Kể truyện Kiều bằng kịch thể nghiệm
Vở kịch thể nghiệm “Nguyễn Du và Kiều” đã ra mắt khán giả thủ đô vào tối ngày 10.3 tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Vở diễn do NSND Lan Hương viết kịch bản và đạo diễn, Đoàn kịch Thể nghiệm Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn.
“Nguyễn Du và Kiều” là sự kết hợp của rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại, phá vỡ các nguyên tắc điển hình của nghệ thuật kịch truyền thống.
NSND Lan Hương- người tâm huyết với kịch và kịch thể nghiệm của Việt Nam đã có ý định dựng vở Kiều từ lâu. Trước một kiệt tác văn chương của bậc đại thi hào, Lan Hương trăn trở và muốn tìm hướng đi mới, và chị chọn kịch thể nghiệm để tái hiện lại Truyện Kiều bằng vở kịch “Nguyễn Du và Kiều”.
Kiều và Kim Trọng - một cảnh trong vở diễn
Nội dung của vở kịch trung thành với nội dung Truyện Kiều, song giản lược đi những chi tiết nhỏ. Các diễn biến của vở kịch tái hiện cuộc đời của Kiều theo trục chính là 4 giai đoạn Kiều gặp gỡ với 4 người đàn ông mà nàng yêu trong cuộc đời. NSND Lan Hương đã mạnh dạn đưa cả nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào trong vở kịch này. Đó là chi tiết giả định Xuân Hương tới thăm nhà Nguyễn Du khi ông đang viết Kiều, để rồi từ đó cuộc đời Kiều được kể lại qua diễn xuất, âm nhạc, động tác hình thể của các diễn viên.
Chuỗi biến cố lưu lạc 15 năm của Kiều đã được tái hiện hết sức sinh động trên sân khấu kịch. Trong vở diễn, ngoài Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, vừa là nhân vật trong vở, vừa là người dẫn truyện, thì tất cả các diễn viên đều không có một lời thoại nào. Vở kịch vì thế gần giống một vở kịch câm. Song, động tác và diễn xuất của diễn viên lại thiên về kịch hình thể. Từng động tác của diễn viên khiến người xem hình dung trọn vẹn về cuộc đời Kiều, khi vui vẻ trong lúc gặp Kim Trọng, lúc đau đớn khi chịu sự đàn áp và lừa lọc của Tú Bà và Sở Khanh, lúc tủi nhục vì hầu trà vợ chồng Thúc Sinh, khi nhân ái trong lúc được Từ Hải trả ân oán…
Tuy các diễn viên không có lời thoại, song trong từng cảnh của vở, những câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều vang lên đúng lúc. Khi thường được ngâm, khi thì được hát bằng điệu chèo, cũng có lúc được chuyển thể sang điệu hát văn. Cuộc đời trôi dạt lênh đênh của Kiều cũng được thể hiện qua âm nhạc, khi là điệu chèo bắc bộ, lúc là ca Huế, hay khi là bài “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng của Nam Bộ. Những bản nhạc pop, hay trích đoạn bài hát do Hồ Quỳnh Hương, Tùng Dương thể hiện là một ví dụ điển hình của sự phá cách, thể nghiệm trong vở kịch này. Những người thực hiện đã tâm linh hóa vở kịch, khi đưa cái kết bằng việc Kiều quy y cửa Phật, và được lồng ghép với hình ảnh Phật bà Nghìn mắt nghìn tay.
Bằng những tìm tòi, thể nghiệm của mình, NSND Lan Hương và những người thực hiện đã làm sống lại cuộc đời Kiều bằng một ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ. Đồng thời góp vào nền sân khấu Việt Nam một vở diễn đương đại công phu, đặc sắc.
Chùm ảnh ghi lại vở kịch thể nghiệm “Nguyễn Du và Kiều”:
Múa đương đại trên nền ca khúc Phật bà Nghìn mắt nghìn tay
Kiều và Kim Trọng
Tú Bà và Mã Giám Sinh
Kiều và Sở Khanh
Kiều và Thúc Sinh
Kiều và Từ Hải
NSND Lan Hương- đạo diễn, đóng các vai Hồ Xuân Hương, Hoạn Thư, sư Giác Duyên trong vở.