Nguyễn Du

Loading...

Hai đại thi hào dân tộc: Nguyễn Du và J.W.Goethe

Đã có rất nhiều nghiên cứu về Nguyễn Du và truyện Kiều về mặt văn chương, triết lý,tôn giáo,bối cảnh lịch sử, tâm trạng tác giả… Trong bài này, chúng tôi muốn đem Nguyễn Du và truyện Kiều so sánh với một đại thi hào rất nổi tiếng thế giới: đó là thi hào J.W.goethe của dân tộc Đức và tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện Faust với những điểm tương đồng và khác biệt có thể coi như đại diện cho hai tính cách Đông phương và Tây phương.
 
I. Tác giả:
 
Nguyễn Du (1765 - 1820) sinh tại làng Tiên - Điền, Hà Tĩnh. Johann Wolfgang von Goethe (1769 - 1832) sinh tại thành phố Frankfurt am Main (nước Đức). Nguyễn Du lớn hơn Goethe 16 tuổi. Cả hai xuất thân từ một gia đình quyền quý, dòng dõi thế phiệt trâm anh. Thân sinh Nguyễn Du là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, mẹ là Trần Thi Tần nổi tiếng rất xinh đẹp và hát hay, có nhiều anh em làm quan đại thần. Bản thân Nguyễn Du từng là tri huyện, tri phủ, bố chánh, cần chánh điện đại học sĩ, hữu tham tri bộ lễ, chánh sứ đi Trung Quốc. Ông có kiến thức rộng về văn thơ, âm nhạc và binh thư. Ông sáng tác khá nhiều văn thơ bằng chữ Nho và chữ Nôm, nổi tiếng nhất là truyện Kiều.
 
Thân sinh của Goethe là nghị viện TP.Frankfurt, mẹ là con gái vị thanh tra giáo dục của thành phố. Gia đình thuộc dòng dõi quý tộc có học vấn cao. Goethe tốt nghiệp cử nhân luật. Ông học thêm nhiều ngoại ngữvà cổ ngữ châu Âu (La tinh, Do Thái… ) học thêm nhiều ngành khoa học nhân văn (văn học, lịch sử, nghệ thuật, hội họa… ) và khoa học tự nhiên (khoáng sản, thực vật học, kiến trúc, hóa học…) cả y học (giải phẫu). Ông đi du khảo trong nước và nhiều nước châu Âu. Ông hoạt động trong khá nhiều ngành: giảng dạy tại các Đại Học, giám đốc nhiều viện văn hóa và khoa học tự nhiên, giám đốc ngành khai mỏ, ngành xây dựng và cầu đường, bộ trưởng bộ chiến tranh (bộ quốc phòng bây giờ)thuộc lãnh địa công tước Karl August. Công tước này đã trao cho ông nhiều trọng trách, mời ông làm cố vấn tham gia cuộc chinh chiến đánh Pháp (1792) do chính công tước chỉ đạo. Nhờ sự học vấn uyên bác và hoạt động trong nhiều ngành ở nhiều cương vị lãnh đạo, Goethe giao lưu,kết bạn và trao đổi thư từ với nhiều chính khách và nhân vật nổi tiếng đương thời như Napoléon (lúc ấy đang chiếm đánh Đức,Áo...), các triết gia (Hegel, Kant,Schelling...) học giả ( Herder, Humboldt...), văn thi sĩ (Schiller, Hoelderlin, Lenz,...) nhạc sĩ Beethoven và hầu hết các nhà văn thơ lớn của các thời đại văn học Bão Táp và Xung Kích (1770 - 1785) và văn học cổ điển Đức (1786 - 1832).
 
Gia tài trứ tác của Goethe rất lớn, lần xuất bản mới nhất toàn bộ sáng tác của ông gồm 60 bộ sách, bao gồm nhiều lãnh vực: thơ, kịch, tiểu thuyết, nhật ký du khảo, thư từ trao đổi với các chính khách học giả, văn thi sĩ, hồi ký, các khảo cứu về nhiều bộ môn khoa học tự nhiên.
 
