Trong Văn học cổ điện Việt Nam, Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu, được quần chúng nhân dân yêu thích nhất, một tiến bộ vượt bậc của ngôn ngữ và văn học. Một tác phẩm hoàn thiện đến mức cổ điển trong tất cả các dòng chảy văn học Việt Nam xưa và nay. Nguyễn Du đã sử dụng triệt để sức mạnh của tục ngữ, phong giao, ông đưa vào tác phẩm những từ đơn, từ kép, thành ngữ, từ cổ, hình tượng và không ít những điển tích văn học. Vốn hiểu biết uyên thâm của thi hào Nguyễn Du đã làm cho Truyện Kiều trở thành một kiệt tác mà khía cạnh nào các thế hệ đều khai thác được. 250 năm qua, người ta đọc Kiều, kể Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, hát trò Kiều, thậm chí còn bói Kiều, viết giao hưởng, hợp xướng về Kiều, đưa Kiều lên sân khấu với các loại hình nghệ thuật: hát chèo, hát tuồng, hát cải lương, vẽ tranh … có người còn bỏ công viết “Hậu Kiều” dài hơn 3000 câu, vậy mà cũng chưa thể bộc lộ hết giá trị của Truyện Kiều …

 

 

3.254 câu lục bát trong Truyện Kiều của Nguyễn Du câu nào cũng thấm đượm giá trị văn học và nghệ thuật, hình tượng trong thơ ông, mang một giá trị hữu hình kỳ lạ, nó phác lên những hình ảnh dẫu xa vời cổ vọng mà vẫn gần gũi thân quen. Qua quá khứ trong Truyện Kiều chỉ là cái “cớ” mà tác giả sử dụng, còn tất cả đều thuộc về hiện tại và tương lai.

 

Trước Nguyễn Du, Nguyễn Huy Oánh (1713 – 1789) cũng làm thơ lục bát bằng chữ Hán?, nhưng xét về mọi phương diện thì thơ lục bát của nước Nam chỉ có Nguyễn Du mới là kiệt xuất, mới thực chất mở ra một dòng thơ thuần Việt mà sau này nhiều nhà thơ đã học tập và khai thác. Thơ Nôm lục bát của Nguyễn Du cứ hai câu (Trên sáu dưới sáu) là trọn một ý, một tình, một sự việc, một cảnh quan, một triết lý… cho nên những họa sĩ mỗi khi đọc lên đều có thể đặt bút vẽ thành tranh được. Cái không ai có trong Truyện Kiều là không gian của từng câu lục bát đều rất rộng về cả ý tứ, lẫn cảnh quan cụ thể, vì vậy mỗi tranh vẽ ra đều mang giá trị độc lập, làm sáng ra, mở rộng ra không gian Truyện Kiều.

 

Truyện Kiều cho đến nay chưa có một thư mục hoàn chỉnh, vì vậy số lượng in ra khó có thể kiểm soát hết. Dịch giả trong và ngoài nước trích dịch hoặc dịch toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài không phải là ít, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Tiệp, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Ba Lan, tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc có sử dụng bộ tranh minh họa Truyện Kiều.

 

Những tác phẩm về Kiều không phải tất cả đều vẽ minh họa, và còn tùy thuộc vào người đứng ra xuất bản, có bản minh họa nhiều (hàng trăm minh họa), có bản không minh họa. Chúng tôi tìm cách tiếp cận với những tác phẩm chữ Nôm, đa phần là bản sao chép, tái bản của những nhà sách Liễu Văn Đường in năm 1871 đời Tự Đức, bản Đoạn Trường Tân Thanh của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu chú thích, đời Thành Thái 1902… nhưng hầu như những bản chữ Nôm đều không có minh họa, duy bản Quan Văn Đường có vẽ một biểu tượng chiếc lá Bối và chữ viết phần góc “Lá Bối” trên là chữ Đường.

 

Về những bản Kiều dịch, giới thiệu ra tiếng nước ngoài, việc sưu tầm lại gặp phải những trở ngại khác. Các bản lưu trữ tại thư viện cũng chỉ còn lại lẻ tẻ một số tác giả quen biết, phần đông là dịch qua Pháp ngữ: Crayssac: Kim Vân Kiều – Hà Nội 1926. Nguyễn Văn Vĩnh: Kim Vân Kiều – Hà Nội 1942. Nguyễn Khắc Viện: Kiều – Hà Nội 1965… Dịch sang Anh ngữ có bản của Lê Xuân Thủy: Kim Vân Kiều – Sài Gòn, nhà sách Khai Trí 1968. Một số bản dịch qua tiếng Nga, tiếng Ý vv… Đa số là của dịch giả nước ngoài. Trong những bản Kiều dịch có một số họa sĩ nước ngoài, nhưng số lượng này cũng rất hạn chế.

