Sự liên hệ giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du không phải chỉ là một giai-thoại nhỏ trong văn-học-sử, hay là một quãng thời trong tiểu-sử của hai nhà văn mà càng ngày dân Việt Nam càng quí mến. Tôn trọng dưới ánh sáng của nền phê-bình mới, giải thoát ra khỏi những mặc-cảm chính trị của một thời đen tối đã qua và những giáo điều đạo-đức của ý-hệ phong-kiến rất cổ-hủ. Văn-thơ trác-tuyệt của Tố Như Nguyễn Du và Tây Hồ nữ sĩ Hồ Xuân Hương để lột trần những thối-nát của xã hội dưới các lớp hào nhoáng của giới quyền thế và giới ăn chơi, và đề ra những tư-tưởng nhân-bản rất phóng khoáng, rất hiện thực của hai người đã được nhân dân Việt Nam đón nhận như chưa từng thấy cho một tác-giả nào ở bất cứ nơi đâu trên thế-giới.

 

 

Bài này không nói gì đến tư-tưởng và văn-chương của hai bậc kì-tài này ở đầu thế-kỉ thứ Mười Chín. Nhưng một phần nào kể rõ được mối tình văn-chương giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương theo những tài-liệu đã được phát hiện mà chưa được nghiên cứu kĩ-càng. Mặc dầu vẫn còn một số chi tiết chưa được sáng tỏ và còn phải chờ sự khám-phá ra những tài-liệu mới mà sự đích xác và trung-thực được xác định bằng những phương-pháp khoa-học, tác giả những dòng này có thể nói rằng cái hình-bóng thanh-tú thấp-thoáng của Hồ nữ sĩ trong văn-thơ của Tố-Như, đến có thể nói hơn nữa rằng

Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây

 

trong Ðoạn Trường Tân Thanh, là một trong những chứng-tích lớn để định được thời-gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều, và là một lí-lẽ quyết định để nói rằng Ðoạn Trường Tân Thanh không phải là một truyện dịch từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, như Trung-quốc vẫn còn nhất định chủ trương, mà chủ yếu là một bài thơ trường-thiên mà thi-sĩ Tố Như đã viết ra về cuộc đời tình cảm và tư-tưởng của chính mình, trên cái sườn hay cái cốt mượn của một truyện bán-lịch-sử, dựng lên ở Trung-quốc vào cuối đời Minh.

 

Mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là một chuyện mà gần như trong nước không ai biết cho đến khoảng 1963, ông Trần Thanh Mại tìm thấy lại một tập thơ, đề là Lưu Hương Kí, của Hồ Xuân Hương, trong có 52 bài: 24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm. Trong số các bài thơ nôm, có một bài rất quan trọng mà không ai dám ngờ đến, một bài đề rõ là

Cảm cựu kiêm trình

Cần-chính Học-sĩ Nguyễn-Hầu

(Hầu, Nghi Xuân, Tiên-Ðiền-nhân)

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung

Mượn ai tới đấy gửi cho cùng

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn

Giấc mộng rồi ra nửa khắc không

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập

Phấn son càng tủi phận long đong

Nếu còn mảy chút sương đeo mái (HXH = sương siu mấy)

Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

 

Tập Lưu Hương Kí chắc-chắn là sưu tập các thơ mà Hồ Xuân Hương ưng thuận nhận là của chính mình, vì trong các thơ chữ Hán có năm bài về Vịnh Hạ Long mà GS. Hoàng Xuân Hãn cũng đã tìm thấy ở Thư-viện Quốc-gia Pháp, đề là của Hồ Xuân Hương.

 

Còn bài thơ nôm thì là bài thơ độc nhất mà ta biết chắc là của Hồ Xuân Hương gửi cho Nguyễn Du, vì đề rõ là gửi cho Cần-Chánh Học-sĩ Nguyễn Hầu, là người quê ở Nghi-Xuân, Tiên-Ðiền. Bà không kí tên, nhưng có ghi chỗ ở mà Nguyễn Du biết, là Lầu Nguyệt, tức Cổ Nguyệt Ðường, chỗ bà mở một ngôi hàng bán giấy bút và sách ở Nghi Tàm, bên bờ Hồ Tây.