II. Tác Phẩm:Truyện Kiều và Truyện Faust.
 
Nguyễn Du sáng tác cả văn thơ chữ Hán (202 bài thơ), phổ biến trong giới Nho học. Về chữ Nôm là tiếng dân tộc thì truyện Kiều (3.254 câu) là được phổ biến rộng rãi từ vua quan, trí thức đến đám dân thường, kể cả người không biết chữ,ai cũng thuộc vài đoạn, nhớ vài ba câu câu Kiều để ngâm nga. Kiều đã trở nên món ăn tinh thần và gắn bó vào cuộc sống của cả dân tộc. Không chỉ biết ngâm Kiều mà còn bói Kiều, tập Kiều, lấy Kiều, được đưa lên sân khấu tuồng, cải lương... Một số câu Kiều đã trở thành tục ngữ, ngạn ngôn thông dụng. Kiều đã“gần như một thứ kinh thánh”(1) để vận dụng hàng ngày. Kiều là kiệt tác, là tác phẩm cổ điển tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa, được bình luận rộng rãi qua nhiều thời đại, được sau này dịch ra nhiều tiếng nước ngoài.
 
Goethe đã sáng tác truyện Faust bằng thơ (dài đến 12.111 câu) có xen vài đoạn văn xuôi mang kịch tính. Faust là kiệt tác của văn học cổ điển Đức được phổ biến rộng rãi trong nước, được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường, được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Việt.(2) Nhiều câu thơ của Faust đã trở thành châm ngôn, ngạn ngôn,những “lời hay ý đẹp” được xuất bản nhiều lần. (3) Nhà thơ người Đức Heine đánh giá Faust  là “Kinh thánh cuộc đời của dân tộc Đức” (4).
 
1/ Chủ đề của tác phẩm
 
Nàng Kiều thuộc giòng dõi danh giá, tài đức vẹn toàn, đã đính hôn với Kim Trọng. Bọn nha lại bất lương gây oán với gia đình, Kiều phải hy sinh tình riêng và bán mình chuộc cha cho trọn chữ hiếu làm con, chấp nhận hiểm nguy. Từ đó, nàng bị bọn buôn người xô đẩy vào cuộc đời gian truân, lận đận đầy oan trái trong suốt 15 năm,ba lần bị bán vào lầu xanh, ba lần tự tử vẫn không thể thoát được duyên số “tài mệnh”. Kiều là tiếng kêu bi thương ai oán của một người con gái tài ba đức hạnh mà phải cam phận sống cuộc đời oan trái tủi nhục do xã hội phong kiến suy đồi gây nên.
 
Chàng Faust là một thanh niên ham nghiên cứu khoa học với nghị lực phi thường để chinh phục thiên nhiên và phục vụ xã hội. Để thỏa mãn lòng đam mê tìm tòi hiểu biết của mình, Faust chấp nhận bán linh hồn mình cho quỷ Mephisto với cam kết nó sẽ giúp Faust thỏa mãn sự thèm khát hiểu biết, vươn tới sức mạnh trí tuệ cao độ. Từ đó Faust sống một cuộc đời hết sức hoạt động theo đuổi một sự nghiệp của nhà trí thức đầy trí tuệ  và năng động. Giai cấp tư sản Đức đang thời buổi phát triển, xem chàng Faust là một thách đố ngạo nghễ của giai cấp mình, là một anh hùng tư sản đang chống lại nền phong kiến đang tàn lụi.
 
2/ Bối cảnh lịch sử của Kiều Và Faust.
 
Kiều được viết trong lúc xã hội phong kiến Việt Nam tan rã thối nát, một thời loạn của thế kỷ XVIII. Triều Lê yếu kém, bị chúa Trịnh ức hiếp. Bọn quý tộc và quan lại, bọn sai nha, bà lớn cô chủ, kể cả tầng lớp kẻ sĩ đều tham ô, độc ác, hà hiếp dân nghèo. Đồng tiền ngự trị ở xã hội quyền thế. Bọn kiêu binh nổi dậy chém giết, tàn phá kinh thành, cướp bóc nhũng nhiệu. Các phong trào nông dân nổi lên khắp nơi, đặc biệt phong trào Tây Sơn hùng mạnh. Gia đình Nguyễn Du cũng bị liên lụy: dinh cơ của anh cả là Nguyễn Khản bị bọn kiêu binh đốt phá. Nhiều anh em họ hàng bị Tây Sơn giết chết. Chính Nguyễn Du cũng bị tù một thời gian. Sau đó phải sống chui lủi trốn tránh khắp nơi trong cảnh nghèo đói chia lìa. Đến đâu cũng phải chứng kiến cuộc đời đen bạc, loạn ly. Bối cảnh lịch sử xã hội ấy ảnh hưởng sâu xa trên thân thế và tác phẩm Kiều của Nguyễn Du. Ông làm quan bất đắc dĩ dưới thời Gia long, luôn có thái độ thụ động và miễn cưỡng. Tuy giữ nhiều chức vụ cao, nhưng ông không có quyền hành chẳng qua là do chính sách chiêu dụ của triều đại mới Gia Long. Trong 18 năm sĩ hoạn mà ba lần ông xin từ chức, thích sống ẩn dật.
 
