Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, những giá trị văn học to lớn của đại thi hào Nguyễn Du cần phải được phát huy, không chỉ cho việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà cả trong việc quảng bá hình ảnh của quê hương nhà thơ cũng như góp phần phát triển kinh tế Hà Tĩnh thông qua du  lịch văn hóa. Bài viết này bước đầu nêu lên một số suy nghĩ về các hướng khai thác di sản văn học Nguyễn Du cho du lịch văn hóa và văn học. 

 

 

Tất nhiên, việc khai thác tài nguyên văn học Nguyễn Du cho du lịch cần dựa trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản về sáng tác của tác giả này. Vì thế mà vấn đề ‘không gian văn hóa Nguyễn Du” như là ngữ cảnh văn hóa chi phối những đặc trưng sáng tác của ông sẽ được chúng tôi trình bày như nền tảng dựa vào đó để đề xuất cách thức khai thác tiềm năng du lịch văn học.

 

1. Không gian văn hóa Nguyễn Du :Với khái niệm  không gian văn hóa Nguyễn Du, chúng tôi muốn đề cập đến không gian văn hóa trong đó đã diễn ra sáng tạo của Nguyễn Du và không gian văn hóa tiếp nhận Nguyễn Du. Từ các không gian đó mà hình dung về  vấn đề khai thác tài nguyên du lịch liên quan đến di sản sáng tác của đại thi hào.  

 

1.1. Không gian sáng tác Nguyễn Du :

 

Đây là cách gọi vắn tắt các nhân tố kể cả ngoại văn bản và nội văn bản khác nhau góp phần định hình sáng tác của Nguyễn Du :

 

1.1.1. Không gian văn hóa Thăng Long và không gian văn hóa Nghệ Tĩnh: Nguyễn Du sinh ra và lớn lên tại Thăng Long nên vai trò của không gian văn hóa Thăng Long trong các thập niên 1760 đến 1780  đối với sự hình thành cái nhìn về con người và xã hội cũng như sự hình thành quan điểm đạo đức thẩm mỹ của nhà thơ là rất lớn. Nguyễn Du chứng kiến lối sống của tầng lớp quí tộc, ông trải qua những biến cố chính trị lớn lao của thời đại, và ông cũng được tham dự những hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác nhau của con người đất Thăng Long, từ nghệ thuật trình diễn cung đình đến hát xướng trong gia đình. Thân phận của cô Cầm (Long thành cầm giả ca ) chỉ là một thân phận tiêu biểu cho bao cô ả đào, ca nhi của đất kinh kỳ khi đó. Từ Thăng Long, nhà thơ chắc chắn có về thăm quê mẹ ở vùng Kinh Bắc. Thăng Long của thế kỷ XVIII còn là nơi đổ về dòng sách vở và tác phẩm văn học Trung Quốc, kể cả các tác phẩm “tục văn học”, theo con đường các sứ đoàn Việt Nam hay thương nhân người Hoa.

 

1.1.2. Không gian văn hóa Nghệ Tĩnh: Vùng đất Nghệ Tĩnh đến thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX không còn là vùng đất xa xôi, là miền biên viễn như hồi các triều đại Lý-Trần. Một mặt, tầng lớp kẻ sĩ đất Hồng Lam đã lớn mạnh vượt bậc sau mấy thế kỷ hun đúc, họ đem văn hóa kinh kỳ hòa nhập với văn hóa dân gian của quê hương. Mặt khác, nằm trên con đường thiên lý Nam-Bắc, Nghệ Tĩnh hồi này đã đón nhận các luồng văn hóa khác nhau từ những đạo quân Nam chinh của chúa Trịnh hay những đạo quân Bắc tiến của anh em Tây Sơn. Mười năm gió bụi (thập tải phong trần) của thi hào diễn ra dưới chân núi Hồng, bên dòng sông Lam, nhất định đem lại nhưng bổ sung quan trọng vào ý thức nghệ thuật của tác giả. Không ngẫu nhiên mà ông có thể viết cổ kim vị kiến thiên niên quốc (xưa nay chưa từng thấy một triều đại nào tồn tại đến ngàn năm) như một triết lý lịch sử quan trọng.

 

Nếu muốn đầy đủ, cần phải dựng lại cả không gian văn hóa vùng quê vợ ông ở Thái Bình  và không gian văn hóa xứ Huế. Tuy nhiên, do không có đầy đủ dữ liệu nên chúng tôi dừng lại ở hai không gian nói trên.

 

1.1.3. Không gian văn hóa Trung Quốc trong chuyến đi sứ: chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1813-1814 có ý nghĩa rất lớn lao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Tên đất và tên người cùng với những sự kiện, với nhân cách, số phận của bao danh nhân trong lịch sử văn hóa, văn học lâu đời của Trung Quốc tất nhiên không phải là điều xa lạ với các kẻ sĩ như Nguyễn Du vốn  thông hiểu Bắc sử. Nhưng  việc nhà thơ có cơ hội trực tiếp sống, trực tiếp đi qua những địa danh nổi tiếng vì các sự kiện và  nhân vật lịch sử, trực tiếp nghe và nhìn cuộc sống và con người trên đường Bắc sứ  đã góp phần làm nên tập Bắc hành tạp lục với những bài thơ chữ Hán xuất sắc.

 

Nói đến không gian văn hóa  Trung Quốc trên đường sứ trình, cũng cần nói đến đời sống văn học, nhất là thể loại tiểu thuyết tài tử giai nhân nổi tiếng được giới nghiên cứu Trung Quốc xác định là đã xuất hiện trong khoảng thời gian cuối Minh đầu Thanh. Kim Vân Kiều truyện tuy không hoàn toàn thuộc thể loại này, song vẫn có những nét của tiểu thuyết tài tử giai nhân, trước hết là cặp đôi tài tử giai nhân Thúy  Kiều-Kim Trọng.  Chúng tôi đã có dịp nói đến từ trường khá rộng của Kim Vân Kiều truyện: từ một tác phẩm chữ Hán, Kim Vân Kiều truyện đã được kể lại bằng tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Mãn Châu và tiếng Nga[1]. Nói cách khác, có một không gian văn hóa Truyện Kiều trải rộng trên một địa bàn rộng, thậm chí vượt ra ngoài không gian văn hóa chữ Hán.