 

Trong bài thơ:

- Hai câu đầu nói về nỗi nhớ-nhung trong những năm xa cách,

- Rồi đến hai câu nhắc lại quá khứ. Ở trên, tôi nói đến mối tình giữa hai người, không phải là chuyện bày đặt. Chính là Hồ Xuân Hương nói đến “chữ tình,” đã đi đến độ cùng xây Mộng, nhưng không xa hơn.

- Rồi đến hai câu nói đến hiện-tại. Nguyễn Du thì đã đạt được nguyện-vọng quan sang, còn Hồ Xuân Hương còn “tủi phận long đong,” vì đã lấy chồng và đã bỏ chồng.

- Hai câu kết là một lời yêu cầu và hẹn hò. Có sự yêu cầu: Bà đang buồn tủi vì long đong, và cần sự nâng đỡ, nhưng không nói ra. Còn sự hẹn hò thì quá rõ, vì Lầu Nguyệt là nơi hai người đã ngồi ngắm trăng với nhau ngày xưa, và bà sẽ một mình đợi người xưa suốt đêm hôm ấy. Tuy-nhiên, Bà chưa biết tính ý của Ông bây giờ như thế nào, nên có một câu thử lòng và nói khích trước.

Nếu còn mẩy chút sương đeo mái

cũng là một câu nhún mình không thể nhún nhường hơn ở một người đàn bà, nhất là khi người ấy là Hồ Xuân Hương.

 

Ba chữ nôm sau cùng “sương đeo mái” được GS. Hoàng Xuân Hãn đọc là “sương siu mấy.” Tôi không đồng ý vì nếu “sương siu” là danh-từ, thì chữ “mấy” là sai ngữ-pháp, hơn nữa lại nghịch với “mẩy chút” 'một chút síu nào.' Ba chữ này, tôi nghĩ như nhiều người khác, trong số có hai ông Chi Ðiền Hoàng Duy Từ và Hương Giang Thái Văn Kiểm, là “sương đeo ở mái nhà,” với nghĩa là 'nhớ đến người con gái đã được thương yêu lúc trước' [có hai từ/mái/đồng âm: 1 /mái/ ‘nóc nhà’ và 2 /mái/ ‘giống cái’]. Tôi còn dám nghĩ là khi Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đi lại với nhau, Hồ Xuân Hương gọi Nguyễn Du là Anh Sương, có lẽ vì ông hay đội sương đến từ sớm hay rời nhà Cô khi sương xuống quanh Hồ đã dầy - Nguyễn Du cũng gọi Xuân Hương khi thì là Mai, khi là Xuân, khi là Hương, và trong thơ, gọi Cô là Minh Nguyệt hay rõ hơn nữa, là Cổ thì minh Nguyệt.

 

Bức thư trên được đưa tay đến cho Nguyễn Du khi năm 1813, ông từ Phú Xuân, trở lại Thăng Long để lên đường đi sứ sang triều cống Hoàng Ðế Trung Hoa, lúc đó là vua Càn Long. Do đó mà trong bức thư của Hồ Xuân Hương có câu:

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập

Nguyễn Du lúc đó là Chánh-Sứ, và trong chức-vụ ấy, đã được quan tuyên-úy thành Thăng Long tiếp rước, đưa về nhà khách của Chính-phủ, và mời ăn bữa tiệc tối có cầm ca.

Nguyễn Du quen biết với Hồ Phi Mai vào lúc nào?

 

Nguyễn Du sinh năm 1765 (Ất Dậu) ở Thăng Long con của Nguyễn Nghiễm (1708-1775) làm chức Tư-Ðồ (Tể-Tướng) trong triều, chỉ dưới có Chúa Trịnh (Trịnh Sâm), và em của Nguyễn Khản (1734-1786) Thượng Thư Bộ Lại của Chúa Trịnh Tông. Bị bắt phải về quê ở Tiên Ðiền, Hà Tĩnh, để học một ông bác đậu tiến-sĩ nhưng không tham chính, Nguyễn Du phải lo học rồi đi thi. Có lẽ vì quá tài hoa nên thi chỉ đỗ Tam Trường (đại khái là Tú-tài) và bị cha gửi lên Thái Nguyên làm con nuôi một viên quan võ, và khi bố nuôi chết thì được kế chân với chức Chánh Thủ-hiệu.

