Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Đoan ngọ

Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá.

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại một số nước châu Á như: Việt Nam, Đài Loan, Triều Tiên và Trung Quốc.
 
Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều và theo phong tục ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí.
 
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc.
 
Tết Đoan Ngọ năm 2019 là ngày nào?
 
Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Ở Việt Nam, ngày Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
 
Tết Đoan Ngọ năm 2019 rơi vào thứ Sáu, ngày 7/6 dương lịch.
 
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?
 
Theo truyền thống, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ gồm các loại trái cây như: Vải, mận; rượu nếp; bánh gio (bánh tro)...
 
Người miền Bắc thường thêm bát cơm rượu nếp cẩm hoặc cơm rượu nếp cái hoa vàng trên mâm cúng.
 
Tùy từng vùng miền, đồ cúng tết Đoan Ngọ sẽ có sự khác biệt đôi chút.
 
Nếu như miền Bắc có bánh gio trong mâm cúng thì người miền Nam lại có bánh ú, miền Trung lại không thể thiếu thịt vịt.
Cúng Tết Đoan Ngọ lúc nào là đúng nhất?
 
Theo quan niệm của người Việt xưa, Tết Đoan Ngọ nên cúng vào giờ chính Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch). Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 tới 13 giờ.
 
Dịp Tết Đoan Ngọ là lúc tiết trời nóng bức nhất, đồng thời là lúc chuyển mùa, sâu côn trùng được dịp sinh sôi. Vì thế, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ, dâng hương để cầu tai qua, nạn khỏi và mùa màng bội thu.
 
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
 
Truyền thuyết xa xưa kể rằng, vào một mùa vụ nọ, nông dân trúng mùa, cây trái trĩu quả. Tuy nhiên, không biết từ đâu sâu bọ lại kéo đến dày đặc, ăn hết cây trái trong vườn. Đang đau đầu, không biết làm cách nào để giải quyết được hết số sâu bọ này thì bỗng nhiên một ông lão tên Đôi Truân xuất hiện.
 
Ông đã hướng dẫn người dân lập đàn cúng với lễ vật đơn giản, chỉ gồm bánh tro, trái cây. Cúng xong rồi, người dân cùng nhau ra trước nhà vận động cơ thể. Chỉ vậy thôi mà sâu bọ bỏ đi hết thật, chẳng còn con nào ở lại.
 
Ông Đôi Truân giải thích, đây chính là mùa sâu bọ mạnh và hung hăng nhất, mỗi năm cứ làm theo lời ông dặn thì sẽ diệt được hết sâu bọ. Lòng mừng rỡ vì đã đuổi được hết sâu bọ, dân tình chưa kịp cảm ơn thì ông đã đi mất.
 
Từ đó, dân gian vẫn hay gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ hay Tết Đoan ngọ và cúng vào giữa giờ Ngọ.
 
Ăn gì để diệt sâu bọ ngày mùng 5 tháng 5?
 
Người xưa cũng cho rằng, con người có thể diệt sâu bọ bằng cách ăn rượu nếp, hoa quả vào ngày mùng 5 tháng 5.
 
Người ta thường thực hiện giết sâu bọ ngay sau khi súc miệng xong. Ở miền Bắc, mỗi người sẽ ăn 1 bát cơm rượu nếp sau đó đến các loại trái cây.
 
- Cơm rượu nếp
 
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người thường ăn cơm nếp cẩm được nấu hoặc lên men cùng với rượu. Theo y học cổ truyền, cơm rượu có vị ngọt, tác dụng bổ trung ích khí, dùng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm…
 
Vào sáng 5 tháng 5, tất cả mọi người sau khi vệ sinh cá nhân đều cùng nhau ăn một chút cơm rượu nếp cẩm với mong muốn và niềm tin sẽ đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể.
 
- Trái cây
 
Người Việt xưa tin rằng, ăn trái cây sau khi ăn cơm rượu nếp ngày mùng 5/5 là cách để giết hoàn toàn sâu bọ trong cơ thể. Người ta cũng cho rằng, ăn rượu nếp sẽ khiến sâu bọ trong cơ thể say, khi ăn thêm trái cây chúng sẽ chết.
 
Ăn bánh gio
 
Bánh gio (còn có tên gọi là bánh tro, bánh nắng, bánh nẳng, bánh ú tro) là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
 
Loại bánh này được làm từ bột gạo nếp ngâm và lọc qua nước tro của một số loại cây trong vườn nhà. Nguyên liệu dễ kiếm nhưng cách làm lại khá cầu kỳ. Tuy vậy, nó lại được lòng rất nhiều người bởi màu sắc hấp dẫn, hương thơm đặc trưng của cây vườn nhà và vị thanh mát tan ngay trong miệng.
 
- Ăn thịt vịt
 
Nếu như thịt vịt là món kiêng kỵ ăn vào những ngày đầu tháng thì nó lại rất được ưa chuộng trong đầu tháng 5. Cũng bởi quan niệm “diệt sâu bọ”, chữa bệnh mà thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này.
 
 
Theo Minh Châu (tổng hợp)/baodansinh.vn
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.