Nguyễn Du

Loading...

Hoa trong Truyện Kiều

Ngày xuân, nói chuyện về hoa trong Truyện Kiều không chỉ là dịp thưởng thức hoa mà còn là dịp nhìn lại văn hóa truyền thống dân tộc. Chỉ riêng từ “hoa” ở tác phẩm này đã bao hàm nhiều vấn đề thú vị của văn học và văn hóa Việt Nam. Chúng tôi sẽ chọn một số trường hợp có xuất hiện “hoa” ở tác phẩm này để cùng bạn đọc suy nghĩ, bàn luận.
 
1. Hoa là hoa:
 
Thời xưa, khi chưa có công nghệ sinh học, mỗi mùa có một hay một số loài hoa đặc trưng. Khi đó, hoa được dùng thay cho các mùa trong năm (xuân lan, thu cúc). Các bậc ẩn sĩ ở trong núi sâu nhìn hoa mai biết tháng giêng đã đến và nhìn hoa cúc hiểu rằng tiết trùng dương đã lại về. Khi đó  ta có các loài hoa cụ thể, quen thuộc với người Việt Nam như hoa sen, hoa cúc. Sen tàn cúc lại nở hoa: Ở trường hợp này, sen, cúc không xuất hiện đơn thuần là không gian sống mà chủ yếu diễn tả thời gian: mùa hạ đã qua, mùa thu lại đến. Một cách tính thời gian rất phổ biến của người dân ở xã hội nông nghiệp. Nguyễn Du thường diễn đạt nhịp thời gian như thế, ngay cả khi không dùng đích xác chữ “hoa”-ví dụ như khi ông muốn nói về mùa hạ bằng hoa lựu: Dưới trăng quyên đã gọi hè/Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông. Phối hợp với âm thanh tiếng cuốc kêu (quyên gọi hè), nhà thơ cho chúng ta một bức tranh tả cảnh vào hè đủ màu sắc, âm thanh và cả chuyển động tinh vi. Nguyễn Trãi cũng từng tả mùa hè như thế Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/Hồng liên trì đã tiễn mùi hương. Một cảnh hè đầy sinh sắc và gần gũi, quen thuộc với người đọc Việt Nam mà vị tất người thuộc về nền văn hóa khác đã cảm nhận được.
 
Hoa có thể xuất hiện trong không gian sinh hoạt của con người. Dưới hoa đã thấy có nàng đứng trông. Thúc Sinh với Thúy Kiều có cuộc sống tương đắc đậm màu tài tử giai nhân khi nàng được Thúc Sinh chuộc ra khỏi nhà chứa: Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Hoa tô điểm cho không gian sống con người.   
 
2. Hoa có thể là hoa mà cũng có thể không phải hoa:
 
Hai câu thơ Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa vẫn được đa số người đọc hiện đại hiểu “hoa lê” là “hoa lê” và đây là bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp Phương thảo liên thiên bích/Lê chi sổ điểm hoa (Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa), thi nhân vẽ bức tranh mùa xuân với hai màu đối lập-cỏ xanh và hoa lê trắng. Nhưng trong bản Kiều Nôm do Kiều Oánh Mậu chú giải (năm 1905), ông đưa ra cách hiểu khác: Thảo tỷ chúng nữ, lê hoa tỷ nhị Kiều-Cỏ tỷ dụ các cô gái , hoa lê tỷ dụ hai chị em Thúy Kiều). Để có căn cứ cho cách hiểu này, ông dẫn thơ Nguyên Hiếu Vấn Lê hoa như tĩnh nữ…
 