 

Nghe tin Nguyễn Huệ đem quân Bắc-tiến lần thứ ba và đã đánh tan quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị và Sầm Nghi Ðống chỉ huy ở Ngọc-Hồi và Thăng Long, Vua Lê Chiêu Thống cũng đã chạy theo quân Tàu, Nguyễn Du từ Thái Nguyên vội vàng về Thăng Long rồi chạy theo vua lên Lạng-sơn, chắc là với ý định bảo giá. Nhưng tới Ải Nam-quan thì bên phía Trung-hoa, cửa quan đã đóng và được canh phòng cẩn mật. Nguyễn Du đành trở về, đến với anh ruột là Nguyễn Nễ, đã theo vua Quang Trung cùng với một người bạn thân là Ðoàn Nguyễn Tuấn.

 

Tình thế lúc này rất phức tạp và không có một tài-liệu nào nói về Nguyễn Du và gia đình. Ở Tiên Ðiền thì, vì một người anh là Nguyễn Quýnh tổ chức dân làng chống lại Tây Sơn nên cả làng bị tàn phá, còn nhà cửa, lâu đài của cha bị đốt trụi. Ở Thăng Long thì Dinh Kim-Âu của Nguyễn Khản, mà sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí khen là tuyệt trần, “có núi, có hồ, có cây, có đá” thì đã bị phá nát bởi bọn kiêu-binh nổi loạn. Không biết Nguyễn Du lấy vợ năm nào, tôi nghĩ là vào lúc Nguyễn Du thất bại trong dự-tính hộ-giá và đang ở trong một trạng thái tâm-lí hoang-mang, cùng-quẫn đến cực-điểm, Nguyễn Nễ và Ðoàn Nguyễn Tuấn đã bàn tính với nhau rồi cho Nguyễn Du cưới vội cô em gái của Ðoàn để có thể cấp tốc về ẩn thân ở nhà vợ tại Quỳnh Côi, Thái Bình.

 

Thời gian Nguyễn Du về trốn ở đây, mà trong thơ ông gọi là “Thập tải phong-trần” 'mười năm gió bụi’ (loạn lạc) (1789-1798) và trong Ðoạn Trường Tân Thanh, được ghi lại rằng

Phong trần mài một lưỡi gươm

Những phường giá áo túi cơm xá gì

ông vẫn nuôi cái mộng “phục quốc,” nhưng trong thực-tế thì sống lo-âu, sợ-hãi trong sự rình mò của bọn nông dân đi theo Tây Sơn trong làng:

Nhà tối, giun bò ra

Bếp hoang, cóc ngồi chật

Nguyễn Du tự ví với con mối hay thằn lằn nằm khoanh tròn trên cái vách nát, chờ bọn ếch nhái chồm lên đớp.

Trăng soi vách thủy, khoanh lằn mối,

Nước cạn đầm hoang rộn ễnh ương (hà mô)

 

Sau đó, được về ở quê nhà mình tại Tiên Ðiền, Hà-Tĩnh trong năm năm (1798-1802) chịu cảnh nghèo đói, lại bệnh tật mà không tiền thuốc men, ông vẫn tính chuyện khôi-phục lại được chế độ cũ và đã liều lĩnh trốn lên Nghệ An rồi lên đường vào Nam để giúp Nguyễn Ánh nhưng rồi bị bắt giam, may mắn mà khỏi chết chém. Lúc được thả ra thì như người cuồng, chuyển từ sự muốn tu tiên đến giấc mộng hành lạc

Cuộc vui suốt tháng, trận cười thâu đêm.

 

Suốt mười lăm năm ròng của tuổi trẻ, từ lúc 23 tuổi đến năm 38 tuổi (từ 1789-1802), Nguyễn Du không lúc nào thảnh thơi mà nghĩ đến những chuyện đào hoa, mà cũng không sao có được phương-tiện mà lên Thăng Long thường xuyên để đi lại với cô hàng sách trẻ đẹp ở Hồ Tây.

 

Mọi việc khác đi hẳn sau khi Nguyễn Du được Vua Gia Long phong cho làm Tri-huyện Phù Dung ở Trấn Sơn Nam-Thượng, rồi làm Tri-phủ Phủ Thường Tín.

 

Hồ Xuân Hương tên thực là Hồ Phi Mai, con một nhà nho tên là Hồ Phi Diễn, gốc ở huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, Nghệ An, nhưng đến đời Hồ Phi Diễn thì di cư ra Bắc, ở ngoại-ô phía Tây Thăng Long, có lẽ là tại làng Bưởi.

