Nguyễn Du

Loading...

Lĩnh Nam Công Nguyễn Quỳnh - Ông nội thi hào Nguyễn Du

Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) và sách Nghi Xuân huyện thông chí: Nguyễn Quỳnh tự Phụ - Dực; hiệu Lĩnh Nam tiên sinh, sinh năm Ất Mão (1675) đời vua Lê Hy Tông, là con trai Phù quận công Nguyễn Thể, thân phụ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, ông nội Nguyễn Khản, Nguyễn Điều, Nguyễn Du… 
 
Nguyễn Quỳnh có sáu con trai: con trai cả Nguyễn Huệ đỗ tiến sĩ, thứ hai Nguyễn Nghiễm đỗ hoàng giáp (lúc nhỏ nổi tiếng thần đồng), Nguyễn Trọng thứ ba, đỗ hương tiến (tước Lan Khê hầu), Nguyễn Tín thứ tư, mất sớm, Nguyễn Sĩ con thứ năm, đỗ sinh đồ,  (tước Đông Lĩnh hầu) và con rốt Nguyễn Huyền (không thấy ghi học vị, quan tước) (*).
 
Nguyễn Quỳnh học rộng tài cao, nhưng đi thi chỉ đỗ hương tiến tam trường khoa Quý Dậu (1693). Năm ấy, Nguyễn Quỳnh 18 tuổi. Cha mất, Nguyễn Quỳnh ở nhà cư tang, và sau đó từ giã con đường khoa cử. Năm 1705, Trung quận công Lê Thời Liêu (người Thanh Hóa) làm trấn thủ Nghệ An, nghe tiếng Nguyễn Quỳnh, rất quý tài, mến đức, mời ông làm mặc khách nơi dinh trấn Kỳ Hoa, tham mưu việc quân cơ và ngoại giao để đối phó với chúa Nguyễn ở Nam Hà. Trong thời gian làm mặc khách, Nguyễn Quỳnh thích đi chơi sông núi, nghiên cứu địa thuật. Tính ông vui vẻ, ưa chuyện khôi hài, đến đâu cũng được người địa phương có cảm tình. Năm 1723, Trung quận công mất, Tạo quận công thay trấn thủ Nghệ An, muốn đem Nguyễn Quỳnh tiến lên chúa Trịnh; nhưng năm đó, thân mẫu mất, Nguyễn Quỳnh rời dinh trấn về quê cư tang. Rồi ông ở hẳn nhà nuôi dạy các con ăn học.
 
Nổi bật nhất trong số các con của Nguyễn Quỳnh là Nguyễn Nghiễm (1708-1775), tự Hy Tự, hiệu Nghị Hiên, biệt hiệu Hồng Ngự cư sĩ, đỗ hoàng giáp khoa Tân Hợi (1731), tài kiêm văn võ, làm quan đến Thái tử thái bảo, tước Xuân quận công, gia Đại tư không… Đánh giá nhân vật lịch sử Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Chú viết: “Ông có tài lược văn võ, lúc nhỏ học giỏi, thi đỗ, trải thờ 3 triều…, vào làm tướng văn, ra làm tướng võ, ở ngôi tể tướng 15 năm. Ông xếp đặt gọn mọi việc bề bộn, đối xử ứng tiếp lúc nào cũng như lúc nào. Ân vương thường khen là người có đức vọng, tài trí. Ông là bậc nguyên lão trong nước, làm cột đá cho triều đình, công lao và danh vọng long trọng, đời bấy giờ ai cũng khen ngợi…” (1). Nhà sử học kiêm Thư tịch học Trần Văn Giáp viết về tác gia Nguyễn Nghiễm: “Ông có sáng kiến tổ chức hệ thống dịch trạm từ Kinh Bắc đến Nghệ An và Lạng Sơn. Ông không những giỏi về chính trị, văn thơ nổi tiếng mà còn là một sử gia đứng đắn. Sách sử của ông nay mới chỉ biết nhiều đoạn trích dẫn trong bản “Đại Việt sử ký tục biên” của Ngô Thời Nhậm. Ông cũng từng giữ chức tổng tài Quốc sử quán…” (2). Ngoài ra, Nguyễn Nghiễm còn có các tác phẩm:  Quan trung liệu vịnh, Việt sử bị lãm, Lạng Sơn đoàn thành đồ chí, Xuân đình tạp vịnh, Cổ lễ nhạc chương thi văn tạp.
 
