Nguyễn Du

Loading...

Người phụ nữ đam mê Kiều cổ

Đó là cô giáo Trương Thị Phương (sinh năm 1959), nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non xã Châu Hóa, người đã có công trong việc sưu tầm vốn Kiều cổ trong dân rồi thành lập Câu lạc bộ Kiều cổ thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. Cô đã góp phần vào việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian về hát Kiều đã từng bị thất truyền lâu nay.
 
Cô giáo Phương (bên trái) trong vai Tú Bà trong đêm diễn ra mắt CLB
 
Đam mê sưu tầm vốn Kiều cổ
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, cô giáo Phương có một giọng hát trong trẻo, thanh cao, ngọt ngào, đằm thắm và sâu lắng, luyến láy rõ ràng phù hợp với việc hát Kiều cổ. Cô cho biết, cô là người say mê hát Kiều từ lúc còn nhỏ khi được nghe đội Kiều của ông Ngô Lược trong làng biểu diễn. Lúc 14, 15 tuổi, cô theo đội văn nghệ hát Kiều của làng đi diễn ở trong xã và các xã lân cận như Mai Hóa, Văn Hóa... và rồi hát Kiều đã thấm vào máu thịt cô từ lúc nào không biết. Rồi đội Kiều trong xã phải giải thể vì người cầm chịch đã quá cố, từ đó cô luôn muốn tìm hiểu thật kỹ kịch bản, các làn điệu hát Kiều để gây dựng lại môn hát Kiều - món ăn tinh thần này trên quê hương.
 
Lớn lên, cô đi học trường sư phạm mẫu giáo rồi về dạy học trong xã. Năm 2001, nhân một lần được xã cử đi tập huấn về văn nghệ dân gian ở huyện, cô gặp ông Trần Văn Bồn, một người đã từng là diễn viên Kiều cổ ở Minh Cầm (xã Phong Hóa). Thấy ông có quyển sổ viết nhiều đoạn hát Kiều, cô thích thú lân la hỏi chuyện. Sau một thời gian, cô tìm về nhà ông Bồn để mượn chép lại một số cảnh. Một thời gian sau nghe tin có bà Mai Thị Xiêm ở thôn Liên Hóa, xã Mai Hóa từng là diễn viên hát Kiều trước đây, cô lại tìm đến mượn và chép lại các bài hát Kiều ở bà Xiêm. Rồi cô tự đi tìm hiểu sưu tầm thêm các kịch bản hát Kiều của các cụ cao niên trong làng, trong xã, các xã khác. Với vốn hiểu biết, cộng với những tài liệu đã sưu tầm được, cô đã tự mình chắp nối, sắp xếp lại để làm tài liệu lưu giữ phục vụ cho việc tập luyện hát Kiều trên địa bàn sau này.
 
Năm 2005, nhân hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện, được xã cho phép, cô đứng ra tập luyện cho đội văn nghệ xã diễn một chương trình hát Kiều 45 phút, được giải nhì của huyện. Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến ngày hội Đại đoàn kết của làng hay có các sự kiện trong làng như khánh thành đình làng, đón làng văn hóa... đều có chương trình diễn Kiều do cô phụ trách đạo diễn.  

Hơn 10 năm sưu tầm, sao chép, chỉnh lý, biên soạn, đến nay cô Phương đã hoàn chỉnh một chương trình kịch bản mang tính truyền thống cho 20 vai diễn có thể tập luyện và trình diễn trong 2 đêm.
 
Tâm huyết thành lập câu lạc bộ Kiều cổ
 
Thời gian đang công tác, trong cô luôn đau đáu một tâm nguyện là khôi phục lại hát Kiều mà lớp cha anh thời trước ở quê nhà đã từng dàn dựng đi biểu diễn ở nhiều nơi. Tháng 10 năm 2014, được nghỉ hưu, cô quyết tâm đi vận động mọi người tham gia câu lạc bộ Kiều cổ. Điều đáng mừng là nhiều người có năng khiếu, tâm huyết đã đồng tình ủng hộ. Sau đó cô đã tự mình dàn dựng chương trình, tổ chức tập luyện. Và trong ngày hội Đại đoàn kết tháng 11 năm 2014, một số tiết mục về hát Kiều của câu lạc bộ đã được diễn cho mọi người trong thôn xem.

