Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Kịch bản nào cho Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối Hà Nội?

Gần đây, dư luận và thông tin đại chúng xôn xao về câu chuyện Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội rất có thể bị xóa sổ do một dự án xây dựng khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, theo đó, đã có nhiều sự bức xúc của các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn - bảo tàng. Vì lẽ đó, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô đã tổ chức một cuộc toạ đàm về di tích này, nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, qua các giải pháp được đưa ra, giúp cho công tác bảo tồn khu di chỉ có hiệu quả tốt nhất.
 
Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, trong các văn liệu khảo cổ học và dân gian truyền miệng, còn có những tên gọi khác nữa: Gò Mả Phượng, Gò Dền Rắn, Gò Chùa Gio, Gò Cây Muỗng, Gò Mả Đống, Gò Chiền Vậy... Dẫu với tên gọi nào, nó vẫn là một địa danh nổi tiếng và khá quen thuộc trong giới khảo cổ học Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
Hiện trường khai quật khảo cổ học tại Vườn Vhuối (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Linh Anh/kinhtedothi.vn
 
Quen thuộc và nổi tiếng vì di chỉ này đã có tới 7 lần khai quật, bắt đầu từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước và cuối cùng là năm 2013 với tổng diện tích lên tới trên 600m2. Quen thuộc và nổi tiếng của Vườn Chuối còn nằm ở giá trị của di tồn nằm trong tầng văn hóa, giúp cho nhận thức về thời đại Kim khí Thủ đô có thêm nhiều tư liệu mới, bổ sung cho nhận thức chung của thời đại kim khí Việt Nam. Quen thuộc và nổi tiếng của Vườn Chuối còn nằm trong nhận định của các nhà khoa học, khi 7 lần khai quật, dường như cho kết quả khác nhau về địa tầng, niên đại, tính chất của di tích, phản ánh qua các báo cáo khai quật của nhiều cơ quan và nhiều cá nhân chủ trì, thậm chí, của một cơ quan, một cá nhân chủ trì, chứng tỏ tính phức tạp của di tích, cần phải được bảo tồn để nghiên cứu kỹ càng hơn.
 
Tôi chỉ lấy một số ví dụ, khai quật lần đầu tiên, năm 1969, một trong những người chủ trì khai quật cho rằng, Vườn Chuối thuộc giai đoạn phát triển cao của văn hóa Đồng Đậu, chưa loại bỏ hết yếu tố Phùng Nguyên. Đó là di chỉ cư trú của người Việt cổ cách ngày nay khoảng 3500 năm. Cuộc khai quật lần thứ hai, năm 2001, lại cho một địa tầng, không chỉ có Phùng Nguyên và Đồng Đậu, còn có cả lớp văn hóa Gò Mun và cư dân ở đây đã biết đúc đồng. Nghề luyện kim đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cư dân cổ, bên cạnh nghề nông trồng lúa nước. Cuộc khai quật lần thứ ba, năm 2009, căn cứ vào địa tầng và di vật chứa đựng trong đó, những người khai quật cho rằng, Vườn Chuối về cơ bản là di chỉ cư trú một tầng văn hóa thuộc giai đoạn Đồng Đậu. Tại một số điểm có mộ táng thuộc giai đoạn Đông Sơn chôn vào tầng văn hóa Đồng Đậu, cư dân Vườn Chuối đã phát triển luyện kim, trồng lúa, biết chăn nuôi, làm gốm, xe sợi, dệt vải... Cuộc khai quật lần thứ tư, năm 2011, với diện tích 286m2, đã cho một nhận thức rằng, Vườn Chuối là một làng cư trú của người Đồng Đậu - Gò Mun đã được người Đồng Đậu và Đông Sơn sử dụng làm nghĩa địa. Những cuộc khai quật tiếp theo, Vườn Chuối vẫn cung cấp nhiều tài liệu hiện vật phong phú, địa tầng phức tạp, theo đó là những nhận định mới mẻ, gây nhiều thảo luận về học thuật trong giới khảo cổ học.
 