Truyện Faust được sáng tác trong giai đoạn văn học Bão Táp và Xung Kích (1770 – 1780) của nước Đức, lên án chế độ phong kiến quý tộc tàn bạo vua chúa và quý tộc địa chủ trụy lạc. Phong trào văn học này bênh vực đẳng cấp thứ ba trong xã hội: gia sư, nhà văn nghèo, lao động bình thường và dân cùng khổ. Họ phơi bày ra ánh sáng những mâu thuẫn giữa hai giai cấp phong kiến quý tộc và giai cấp thứ ba: Sự ràng buộc khắt khe của trật tự và đạo lý phong kiến khiến cho cuộc sống ngột ngạt và thiếu tự do cá nhân.
 
Bản thân Goethe, tuy giữ nhiều chức vụ quan trọng giữa triều đình quận chúa,nhưng hoạt động của ông không đem lại một lý tưởng mà ông mong đợi: đòi lại quyền sống, ấm no, và sự tự do cho dân nghèo, tức là đi ngược lại quyền lợi và thế lực của vua chúa quý tộc và đại địa chủ. Họ luôn gây cản trở cho hoạt động của ông. Ông chán nản đời sống quan chức, bỏ triều đình đi du khảo nhiều năm tại nhiều nước châu Âu trong nhiều năm tháng và chuyên tâm học tập nghiên cứu thêm các ngành khoa học nhân văn và khóa học tự nhiên khác.
 
3/ Nội dung Kiều và Faust
 
Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của nhà văn Trung Quốc là Thanh Tâm tài nhân. Nhân vật Kiều là một kỹ nữ tài hoa có thật với cuộc đời chìm nổi gian truân đã trở thành một nhân vật trong truyện dân gian và trong nhiều tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc như Đới sỹ Lâm, Dư Hoài...
 
Truyện Faust của Goethe cũng lấy chất liệu trong truyện “Chàng tiến sĩ Faust” trong văn học dân gian Đức. Faust là một nhân vật có thật (1480 - 1530) sống ở vùng Tây Nam nước Đức. Đó là một chàng bán thuốc rong ở các chợ bằng cách xem tướng, biểu hiện những trò quỷ thuật, biết điều khiển quỷ thần để kiếm được nhiều tiền và danh tiếng. Xã hội thời ấy xem anh ta là kẻ thân cận của quỷ thần nên vừa sợ lại vừa khâm phục. Từ đó trong dân gian lan truyền các chuyện huyền thoại về một chàng trai dám tự ý đi theo con đường nhận thức riêng của mình nên bị nhà cầm quyền và giáo hội Thiên chúa giáo lên án và bị rơi vào tay ma quỷ và chết thảm hại. Nhà văn F.Spiess viết “Câu chuyện Tiến sĩ Faustus” đầu tiên (Xb.năm 1587) và được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng Anh (1588), tiếng Pháp và tiếng Hà Lan (1592), tiếng Tiệp (1611). Một vài nhà văn Đức cũng viết truyện về Faust (Xb. các năm 1599, 1674, 1713) đề cao giáo huấn đạo Thiên chúa  và cảnh cáo lòng kiêu ngạo về sự hiểu biết và sự tự nhận thức của Faust về cá nhân mình. Tại sao? Theo nghĩa đen “Faust” là nắm tay, quả đấm, nhưng theo nghĩa bóng nó ám chỉ sự quyết tâm tiến tới, sự tự quyền tự lập và có tính cách chống đối cấp trên. Giáo hội Thiên chúa giáo thời ấy cho sự khao khát hiểu biết là lòng say mê hành động,là sự kiêu ngạo cá nhân, là kết quả của việc kết bạn với ma quỷ và xem những bộ môn khoa học tự nhiên, những kiến thức khoa học của Copernicus, Gallilei,Darwin là những tư tưởng bạo động, thoán nghịch, chống lại giáo hội và cho đó là sản phẩm của ma quỷ.
 
