Nguyễn Du

Loading...

Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

Tối 2/4, tại Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy, tỉnh Nam Định đã long trọng diễn ra Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đón Bằng công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO
cho Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Ảnh: Duy Văn
 
Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Bà Susan Vize, Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Đại biểu các tỉnh/thành có Di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nam Định; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và đông đảo cộng đồng, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
 
Tại buổi lễ, Bà Susan Vize, Cố vấn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về Khoa học, Xã hội và Nhân văn Văn phòng UNESCO tại Băng Kok, Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại cho lãnh đạo Bộ VHTTDL, Ủy ban UNESCO Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Nam Định, lãnh đạo huyện Vụ Bản.
 
Bà Susan Vize bày tỏ niềm vinh hạnh khi có mặt tại tỉnh Nam Định để chứng kiến mốc son to lớn trong hành trình của di sản. Bà cho rằng, chiến tranh kéo dào hàng chục thập kỷ và công cuộc đổi mới đất nước đầy khó khăn ở Việt Nam đã đặt ra những thách thức trong gìn giữ, bảo vệ các thực hành văn hóa, đặc biệt là trong bảo vệ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Song may mắn thay những khó khăn thách thức đó không làm di sản mai một, thay vào đó từ chỗ bị hạn chế, những giá trị đích thực của di sản này đã dần hồi sinh và lan tỏa mạnh mẽ. Có được điều này là nhờ vào những chính sách đúng đắn và kịp thời của Chính phủ Việt Nam mà trước hết là sự ra đời của Luật Di sản văn hóa, Pháp lệnh Tôn giáo và tín ngưỡng và việc tích cực tham gia thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. “Việc ghi danh một di sản vào danh sách của UNESCO không phải là điểm kết thúc mà chính là khởi đầu cho một hành trình mới. Có được sự bền vững trong công tác bảo vệ và phát huy di sản chưa bao giờ là việc dễ dàng mà đòi hỏi sự trân trọng và quyết tâm bảo vệ những giá trị tín ngưỡng từ truyền thống đồng thời tiếp thu những giá trị tốt đẹp nhất trong thời hiện đại. Mục tiêu cao nhất của việc bảo vệ di sản văn hóa là tiếp sức cho cộng đồng với sự đồng thuận, tự nguyện và hiểu biết đầy đủ của họ trong việc nhận diện đúng giá trị, chuyển giao tri thức kỹ năng và ý nghĩa của di sản nhằm củng cố giữ cho di sản “sống”, cho phép nó thay đổi và thích ứng. UNESCO mong rằng chính phủ Việt Nam thông qua các cơ quan hữu quan, các tổ chức và cá nhân, tiếp tục đồng hành cùng các thành viên cộng đồng Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đề  ra và triển khai các biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Đồng thời chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức, giáo dục cho công chúng và các thế hệ tương lai giá trị di sản, đặc biệt là lòng bác ái và sự khoan dung. UNESCO sẽ luôn sát cánh bên quý vị trong mọi nỗ lực nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cộng đồng văn hóa và giúp họ bảo tồn một di sản văn hóa quý báu, một tài sản cho sự phát triển bền vững của Việt Nam" - Bà chia sẻ.
 
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng công bố Chương trình hành động quốc gia cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” với 05 nội dung chính. Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa  phương có di sản thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia này. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nam Định và các địa phương có di sản xây dựng Đề án chi tiết cho giai đoạn 2017-2022 nhằm cụ thể hóa những nội dung của Chương trình hành động Quốc gia để việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giá trị của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; đồng thời ghi nhận sự đóng góp của Bộ VHTTDL, các địa phương có di sản, các nhà nghiên cứu văn hóa, những người thực hành, truyền dạy tín ngưỡng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào, khẳng định giá trị, đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại. Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy di sản tốt hơn, không chỉ với nền văn hiến Việt Nam mà của cả nhân loại. Trách nhiệm không phải chỉ của cơ quan tổ chức mà của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, tất cả chúng ta cần thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cần để Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hiện, trao truyền đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp, đặc sắc vốn có, không bị làm sai lệch, biến tướng, tầm thường hóa, thương mại hóa".
 
Sau Nghi lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Chương trình nghệ thuật chào mừng “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” với những tiết mục đặc sắc như: Văn chầu cô Bé, Đời đời Mẹ linh thiêng, Nam Định quê tôi, Về miền đất thiêng, Khúc hát quê tôi... Chương trình được xây dựng trên nền âm nhạc chủ đạo là Hát văn, đây là một loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo gắn liền với Nghi lễ chầu văn mà Nam Định là cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Qua đó tôn vinh bản sắc và giá trị đặc sắc của di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đồng thời cũng phản ánh vùng đất Nam Định giàu truyền thống lịch sử văn hóa, có nhiều đóng góp vào kho tàng Di sản văn hóa của dân tộc.
 
 
Theo Thủy Trịnh/Cinet.vn
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.