Cách hiểu này không phải không có lý. Trong Truyện Kiều, hai lần khác, Nguyễn Du dùng “hoa lê” để chỉ chính Thúy Kiều. Đó là khi nàng chiêm bao thấy Đạm Tiên báo mộng cho Thúy Kiều về kiếp đoạn trường, nàng khóc nức nở và bà mẹ tỉnh dậy hỏi Cớ sao  trằn trọc canh khuya/Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa. Một lần khác, Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng trong đêm, chàng Kim cảm thấy một không khí thần tiên diệu ảo: Tiếng sen sẽ động giấc hòe, Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần, Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần, Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng…. Trường hợp hoa lê gây phân vân cho người đọc hiện đại có lẽ vì chúng ta chưa đủ dữ kiện văn hóa và văn học để có thể đưa ra một kết luận xác quyết. Nhưng chúng tôi nghĩ, trong văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp xưa có truyền thống đặt tên các cô gái bằng tên các loài hoa: Mơ, Bưởi, Mận, Đào, Sen…Không phải là vì các thứ cây, hoa đó gần gũi nên dễ nhớ mà vì hoa tượng trưng cho cái đẹp, nên hoa lê phải chăng cũng được Nguyễn Du liên hệ với Thúy Kiều theo nguyên tắc lý tưởng hóa thiên nhiên đó ? (Ngày nay, chúng ta đang sống trong không gian toàn cầu hóa, những cái tên mới lạ kết hợp phương Đông -phương Tây đang xuất hiện ngày càng nhiều: Ana Trinh, Mary Hà…và cách đặt tên cũ dần ít phổ biến).   
 
3. Hoa không phải là hoa
 
Cách dùng chữ hoa theo lối này phổ biến hơn cả ở Truyện Kiều. Dường như là một nguyên tắc, không gian sống của Thúy Kiều, nhân vật lý tưởng,  thường tô điểm bằng hoa. Nhưng hoa ở đây không còn là  thành tố tả thực nữa, mà là một ký hiệu đặc biệt dùng để phân biệt Thúy Kiều với các nhân vật khác, nhất là các nhân vật phản diện. Nguyễn Du tả Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa, khi chàng Kim Trọng lần đầu tiên xuất hiện trước Kiều. Hoa đây có thực là hoa ? Bên cạnh nấm mộ Đạm Tiên  không thấy có hoa, chỉ có cái cây mà Thúy Kiều dùng trâm vạch vào gốc cây đó viết bài thơ nàng ứng tác. Mộ Đạm Tiên, một nấm mộ vô chủ, giữa tiết thanh minh mùa tảo mộ mà không có ai thân thích đến đắp đất, trồng cỏ, nói gì đến hoa. Huỳnh Sanh Thông dịch sang tiếng Anh như thế này Two shy sisters hid behide the flowers (Hai chị em e thẹn giấu mình sau các bông hoa). Các bản dịch Truyện Kiều sang Trung văn như của Kỳ Quảng Mưu, Triệu Ngọc Lan gần đây cũng đều dịch hoa thành ra 花 hoa. Dịch bám sát nghĩa đen như thế là không chú ý đến mã văn hóa của ngôn từ.
 
Để giải quyết vấn đề, theo chúng tôi, cần “đọc” chữ hoa trong hệ thống của nó. Trong Truyện Kiều, hầu như Nguyễn Du có một nếp tư duy quen thuộc là hễ khi nói đến Thúy Kiều, ông lại nghĩ đến hoa. Từ này không nên/không thể dịch sang tiếng nước ngoài mà chỉ nên chú thích, vì ở đây hoa chỉ là một thành tố có chức năng “đánh dấu” nhân vật chính-những gì liên hệ với Thúy Kiều thường được gắn với hoa:
 
-Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời
-Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
-Cất mình qua ngọn tường hoa  v…v…
 
Bút hoa, thềm hoa, lệ hoa … là một kết hợp rất thú vị, không thể dịch được. Trường hợp này cũng tương tự như kim phong 金 風(gió thu- theo nghĩa đen phải là gió bằng kim loại vàng, nhưng thực ra, kim 金 nói đây thuộc hành kim trong ngũ hành, ứng với phương Tây và ứng với mùa thu). Hoa trong bút hoa chỉ có chức năng ẩn dụ rằng đây là bút mà Thúy Kiều dùng để viết, vẽ. Người đẹp đi đến đâu cũng khiến cho không gian sáng lên, đẹp rực rỡ, lung linh. Bất cứ vật gì có liên quan với nàng, dẫu cho đó là cái thềm mà Kiều cất bước, là bức tường mà nàng vượt qua trong đêm, là cây bút nàng cầm, hay giọt nước mắt đau khổ… đều có gắn với hoa. Vậy thì hoa trong nép vào dưới hoa chỉ có tính ước lệ, cần hiểu đơn giản là bụi cây hay thân cây nào đó, nhưng vì nó có liên hệ với Kiều nên được hoa hóa.
 
