Các ngôi mộ cổ phát lộ đi liền với nhiều lời đồn đại về những kho báu khổng lồ chôn theo người được an táng, và những điều huyền bí như: Để giữ của cải trong mộ, người ta còn chôn theo những trinh nữ hoặc yểm bùa để "trả thù" ai xâm phạm…
Những ngôi mộ cổ được khai quật
Các nhà nghiên cứu lịch sử tiếc ngẩn ngơ
Tính đến nay số mộ Lục triều tìm thấy tại Việt Nam rất ít. Các hiện vật tìm thấy tại mộ cũng khá hiếm hoi, bởi đa phần các ngôi mộ khi được giới chuyên môn phát hiện đã rơi vào tình trạng bị đào bới, đập phá, mất hết hiện vật. Lý do của việc mộ cổ thường bị đập phá chính là những đồn đoán về giá trị các hiện vật trong mộ. Nhiều người cho rằng, những hiện vật lâu đời đồng nghĩa với trị giá lớn về kinh tế. PGS TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, những ngôi mộ Hán tìm thấy ở Việt Nam đều không thấy xương cốt (có thể do thời gian đã lâu nên đã tiêu hết xương cốt và quan tài), các hiện vật cũng không hề là vàng bạc châu báu mà toàn là đồ sành sứ. Tại hai ngôi mộ phát hiện hồi tháng 4 ở Ciputra, quý nhất là một bình đầu gà tuyệt đẹp nhìn rõ cả mào, mắt và đuôi gà. Tuy nhiên, qua tham khảo nhiều nhà sưu tầm cổ vật, những hiện vật trong các ngôi mộ Hán thường rất rẻ tiền, bởi yếu tố mỹ thuật của đồ gốm sứ giai đoạn này chưa có độ tinh xảo. Có một số hiện vật cực kỳ đặc biệt được tìm thấy ở mộ Hán cũng chỉ có giá vài chục triệu đồng.
Tháng 11-2010, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phối hợp với các cơ quan văn hóa, Bảo tàng huyện Yên Hưng tiến hành làm vệ sinh, bảo tồn một hầm mộ gạch lớn có tên gọi dân gian là "Hố Của" tại thôn Năm, xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Hầm mộ này có niên đại thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, tức là cách chúng ta ngày nay hơn 1.800 năm. Đây là một hầm mộ gạch kiểu Hán được xây dựng bằng hàng ngàn viên gạch lớn (cỡ trung bình 26x45x7cm). Tất cả gạch xây đều có in hoa văn nổi trên các cạnh khiến cho hầm mộ như một bức tường phù điêu lộng lẫy. Hầm mộ gồm ba gian lớn. Gian chính giữa hình chữ nhật mỗi chiều 3-4m. Các tường cạnh của gian này được xây thẳng đứng cao chừng 3m rồi thu dần vào tạo thành một đỉnh vòm bốn múi hình thót nhọn, trên đỉnh là một lỗ thoát hồn lên trời. Từ đỉnh vòm này xuống nền gạch đáy, chiều cao trên 4m.
Đây là một kiểu hầm mộ quý tộc xây theo kiến trúc xếp gạch giật cấp rất điêu luyện, bắt đầu phổ biến vào thời Đông Hán. Tại hầm mộ "Hố Của" ở Sông Khoai, hai phía bắc, nam của gian vòm cao chính giữa, người xưa làm thêm hai gian vòm cuốn nữa. Gian chính ở phía nam dài gần 6m, rộng khoảng 2m, cao 2m là nơi đặt quan tài chủ nhân, gian kia dài 2m, rộng 2m, cao 2m là nơi chứa đồ tùy táng. Ở mỗi gian đều có một ngách cổng phụ cao và rộng mỗi chiều một mét. Đồ tùy táng thấy được khá nhiều ở ngách cửa phụ gian chính giữa. Nền các gian được lát gạch chéo chứ không song song với chiều tường hầm mộ, có nơi dày tới ba lớp gạch.