Con trưởng Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Khản đỗ tiến sĩ năm 1760, làm thượng thư bộ Lại, tước quận công, và cũng ở ngôi Thủ tướng. Thi hào Nguyễn Du là con trai thứ bảy của Nguyễn Nghiễm…
 
Sinh thời Nguyễn Quỳnh ham nghiên cứu và trước tác. Ông tinh thông các khoa địa thuật, bốc toán, thiên văn… những khoa mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vì nó mà lừng danh thiên hạ. Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh là tác giả hai bộ sách: Đại hiếu chân Kinh, Từ ấu chân kinh quyết nghị tập, và nhiều thơ phú (3).
 
Thời gian làm mặc khách dinh trấn Nghệ An, Nguyễn Quỳnh bày đặt nhiều mưu kế hay giúp trấn thủ quận công Lê Thời Liêu trên cả hai mặt quân sự, ngoại giao, giữ yên miền biên cảnh từ châu Bắc Bố Chính trở ra Nghệ An, khiến dân chúng được an cư lạc nghiệp. Đồng thời Nguyễn Quỳnh nêu tấm gương hiếu kính cha mẹ, nuôi dạy con cháu ăn học thành tài, cống hiến lớn cho đất nước. Vì thế, Lĩnh Nam Nguyễn Quỳnh được triều đình Lê- Trịnh đặc cách phong Lễ bộ thượng thư, Thái bảo Nhuận quận công, khi mất, truy tặng tước Đại vương (4). Bấy giờ thiên hạ truyền nhau câu nói: “Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm thiên hạ vô tam” là ca ngợi hai cho con ông, không ai vinh hiển bằng. Lại có câu: “Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham thiên hạ vô tam”, cũng là nói về hai nhân vật cùng họ Nguyễn; Nguyễn Quỳnh xứ Nghệ, Nguyễn Nham xứ Đoài (Thạch Thất, Sơn Tây), sống đồng thời và tài học khó có người thứ ba sánh kịp. Thực ra, những câu ngôn truyền như vậy, thường chỉ có ý nghĩa về mặt nào đó, hoàn toàn không thể xem như là chuẩn mực, bình xét khái quát toàn bộ con người và sự nghiệp của nhân vật lịch sử. Không ít nhân vật thiên tài, kiệt xuất, những tên tuổi chói ngời, những danh vọng lừng lẫy, nhưng ta chẳng thấy truyền lại câu nói nào có tính cửa miệng về họ(5).
 
Tuy nhiên, sự trùng họ, trùng tên của những nhân vật cùng thời, lắm khi cũng gây nên sự hiểu lầm đáng tiếc! Đến như soạn giả Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) cũng nhầm lẫn lung tung cả. Mục Nhân vật (tỉnh Thanh Hóa), Đại Nam nhất thống chí viết:
 
“Nguyễn Quỳnh người xã Hoằng Nghĩa huyện Hoằng Hóa, đầu đời Cảnh Hưng đỗ hương tiến, văn học uẩn súc, nhưng phóng túng tự do, càng thích hài hước. Thấy họ Trịnh bức hiếp vua Lê, nên không thích ra làm quan, giễu cợt khinh đời, người ta cho là cuồng sĩ" (6)
 
Đối chiếu với tài liệu gia phả dòng họ Nguyễn Quỳnh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) do giáo sư Hà Văn Tấn khảo sát khá kỹ in trong sách Trạng Quỳnh của NXB Văn học và NXB Thanh Hóa 1987, và tài liệu lịch sử Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng, chúng ta nhận thấy:
 
- Đại Nam nhất thống chí nói Nguyễn Quỳnh đỗ hương tiến vào đầu đời Cảnh Hưng, tức là khoảng từ 1740 đến 1750. Theo gia phả Nguyễn Quỳnh mất năm 1748, như thế nghĩa là sáu, bảy chục tuổi, ông còn lụ khụ chống gậy đi thi, hoặc sau khi qua đời, ông mới đỗ hương tiến cũng nên! Sự thực, Nguyễn Quỳnh quê Hoằng Nghĩa này đỗ đầu kỳ thi hương 1696, năm ông 20 tuổi. Đáng lẽ phải gọi ông là giải nguyên Quỳnh, hoặc giải Quỳnh, các tài liệu nói Nguyễn Quỳnh đỗ hương tiến hay gọi ông là cống Quỳnh đều khá tuỳ tiện, thiếu sự chính xác về học vị.
 
- Đại Nam nhất thống chí cho biết Nguyễn Quỳnh Hoằng Hóa: “Văn học uẩn súc, nhưng phóng túng tự do, càng thích hài hước”, nhưng xem thơ văn  ông chép trong gia phả, chúng ta chắng thấy “uẩn súc”chỗ nào, cũng không hề được biết ông “phóng túng tự do”,thích hài hước” mà hoàn toàn ngược lại. Ông là người sống nghiêm túc, tận tụy với việc quan, long đong lận đận, hết làm giáo thụ lại làm huấn đạo, năm 41 tuổi còn đi thi khoa sĩ vọng để cầu được lên chức!
 