Nhân vật Faust tượng trưng cho sự đam mê nghiên cứu và sáng tạo của xã hội Đức TK.XVIII. Tôn chỉ chàng Faust của Goethe là hành động và tự do.
 
4/ Mục tiêu diễn đạt.
 
Qua nhân vật Kiều, Nguyễn Du có ý diễn đạt sự đấu tranh giữa thiện và ác, bề mặt bề trái(tính lưỡng nghi) trong nội tâm của con người Việt Nam và dừng lại ở cảnh đoàn tụ gia đình và Kiều – Kim Trọng, nghĩa là bênh vực quyền sống của phụ nữ, vốn bị chà đạp trong xã hội phong kiến Việt Nam và cũng dừng lại ở đời sống tình cảm sum họp với hạnh phúc trần gian.
 
Qua nhân vật Faust và quỷ Mephisto, Goethe muốn biểu đạt sự tương tác giữa ánh sáng (bản năng cao thượng, sự vươn lên,sự hướng thiện và bóng tối (bản năng thấp hèn, sự ác trong mỗi con người (tính lưỡng nghi)đồng thời diễn đạt sự tranh đấu giữa thiện và ác trong nội tâm con người. Trong Faust phần I tác giả đề cập đến tình yêu giữa Faust và nàng Gretchen; trong Faust phần II, Goethe đề cập đến lý trí: vươn lên, hành động, đi tìm ý nghĩa cuộc đời, từ các vấn đề cá nhân một người (Faust) đến vấn đề lớn của loài người, khám phá và chinh phục thiên nhiên phục vụ con người.
5/ Thời gian và không gian trong truyện Kiều  và truyện Faust.
 
Trong truyện Kiều, cuộc đời lận đận của Kiều chỉ 15 năm, tương đối ngắn. Không gian cũng hạn hẹp, cuộc chiến giữa thiện và ác, giới hạn giữa hai tuyến: Kiều đối chọi với các nhân vật phản diện, khép kín trong một xã hội phong kiến và thế kỷ 18.
Trong truyện Faust: tác giả đề cập tới toàn bộ lịch sử nhân loại. Thời gian kéo dài suốt lịch sử loài người. Không gian rất rộng, cả toàn xã hội Đức giai cấp tư sản đang đà phát triển, đẳng cấp thứ ba (giới trung lưu và nghèo, buôn bán nhỏ, thợ thuyền, lao động, nông dân nghèo, trí thức hạ giới làm gia sư, thông dịch, viết thuê...) đấu tranh với tầng lớp phong kiến đang tàn lụi.
 
6/ Thể loại truyện Kiều và Faust.
 
Kiều được sáng tác bằng chữ Nôm, tiếng dân tộc, bằng thể truyện thơ lục bát là một thể loại văn học rất thịnh hành tại Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Truyện Kiều có 3.254 câu thơ. Thời gian Nguyễn Du sáng tác Kiều còn đang tranh cãi:hoặc trong lúc làm cai hạ ở Quảng Bình (1804 - 1809) hoặc được viết sau chuyến đi sứ Trung Quốc về (tháng 4.1814), nhưng trong thời gian ngắn, có truyền thuyết cho rằng chỉ trong một đêm.
 
Truyện Faust được viết bằng tiếng Đức là tiếng dân tộc. Faust gồm 12.111 câu xen lẫn nhiều đoạn văn xuôi mang tính kịch, là thể loại văn học đạt đỉnh cao nhất trong thời văn học Bão Táp và Xung Kích (1770 - 1785) cũng như văn học cổ điển Đức (1786 - 1832). Truyện Faust được tác giả viết suốt cả cuộc đời hoạt động của mình: thời trẻ ông viết truyện Faust I (xuất bản 1808) và Faust II được sáng tác vào tuổi 50 và kết thúc chỉ một năm trước khi mất vào tuổi 82, (năm 1831). Ông cho niêm phong lại, chỉ cho phép xuất bản (1832) sau khi ông mất. Goethe đã dành tất cả 60 năm đời mình để sáng tác truyện Faust, được xuất bản 4 lần sau khi viết xong từng phần một và lần xuất bản cuối cùng sau khi mất bao gồm 4 tập. Faust là một công trình đồ sộ của một thiên tài xuất chúng và một đại trí thức uyên bác.
 
