Nguyễn Du
Loading...
LẠNG SƠN ĐOÀN THÀNH ĐỒ MỘT CÔNG TRÌNH ĐỊA QUÂN SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA NGUYỄN NGHIỄM
Lạng Sơn Đoàn thành đồ của Nguyễn Nghiễm có giá trị khá đặc biệt đối với vùng đất Lạng Sơn nói riêng và đối với nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa lịch sử của nước ta nói chung. Đây là một trước tác thuộc lĩnh vực địa chí học ghi chép về mảnh đất biên cương Lạng Sơn, cũng chính là một trong những công trình rất giá trị mà Nghị Hiên công để lại cho đời. Vì thế, trong những năm vừa qua, chúng tôi đã thu thập, phiên dịch và bước đầu nghiên cứu về Lạng Sơn Đoàn thành đồ. Với bài viết này, trên cơ sở nghiên cứu văn bản học, chúng tôi xin được khái lược những nét giá trị điển hình của tác phẩm trên, ngõ hầu cung cấp thêm một tư liệu đáng quí cho khoa học lịch sử và văn hóa...
Đại Tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), một danh nhân vĩ nghiệp, văn võ song toàn, tiếng tăm vang vọng... trong lịch sử Việt Nam. Với cương vị của một đại công thần của triều Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài thế kỷ XVIII, bên cạnh những thành tựu to lớn trên con đường giáo dục, khoa cử, ông còn là một tác gia quan trọng thời Trung đại.
Mặc dù do biến động của thời cuộc, hệ thống tác phẩm của vị Nguyễn Hy Tư khả kính này bị mất mát, thất tán tản mát khắp nơi, song các di sản tư liệu về sự nghiệp “lập ngôn” của ông, theo nghiên cứu của chúng tôi, vẫn còn không ít, có thể giúp “vẽ lại bức chân dung” về văn nghiệp với những trước tác sắc sảo một cách tương đối đầy đủ nhất. Nhìn chung, văn chương của Nguyễn Nghiễm khá đa dạng, gồm cả thơ, ca, chiếu, biểu, phú, địa chí, văn bia, văn chuông, văn tế, gia phả ký... Trong đó, công trình Lạng Sơn Đoàn thành đồ xứng đáng là một trong những tác phẩm địa quân sự điển hình thể hiện được tài năng và tầm nhìn chiến lược của Nghị Hiên công.
Công trình Lạng Sơn Đoàn thành đồ của Hy Tư Nguyễn Nghiễm mặc dù đã được một số nhà nghiên cứu tìm hiểu, song vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Xuất phát từ nguyên nhân trên, trong thời gian qua, chúng tôi đã phiên dịch và nghiên cứu văn bản học để đưa đến một cái nhìn khách quan, toàn diện về tác phẩm ấy. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về tác giả và văn bản tác phẩm, đồng thời, thông qua đó có những nhận định tổng quan về nội dung, giá trị của Lạng Sơn Đoàn thành đồ.
Theo Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả(1): Nguyễn Nghiễm tự Hy Tư, hiệu Nghị Hiên, lúc nhỏ húy Thiều, biệt hiệu Hồng Ngư cư sĩ. Ông là con thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, sinh ngày 14 tháng giêng nhuận năm Mậu Tý, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư triều Lê Dụ Tông (6/3/1708), và mất vào ngày 17 tháng 11 năm Ất Mùi (tức ngày 07 tháng 01 năm 1776)(2).
Năm 5 tuổi ông bắt đầu đi học, 8 tuổi đã thuộc làu kinh sử. Đến năm Quý Mão (1723), lúc 16 tuổi, dự thi ở tỉnh, ông đứng đầu trấn huyện, rồi thi Hương trúng Tứ trường. Năm Đinh Mùi (1727) 20 tuổi, thi Hội trúng Tam trường. Mùa đông, tháng 10 năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 đời Lê đế Duy Phường (1731), thi Hội trúng cách. Đến tháng chạp năm đó, lúc 24 tuổi, ông thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), được vinh danh là bậc “thiếu tuấn cụ khánh”.