 

Truyện Kiều được in bằng Quốc ngữ đầu tiên của Trương Vĩnh Ký: Kim Vân Kiều truyện – Xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1875. Vào thế kỷ XX phải kể đến bản in của Nguyễn Văn Vĩnh: Kim Vân Kiều (có chú dẫn và điển tích) do nhà in Ích Ký – Hà Nội năm 1912. Bản in của Phạm Kim Chi: Kim Túy Tình Từ - xuất bản năm 1917. Từ những năm 1920 trở về sau hàng loạt những bản in của: Hồ Đắc Hàm, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Diễn, Tản Đà, Huyền Mặc Đạo Nhân, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, Hà Huy Giáp – Nguyễn Thạch Giang vv… Những bản in bằng tiếng Việt chúng tôi thấy có những bản in kèm tranh minh họa. Số lượng Truyện Kiều in nhiều nhất là vào năm 1965, năm nhân dân ta, theo đề nghị của Hội đồng hòa bình thế giới, long trọng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1965).

 

Chúng tôi tạm chia những sáng tác mỹ thuật vẽ về Truyện Kiều thành 3 loại:

 

- Tranh tác phẩm

- Tranh minh họa

- Tranh dân gian

 

Trong 3 loại trên chúng tôi tạm thời tách ra để thuận tiện cho việc nghiên cứu, thực chất đều là một chức năng minh họa cho Truyện Kiều. Tất cả đều là tiếng nói của nghệ thuật tạo hình, nhằm làm tăng giá trị kiệt tác Truyện Kiều mà thôi.

 

Những họa sĩ sáng tác về các nhân vật trong Truyện Kiều đều là những tài danh của đất nước, được đào tạo hoàn chỉnh tại trường Đại học mỹ thuật, danh của họ chẳng những ở trong nước mà còn vang rộng ra nước ngoài. Như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Vân, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Thúc Chương, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Đức Nùng, Bùi Xuân Phái, Tú Duyên, Nguyễn Tiến Chung,… và còn nhiều họa sĩ khác mà chúng tôi không thể liệt kê ra đây. Những sáng tác của họ được thể hiện qua nhiều chất liệu khác nhau: sơn mài, lụa, màu nước, khắc gỗ, bột màu vv… tất cả đều được sáng tác trong thời kỳ sung sức của họ, nên tất cả đều có giá trị nghệ thuật cao. Vẻ đẹp ấy còn phong vị hơn nhiều khi tất cà những sáng tác xung quanh Truyện Kiều đều mang đậm bản sắc dân tộc. Chúng ta không thấy những nàng Kiều, nàng Vân, chàng Kim mang dáng dấp của người Trung Quốc, mà từ con người, y phục, cảnh sắc, lầu ốc đã hoàn toàn thuần Việt. Chính vì vậy mà những tác phẩm của họ đã lột tả được những bản sắc từng nhân vật trong Truyện Kiều. Người họa sĩ đã gửi tâm trạng mình, cốt cách mình, nhân hạnh mình để tạo dựng tác phẩm, nó vừa thanh cao trong nghệ thuật, vừa gần gũi trong đời thường, đó là tấm lòng của các trí thức – họa sĩ, bởi vậy tác phẩm của họ là mãi mãi mai sau hồn Việt không thể phai mờ.

 