 

Năm sinh của Hồ Phi Mai không được ghi trong gia-phả, ước chừng trong khoảng 1770 đến 1774, sau năm sinh của Nguyễn Du từ 6 đến 10 năm. Vì không có con trai, nên Hồ Phi Diễn dạy con gái học chữ mặc dầu con gái không có quyền thi cử; và có lẽ vì ông chết sớm, nên Phi Mai từ sớm đã được đọc nhiều sách gọi là “ngoại thư” mà không có ai ngăn cản, nên tính tính phóng khoáng, tư-tưởng tự do hơn người.

 

Sau khi cha chết, Hồ Phi Mai và mẹ dọn nhà ra ở một ngôi nhà có gác ở Nghi Tàm, trên bờ Hồ Tây, đề biển là Cổ Nguyệt Ðường, nhà dưới làm một cửa hàng bán giấy bút và sách. Ông Phạm Trọng Chánh cho rằng quán sách của Hồ Phi Mai ở Nam Phố gần chùa Lý-Quốc-sư, nhưng không có lẽ nhà lại có bảng hiệu mà quán sách lại không; vả lại các khách tài-tử văn-nhân làm quen với Hồ Phi Mai rồi lui tới thơ phú với Cô là ở quán sách, rồi ngồi chơi ngay đó mà ngâm vịnh, chứ không có lí ghé mua sách ở hiệu mà lại được mời về nhà riêng chuyện trò.

 

Nguyễn Du quen với cô hàng sách của Cổ Nguyệt Ðường, nhiều phần là trong thời-gian ông làm tri-phủ Thường Tín, hay trước nữa, khi làm tri-phủ Phù Dung. Hai nơi này không xa Thăng Long, mà Nguyễn Du lúc này không còn úy-kị gì nữa, nên sự đi lại tự do, không phải dè dặt, trốn tránh. Khi về Thăng Long thì ông phải ở trọ, không biết rõ ở đâu, có gần cửa Bắc để đi lên Hồ Tây cho dễ hay không. Gần như chắc chắn rằng giữa hai người qua văn thơ, qua phong cảnh đẹp và nên thơ của Hồ Tây, và nhất là qua sự quyến luyến bịn-rịn của người khách hàng đẹp trai,

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa,

 

là Nguyễn Du, sự thân mật của cặp tài-tử và giai-nhân này đã tăng dần và tiến đến chỗ

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.

Hai người đao dắt tay nhau đi dạo cảnh hồ như Nguyễn Du kể lại trong thơ của Ðoạn Trường Tân Thanh

Ngày xuân lắm lúc đi về với Xuân

[Chữ Xuân sau chỉ vào chính Hồ Xuân Hương]

 

Và cũng đã nhiều chiều, về nhà với nhau, hai người đã dạo chơi trong vườn với đào, với mai, hay cùng nhau lên gác nguyệt ngắm trăng:

Khi gió gác, khi trăng sân

Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nói thơ,

hay ngồi uống trà với nhau, bên bàn cờ vây hoặc cùng nhau hòa đàn

Khi hương sớm, khi trà trưa,

Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn.

 

Ðó là những cái thú tao-nhã và thanh-lịch mà cặp tài-tử với giai-nhân thường vui thưởng trong ba năm liền, mà Hồ Xuân Hương gọi là “tình” và Nguyễn Du cũng không quên được khi ông nhận được bức hoa-tiên của nàng. Ông cho Kim Trọng nói ra hộ ông:

Sầu đong càng lắc càng đầy

Ba thu rồn lại một ngày dài ghê

(dị bản: dọn lại)

 

Vào một ngày Tết Ðoan-Ngọ, Nguyễn Du đến Cổ Nguyệt Ðường từ sáng tinh sương, vẻ trang trọng và hơi buồn rầu, Phi Mai hỏi thì Nguyễn Du nói thực rằng ngày lễ Kỉ-niệm thi-sĩ Khuất Nguyên nước Sở (đã ôm bọc đá sỏi trầm mình ở Sông Mịch-La để khỏi thấy cảnh nước mình bị nhà Tần thôn tính), ông buồn vì đã không được chết như thế khi Nhà Lê, mà ông thờ phụng, bị mất, vua phải lưu lạc sang Tầu. Hồ Xuân Hương - từ đây tôi sẽ dùng cái bút-hiệu cao-quí thanh tao này của Phi Mai-, liền vào trong bưng ra cho Nguyễn Du một đĩa bánh trôi mới nấu xong, với một bài thơ tứ-tuyệt, nét bút còn ướt. Thơ rằng:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non,