Giá trị lớn nhất của hầm mộ này là kiến trúc và nghệ thuật. TS Yang Yong, một chuyên gia về mộ táng thời Hán ở Lĩnh Nam, Trung Quốc khi đến thăm hầm mộ này đã phải xác nhận, ngay cả ở Trung Quốc cũng rất hiếm thấy. Nói chung, các hầm mộ gạch đầu Công nguyên ở Việt Nam đều có hoa văn rìa cạnh. Giá trị nghệ thuật của hoa văn chính là tiêu chí để đánh giá lao động trí tuệ, nghệ thuật cho hầm mộ, và qua đó đánh giá vị trí xã hội của chủ nhân. Có thể nói, đây là một hầm mộ được trang trí khá cầu kỳ. Sơ bộ nhận thấy, gần 100 đồ án khuôn in hoa văn gạch khác nhau. Nét in sâu, sắc, khiến mỗi viên gạch nổi lên rất rõ nét. Nhiều viên có dấu hiệu ký tự khác lạ, càng làm tăng tính hấp dẫn của hầm mộ.
Nhưng do quan niệm sai lầm trước đây, người ta cho rằng những hầm mộ gạch này là của những kẻ xâm lược phương Bắc, từ đó dẫn đến ý thức không gìn giữ, tôn vinh loại hình di sản kiến trúc nghệ thuật có tuổi đời cao và giá trị lao động nghệ thuật lớn này. Nhiều khu hầm mộ như vậy ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa… đã bị san bằng trước con mắt ngẩn ngơ của giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc và mỹ thuật. Gần đây, giới khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt cả nhiều chuyên gia khảo cổ, nhân chủng Trung Quốc đã xác nhận, đa số chủ nhân các hầm mộ như vậy là người Việt. Họ có thể là những quý tộc, thương nhân Việt hoặc là những quan lại người Việt dưới thời Bắc thuộc như Lý Cầm, Lý Tiến, Trương Trọng…, Vì thế, việc bảo lưu được những hầm mộ hiếm hoi và có giá trị kiến trúc, lịch sử như vậy là vô cùng quan trọng.
Những huyền bí được thêu dệt
Chính những chuyện đồn đại về báu vật được chôn theo người chết trong các ngôi mộ đã thôi thúc bao kẻ trộm mộ nổi lòng tham. Điều này khiến các nhà khảo cổ đều rất ngán ngẩm. Thậm chí một thời gian dài việc trộm mộ còn rộ lên thành phong trào. Những kẻ trộm mộ ở cùng địa phương tập trung đi thành nhóm và trang bị cả máy rà bom mìn để phát hiện đồ kim loại quý đã cùng người xưa về thế giới bên kia. Nhiều khi họ đào phải xác ướp, không biết có lấy được gì đáng giá nhưng thi hài người đã mất thì bị vứt vất vưởng, mặc cho mưa nắng trên đồng. Kẻ trộm mộ tin là người ta thường chôn theo người đã mất vàng nén, vòng vàng đeo tay, đeo cổ. Đặc biệt, nhiều người còn tin xác ướp thường được bảo quản bằng cách cho ngậm các viên ngọc quý để chống thối rữa. Tuy nhiên, hầu hết xác ướp mà các nhà khảo cổ khai quật được hành trang đều chẳng có châu báu gì.
Trước những năm thuộc thập niên 1970, ở huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, từng lan truyền những đồn đại như huyền thoại rằng người Hoa đã trấn yểm vàng chôn trong các ngôi mộ cổ ở linh địa này. Đêm đêm người ta hay thấy những con vịt vàng, lợn vàng ngoi lên mặt đất như muốn tìm đường về cố quốc. Huyền thoại khó tin về mặt khảo cổ này lại hấp dẫn kẻ trộm mộ. Suốt một thời gian dài nhiều ngôi mộ cổ ở huyện Thanh Trì đã bị lùng sục, đào bới. Đến khi các nhà khảo cổ về khai quật chính xác ba ngôi mộ cổ thời nhà Đường và công khai phát lộ những táng vật không hề có vàng bạc gì, cuộc săn lùng mộ cổ này mới tạm giảm.