Khi tả Kim Trọng, một nam nhân, Nguyễn Du cũng dùng hoa để đánh dấu nhân vật. Cửa sài vừa ngỏ then hoa. Then cửa nhà Kim Trọng là then hoa, không phải vì cái then cửa này có cài hoa hay chạm khắc hoamà đơn giảnvì Kim Trọng cũng là nhân vật chính diện, cao quý.
 
Có thể nói, hoa là cái đẹp lý tưởng nên tác giả dùng hoa để đánh dấu các nhân vật lý tưởng, phân biệt với các nhân vật phản diện được tả thực.
 
4. Hoa trong các biểu tượng:
 
Biểu tượng được xây dựng trên cơ sở liên tưởng đặc điểm của cái biểu hiện với đặc điểm của cái được biểu hiện. Hoa vốn đẹp, đáng yêu, phù hợp với biểu tượng về người phụ nữ.   
 
Phổ biến hơn cả là biểu tượng cho quan hệ tình cảm nam nữ mang tính chất dục tính. Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng/Đêm xuân ai dễ cầm lòng cho đang. Biểu tượng nguyệt hoa là chung chovăn học trung đại chứ không riêng của Truyện Kiều.
 
Chinh phụ ngâm, khúc ngâm ra đời trước Truyện Kiều hơn nửa thế kỷ, đã dùng biểu tượng này để diễn tả nỗi buồn trống trải, cô lẻ của người vợ lính khi vắng chồng trước khung cảnh ái ân của tạo vật: Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông/ Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng/Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau.
 
Người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều hồi tưởng lại tình ái nồng đượm với đấng quân vương một thưở nhưng nay đã trở nên lạnh lẽo: Cảnh hoa lạc nguyệt minh hôm ấy/Lửa hoàng hôn như cháy tấm son/Hoàng hôn thôi lại hoàng hôn/ Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa/ Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng/Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn.
 
Diễn đạt tình ái nam nữ, cùng với biểu tượng nguyệt hoa còn có biểu tượng gió hoa (Nguyễn Du dịch từ phong hoa) : Đòi phen gió tựa hoa kề/Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
 
Có khi yếu tố hoa bị ẩn đi, chỉ còn lại bướm ong (nếu đầy đủ phải là bướm hoa, ong hoa): Sợ khi ong bướm đãi đằng/Đến điều sống đục sao bằng thác trong; Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa... Có khi hoa bị ẩn đi, chỉ còn lại phong nguyệt (phương án Việt dịch là gió trăng)-thực ra là phong hoa nguyệt hoa: Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông-ấy là ẩn dụ về không khí yêu đương khi Kim-Kiều bên nhau;nhưng khi muốn khẳng định chàng đến với Kiều vì tình yêu chứ không đơn thuần trong tư cách một khách làng chơi thì Từ Hải phải nóiPhải tuồng trăng gió vật vờ hay sao, hay Kim Trọng muốn khẳng định tình yêu lý tưởng dành cho Thúy Kiều chứ không phải là quan hệ thân xác tầm thường thì Nguyễn Du để cho Kim nói Bấy lâu đáy bể mò kim/Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa. Nhân đây cũng phải nhận xét: từ Hán Việt phong nguyệt, nguyệt hoa tuy vẫn biểu đạt tình yêu nam nữ nhưng có sắc thái thanh cao; còn từ thuần Việt trăng hoa, trăng gió, ong bướm lại dùng để nói đến thứ tình nam nữ nặng về dục tính “thấp kém”.
 
Nói về nguyên lý cấu tạo từ tổ, trong các cụm từ này, thành tố hoa chiếm vị trí trung tâm, chỉ người phụ nữ. Từ trong chiều sâu của biểu tượng, có ẩn chứa một quan niệm văn hóa, theo đó, nam thuộc dương, nữ thuộc âm, dương chủ động, âm bị động, dương chinh phục âm.  Dương là trăng, là gió, còn âm là hoa. Người đàn ông nhìn người phụ nữ đẹp là hoa thì trong đó đã ẩn một thái độ của ông chủ, của sự thụ hưởng. Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay. Người con gái không có quyền chủ động cho cuộc đời mình, như đóa hoa bị ngắt, bẻ, truyền từ người đàn ông này đến đàn ông khác.
 