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

 

Nguyễn Du rất phục và tăng thêm lòng kính trọng người thục-nữ chí cao. Ít lâu sau thì có chiếu chỉ gọi Nguyễn Du vào kinh. Nguyễn Du vẫn thầm ước mong được vào chầu vua vì biết rằng với một chức quan nhỏ ở Bắc hà xa xôi thì không hi vọng gì tỏ lộ được tài của mình. Ông cũng có chút lo âu vì mình không được theo Vua từ đầu và có những tin đồn về sự đa-nghi, quyết đoán và dữ dằn của Vua. Ông đến với Hồ Xuân Hương để thăm dò ý-kiến và có lẽ tạm thời từ biệt; vì thực tâm ông muốn lai kinh để thử thời-vận. Hồ Xuân Hương can không được, làm một bài thơ kích-bác, lời lẽ tinh-quái, ỡm-ờ, để cố ngăn ông bỏ cái ý định qua Ðèo Ba Dọi vào kinh kiếm chức quan. Bài thơ phải được đọc theo giọng Nghệ An Hà Tĩnh là quê của Nguyễn Du (và cũng là gốc của Hồ Xuân Hương), và phải được hiểu với những lời đàm-tiếu của sĩ-phu Bắc Hà còn nặng lòng với nhà Lê, truyền lại qua một bài thơ được truyền tụng trong thời ấy khi Vua Gia Long chiêu dụ các nhân-tài Miền Bắc:

Lê triều nhị thập tứ tiến sĩ,

Bát chân, bát ngụy, bát chân ngụy.

Như kim thoát đắc triền đầu cân

Vị thức thùy phi hươu thùy thị.

Bài thơ có được chép trong Quốc Sử Di Biên, và được cụ Hồng-Liên Lê Xuân Giáo dịch lại năm 1979 là:

Triều Lê hăm bốn vị tiến-sĩ

Tám chân, tám ngụy, tám chân ngụy.

Ngày nay thoát chết khỏi bay đầu

Chưa biết ai phi và ai thị.

Bài thơ của Hồ Xuân Hương là một tuyệt-tác, mà không người Việt-Nam có học nào không thuộc lòng:

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ loét tùm lum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt léo cành thông cơn gió lốc,

Ðầm đìa lá liễu giọt sương gieo.

Hiền nhân quân tử ai là chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

Câu 1 gọi tên Ðèo Ba Dọi ra; nói theo giọng Nghệ, rõ-ràng ba cái đẹo, đúng như câu 2 nói: “cheo leo” nguy nan, vắt vẻo vất vả, và là một cảnh nổi.

Câu 3 nói về cái cửa của nhà quan, rực rỡ, giầu sang.

Câu 4 hạ ngay xuống sự nguy-hiểm rình rập, chơn và ướt, nếu trượt chân là mất mạng như chơi.

Câu 5 và 6 là để nói rằng ngoài những hiểm nghèo của chốn quan trường, lại còn những chuyện trai gái khó tránh. Xin ghi nhớ ba chữ “giọt sương gieo” là đặc biệt cho Nguyễn Du.

Hai câu 7 và 8 là hai câu nói móc: Chàng vẫn tự nhận là “Hiền nhân quân tử” nhưng là “thứ thiệt” theo cách nói rất thẳng của Miền Nam, hay chỉ là phường “chân ngụy” mà người ta chế riễu = 'giả đạo đức, trong bụng chứa đầy dục vọng và tham vọng.’

“Hay hèn lẽ cũng nối điêu,

nhưng trong lòng thi-sĩ lúc ấy đã quyết “một hai điều ngang ngang,” nên Nguyễn Du

Họa vần xin hãy chịu nàng hôm nay,

và ông vượt đèo Tam Ðiệp vào Kinh để nhận lãnh chức Cai-bạ Quảng Bình.

 

Khi ở Thường Tín, Nguyễn Du không làm một bài thơ chữ Hán nào, có leo vì tâm hồn thanh thản, yên vui. Thơ xướng họa với Hồ Xuân Hương thì không có bài nào chắc chắn đã được ghi lại, có lẽ vì Nguyễn Du muốn dấu và vì Hồ Xuân Hương còn ở nhà với mẹ.

