Nguyễn Du

Loading...

Hát Xoan sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, theo đúng kỳ hạn, hồ sơ hát Xoan đã được gửi tới Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để xem xét, xác nhận Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cuối năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 10 của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tổ chức ở Namibia, đề nghị của Việt Nam về việc xem xét cho di sản Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp và xét đề cử di sản này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được thông qua.
 
Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO đưa di sản ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Đa số các quốc gia thành viên của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã đánh giá cao quá trình bảo tồn di sản và ủng hộ Việt Nam chuyển thẳng Hát Xoan Phú Thọ sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Ngay sau khi có ý kiến của UNESCO về việc xây dựng hồ sơ đưa Hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) và một số đơn vị liên quan triển khai xây dựng hồ sơ đề cử.
 
Biểu diễn hát xoan tại Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” năm 2015. Ảnh: Tạ Toàn - TTXVN
 
Hồ sơ được thảo luận và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như: Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và một số sở, ngành tại địa phương. Hồ sơ trình UNESCO công nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được chuẩn bị công phu từ phóng sự giới thiệu về di sản đến các ảnh và nội dung hồ sơ, thông tin đầy đủ của các tổ chức, cộng đồng liên quan đến di sản, kết cấu hồ sơ đảm bảo theo quy định của UNESCO.
 
Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho đến nay dựa trên các tiêu chí của UNESCO thì Hát Xoan bảo đảm mang tính giá trị, tính cộng đồng và được truyền dạy liên tục từ đời này qua đời khác. Những gì tỉnh đã và đang làm đã khẳng định sức sống mạnh mẽ của Hát Xoan kể cả trong không gian văn hóa đặc trưng và trong đời sống đương đại.
 
Hát Xoan đã có những tín hiệu vui, nếu năm 2010 chỉ có khoảng 13 câu lạc bộ của những người yêu thích Xoan với tổng số 298 thành viên thì đến năm 2015, ở Phú Thọ đã có hơn 30 câu lạc bộ Xoan với 1.103 thành viên.
 
Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân cao niên có thể diễn xướng, truyền dạy Xoan cổ, nay Hát Xoan đã có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu Xoan cổ. Phú Thọ cũng đã đi đầu trong việc vinh danh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan cho 52 nghệ nhân và 19 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lần thứ Nhất.
 
Đặc biệt, hiện đã hình thành ba thế hệ Hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo thế hệ trẻ đầy triển vọng. 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận. Các di tích liên quan tới Hát Xoan, nhất là miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đái (xã Kim Đức) và đình An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) - những di tích cổ nhất gắn với sự ra đời Hát Xoan đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về không gian diễn xướng của Hát Xoan và trao cho cộng đồng quyền quản lý.
 
Đồng thời, đã bước đầu phục hồi các tập tục và một số không gian trình diễn Hát Xoan tại cộng đồng. Điều này đã đem lại niềm hân hoan, phấn khởi cho các phường Xoan và người dân địa phương.
 
Hiện nay, tỉnh đang bám sát tiến trình đánh giá hồ sơ đề nghị đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh truyền dạy và sinh hoạt Hát Xoan tại các phường Xoan gốc, đặc biệt là duy trì tập quán hát thờ và truyền dạy cho các thanh thiếu nhi tại các phường Xoan gốc; tư liệu hóa, số hóa di sản và xuất bản Tổng tập Hát Xoan Phú Thọ; hoàn thành xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan trong trường học; nâng cao chất lượng, xem xét tiêu chí để công nhận Câu lạc bộ Hát Xoan cấp tỉnh; nghiên cứu xây dựng website Hát Xoan Phú Thọ.
 
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo khoa học giữa các nhà nghiên cứu ở địa phương và Trung ương để xác định những điểm giống và khác nhau giữa các phường Xoan; tập huấn nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý cho cán bộ văn hóa các xã có phường Xoan gốc, các xã có Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Hát Xoan; mở lớp truyền dạy cho giáo viên âm nhạc trong các trường học…
 
Sau hội nghị, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan một cách nghiêm túc, trách nhiệm, sớm đưa Hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
 
TheoTTXVN/Lâm Đào An
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.