Truyện Kiều, một truyện thơ bất hủ, ông còn sáng tác thơ bằng quốc âm (chữ Nôm) và thơ chữ Hán. Ngoài ra ông còn viết văn tế, là những kiệt tác như bài văn tế Chiêu hồn thập loại chúng sinh, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu.
 
Nói đến Nguyễn Du người ta nghĩ ngay đến Truyện Kiều, đó là điều tất nhiên nhưng về sự nghiệp thơ chữ Hán của ông cũng rất đáng kể. Nếu nhân sinh quan Nguyễn Du thể hiện qua nhân vật trong truyện thơ, cũng gọi là tiểu thuyết thơ, thì thơ Quốc âm là thơ chữ Hán ông thể hiện trực tiếp cảm xúc của mình. Đặc biệt trong di sản thơ chữ Hán, Nguyễn Du có bài thơ tặng Ngô Nhơn Tịnh, (còn đọc là Ngô Nhân Tịnh), một thành viên trong Gia Định tam gia, cả 3 vị đều được thờ trong Văn miếu Trấn Biên. Lúc này Nguyễn Du làm Cai bạ ở Quảng Bình và gặp Ngô Nhơn Tịnh tại đây.
 
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có 3 tập là Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục. Bài Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất Nghệ An chép trong tập Nam Trung tạp ngâm. Nhữ Sơn là tên chữ Ngô Nhơn Tịnh.
 
Nguyên văn bài thơ chữ Hán được viết như sau:
 
Cẩm La giang thượng khấu chinh an
Bái hội phi nan, tích biệt nan
Bát đại kỳ văn hoa lưỡng quốc
Nhất xa cao vũ nhuận toàn Hoan
Nhân tòng đạm bạc tư vi chính
Thiên vị kiểm lê bất phóng nhàn
Bắc vọng Hồng Sơn khai đức diệu
Thiên nhai cử tửu khánh hương quan.
 
Nghĩa xuôi là: Trên sông Cẩm La, ngựa đi dừng lại. Gặp nhau không khó, từ biệt nhau lại khó. Văn chương ông khác nào văn chương tám nhà cổ văn lớn của Trung Quốc làm tăng vẻ đẹp hai nước. Mưa móc ông chở đầy xe sẽ thấm nhuần cả châu Hoan. Tính đạm bạc của ông sẽ thể hiện nào chính sự. Vì dân nghèo, trời chưa cho ông được an nhàn. Trông về non Hồng ở phương Bắc thấy ngôi sao nhân đức hiện lên. Từ phương trời xa tôi nâng cốc chúc mừng quê hương tôi.
 
Sách Nguyễn Du - tác phẩm và lịch sử văn bản (đã dẫn ở trên) dịch thơ:
 
Bến Cẩm dừng cương bước ngựa khoan,
Sum vầy chẳng khó, biệt ly buồn.
Văn hay đáng bậc, lừng hai nước,
Mưa ngọt đầy xe dội xứ Hoan.
Dễ tính việc càng mong được giảm,
Vì dân trời chửa để cho nhàn.
Xa nhìn Hồng Lĩnh ngôi sao đức,
Nâng chén mừng quê cách dặm ngàn.
 
Nguyễn Du lừng danh, có thơ tặng Ngô Nhơn Tịnh, sánh Ngô tiên sinh, lúc này coi như đồng cấp, với “bát đại kỳ văn” gồm: Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng và Vương An Thạch, cho thấy Nguyễn Du trọng vọng Ngô Nhơn Tịnh đến mức nào!
 
 
  Theo Tây Sơn Hạ/baodongnai.com.vn
 
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.