 

  1.2. Không gian tiếp nhận Nguyễn Du :

 

Không gian tiếp nhận Nguyễn Du cũng bao gồm nhiều thành tố khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến hai kiểu không gian chính là không gian tiếp nhận Truyện Kiều và không gian tiếp nhận thơ chữ Hán Nguyễn Du.

 

1.2.1. Không gian tiếp nhận Truyện Kiều :

 

Truyện Kiềuđược tiếp nhận bởi nhiều hình thức phong phú, đặc sắc, theo thời gian, sự tiếp nhận đó mở rộng đến qui mô quốc gia và quốc tế.

 

Ban đầu, Truyện Kiều được một số nho sĩ chuyền tay nhau đọc, sau đó, hình thức tiếp nhận phát triển thành các phong trào xướng họa, ngâm vịnh, bình phẩm Truyện Kiều, kể cả mang hình thức các cuộc thiĐó là sự tiếp nhận trong phạm vi trí thức nho sĩ, bao gồm cả phạm vi cung đình. Nhân dân đọc Kiều, ngâm Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều…Mở rộng ra xã hội, các nhân vậtTruyện Kiều  bước lên sân khấu, tuồng chèo, cải lương, và đến thời hiện đại, điện ảnh đã khai thác Truyện Kiều; dựa vào thế giới nhân vật và tích truyện, các họa sĩ vẽ tranh, điêu khắc; để phục vụ cho thú “chơi” sách đẹp, đã từng có các bản in được trình bày đẹp, in trên giấy tốt; các nhà thư pháp viết thư pháp Truyện Kiều… Trong giới nghiên cứu phê bình có những học giả chuyên nghiên cứu văn bản và các phương diện khác nhau của Truyện Kiều, và với thời gian, Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, có ý nghĩa nhất là Truyện Kiều có tác động ngược trở lại văn học Trung Quốc với 9 bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn[2], chứng tỏ văn học Việt Nam trung đại cũng không đơn giản chỉ “nhận” mà còn có khả năng “cho”. Truyện Kiều cũng trở thành đối tượng nghiên cứu so sánh trên phạm vi quốc tế, so sánh với không chỉ với Kim Vân Kiều truyện mà với các sáng tác tương đồng loại hình như truyện thơ Xuân Hương truyện (Hàn quốc), Kim Ngao tân thoại (Nhật Bản), Evghenhi Onegin (Pushkin-Nga)…

 

Những công trình nghiên cứu các phương diện khác nhau của Truyện Kiều bằng tiếng Việt và các thứ tiếng khác lên đến vài vạn trang. Người yêu Truyện Kiều đã thành lập Hội Kiều học.

 

1.2.2. Không gian tiếp nhận thơ chữ Hán Nguyễn Du :

 

So với các hình thức và mức độ tiếp nhận Truyện Kiều thì không gian tiếp nhận thơ chữ Hán Nguyễn Du có hạn hẹp hơn, nhưng sự hứng thú và sự sâu sắc trong tiếp nhận cũng không thua kém. Trong phạm vi học đường, nhiều nghiên cứu hàn lâm về thơ chữ Hán Nguyễn Du đã được tiến hành. Trong đời sống nghệ thuật, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của bộ phim dựa vào tiểu sử và nội dung bài thơ Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du. Vấn đề dịch chú thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng là công việc thu hút hứng thú của nhiều dịch giả.

 

Trên cơ sở phác họa các không gian văn hóa Nguyễn Du khác nhau như trên, chúng ta có thể suy nghĩ về việc khai thác không gian văn hóa đó cho mục  tiêu du lịch.  

 

2. Không gian văn hóa Nguyễn Du và du lịch văn hóa    

 

2.1. Vài nét lý luận :

 

-Khái niệm “văn hóa”: ngày nay khái niệm văn hóa thường đề cập không chỉ các biểu hiện vật chất như địa điểm hay các vật thể mà còn đến cả các biểu hiện vô hình (phi vật thể) như ngôn ngữ, văn hóa dân gian, các hoạt động xã hội, lễ nghi, lễ hội và các sự kiện trình diễn. 

 

“Văn hóa có thể được xem như một mạng lưới các đặc điểm đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ, cảm xúc của xã hội hay một nhóm xã hội, rằng nó bao gồm, bên cạnh văn học nghệ thuật và lối sống, cách sống cùng nhau, còn cả hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng” (UNESCO, 2001, Tuyên bố về sự đa dạng văn hóa thế giới).

 

Khái niệm creative  industries (nền kinh tế sáng tạo) dùng để chỉ loại kinh tế gắn với việc khai thác các tài nguyên văn hóa và tiềm lực sáng tạo của con người.