Năm 2015, Đại hội Đảng bộ bộ phận thôn Lâm Lang và Đại hội Đảng bộ xã Châu Hóa nhiệm kỳ 2015- 2020 đưa vào nghị quyết “khôi phục lại việc hát Kiều cổ”. Vậy là nghị quyết của Đảng tạo thêm niềm tin và quyết tâm để cô giáo Phương đứng ra thành lập Câu lạc bộ Kiều cổ thôn Lâm Lang. Sau một tháng dàn dựng tập luyện, câu lạc bộ đã hoàn thành 15 vai diễn để biểu diễn ra mắt cho mọi người xem. Ngày 27-10-2015,  UBND xã Châu Hóa đã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ Kiều cổ thôn Lâm Lang. Sau đó câu lạc bộ tổ chức một đêm diễn và làm lễ ra mắt với 25 thành viên, trong đó nữ 18 người, nam 7 người do cô giáo Trương Thị Phương làm chủ nhiệm và 2 chị làm phó chủ nhiệm là Phạm Thị Quỳnh Hồng và Ngô Thị Minh. Trong câu lạc bộ có 2 thành viên cao tuổi nhất đã tham gia trong đội Kiều của xã trước đây là cụ Nguyễn Trà 84 tuổi (đánh chiêng) và cụ Trương Xuân Pha 81 tuổi (đánh trống). Ngoài ra còn có 2 em học sinh 11 tuổi cũng là hội viên. Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang là nét văn hóa mới trên địa bàn xã Châu Hóa nói riêng, huyện Tuyên Hóa nói chung. Điều đáng nói là các thành viên trong Câu lạc bộ Kiều cổ thôn Lâm Lang đều là những nông dân (trừ cô Phương) thực thụ, một nắng hai sương lo toan việc sản xuất đồng áng nhưng ai cũng say mê tập luyện hát Kiều. Mặc dù bận rộn với việc mùa màng nhưng cứ đến lịch tập luyện là tất cả đều có mặt đông đủ. Những câu chuyện gắn với các nhân vật trong Truyện Kiều đã được các diễn viên câu lạc bộ thể hiện qua các vai diễn với nhiều làn điệu khác nhau như: hát phổng, hát xắp, hát ru, hát xướng, dân ca Nghệ - Tĩnh, dân ca Huế, hát đối đáp, ngâm thơ, kịch nói...
 
Theo các cụ cao niên trong làng Lâm Lang thì hát Kiều đã du nhập vào Lâm Lang hơn 200 năm, du nhập từ Hà Tĩnh, nơi có tác giả Nguyễn Du sáng tác ra Truyện Kiều và từ Thanh Hóa vào. Trước Cách mạng Tháng Tám và sau Cách mạng Tháng Tám hát Kiều đã trở thành món ăn tinh thần ăn sâu vào tiềm thức của người dân Tuyên Hóa nói chung, xã Châu Hóa nói riêng, làm cho người nghe hướng tới tính nhân văn, hướng con người đến giá trị chân, thiện, mỹ. Trước đây nhiều nơi phong trào hát Kiều đã phát triển mạnh mẽ như: Phong Hóa, Mai Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa... Riêng ở thôn Lâm Lang (xã Châu Hóa) người đầu tiên đưa Kiều du nhập từ Thanh Hóa về là cụ Cao Biền, sau đó ông Ngô Lược - Việt kiều ở Thái Lan về nước. Do điều kiện các cụ chủ trì qua đời nên hát Kiều ở đây dần mai một, nay mới được khôi phục lại. Tuy nhiên, câu lạc bộ mới được thành lập nên còn gặp nhiều khó khăn như thiếu kinh phí để duy trì hoạt động, mua sắm đạo cụ, phục trang cho các vai diễn...
 
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự đóng góp tích cực về tinh thần, vật chất của con em quê hương, các nhà hảo tâm và sự nỗ lực, cố gắng, nhiệt tình của các thành viên, tin chắc Câu lạc bộ Kiều cổ thôn Lâm Lang sẽ ngày một phát triển, góp phần gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian độc đáo này.
 
 

 

Theo Hồ Duy Thiện/ baoquangbinh.vn
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.