Nguyễn Du
Ấn phẩm - Sách
Bộ đếm lượt truy cập
NGHIÊN CỨU CÂU TRUYỆN VƯƠNG THÚY KIỀU
Cuốn sách này là kết quả thu hoạch được sau quá trình miệt mài đi tìm nguồn gốc, diễn hóa và ảnh hưởng của câu chuyện Vương Thúy Kiều từ trong nước đến ngoài nước của tác giả Trần Ích Nguyên – Giáo sư văn học chuyên giảng dạy và nghiên cứu tiểu thuyết cổ Trung Hoa ở Đài Loan. Kết quả đó chẳng những phong phú mà còn chắc chắn, độ tin cậy rất cao, bởi vì tinh thần hoài nghi khoa học, với lòng kính yêu nghề nghiệp theo đuổi suốt đời và cả tinh thần trượng nghĩa không chịu bỏ qua những bất công trong việc đánh giá, định vị tác giả, tác phẩm văn học cổ. Trần Ích Nguyên đã lục tìm đến tư liệu gốc, nguồn tin gốc, đọc chúng và đối chiếu so sánh, từ đó thẩm định lại tất cả những ý kiến từ xưa đến nay đề cập đến nhân vật Vương Thúy Kiều. Có thể khẳng định trên tinh thần cầu thị đó, Trần Ích Nguyên đã cắm một cái móc chính xác và vững chắc để những ai đi sau chỉ cần bước tiếp từ mốc này, khỏi bận lòng và mất công tìm lại từ đầu. Trong công tác nghiên cứu văn học cổ, có được những cột mốc như thế thật là một điều may mắn và là niềm khích lệ lớn.
Từ cơ sở này, tác giả đã tiến tới định vị lại một cách thích đáng cho Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà trước nay lịch sử văn học Trung Quốc đánh giá còn chưa đúng với tầm vóc vốn có. Sách đã xác định ảnh hưởng không nhỏ của Kim Vân Kiều truyện đối với văn học hai đời Minh, Thanh ở Trung Quốc và ảnh hưởng này càng sâu rộng hơn khi du nhập sang Nhật Bản và Việt Nam, đủ để người viết văn học sử Trung Quốc phải suy nghĩ và thừa nhận.
Đây là những phát hiện cũng rất cần cho giới nghiên cứu văn học cổ Việt Nam để hiểu kỹ hơn, đúng hơn nguyên bản mà Truyện Kiều của Nguyễn Du vay mượn. Đồng thời tác giả còn dọn cho chúng ta mấy món ăn sẵn được, đó là kết quả khảo sát đầy đủ hơn về truyện dân gian Kim Trọng và A Kiều của dân tộc Kinh ở Quảng Tây, dư âm của Truyện Kiều Nôm do di dân Việt Nam đem trở lại Trung Quốc; đó là kết quả thẩm tra lại tất cả số tư liệu về Truyện Kiều về Kim Vân Kiều truyện có ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm và một vài thư viện khác ở Hà Nội, đính chính lại rất nhiều chỗ sai sót trong Thư mục đề yếu về mảng tư liệu này. Đặc biệt tác giả đã cung cấp một danh mục đầy đủ về 6 bản dịch Truyện Kiều ra thơ luật và thơ lục bát bằng chữ Hán của người Việt Nam, có sơ bộ đối chiếu một số bản ở một vài đoạn dịch.
Điều thú vị là sau khi phát hiện ra số bản này dịch không thống nhất với nhau ở cùng một đoạn trong Truyện Kiều, cho thấy chẳng những người Trung Quốc (Giáo sư Hoàng Dật Cầu) dịch chưa chuẩn mà người Việt Nam dịch cũng mỗi người một khác, Trần Ích Nguyên đã lên tiếng kêu gọi rất cần có một bản dịch Truyện Kiều ra Hán văn thật sự lý tưởng do học giả hai nước Trung Việt cùng hợp tác dịch. Cụ thể là xem xét các bản dịch Hán văn hiện có (1), “sử dụng hình thức thể thơ lục bát phù hợp
(1) Chúng tôi vừa nhận được bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn của Giáo sư La Trường Sơn, công tác tại Học viện giáo dục Quảng Tây, như thế là hiện đã có 8 bản dịch Truyện Kiều ra Hán văn của cả người Việt Nam và người Trung Quốc.
mạo vốn có của Truyện Kiều Nôm, tiến hành dịch thận trọng từng chữ, từng câu một”. Có như thế việc nghiên cứu so sánh giữa Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam mới đạt được kết quả khách quan, tránh cho mỗi người có một cách nói trái ngược hẳn nhau như Trần Quang Huy và Đổng Văn Thành (Xem tiết thứ năm chương III: Bản Việt Nam trong sách này).