 

Các nghiên cứu về du lịch ngày nay đều khẳng định du lịch luôn luôn là một hành động văn hóa, dẫu cho bảng phân loại du lịch có thể chia thành các loại du lịch mua sắm, du lịch tôn giáo... Tổ chức du lịch thế giới khẳng định “không có thứ du lịch nào mà lại thiếu văn hóa” (there is no tourism whithout culture)[3]. Mục từ “Du lịch văn hóa” (cultural tourism) của Bách khoa thư về du lịchviết “Phần lớn các định nghĩa về du lịch văn hóa là tìm hiểu về người khác và cuộc sống của họ, từ đó mà hiểu biết chính mình. Adams định nghĩa du lịch là để làm giàu có nhân cách (travel for personal enrichment). Tiếp tục, các định nghĩa nói đến sự phát triển, giới thiệu và giải thích (development, presentation and interpretation) các nguồn văn hóa…Tóm lại du lịch văn hóa có thể được định nghĩa một cách rộng rãi như là biểu hiện được thương mại hóa của nguyện vọng con người muốn biết những người khác sống như thế nào. Nó dựa trên sự thỏa mãn những đòi hỏi của những người du khách tò mò muốn xem những người khác trong môi trường sống riêng của họ và xem những biểu hiện vật chất của đời sống của họ qua nghệ thuật và thủ công, âm nhạc, văn học, vũ đạo, ẩm thực, sân khấu, ngôn ngữ và nghi lễ”[4].  Một cách giới thuyết khác chi tiết hơn: “Du lịch văn hóa đó là sự chuyển dịch của các cá nhân ra ngoài phạm vi cư trú thường xuyên, việc di chuyển này được giải thích đầy đủ hay một phần bởi hứng thú đi thăm các thắng tích văn hóa, bao gồm các sự kiện văn hóa, bảo tàng, các địa điểm lịch sử, các phong triển lãm nghệ thuật, các nhà hát kịch và âm nhạc, các địa điểm hòa nhạc và các điểm giải trí truyền thống của cư dân địa phương, phản ánh các di sản lịch sử, sáng tạo nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật diễn xướng, các loại hình hoạt động  và phong các sống của cư dân, với mục đích nhận được thông tin mới mẻ, nhận được kinh nghiệm và ấn tượng để thỏa mãn các nhu cầu văn hóa của mình”[5].  

 

Các nhà lý luận du lịch Trung Quốc bàn về động cơ du lịch là cầu tân, cầu dị, cầu mỹ (tìm cái mới, cái lạ, cái đẹp). Thực chất cũng là cách nói diễn đạt nhu cầu hiểu biết “người khác” như lý luận du lịch Tây phương. Theo một số liệu thống kê của Tổ chức du lịch thế giới, du lịch văn hóa hiện nay chiếm từ 18%  đến 25% lượng khách du lịch và lượng khách này sẽ còn tiếp tục tăng[6]

 

Hành động du lịch là di chuyển trong không gian văn hóa –địa lý mới lạ. Không nói đến du lịch ra nước ngoài, ngay cả việc đi du lịch nội địa cũng là di chuyển đến không gian của “người khác”.  Nhu cầu tìm hiểu “người khác” là một động cơ quan trọng của du lịch : “du lịch theo nghĩa rộng của nó là huy động văn hóa như một phương tiện trung tâm để hiểu “người khác” (other) và làm cho người khác hiện ra một cách hữu hình. Nhà thơ, nghệ sĩ, nhà quản lý, viện sĩ, các nhà văn du lịch thường dùng  một hệ thống rất co giãn các tiểu phạm trù của văn hóa để phiên dịch và cắt nghĩa đời sống xã hội của cư dân đã đến thăm hay của những người khác đã giao tiếp. Những phạm trù đó bao gồm các lĩnh vực địa lý, lịch sử, nhân khẩu, chính trị, họ hàng, lễ hội, kinh tế, nghệ thuật, kiến trúc, văn học, âm nhạc, tôn giáo và cả ẩm thực. Tương tự, các nhà khảo cổ, sử học cũng dùng những phạm trù tương tự để nghiên cứu đời sống xã hội của các nền văn hóa cổ đại, văn hóa quá khứ, cùng những cách thức mà tiếp xúc văn hóa và sáng tạo văn hóa lại thay đổi cuộc sống xã hội”[7].

 

Văn hóa ngày nay không còn tồn tại ở dạng tiềm năng mà đã và đang được nhân loại khai thác phục vụ cho sự phát triển kinh tế bền vững. Sách  Du lịch, văn hóa và sự phát triển bền vững có viết : “Giúp cho khách được hiện diện giữa những người sử dụng một ngôn ngữ khác biệt, ăn những thực phẩm khác biệt, ứng xử theo những cách khác biệt chính là trọng tâm của du lịch. Việc trải nghiệm trực tiếp “các lối sống khác”, có thể có chức năng giáo dục quý báu mở rộng ra bên ngoài du lịch và mặc dầu có những tiến bộ trong kỹ thuật giao thông liên lạc và thực tại ảo, khó mà cạnh tranh trừ phi thông qua tiếp xúc, cọ sát và trao đổi giữa người và người. Trong một thế giới mà xung đột là sản phẩm của sự hiểu lầm và giao tiếp sai về văn hóa, của sự thiếu một cách căn bản tri thức “thế nào” và “tại sao” các nền văn hóa lại khác nhau thì việc hướng đến và trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau trong những hình thức thông thường nhất chính là việc cốt lõi”[8].

 

Quan điểm hậu hiện đại chủ nghĩa về văn hóa đã có ảnh hưởng lớn đến bản thân du khách cũng như các tổ chức ban hành chính sách du lịch ngày nay. Quan điểm này đả phá tư tưởng về đẳng cấp văn hóa, đả phá quan niệm lấy một kiểu văn hóa nào đó làm trung tâm, đề cao sự bình đẳng của các nền văn hóa. “Tư tưởng cho  rằng tất cả mọi nhóm người đều có quyền được phát biểu về mình, bằng giọng nói của riêng họ, và giọng nói đó được công nhận là độc đáo và có tính hợp pháp là quan điểm nòng cốt cho lập  trường đa nguyên hậu hiện đại”[9]. Tư tưởng tiến bộ này được vận dụng vào du lịch văn hóa nhằm hướng đến khai thác, phát huy sự độc đáo, bản sắc riêng, sự đa dạng và bình đẳng của mỗi nền văn hóa.