 

Vào làm quan ở Quảng Bình, Nguyễn Du để lại ở đây 32-33 bài, trong số 40 bài của tập Nam Trung Tạp Ngâm. Một bài MỘNG ÐẮC THÁI LIÊN 'Chiêm bao được đi Hái Sen' mơ có hẹn đi hái sen với cô hàng xóm bên đông, hay cười nói, trong có hai đoạn:

Hoa sen ai cũng ưa,

Cuống sen [có] ai thích?

Trong cuống có tơ mành,

Vấn vương không hề đứt.

Lá sen màu xanh xanh,

Hoa sen dáng xinh xinh;

Hái sen chớ đụng ngó,

Năm sau hoa chẳng sinh

(Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch) [đổi 1 chữ]

 

Hầu hết các học-giả đều nghĩ rằng bài này chỉ vào Hồ Xuân Hương. Nhưng Hồ Xuân Hương là “đông lân nữ” hay là bông sen “kiều doanh doanh”? Nghĩa-lí của giấc mơ hái sen là gì, chưa được giải.

 

Ghi nhận rằng bài thơ rất nhẹ nhàng thanh thoát này là một ước-vọng bắt nguồn từ sự nhớ-nhung, tôi nghĩ rằng Nguyễn Du mới rời Xuân Hương chưa lâu, nghĩa là chỉ từ ngày ông từ biệt cô ở Cổ Nguyệt Ðường, sau bài thơ Ðèo Ba Dọi.

 

Những bài thơ khác còn lại trong tập Nam Trung tỏ ra rằng Nguyễn Du không những buồn, mà nhiều lúc như người cuồng, xỏa tóc hát ngông ở bờ sông, hay nghĩ mình như người lính thú, lấy sáo ra thổi bài “Mai hoa lạc” (Hoa Mai rụng), và có lúc nghĩ đến sự chết. Buồn vì nhớ quê, hay nhớ ai? vì tự thấy cuộc đời vô nghĩa, hay chỉ vì mình đã già rồi mà sự-nghiệp vẫn chẳng có chi và tình duyên còn trắc trở (Mai rụng = không còn Mai)?

 

Bốn năm như thế, rồi bỗng lại có Chiếu gọi về Kinh, và nhận mệnh Vua đi sứ sang Bắc Kinh.

Trở lại Thăng Long, và nhận được bức thư của Hồ Xuân Hương.

 

Nguyễn Du vô cùng cảm động và cũng vô cùng bối rối. Vì Hồ Xuân Hương mong được gặp lại Nguyễn Du, nàng đang trong một lúc “long đong” có lẽ khốn quẫn, nàng cầu được gặp lại ngay trong đêm và sẽ thức để chờ suốt đêm năm canh; nhưng ngay tối đó, quan tuyên-úy thành Thăng Long lại đặt tiệc đón quan Chánh-sứ để tiễn đưa sứ bộ lên đường. Mà người đưa thư đã chạy đi rồi, không biết làm sao mà trả lời thư được.

 

Tôi không kể những sự-kiện xẩy ra trong hai ngày Nguyễn Du ở lại kinh thành. Cùng với bức thư, những sự-kiện này đã là

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

nghĩa là mối xúc-cảm cao-độ đã thúc đẩy Nguyễn Du viết bài thơ trường-thiên đề là Ðoạn Trường Tân Thanh.

Nguyễn Du bị bắt buộc phải coi nhẹ lời cầu khẩn của Hồ Xuân Hương, một phần vì tình-thế không cho phép, một phần (có lẽ là phần chính) vì sợ bị báo cáo về Vua và bị trừng phạt bởi những hình-cụ kinh người của thời ấy. Ông thú nhận rằng

Nghĩ mình phương diện quốc gia,

Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào,

nhất cử nhất động của quan Chánh-sứ đều không thể ra ngoài sự dò xét của quan nha.

Ông buồn lắm và từ bữa tiệc về, ông lang thang trong thành:

Thâu đêm chẳng ngủ, lòng thêm bộn

Ðịch thổi trăng trong, tiếng não nùng.

Thành mới trăng xưa, bóng tỏ mờ

Thăng Long nghìn trước, chốn kinh đô,

Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa

Ðiệu mới xô bồ nhịp trúc tơ...

