Việt Nam - dải đất hình chữ S với lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước – nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hoá quý báu vô cùng phong phú đa dạng. Kể từ tháng 12/1993, khi Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO quyết định ghi tên quần thể di tích Cố đô Huế vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới, cho tới nay nước ta đã có 12 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên được nhận vinh dự đó. Không chỉ có những di sản văn hóa đã được thế giới công nhận, mà hiện nay trên cả nước có khoảng trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có hơn 3 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5 nghìn di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cộng thêm vào đó là gần 1 nghìn di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ…

 

Hoàng Thành - Thăng Long


Những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hoá được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc lấy ngày 23 tháng 11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2005 tới nay, trải qua 6 lần tổ chức, Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hoá dân tộc trong trái tim của hơn 80 triệu người dân Việt Nam.

Sắc lệnh 65/SL - Tiền đề của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà dành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như: Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể); Đông Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ; Giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây; “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”; “Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác cổ Học viện. Khi dự thảo ngân sách cho toàn quốc, cho từng kỳ hay từng tỉnh; ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Ủy viên tài chính mỗi kỳ, mỗi tỉnh phải dự tính khoản trợ cấp cho Đông Phương Bác cổ Học viện”.

Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, ra đời đến nay đã 65 năm; nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa...

Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới; ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

- Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng.

Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 – Một chặng đường nhìn lại.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc tổ chức Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đến nay, ngày hội đã được tổ chức 6 lần. Cùng Cinet điểm lại những hoạt động đã diễn ra trong những ngày hội trước đó và cùng nhau hướng tới Ngày Di sản văn hoá Việt Nam lần thứ VII/2011.

* Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 lần thứ I:

Ngày hội đã được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá - Nghệ thuật Việt Nam (Vân Hồ, Hà Nội) trong thời gian từ 21 – 24/11/2005 trong không khí tưng bừng, trong niềm vui và niềm tự hào của đội ngũ những người làm công tác di sản cũng như nhân dân cả nước. Ngày hội đã diễn ra với hai nội dung chính đó là hoạt động văn hoá nghệ thuật (với sự tham gia của các đơn vị Nhà hát nhạc Cung đình Huế, các nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên và quan họ Bắc Ninh, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, biểu diễn rối nước) và Triển lãm 60 năm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá Việt Nam. Những hình ảnh, hiện vật tại triển lãm “60 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá Việt Nam” đã đem đến cho người xem một cách nhìn tổng quát về giá trị và cả chặng đường bảo tồn những di sản văn hoá Việt Nam. Những di sản văn hoá đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới và một số di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt như: Khu di tích Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, quần thể thắng cảnh Phong Nha - Kẻ Bàng, Nhã nhạc cung đình Huế, di tích Đền Hùng, Di tích cách mạng Tân Trào, Điện Biên Phủ, Cố đô Hoa Lư… được giới thiệu đậm nét tại ngày hội. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng Hội cổ vật tư nhân của các tỉnh thành phố giới thiệu sưu tập cổ vật được trục vớt từ 5 con tàu đắm, 10 bộ sưu tập về gốm và cổ vật Thăng Long và nhiều cổ vật được chọn lọc của gần 50 nhà sưu tập cổ vật tư nhân. Tổng cục Du lịch tổ chức khu trưng bày “Du lịch văn hoá” giới thiệu những thành tựu của ngành du lịch gắn với việc quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc; hợp tác quốc tế; những tuyến, “tour” du lịch di sản văn hoá. Cũng trong ngày hội Di sản văn hoá lần đầu tiên này, đã diễn ra chương trình "Đêm văn hóa trà Việt", "Đêm Hội An" với các hoạt động văn hóa đặc trưng: biểu diễn nghệ thuật xứ Quảng, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực, nghệ nhân thao tác, nghề làm đèn lồng, điêu khắc gỗ, biểu diễn nghệ thuật thư pháp, chơi cờ, diễn xướng thơ Đường và thăm Hoàng Thành Thăng Long... Ngày hội văn hoá di sản Việt Nam 2005 là dịp để người dân, cùng các du khách trong và ngoài nước tiếp cận những giá trị Di sản văn hoá hấp dẫn của Việt Nam.

Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ III:

Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11 lần thứ III với chủ đề “Vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên thế giới” đã diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) từ ngày 20 -22/11/2007. Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ III được tổ chức với nhiều chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật xoay quanh chủ đề Vịnh Hạ Long như: Dạ hội “Duyên dáng Hạ Long”, chương trình nghệ thuật “Hạ Long xưa”, thi lắp ghép sa bàn Vịnh Hạ Long, thi vẽ tranh tại chỗ về Vịnh Hạ Long, bầu chọn Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên thế giới... Cũng tại ngày hội này, những người quan tâm đến di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long đã có dịp tìm hiểu những nét đặc sắc về tự nhiên, địa chất, sinh học, văn hóa lịch sử của Hạ Long qua các trưng bày: Mô hình Vịnh Hạ Long thu nhỏ; Vịnh Hạ Long với những sáng tạo nghệ thuật (giới thiệu các tác phẩm về Hạ Long qua các loại hình: hội họa, nhiếp ảnh, thủ công mỹ nghệ, gốm, tranh thêu, điêu khắc...); sản phẩm du lịch và di sản ngành nghề truyền thống Quảng Ninh... Cũng trong khuôn khổ Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị đa dạng tiêu biểu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long” với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện của một số tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận hai vấn đề: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; Những giá trị tiêu biểu, đa dạng của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

* Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV:

Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV với của chủ đề Tuần văn hóa Huế và ngày về nguồn 23/11 đã diễn ra trong các ngày từ 21-25/11/2008 tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam số 2 Hoa Lư (Vân Hồ) Hà Nội. Lý do để BTC chọn văn hóa Huế làm nội dung chủ yếu cho Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV đó là nhân kỷ niệm 15 năm quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hoá thế giới, 5 năm âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã Nhạc triều Nguyễn được ghi vào danh mục kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003-2008). Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa phong phú và hấp dẫn như: Trưng bày triển lãm; biểu diễn sân khấu; Tổ chức các hoạt động văn hóa và trò chơi cung đình Huế xưa; Giới thiệu ẩm thực; Tổ chức gian hàng… Tại ngày hội lần thứ IV này, các hoạt động triển lãm đã được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú. Triển lãm trưng bày cổ vật với chủ đề “Đời sống cung đình xưa, một sống cung đình của thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX” được tái hiện qua một số bộ sưu tập hiên vật đồ sứ, đồ sứ, đồ đồng, đồ dệt, đồ gỗ… của bảo tàng cổ vật Huế. Triển lãm Huế xưa và nay, thời gian qua hình ảnh đã phản ánh những thay đổi trên những dấu tích cụ thể ở Huế với hình ảnh Huế xưa và nay với cái nhìn đối sánh. Triển lãm Họa tiết cung đình bao gồm các bức ảnh của nữ nghệ sĩ Đào Hoa Nữ là những bức ảnh chụp các họa tiết của các công trình di tích Huế sẽ khái quát nên những mô-típ kiến trúc của triều Nguyễn, khẳng định những quan niệm, nhận thức thẩm mỹ của một thời đại. Triển lãm hình ảnh Huế - Thành phố văn hóa, du lịch, Thành phố Festival đã khái quát nên một thành phố giàu tiềm năng văn hoá và du lịch với một diễn trình lịch sử văn hóa phong phú và đa dạng.Triển lãm thư pháp với chủ đề Hà Nội, Huế và những bài thơ Hán Nôm về Hà Nội và Huế xưa. Bên cạnh hoạt động triển lãm, ngày hội lần thứ IV đã giới thiệu một không gian ẩm thực Huế với các hình thưc văn hóa ẩm thực xứ Huế qua các nội dung như món ngon xứ Huế, món ăn dân gian xứ Huế… cùng các loại hình khác đã mang lại cho du khác cách cảm nhận khác nhau về văn hóa ẩm thực của cố đô. Không gian nghề truyền thống tiêu biểu của Thừa Thiên Huế được bố trí các cụm mang tính không gian mở, bao gồm giới thiệu các nghề đúc đồng, mây tre, đan lát, nón lá, thuê, dệt, đan sợi… là những nghề thủ công tiêu biểu của Huế ngày nay. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật với các chương trình khai mạc Chương trình Nghệ thuật cung đình tổng hợp, Vũ khúc cung đình, Nhã nhạc và những vũ khúc cung đình. Bên cạnh các hoạt động của Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội, BTC Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam cũng đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc" và lấy ngày 23/11 hàng năm là "Ngày về nguồn". Có thể nói, “Tuần văn hóa Huế và ngày về nguồn 23/11” là cơ hội quảng bá sâu rộng những giá trị văn hóa Huế tới đông đảo nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế về thành tựu bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế trong suốt 15 năm qua.

* Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần VI:

Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam 2010 là hoạt động tiếp nối chuỗi sự kiện kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký văn bản pháp luật đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về Di sản văn hóa dân tộc. Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ VI chủ đề "Dấu ấn Thăng Long-Hà Nội và Tuổi trẻ với Di sản văn hóa Việt Nam" diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 24/11/2010 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VI là hoạt động thiết thực góp phần chào mừng thành công của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và giới thiệu Khu di tích Hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới; đồng thời kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký văn bản pháp luật đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về Di sản văn hóa dân tộc. Một trong những điểm nhấn của Ngày hội Di sản văn hóa 2010 là việc trưng bày, giới thiệu tổng quát về Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận. Từ bảng giới thiệu tổng thể về giá trị của Khu di sản, hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất, quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn, phong phú các loại hình di vật độc đáo được khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội... Giới thiệu sự thay đổi của Hoàng thành qua các thời kỳ thông qua các bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1490), bản đồ Hà Nội (1873), bản đồ không ảnh có 3 vòng thành, bản đồ di sản hiện nay. Giới thiệu với khách tham quan các hình ảnh về Kỳ Đài (cột cờ), Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Di tích cách mạng nhà và hầm D67, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bằng công nhận, hồ sơ công nhận, các tài liệu, phim tư liệu về Hoàng thành Thăng Long… Ngoài tư liệu về Khu di sản Hoàng thành, còn có khu trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tư liệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 82 tấm bia Tiến sỹ - Di sản tư liệu thế giới cùng hệ thống văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản. Du khách đến tham gia Ngày hội Di sản lần thứ VI đã được chiêm ngưỡng bộ sưu tập với 500 cổ vật của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ Đông Sơn (những cổ vật được phát hiện tại Hà Nội); cổ vật thời kỳ 10 thế kỷ đầu công nguyên; cổ vật thời Đinh, Lê, Lý, Trần từ thế kỷ 10-14; cổ vật thời Lê, Nguyễn. Trong đó, có nhiều cổ vật lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng. Hơn 200 tư liệu quý hiếm bằng hình ảnh, ấn phẩm sách về Thăng Long – Hà Nội, những tinh hoa thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, tinh hoa ẩm thực đất Hà thành cũng được giới thiệu cùng công chúng trong những ngày diễn ra lễ hội. Cũng trong khuôn khổ những Ngày Di sản văn hóa năm 2010, đã diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Bầu chọn cho Vịnh Hạ Long; tọa đàm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội; chương trình nghệ thuật “Di sản văn hóa với Thăng Long - Hà Nội” và trao Quỹ bảo tồn Di sản văn hóa cho khu di tích Pắc Pó (Cao Bằng; họat động giới thiệu về tiềm năng di sản văn hoá Việt Nam, nét đặc sắc văn hoá của các vùng miền; Tổ chức các trò chơi dân gian, tham gia các giai điệu, làn điệu cổ, nhã nhạc cung đình...

* Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ VII – Ngày hội về nguồn 23/11:

Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ VII – Ngày hội về nguồn 23/11 với chủ đề “Tuần Văn hoá Du lịch Di sản Bắc Trung bộ tại Hà Nội 2011” sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 02 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội) trong các ngày từ 21-23/11.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Di sản văn hóa; Sở VHTTDL các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và thành phố Hà Nội; các đợn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan tổ chức.

Đây là hoạt động kỷ niệm ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, thiết thực hướng tới sự kiện năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải bắc Trung Bộ - Huế 2012, là hoạt động mở đầu trong công tác tuyên truyền, quảng bá chuỗi hoạt động được tổ chức xuyên suốt trong cả năm 2012 tại khu vực Bắc Trung Bộ với mục đích giúp đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế hiểu thêm giá trị kho tàng Di sản văn hoá Bắc Trung Bộ, thu hút khách du lịch quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa, khẳng định thế mạnh và tiềm năng của du lịch Việt Nam, đặc biệt là văn hoá, di sản vốn đuợc xem là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đây cũng là hoạt động xã hội sâu rộng, là trách nhiệm, tinh thần yêu nước, niềm tự hào của người dân Việt Nam, đặc biệt thế hệ trẻ với Di sản văn hoá dân tộc. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Bộ VHTTDL, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008-2013 và lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày về nguồn”.

