Nguyễn Du
Loading...
Nghệ thuật dịch Truyện Kiều qua bản dịch của Nguyễn Khắc Viện và của Xuân Phúc - Xuân Việt
Đối với ông Nguyễn Khắc Viện, công việc dịch Truyện Kiều đã được nâng lên hàng một nghệ thuật. Chúng ta được biết như thế vì ở đầu bản dịch Truyện Kiều của ông, do NXB Thế Giới tái bản lần thứ 5, có bổ sung và in năm 2012, ngoài một bài giới thiệu Truyện Kiều và thân thế Nguyễn Du (Présentation du Kiều)(1), còn có thêm một bài thứ hai Quelques considérations sur l’art de traduire (Một vài suy nghĩ về nghệ thuật dịch), trong đó ông bày tỏ: “Kiều là một áng thơ, áng thơ lớn, đòi hỏi chúng ta, nếu muốn dịch, phải dịch bằng thơ”.
Ông Viện viết: “Si la poésie(2) ne se confond pas nécessairement avec des vers rimés, le langage poétique, par l’emploi des images, le rythme, la musicalité, fait d’abord appel au sentiment, à l’imagination, éveille chez le lecteur - plutôt chez le récitant - une chaîne d’impressions, d’émotions, avant même que les idées(3) n’en soient intelligibles. Une traduction en prose transforme le poème en un récit, un conte, et quelle que soit l’habileté du traducteur, dénature l’oeuvre…”. Xin tạm dịch như sau: “Nếu cái poésie nhất định không hòa lẫn được với những câu thơ có vần thì cái langage poétique bằng cách sử dụng những hình ảnh, nhịp điệu, nhạc điệu, trước hết sẽ kêu gọi đến tình cảm, đến óc tưởng tượng, sẽ đánh thức ở người đọc - đúng hơn đánh thức ở người ngâm - cả một chuỗi những ấn tượng, những xúc cảm ngay cả trước khi người đọc - người ngâm hiểu được các ý tưởng… Nếu dịch Kiều bằng văn xuôi thì dù cho dịch khéo đến đâu dịch giả cũng làm cho tác phẩm bị biến chất… Cả trong trường hợp hai bản dịch, một dịch bằng văn xuôi, một dịch bằng langage poétique, ngang ngửa nhau, thậm chí giống nhau vì cùng dùng những chữ tương tự để dịch, chúng ta chỉ cần thay đổi cách sắp xếp những chữ tương tự ấy là có ngay những hiệu ứng mà văn xuôi không có khả năng mang lại… Truyện Kiều hoàn toàn được xây dựng bằng thơ lục bát, một thể thơ thông dụng nhất trong thi ca Việt Nam. Tuy nhiên không nên lầm vì cái tính cách độc nhất nầy của thể thơ lục bát. Thật ra thơ lục bát có cái đặc điểm là uyển chuyển khôn cùng, và mỗi câu mỗi đoạn đều sống động, linh hoạt theo một nhịp điệu riêng của chúng. Những câu thơ diễn tả nỗi thất vọng của một anh tình nhân, diễn tả cái buồn man mác của cảnh vật sẽ không rung theo cùng một nhịp điệu với những câu kinh hoặc những châm ngôn thốt ra từ miệng một ni sư. Chúng ta hãy lấy, chẳng hạn, lấy ra xem cái đoạn mà Kiều, trước khi rời nhà cha mẹ, khẩn khoản xin Thúy Vân thay mình “chắp mối tơ thừa” với Kim Trọng thì biết (từ câu 719 đến 756). Ban đầu Kiều cố sức giải thích, kể cho Thúy Vân nghe tất cả sự việc, đưa ra những lập luận để thuyết phục Thúy Vân. Nhịp điệu của câu thơ lúc này còn chậm, còn bình tĩnh. Nhưng rồi, Kiều từ từ chìm dần trong một cơn mơ. Kiều vẫn nói nhưng chúng ta thấy rõ là nàng không còn nói cho Thúy Vân nghe nữa mà đang theo đuổi một cuộc độc thoại nội tâm [un monologue intérieur] với một nhịp điệu ban đầu còn chậm chạp, rồi từ từ về sau trở nên gấp gáp, để cuối cùng vỡ thành một tràng nức nở tức tưởi, đau đớn và Kiều bị ngất đi. Đoạn thơ như thế này, nếu dịch bằng văn xuôi chắc chắn sẽ không đuổi được kịp cái nhịp crescendo của nó. Văn xuôi có được một đặc điểm là rõ ràng, dễ hiểu, nhưng nếu dịch bằng văn xuôi thì người dịch sẽ làm mất đi những nhịp điệu, những lên bổng xuống trầm vốn là những yếu tố khiến chúng ta say mê cái langage poétique”.