Hãy tạm chưa nói đến một bản dịch theo thể thơ lục bát vừa hợp vần, vừa đúng ý như thế đến bao giờ thì thực hiện được, hơn nữa có thực hiện được hay khó khăn (xin xem thêm đoạn Kim, Kiều gặp gỡ lần đầu được Nguyễn Kiên và Lê Dụ dịch ra thơ lục bát chữ Hán ở tiết thứ năm, chương III sách này), chỉ tiêng ý kiến này của Trần Ích Nguyên cũng đủ khiến giới nghiên cứu Truyện Kiều của Việt Nam phải suy nghĩ. Bấy lâu nay chúng ta còn thiếu một công trình so sánh chỉnh thể Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam, giúp cho bạn đọc trong nước và đồng nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc, hiểu được những yếu tố gì chung sức làm cho Truyện Kiều Nôm trở thành bất hủ. Chúng vì thế mặc dù thừa nhận thiên tài của nhà thơ Nguyễn Du, tác giả sách vẫn còn tở ra hết sức lúng túng khi nói về mối quan hệ giữa Kim Vân Kiều truyện Trung Quốc và Việt Nam. Ông đã dùng rất nhiều khái niệm khác nhau để chỉ cùng một sự việc: khi thì phiên dịch, cải biên (hoặc dịch cải), hấp thu cải tạo, để luyện xuất (hoặc hấp thu cải tạo chi hạ, sáng tân xuất), trí tuệ gia công, thoát thai hoán cốt, hoặc biên dịch, cải biên, biên sáng xuất, cải tả, tả tác v.v… Chúng tôi nghĩ đây không chỉ đơn giản là việc dùng từ mà đằng sau nó là cả một vấn đề học thuật khi mà trong lời đề dẫn cuốn Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở châu Á, bà Claudine Salmon có nói: “Thuật ngữ dịch sẽ được dùng với nghĩa rộng nhất vì trong phạm vi hiểu biết của chúng tôi hiện nay, việc phân biệt “dịch” và “cải tác” thường không thể thực hiện được”. Chính chúng ta cũng chưa để tâm thảo luận vấn đề này.
Cuối cùng vì là người dịch cuốn sách này, chúng tôi cũng có đôi lời nói về việc dịch. Chúng tôi trung thành theo nguyên tác, tên sách, tên bài, tên người chủ yếu để nguyên phiên âm Hán Việt, những chỗ trùng lặp ở chính văn và chú thích do tác giả xâu chuỗi 7 bài viết riêng lẻ thành sách cũng để nguyên; những chú thích nào mới thêm vào đều có chú rõ tên người dịch (PTC) ở sau đoạn chú thích. Mặc dù vậy có thể vẫn còn những sai sót do người dịch sơ xuất, mong bạn đọc xa gần chỉ giáo để khi nào có dịp, sách tái bản sẽ được hoàn hảo hơn.
Hà Nội, ngày 1 tháng 9 năm 2003
PHẠM TÚ CHÂU
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
PHẠM TÚ CHÂU
Kim Vân Kiều truyện và công việc nghiên cứu tiểu thuyết của tôi
TRẦN ÍCH NGUYÊN
Chương I
DẪN LUẬN
Tiết thứ nhất
Từ truyền thuyết trong tư liệu lịch sử đến tiểu thuyết, hý khúc
Tiết thứ hai
Từ tiểu thuyết, hý khúc đến thơ tự sự trường thiên
Tiết thứ ba
Từ thơ tự sự trường thiên tới truyện dân gian
Tiết thứ tư
Biến thiên nhã – tục của câu chuyện Vương Thúy Kiều
Chương II
BẢN ĐỜI MINH VÀ ĐỜI THANH
Tiết thứ nhất
Lời nói đầu
Tiết thứ hai
Tiểu thuyết Minh Thanh có liên quan tới câu chuyện Vương Thúy Kiều
Tiết thứ ba
Tác phẩm hý khúc có liên quan tới câu chuyện Vương Thúy Kiều
Tiết thứ tư
Lời kết
Chương III
BẢN VIỆT NAM
Tiết thứ nhất
Lời nói đầu
Tiết thứ hai
Văn bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm hiện có ở Việt Nam
Tiết thứ ba
Tư liệu liên quan đến Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du hiện có ở
Việt Nam
1. Văn bản nguyên tác
2. Bản dịch thành thơ chữ Hán
3. Thơ, từ, ca, phú
4. Tác phẩm phỏng theo và viết nối Tiểu thuyết hý khúc
Tiết thứ tư
Nghiên cứu so sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, Việt Nam
và tranh luận
Tiết thứ năm
Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du hết sức cần một bản dịch Hán
văn lý tưởng
Tiết thứ sáu
Lời kết
Chương IV
BẢN QUẢNG TÂY
Tiết thứ nhất
Lời nói đầu
Tiết thứ hai
Sưu tầm lần đầu Kim Trọng và A Kiều năm 1984
Tiết thứ ba
Nhận xét về việc nghiên cứu có liên quan đến Kim Trọng và A Kiều
Tiết thứ tư
Kim Trọng và A Kiều sưu tầm lần thứ hai năm 1999
Tiết thứ năm
Lai lịch và chân tướng Kim Trọng và A Kiều
Tiết thứ sáu
Lời kết
Chương V
BẢN ĐÀI LOAN
Tiết thứ nhất
Lời nói đầu
Tiết thứ hai
Hình tượng và sự tích Vương Thúy Kiều dưới bút Cao Dương
Tiết thứ ba
Nguồn gốc tư liệu để sáng tác nên tiểu thuyết Thảo mãng anh hùng
Tiết thứ tư
Lời kết
Chương VI
LỜI KẾT CHUNG
Tiết thứ nhất
Từ các tầng ảnh hưởng nhìn nhận định vị lịch sử của tiểu thuyết cổ đại
Tiết thứ hai
Ảnh hưởng và địa vị của Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc
Tiết thứ ba
Sự truyền bá và ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện đối với nước
ngoài
Tiết thứ tư
Suy nghĩ về Kim Vân Kiều truyện và hiện tượng Truyện Kiều
Phụ lục 1
TIỂU THUYẾT HÁN VĂN VIỆT NAM KIM VÂN KIỀU LỤC
Phụ lục 2
TRUYỆN DÂN GIAN QUẢNG TÂY DO LÝ HƯỚNG DƯƠNG
SƯU TẦM: KIM TRỌNG VÀ A KIỀU
Phụ lục 3
MỘT SỐ TRANH ẢNH MINH HỌA
Thư mục tham khảo
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.