 

Như vậy, xét cả về lý luận du lịch văn hóa và quan điểm hậu hiện đại về văn hóa đều cho thấy, việc phát huy tài nguyên văn hóa trong du lịch là một hướng đi quan trọng bậc nhất của du lịch hiện đại. Trong bối cảnh đó, việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch văn hóa của di sản nghệ thuật lớn lao và đặc sắc của Nguyễn Du có rất nhiều triển vọng.

 

2.2. Du lịch văn học trong du lịch văn hóa :

 

Chúng ta đều biết, trong các nhân tố cấu thành văn hóa thì  văn học chiếm một địa vị trọng yếu. Nói theo ngôn ngữ chuyên ngành, văn học là tài nguyên quan trọng của du lịch văn hóa.

 

Tài nguyên du lịch văn học có giá trị gì đối với du lịch văn hóa ? Câu hỏi này đã được giới nghiên cứu quốc tế đề cập nhưng ở nước ta, dường như ít được quan tâm.

 

Mục từ “literature tourism” (du lịch văn học) của Bách khoa thư về du lịch có nội dung như sau : “du lịch văn học là một hình thức du lịch trong đó động cơ chính để đi thăm những vùng đặc biệt có gắn với một quan tâm  về văn học. Điều này có thể bao gồm việc đi thăm các ngôi nhà xưa và nay của  những tác giả (đang sống hay đã mất), những địa điểm thực hay huyền thoại được miêu tả trong văn học, thăm những khu vực mà danh tiếng của chúng có gắn với  các nhân vật và sự kiện văn học.  Các khu vực gắn bó rất mật thiết với tác giả có thể được tiếp thị theo mạch này, ví dụ như “vùng quê của Shakespeare”[10].   Tất nhiên một định nghĩa ngắn gọn như vậy tuy có gợi suy nghĩ song  cũng chưa bao quát đầy đủ các phương diện đa dạng trên thực tế du lịch văn học thế giới ngày nay.

 

Du lịch văn học có quan hệ qua lại với văn học du lịch nhưng hai khái niệm này không phải là một. Văn học du lịch là khái niệm chỉ những tác phẩm văn học như thi ca, tiểu thuyết, tản văn viết về đề tài du lịch như viết về núi sông, danh thắng, phong cảnh tự nhiên, về các công trình văn hóa nghệ thuật kiến trúc, lễ hội…, thể hiện tình cảm nhận thức của tác giả với tư cách là khách du lịch. Còn du lịch văn học là hình thức du lịch khai thác từ tài nguyên văn học của một hay nhiều tác giả văn học có quan hệ với vùng đất mà khách du lịch có thể đặt chân.

 

Có nhiều hình thức khai thác tài nguyên văn học du lịch, một hình thức phổ biến là lập bản đồ du lịch văn học. 

 

Mộ tác giả người Nga đề xuất phương pháp vẽ bản đồ không gian du lịch bằng văn học nghệ thuật (литературное картирование пространства). Di sản văn học được xem xét như là một nguồn tài nguyên của vùng lãnh thổ và có khả năng thúc đẩy sự phát triển du lịch văn học. “Thông thường người du lịch đi theo một lộ trình văn học  sẽ thăm các địa điểm gắn liền với cuộc đời nhà văn, thăm “địa chỉ” của các nhân vật văn học của tác giả đó, tiếp nhận không gian địa lý qua các hình tượng văn học nổi tiếng và, theo nghĩa đen, rơi vào “thế giới  của tác phẩm” với những cảnh quan  nguyên mẫu của thế giới tác phẩm”. Ở Nga, du lịch văn học đang được chú ý phát triển. Xuất hiện tại nhiều thành phố những tuyến du lịch văn học và đáp ứng nhu cầu này là những cuốn sách giới thiệu  được biên soạn trong thập niên qua như “Bản đồ văn học nước Nga”, “Maxcơva của Mandemstan”, “Maxcơva của Pasternak”, “Sekhov và Permơ-truyền thuyết về ba chị em”, “Du lịch cùng bác sĩ Givagô”… Trong các sách kể trên, các tác giả xem văn bản tác phẩm như là nguồn tài liệu chủ yếu dựa vào đó có thể xây dựng những tuyến du lịch trong không gian địa lý. Rõ ràng trong trường hợp này, tác phẩm văn học xuất hiện trong vai trò của công cụ căn bản giúp định hướng trong không gian văn hóa , tức là trong chức năng vẽ bản đồ.

 

Khi vẽ bản đồ bằng văn học cần chú ý ba loại tương tác giữa không gian địa lý và không gian tác phẩm văn học: không gian cụ thể, không gian tượng trưng và không gian thực dụng.

 

Không gian cụ thể : các dữ kiện  tiểu sử và sự phóng chiếu của nó trong cảnh quan hiện thực; đồng thời nghiên cứu thế giới nghệ thuật của tác phẩm đối chiếu với không gian địa lý nơi diễn ra chủ đề. Môn địa phương học văn học sẽ nghiên cứu vấn đề này.

 

Không gian tượng trưng nghiên cứu các chủ đề văn học có gắn bó với vùng không gian địa lý nhất định nhưng không phản ánh trực tiếp không gian đó.

 

Tác phẩm văn học mô phỏng cuộc sống nhưng nó lại có ảnh hưởng tác động trở lại cuộc sống-đó là trường hợp của những tác phẩm thành công, nổi tiếng, được khai thác.  Từ các bộ phim hoạt hình Nhật Bản, đã xuất hiện hình thức festival mang tên Cosplay-một kiểu lễ hội du lịch rất hấp dẫn tuổi trẻ nhiều nước, trong đó nội dung chính là mô phỏng các kiểu trang phục, kiểu tóc…của nhân vật phim hoạt hình.