Về nghệ thuật dịch Kiều, ông Viện nói rất nhiều, rất dài, rất hùng hồn, rất say sưa, rất thuyết phục. Và ông cũng nêu ra “cái tội” của những dịch giả (mà “đầu têu” là hai ông Xuân Phúc - Xuân Việt) đã “Đông phương hóa” (chữ ông Viện dùng là faire oriental, hoặc orientaliser) bản dịch của họ bằng cách dịch luôn ra tiếng Pháp những loan, những phượng, những thỏ lặn, những ác tà… Chúng ta hãy nghe ông Viện lập luận:
“Trong ngôn ngữ Truyện Kiều có nhung nhúc những chữ, những cụm từ, những câu, những cách nói đặc biệt nhắc đến những huyền thoại cổ, những câu thơ cổ, những tích cổ mà các dịch giả tưởng rằng họ có nghĩa vụ phải đưa “nguyên xi” vào bản dịch tiếng Pháp của họ. Chẳng hạn câu “Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em” mà họ [hai ông Xuân Phúc - Xuân Việt] dịch thành “A toi de renouer avec la colle du phénix le fil de soie brisé”. La colle du phénix là dịch sát từng chữ cụm từ giao loan. Nhưng đối với chúng ta vấn đề ở đây là phải xem xem cụ Nguyễn Du khi dùng hai chữ giao loan hoặc người đọc Việt Nam khi đọc đến hai chữ giao loan đã có trong tâm trí cái hình ảnh của một loại keo chế tạo bằng những chất dịch nào đó do các giống chim thần thoại này tiết ra hay không, hay là hai chữ giao loan là một cách dùng chữ kiểu cách, để làm dáng, để nói lên cái ý “hàn gắn lại những sợi tơ của một cuộc tình tan vỡ”? Không phải là tôi [ông Viện] muốn tranh cãi về chữ nghĩa với ai cả, vì người đọc Kiều một khi đã bị dính, bị lúng túng trong thứ keo loan ấy thì sẽ không làm sao theo dõi được câu chuyện đầy hấp dẫn đang diễn ra nữa.
Bị dừng lại vì một chi tiết lạ đời [chữ của ông Viện là un détail insolite] người đọc sẽ đánh mất cơ hội có được một cảm xúc sâu xa đang chạy rần rật dưới những chữ thơ, những câu thơ trác tuyệt. Dịch như thế là biến một áng thơ đầy sức sống, đầy những tình cảm nhân văn, đầy tình yêu, đầy đau thương, đầy thất vọng thành một cái truyện có hương vị xứ lạ [tạm dịch chữ un conte exotique] và trong cái truyện có hương vị xứ lạ ấy, cái lạ lùng kỳ cục, cái quái gở với những con rồng, con loan, con phượng sẽ lấn át đi cái nhân văn, cái bản chất “con người”. Càng muốn “Đông phương hóa” bao nhiêu, các dịch giả ấy sẽ làm hỏng đi diện mạo của một tác phẩm lớn có tầm cỡ toàn cầu, có tính nhân văn sâu sắc. Dịch như thế là không được. Muốn trung thực với Truyện Kiều, các dịch giả trước hết phải tạo lại cái tính nhân văn ấy, cái tầm cỡ toàn cầu ấy của tác phẩm. Và chúng ta phải làm những gì để có thể dịch, để có thể làm sống lại, linh hoạt lại những hình ảnh, những câu cố ý nói một cách nửa chừng, những hình tượng tượng trưng vẫn thường thấy khá nhiều trong ngôn ngữ của các nhà thơ lớn.
Theo tôi [ông Viện] chúng ta phải tuân theo một vài quy luật như sau:
- Tìm cách bám sát nội dung và diễn tả cho bằng được mối cảm xúc đầu tiên toát ra từ nguyên tác.
- Giữ lại những câu nói bóng gió [les allusions], những biểu tượng, những cách nói có thể mang đến cho người đọc vốn thấm nhuần văn hóa Pháp những hình ảnh mới mẻ, những cái nhìn đời và nhìn sự vật một cách độc đáo của người Việt Nam.