Tranh minh họa vẽ xen vào các trang in trong Truyện Kiều, dĩ nhiên là kích cỡ phụ thuộc vào khuôn khổ của giấy, vì vậy tranh lại cần chi tiết và ổn định hình dáng nhân vật. Chính vì để minh họa cho Truyện Kiều nên giới hạn của nó là điều tất nhiên. Tuyệt đại đa số được vẽ bằng nét hoặc đậm nhạt, rất ít thấy những bản vẽ màu. Minh họa cho một tác phẩm lớn, lại bằng thơ lục bát, “một thuận lợi không hề nhỏ” họa sĩ phải chọn câu, chọn khoảng mà tác giả phân định trong tác phẩm để vẽ, đó là điều chẳng dễ gì. Chúng ta gặp nhiều họa sĩ tài ba, vẽ rất hay, rất hấp dẫn khiến Truyện Kiều khi in ra ai cũng muốn ngắm nhìn trước khi đọc, đó là Mạnh Quỳnh, Lê Lam, Tạ Thúc Bình… và nhiều họa sĩ khác. Những minh họa của họ là tiếng nói chung nhất chẳng phải ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Họ có phép diễn hình kỳ diệu, nói ít được nhiều, tranh của họ dễ hiểu và gần gũi với quần chúng nhân dân. Đa số những họa sĩ vẽ minh họa đều đi theo khuynh hướng tả chân, giàu cảm thái dân tộc, một số ít vẽ theo cách nhìn sân khấu hoặc ảnh hưởng tranh minh họa Trung Quốc. Nhưng dù ở lối vẽ nào đi nữa, các họa sĩ đều bộc lộ sự cảm nhận sâu sắc về giá trị đích thực của Truyện Kiều.

 

Tranh dân gian vẽ về tích Kiều, có loại vẽ thành từng bộ: Nhị bình, tứ bình… loại tranh này thể hiện rất công phu, trước hết là bản nét, với những chi tiết tỉ mỉ, được cả về hai lĩnh vực hình và bố cục. Phần vẽ màu mang đậm sắc thái của một họa phẩm, đó là biệt tài của người nghệ sĩ dân gian. Giá trị bức họa chính là ở thời điểm biểu hiện kỹ năng và tính cảm của người vẽ, do vậy mỗi bức tranh lại có giá trị riêng biệt, loại tranh trên thường là khổ đứng vừa phải, người ta có thể treo ở trong nhà như một bức họa hoàn chỉnh. Tranh in nét khá phổ cập, xét về tính chất thì vẫn thuộc dòng dân gian, nhưng đội ngũ thể hiện đã thực sự có tay nghề cao, vì vậy họ đưa vào dân gian mà không hề kém cạnh với hội họa chính thống. Chúng tôi xếp vào nhóm tranh dân gian vì những lý do sau:

 

 Tranh vẽ mang nhiều sắc thái truyền thống.

- Lý giải sự kiện đơn giản dễ hiểu.

- Không có tên tác giả.

 

Nhìn chung những tranh vẽ về Truyện Kiều dù ở dạng tác phẩm, minh họa, hay dân gian thì mục đích của họa sĩ, nghệ nhân đều nhằm phát hiện và khám phá cái tinh túy, sâu xa của Truyện Kiều, đồng thời nó cũng cụ thể hóa các nhân vật, cảnh vật trên cơ sở ngôn ngữ hội họa, bởi vậy dẫu thế nào đi nữa chúng ta vẫn có thể cảm nhận được.

Tất cả các loại hình nghệ thuật khi nói về Truyện Kiều đều chỉ nhằm một mục đích làm sao để quảng đại quần chúng có thêm điều kiện để tiếp cận Truyện Kiều, làm sao Truyện Kiều được phát lộ những tầng, những lớp mà tác giả gửi gắm trong xã hội Truyện Kiều. Có đến gần một thế kỷ lưu hành Truyện Kiều chủ yếu là truyền miệng. Có nhà thơ đã viết:

“ Cái thời không chữ thuộc Kiều

Thanh minh về đến xóm nghèo xác xơ”

 

Chúng ta đều biết: Nguồn gốc “Đoạn Trường Tân Thanh” là từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân người Trung Quốc, viết vào thời kỳ Trung đại ở thể văn xuôi. Khi viết sang thể thơ lục bát bằng chữ Nôm, Nguyễn Du đã thơ hóa toàn bộ và bỏ các chương hồi theo nguyên tác. Việc làm khó và hiệu quả này đã đặt Truyện Kiều của Nguyễn Du vào hàng văn chương ngang tầm với các kiệt tác của các bậc tài danh thế giới như Tago ( Ấn Độ), Puskin (Nga), Đỗ Phủ (Trung Quốc) vv…

 

Triết lý Truyện Kiều tập trung ở một chữ TÂM.

 

Nguyễn Du tạo điều kiện cho không gian mỹ thuật Truyện Kiều ngay ở phạm trù triết học, được ông đóng mở ở 6 câu thơ đầu và 14 câu thơ cuối.

 

Một triết lý tâm linh mà Đạo Nho và Đạo Phật đã tạo dựng, được Nguyễn Du biểu đạt ở nửa cuối thế kỷ XVIII.