7/ Cấu trúc tác phẩm
 
Truyện Kiều được bố trí theo đơn tuyến: gặp gỡ, ly biệt, đoàn tụ. Cuộc sống nàng Kiều được xây dựng theo thuyết “tài mệnh tương đố”.
 
Trái lại, truyện Faust được xây dựng theo đa tuyến nhưtinh thần của văn học khai sáng (1720 - 1785). Faust là chàng thanh niên năng động, không ngừng cố gắng vươn lên với lòng ham mê tìm hiểu và khám phá thiên nhiên để chinh phục nó và bắt nó phục vụ con người. Đây là một trào lưu tinh thần (triết học, văn học...) lấy lý trí làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình với tinh thần bình đẳng và có niềm tin vào sự tiến bộ, dùng lý trí để đi tìm chân lý và giải phóng tư tưởng cho mọi người.
 
8/  Nghệ thuật của Kiều và Faust.
 
a)Nguyễn Du và Goethe xây dựng những mẫu người lý tưởng theo phương pháp sáng tác theo khuynh hướng chủ nghĩa cổ điển. Nguyễn Du dựng nên những tình huống éo le cho gia đình dẫn đến Kiều vì chữ hiếu mà chịu hy sinh tình riêng tự bán mình cứu cha để bị sa vào cuộc đời trong chốn thanh lâu ô nhục. Tác giả Faust xây dựng ra tình huống tình cờ có chủ ý: Faust và quỷ Mephisto gặp nhau và ký kết giao kèo bán linh hồn của mình để thỏa mãn lòng ham mê tìm tòi hiểu biết và những dục vọng thấp hèn tầm thường.
 
b)Trong cả hai tác phẩm, tác giả đều dùng đến những yếu tố tâm linh hoang đường: bóng ma của Đạm tiên báo mộng, Kiều chết đi sống lại. Faust gặp Chúa và bán linh hồn cho quỷ Mephisto.
 
c) Nhân vật nữ là Kiều và Faust là nam giới được hai tác giả chọn để diễn đạt tính cách dân tộc của mình.Kiều mang cảm tính Đông phương: nặng về tình cảm,cam phận, thụ động.
 
               “Đau đớn thay phận đàn bà,
                Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (câu 83-84)
 
Trong suốt 15 năm sống lưu lạc, tủi nhục ở chốn thanh lâu, Kiều vẫn cố bám víu vào sự sống và vẫn giữ được cái cốt cách cao thượng cho trọn chữ hiếu chữ tình. Kiều là mẫu người lý tưởng về đức hạnh và tài sắc của thời đại ấy.
 
Chàng trai Faust là người trí thức có học vấn cao và có bản lĩnh đàn ông. Chàng luôn “cần cù nghiên cứu và dốc công gắng sức phi thường”(Tr.60). Faust có bản lĩnh ý chí cương quyết, dám tự ý riêng đi theo con đường mình ước mong để tìm tòi hiểu biết không ngừng về “những năng lực huyền bí, những mầm sinh vạn thuở” (Tr.61)
 
Trong buổi giao thời phong kiến -tư sản của xã hội Đức thì Faust là một mẫu người lý tưởng. Faust không sống thụ động mà luôn sống chủ động: “khởi thủy là hành động”(câu 7a).Kiều luôn bị động trong mọi tình huống éo le trắc trở, tuy chịu cam phận, nhưng vẫn giữ được bản tính cao đẹp vốn có của tâm hồn mình. (Không trả thù độc ác hay giết Hoạn thư là người đã cư xử rất tànác với mình, thương cảm Đạm tiên làngười tài ba mà chết yểu...)
 
Faust đã gieo kèo bán linh hồn cho quỷ Mephisto với mục đích thỏa mãn lòng ham muốn tìm tòi nghiên cứu, nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh tao không bị sa lầy nơi dục vọng thấp hèn mà vươn lên được tới mục đích của đời mình (khai khẩn đất hoang, mở thêm bờ cõi cho đất nước...). Faust đã hoạt động và nổ lực không ngừng, đã dùng lý trí hướng dẫn đường đời của mình không để tình cảm lấn át hoạt động mình.Kiều đại diện cá tính con người Đông phương: sống thụ động, nặng về tình cảm và có ý thức cộng đồng. Faust đại diện nhân cách Tây phương: sống nặng về lý,duy ý chí, cá nhân chủ nghĩa,lấy hành động làm phương châm cuộc đời.
 