- Nhất loạt loại đi tất cả những cách nói gượng gạo không tự nhiên, những cái làm dáng, những “hoa hòe hoa sói” trong ngôn ngữ. Chúng ta phải làm thế nào để người đọc rung cảm theo nhịp rung cảm của các nhân vật, để người đọc vui, buồn, giận, tủi theo nhịp vui, buồn, giận, tủi có trong tác phẩm.
Có thể là một vài người đọc vốn nghiện cái bả “Đông phương hóa” [chữ của ông Viện là orientalisme] sẽ thất vọng vì không tìm được trong bản dịch của tôi những cơn say thuốc phiện mà họ muốn tìm trong tác phẩm của các tác giả Á Đông. Cái đó thì tôi xin chịu. Truyện Kiều sở dĩ được dân tộc Việt Nam chúng tôi yêu quý, trân trọng chính vì nó là một đại thi phẩm mang đầy tính nhân văn, dào dạt tình người, có nhiều chất hiện thực, chớ không phải là một truyện thần thoại, một tập sách cổ tích mà nhân vật là những cô tiên”.
* * *
Vừa rồi là những quan điểm của ông Nguyễn Khắc Viện về nghệ thuật dịch Truyện Kiều (chữ Pháp của ông là l’art de traduire thôi, chữ Truyện Kiều là do chúng tôi thêm vì nghệ thuật dịch ở đây là nghệ thuật dịch Truyện Kiều). Đó là phần lý thuyết. Bây giờ là phần thực hành, để xem ông Viện có làm đúng như đã nói hay không. Người Pháp có câu “À l’oeuvre on connait l’artisan” (Phải nhìn vào món đồ đã làm ra mới biết tài người thợ). Nhìn đến bản dịch của ông Viện, cũng nên nhìn đến cả bản dịch của hai ông Xuân Phúc - Xuân Việt(4) nữa.
Đọc hết bản Truyện Kiều dịch ra tiếng Pháp của ông Viện, xin thú thật là chúng tôi hơi thất vọng. Chúng tôi chỉ nói thất vọng thôi, chớ không dám nói gì khác. Trong những quy luật ông đưa ra, ông chỉ làm đúng có một điều, là ông không “faire oriental”. Còn ngoài ra thì…!
Ngay ở đầu bài viết ông đã nêu lên một câu mà ông Xuân Phúc dịch từ câu “Trải qua một cuộc bể dâu” (À travers tant de bouleversements - mers devenues champs de mûriers), và “bình” như sau: “Câu này có cái đáng khen là diễn được cái ý gốc, nhưng câu thơ Việt đã gợi lên trước hết một hình ảnh, làm dấy lên một thứ sợ hãi hồi hộp trộn lẫn với một nỗi khổ đau dồn nén khiến con người cảm thấy tất cả sự bất lực của mình trước những sự xáo trộn của thiên nhiên. Bởi thế, chúng tôi [ông Viện] chọn một cách dịch khác hơn là L’océan gronde là où verdoyaient les mûriers”.
Kể ra thì óc tưởng tượng của ông Viện cũng rất phong phú. Cụ Nguyễn Du chỉ dùng có sáu chữ “Trải qua một cuộc bể dâu”, thế mà ông Viện đã có thể nhận thấy, nhìn thấy rất nhiều sự việc. Trước tiên là một hình ảnh của sự sợ hãi, thắc thỏm trộn lẫn với sự đau khổ, nào là con người cảm thấy mình bất lực trước sự xáo trộn của thiên nhiên, của trời đất, để cuối cùng ông dịch ra tiếng Pháp là “L’océan gronde là où verdoyaient les mûriers” (Đại dương gầm thét ở nơi mà xưa kia các cây dâu đã mọc xanh tươi).
Chưa hết. Ngay sau đó ông Viện tiếp: “Tự ép mình phải dùng một langage poétique phải là sự bắt buộc hàng đầu của dịch giả một áng thơ. Nếu bằng lòng khép mình trong cái kỷ luật đó thì có lẽ những tác giả kể trên [hai ông Xuân Phúc - Xuân Việt] đã tránh được những sơ suất theo kiểu chúng ta đã thấy trong những câu văn dịch “Mais il faut considérer ceci: le mariage implique dans son essence une fleur au pollen intact, une lune au miroir parfait”. Chúng tôi [ông Viện] cho rằng không cần phải “tô lục chuốt hồng” thêm cho chữ nghĩa, cho cách nói, người ta vẫn có thể sắp xếp một cách giản dị các chữ đang dùng để làm cho câu văn dịch [câu văn dịch của ông Viện] mang một nét nên thơ hơn:
“Mais pour nouer les liens sacrés du mariage
La fleur doit garder intact son nectar
La lune s’offrir dans toute sa plénitude”
(Nhưng để thắt chặt những sợi dây thiêng liêng của hôn nhân
Đóa hoa phải giữ nguyên vẹn cái nước mật của mình
Và mặt trăng phải tự hiến thân với vẻ tròn trặn đầy đủ).
Công bằng mà nói, cách dịch hai câu Kiều của các ông Xuân Phúc - Xuân Việt sát với nguyên tác hơn và đáng khen là ở chỗ giữ lại được chữ gương trong “trăng vòng tròn gương”. Tại sao lại đi dịch là “nối những sợi dây thiêng liêng của hôn nhân”, trong khi cụ Nguyễn Du chỉ nói “Xưa nay trong đạo vợ chồng”. Tại sao lại dịch là nectar (nước mật), trong khi nguyên tác là “hoa thơm phong nhị”? Nhị còn nguyên, còn phong kín mới là chỗ đáng quý trọng nhất ở “hoa thơm”. Trong cái đêm bị Mã Giám Sinh đưa về trú phường, chính Kiều cũng đã bùi ngùi tiếc cho Kim Trọng:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Chúng ta vẫn nghe người phương Tây hay nói: “La traduction est comme une femme, si elle est belle elle n’est pas fidèle” (Một bản dịch cũng giống như người phụ nữ, nếu cô ta đẹp thì cô ta lẳng lơ, không trung thành). Không trung thành nhưng đẹp thì còn có chỗ để tha thứ, chứ đã “xấu như ma lem” mà lại thêm cái tội không trung thành thì thật là bất khả!
* * *
Cho tới đây, chúng ta chỉ nói với nhau về những câu Kiều mà ông Viện đã dẫn ra trong bài Quelques considérations sur l’art de traduire để chê cách dịch của các ông Xuân Phúc - Xuân Việt. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải chọn một đoạn nào, một hai câu nào trong Kiều mà chúng ta thích nhất, thường ngâm ngợi nhất để xem ông Viện dịch như thế nào và các ông Xuân Phúc - Xuân Việt dịch như thế nào. Chẳng hạn những câu sau đây:
Từ con lưu lạc quê người
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm
Tính rằng sông nước cát lầm
Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây
Thì bản dịch của Xuân Phúc - Xuân Việt là:
Depuis que votre enfant a été condamnée à cette vie errante en pays étranger, lentille d’eau entraînée par la vague, quinze années ont passé
Tout cela devait finir dans les eaux du fleuve où tourbillonnaient les sables
Qui eût pu croire à une nouvelle rencontre dans cette vie!
Còn bản dịch của Nguyễn Khắc Viện là:
Mère, quinze années j’ai erré en pays étranger
Lentille d’eau par la vague emportée
Me croyant à jamais perdue dans la boue et les flots
Qui eût pensé que je vous reverrais en cette vie
Hai bản dịch ngang ngửa nhau và có những chữ tương tự nhau, rất giống nhau. “Lưu lạc quê người” - bên này dịch là “j’ai erré en pays étranger”, thì bên kia cũng dịch là “a été condamnée à cette vie errante en pays étranger”. “Bèo trôi sóng vỗ” - bên này dịch là “Lentille d’eau entraînée par la vague”, thì bên kia cũng dịch là “Lentille d’eau par la vague emportée”. “Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây” - bên này dịch là “Qui eût pensé que je vous reverrais en cette vie”, thì bên kia cũng dịch là “Qui eût pu croire à une nouvelle rencontre dans cette vie”. Cho thấy một trường hợp về những “tư tưởng lớn” gặp nhau, có ảnh hưởng qua lại với nhau.
Chúng tôi đã nghĩ như thế khi nhớ rằng các ông Xuân Phúc - Xuân Việt đã dịch xong bản Truyện Kiều của họ từ năm 1961.