Thú chơi của những nhà sưu tầm đồ cổ bây giờ là thích săn đồ cổ hàng độc. Thị trường đồ cổ có nhiều món là đồ tùy táng theo người chết như trống đồng, tiền cổ, binh khí, lưỡi cày cuốc, tượng hình, đồ trang sức, nậm vò... Một số đã trở thành "hàng độc" đang được giới buôn bán đồ cổ săn lùng với lời đồn giá tới hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn USD. Để chạy theo thị hiếu, những kẻ trộm mộ chuyển sang săn lùng đồ cổ tùy táng. Nhiều nhà khoa học trở thành người đến sau cả bọn trộm mộ cổ dù có là mộ cổ khó tìm thế nào, như năm 1969, họ khai quật một ngôi mộ cổ khá lớn ở Mạch Tràng, di chỉ thành Cổ Loa, Hà Nội. Ngôi mộ nằm ở vòng thành ngoài Cổ Loa. Đào bới đến độ sâu 4m và rộng hàng chục mét, họ buồn bã phát hiện mộ cổ đã bị trộm hớt tay trên từ hồi nào.
Táng vật bị lấy trộm rất nhiều. Sự thính nhạy của dân trộm mộ cũng khiến các nhà khoa học thấy ngạc nhiên về trình độ tìm kiếm và khai quật. Vương vãi dưới lòng đất chỉ còn ít mảnh vỡ vò, hũ, rìu đá... An ủi lớn nhất của nhà khảo cổ là còn một số viên gạch có chữ Hán "Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị" (niên hiệu Vĩnh Nguyên năm thứ 11, đó là vua Hán Hòa Đế năm 99 sau Công nguyên). Bí ẩn còn sót lại dưới lòng đất đã giúp họ tạm xác định mộ Hán này rất cổ, niên đại khoảng năm 99 sau Công nguyên hoặc chỉ sau một chút.
Lời đồn thổi huyền bí nhất gắn với mộ Hán là việc chủ nhân của nó hầu hết là bậc đế vương, công hầu hoặc những người giàu có nên trong mộ Hán có táng trinh nữ để trông coi mộ phần và phục vụ chủ nhân. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, mộ Hán sau này của người Việt được xây dựng đúng theo phong tục của người Hán. Người Hán chôn gì làm đồ tuỳ táng thì các mộ ở Việt Nam cũng được chôn như vậy. Có ngôi mộ, khi khai quật lên, người đời sau còn thấy cả những bát canh, con gà, xương chó... đang ăn dở hóa thạch còn nguyên. Cảnh vật ấy, giống như có một cuộc sống dưới mộ. Nhưng thực chất điều này chỉ lý giải triết lý nhân sinh "trần sao âm vậy". Nhưng ở dương gian thì các công hầu vương tướng có vô số tì thiếp và kẻ hầu người hạ nên chuyện táng trinh nữ cùng chủ nhân mộ Hán để có người chăm sóc hầu hạ là điều có thể xảy ra. PGS- TS Nguyễn Lân Cường cho rằng ở Trung Quốc cổ đại, chuyện mộ Hán có táng theo cung tần mỹ nữ, kẻ hầu hạ, trinh nữ là chuyện bình thường. Nhưng ở Việt Nam thì chưa thấy, bởi tất cả mộ Hán ông biết đều không còn hài cốt nên khó chứng minh.
GS Đỗ Văn Ninh, nguyên Viện phó Viện Sử học thì cho biết, có lần khai quật mộ vua thấy có chôn theo một mỹ nữ. Di hài không còn nguyên vẹn, nhưng tay chân vẫn còn. GS cũng cho biết thêm, mộ Hán (của người Trung Quốc) táng người sống theo cùng chủ nhân khi chết nhiều chỗ có tìm thấy. Việc nhà nghiên cứu nào đó, hay ai đó từ những di vật của người chết, bằng phong tục, tập quán mà dự đoán việc có táng trinh nữ trong mộ Hán cũng khó bác bỏ lắm. Bởi lẽ, mộ Hán nếu táng theo phương thức đặt thi hài vào thẳng trong quan gạch, xương cốt hoá hết không còn thì khó chứng minh ngôi mộ ấy có bao nhiêu thi hài. Hơn nữa, mộ Hán thường không có bia nên không biết chủ nhân là ai, càng khó kết luận.