(Quách Tấn dịch)

Thơ chữ Hán mới nói rõ mối thương-cảm trong tâm của thi-sĩ. Thi-sĩ đi bên những đống đá vụn trên những con đường mới của đô thành trong tiếng sáo thổi những “tân thanh” (điệu mới của Miền Nam), và chỉ còn có “ánh trăng sáng” (minh-nguyệt), hơn nữa “ánh trăng sáng của thời xưa” (Cổ thì minh nguyệt) soi đường để còn có tâm-tình trong kí-ức:

Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy

Ðoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

CỔ thời minh NGUYỆT chiếu tân thành

Do thị Thăng Long cựu đế kinh.

. . . . .

Rồi từ đó lên đường sang Trung-quốc, nhưng đêm đêm ông lại ra mạn thuyền hay đứng trên lan can, chờ trăng lên, nhớ đến nàng ở nhà vò võ một mÉnh:

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Nhưng rồi lòng nhớ cũng dần-dần nguôi ngoai trên con đường vạn dặm, nhất là sau khi vượt Trường-giang lên đến miền Bắc thì có những cảnh vô cùng thương tâm, hạn hán và nạn đói, rồi nạn lụt sông Hoàng Hà, rồi cuộc loạn của nôngđân hướng dẫn bởi đảng Bạch Liên, và những cảnh bên đường gợi lên những cảm-xúc ngất trời. Nguyễn Du biến đổi trên từng chặng đường, tâm từ thâm sâu hơn, hào-khí bốc lên ngùn-ngụt, lòng trung dũng cũ lại nổi lên nhưng với một nhân-sinh-quan dường như đã mở rộng hơn nhiều.

Ðường về bình-thản hơn mặc dầu còn phải đổi hành-trình để tránh giặc. Nhưng tới gần Sông Dương-tử thì trong lòng lại sao xuyến, có lẽ vì hi-vọng được tới Tây Hồ không được thỏa mãn, sứ-đoàn phải đổi đường đi. Ngồi trong xe, ông tưởng tượng ra rằng ông có đến Tây Hồ viếng một nữ-sĩ bị chết bởi oan-tình, là Phùng Huyền Huyền, tự là Tiểu Thanh. Bài thơ Ðộc Tiểu Thanh Kí mà ông viết trên đường là một bài tư-tưởng thâm trầm, tình ý rào rạt, trong đó ông tự buộc mình vào sự bạc-mệnh của người xưa. Tôi chỉ hiểu được một phần những quan niệm của ông về văn-chương và sự sống, nhưng không thấy được rõ ý tứ thầm kín của ông. Có lẽ trong trực giác của nhà thơ, Nguyễn Du lo sợ cho số mệnh của Tây Hồ nữ-sĩ của ông, mà ông đã bỏ đi gần một năm trời trong lúc nàng đang trong cảnh “phấn son càng tủi phận long đong” của một người tài-hoa phải đi làm lẽ. Ông dùng cuộc đời của Tiểu Thanh để nói về Hồ Xuân Hương, và ông tự đặt mình vào trong cái hận, cái oan kim cổ của người phong-vận:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kì oan ngã tự cư

[Mối hận cổ kim khó hỏi trời

Nỗi oan phong-vận có ta ở trong]

 

Sứ-đoàn về tới Giang Tây thì Nguyean Du yêu cầu đến lò sứ Cảnh-Ðức, không biết có phải là vì Vua có sai mua cái gì hay không (như có người nêu lên như thế). Về phần ông thì ông đặt mua sáu cái đĩa Mai Hạc, mà ông đề với một liên thơ lục-bát chữ nôm. Người thợ tô đúng như ông viết, vì ông ta không đọc được chữ nôm. Sáu cái đĩa được nung lên, ghi thành ba dòng cọc-cạch, là

Nghêu ngao vui thú yên hà,

Mai làm bạn cũ, hạc là người quen.

Tôi nghĩ rằng, dầu là hai câu lục bát đầu tiên được viết ra, thơ của Nguyễn Du cũng không thể ngớ ngẩn như thế. Và, vẫn theo thiển ý, Nguyễn Du đã viết:

Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là người cũ, hạc là bạn xưa,

nhưng thấy rằng viết thế thì quá lộ liễu, thi-sĩ đã bôi sáu chữ cuối đi và viết sang hàng bên cạnh:

bạn cũ, hạc là người quen.