 

Trường hợp thứ ba khai thác giá trị thực dụng của tác phẩm văn học , dựa vào tác phẩm mà xây dựng các bảo tàng chuyên đề, tổ chức các tuyến tham quan du lịch xung quanh những địa điểm văn học, xây dựng các mạng lưới du lịch như quán café, khách sạn, các vật lưu niệm du lịch.

 

“Phương pháp vẽ bản đồ văn học, theo cách hiểu của chúng tôi,  mở rộng đáng kể nhiệm vụ  của ngành địa phương học văn học. Nó phải tính đến ba khía cạnh tương tác giữa tác phẩm văn học và không gian địa lý và có thể xác định : 1) “các địa điểm văn học” của vùng lãnh thổ; những đề án văn hóa –xã hội có thể có trên vùng lãnh thổ gắn liền với việc giới thiệu quảng bá các “địa điểm văn học” (các festival, các hội nghị, hội thảo, các tuyến du lịch ); 3) những thay đổi về chất lượng của môi trường văn hóa –xã hội :  sự ra đời các công trình hạ tầng du lịch quanh các “địa điểm văn học”[11].      

 

Bên cạnh việc vẽ bản đồ du lịch văn học, còn một xu thế khác là xây dựng các không gian, cảnh quan du lịch dựa vào các không gian, sự kiện, nhân vật nổi tiếng trong các sáng tác văn học.  

 

Trong bài viết Bàn về giá trị du lịch của văn học và khai thác tài nguyên du lịch văn học, tác giả Đinh Thần viết về ba công năng của văn học trong hoạt động du lịch: xúc du, đạo du, hứng du.   

 

a) văn học xúc du- văn học  xúc tiến cho du lịch : tuyên truyền quảng cáo du lịch. Tác phẩm văn học là sự quảng cáo miễn phí cho du lịch. Phong cảnh vốn chỉ là tự nhiên, nhờ có thi văn mà thành nổi tiếng.

 

 b) Văn học đạo du-hướng dẫn du lịch : tài nguyên văn học du lịch bao gồm số lượng lớn các tác phẩm văn học du ký. Chúng kể về lịch trình du lãm, cảnh vật núi sông, cổ tích danh thắng, phong thổ nhân tình, các sự kiện lịch sử có quan hệ, truyền thuyết dân gian…

 

c) Văn học hứng du: tạo cảm hứng cho đi du lịch –văn học giúp cảm hóa và xúc tiến thúc đẩy cảm hứng du lịch của khách du lịch . Tác dụng này của văn học là không thể thay thế. Bài viết nêu khái niệm “đối tượng hóa” – du khách dựa vào cảm thụ của bản thân, thông qua quá trình tưởng tượng tái tạo mà thực hiện, khiến cho cá tính và đặc trưng của đối tượng quay trở lại với thế giới tinh thần của mình, đồng thời thụ hưởng sự thể nghiệm thẩm mỹ.

 

Làm thế nào để khai thác giá trị du lịch của văn học ? Lý luận văn học du lịch hiện nay nhận thấy, văn hóa du lịch là kết quả của tương tác giữa ba nhân tố  : chủ thể du lịch (du khách), khách thể du lịch (tài nguyên du lịch), và môi thể du lịch (công ty lữ hành). Ba yếu tố quan trọng tức văn hóa, nhu cầu tiềm ẩn của hứng thú của chủ thể du lịch,  nội hàm và thành phần văn hóa  của khách thể du lịch, ý thức kinh doanh của môi giới du lịch đối với tài nguyên văn học du lịch. Ba yếu tố này cấp cho thị trường du lịch văn học sức mạnh hoạt động. Các nguyên tắc sau cần được tôn trọng trọng  :

 

- Để khai thác tài nguyên du lịch văn học  cần chú ý đến văn bản gốc đối với việc tái sáng tạo văn bản văn học. Làm thế nào để đem cảnh quan du lịch văn học (tức sản phẩm) để cung ứng cho mọi người thưởng thức ? Tất phải dựa theo tác phẩm văn học nguyên thủy của tác giả, tình tiết tác phẩm. Như việc du lãm Khổng miếu Khúc Phụ tất lấy tư tưởng Nho giáo như trung hiếu tiết nghĩa làm chủ chỉ. Thái Bạch lâu ở Tế Ninh lấy chủ đề tửu túy. Sự ra đời sản phẩm cảnh quan du lịch văn học cần dựa cơ sở vào tài nguyên văn học du lịch nguyên thủy.

 

-Khảo sát nhu cầu, hứng thú của chủ thể du lịch (du khách), qui mô và tình huống thị trường để thiết kế, khai thác, đề cao phẩm vị của cảnh/ điểm văn hóa của du lịch văn học.

 

-Coi trọng ý thức và tố chất văn học của hướng dẫn viên, khả năng nắm bắt, hiểu biết tác giả và tác phẩm văn học, trình độ giảng giải của hướng dẫn viên.

 

Bài viết nói trên cũng trình bày những bài học thành công của sách lược đẩy mạnh du lịch Trung Quốc dựa vào khai thác các tác phẩm văn học.

 

-Sách lược đẩy mạnh sự  kết hợp văn học và các phương tiện môi giới du lịch (điện ảnh, truyền hình, báo chí, internet) để quảng bá tác phẩm và nhân vật văn học, dùng điện ảnh tái hiện các tác phẩm và nhân vật văn học nổi tiếng. Khai thác cảnh quan mà tác phẩm văn học nổi tiếng miêu tả thường trước hết căn cứ vào danh tác và cải biên hình thức gây được hiệu ứng mạnh mẽ với công chúng. Những năm 1980, truyền hình Trung Quốc liên tục chiếu Hồng lâu mộng, đã khiến cho xuất hiện công trình kiến trúc Vinh quốc phủ (huyện Chính Định, Hà Bắc),  Đại quan viên ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Thành công của phim Tây du ký khiến cho “Tây du ký cung”  ở Thần Châu đại địa xuất hiện rất nhiều như "Măng xuân mọc sau mưa". Những tác động mãnh liệt của phim truyền hình Thủy hử và Tam quốc diễn nghĩa đã tạo nên “Thủy hử, Tam quốc nhiệt” –từ đó, các kiểu kiến trúc Thủy hử thành, Tam quốc thành lục tục ra đời ở nhiều nơi.