9/ Triết lý của Kiều và Faust
 
Kiều đại diện triết lý Đông phương: tài mệnh tương đố được lý giải thông qua cái nghiệp theo luật nhân quả của Phật giáo, có khuynh hướng nhất nguyên luận (Monism) của Đông phương, đặc biệt ở Đạo học.
 
Faust đại diện triết lý Tây phương: duy lý, triết lý về lẽ sống và sự nghiệp con người thông qua hành động và nỗ lực tìm tòi hiểu biết, tìm ra con đường chân lý. Faust hướng về thuyết nhị nguyên luận (Dualism)
 
10/ Tư tưởng tôn giáo:
 
Kiều chịu ảnh hưởng Phật, Nho, Lão, đang khi Faust chịu ảnh hưởng Thiên chúa giáo. Cả hai đều là những tín ngưỡng của dân tộc mình.
 
III. Hai thiên tài dân tộc
 
Nguyễn Du và Goethe là hai thiên tài dân tộc mình. Kiều và Faust là đỉnh cao của văn học hai nước. Triết gia Đức F.Nietzsche đã ca tụng Goethe như sau:“Goethe không chỉ là một người tốt, một đại tài mà là cả một văn hóa. Trong lịch sử dân tộc Đức, Goethe là một sự tình cờ không có đoạn kết” (5). Cả hai đều biết tận dụng ngôn ngữ dân tộc, khai thác một cách sáng tạo ca dao, tục ngữ và diễn đạt hợp tâm lý đại chúng. Nguyễn Du đề cập đến những vấn đề cốt yếu trong xã hội con người Việt Nam: thiện -ác, ghen tuông, tính tương phản (hai mặt phải trái...), số phận và nêu bật tính cách Đông phương thiên về tình cảm. Goethe nêu lên vấn đề cốt lõi con người: đi tìm cái lẽ sống đích thực và làm nổi bật tính cách Tây phương thiên về lý trí và cá nhân chủ nghĩa. Tình yêu giữa Kiều và Kim Trọng, giữa nàng Gretchen và chàng Faust đều chân thật trong sáng. Khác nhau ở chỗ Kim Trọng chấp nhận hoàn cảnh,lấy giải pháp dung hòa là cưới Thúy Vân em Thúy Kiều. Đang khi nàng Gretchen chết oan ức rất trẻ, bị tử hình vì tội giết con mình (do quỷ Saphisto dụ dỗ). Thì Faust vươn lên phấn đấu nổ lực vượt qua đau buồn, sống tiếp cuộc đời hành động làm cho cuộc đời mình mang lợi hữu ích cho dân tộc và nhân loại.
 
Truyện Kiều gói ghém tâm sự tác giả: một bầy tôi trung của nhà Lê, vì quốc biến mà không giữ được chữ trung phải phục vụ triều mới là nhà Nguyễn, như Kiều đã đính ước với Kim Trọng mà vì gia đình gặp nạn phải bán mình chuộc cha không giữ được chữ trinh với người yêu. Từ Hải là một tướng giặc chống lại triều đình được Nguyễn Du nâng lên thành “một đấng anh hùng” (6) cố ý đề cao các phong trào nông dân nổi lên chống áp bức độc tài của chế độ phong kiến thời ấy.
 
Faust là hoài bão của Goethe với ý chí vươn lên qua hoạt động và nghiên cứu tìm tòi cũng là ý chí phấn đấu của dân tộc Đức thời tư bản chủ nghĩa đang phấn đấu vượt qua tập đoàn phong kiến đang suy tàn. Nhưng khác nhau ở chỗ Nguyễn Du chỉ là nhà thơ có tài, nhà tư tưởng thâm sâu. Còn Goethe chẳng những là một đại thi hào màcòn là một học giả uyên thâm, có trí tuệ cao siêu bao quát nhiều ngành khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên. Sự nghiệp văn thơ của ông nghiên cứu rất vĩ đại: dịch kinh thánh, dịch các tác phẩm văn học Pháp (Voltaire, Diderot...) biên khảo nhiều đề tài khoa học khác nhau và được phổ biến cả châu Âu thời ấy. Sự khác biệt này là do hoàn cảnh giáo dục của Nguyễn Du với lối học từchương vô bổ của Nho học và ảnh hưởng của triết lý tam giáo Nho - Phật – Lão đặc biệt Á đông: thụ động, nhẫn nhục cam phận. Đang khi đó Goethe được hưởng thụ một nền giáo dục tiến bộ,khoa học rất tích cực và đa dạng và chịu ảnh hưởng sâu đậm của Thiên chúa giáo, đầy yếu tố chủ nghĩa cá nhân và duy lý và các phong trào tiến bộ châu Âu như cách mạng Pháp (1789). Đặc biệt là Goethe suốt đời giao lưu rất rộng rãi với nhiều chính khách, học giả, văn nghệ sĩ lớn của Đức và cả châu Âu nhất là đi du khảo rất nhiều và trong thời gian dài tại các nước châu Âu với tinh thần học hỏi nghiên cứu nhiều lãnh vực, đang lúc Nguyễn Du chỉ sống gò bó trong nước, trừ ra một lần đi sứ Trung Quốc với phương tiện eo hẹp, lạc hậu thời bấy giờ.
 