 

Đây là những bức tranh trừu tượng mà những họa sĩ tài danh nếu đủ quan niệm về triết học sẽ mặc sức tung hoành. Thiên tài Nguyễn Du đã mở và kết Truyện Kiều bằng tri thức của một bậc túc nho với tất cả sự trải nghiệm cuộc đời của mình, với những chặng đường mà không mấy ai có được.

 

- Cuộc sống danh gia vọng tộc.

- Cuộc sống bình dân.

- Cuộc sống xã hội quan trường.

 

Nhân vật chính trong xã hội Truyện Kiều là Vương Thúy Kiều, nàng là trọng tâm của mọi vấn đề xảy ra và tồn tại từ đầu đến cuối truyện. Là hành trình để các vệ tinh khác bám theo, cho nên tác phẩm vẽ về Truyện Kiều thì không thể thiếu nàng. Chúng tôi tạm đặt không gian mỹ thuật Truyện Kiều ở ba lĩnh vực cụ thể:

 

Gia đình (Vương ông, Kim Trọng, Thúc Sinh…)

Cá nhân ( Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải…)

Xã hội (Lầu xanh, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến, Thằng bán tơ).

 

Trên cơ sở ba lĩnh vực trên chúng ta có thể đưa ra mô hình cho cách biểu đạt mang tính khái quát về không gian mỹ thuật Truyện Kiều:

 

Triết lý của tác giả (hai khổ thơ đầu và cuối)

Định mệnh (Kiều và Đạm Tiên và các nhân vật xung quanh)

Tình yêu         - Gia đình - Lứa đôi (với Kim Trọng – Thúc Sinh – Từ Hải).

 

Khi tìm hiểu về không gian mỹ thuật Truyện Kiều, chúng tôi thấy hầu như câu thơ nào, dẫu tả cảnh, tả người, tả tình, tả tâm trạng, Nguyễn Du luôn gợi mở cho hội họa một không gian sâu và rộng, hấp dẫn hơn nữa là giá trị của các điển cố mà Đại thi hào sử dụng. Thơ và họa từ xưa đã rất gần gũi với nhau (Cầm - Kỳ - Thi – Họa) hiểu và đồng cảm cái ý tại ngôn ngoại của thơ bao giờ cũng được hội họa làm sáng tỏ và nâng cao.

Cho đến bây giờ vẫn chưa có được một bộ tranh nghệ thuật vẽ về Truyện Kiều để phục vụ nhân dân và khách nước ngoài, bởi theo chúng tôi ngôn ngữ hội họa có sức mạnh truyền cảm hơn âm nhạc, sân khấu, múa … nhất là một tác phẩm trên 3000 câu thơ như Truyện Kiều. Chúng ta có tập TRANH MINH HỌA TRUYỆN KIỀU của Sở văn hóa thông tin Hà Tĩnh xuất bản năm 2002, tác giả sưu tầm và biên soạn khá công phu, nhưng xét về mọi phương diện thì từng ấy chưa nói được nhiều về KHÔNG GIAN MỸ THUẬT TRUYỆN KIỀU. Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du có họa sĩ đã dày công xây dựng 50 tác phẩm hội họa ???, vẽ theo trật tự nội dung trong Truyện Kiều. Sở dĩ chọn năm mươi tác phẩm cho bộ tranh này, vì theo quan niệm của họa sĩ đó cũng là 50 phân đoạn cô đọng trong suốt hơn 3000 câu thơ lục bát đầy chất hội họa của Nguyễn Du.

 

Lây nhân vật chính Vương Thúy Kiều làm trọng tâm (Có thể coi đó là hành tinh) để các nhân vật, cảnh quan, tình huống chi tiết đều chuyển động quanh Thúy Kiều.

 

Với một tập tranh dụng công và khái quát hệ thông xã hội Truyện Kiều bằng ngôn ngữ hội họa thuần nhất, thuần việt ở các phương diện, tất cả cảnh quan, y phục đúng với thời kỳ phong kiến Lê – Trịnh, chắc chắn sẽ tiếp cận tốt với bạn đọc ở các tầng lớp xã hội. Nguyễn Du đã để lại kiệt tác Truyện Kiều, đó là chân dung xã hội phong kiến, nó không chỉ là một tác phẩm văn học kiệt xuất mà đó còn là bước đi lịch sử, bước đi quá độ từ mỹ học cổ điển phong kiến đến gần hơn chủ nghĩa hiện thực, có ý nghĩa kết tinh truyền thống thơ ca của cả một dân tộc, thời đại.