Sau khi đỗ đạt vinh qui, Nguyễn Nghiễm bằng tài năng và trí tuệ của mình đã đóng góp không nhỏ cho triều chính Lê Trịnh. Vốn xuất thân là một văn thần, song Xuân Quận công lại thể hiện được vị thế vững vàng của mình ở cả văn lẫn võ. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trên mọi phương diện. Ở Văn ban, Nguyễn Nghiễm giữ các văn chức lớn như Hữu Thị lang bộ Công (tháng 3 năm Bính Dần 1746), Hữu Thị lang bộ Hộ, Hữu Thị lang bộ Binh (tháng 5 năm Đinh Mão 1747), Hữu Thị lang bộ Hình (tháng 10 năm Mậu Thìn 1748), Phó Đô Ngự sử ở Ngự Sử đài (năm Quí Dậu 1753), Tả thị lang bộ Hình (Đinh Sửu 1757),Tả thị lang bộ Hộ (Canh Thìn 1760), Thượng thư bộ Công, cho làm Nhập thị Tham Tụng ở Phủ Liêu (Tân Tỵ 1761), Hành Thượng thư bộ Lễ kiêm Tri Trung Thư giám (Đinh Hợi 1767)... Với Võ ban, ông cũng quản lãnh những vị trí lớn như: Đốc Lĩnh Bình Tặc tướng quân đạo Thanh Hoa, Quản cơ Hữu Dực (tháng 8 năm Quí Dậu 1753); Quản Thị hầu đội Nghiêm Hữu (Tân Tỵ 1761); Thủ tướng [首將], Hiệp Đốc suất Trung Thắng Quân doanh cùng trấn tướng Đoan quận công đôn đốc quân binh tiến đánh Lê Duy Mật ở trấn Nghệ An (năm Đinh Hợi 1767), Tả tướng quân, quản Doanh Trung Tiệp, giữ chức Hiệp Tán quân cơ,hội cùng Việp công Hoàng Ngũ Phúc tiến đánh Thuận Quảng (từ năm Giáp Ngọ 1774 đến năm Ất Mùi 1775)...
Sống trong một giai đoạn đầy biến động, bằng tài trí nhu cương tùy thời, Nguyễn Nghiễm đã có nhiều đóng góp to lớn về mọi mặt cho lịch sử xã hội thời bấy giờ. Vậy nên, sau khi qua đời, ông đã được vua Lê bao phong làm Trung đẳng phúc thần, Huân du Độ hiến đại vương, hàng năm cho làm quốc tế (lễ tế cấp quốc gia). Không những vậy, với đức độ và công lao của mình đối với quê hương đất nước, Xuân Quận công luôn được người đời ngưỡng vọng, dân chúng tôn vinh.
Lạng Sơn Đoàn thành đồ là tác phẩm địa chí đặc trưng về Lạng Sơn. Công trình này được coi là tư liệu tiêu biểu nhất, đề cập chi tiết nhất về mảnh đất quân sự chiến lược ấy.
Lạng Sơn Đoàn thành đồ hiện chỉ có một bản, được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.1220 (VHc.289), 1 bản viết tay 60 trang, khổ 21 x 22cm (không kể trang bìa và bản đồ). Tác phẩm gồm có 1 bản đồ, một bài ký tổng quan về lịch sử trùng tu thời Hồng Đức 26 (1495); tiếp đó nói đến đợt trùng tu Đoàn thành của Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn từ năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756) đến Cảnh Hưng thứ 19 (1758) và sau đó là phần trình bày chi tiết về chu vi Đoàn thành, các sở đồn trú, các mục ghi chép về đường đi, các cửa ải, số quân binh, các phủ, huyện, tổng, xã, dân số, đền miếu... của trấn thành Lạng Sơn.