Nói như vậy, để thấy được tầm ảnh hưởng và vị trí quan trọng của Vườn Chuối trong việc nghiên cứu thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam mà tư liệu từ nơi này cung cấp.
 
Quan trọng, nổi tiếng và quen thuộc như vậy, nên theo tôi, Vườn Chuối không thể bị xóa sổ trên bản đồ khảo cổ học Thủ đô và cả nước, như một số di tích khảo cổ học khác, khai quật để giải tỏa, lấy quỹ đất, phục vụ cho mục đích xây dựng, cho dù mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn là mối bận tâm của các nhà quản lý, không chỉ ở nước ta mà ở tất cả các quốc gia đang phát triển trên thế giới.
 
 Di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: cand.com.vn
 
Không khai quật để giải tỏa, theo đó, kịch bản của tôi đối với Vườn Chuối chính là một công viên khảo cổ học sẽ được xây dựng ở nơi đây. Với diện tích 19.000m2, nằm trên một gò đất tương đối cao so với quanh vùng, lại lọt trong một quy hoạch đô thị tương lai, công viên này sẽ rất hữu ích để tạo không gian sinh thái trong đô thị. Tại công viên này, những loại cây rễ nông, thân nhỏ, những vườn hoa, cây bụi và cây leo cần được nghiên cứu kỹ, trồng ở đây, để tránh rễ cây xâm hại sâu dưới lòng đất, phá hủy địa tầng khu di chỉ. Những hố khai quật từ bẩy mùa, sẽ được viền bao bằng những hàng rào cây tỉa thấp, theo đúng diện tích đã khai quật, quanh đó là những pa-nô giới thiệu kết quả khai quật (ảnh hiện vật, bản vẽ địa tầng, nhận định ngắn gọn của những người khai quật). Tên của công viên phải chăng là Vườn Chuối, Chiền Vậy... như là sự gợi nhớ về một địa danh cổ cho thế hệ mai sau, khi nơi đây sẽ là một khu đô thị hiện đại trong tương lai. Tên đường, phố, công trình công cộng, qua di tích, qua văn hóa khảo cổ, cũng là một ý tưởng hay của ngành Văn hóa Thủ đô trình UBND và Hội đồng nhân dân thành phố xét, để đưa vào ngân hàng dữ liệu đặt tên trong tương lai, thiết tưởng sẽ là một lợi thế cho sự đồng thuận với tên gọi nêu trên. Công viên, rồi đây sẽ có một phòng trưng bày bổ sung, được chuẩn bị công phu và hấp dẫn, giao cho cộng đồng quản lý và phát huy. Tại công viên này còn có những workshops để sinh viên và các nhà khảo cổ học trẻ khai quật, chủ yếu để đào tạo, với một diện tích khai quật rất hạn chế. Sau khai quật như thế, diện tích phải trả lại cho công viên và lại được trồng cây hàng rào quanh hố, pa-nô giới thiệu như những hố khai quật của bảy lần trước. Kiểu công viên này, tôi đã thấy ở Thiểm Tây (Trung Quốc) - một công viên thời Đường với Nhạn Tháp làm điểm nhấn, cùng nhiều công trình lầu tháp thời đại này được phục hồi và ban đêm, những suất biểu diễn ánh sáng 3D, kể câu chuyện Đường Tam Tạng đi lấy kinh cùng những đèn ống, được sắp đặt khoa học, trên đó có những bài thơ của những tác giả nổi tiếng thời Đường, đem đến một sự thưởng ngoạn đa dạng cho du khách.
 
Tôi không dám lấy mẫu công viên này để áp vào Vườn Chuối vì đó là công viên quá lớn, quá rộng, và quá hấp dẫn, nhưng sẽ là một mẫu hình tốt để tham khảo, áp dụng cho Vườn Chuối với hoàn cảnh cụ thể và tương thích để nó phát huy có hiệu quả.
 
 
Theo TS Phạm Quốc Quân/thegioidisan.vn

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.