Tâm-hồn thanh cao của thi-sĩ được giữ lại ngàn đời sau trong câu thơ gẫy thước của ông.

 

Về đến Thăng Long, việc đầu tiên ông làm khi có thì giờ rảnh việc, là gói một cái đĩa sứ đi lên Nghi Tàm, đến Cổ Nguyệt Ðường để tâm-sự với cố-nhân. Tới nơi, ông bàng hoàng, và ông tả cái cảnh ấy một cách hiện thực như ông thấy, chứ không phải như Kim Trọng từ Liên Ðông về tìm Thúy Kiều:

Nhìn xem phong-cảnh nay đà khác xưa:

Ðầy vườn cỏ mọc lưa thưa

[Ðây là cái vườn mai nhỏ của Cổ Nguyệt Ðường. Trong một năm qua không người trông nom, cỏ đã mọc với thưa thớt vài ngọn lau].

Song trăng quạnh-quẽ, vách mưa rã rời

[Song trăng là cái cửa sổ ngắm trăng, ngày xưa có hai người cùng ngồi, “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên,” và có thể, một buổi nào đó,

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Ðinh ninh hai miệng một lời song song.

Còn cái phên che mưa thì nay đã rã rời rách nát, tỏ ra rằng từ lúc hai người ngồi đàm đạo với nhau trong trời mưa đến nay, cũng đã phải mấy mùa nắng mưa]

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

[Cây đào của nhà Thúy Kiều ở mé sau, trước phòng khuê của nàng; nàng ra đó chơi và bị vướng mất một “cành kim thoa.” Cây đào nhà Hồ Xuân Hương ở ngoài cửa chính]

Xập xè én liệng lầu không,

[Ðây là “lầu nguyệt” của nhà Hồ Xuân Hương. Nhà của Thúy Kiều không có lầu, nhưng có cái ngõ thông sau nhà]

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giầy;

Cuối tường, gai góc mọc đầy,

Ði về này những lối này năm xưa

[Ðây là con đường vào cửa hậu, hai người năm xưa thường dùng để về nhà sau khi đi chơi, như Nguyễn Du viết:

Ngày xuân lắm lúc đi về với Xuân.

Kiều chỉ lẻn sang phòng Kim Trọng có hai lần và phải đi rón rén, nên vết chân của nàng trên đường hẻm bỏ hoang (“nẻo thông mới rào”) không thể rõ như Nguyễn Du viết]

Chung quanh lặng ngắt như tờ

Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai.

 

Ðoạn Trường Tân Thanh là một bài thơ dài trong đó Truyện Kiều chỉ là một cái giàn bằng tre khô để cho hoa mọc lên. Cốt truyện hiến những cảnh-giới trong đó thi-sĩ móc vào những lời thơ tuyệt diệu của ông để nói lên tâm-tư của ông, những tình cảm của ông với quê hương, những rung động của ông trước những cảnh tế-nhị của thiên-nhiên, tư-tưởng bất khuất của ông trong nghịch cảnh, tình yêu quảng đại của ông cho những người “lạc loài” nghĩa là tha hóa trong một xã-hội phi-lí và phi-nhân. Và thêm vào đó, ông đã cố gửi được một bức thư cho người đẹp mà ông yêu trọng, kính mến, để trả lời từng câu, từng chữ một lá hoa tiên mà vì tình-thế, ông đã không đáp ứng được khi nhận thư.

 

Bài này chỉ nói đến sự việc chung quanh hai bức thư ấy. Trong sách Tố Như và Ðoạn Trường Tân Thanh, tôi đã kể lại và phân tích hai bức thư. Ðó là một chứng-tích minh-bạch cho hai điều:

1- Ðoạn Trường Tân Thanh được viết sau khi Nguyễn Du đi sứ về;

2- Ðoạn Trường Tân Thanh có mượn cốt truyện của Kim Vân Kiều Truyện; nhưng đã lược bỏ và thay đổi đi để nói được quan-niệm thẩm-mĩ và tư-tưởng nhân bản của thi-sĩ, và chỉ dùng truyện để thực hiện bài thơ lớn của thi-sĩ về cuộc đời.

Ðiểm cuối-cùng này là điều quan-trọng nhất về phương diện văn học sử.