Căn cứ vào các yếu tố văn bản học, chúng tôi thấy rằng đây là tác phẩm của Nguyễn Nghiễm biên soạn nhưng do người đời sau sao chép. Cơ sở của nhận định này do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Lạng Sơn Đoàn thành đồ chép bài ký của Hy Tư Nguyễn Nghiễm lặp lại 2 lần (một bài ở đầu tác phẩm, một bài ở cuối tác phẩm), và trùng khớp với nhau. Nhất là, yếu tố nhầm lẫn trong bản ký đầu cũng được ghi chép trùng khớp với bản ký ở phần cuối. Chẳng hạn như, bản ký lặp 2 lần ấy đều viết “tứ Tân Mùi khoa...賜辛未科” cho cả Hương Lĩnh hầu Mai Thế Chuẩn và Xuân Lĩnh hầu Nguyễn Nghiễm
Trong khi, hai ông đều cùng đỗ Tiến sĩ vào năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 đời Lê đế Duy Phường (1731).
Như vậy, người chép lại văn bản này đã nhầm lẫn rõ ràng giữa Tân Hợi với Tân Mùi. Điều ấy chứng tỏ tác phẩm không thể là bản chính do Nguyễn Nghiễm trực tiếp biên soạn.
Thứ hai: tại trang 44, văn bản này nhắc đến Ngô Thời Sĩ “Thời Lê có người ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai là Ngô Thời Sĩ làm quan Đốc trấn, quản lãnh trấn này. Cho nên, động có khắc bức tượng truyền thần gọi là Nhị Thanh động”(3) (Ảnh 3). Thực tế, Ngô Thì Sĩ (1726-1780) phải đến năm Đinh Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38 đời Lê Hiển Tông (1777) mới đảm nhiệm chức vụ Đốc trấn Lạng Sơn. Trong khi đó, Lạng Sơn Đoàn thành đồ của Nguyễn Nghiễm vốn được soạn vào khoảng năm Đoàn thành được sửa sang hoàn thiện (1758) hoặc có thể muộn hơn một vài năm, nhưng chắc chắn phải trước khi Hy Tư công qua đời. Vậy, tác phẩm hiện có phải là một bản sao của người đời sau.
Thứ ba, từ trang 54 đến cuối, ngoài việc lặp lại bài ký của Nguyễn Nghiễm (trang 56 - 57), văn bản này lại thống kê ghi chép về mục Lý lộ 里路 (đường đi) ở khắp nơi, chứ không thuần túy liên quan đến Lạng Sơn.
Hơn nữa, có nhiều địa danh xuất hiện vào thời Nguyễn như: Bắc thành (địa danh xuất hiện từ 1802 đến 1831, kiêm quản 11 trấn (5 nội trấn, 6 ngoại trấn), từ Ninh Bình trở ra các tỉnh phía Bắc); Địa danh Mỗi Xoài每 (còn gọi là Mô Xoài, Mỗi Xuy) ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Hai trang cuối sách thì lại ghi chép về thành Thăng Long, trong đó có nói đến Phủ Hoài Đức (thực tế, tên phủ này được hình thành từ 1805).
Chúng tôi xin trích dẫn các đoạn này để chứng minh: “Mục Lý lộ 里路 (các dặm đường): Từ Kinh sư (Phú Xuân) đến thành Gia Định (Sài Gòn - TP HCM hiện nay), đi theo đường bộ, đường thủy mất 489. 515 tầm 2 thước 5 tấc tính thành là 1813 dặm, 5 tầm. Như vậy kể được 270 tầm là 1 dặm. Từ trong kinh thành (Phú Xuân) đến trạm Mỗi Xoài 每(Mô Xoài)(4), theo đường bộ là 450040 tầm 2 thước 5 tấc, kể được là 1666 dặm 220 tầm 2 thước 5 tấc. Từ trạm Mỗi Xoài (Mô Xoài) đến thành Gia Định, theo đường thủy là 39475 tầm, kể được 146 dặm 55 tầm. Từ kinh sư đến Bắc thành, theo đường thủy là 303.154 tầm, tính thành 1122 dặm 214 tầm. Từ thành Gia Định (TPHCM hiện nay) đến địa giới Cao Miên 高綿 là 96.350 tầm, kể được 356 dặm 230 tầm. Từ cửa phía Nam của Bắc thành đến ải Nam Quan, theo đường bộ là 79.293 tầm, kể được 293 dặm 183 tầm...”(5).
Đoạn cuối sách Lạng Sơn Đoàn thành đồ này kể về thành Thăng Long rằng : “Thành Thăng Long xưa là thành Đại La vậy. Vào thời Đường Ý Tông, Cao Biền làm Tĩnh hải quân Tiết độ tiết sứ, đốc quân xây dựng thành Đại La. Đến nay vẫn còn bờ thành với chu vi 7768 tầm, mở 20 cửa Đỗ. Thành Thăng Long 昇龍tức Thăng Long昇隆, có chu vi 7362 tầm 2 thước, tính thành 27 dặm 72 tầm 2 thước... Phủ Hoài Đức có 2 huyện, 13 tổng, 249 thôn - phường... Hồ Ngũ Khẩu 湖五口, hồ Hàng Kiếm 行劍湖, hồ Bảy Mẫu 畝湖, hồ Tú Uyên 秀淵湖, hồ Trúc Bạch 竹帛湖, Tây hồ 西湖. Công tư cống nạp được 61 khẩu. Trấn Vũ quán 鎮武觀có tượng thần bằng đồng loại nặng”(6).
Từ các yếu tố trên, chúng tôi kết luận rằng: Lạng Sơn Đoàn thành đồ bản hiện tồn chính là bản sao. Sự sao chép ấy không đảm bảo chuẩn xác văn bản gốc. Nhất là, với các yếu tố như: chép lại thành hai lần bài ký của Nguyễn Nghiễm (giữ nguyên sự nhầm lẫn, đã kể ở trên), chép nối thêm một số đoạn về địa lý, lịch sử khác không can hệ gì đến Lạng Sơn, chứng tỏ đây có thể là sản phẩm sao chép vào đầu thế kỷ XX (do Học Viện Viễn Đông Bác Cổ - Pháp thuê các vị ký lục sao bản(7)). Tình trạng lẫn lộn, hỗn tạp về văn bản hiện khá phổ biến trong hệ thống thư tịch của chúng ta.
Mặc dù có những vấn đề khiến văn bản Lạng Sơn Đoàn thành đồ không thể hiện chuẩn xác với văn bản gốc thuần túy như vậy, song nhìn chung, chúng tôi vẫn thấy các phần còn lại của nội dung văn bản rất có giá trị, khả dĩ đóng góp khá nhiều cho việc tìm hiểu về địa quân sự cũng như nhiều yếu tố về văn hóa, lịch sử, dân tộc học... ở vùng đất Lạng Sơn.
Trong các công trình nghiên cứu về địa chí các địa phương trong thư tịch cổ, vùng đất Lạng Sơn nói chung và Đoàn thành ở Lạng Sơn nói riêng ít được tìm hiểu kỹ càng: “Trong kho sách Hán Nôm, sách viết về Lạng Sơn hầu như chúng ta chỉ bắt gặp từng phần hoặc từng chương mục, ghi trong những bộ địa chí chung, thí dụ phần nói về Lạng Sơn trong Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình địa dư chí, Đồng Khánh địa dư chí, hoặc một số bài rải rác trong những sách bao gồm nhiều đề tài khác nhau như cuốn Thiên tải nhàn đàm, Hoàng hoa đồ phả”(8), cũng không có một trước tác nào bao quát khá đầy đủ về mọi mặt ở xứ sở ấy. Các tư liệu địa chí của Trung Quốc (Việt kiệu thư, An Nam chí [nguyên], Quảng Đông thông chí, Đại Thanh Nhất thống chí...), Việt Nam (Hồng Đức bản đồ, Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình địa dư chí, Đồng Khánh địa dư chí, Bắc Kỳ các tỉnh toàn đồ...) đa số vẫn chỉ gợi điểm và khảo sát sơ lược về Lạng Sơn.
Chỉ đến Lạng Sơn Đoàn thành đồ của Nguyễn Nghiễm, chúng ta mới có được những thông tin khá cụ thể về đất đai, nguồn nước, đền miếu, dân cư, phong tục tập quán... của xứ sở này. Tác phẩm này ghi chép rất kỹ về Đoàn thành (như bản đồ cùng việc liệt kê chiều cao, chiều dài, chu vi... Đoàn thành; thành có cấu trúc nữ tường thích hợp cho việc trấn thủ trong quân sự...), thống kê số đồn thú (19 đồn), chiều dài đường đi từ trấn thành đến các đồn và từ các đồn đến nhiều nơi khác; Trước tác này còn liệt kê tất cả các cửa ải, quân số đóng trú tại Lạng Sơn, các loại vũ khí sử dụng, số châu, phủ và nhân khẩu (1 phủ 7 châu 46 tổng với nhân số các hạng trên là 7625 suất)..., số ruộng vụ thu, số đinh tráng, sai dịch, các thứ thuế, tiền thực trưng; số đền miếu ở toàn trấn...
Ví dụ: ở trang 38-39 có đoạn: “Trạm Hòa Lạc tiếp giáp với xã Chi Lăng, thuộc châu Ôn, trấn Lạng Sơn; đi 1601 tầm, hai bên là rừng cây rậm rạp, tạp lẫn là dân cư ruộng đồng. [Nơi đây] có một khe nước hiệu là Suối Nang 衦 囊, bắt nguồn từ Lạc Kháo 落靠 ở Mẫu Sơn 母山 chảy vòng quanh rồi đổ xuống sông Đại Hóa大化江. Đến Quán Biều 舘瓢, thường gọi là biều Chi Lăng 瓢枝棱, có một khe nước với khí tượng rất ác nghiệt. Nơi đây, có người uống nước này vào, sắc da màu vàng bệnh. Con đường phía Tây có thành cổ nằm dưới chân núi, chu vi phỏng đoán khoảng hơn 300 tầm, được gọi là Thành Khố 城庫. Tương truyền do Phục Ba Tướng quân đời Hán xây dựng đồn này để tích trữ lương thảo...”(9). Tiếp nhận đoạn văn này, người đọc như thấy hiện rõ quang cảnh của vùng đất ấy với rừng cây xen lẫn dân cư, đồng ruộng. Đi đến Quán Biều (Biều Chi Lăng) thì bắt gặp một khe nước dữ, độc. Lại có chuyện tương truyền về Phục Ba tướng quân Mã Viện thời Hán lưu dấu ở đây...
Đoạn văn kể về Ải Nam Quan như sau: “... Đi 113 tầm, đến Ải Nam Quan 南關隘. Phía Đông của ải có một ngọn núi đất ở dưới. Phía Tây của cửa ải có một ngọn núi đá, nối liền cửa ải với Ngưỡng Đức đài 仰德臺. Hai bên là hai tòa Công quán 公館, mỗi lần giao thiệp tiếp sứ tất các tướng binh, người ngựa đều đứng nơi đây. Trên quan ải có Sủng lâu 宠樓, trên lầu có tấm biển đề phía ngoài 3 chữ Trấn Nam quan 鎮南關, phía trong biển đề 4 chữ trung ngoại nhất gia 中外一家. Từ quan ải đi hướng Bắc 20 tầm lại có Chiêu đức đài 昭德臺, biển đề 4 chữ bằng vàng Vạn Xuyên nhai hải 萬川涯海 (bờ biển Vạn Xuyên). Cửa ải thường đóng, chỉ lúc nào có việc đi sứ mới mở. Còn lại, việc qua lại bình thường (giữa nước ta với Trung Quốc) thì đều theo ải Du Thôn 油村隘 mà đi”(10). Đấy là những “nét vẽ” cực kỳ súc tích và hấp dẫn về từng địa danh ở vùng đất địa đầu này.
Tóm lại, Lạng Sơn Đoàn thành đồ ghi chép rất cụ thể, rõ ràng, thống nhất về hiện tình của trấn trị Lạng Sơn. Đấy phải chăng là tài liệu bí mật về quân sự, nhằm cung cấp những thông tin đầy đủ và cực kỳ quí giá, bổ ích cho việc tìm hiểu và đối chiếu khi nghiên cứu, tìm hiểu về đất đai, mùa vụ, lương thực, canh tác, sông suối, phong tục tập quán, binh chế, hộ tịch, di tích lịch sử, sứ sự... ở mảnh đất đặc biệt này.
