Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Khoa thi đầu tiên được dựng bia tiến sĩ diễn ra như thế nào?

Trong 82 bia tiến sĩ hiện còn ở Văn Miếu, Hà Nội, tấm bia xưa nhất ghi danh những người thi đỗ khoa năm Nhâm Tuất, 1442, nhưng được dựng vào năm 1484.
 
Bia này do Phụng trực đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn, có câu văn nổi tiếng truyền tụng đến đời nay: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết".
 
Khoa thi được tổ chức thế nào?
 
Quá trình tổ chức cuộc thi được ghi lại đầy đủ trong chính tấm bia do Thân Nhân Trung soạn nói trên, có tiêu đề văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (tức năm 1442).
 
Theo nội dung bài văn bia, sau khi đánh đuổi quân Minh, lên ngôi hoàng đế, vua Lê Thái Tổ tiến hành chiêu tập hiền tài, canh tân chính trị. Nhà vua xuống chiếu cho các nơi trong nước dựng nhà học để đào tạo nhân tài. Tại kinh đô có Quốc tử giám, ngoài các phủ có trường học.
 

Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: TT.

 
Vua Thái Tổ đích thân chọn con cháu quan viên và thường dân tuấn tú vào làm học sinh ở các cục Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền, cùng là giám sinh ở Quốc tử giám. Vua lại sai quan chuyên trách tuyển chọn con em các nhà lương thiện vào làm sinh đồ ở các trường phủ, cử thầy dạy dỗ, in kinh sách ban phát.
 
Việc tuyển chọn nhân tài, vua Thái Tổ từng đích thân ra đề thi văn sách, xét tài học của từng người mà bổ dụng. Tuy nhiên, khoa thi tiến sĩ chưa được tiến hành.
 
Đến đời vua Lê Thái Tông, năm Đại Bảo thứ 3 (1442), triều đình tổ chức khoa thi hội đầu tiên cho sĩ nhân cả nước.
 
Số người tham dự kỳ thi này đông đến 450 người. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 33 người. Quan Hữu ti chuyên trách kê tên dâng lên, nhà vua sai chọn ngày ban cho vào sân rồng ứng đối, tức là vòng thi Đình.
 
Lúc ấy, chức danh Đề điệu (quan phụ trách toàn bộ công việc của cuộc thi) là Thượng thư Tả Bộc xạ Lê Văn Linh, Giám thị là Ngự sử đài Thị Ngự sử Triệu Thái.
 
Tổ chức cuộc thi còn có các chức danh gồm Tuần xước: Chịu trách nhiệm tuần tra canh gác trong ngoài trường thi; Thu quyển: Thu các quyển thi của thí sinh; Di phong: Rọc phách, niêm phong các quyển thi; Đằng lục: Sao chép bài thi của thí sinh (do thể lệ trường thi ngày trước không chấm trên bài thí sinh tự viết để tránh việc nhận ra nét chữ) và Đối độc: Đọc soát bản sao so với bản chính.
 
Ngày mùng 2.2 Âm lịch, vua Thái Tông ra ngự ở điện Hội Anh, đích thân ra đề thi văn sách. Ngày hôm sau, các viên Độc quyển là Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự Nguyễn Trãi, Trung thư sảnh Trung thư Thị lang Nguyễn Mộng Tuân, Nội mật viện Tri viện sự Trình Thuấn Du, Quốc tử giám Bác sĩ Nguyễn Tử Tấn tiến hành chấm bài của các thí sinh.
 
Kết quả được đưa lên để nhà vua xét định thứ bậc cao thấp. Chung cuộc, vua cho Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ thám hoa lang.
 
Còn lại, 7 người đỗ tiến sĩ, đứng đầu là Trần Văn Huy; 23 người đỗ phụ bảng (dưới tiến sĩ một bậc, sau gọi là đồng tiến sĩ xuất thân), đứng đầu là Ngô Sĩ Liên. Các danh hiệu những người đỗ đầu này là theo quy chế từ đời trước.
 
Vốn từ khoa thi Đinh Mùi năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247), đời Trần Thái Tông đặt danh hiệu cho 3 người đỗ cao nhất (thuộc hàng Nhất giáp) là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa lang (sau gọi gọn là thám hoa).
 
Ngày mùng 3.3 tổ chức lễ xướng danh treo bảng, để tỏ cho kẻ sĩ thấy sự vẻ vang. Các vị tân khoa được ban áo mũ cân đai, cho dự yến trong vườn Quỳnh Lâm, là vườn phía sau điện Kính Thiên trong hoàng cung, nơi thường tổ chức các cuộc yến tiệc lớn.
 
Triều đình còn cấp ngựa cho các vị tân khoa vinh quy về quê để rõ lòng đặc biệt mến yêu. Theo bài văn bia của Đại học sĩ Thân Nhân Trung: "Kẻ sĩ và dân chúng Trường An đâu đâu cũng tụ tập đến xem, đều ca ngợi Thánh thượng chuộng Nho xưa nay hiếm thấy.
 
Ngày mùng 4.3, trạng nguyên Nguyễn Trực vào cung lạy chào dâng biểu tạ ơn. Đến ngày mùng 9, các vị tân khoa lại vào bệ kiến cáo từ, xin được vinh quy. Đó là khoa thi đầu tiên đời thánh triều được ơn vinh long trọng, đến nay kẻ sĩ vẫn còn tấm tắc ngợi ca. Từ đó về sau, thánh nối thần truyền, đều tuân theo lệ cũ".
 
Đổi danh hiệu, khắc bia tiến sĩ
 
Năm 1484, Bộ Lễ mới tâu vua Lê Thánh Tông xin tiến hành khắc bia đề họ tên thứ bậc người thi đỗ các khoa thi từ năm 1442 đến năm đó, để lưu danh về sau.
 
Bộ Lễ cũng xin đổi danh hiệu trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa lang thành tiến sĩ cập đệ. Người đỗ phụ bảng đổi gọi là đồng tiến sĩ xuất thân và được nhà vua chuẩn tấu.
 
Trạng nguyên khoa thi năm 1442, Nguyễn Trực (1417-1474), là người xã Bối Khê huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Tam Hưng huyện Thanh Oai, Hà Nội).
 
Ông làm quan trải qua các chức như: Thự trung thư lệnh, Tri tam quán sự, đặc thụ Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc tử giám, từng được cử đi sứ sang nhà Minh.
 
Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ (1424-1525), người xã Đại Lan, huyện Thanh Đàm (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội); sau trú quán tại làng Tử Dương huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Tế tửu Quốc tử giám. Ông được cử 3 lần đi sứ sang nhà Minh.
 
Thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501), người xã Hồng Liễu, huyện Trường Tân (nay là xã Tân Hưng thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
 
Ông làm quan đến chức Đô Ngự sử, hai lần được cử đi sứ sang nhà Minh, được về trí sĩ. Ông có công dạy nghề khắc ván in cho dân làng Hồng Liễu. Sau khi ông mất, dân làng tôn thờ làm thành hoàng.
 
Đứng đầu danh sách đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân là Ngô Sĩ Liên (không rõ năm sinh, năm mất) người xã Chúc Sơn, huyện Chương Đức (nay thuộc xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
 
Ông giữ các chức quan như Đô Ngự sử, Hữu Thị lang Bộ Lễ, Quốc tử giám Tư nghiệp, kiêm Sử quán Tu soạn. Là nhà viết sử nổi tiếng, ông đã biên soạn bộ sử lớn của đất nước là Đại Việt sử kí toàn thư, chép từ thời Hồng Bàng đến khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi.
 
 
Theo Lê Tiên Long /Zing.vn

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.