Theo đó, Ngày Di sản văn hoá Việt Nam lần thứ VII – Ngày về nguồn 23/11/2011 sẽ bao gồm các hoạt động sau đây:

Khu Triển lãm với chủ đề “Ấn tượng Di sản văn hoá Bắc Trung Bộ Việt Nam” - giới thiệu chung về văn hoá, lịch sử, danh lam, thắng cảnh, các di sản khu vực Bắc Trung Bộ, với điểm nhấn là trưng bày giới thiệu các Di sản văn hoá thế giới, tiêu biểu, giá trị đặc biệt của địa phuơng như: Di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam giao Tây đô (Thanh Hoá), Làng Sen – Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nghệ An), Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh), Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, Quần thể di sản văn hoá thế giới Cố đô Huế…

Cùng với khu triển lãm trên đây, sẽ diễn ra hoạt động trưng bày và giới thiệu các làng nghề truyền thống, sản vật nổi tiếng khu vực Bắc Trung Bộ; Giao lưu giới thiệu văn hoá ẩm thực Huế và Bắc Trung Bộ; Khu trưng bày sản phẩm văn hoá du lịch - giới thiệu Tour du lịch nổi tiếng của Việt Nam và đặc biệt quảng bá nội dung chương trình hoạt động năm du lịch Bắc Trung Bộ 2012. Cũng trong Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ VII – Ngày hội về nguồn 23/11 sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu, văn hoá nghệ thuật, lễ hội, trò chơi dân gian như:

Chương trình nghệ thuật khai mạc “Tuần Văn hoá Du lịch Di san Bắc Trung Bộ và Ngày về nguồn 23/11 tại Hà Nội 2011”. Chương trình giao lưu nghệ thuật “ Ngày văn hoá Bắc Trung Bộ”, “Ngày văn hoá Huế”, “Ngày văn hoá Xứ Thanh”…

Chương trình Nét đẹp Di sản văn hoá Bắc Trung Bộ với các hoạt động biểu diễn nhã nhạc Cung đình Huế; giao lưu dân ca các điệu hò Bắc Trung bộ (hò sông Mã, hò Huế, hò xứ Quảng…), hát ví, hát dặm, ca trù, ca Huế… và giao lưu giới thiệu trò chơi dân gian độc đáo của khu vực Bắc Trung bộ.

Cuộc Thi hướng dẫn viên Du lịch tài năng, duyên dáng, hấp dẫn với chủ đề “Du lịch Di sản Bắc Trung bộ - điểm đến giá trị, hấp dẫn”. Chương trình Road show với các hoạt động giao lưu gặp gỡ, giới thiệu quảng bá du lịch Di sản Bắc Trung Bộ hướng tới Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012.

Bên cạnh đó, sẽ diễn ra toạ đàm, trao đổi “Tổng kết đánh giá kết quả hoạt động Ngày về nguồn” do Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trì cùng Hội Di sản Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Ngày về nguồn 23/11 sẽ tiếp tục triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và “Ngày về nguồn 23/11” với các hoạt động chính như: Thi vẽ tranh dnah lam, thắng cảnh, thi tìm hiểu, liên hoan văn nghệ, dạ hội tuổi trẻ với Di sản văn hoá Việt Nam, chương trình Thần đồng Đất Việt, tổ chức học sinh, sinh viên đến triển lãm học tập ngoại khoá tìm hiểu về Di sản văn hoá… tiếp tục phát động phong trào thi đua học sinh, sinh viên giai đoạn 2011-2015… Các hoạt động giao lưu công diễn của các đoàn nghệ thuật Bắc Trung Bộ và Hà Nội tại Sân khấu Đền Bà Kiệu (Quận Hoàn Kiếm).

Ngày hội Di sản văn hóa lần thứ VII sẽ khép lại với chương trình Đêm Di sản Văn hoá Việt Nam và Ngày về nguồn 23/11 với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật Bắc Trung Bộ - Huế, lễ tôn vinh trao kỷ niệm chương cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hoá Dân tộc do Bộ VHTTDL, Hội Di sản văn hoá Việt Nam, Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức.