Nguyễn Du

Loading...

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Vào hồi 17 giờ 10 phút giờ địa phương (15 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 7 tháng 12 năm 2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
 
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi". Chơi Bài Chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài. Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ. Cùng với cộng đồng, những người này đã thành lập gần 90 đội, nhóm và câu lạc bộ để luyện tập và truyền dạy Nghệ thuật Bài Chòi, thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Hầu hết, nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài Chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Bài Chòi ngày nay cũng truyền dạy kiến ​​thức và kỹ năng trong các hội, các câu lạc bộ và trường học.
 
Chủ tọa Phiên họp gõ búa ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh.: Cao Quý 
 
Trưởng bộ phận Tư vấn của Ban thư ký Ủy ban Liên chính phủ tuyên bố Quyết định ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Cao Quý
 
Hình ảnh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam được trình chiếu tại Phiên họp của UNESCO. Ảnh: Cao Quý
 
Đoàn Việt Nam vui mừng đón nhận tin Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Ảnh: Cao Quý 
 
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:
 
R.1: Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Hồ sơ đề cử đã chỉ ra được vai trò quan trọng của người lưu giữ di sản. Là một di sản của cộng đồng, việc truyền dạy Bài Chòi diễn ra chủ yếu trong gia đình, câu lạc bộ, ngoài ra, Bài Chòi còn được truyền dạy trong các trường học. Việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.
 
R.2: Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật. Việc ghi danh cũng có thể củng cố mối liên kết giữa các cá nhân, các nhóm người và các câu lạc bộ thực hành di sản và thực hành các truyền thống văn hoá khác thông qua các hoạt động trình diễn và lễ hội liên quan. Hơn nữa, việc ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về sự đa dạng của di sản văn hoá phi vật thể vì Nghệ thuật Bài Chòi là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật.
 
R.3: Hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ. Những nỗ lực này bao gồm việc tổ chức các hội Bài Chòi, trình diễn và giảng dạy bải bản và kỹ năng ca hát, cũng như kỹ thuật trình diễn, phương pháp làm thẻ bài và các kỹ năng chơi Bài Chòi. Thông qua Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương, Quốc gia thành viên sẽ cung cấp nguồn tài chính, pháp lý và nhân lực để hỗ trợ thực hiện các biện pháp này, với sự hợp tác của cộng đồng và các nghệ nhân. Các doanh nghiệp và ngân hàng đã đóng góp cho các hội thảo khoa học về Bài Chòi và hoạt động văn hóa liên quan như việc thực hành và truyền dạy di sản, cũng như sưu tầm tài liệu, tư liệu hóa và hỗ trợ các biện pháp phục hồi di sản, vì di sản vẫn có nguy cơ mai một, chủ yếu là do những khó khăn trong việc truyền dạy. Chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân đã được ban hành và chương trình giáo dục chính quy cũng đã được thiết kế để thu hút các thế hệ trẻ. Các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia cam kết nâng cao nhận thức về giá trị của di sản với phần lớn các học viên tình nguyện tham gia vào quá trình phổ biến, quảng bá di sản.
 
R.4: Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử. Các cá nhân và đại diện của các nhóm và câu lạc bộ Bài Chòi đã ký Cam kết tự nguyện, đồng thuận của họ đối với đề cử, đồng thời, sự hiểu biết về việc xây dựng hồ sơ đề cử của họ cũng được thể hiện trong các đoạn ghi âm và ghi hình các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các địa phương có thực hành Bài Chòi. Cục Di sản văn hoá và Viện Âm nhạc Việt Nam đã được ủy thác quá trình tham vấn thông qua các cuộc họp và hội thảo quốc gia và quốc tế được tổ chức trong năm 2014 và 2015. Các tác động thực tiễn thông thường không tham gia điều chỉnh hoặc hạn chế quyền tiếp cận đối với di sản.
 
R.5: Di sản này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2014-2016. Bản kiểm kê được lưu giữ tại Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hoá phi vật thể của Cục Di sản văn hoá Việt Nam. Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao của 9 tỉnh có Bài Chòi chịu trách nhiệm phối hợp với cộng đồng để báo cáo hàng năm về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các thông tin kiểm kê di sản Bài Chòi. Viện Âm nhạc Việt Nam quản lý cơ sở dữ liệu về Nghệ thuật Bài Chòi và cập nhật hàng năm.
 
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO./.
 
 
Theo Cục Di sản văn hóa
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du

Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.