- Đại Nam nhất thống chí nói Nguyễn Quỳnh ghét họ Trịnh bức hiếp vua Lê nên “không ra làm quan, giễu cợt khinh đời, người ta cho là cuồng sĩ”, hoàn toàn sai. Năm 1718, Nguyễn Quỳnh dự kỳ thi sĩ vọng tại sân phủ chúa và chính chúa Trịnh Cương ra đầu đề, ông đã khôn khéo ca công, tụng đức họ Trịnh như thế nào, mới được đỗ hạng hai, đứng sau tri huyện Trương Nguyễn Điều. Chức quan cuối cùng của Nguyễn Quỳnh trong cuộc đời quyết chí làm quan là tu soạn, hàm chánh bát phẩm, dưới hàm tri huyện một bậc.
 
Bởi sự nhầm lẫn “râu ông nọ, hàm bà kia”, người ta mới lầm tưởng đến nỗi đem cả hai bài phú (Kim bạch tài vật phú, Tần cung phụ nữ) vốn của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gán ghép cho một tác giả không hề có tên tuổi như tu soạn Nguyễn Quỳnh!
 
 
Chúng ta được biết Nguyễn Du sinh 1766, sáu năm sau ông nội là Nguyễn Quỳnh mất. Nhưng chẳng phải vì thế, thi hào Tố Như không ít nhiều chịu ảnh hưởng gián tiếp của ông nội qua các bậc cha, anh mình. Cho nên, không phải là tình cờ hay vô cớ, trong khu vườn lưu niệm thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có “Đàn tế Lĩnh Nam công”, di tích từ thời Nguyễn Nghiễm, do chính Xuân quận công xây dựng năm Nhâm Ngọ, đời Cảnh Hưng (1762) để thờ thân phụ Nguyễn Quỳnh. Trên đàn, dựng tấm bia đá, chính tay Nguyễn Nghiễm kính đề vị hiệu nghiêm đường và bốn chữ Hồng nguyên tuấn lưu (nguồn lớn, dòng mạnh). Hai bên còn có đôi câu đối:
 
Cảm thời truy nhật nguyệt
Truyền ngữ dữ giang san
 
Dịch:
 
Nỗi nhớ dõi theo cùng nhật nguyệt
Lời hay truyền mãi với non sông
 
(Thái Kim Đỉnh dịch)
 
Xem “Đàn tế Lĩnh Nam công” đơn sơ mà giàu ý nghĩa, chúng ta càng khôn xiết cảm động và vô cùng cảm phục tiền nhân.
 
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ câu nói người xưa: “Từ miếu xứng kỳ công, y phục xứng kỳ đức”. Không nên vì sẵn tiền hay muốn khoe mẽ mà mồ mả nào cũng đắp rồng vẽ phượng! Cổ nhân còn dạy: “Tri túc bất nhục”. Phải biết thế nào là đủ. Đủ rồi thì nên dừng lại! Có lẽ Nguyễn Nghiễm và cả Nguyễn Du hiểu hơn ai hết những danh ngôn ấy.
 
------------------
 
* Tài liệu do nhà nghiên cứu văn hoá Nghệ Tĩnh Thái Kim Đỉnh cung cấp
1. Lịch triều hiến chương loại chí- Nhân vật chí , tập I, tr.242, NXB Sử học- 1960
2. Lược truyện các tác gia Việt Nam, tr.295, tập I, NXB Khoa học xã hội- 1971.
3. Thơ phú của ông tản mát, thất lạc nhiều nơi, hiện chưa thu thập được hết.
4. Những chức, hàm này đều mang tính danh dự (Vinh phong)
5. Có người cho câu nói: “Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham thiên hạ vô tam” là nói về Nguyễn Quỳnh Hoằng Hoá. Không đúng. Vì Nguyễn Nham đỗ tiến sĩ 1715 đến 1718 làm giám khảo khoa Sĩ vọng (xét tài đức nho sĩ để thăng quan nên không có học hàm) chấm bài thi của Nguyễn Quỳnh. Không ai đem tài học bậc thầy so với sức học hạng học trò.
6. Đại Nam nhất thống chí, tập II, tr.279, NXB Khoa học xã hội, 1970.
 
                                                                                             
                                                                  Hoàng Tuấn Phổ
                                                                Bài đã đăng Tạp chí Xưa Nay-số 143-2003
 Theo Tuấn Công Thư phòng
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.