Năm 1999  nước Đức và rất nhiều viện Goethe trên thế giới long trọng kỷ niệm 200 năm sinh của đại thi hào Goethe. Nhà xb. Hanser tại TP.Munich đã bỏ ra 14 năm trời để xuất bản toàn bộ gia tài trứ tác của Goethe gồm 32 bộ sách, giá trọn bộ là 2.700 Đức mã (khoảng 1.500 USD năm 1999). Với công sức làm việc và với số tiền rất lớn để đưa ra thị trường một bộ sách đắt như thế thì chúng ta thấy sự hâm mộ và kính trọng của dân tộc Đức đối với văn học cao độ như thê nào. Năm nay đại thi hào Nguyễn Du được dân ta tổ chức long trọng kỷ niệm 250 ngày sinh, không biết truyện Kiều và gia tài trứ tác của cụ có được cái danh dự phổ biến và đón tiếp nồng hậu của những thế hệ mai sau chúng ta ngày nay như thế nào?
 
Chú thích:
 
1). Trương Minh Đức, 2005 tr.25
2). Các bản dịch tiếng Việt của Đỗ Ngoạn (NXb Văn học 1955), Đỗ Ngoạn và Thế Lữ (NXb Văn học 1977)
3). Tác giả W.Hoyer trong cuốn Goethe – Maximen undReflexionen, Wiesbaden 1954. (Goethe - châm ngôn và những suy  tư) chọn lọc được 1356 câu trích từ Faust.
4). Lương văn Hồng, 2003 Đại cương văn học Đức, Nxb văn học, tr.111
5). Seehafer, 1999, tr.43
6). Khi đọc truyện Kiều vua Tự Đức phê bên lề đoạn về Từ Hải “tác giả đáng tội đòn”. Nguyễn Khắc Viện, 1971 tr.198
Tài liệu tham khảo:
Baumann, B. - Oberle, B. ,1985, Deutsche Literatur in Epochen (Văn học Đức qua các thời kỳ) Nxb M.Hueber, Đức.
Đào Văn Vỹ, 1980, Nguyễn Du và thân phận con người hay Thúy Kiều và định mệnh, Văn hiến tập san (LosAngles) số 1 tr.59-79.
Goethe, J.W. ,1982, Nỗi đau của chàng Werther, Quang Chiến dịch, Nxb văn học. HN
Goethe, J.W. ,1997, FaustIund Faust II. Interpretationvon R.Sudan(Truyện Faust I và Faust II, R.Sudan bình luận)
Goethe, J.W. ,1999, Thơ trữ tình, Trần Dương dịch, Nxb Văn học. HN
Nguyễn Khắc Viện,1971, Giới thiệu truyện Kiều, Viện văn học VN, kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, Nxb. KHXH. Hanoi, tr.198
Seehafer, Klaus,1999, J.W.von Goethe – Dichter, Naturforscher, Staatsmann(Goethe – nhà thơ, nhà nghiên cứu thiên nhiên – nhà chính khách), Nxb.Inter Nationes, Bonn, Đức
Trần Ngọc Ninh,1972, Ý nghĩa truyện Kiều trong dân gian – cơ cấu và ý nghĩa, Bách khoa, Saigon số381, 13-22
Trương Minh Đức,2005, Tính lượng phân trong truyện Kiều, Nxb. Thanh niên.
Xuân Diệu,2001, Ba thi hào dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nxb.Thanh Niên. HN
 
 
Theo Nguyễn Tiến Hữu/ Văn hóa Nghệ An
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.