Đã nói đến đây thì cần đi tiếp trong các thám sát về biểu tượng hoa trong Truyện Kiều. Hoa dẫu đẹp, quí, kiêu sa thế nào đi nữa cũng là đối tượng chinh phục của nam giới. Vì thế mà hoa cũng thường đi sóng đôi với chơi, bẻ, vầy… phản ánh cái nhìn nam quyền về phụ nữ. Mã Giám Sinh mà nghĩ Dưới trần mấy mặt làng chơi/Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa thì cũng dễ hiểu-y là đàn ông. Cái nhìn nam quyền này hiện nay vẫn có thể gặp trong ngôn ngữ báo chí, văn học và đời thường.
 
Hoa có thể xuất hiện trong các tổ từ diễn tả ý niệm về đức hạnh phụ nữ. Sá chi liễu ngõ hoa tường chỉ hạng phụ nữ không đoan chính -phụ nữ đoan chính phải sống trong không gian “cửa các buồng khuê” khép kín chứ không thể tồn tại trong không gian tự do như ngoài ngõ, ngoài tường.
 
Người phụ nữ không còn giá trị nữa giống như bông hoa tàn tạ, rơi rụng, lấm láp bùn đất. 
  
Ngay như Thúy Kiều cũng không tránh khỏi cách nghĩ của nam giới khi nói về mình Thiếp như hoa đã lìa cành/Chàng như con bướm liệng vành mà chơi. Và khi gặp lại Kim Trọng sau nhiều năm tháng chốn thanh lâu, tâm trí nàng choán đầy ý nghĩ mặc cảm về thân phận thấp kém Thiếp từ ngộ biến đến giờ/Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa/Lại như những thói người ta/Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa. Nàng hạ thấp mình xuống và nâng Kim Trọng lên: Còn nhiều ân ái chan chan/ Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi. Người phụ nữ mang nặng mặc cảm vì không còn trinh tiết này tự so mình với cánh hoa đã tàn tạ, lìa cành rơi xuống bùn đất, một lời thương thân tủi phận não lòng. Chu Mạnh Trinh luận Cánh hoa lạ chọn gì đất sạch.
 
Thái độ của đàn ông trong Truyện Kiều và của chính người phụ nữ là nàng Kiều khi dùng từ hoa đã là như vậy, còn thái độ của Nguyễn Du ?Chúng tôi đã có nhiều dịp nhận xét, Nguyễn Du tuy là nhà nho nhưng ông khá xa lạ với tư tưởng nam quyền cố hữu của nhiều nhà nho Việt Nam. Ông để Kim Trọng sôi nổi “biện hộ” cho Thúy Kiều Như nàng lấy hiếu làm trinh/Bụi nào cho đục được mình ấy vay/ Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời/Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
 
Những lời biện hộ sôi nổi ấy sẽ là căn cứ để đến đầu thế kỷ XX, Lưu Trọng Lư tranh luận với các nhà nho có tư tưởng bảo thủ, những người một mực công kích nàng Kiều. Kim Trọng là người trong cuộc, lẽ ra chàng phải ghen nhiều nhất, nhưng chàng đã tỏ ra rất độ lượng, chân tình.
 
Chỉ qua cách ứng xử của Nguyễn Du với một chữ hoa cũng đã thấy đặc điểm của toàn bộ thế giới nghệ thuật của ông. Nhà thơ thiên tài ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của đóa hoa Thúy Kiều, một thái độ mới mẻ đối với nữ sắc vốn bị không ít nho gia khinh miệt; đồng thời thể hiện sự bất bình và tinh thần bênh vực cho thân phận của những mỹ nhân đẹp như hoa trong xã hội phong kiến nam quyền. /.  
 
 
Theo Trần Nho Thìn/vanhoanghean.com.vn
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.