 

-Tổ chức  hoạt động trù tính hình tượng chủ đề  : Hàng Châu lấy hình tượng Tây hồ làm chỗ dựa, tích cực lợi dụng tài nguyên văn học mà tô điểm. Tại Quý Châu,  Quý Châu nhật báo, Quý Châu đô thị báo, Quý Châu thương báo tất cả 13 đơn vị cùng tổ chức  “Quý Châu sơn thủy bôi” (2004), Quý Châu văn học phong hội bảng.

 

-Từ phẩm bài văn học đến phẩm bài du lịch : Ví dụ, du khách đến Thiệu Hưng đều vì đây là quê hương Lỗ Tấn, nhất là những người thời học sinh được học những tác phẩm văn học của ông mà có hứng thú du lịch. Thiếu Lỗ Tấn không có du lịch Thiệu Hưng, tên tuổi Lỗ Tấn được khai thác thành thương phẩm bài[12].

 

Nhà nghiên cứu Kim Dĩnh Nhược viết bài Thử bàn về hàm nghĩa và phạm vi của du lịch văn học Trung Quốc cũng phân tích sức hấp dẫn của văn học đối với du khách và việc khai thác tài nguyên văn học du lịch :

 

-Tác phẩm văn học trực tiếp tạo thành sức hấp dẫn cho du lịch: tác phẩm văn học nổi tiếng (danh thiên) và cảnh quan nhờ có tác động qua lại mà trở nên nổi tiếng; thi văn được viết trong khi du lịch, đăng lãm đều tăng cường nội hàm nhân văn của cảnh quan. Ví dụ tiêu biểu là địa danh Xích Bích: Hồ Bắc, Quảng Châu đều có Xích Bích, đôi bờ Giang Hán một giải có 9 vùng tên Xích Bích. Vậy đâu là Xích Bích của trận chiến Tam quốc ? Từ Nam Bắc triều đến nay tranh luận chưa thôi. Từ Tống về sau, Xích Bích ở Quảng Châu chiếm vị trí thượng phong, là nhờ ông Tô Tử hai lần du Xích Bích (Tô Tử lưỡng du). Khi bị biếm trích ra  Quảng Châu, Tô Thức đã viết Xích Bích hoài cổ theo điệu Niệm nô kiều và hai bài Tiền, hậu Xích Bích phú, khiến cho thanh danh của Xích Bích Quảng Châu nổi bật, người sau theo thi văn ông mà xây dựng thành quần thể Xích Bích, biến nơi đây thành điểm du lịch. Đời Thanh, Khang Hy phân biệt Xích Bích và trận chiến Xích Bích, gọi đất này là Xích Bích của Đông Pha, hoặc gọi gọn là Xích Bích. Ngày nay, người ta cho rằng Xích Bích của trận Xích Bích trong Tam quốc là ở Bồ Kỳ, được gọi là Vũ Xích Bích, nhưng tiếng tăm của Xích Bích Quảng châu vượt xa Xích Bích ở Bồ Kỳ. Hiện tượng cảnh nhờ văn, dựa vào văn mà nổi tiếng rất nhiều. Hàn sơn tự ở Tô Châu với Phong kiều dạ bạc của Trương Kế; Nhạc Dương lâu với Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm, hay Đằng vương các tự Vương Bột thì hơi khác vì cảnh đã nổi tiếng trước đó. Bản thân những tranh luận đã gây sự chú ý, tính hấp dẫn của không gian du lịch văn học.

 

-Vấn đề “vô trung sinh hữu”: cảnh vốn không có sẵn, chỉ được xây dựng nhân tạo dựa vào gợi ý và sự nổi tiếng của các tác phẩm văn học. Vì có Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm đời Tấn, mà đời sau lấy dòng suối ở Tây Nam huyện Đào Nguyên (Hồ Nam) phụ hội vào bài ký của họ Đào, lấy tên Đào hoa nguyên” (nguồn suối hoa đào), từ đời Đường bắt đầu xây dựng miếu, đền, lầu, gác, qua các thời trùng tu tăng bổ, các cảnh điểm đều lấy tên trong tác phẩm Đào Tiềm. Đại Lý căn cứ vào Thiên long bát bộ của Kim Dung mà xây dựng Thiên long bát bộ thành.  Cũng có thể là cảnh đã được tả trong tác phẩm nay con người xây dựng, phụ họa thêm như “Thuyền Sơn phổ đà đào hoa đảo” ở Chiết Giang vốn được nói đến trong Anh hùng xạ điêu của Kim Dung.

 

Đặc điểm chung của du lịch văn học, theo tác giả, là lấy văn làm thể (trọng tâm), lấy văn làm quy phạm, trong tác phẩm văn học có nhiều cảnh quan, đó là linh hồn của cảnh quan, cảnh quan nhân tạo là biểu hiện của sự trình hiện và sự giải thích tác phẩm văn học. Người du lịch nhìn cảnh nhân tạo mà ấn chứng cảnh được miêu tả trong tác phẩm[13]. Tóm lại, bàn về tài nguyên văn học du lịch, có thể nói về nơi ở tác giả, từ đường, mộ , bia, nhà kỷ niệm, câu đối hoành phi, hiện vật điêu khắc, những tài nguyên liên quan trực tiếp bản thân tác giả và những tài nguyên như các câu chuyện phát sinh về tác giả, tác phẩm có sức hấp dẫn người du lịch. Cũng cần nói đến các tài nguyên vô hình nhưng rất quan trọng là các cảnh tượng, nhân vật, sự kiện trong tác phẩm văn học. Một tài nguyên du lịch văn học khác rất quan trọng là chính chủ thể du lịch (du khách). Chính họ cũng có thể tham gia viết văn, làm thơ.