Ở một vài chỗ khác, chúng tôi cũng gặp rải rác đây đó nhiều câu ông Viện dịch rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Chẳng hạn:
Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
Ông Viện dịch:
Il entendit une douce voix: Obscure est la nuit, désert le jardin
Mais nul chemin n’est long pour qui va cueillir la fleur d’amour(5)
(Chàng nghe thấy một giọng nói dịu dàng: Tối thay là bóng đêm, vắng thay là khu vườn
Nhưng mà đối với kẻ sắp hái đóa hoa tình yêu thì không có con đường nào là dài cả)
Hoặc các câu:
Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi
Ông Viện dịch:
Nos destins s’uniront-ils un jour? Pourquoi ce jeu cruel!
Ciel, pourquoi me l’avoir fait croiser sur le chemin?
Elle, si belle, belle à renverser citadelles et cités!(6)
(Hai vận mệnh của chúng tôi một ngày nào có được kết lại với nhau không? Tại sao lại có trò đùa quái ác này?
Hỡi trời, tại sao khiến tôi gặp nàng trên đường?
Nàng, nàng đẹp thế, đẹp đến nỗi khiến thành quách, kinh đô phải đổ!)
Các nhà Kiều học, những ai yêu Truyện Kiều sẽ nghĩ sao về những câu dịch Kiều như thế này?
_____
(1) Bài Présentation du Kiều đã được ông Lê Xuân Ninh dịch ra tiếng Việt và in trong tập 200 năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều do ông Lê Xuân Lít sưu tầm, giới thiệu (NXB Giáo Dục, Hà Nội).
(2) Thật ra chữ poésie (có nghĩa là thơ, là thi ca) trong câu tiếng Pháp của ông Viện: “Si la poésie ne se confond pas nécessairement avec des vers rimés” rất khó hiểu, nó lùng nhùng, lằng nhằng như gà mắc tóc. Tại sao gọi nó là poésie, là thơ, là thi ca mà nó lại nhất định không trộn lẫn (với cái nghĩa là hóa thành, là nhập làm một) với những câu thơ có vần? Thơ ca mà không phải là những câu thơ có vần thì là loại thơ ca gì?
Ở dòng trên ông Viện đã bảo: “Muốn dịch một áng thơ lớn thì dịch giả phải dịch bằng thơ, mà dịch bằng thơ người Pháp nói là traduire /retranscrire en vers chớ không phải là traduire /retranscrire en poésie như ông Viện đã viết. Sẵn đây cũng xin nói luôn: Dịch bằng văn xuôi là traduire en prose. Còn chữ langage poétique mà ông Viện dùng tiếp theo đó là dùng sai, vì langage poétique là cái mà tiếng Việt gọi là ngôn ngữ thi ca (tức là thơ). Ý ông Viện muốn nói trong câu tiếng Pháp của ông là: “Nếu cái poésie (cứ tạm gọi như thế đi - theo ông Viện) nhất định không trộn lẫn được với những câu thơ có vần thì văn xuôi trữ tình bằng cách sử dụng những hình ảnh, nhịp điệu v.v…”. Mà văn xuôi trữ tình tiếng Pháp gọi là prose lyrique hoặc prose poétique chứ không gọi là langage poétique.
(3) Chữ idées (tiếng Việt là ý tưởng) của ông Viện nhắc chúng tôi nhớ lại câu nói của nhà thơ Stéphane Mallarmé nói với họa sĩ Degas mà Paul Valéry đã ghi trong một tập Variété của ông: “Mais Degas, ce n’est point avec des idées que l’on fait des vers… c’est avec des mots” (Nhưng mà Degas này, người ta không làm thơ với những ý tưởng… mà làm thơ với những chữ cơ mà). Một nhà thơ như Mallarmé nói thì chúng ta có thể tin. Trong thơ làm gì có idées (ý tưởng) để cho chúng ta hiểu hay không hiểu như ông Viện đã khẳng định.
(4) Bản Kim Vân Kiều, NXB Gallimard, Paris, quý I-1961.
(5) Hai ông Xuân Phúc - Xuân Việt dịch:
Elle dit: “A travers l’étendue déserte et la nuit tardive
Pour l’amour j’ai dû frayer un chemin jusqu’ à l’amour.
(6) Hai ông Xuân Phúc - Xuân Việt dịch:
Si rien ne doit nous unir pour trois existences
Pourquoi tous ces charmes faits pour bouleverser les coeurs.
Theo Minh Minh/honvietquochoc.com.vn
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.