Tác phẩm độc đáo ấy cũng như nhiều trước tác giá trị khác của Nguyễn Hy Tư vốn chưa được quan tâm khảo cứu, khiến “vị thế” của nó nói riêng cũng như vị thế về tác gia Nguyễn Nghiễm nói chung vẫn chưa được thiết đặt ở vị trí thích hợp. Thông qua bài viết này cũng như những nghiên cứu tiếp theo về Nghị Hiên công, chúng tôi mong muốn sẽ cung cấp thêm một cái nhìn tương đối toàn diện về tài năng mọi mặt của nhân vật “tài kiêm tướng (văn) tướng (võ) này. Xin trích dẫn lời nhận định về giá trị tác phẩm Lạng Sơn Đoàn thành đồcủa PGS. TS Đỗ Thị Hảo để thay lời kết luận “... khi ghi chép tư liệu, Nguyễn Nghiễm đã vận dụng cặp mắt của một nhà quân sự, ông không chỉ mô tả tòa thành mà còn cho biết thành Lạng Sơn được đặt trong một hệ thống phòng ngự khá dày dặn... Hiện nay trong việc miêu tả đất nước và con người Lạng Sơn trong truyền thuyết, việc điều tra các di tích ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có lẽ sách “Lạng Sơn Đoàn thành đồ” sẽ giúp chúng ta được ít nhiều về mặt tư liệu”(11) và “Lạng Sơn Đoàn thành đồ” còn cung cấp cho ta những lượng thông tin khác giúp ích rất nhiều cho những người nghiên cứu khoa học xã hội đời sau, đó là những tư liệu về các mặt kinh tế xã hội”(12).
Võ Vinh Quang -Trần Thị Vinh
Chú thích:
(1) . Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả 驩州宜仙阮家世譜: ký hiệu VHv. 1852 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(2). Chúng tôi hoán đổi Âm - Dương lịch căn cứ vào trang
(3). Lạng Sơn Đoàn thành đồ (nguyên tác), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu: VHc.289, tr.44
(4). Mỗi Xoài (có khi đọc là Mỗi Xuy, Mô Xoài...): Địa danh hiện thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu
(5). Lạng Sơn Đoàn thành đồ, VHc.289, Sđd, Tr.54 - 56
(6). Lạng Sơn Đoàn thành đồ, VHc.289, Sđd, Tr.59 - 60
(7). Xin xem: Dương Thái Minh, “Vài nét về quá trình hình thành kho sách Hán Nôm hiện nay”, Tạp chí Hán Nôm,1984, Phần 1, Tr.31 - 35. Trong bài viết, tác giả Dương Thái Minh có đề cập rằng: “Theo các cụ làm việc hồi đó cho biết, thì Thư viện [Viễn Đông Bác Cổ] thường xuyên có từ 10 đến 20 người ký lục sao chép suốt năm, suốt tháng. Sách cùng một khổ giấy, một quy định chung, sơ ý là có thể làm cho văn bản này lẫn sang văn bản khác”. Như vậy, việc sao chép được Viện Viễn Đông Bác Cổ thuê các vị ký lục làm việc suốt năm. Sự sao chép ấy mặc dù đóng góp rất lớn cho hệ thống thư tịch Việt Nam, song cũng gây nhiều khó khăn về vấn đề văn bản học về tư liệu Hán Nôm cho hậu thế.
(8). Đỗ Thị Hảo, “Xứ Lạng trong cuốn “Lạng Sơn thành đồ” của Nguyễn Nghiễm”, Tuyển tập Luận văn hội nghị khoa học xứ Lạng - Lạng Sơn, Sở VHTT Lạng Sơn xuất bản, 1988, Tr. 221
(9). Lạng Sơn Đoàn thành đồ, VHc.289, Sđd, Tr. 38 - 39
(10). Lạng Sơn Đoàn thành đồ, VHc.289, Sđd, Tr. 47- 48
(11), (12). Đỗ Thị Hảo, xứ Lạng trong cuốn “Lạng Sơn thành đồ” của Nguyễn Nghiễm, Sđd, Tr. 221-225.
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.