 

Trên đây chúng tôi điểm qua , tuy không đầy đủ, nhưng có gợi ý,  một số hướng khai thác di sản văn học trong du lịch ở nước ngoài để trên cơ sở đó, suy nghĩ về khai thác không gian văn hóa  Nguyễn Du trong du lịch  văn hóa 

 

2.3. Khai thác các giá trị du lịch văn học của di sản Nguyễn Du :

 

Theo lý thuyết liên văn bản (intertextuality) và liên chủ thể (intersubjectivity), cần đặt văn bản sáng tác vào không gian liên văn bản và liên chủ thể. Thơ chữ Hán và Truyện Kiều của Nguyễn Du có quan hệ liên văn bản với nhiều kiểu văn bản, bao gồm các văn bản thơ ca Việt Nam, kể cả văn học dân gian và thơ ca Trung Quốc, với Kim Vân Kiều truyện  và cả hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân  cuối Minh, đầu Thanh. Xét quan hệ liên chủ thể, Nguyễn Du sáng tác dưới tác động của những quan hệ với  các văn nhân Việt Nam và Trung Quốc (khi đi sứ), với các ca nhi, kỹ nữ, với cả chư thần nhà Tây Sơn.

 

Nguyễn Du và các văn nhân Việt Nam thời trung đại sáng tạo trong  “Hán tự văn hóa quyển” bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên-Hàn Quốc. Sống trong không gian đó, Nguyễn Du và nhiều tác giả Việt Nam cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản có chung nhiều chủ đề sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên mà giới nghiên cứu đã so sánh Kim Vân Kiều truyện (Trung Quốc), Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều- Việt Nam ), Xuân Hương truyện (Hàn Quốc), Kim Ngao tân thoại (Nhật bản). Đó là chưa kể, bốn nước này có chung những đối tượng suy nghĩ như Trang Tử, Lão Tử, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch... Nếu xây dựng không gian văn hóa du lịch Nguyễn Du, cần tính đến du khách đến từ ba nước này, nhấn mạnh tính cộng đồng bên cạnh sự độc đáo của Nguyễn Du trong việc xử lý các chủ đề chung của khu vực. Tại sao chúng ta không nghĩ đến các hình thức du lịch hội thảo, du lịch văn hóa so sánh, không phát động các cuộc thi dịch, thi phê bình các bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn, thi nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với các tác phẩm tương đồng của các nước đồng văn, các hội thảo quốc tế về quan hệ giữa truyện Nôm bác học mà Truyện Kiều là đại diện với tiểu thuyết tài tử giai nhân cuối Minh đầu Thanh ? Từ những cuộc hội thảo này tất nhiên sẽ nảy sinh mối quan tâm hứng thú của du khách các nước vùng văn hóa Hán với di sản Nguyễn Du.  

 

Không gian văn hóa Thăng Long, nơi Nguyễn Du đã ra đời và lớn lên trong quãng hơn hai mươi năm, quãng thời gian cực kỳ quan trọng hình thành nhân cách chính trị-đạo đức-văn hóa của một con người. Thăng Long cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX chứng kiến nhiều biến đổi văn hóa trọng đại. Văn hóa thành thị-vốn đối lập với văn hóa cung đình- đã phát triển đến chừng mực nhất định, cao hơn hết so với các giai đoạn lịch sử trước đây, mà nếu thiếu dòng văn hóa này, khó mà có được những sáng tạo đặc  sắc của Nguyễn Du. Lấy ví dụ về lĩnh vực nghệ thuật giải trí, sự xuất hiện khá dày đặc các thông tin còn lại đến nay về sự phổ biến của nghề hát xướng, về nhân vật ca nhi kỹ nữ ở Thăng Long lý giải cho chúng ta vì sao Nguyễn Du lại quan tâm đến thế thân phận của những ả đào, những ca nhi, và từ họ, gợi ý thuyết tài mệnh tương đố, khóc thương cho tài tình và tài sắc. Và văn hóa thành thị phát triển còn đưa đến những mẫu nhân vật mới lạ không hề giống với nhân vật của văn học cung đình chính thống hay văn học nông thôn.  Không gian văn hóa Nguyễn Du cần được thiết kế để tính đến sự hiện diện của văn hóa Thăng Long thế kỷ XVIII- đầu thế kỷ XIX ở đây. Các Tour du lịch cần được giới nghiên cứu văn học tham gia để vẽ bản đồ du lịch dựa theo các địa danh, sự kiện văn học liên quan với tác phẩm của Nguyễn Du, kết nối du lịch Hà Nội với Hà Tĩnh lấy chủ đề từ cuộc đời và các tác phẩm của Nguyễn Du có quan hệ với Thăng Long.

 

Cuối cùng là không gian văn hóa Hồng-Lam, quê hương Nguyễn Du. Hiện nay, chưa xác định được chính xác thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều , nhưng điều có thể chắc chắn là theo cách nào đó, không gian văn hóa này có ảnh hưởng lớn lao đến sáng tác Nguyễn Du. Đây là vùng đất xa kinh đô, nếu nhớ lại đời Lý-Trần còn bị xem là miền biên viễn và là nơi lưu đày nhiều tội nhân thì ta có thể hình dung về mặt tư tưởng, con người nơi đây ít ảnh hưởng tư tưởng phong kiến chính thống mang tinh thần Nho giáo. Vả lại, sau khi các chúa Nguyễn vào kinh dinh ở Đàng Trong, Nghệ An, Hà Tĩnh đã là nơi chứng kiến những dòng người ngược xuôi, lúc đầu là dòng người Nam tiến, đi tìm vùng đất mới theo những tin đồn về một miền đất dễ thở hơn; về sau là dòng người ngược trở lại-đạo quân Tây Sơn từ Thuận Quảng tiến ra Thăng Long qua vùng đất Hồng Lam. Cần nghiên cứu để thiết kế các tuyến du lịch Hà Nội-Hà Tĩnh-Huế-Qui Nhơn với chủ đề lịch sử và văn học thế kỷ XVIII- đầu thế kỷ XIX mà nòng cốt là Nguyễn Du.  

 

2.2. Không gian tiếp nhận Nguyễn Du :

 

Đây cũng là vấn đề cần chú ý đúng mức trong thiết kế không gian văn hóa Nguyễn Du cho du lịch. Khác với không gian sáng tạo của Nguyễn Du, không gian tiếp nhận lại bao hàm không chỉ không gian địa lý-xã hội của việc tiếp nhận mà căn bản, là các loại không gian của các hoạt động tiếp nhận khác nhau như : không gian xướng họa, đề vịnh nhân vật Truyện Kiều (văn học bác học); không gian tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều… (văn học dân gian); không gian báo chí (tranh luận, thảo luận, nghiên cứu Nguyễn Du ); không gian diễn xướng và sân khấu hóa, điện ảnh hóa, âm nhạc hóa bản thân hình tượng Nguyễn Du và các sáng tác của ông, trong đó có Truyện Kiều.  Tái hiện không gian tiếp nhận này là công việc của các lễ hội, festival tầm khu vực, tầm quốc gia và quốc tế, nhiệm vụ của bảo tàng học, đây là những công việc mà hiện nay, chúng ta mới làm được rất ít ỏi. Tại sao không phát động những cuộc thi kiến trúc, thi vẽ tranh, điêu khắc, sáng tác ca khúc, thi viết kịch bản phim, thi trình diễn các thể loại nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng hát bội, cải lương, sân khấu xung quanh các kịch bản đã có và kịch bản mới xây dựng từ thơ chữ Hán và Truyện Kiều.

 

Từ các quan sát trên, có thể hình dung một qui trình xây dựng không gian văn hóa Nguyễn Du cho du lịch như sau:

 

-Thiết kế nhằm đến chủ thể du lịch (khách du lịch ), du khách Việt Nam, du khách các nước từng trong vùng văn hóa chữ Hán, du khách các nước khác. Người du lịch đến từ các nước Đông Á sẽ hứng thú nhất với sự tương đồng văn hóa qua di sản văn học của Nguyễn Du.  Du khách phương Tây sẽ khám phá vị trí và đặc sắc của địa phương Hà Tĩnh trong lịch sử Việt Nam. Vấn đề phiên dịch các sáng tác của Nguyễn Du cũng như những công trình giới thiệu di sản văn học của ông sang nhiều thứ tiếng cần được đẩy mạnh.

 

-Thiết kế tính cho khách thể du lịch : xây dựng, tạo tài nguyên du lịch từ không gian văn hóa Nguyễn Du. Từ sáng tác của Nguyễn Du mà tổ chức không gian diễn xướng, không gian tiếp nhận, không gian giải trí, nghệ thuật hóa (hội họa, điêu khắc, âm nhạc), sân khấu hóa, lễ hội hóa,  đưa nhân vật và sáng tác của Nguyễn Du lên màn ảnh, không gian tiếp nhận Nguyễn Du (so sánh , lịch sử tiếp nhận)

 

 

Chú thích:

 

[1]Xin xem Hành trình Truyện Kiều từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI, bài viết giới thiệu cuốn sách Truyện Kiều khảo- chú – bình, NXB Giáo dục, Hà Nội 2007.

[2]Trong bài viết đã dẫn ở chú thích 1, năm 2007, chúng tôi thống kê có 8 bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn. Nhưng đến 2011, đã xuất hiện  một bản dịch mới : xem Kim Vân Kiều truyện (Việt), Nguyễn Du 金云翘传(越)阮攸著, Kỳ Quảng Mưu 祁广谋dịch, 汉越对照读本Hán Việt đối chiếu độc bản. Quảng Châu: Thế giới đồ thư xuất bản Quảng Đông hữu hạn công ty, 2011. Vậy là đến 2011 đã có đến 9 bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn.

[3]Dẫn theo Encyclopedia of Tourism, Published in USA and Canada by Routledge, 2000, p. 125

[4]Encyclopedia of Tourism, p. 126

[5]М.Д. Giáo trình du lịch văn hóa, Сущинская,  Культурный туризм : учебное пособие; Sant- Peterburg, СПб. : Изд-во СПбГУЭФ, 2010., tr. 8.

[6]DẫntheoВ.А. Квартальнов, Du lịch,  Туризм, М.: Финансы и статистика, 2002.Sáchđiệntử.  

[7]Mike Robinson, David Picard, Tourism, Culture and Sustainable Development , UNESCO, 2006, tr. 21.

[8]Mike Robinson, David Picard, Tourism, Culture and Sustainable Development , UNESCO, 2006, p.10.

[9]Harvey D. , The Condition of Postmodernity, Cambridge: Blackwell, 1989, p.48

[10]Encyclopedia of Tourism, p. 360.

[11]A.V. Firsova, Du lịch văn học như là sản phẩm của khoa  bản đồ văn học, А.В. Фирсова, Литературный туризм как продукт культурного картирования, Thông báo Đại học Udmurti, Thành phố Perm, s. 2/2012.

[12]丁晨,  论文学的旅游价值与文学旅游源的开发, 湖南社会科学, 2006 (s.2). 

[13]Xem 金穎若, 试论中国旅游文学的含义和范围, 贵州民族学院学报(哲学社会科学版, 1997(s. 2)